Dan Lee
04-17-2007, 09:06 PM
CHÚA CÓ MẮT KHÔNG ?
Suy Niệm của Lm Bùi Quang Tuấn CSsr
________________________________________
(Vietcatholic news 22/4/2001)
Cách đây đúng 89 năm (1912), vào Chúa nhật thứ nhất sau lễ Phục sinh, tức Chúa nhật Quasimodo, chiếc tàu Titanic đã chìm xuống lòng biển Ðại tây dương mang theo trên một ngàn sinh mạng. Rất nhiều chi tiết liên quan đến con tàu định mệnh đã được báo chí đăng tải, nhưng có một chi tiết rất đáng chú ý: ngay phần hông tàu phía dưới mặt nước là dòng chữ "No God, no Pope" (không Thiên Chúa, không Giáo hoàng).
Dường như khi khoa học kỹ thuật càng phát triển con người càng đánh mất niềm tin vào Thượng đế. Lắm kẻ dám nói: không có Thiên Chúa, vì họ có thấy đâu. Họ chỉ tin khi nào khoa học chứng minh điều đó. Nói cách khác, họ muốn tiếp cận với Thiên Chúa qua phương pháp khoa học thực nghiệm, nghĩa là bằng thấy, sờ, lý luận, phân tích, và xác minh.
Những đòi hỏi như thế đâu phải chỉ mới xuất hiện sau những tiến bộ vượt bậc của khoa học hôm nay. Ðúng ra nó đã xuất hiện cách đây hai ngàn năm rồi. Khi mà người ta đòi phải thấy được Chúa nhãn tiền, sờ được Ngài, thọc tay vào lỗ đinh, xác quyết tường tận Ðấng đã chết trên thập giá mà nay sống lại. Ðó không phải là một niềm tin đòi được xét nghiệm bằng khoa học à?
Nhưng đức tin đâu có nằm trong phạm trù khoa học. Khoa học chỉ nghiên cứu các dữ kiện, định luật và nguyên nhân thuộc phạm vi vật chất. Ngoài ra, nó không có chỗ đứng. Nói như thế không có nghĩa là khoa học chẳng dính dáng gì đến niềm tin và niềm tin không cần đến khoa học. Trái lại nếu thành tâm sử dụng thì khoa học vẫn là một phương thế rất tốt giúp con người khám phá sâu rộng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Còn càng tự mãn trong khoa học người ta sẽ càng rời xa chân lý tuyệt đối.
Không ít người đã dùng những khám phá của khoa học để tuyên bố không có Thiên Chúa, chỉ có con người là chúa vũ trụ, và niềm tin thượng đế đang bị khoa học bóp chết. Thế nhưng, cùng lúc đó lại có rất nhiều người, qua khoa học, nhìn thấy thế giới này sao có nhiều điều bí ẩn, kỳ lạ, siêu vời mà tài sức con người chỉ mới vén mở được một phần rất bé. Từ đó họ càng nhận rõ dung mạo của một Ðấng siêu vượt trên vũ trụ, khoa học, và tất cả, Ðấng mà người Kitô hữu tin là nguyên lý siêu đẳng đã tạo nên trời đất bao la.
Thế nhưng cũng không ít người đặt vấn đề: nếu Thiên Chúa hiện hữu thì Thiên Chúa không phải là một Ðấng yêu thương, vì nếu yêu thương, cớ sao Ngài lại để cho thế giới gặp nhiều bất hạnh khổ đau? Tại sao Thiên Chúa không can thiệp, loại trừ những tác oai tác quái của nó ?
Nói như thế thì chẳng khác chi tự dưng phủ nhận và khước từ sự sống. Vì có sự sống nào phát sinh mà không có sự đau đớn. Có chồi non nào mọc lên mà nhánh cây hay hạt giống đã không phải chịu nứt toác thân mình.
Nhưng điều cần nói không phải là cứ trước những gian nan trắc trở khổ đau của cuộc đời mà cho là không có Thiên Chúa, hay Thiên Chúa độc ác, bất lực, không biết yêu thương. Song điểm đáng ghi nhận chính là: người càng tin tưởng Thiên Chúa càng có sức mạnh để mang vác gánh nặng của cuộc đời; những ai mà tâm càng thành lòng càng trong thì càng dễ cảm nghiệm và tin tưởng vào Chúa hơn, cho dù gánh khổ của cuộc đời không vơi đi chút nào và cảnh chướng tai gai mắt vẫn còn đó.
Tôi vẫn thích nhắc đến câu chuyện "Chúa Có Mắt Không?" khi nói về những sự ngang trái trong đời: Một buổi sáng đẹp trời nọ, một thầy dòng bước ra vườn cây, vừa dạo cảnh thiên nhiên vừa cầu nguyện. Ðứng trước hàng cây chôm chôm, nhìn những chùm trái nho nhỏ xinh xinh, bên cạnh đó là gốc bí với những hàng quả thật lớn bám trên những chiếc dây leo mỏng manh, bất chợt thầy nghĩ: "Chẳng biết Chúa có mắt không! Tại sao những trái chôm chôm bé tí teo kia lại mọc trên những cành cây cứng cáp chắc chắn, còn mấy trái bí khổng lồ như thế này lại bám vào những dây leo tí tẹo? Chẳng hợp tình hợp lý chút nào. Tại sao thứ mình thích thì lại nhỏ xíu, còn thứ không thích thì cứ to ơi là to?"
Trưa đó, sau lúc đi dạo và gặp phải ngày thời tiết nóng nực, thầy nằm hóng mát dưới một gốc cây và thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Một làn gió thoảng qua. Cành lá rung động. Chợt một trái chôm chôm khô rơi trúng đầu thầy. Giật mình bật dậy. Rồi như vừa tỉnh khỏi cơn mộng, thầy quì xuống cầu nguyện: "Ôi lạy Chúa, may mà Chúa có mắt, chứ để trái chôm chôm to bằng trái bí thì còn gì cái đầu của con."
Thiên Chúa biết rõ những gì tốt nhất cho chúng ta. Ngài luôn làm mọi sự vì yêu thương con người. Vấn đề không phải là có Thiên Chúa không; Ngài có mắt hay có tai không; nhưng vấn đề là con người có mở mắt, mở lòng, mở tai để nhận ra sự hiện diện yêu thương và bàn tay quyền năng của Ngài không thôi. Trước một sự cố trong đời, có kẻ chống Chúa, từ Chúa, nhưng cũng có người tin yêu gắn bó với Ngài hơn. Thử hỏi bạn đang thuộc hạng người nào?
Lời của vị tu sĩ "Ôi lạy Chúa, may mà Chúa có mắt" sao nghe giống lời của Thánh Tôma quá. Theo tường thuật của Thánh Kinh, chẳng thấy Tôma nhìn vào vết đinh trên tay Chúa, cũng không xỏ bàn tay vào cạnh sườn Ngài, nhưng ông lại cảm nghiệm được sự hiện hữu của Thiên Chúa cách rõ ràng.
"Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi" hay "Lạy Chúa, đúng là Chúa có mắt" chính là những lời tuyên xưng đức tin một cách sống động và hùng hồn vô cùng.
Thiết tưởng đời người Kitô hữu cũng nên thấm đượm niềm xác tín vững vàng như thế. Dù đứng trước phong ba bão táp, dù phải khốn đốn vì bao thăng trầm của cuộc đời, hãy cứ tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn hiện hữu bên ta, rất nhẹ nhàng và rất quyền năng: nhẹ nhàng như làn gió lay động nhành lá trong vườn, và quyền năng như lúc cửa đóng kín mà Ngài vẫn đến được với các tông đồ.
Suy Niệm của Lm Bùi Quang Tuấn CSsr
________________________________________
(Vietcatholic news 22/4/2001)
Cách đây đúng 89 năm (1912), vào Chúa nhật thứ nhất sau lễ Phục sinh, tức Chúa nhật Quasimodo, chiếc tàu Titanic đã chìm xuống lòng biển Ðại tây dương mang theo trên một ngàn sinh mạng. Rất nhiều chi tiết liên quan đến con tàu định mệnh đã được báo chí đăng tải, nhưng có một chi tiết rất đáng chú ý: ngay phần hông tàu phía dưới mặt nước là dòng chữ "No God, no Pope" (không Thiên Chúa, không Giáo hoàng).
Dường như khi khoa học kỹ thuật càng phát triển con người càng đánh mất niềm tin vào Thượng đế. Lắm kẻ dám nói: không có Thiên Chúa, vì họ có thấy đâu. Họ chỉ tin khi nào khoa học chứng minh điều đó. Nói cách khác, họ muốn tiếp cận với Thiên Chúa qua phương pháp khoa học thực nghiệm, nghĩa là bằng thấy, sờ, lý luận, phân tích, và xác minh.
Những đòi hỏi như thế đâu phải chỉ mới xuất hiện sau những tiến bộ vượt bậc của khoa học hôm nay. Ðúng ra nó đã xuất hiện cách đây hai ngàn năm rồi. Khi mà người ta đòi phải thấy được Chúa nhãn tiền, sờ được Ngài, thọc tay vào lỗ đinh, xác quyết tường tận Ðấng đã chết trên thập giá mà nay sống lại. Ðó không phải là một niềm tin đòi được xét nghiệm bằng khoa học à?
Nhưng đức tin đâu có nằm trong phạm trù khoa học. Khoa học chỉ nghiên cứu các dữ kiện, định luật và nguyên nhân thuộc phạm vi vật chất. Ngoài ra, nó không có chỗ đứng. Nói như thế không có nghĩa là khoa học chẳng dính dáng gì đến niềm tin và niềm tin không cần đến khoa học. Trái lại nếu thành tâm sử dụng thì khoa học vẫn là một phương thế rất tốt giúp con người khám phá sâu rộng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Còn càng tự mãn trong khoa học người ta sẽ càng rời xa chân lý tuyệt đối.
Không ít người đã dùng những khám phá của khoa học để tuyên bố không có Thiên Chúa, chỉ có con người là chúa vũ trụ, và niềm tin thượng đế đang bị khoa học bóp chết. Thế nhưng, cùng lúc đó lại có rất nhiều người, qua khoa học, nhìn thấy thế giới này sao có nhiều điều bí ẩn, kỳ lạ, siêu vời mà tài sức con người chỉ mới vén mở được một phần rất bé. Từ đó họ càng nhận rõ dung mạo của một Ðấng siêu vượt trên vũ trụ, khoa học, và tất cả, Ðấng mà người Kitô hữu tin là nguyên lý siêu đẳng đã tạo nên trời đất bao la.
Thế nhưng cũng không ít người đặt vấn đề: nếu Thiên Chúa hiện hữu thì Thiên Chúa không phải là một Ðấng yêu thương, vì nếu yêu thương, cớ sao Ngài lại để cho thế giới gặp nhiều bất hạnh khổ đau? Tại sao Thiên Chúa không can thiệp, loại trừ những tác oai tác quái của nó ?
Nói như thế thì chẳng khác chi tự dưng phủ nhận và khước từ sự sống. Vì có sự sống nào phát sinh mà không có sự đau đớn. Có chồi non nào mọc lên mà nhánh cây hay hạt giống đã không phải chịu nứt toác thân mình.
Nhưng điều cần nói không phải là cứ trước những gian nan trắc trở khổ đau của cuộc đời mà cho là không có Thiên Chúa, hay Thiên Chúa độc ác, bất lực, không biết yêu thương. Song điểm đáng ghi nhận chính là: người càng tin tưởng Thiên Chúa càng có sức mạnh để mang vác gánh nặng của cuộc đời; những ai mà tâm càng thành lòng càng trong thì càng dễ cảm nghiệm và tin tưởng vào Chúa hơn, cho dù gánh khổ của cuộc đời không vơi đi chút nào và cảnh chướng tai gai mắt vẫn còn đó.
Tôi vẫn thích nhắc đến câu chuyện "Chúa Có Mắt Không?" khi nói về những sự ngang trái trong đời: Một buổi sáng đẹp trời nọ, một thầy dòng bước ra vườn cây, vừa dạo cảnh thiên nhiên vừa cầu nguyện. Ðứng trước hàng cây chôm chôm, nhìn những chùm trái nho nhỏ xinh xinh, bên cạnh đó là gốc bí với những hàng quả thật lớn bám trên những chiếc dây leo mỏng manh, bất chợt thầy nghĩ: "Chẳng biết Chúa có mắt không! Tại sao những trái chôm chôm bé tí teo kia lại mọc trên những cành cây cứng cáp chắc chắn, còn mấy trái bí khổng lồ như thế này lại bám vào những dây leo tí tẹo? Chẳng hợp tình hợp lý chút nào. Tại sao thứ mình thích thì lại nhỏ xíu, còn thứ không thích thì cứ to ơi là to?"
Trưa đó, sau lúc đi dạo và gặp phải ngày thời tiết nóng nực, thầy nằm hóng mát dưới một gốc cây và thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Một làn gió thoảng qua. Cành lá rung động. Chợt một trái chôm chôm khô rơi trúng đầu thầy. Giật mình bật dậy. Rồi như vừa tỉnh khỏi cơn mộng, thầy quì xuống cầu nguyện: "Ôi lạy Chúa, may mà Chúa có mắt, chứ để trái chôm chôm to bằng trái bí thì còn gì cái đầu của con."
Thiên Chúa biết rõ những gì tốt nhất cho chúng ta. Ngài luôn làm mọi sự vì yêu thương con người. Vấn đề không phải là có Thiên Chúa không; Ngài có mắt hay có tai không; nhưng vấn đề là con người có mở mắt, mở lòng, mở tai để nhận ra sự hiện diện yêu thương và bàn tay quyền năng của Ngài không thôi. Trước một sự cố trong đời, có kẻ chống Chúa, từ Chúa, nhưng cũng có người tin yêu gắn bó với Ngài hơn. Thử hỏi bạn đang thuộc hạng người nào?
Lời của vị tu sĩ "Ôi lạy Chúa, may mà Chúa có mắt" sao nghe giống lời của Thánh Tôma quá. Theo tường thuật của Thánh Kinh, chẳng thấy Tôma nhìn vào vết đinh trên tay Chúa, cũng không xỏ bàn tay vào cạnh sườn Ngài, nhưng ông lại cảm nghiệm được sự hiện hữu của Thiên Chúa cách rõ ràng.
"Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi" hay "Lạy Chúa, đúng là Chúa có mắt" chính là những lời tuyên xưng đức tin một cách sống động và hùng hồn vô cùng.
Thiết tưởng đời người Kitô hữu cũng nên thấm đượm niềm xác tín vững vàng như thế. Dù đứng trước phong ba bão táp, dù phải khốn đốn vì bao thăng trầm của cuộc đời, hãy cứ tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn hiện hữu bên ta, rất nhẹ nhàng và rất quyền năng: nhẹ nhàng như làn gió lay động nhành lá trong vườn, và quyền năng như lúc cửa đóng kín mà Ngài vẫn đến được với các tông đồ.