PDA

View Full Version : LINH MỤC VỚI VIỆC MỤC VỤ SAU HÔN NHÂN : GIA ĐÌNH



Dan Lee
04-21-2007, 06:07 PM
LINH MỤC VỚI VIỆC MỤC VỤ SAU HÔN NHÂN : GIA ĐÌNH

Nếu đọc lại phần thứ tư của tông huấn “Consortio Familiaris”, chúng ta có thể ghi nhận hai điều mới mẻ về mục vụ gia đình :

1- Đức Thánh Cha mong muốn việc chuẩn bị hôn nhân phải được bắt đầu từ lúc còn tấm bé, chứ không phải chỉ tốc hành qua một vài tháng trước hôn nhân.

2- Hôn nhân không phải được kết thúc sau ngày cưới, nhưng trái lại sau ngày cưới, vợ chồng mới chính thức bước vào cuộc sống hôn nhân, vì thế cần phải nhấn mạnh đến việc mục vụ sau hôn nhân. Phải chăng đây cũng là một kiểu “thường huấn” cho các cặp vợ chồng về cuộc sống gia đình của họ ?

1- TÌNH TRẠNG GIA ĐÌNH HIỆN NAY
Trong tông huấn “Familiaris Consortio” về gia đình, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã lên tiếng báo động :
- “Trong giai đoạn lịch sử hiện nay, gia đình đang bị nhiều sức ép tìm cách hủy diệt hay ít ra là muốn làm méo mó no đi” (FC 3).
Thực vậy, gia đình hiện nay đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, đang bị lung lay tận gốc rễ. Cuộc khủng hoảng này được biểu lộ bằng những hiện tượng cụ thể sau đây :

1- Con số những gia đình bị đổ vỡ, dẫn đến ly dị ngày càng gia tăng : tại nhiều nước phương tây tỷ lệ này lên đến trên 50% với những nguyên nhân rất đa dạng : bất đồng về quan điểm hay về tính tình, hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết và không được chuẩn bị sống đời hôn nhân, hoặc vướng vào những tật xấu như uống rượu chè, cờ bạc, cằn nhằn, không chung thủy…

2- Vì lo sợ cho hôn nhân cũng như cho tương lai, nhiều người đành chấp nhận giải pháp hôn nhân thử, hay sống chung không cần đến hôn nhân. Con số những cặp trai gái “ăn cơm trước kẻng”, có quan hệ tính dục ngoài hôn nhân ngày càng gia tăng, trong đó tỷ lệ của các em còn đi học, của những người vị thành niên khá cao.

3- Con số những người nạo phá thai cũng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Bộ Y Tế, tại Việt nam hàng năm ước tính khoảng 1.5 triệu ca nạo phá thai, trong đó có khoảng 20% dưới 20 tuổi. Tại Tp HCM, năm 1994-1995, con số nạo-phá thai dưới 18 tuổi gia tăng từ 538 đến 1.423[1].

4- Sự thất bại trong hôn nhân ngày càng cao, rất nhiều gia đình sống không hạnh phúc.

5- Việc giáo dục trong gia đình cũng bị thất bại. Số trẻ em hư hỏng vì xì-ke ma túy, hay vướng mắc vào chuyện yêu đương, tình dục quá sớm… cũng gia tăng. Nguyên nhân vì cha mẹ không quan tâm và không dành thì giờ để giáo dục con cái, hoặc không biết cách giáo dục con cái thế nào.
Những cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng như những cuộc sống chung không hạnh phúc thường đem lại những tai hại to lớn, không phải chỉ cho các cặp vợ chồng, mà còn cho những đứa con do họ sinh ra.

Nếu trước đây, gia đình là cái nôi phát sinh và dưỡng nuôi sự sống, thì hiện nay, ngay trong môi trường gia đình, những mầm sống mới phát sinh, dù còn là bào thai hay đã sinh thành người, đều bị coi là những tai họa, những mối nguy hiềm gây nên khó khăn và bất lợi cho những người đã từng có mặt trong gia đình. Nhiều gia đình đã trở thành một nơi đề phòng, ngăn ngừa, khủng bố, giết chóc các mầm sống mới phát sinh.

Môi trường gia đình ngày nay, đối với nhiều người, không còn là một mái ấm ngập tràn yêu thương, trong đó mọi thành viên cảm thấy được yên ổn, thoải mái, hạnh phúc, các trẻ em được bảo đảm hưởng một nền giáo dục lành mạnh, giúp chúng thăng tiến. Trái lại, gia đình nhiều khi trở nên một tù ngục trong đó người ta giam hãm nhau, làm khổ nhau mà nhiều khi không làm sao thóat ra được. Thay vì là thiên đàng, gia đình đã trở thành một hỏa ngục.

2- NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN ĐỔ VỠ CHO GIA ĐÌNH :
Nếu tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy tình trạng đen tối kể trên xuất phát bởi hai nguyên nhân chính :

Những nguyên nhân từ bên trong.Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã bàn về nguyên nhân này như sau :
- “Nhưng đàng khác, cũng không thiếu những dấu hiệu cho thấy một sự thoái hóa đáng lo ngại về một số giá trị căn bản : một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rát trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai. Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lục tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ.” (FC 6).

Từ những điều Đức Thánh Cha đã viết, chúng ta thấy sở dĩ gia đình hôm nay ngày càng chìm sâu vào một tình cảnh không mấy sáng sủa là vì người ta đã hiểu sai và sống không đúng quan niệm đích thực của tự do và uy quyền : tự do trong liên hệ giữa vợ chồng với nhau và uy quyền trong liên hệ giữa cha mẹ với con cái.

Những nguyên nhân tư bên ngoài :
Hội Nghị các Giám Mục Á Châu đưa ra những nguyên nhân từ bên ngoài gây nên tình trạng ấy như sau:- “Vào thời điểm giao thoa này của lịch sử, chúng ta đau lòng chứng kiến sự đổ vỡ của đời sống gia đình tại nhiều nơi trong châu lục chúng ta, nhất là trong những trung tâm đô thị. Rất nhiều sức mạnh đang chống lại sự thánh thiện và tính bền vững của những giá trị trong đời sống gia đình. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khóai lạc, chủ nghĩa hưởng thụ, sự can thiệp của nhà nước, một não trạng ngừa thai cũng như lối sống nặng kỹ thuật, tất cả đều tác động chống lại sự bền vững của hôn nhân và đời sống gia đình, gây nguy hiểm cho sự ổn định trong xã hội và những giá trị xã hội”.
Như vậy, Hội Nghị đã kể ra một số những nguyên nhân, những sức mạnh điển hình đang “tác động chống lại sự bền vững của hôn nhân và đời sống gia đình, gây nguy hiểm cho sự ổn định trong xã hội và những giá trị xã hội”. Những sức mạnh, những nguyên nhân ấy chính là :

* Chủ nghĩa cá nhân :
Hoàn cảnh xã hội đã làm cho mỗi người trong cùng một gia đình sống trong một thế giới riêng, với những sinh hoạt riêng, thú vui riêng, lo âu riêng của mình. Do đó, người ta ít cảm thông, ít quan tâm đến nhau, và chỉ còn nghĩ đến mình, lo cho nhu cầu và trách nhiệm riêng của mình. Những sinh hoạt chung trong gia đình càng ngày càng trở nên hiếm hoi, cụ thể nhất là các bữa ăn chung trong gia đình. Điều này rất bất lợi cho sự hiệp nhất và tình gia đình giữa các thành viên.

* Chủ nghĩa khóai lạc :
Nền kinh tế thị trường và sự cạnh tranh kinh tế luôn luôn tìm cách tạo nên những nhu cầu giả tạo, khuyến khích người ta tìm những tiện nghi, hưởng thụ tất cả những gì vật chất và kỹ thuật đem lại. Để thỏa mãn những nhu cầu giả tạo này, người ta phải chạy theo đồng tiền, tìm kiếm và coi trọng nó. Khi đã coi trọng đồng tiền thì người ta sẽ coi nhẹ tình nghĩa, là cái cốt tủy tạo nên tương quan tốt đẹp trong gia đình.

* Chủ nghĩa hưởng thụ :
Trong số những nhu cầu giả tạo do nền kinh tế hưởng thụ tạo ra, những nhu cầu thuộc bản năng con người cũng được khai thác triệt để: các quán ăn nhậu và những tụ điểm giải trí mọc lên khắp nơi, trong đó có cũng có những hình thức giải trí thiếu trong sạch, lành mạnh nhưng lại rất lôi cuốn. Vì thế, rất nhiều người bị cám dỗ tìm kiếm và hưởng thụ những lạc thú xác thịt. Điều này đã gây nên bao tang thương đổ vỡ cho các gia đình.

* Sự can thiệp của nhà nước :
Tại Việt Nam, đường lối của xã hội cũng một phần nào đi ngược với chủ trương của Giáo Hội về sự sống con người, gây ảnh hưởng bất lợi đến lối sống của gia đình Ki-tô giáo. Chẳng hạn những biện pháp buộc mọi gia đình phải hạn chế số con cái dẫn đến việc ngừa thai và phá thai…

* Não trạng ngừa thai :
Do kinh tế khó khăn, do tinh thần hưởng thụ, người ta không muốn sinh nhiều con, nên tìm đủ mọi cách để ngừa thai. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vì thiếu hiểu biết về những phương cách ngừa thai, nên khi lỡ có thai, để khỏi sinh con, người ta chỉ còn biết phá thai. Do đó, tại Việt Nam vấn đề phá thai trở nên nghiêm trọng hơn ngừa thai.

* Lối sống nặng về kỹ thuật :Để tăng năng suất trong công việc, người ta phải coi trọng kỹ thuật. Điều này hẳn nhiên có nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng mặt khác lại làm cho con người bị lệ thuộc vào máy móc, và phần nào trở nên máy móc. Tình cảm con người vì thế bị giảm đi.

* Ngoài những nguyên nhân mà Hội Nghị kể ra, chúng ta còn thấy có những nguyên nhân khác ảnh hưởng bất lợi cho gia đình tại Việt Nam, đặc biệt những thành phố lớn như :

- Sự nghèo đói do thiếu công ăn việc làm : do kinh tế không ổn định: Đây là nguyên nhân chủ yếu đã gây ra khó khăn cho biết bao gia đình, tạo nên bất hòa giữa vợ chồng, đem lại nhiều bất hạnh cho gia đình.

- Thiếu giáo dục và trình độ văn hóa quá thấp : do đời sống khó khăn, cha mẹ phải dành quá nhiều thì giờ vào tìm chén cơm manh áo, không có tiền bạc cho con cái đi học, thậm chí không có thì giờ để quan tâm đến con cái, nên nhiều người bị thiếu giáo dục từ hồi nhỏ. Điều này ảnh hưởng không ít đến hạnh phúc của gia đình họ.

- Tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị : các thành phố lớn, nhất là Sài-gòn, đã tiếp nhận đủ mọi người, đủ mọi gia đình từ nông thôn đến nhập cư…đã gây nên không ít những khó khăn.

- Hoàn cảnh và môi trường xã hội : tại Việt Nam từ 1975 đến 1986 : nền kinh tế chung trở nên khó khăn, khiến nhiều gia đình bị khủng hoảng; lớp người sinh ra và trưởng thành trong thời gian này, tức là lớp trẻ hiện nay, bị thất học, ít được sự quan tâm chăm sóc vì cha mẹ tất bật lo sinh sống, do đó, họ không đủ hành trang tinh thần cũng như vật chất để tạo lập gia đình hạnh phúc. Sau 1986 : nền kinh tế trở nên dễ thở hơn, nhất là từ 1990 với nền kinh tế thị trường, sự đô thị hóa, hiện đại hóa và công nghiệp hóa khiến cho con người bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy kinh tế và phải gánh chịu những ảnh hưởng tai hại kể trên.

3- VIỆC MỤC VỤ GIA ĐÌNH.
Trong cơn khủng hoảng hiện nay, tất cả mọi người cần phải tích cực hoạt động để bảo vệ và củng cố sự bền vững của gia đình, vì tương lai của nhân loại cũng như của xã hội sẽ đến qua gia đình. Vì thế, Đức Thánh Cha đã viết những dòng chữ mang tính cách thật khẩn trương khuyên nhủ mọi người phải cố gắng hết sức để thăng tiến gia đình :

- “Tôi tha thiết kêu gọi tất cả Kitô hữu hãy thật lòng và can đảm cộng tác với tất cả những người thiện chí đang thể hiện trách nhiệm đối với các gia đình.” (FC 86).
Cũng trong chiều hướng ấy, Đức Thánh Cha đã nêu rõ :- “Những đổi thay dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những chỉ gia đình mà cả xã hội và Hội Thánh đều phải dấn thân vào nỗi lực chuẩn bị tương xứng để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai.” (CF 66).
Và như vậy, trong việc thăng tiến gia đình, chúng ta thấy :

Trước hết đó là trách nhiệm của Giáo hội :
- “Hội Thánh phải cấp bách can thiệp mục vụ để nâng đỡ gia đình. Cần phải cố gắng hết sức để ngành mục vụ gia đình được củng cố và phát triển, trở thành một ngành thật ưu tiên, vì chắc chắn trong tương lại, việc loan báo Tin mừng phần lớn tùy thuộc nơi Hội Thánh tại gia đình.” (CF 65).

Riêng tại các Giáo hội địa phương , thì đó là bổn phận của các Giám mục :
- “Người chịu trách nhiệm đầu tiên về mục vụ gia đình trong giáo phận chính là Giám mục. Như một người cha và chủ chăn, ngài phải đặc biệt lo lắng cho ngành này, chắc chắn là ngành ưu tiên của mục vụ. Ngài phải hiến cho ngành này tất cả sự chú trọng, bận tâm, thời giờ, nhân sựvà tài lực. Nhưng hơn hết, đích thân ngài phải đem lại một điểm tựa cho các gia đình và cho tất cả những người đang giúp ngài trong công việc mục vụ gia đình thuộc những cơ cấu khác nhau của giáo phận.” (FC 73).

Cộng tác với Giám mục là các linh mục và giáo xứ của các ngài :
- “Các ngài có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau, như rao giảng Lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực thiêng liêng khác. Các ngài cũng phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái, tạo nên những gia đình thực gương mẫu rạng ngời.” (GS 52).

- “Mỗi Hội Thánh địa phương và nói rõ hơn, mỗi cộng đồng giáo xứ, phải ý thức mạnh mẽ về ân sủng và trách nhiệm đã nhận được từ Chúa để cổ võ mục vụ gia đình. Mọi chương trình mục vụ được tổ chức, ở mọi cấp độ, không bao giờ được lướt bỏ mục vụ gia đình.
Ở đây chúng ta chỉ bàn đến vai trò của linh mục trong việc mục vụ gia đình.

4- LINH MỤC VỚI VIỆC MỤC VỤ GIA ĐÌNH.
Trong phạm vi giáo xứ, thì linh mục là người nắm giữ vai trò số một trong việc mục vụ gia đình :
- “Các Giám mục được giúp đỡ cách đặc biệt do các linh mục mà trách nhiệm của họ – như Thượng Hội Đồng Giám Mục đã chính thức nhấn mạnh – tạo thành một phần cốt yếu trong tác vụ của Hội Thánh đối với với hôn nhân và gia đình.” (FC 73).

Trong vai trò ấy, linh mục phải sống gần gũi các gia đình như một người cha, một người thày, một người anh và một người chủ chăn :
- “Được chuẩn bị thích đáng và nghiêm chỉnh cho công việc tông đồ này, linh mục và phó tế bao giờ cũng phải xử sụ đối với các gia đình như là người cha, người anh, chủ chăn và thày dạy bằng cách giúp họ với sự trợ giúp của ân sủng và soi sáng cho họ với ánh sáng của sự thật”. (FC 73).

Sự giúp đỡ của các linh mục đối với các gia đình không phải chị hạn hẹp trong lãnh vực thiêng liêng, mà còn phải mở rộng tới nhiều lãnh vực khác nữa :
- “Trách nhiệm của các vị ấy không những mở rộng trên các vấn đề luân lý, phụng vụ, nhưng còn cả trên các vấn đề cá nhân và xã hội.” (FC 73).

Chẳng hạn như việc giáo dục con cái :
- “Trong những điều kiện như thế, gia đình cần nhận được những trợ giúp đặc biệt từ phía những vị chăn dắt các linh hồn, và các vị này không thể quên rằng cha mẹ có quyền ký thác con cái họ cho cộng đồng Hội thánh và đây cũng là một quyền không thể chuyển nhượng.” (FC 40).

Để có thể tạo được một bàu khí cảm thông và đem lại những sự giúp đỡ kịp thời, linh mục cần phải :
* Gắp gỡ và tìm hiểu những nguyên nhân : “Các chủ chăn và cộng đồng Hội Thánh phải chuyên tâm tìm cách biết rõ những tình cảnh ấy và các nguyên do của chúng, từng trường hợp một; các vị phải để tâm với sự kín đáo và tôn trọng, tìm cách đến với những người đang chung sống như thế…” (FC 73).

* Đối thoại với họ : “Trong Hội thánh, chủ chăn và giáo dân đều dự phần vào sứ mạng ngôn sứ của Đức Kitô; giáo dân qua lời nói và đời sống Kitô hữu để làm chứng đức tin; chủ chăn nhận định trong chứng từ ấy điều gì biểu lộ đức tin đích thực và điều gì ít phù hợp với ánh sáng đức tin; gia đình xét như cộng đồng Kitô hữu, tham dự và làm chứng đức tin theo cách thức của nó. Như vậy, có sự đối thoại giữa chủ chăn và các gia đình.” (FC 73).

* Khuyên nhủ và tìm cách hợp thức hóa nếu có thể : “Kiên nhẫn khai sáng họ, đón nhận họ với tình bác ái, đem lại cho họ một chứng tá về gia đình Kitô hữu, nói cách khác là làm tất cả những gì có thể đưa họ tới chỗ hợp thức hóa.” (FC 73)

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những gia đình đang gặp phải khó khăn cần được đặc biệt quan tâm :
- “Còn phải quảng đại, thông minh, khôn khéo, theo gương vị Mục tử nhân lành, khi dấn thân làm mục vụ cho các gia đình đang đối đầu với những khó khăn thực sự, thường ngoài ý muốn và do những đòi hỏi đủ loại.” (FC 77).

Đức Thánh Cha đã đưa ra những hoàn cảnh cụ thể như sau :
- Những gia đình di dân. (FC 77).

- Những gia đình bị xâu xé trên bình diện ý thức hệ. (FC 77).

- Những gia đình có con cái bước vào tuổi thiếu niên, có người già cả hay có người qua đời…(FC 77).

- Những cuộc hôn nhân hỗn hợp. (FC 78)

- Những cuộc hôn nhân trái qui tắc : hôn nhân thử (FC 80), chung sống không hôn nhân (FC 81), hôn nhân dân sự (FC 82), ly thân và ly dị không tái hôn (FC 83), ly dị tái hôn (FC 84), những người không gia đình (FC 85).

KẾT LUẬN
Vì “gia đình không chỉ đơn thuần là đối tượng chăm sóc mục vụ của Hội Thánh, mà còn là một trong những tác nhân hữu hiệu nhất của công cuộc Phúc âm hóa” (EA 46), Vì thế, mục vụ gia đình đáng được coi là “mục vụ trung tâm” của giáo phận và giáo xứ.

Từ xưa đến nay, mục vụ của giáo xứ có lẽ mới chỉ nhắm đến việc giúp các cá nhân nên thánh và tham gia công cuộc rao giảng Tin Mừng mà chưa hay ít nhắm đến việc giúp các gia đình xây dựng chính mình, giúp các gia đình sống hết các đặc tính, các chức năng và vai trò cao cả của mình, giúp các gia đình làm chứng trong môi trường khu xóm và xã hội.
Riêng với chúng ta, những linh mục tại các giáo xứ, chúng ta sẽ làm gì trong năm 2003, năm được dành riêng để “Thánh hóa các gia đình” theo ý hướng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ?

Dĩ nhiên, anh em có rất nhiều sáng kiến đã và đang được thi hành, nên chỉ xin đưa ra một vài gợi ý mà thôi :
* Trước hết là việc học giáo lý : học giáo lý để hiểu và sống Đạo đầy đủ hơn, chứ không phải chỉ để lãnh các Bí Tích, nhất là Bí Tích Hôn Phối.
- Tổ chức các lớp giáo lý chuẩn bị hôn nhân cho thanh thiếu niên, với một thủ chung, được soạn lại một cách đầy đủ về nội dung, thời gian, nhân sự và phương pháp giảng dậy.
- Tổ chức các lớp giáo lý “sống đời hôn nhân” cho những người đã lập gia đình.

* Trong những dịp đặc biệt như lễ Thánh gia, ngày nhớ ơn cha, nhớ ơn mẹ….nên tổ chức các sinh hoạt chuyên chuyên biệt như trao đổi, cầu nguyện, tĩnh tâm cho các cặp vợ chồng mừng 5, 10, 15, 20 năm đời sống gia đình.

* Tạo hoàn cảnh thuận lợi cho các gia đình sống liên kết với nhau như đọc kinh gia đình tại các khu xóm, tham dự sinh hoạt của các nhóm gia đình trong giáo xứ như hội đồng hương, ái hữu cùng lớp…
Tóm lại, chúng ta nên nhớ rằng :
Gia đình được củng cố, thì cá nhân mới có được môi trường thuận lợi để phát triển, Giáo Hội và xã hội cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
GSVN