Dan Lee
03-01-2007, 10:52 PM
Ý TỨ, KẺO SẼ TỆ HƠN TRƯỚC
Việt Nam đang bước vào thời kỳ mở ra và cạnh tranh. Nhiều người hoan hỉ. Nhiều người lo âu. Nhiều người dửng dưng.
Còn tôi, mới sống cảnh này chưa nhiều, chưa lâu, tôi đã thấy xuất hiện trong tôi những cảm tưởng trái ngược.
Có lúc tôi có cảm tưởng như Quê Hương tôi, Hội Thánh tôi đang chào đón những làn gió hữu nghị êm dịu thổi vào từ nhiều biên cương tốt lành.
Có lúc tôi lại có cảm nghĩ như Đất Nước tôi, Giáo Hội tôi đang bị áp lực bởi những đợt sóng xâm lăng tinh vi tràn vào từ các khối trục lợi.
Điều tôi lo âu nhất là về lãnh vực văn hoá, đạo đức.
Tôi thiết nghĩ: Lo âu như vậy không phải là xấu. Điều quan trọng là giải quyết lo âu. Tôi giải quyết cho riêng tôi bằng ánh sáng tu đức. Hướng giải quyết sẽ dựa theo Lời Chúa Giêsu đã phán xưa.
1/ Lời Chúa cảnh báo
"Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: 'Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi'. Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng bị như vậy" (Mt 12,43-45).
Tôi gẫm suy lời Chúa cảnh báo trên đây, để áp dụng vào chính mình và những cộng đoàn công giáo.
Tôi thấy có 3 điều trong Lời Chúa trên đây nên để ý đặc biệt.
a) Quỷ "thấy nhà để trống" "Nhà" nói đây có thể hiểu về nếp sống mỗi người tín hữu và của mỗi cộng đoàn.
Nhà đó bề ngoài vẫn là nhà đạo. Nghĩa là vẫn khoác hình thức đạo. Nhưng bên trong nhà thì trống. Trống nói đây là trống vắng Nước Trời, trống vắng sự sống của Chúa, trống vắng những thao thức về thánh ý Chúa.
b) Quỷ "liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó".
Bảy thần khác dữ hơn nó là bảy thần nào?
Thưa câu trả lời được tìm thấy trong kinh "Cải tội bảy mối có bảy đức".
Đó là:
quỷ kiêu ngạo,
quỷ hà tiện,
quỷ dâm dục,
quỷ hờn giận,
quỷ mê ăn uống,
quỷ ghen ghét,
quỷ lười biếng.
Điều đáng ngại ở đây là bảy thần dữ đó được đón vào nhà và chúng ở lại, để ung dung thống trị.
c) "Rốt cuộc, tình trạng của người đó còn tệ hơn trước"
Tệ hơn trước vì nhiều lý do dễ thấy. Thí dụ:
Bề ngoài, thì ngôi nhà đó vẫn mang tên nhà đạo. Nhưng bên trong thì kinh khủng. Bảy thần dữ tự do tung hoành. Rồi từ đó bốc ra những chất độc hại là tinh thần xấu, lời nói xấu, việc làm xấu.
Các chất độc hại này làm ô nhiễm môi trường đạo từ từ, nhè nhẹ, không quá lộ liễu. Nên nhiều người xung quanh bị nhiễm độc mà không hay biết. Đâm ra mù quáng. Cuối cùng thì lòng đạo sụp đổ.
Những gì Chúa Giêsu đã cảnh báo đều đang xảy ra nơi người này, tổ chức nọ. Vậy chúng ta phải làm gì?
2/ Cách đối phó
Thiết tưởng, trước hết chúng ta phải đối phó bằng thực hiện Lời Chúa dạy. Chúa phán: "Chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (Lc 21,36).
Hãy tỉnh thức, và phải tỉnh thức luôn luôn. Tỉnh thức bằng sự hồi tâm, xét mình hằng ngày, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Đừng chủ quan, đừng dễ dãi với bất cứ thần dữ nào trong bảy quỷ đầu mối tội. Bởi vì bất cứ sự coi thường nào đối với một tên thần dữ cũng sẽ đưa ta vào bẫy. Bị sập bẫy của một quỷ dữ sẽ mở đường cho một chuỗi sập bẫy tiếp theo. Thí dụ khi ai đã sập vào bẫy của quỷ kiêu ngạo, thì các quỷ khác sẽ dễ dàng xâm chiếm tâm hồn kẻ đó. Dần dần toàn thể cuộc đời người đó sẽ bị lôi vào đủ thứ tệ hại. Điều tệ hại nhất là rất khó thức tỉnh, sám hối và trở về đàng lành.
Ngoài việc tỉnh thức bằng cầu nguyện, chúng ta cũng cần để ý mở rộng tầm nhìn bằng việc học hành. Học hành sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong tư tưởng và cách sống.
Thêm vào sự tỉnh thức bằng cầu nguyện và học hành, tôi nghĩ cũng cần biết dè dặt, thận trọng, cân nhắc, vì tình hình chẳng bao giờ đơn giản.
Kinh nghiệm cho tôi thấy: Mọi sụp đổ không bao giờ xảy ra đột ngột. Nó đã có những nứt nẻ, nghiêng lún to nhỏ trước rồi. Có chỗ dễ thấy được. Có chỗ khó thấy được.
Sụp đổ về đạo đức cũng vậy. Cá nhân hay cộng đoàn sụp đổ về đạo đức là kết quả của một tiến trình lâu dài. Không tỉnh thức, không cầu nguyện, không học hành, không thận trọng, ta sẽ tụt hậu và yếu dần. Ta sẽ không đối phó nổi các phong trào tư tưởng và lối sống hưởng thụ, thực dụng, đắc thắng và ghen ghét.
Những gì tôi chia sẻ trên đây có thể sẽ không làm hài lòng một số người nhìn thời mở ra và cạnh tranh như một cơ hội tự hào về những thành công duy vật chất.
Nhưng tôi tin rằng số người tìm về chiều sâu tâm hồn vẫn đông. Nhất là Hội Thánh Việt Nam, với "Năm sống đạo hôm nay" của Thư chung mục vụ Hội Đồng Giám mục Việt Nam, sẽ không bỏ qua bất cứ một thiện chí nào.
Hy vọng tương lai sẽ không tệ hơn trước, trái lại sẽ tốt đẹp hơn trước về nhiều mặt, cả vật chất lẫn tinh thần, cả đời lẫn đạo. Thực ra, kết quả sẽ tốt hay xấu, phần lớn là do mỗi người biết dùng hoàn cảnh một cách khôn ngoan hay không. Riêng đối với tôi, khôn ngoan gồm cả phương tiện tự nhiên lẫn siêu nhiên.
Thái độ khôn ngoan, tôi vừa nói, giúp tôi liên tưởng đến một sự kiện thời sự. Xin chia sẻ như một tâm tình để kết luận. Tâm tình tôi hướng về việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Toà Thánh Vatican cuối tháng này.
Sự kiện lịch sử này vừa là chính trị, vừa là tôn giáo. Tại Việt Nam có nhiều chính kiến, nên sự kiện này đang trở thành vấn đề nhạy cảm.
Tại Việt Nam có nhiều tôn giáo, nên sự kiện này cũng là vấn đề rất nhạy cảm.
Vì thế, người công giáo Việt Nam chúng ta nên đề cập đến sự kiện này một cách tế nhị và khôn ngoan hợp thánh ý Chúa.
Mọi sự phía trước đều là hy vọng. Mà hy vọng vẫn là hy vọng. Thiên Chúa giàu lòng thương xót là chủ mọi hy vọng. Chúng ta khiêm tốn cậy trông nơi Người.
Ðức Cha J.B. Bùi Tuần
Việt Nam đang bước vào thời kỳ mở ra và cạnh tranh. Nhiều người hoan hỉ. Nhiều người lo âu. Nhiều người dửng dưng.
Còn tôi, mới sống cảnh này chưa nhiều, chưa lâu, tôi đã thấy xuất hiện trong tôi những cảm tưởng trái ngược.
Có lúc tôi có cảm tưởng như Quê Hương tôi, Hội Thánh tôi đang chào đón những làn gió hữu nghị êm dịu thổi vào từ nhiều biên cương tốt lành.
Có lúc tôi lại có cảm nghĩ như Đất Nước tôi, Giáo Hội tôi đang bị áp lực bởi những đợt sóng xâm lăng tinh vi tràn vào từ các khối trục lợi.
Điều tôi lo âu nhất là về lãnh vực văn hoá, đạo đức.
Tôi thiết nghĩ: Lo âu như vậy không phải là xấu. Điều quan trọng là giải quyết lo âu. Tôi giải quyết cho riêng tôi bằng ánh sáng tu đức. Hướng giải quyết sẽ dựa theo Lời Chúa Giêsu đã phán xưa.
1/ Lời Chúa cảnh báo
"Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: 'Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi'. Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng bị như vậy" (Mt 12,43-45).
Tôi gẫm suy lời Chúa cảnh báo trên đây, để áp dụng vào chính mình và những cộng đoàn công giáo.
Tôi thấy có 3 điều trong Lời Chúa trên đây nên để ý đặc biệt.
a) Quỷ "thấy nhà để trống" "Nhà" nói đây có thể hiểu về nếp sống mỗi người tín hữu và của mỗi cộng đoàn.
Nhà đó bề ngoài vẫn là nhà đạo. Nghĩa là vẫn khoác hình thức đạo. Nhưng bên trong nhà thì trống. Trống nói đây là trống vắng Nước Trời, trống vắng sự sống của Chúa, trống vắng những thao thức về thánh ý Chúa.
b) Quỷ "liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó".
Bảy thần khác dữ hơn nó là bảy thần nào?
Thưa câu trả lời được tìm thấy trong kinh "Cải tội bảy mối có bảy đức".
Đó là:
quỷ kiêu ngạo,
quỷ hà tiện,
quỷ dâm dục,
quỷ hờn giận,
quỷ mê ăn uống,
quỷ ghen ghét,
quỷ lười biếng.
Điều đáng ngại ở đây là bảy thần dữ đó được đón vào nhà và chúng ở lại, để ung dung thống trị.
c) "Rốt cuộc, tình trạng của người đó còn tệ hơn trước"
Tệ hơn trước vì nhiều lý do dễ thấy. Thí dụ:
Bề ngoài, thì ngôi nhà đó vẫn mang tên nhà đạo. Nhưng bên trong thì kinh khủng. Bảy thần dữ tự do tung hoành. Rồi từ đó bốc ra những chất độc hại là tinh thần xấu, lời nói xấu, việc làm xấu.
Các chất độc hại này làm ô nhiễm môi trường đạo từ từ, nhè nhẹ, không quá lộ liễu. Nên nhiều người xung quanh bị nhiễm độc mà không hay biết. Đâm ra mù quáng. Cuối cùng thì lòng đạo sụp đổ.
Những gì Chúa Giêsu đã cảnh báo đều đang xảy ra nơi người này, tổ chức nọ. Vậy chúng ta phải làm gì?
2/ Cách đối phó
Thiết tưởng, trước hết chúng ta phải đối phó bằng thực hiện Lời Chúa dạy. Chúa phán: "Chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (Lc 21,36).
Hãy tỉnh thức, và phải tỉnh thức luôn luôn. Tỉnh thức bằng sự hồi tâm, xét mình hằng ngày, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Đừng chủ quan, đừng dễ dãi với bất cứ thần dữ nào trong bảy quỷ đầu mối tội. Bởi vì bất cứ sự coi thường nào đối với một tên thần dữ cũng sẽ đưa ta vào bẫy. Bị sập bẫy của một quỷ dữ sẽ mở đường cho một chuỗi sập bẫy tiếp theo. Thí dụ khi ai đã sập vào bẫy của quỷ kiêu ngạo, thì các quỷ khác sẽ dễ dàng xâm chiếm tâm hồn kẻ đó. Dần dần toàn thể cuộc đời người đó sẽ bị lôi vào đủ thứ tệ hại. Điều tệ hại nhất là rất khó thức tỉnh, sám hối và trở về đàng lành.
Ngoài việc tỉnh thức bằng cầu nguyện, chúng ta cũng cần để ý mở rộng tầm nhìn bằng việc học hành. Học hành sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong tư tưởng và cách sống.
Thêm vào sự tỉnh thức bằng cầu nguyện và học hành, tôi nghĩ cũng cần biết dè dặt, thận trọng, cân nhắc, vì tình hình chẳng bao giờ đơn giản.
Kinh nghiệm cho tôi thấy: Mọi sụp đổ không bao giờ xảy ra đột ngột. Nó đã có những nứt nẻ, nghiêng lún to nhỏ trước rồi. Có chỗ dễ thấy được. Có chỗ khó thấy được.
Sụp đổ về đạo đức cũng vậy. Cá nhân hay cộng đoàn sụp đổ về đạo đức là kết quả của một tiến trình lâu dài. Không tỉnh thức, không cầu nguyện, không học hành, không thận trọng, ta sẽ tụt hậu và yếu dần. Ta sẽ không đối phó nổi các phong trào tư tưởng và lối sống hưởng thụ, thực dụng, đắc thắng và ghen ghét.
Những gì tôi chia sẻ trên đây có thể sẽ không làm hài lòng một số người nhìn thời mở ra và cạnh tranh như một cơ hội tự hào về những thành công duy vật chất.
Nhưng tôi tin rằng số người tìm về chiều sâu tâm hồn vẫn đông. Nhất là Hội Thánh Việt Nam, với "Năm sống đạo hôm nay" của Thư chung mục vụ Hội Đồng Giám mục Việt Nam, sẽ không bỏ qua bất cứ một thiện chí nào.
Hy vọng tương lai sẽ không tệ hơn trước, trái lại sẽ tốt đẹp hơn trước về nhiều mặt, cả vật chất lẫn tinh thần, cả đời lẫn đạo. Thực ra, kết quả sẽ tốt hay xấu, phần lớn là do mỗi người biết dùng hoàn cảnh một cách khôn ngoan hay không. Riêng đối với tôi, khôn ngoan gồm cả phương tiện tự nhiên lẫn siêu nhiên.
Thái độ khôn ngoan, tôi vừa nói, giúp tôi liên tưởng đến một sự kiện thời sự. Xin chia sẻ như một tâm tình để kết luận. Tâm tình tôi hướng về việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Toà Thánh Vatican cuối tháng này.
Sự kiện lịch sử này vừa là chính trị, vừa là tôn giáo. Tại Việt Nam có nhiều chính kiến, nên sự kiện này đang trở thành vấn đề nhạy cảm.
Tại Việt Nam có nhiều tôn giáo, nên sự kiện này cũng là vấn đề rất nhạy cảm.
Vì thế, người công giáo Việt Nam chúng ta nên đề cập đến sự kiện này một cách tế nhị và khôn ngoan hợp thánh ý Chúa.
Mọi sự phía trước đều là hy vọng. Mà hy vọng vẫn là hy vọng. Thiên Chúa giàu lòng thương xót là chủ mọi hy vọng. Chúng ta khiêm tốn cậy trông nơi Người.
Ðức Cha J.B. Bùi Tuần