PDA

View Full Version : chuyện của bố & của con



Dan Lee
04-14-2007, 01:22 PM
Chuyện của bố & của con


Giây phút đầu tiên nhìn thằng Ðức nhỏ tí xíu, mắt nhắm chặt, ngủ như chó con trong lồng kiếng, mẹ Tiến nói,

— Thằng này giống bố.

Tiến thoạt tiên lơ là không chú ý vào lời nói của mẹ. Tiến nghĩ mẹ chàng chủ quan! Mãi sau này khi thằng Ðức lên một, lên năm, lên mười, và sau cùng mười chín tuổi, Tiến mới dần dần thấm câu nói của mẹ.

oOo

Thằng Ðức lên Một. Nhìn tấm hình của thằng Ðức chụp hôm sinh nhật một tuổi, Tiến ngỡ ngàng nhận ra nét quen thuộc trên khuôn mặt của thằng con trong tấm hình. Chàng gãi đầu. Khuôn mặt này đã thấy ở đâu rồi? Chàng gãi trán. Nhìn quen quen, quen vô cùng. Chàng vô phòng lục lại xấp hình đen trắng cũ. So sánh tấm hình chụp lúc chàng một tuổi với hình của thằng Đức, Tiến kinh ngạc nhận ra thằng bố và thằng con nhìn giống hệt như nhau. Cũng cái mặt tròn xoe như bánh đúc, tóc lưa thưa vài sợi. Cũng cặp mắt so le, bên phải hai mí, to, bên trái một mí, híp. Tiến đưa cho Bích xem cả hai tấm hình. Nhìn hình, vợ Tiến giật mình. Nàng cười cười, nửa đùa nửa thật,

— Ðúng rồi, nó giống bố chứ đâu có giống mẹ!

oOo
Thằng Ðức lên Ba, vợ chàng đau. Bác sỹ gọi hai vợ chồng vô văn phòng. Nhận được bản tin, Tiến và Bích buồn thiu!

oOo
Thằng Ðức lên Năm, lớp Mẫu Giáo, hay đánh nhau trong lớp. Chiều ghé trường đón con, chàng nhận ra những vết bầm tím xây sát trên khuôn mặt của thằng Ðức. Cô giáo nhìn Tiến, giọng ngần ngại,

— Ðức…Ðức nó xô thằng bé đứng trước mặt té xuống sàn nhà trong khi xếp hàng ăn trưa... Tôi can mãi mới đẩy ra được cả hai. Y tá lấy dầu nóng BenGay bôi rồi! Ông yên tâm.

Nhìn mặt thằng Đức như cái mền rách, Tiến xót xa trong lòng, khó chịu với cô giáo. Trên đường về nhà, thằng Ðức ngồi im không liến thoắng như mọi hôm. Tiến gợi chuyện,

— Sao bầm dập vậy hả con?

Thằng bố hỏi, thằng con không trả lời, mắt nhìn xa vắng.

— Nói cho bố nghe đi…

Sau hai ba lần cóc bố xuống giọng ngọt ngào, cóc con mới chịu mở miệng,

— Tại nó…tại nó nói con…giống…giống con gái!

Tiến kinh ngạc trợn tròn mắt! Hồi nhỏ chàng trắng như bột, giọng nói nhỏ nhẹ. Trong lớp Tiến hay bị bạn bè gọi là con gái. Quê! Chàng nổi nóng. Tức! Tiến đánh lộn. Gần như ngày nào chàng cũng bị cô phạt, bị thầy đánh. Có bữa còn bị thầy bắt quỳ trên vỏ mít. Thời thơ ấu, chàng te tua như cái mền rách!

Tiến kể cho mẹ nghe chuyện thằng Đức bị bạn trong lớp gọi là con gái. Mẹ chàng cười nói thằng Ðức năm tuổi giống Tiến khi còn nhỏ từ tính tình cho tới vóc dáng. Chàng chép miệng, “Hèn chi”!

oOo
Thằng Đức lên Năm, lớp Mẫu Giáo, thỉnh thoảng bĩnh ra trong quần. Đón con về, chàng thấy thằng nhỏ mặc bộ quần áo mới. Cô giáo phân bua,

— Ðức…Ðức, nó…ấy ra trong quần!

Về tới nhà chàng kể cho bà nội nghe trường thiên tiểu thuyết hồi hai của thằng cháu. Mẹ Tiến cười nói khi chàng còn nhỏ, thỉnh thoảng sau giờ tan học tự nhiên trước cửa nhà có tiếng hò hét ồn ào như chợ vỡ, “Thằng Tiến ỉa đùn! Thằng Tiến ỉa đùn”! Mẹ chàng chạy ra nhìn thấy thằng con đang mãnh hổ nan địch quần hồ, một tay lúng túng che quần đùi, tay kia cố gắng xô đẩy những thằng bạn học yêu dấu ra khỏi sân nhà. Mang Tiến vào, mẹ chàng tắm rửa lại từ đầu. Nhưng chứng nào tật ấy, mèo lại hoàn mèo. Tiến ngoài mặt hung hăng, nhưng trong bụng chết nhát. Trong lớp nhột bụng, sợ thầy sợ cô, Tiến không dám giơ tay xin phép. Tiến cố gắng nhịn, nhịn tối đa, nhịn hết cỡ. Có những lúc được, có những lúc không. Lúc nhịn được, đời tiếp tục trôi qua trong thanh bình, trong hạnh phúc. Có những lúc không, thế là xong, thế là tàn đời, thế là mền rách, thế là te tua!

Bây giờ con chàng, thằng Ðức, học đòi tính nết của bố, ngoài mặt hung hăng, nhưng trong lòng chết nhát. Tiến bắt chước mười bảy vua Hùng Vương gọi, “Bố ơi! Về cứu”.

Cũng bởi chương thứ hai trong tập truyện dài của thằng Đức, mẹ chàng lại tiếp tục,

— Thằng này càng lớn càng giống bố!

Tiến không dám nói chi, nhưng nghĩ thầm trong bụng, “Nó là con của con, không giống bố nó thì giống ai? Chẳng lẽ giống ông hàng xóm hay sao”?

oOo
Thằng Ðức lên Mười, lớp Năm, học toán dốt. Toán thường thường ăn điểm F. Bích lo lắng,

— Sao thằng Ðức yếu môn toán quá?

— Cũng không hiểu. Hy vọng khi lớn lên một chút, nó khác đi. Hay là…

Tiến muốn nói hay là nó giống anh hồi nhỏ, nhưng kịp thời ngậm miệng lại. Một đời ở với nhau chưa bao giờ chàng dám hé miệng nói cho vợ biết hồi còn nhỏ chàng sợ toán hơn sợ ma. Nhiều lần chàng muốn bỏ học đi chăn vịt phương Nam bởi những bài toán đố của lớp Ba, lớp Bốn,

Một ngày có 24 tiếng đồng hồ. Một năm có 365 ngày. Một năm có bao nhiêu tiếng?

Một năm có bao nhiêu tiếng, ai mà biết! Tiến gãi gãi đầu thở than nhìn quanh quẩn kiếm tìm. Ánh mắt của Tiến đụng phải tia nhìn nghiêm khắc của ông thầy lớp Ba. Tiến cúi xuống cắn đầu viết chì, bây giờ làm toán chi? Cộng? Trừ? Nhân? Chia? Tiến lấy 365 chia đại cho 24. Nộp cuốn tập Toán đố lên. Ngày hôm sau, chàng nhận về cặp trứng vịt tròn vo. Lớp Sáu, chàng hoàn toàn mất căn bản về toán. Con gái trong lớp không thích chàng bởi Tiến dốt toán. Lớp Mười, lớp Mười Một, lớp Mười Hai, Tiến không có bồ, bởi con gái không thích cặp kè với một thằng dốt, một thằng coi trai phải thường xuyên cọp-dê những bài toán của những cô bạn học trong giờ thi. Những chuyện động trời như thế này, làm sao Tiến dám kể cho Bích nghe.

oOo
Thằng Đức lên Mười, lớp Năm, viết luận văn giỏi. Những bài luận tiếng Anh trong trường điểm rất cao. Tiếng Việt của thằng Ðức làm nhiều người ngạc nhiên. Từ khi thằng Ðức học Mẫu Giáo, Tiến bắt đầu dạy con tiếng Việt. Bà nội và cháu ở nhà đàm thoại tiếng Văn Lang với nhau hằng ngày. Bà yêu cháu, cháu yêu bà. Bố mẹ đi làm chưa về, thằng Ðức quấn lấy bà, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện mùa thu, nhìn thấy lá vàng rơi, thằng Ðức nói,

— Bà ơi, cái lá đang bị té!

— Lá không có té. Ðức mới té. Cháu phải nói là cái lá đang rơi.

— Bà ơi, sao Ðức té mà cái lá không té?

Thằng Ðức đi học về, có chuyện gì vui kể cho bà nghe. Bà không hiểu tiếng Anh, dỗ cháu kể lại trong tiếng Việt. Tuần ba lần Tiến dạy con tiếng Việt. Cuối tuần chàng đưa con tới trường Việt Ngữ. Tiếng Việt thằng Ðức nói giọng Bắc khiến nhiều người kinh ngạc. Họ không tin con Tiến chôn nhau cắt rốn ở xứ Cờ Hoa, chưa bao giờ thấy nước non Hồng Bàng của nó.

oOo
Thằng Ðức của tuổi Trung Học từ tâm. Gặp người nghèo đứng xin tiền bên đường, nó dừng xe lại, thản nhiên móc tiền ra cho, cho hết.

— Con biết họ không có dùng tiền của con để mua thức ăn nhưng rượu, bia, thuốc lá, xì ke.

— Con biết.

— Vậy sao còn cho?

— Con thấy tội nghiệp họ quá!

Bà cụ Emily già móm mém nhà bên cạnh, ở một mình. Trời tuyết ngập đường ngập xá. Thằng Ðức vác xẻng sang xúc tuyết cho bà cụ. Bà cụ trả tiền công, nó không lấy. Giáng Sinh bà hàng xóm mua quà cho nó, có khi áo len, có lúc đôi giầy, thằng Ðức hết đường từ chối. Khi có dịp, nó gửi tặng bà cụ chả giò không có nước mắm.

Tiến hỏi,

— Sao con hay làm chuyện chùa vậy?

— Con sợ bà cụ già rồi, tuyết trơn dễ té.

Vui miệng, bà nội chen vào, chọc quê thằng cháu,

— Sao cháu không nói là dễ rơi?

Bởi thằng cháu nội từ tâm, bà lại kể chuyện xưa tích cũ. Mẹ Tiến nói hồi còn nhỏ chàng dám xúc gạo cho những người ăn xin đến gõ cửa, mặc dù biết gạo trong nhà đã đụng đáy lu. Có một thời mẹ chàng nghĩ lớn lên chàng sẽ đi tu. Ði tu? Chàng mà đi tu! Khó lắm!

Thằng Ðức càng lớn, từ tâm càng dạt dào. Bắt chước mẹ, Tiến nói,

— Hay là con đi tu đi.

Thằng Đức bĩu môi,

— Đi tu? Con mà đi tu?

Mẹ chàng kết luận,

— Thằng này giống bố.

Nghe mẹ chồng ca câu vọng cổ quen thuộc, Bích đứng dậy bỏ đi, buông nhẹ lại một câu sau lưng,

— Mẹ nói đúng, nó đâu có giống con.

Tiến liếc nhìn mẹ, mẹ chàng lặng yên! Tiến nhìn theo vợ, bóng của Bích vừa khuất dạng sau cánh cửa. Tiến lưỡng lự.

…Máu huyết của cả hai cộng lại, thằng Ðức xuất hiện trong cuộc đời. Càng lớn, nó càng giống bố. Thằng Ðức của tuổi thanh niên thân với bố, hay kể cho bố nghe chuyện của tuổi thanh niên. Tiến không hiểu rõ tại sao thằng Ðức không thân với mẹ của nó. Chàng đoán có lẽ Bích nóng tính, hay la thằng con sảng. Nhiều lần Bích cự nự là Tiến chiều con. Chiều con? Tiến không chiều con. Chàng yêu. Tiến yêu mẹ, yêu vợ, và yêu con.

Yêu mẹ, chàng muốn mẹ già sống hạnh phúc, sống thanh bình. Bố chàng bệnh hoạn triền miên. Mẹ Tiến thân cò lặn lội bờ ao, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Sáng, mẹ chàng dậy sớm, xông pha chốn sa trường, mang gạo về nuôi một bầy con. Tối khuya mẹ chàng về tới nhà, ngủ, chuẩn bị cho một ngày mới. Đầu tháng mẹ chàng xanh mặt bạc tóc đóng tiền học cho chín đứa con. Tiền sách, tiền vở, tiền ăn sáng của cả gia đình, một mình mẹ Tiến lo hết. Đến bây giờ chàng vẫn không hiểu sức mạnh nào có thể tiềm tàng nổi trong cái cơ thể không bao giờ nặng hơn 50 ký lô đó, cái cơ thể mỏng manh như tờ giấy qua cầu gió thổi bay vèo. Chính khối sức mạnh nhỏ nhoi đó đã đẩy tới, đóng vàng cho cả chín đứa con vượt biên sang tới đất Hoa Kỳ.

Yêu vợ, Tiến ra ngẩn vào ngơ khi Bích vắng mặt cuối tuần với công chuyện của hãng. Tối ngủ một mình, nhớ vợ, chàng trằn trọc! Mình ơi! Sao mình đi đâu mãi không chịu về! Anh sợ, sợ nếu có chuyện gì xảy ra, anh sẽ chết, chết héo hon vì nhớ vợ, chết mỏi mòn vì nhớ gái một con! Bích, gái một con trông mòn con mắt. Gái một con nhiều lúc khiến Tiến mệt vì ghen. Yêu vợ, vợ cự nự, chàng yên lặng. Mẹ Tiến nói chàng sợ vợ. Sợ vợ? Tiến không sợ, nhưng yêu vợ. Yêu vợ, chàng không tranh cãi với vợ để được chiêm ngắm nụ cười của Bích, nụ cười lung linh tia nắng bình minh chiếu rọi vào tâm hồn phiền muộn đêm đen của chàng. Anh sợ, anh sợ vào một ngày nào đó, em không chịu cười với anh nữa. Bình minh không tới, đời sống địa cầu tan loãng vào hư không. Khi đó anh sẽ chết, chết chắc!

Yêu con, Tiến muốn thằng Đức hạnh phúc, hạnh phúc tràn đầy. Thứ Bẩy, Chúa Nhật, chàng không vô hãng, ở nhà với con. Tiến hay giỡn hay nói chuyện với thằng Ðức. Bích nóng hay la thằng con sảng, bởi vậy có một lần Tiến thấy thằng Ðức ngồi trong phòng, mắt đỏ hoe. Thấy bố, nó cúi đầu, không nói chi. Ngồi xuống bên cạnh thằng con, thằng bố ngân nga,

— Lan huệ sầu ai, lan huệ héo? Lan huệ sầu đời, trong héo...

Thằng Ðức chớp chớp mắt. Tiến tiếp tục,

— Ngoài…ngoài cũng te tua!

Thằng Ðức bật cười, nụ cười trong trẻo ngập tràn nắng ban mai của mẹ nó. Thế là mùa đông băng tuyết tan biến, mùa xuân hoa nở ngập tràn; thiên đàng mở rộng cửa, hỏa ngục cửa đóng lại...

Tiến đứng dậy bước tới đẩy nhẹ cánh cửa căn phòng riêng. Bích nằm trên giường, mặt quay ra ngoài cửa sổ. Tiến leo lên nằm cạnh vợ. Yên lặng gặp gỡ yên lặng; dài hơn một thế kỷ. Yên lặng đưa tay sang ôm vợ; vẫn yên lặng. Yên lặng cất giọng thì thào,

— Hay là anh liên lạc với Sở Xã Hội, kiếm thêm cho em một đứa con…một đứa con gái…

Người yên lặng mềm ra.

— Một cô con gái đẹp…đẹp như vợ của anh.

Yên lặng chờ đợi yên lặng. Cuối cùng yên lặng chầm chậm quay mặt lại, đầu dựa vào ngực chồng,

— Mình ơi! Em buồn quá!

— Anh biết. Anh cũng buồn!

— Em muốn có thêm một đứa con nữa.

— Anh biết.

Tiến xoa lưng vợ nhè nhè, ru vợ chìm vào giấc mộng. Anh ước, anh ước chi thằng Ðức là con gái. Con gái của mình cười tươi như em. Con gái của mình sẽ làm khổ nhiều thằng con trai như em đã một thời làm khổ anh!

oOo
Thằng Ðức Mười Chín tuổi, năm thứ nhất đại học biết yêu mặt mày ngơ ngác. Bích nói,

— Thằng Ðức kỳ này nó làm sao đó, dặn trước quên sau. Hôm qua nói nó ra chợ mua thìa là nấu cháo cá. Nó đi một hồi, về tay không. Em hỏi, “Thìa là đâu con”? Anh biết nó nói sao không?

— Gặp cái bang đứng trước cửa chợ, con lấy tiền đưa hết cho họ???

— Không phải. Nó hỏi lại em, “Mẹ nói gì”?

oOo

Chiều thứ Bẩy Tiến dẫn thằng Đức ra quán Starbucks uống cà-phê Mocha. Trời mùa thu, lá vàng rơi. Thằng Ðức thích nhìn lá vàng “té” y như bố bên ly cà-phê Starbucks. Nhưng ngày hôm nay nó biếng nói biếng cười. Thằng bố gợi chuyện, thằng con không nói, mặt đăm chiêu xa vắng. Tiến xếp lại 13 lá bài, tìm đường binh mới,

— Con có biết làm sao bố quen với mẹ không?

Thằng Ðức nhìn bố, ngạc nhiên,

— Làm sao con biết?

— Con thân với bà lắm mà. Bộ bà nội chưa bao giờ tố bố với con sao?

— Chưa, chưa bao giờ. Bà cũng biết chuyện hả bố?

— Bà biết. Hồi đó bà chửi…bà chửi bố…dại gái. Có một lần, hồi chưa lấy bố, mẹ con tới nhà chơi. Bà tỉnh bơ nói, “Thằng Tiến đi tu rồi”!

Mắt thằng Đức trợn tròn,

— Thật hả bố.

— Ừ!

— Mẹ giận không bố?

— Không! Bố tái mặt, nhưng mẹ con tỉnh bơ tiếp tục cười nói liến thoắng. Lúc đưa mẹ con ra xe, bố xin lỗi về lời nói của bà. Con biết mẹ con nói sao không? Mẹ con nói, “Em yêu anh, em chẳng ngán ai hết”!

— Mẹ lỳ thật.

— Ừ, hồi đó bố gặp mẹ con trong quán cà-phê. Mẹ hai mươi tuổi, buộc tóc đuôi gà, lái xe số tay, nụ cười dòn tan. Mẹ con qua đây một mình từ hồi còn nhỏ xíu với bà cô. Sau nhiều lần bị bà cô cự nự, con gái hai mươi tuổi dọn ra ở riêng một mình, vừa đi học vừa đi làm. Bố đi ra quán với mấy người bạn. Thấy mẹ con, mấy người bạn của bố tán sàn sạt. Biết cô hàng cà-phê thích thơ, có thằng còn mang chuyện thơ văn ra tán tỉnh. Bố yên lặng không biết nói chi. Có hai ba lần, bố ra quán cà-phê một mình. Mẹ con mang cà-phê tới…

Thằng Ðức liếc nhìn, chờ đợi. Tiến tiếp tục,

— Nhưng bố không nói chi.

Thằng Ðức nhăn trán, thắc mắc. Tiến cười,

— Tại bố thấy mẹ con xa vời quá. Lúc nào cũng có bao nhiêu người vây chung quanh mẹ con. Bố nghĩ chắc với không tới. Nhưng biết mẹ con, bố te tua. Có một lần, xỉn, bố…bố lái xe…vượt đèn đỏ!

Thằng Ðức nhìn Tiến. Nó đưa tay ra nắm lấy tay chàng; bàn tay con bóp chặt bàn tay bố,

— Rồi sao bố lấy được mẹ?

— Hai năm sau, bố gặp lại mẹ trong trường Việt Ngữ của con. Bố dạy chung với mẹ con lớp Mười Hai, Lớp Văn chương.

— Mẹ có nhận ra bố hay không?

— Không, mẹ con có để ý đến bố bao giờ đâu. Dạy học chung với nhau được một tháng, mẹ mới chịu cười với bố. Người tình cũ nổi giận kiếm bố đòi bắn! Bà khóc! Bởi vậy hồi xưa bà không thích mẹ con. Bà nói bố dại gái.

Tiến kết thúc câu chuyện,

— Từ hồi bắt đầu biết yêu cho tới ngày mẹ yêu bố, bố ghét trời, bố ghét đất, tại sao sinh ra bố? Khi mẹ yêu bố, mẹ chịu cười với bố, mùa đông biến mất, mùa xuân ngập tràn. Khi được yêu, bố tạ ơn trời, tạ ơn đất đã sinh ra bố. Khi được yêu, bố lật sang một trang sách mới, trang sách của mùa xuân. Trong chương sách mới này, con xuất hiện, con tô đậm thêm mùa xuân của riêng bố. Con là mùa xuân của bố.

Tiến dừng lại bởi chàng thấy hai con mắt của thằng Ðức long lanh những giọt nước mắt. Những hạt châu tràn đầy khóe mắt, rơi xuống sàn nhà, vỡ ra tung tóe. Tiến nắm lấy tay con bóp nhẹ.

— Bố ơi, con giống bố!

— Bố biết!

— Có một lần, con lái xe vượt đèn đỏ!

— !!!


oOo
Tiến hỏi mẹ,

— Mẹ ơi, tại sao hồi thằng Ðức mới sinh ra, mẹ nói, “Thằng này giống bố”?

Mẹ chàng đăm chiêu, xa vắng,

— Sau khi sinh con, mẹ bị băng huyết ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, mẹ thấy con đang nằm ngủ bên cạnh. Ngày mẹ nhìn thấy thằng Ðức nhỏ như cục kẹo trong lồng kiếng của bệnh viện, mẹ giật mình, bởi mẹ thấy lại hình ảnh của con ngày xưa. Cũng cái mặt đó, cũng con mắt đó, cũng hình dạng đó, chỉ có cái miệng là khác. Càng lớn, nó càng giống mày.

Thằng Đức giống bố, Tiến biết nó sẽ te tua, sẽ khổ dài dài nhất là về đường tình ái! Tiến hy vọng con chàng sẽ chỉ khổ trong một khoảng thời gian ngắn thôi. Cuối cùng giống như thằng bố, mùa xuân sẽ ngập tràn trong tâm hồn của thằng con. Mẹ nó một thời làm khổ chàng. Nhưng cũng người đó đã mang lại cho chàng một mùa xuân mới; một mùa xuân có mẹ già ngọt ngào như chuối ba hương, có vợ một con trông mòn con mắt với nụ cười tươi hơn nắng bình minh, và có thằng con, giống bố như lột.