Dan Lee
05-05-2007, 03:41 PM
ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LAVANG, VIỆT NAM
KỶ NIỆM 200 NĂM 1798-1998
LỜI MỞ ĐẦU
Năm 1998 này, toàn thể Giáo Hội Việt Nam trong cũng như ngoài nước, các Giáo Phận cũng như các Cộng Đoàn Giáo Xứ, hết mọi phần tử Giáo Hội Việt Nam đang long trọng dọn mừng Kỷ Niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang (1798-1998). Thực mà nói, từ trước tới nay ít ai nói về Đức Mẹ Lavang, cũng ít người kể chuyện về Lavang, đến độ hẳn nhiều người không biết Lavang là gì, nằm ở đâu, Đức Mẹ hiện ra thế nào, năm nào, nhằm mục đích gì nữa?
Nhân dịp Năm Toàn Xá kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra trên quê hương Việt Nam mình, chúng tôi mạo muội đi tìm hiểu và ghi lại đây những gì chúng tôi được biết để cống hiến quí vị, hy vọng quí vị hiểu thêm về biến cố đặc biệt đã xẩy ra trên quê hương, và cũng là cách thế tốt giúp quí vị thêm lòng kính mến, cậy tin ở Đức Mẹ Lavang, Mẹ của niềm an ủi và cậy trông.
I. TÂM THƯ
Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng
Gửi Giáo Dân Việt Nam
Chuẩn Bị Mừng Kính 200 NĂM MẸ HIỆN RA TẠI LA-VANG
Để chuẩn bị ngày kỷ niệm 200 năm Đức mẹ hiện ra tại Lavang, Việt Nam. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi chúng ta đôi lời chuẩn bị nhân dịp Hội Nghị Thường Niên ngày 11 tháng 10 năm 1997:
Năm 1998 là năm đặc biệt đối với hết thảy chúng ta, Giáo Hội Việt Nam mừng kỷ niệm 200 năm Đức mẹ hiện ra (1798-1998) an ủi, phù hộ giáo hữu trong cơn bách hại. Hiệp với lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng tôi tha thiết mời anh chị em đi vào năm ân sủng này, với tất cả tấm lòng hiếu thảo mến yêu Mẹ Maria, và hân hoan bước theo Mẹ trong cuộc hành trình Đức Tin chan hòa YÊU THƯƠNG và HY VỌNG. Xin Mẹ đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu là Đấng cứu độ hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời".
Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang là một biến cố tôn giáo trọng đại, là lễ chung của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ngày 20 tháng 10 năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban phép mở năm Toàn Xá cho toàn thể Cộng đồng Tín hữu Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang. Mục đích năm Toàn Xá Đức Mẹ Lavang là để giúp mọi tín hữu sám hối, đổi mới đời sống, học hỏi và noi gương Mẹ, nhờ Mẹ đón nhận hồng ân Toàn Xá.
Chủ đề Năm Toàn Xá Mẹ Lavang là: "Cùng Mẹ tiến về Năm Thánh Toàn Xá 2000", Chủ đề này được khai triển theo tinh thần và nội dung Tông Thư "Tiến về Ngàn năm Thứ Ba" của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô, gồm các đề tài chính này:
1. Sống Đức Tin theo gương Mẹ.
2. Sống Phó Thác, cậy trông noi gương Mẹ.
3. Sống Mến Yêu theo gương Mẹ
4. Tìm biết sự tích và biến cố Mẹ hiện ra tại Lavang.
Năm Toàn xá Đức Mẹ Lavang được khai Mạc trọng thể tại Thánh Điạ Lavang lúc 09 giờ ngày 01 tháng 01, 1998. Và bế mạc Năm Thánh ngày 15 tháng 8, 1999 (hơn một năm).
Tam Nhật Đại Lễ tại Lavang được cử hành từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1998.
Tin tưởng vào lòng hiếu mến Mẹ Lavang cùng sự hưởng ứng tham dự của anh chị em, Đại lễ sẽ được cử hành long trọng, thánh thiện và đem lại nhiều ơn ích cho mọi người. Xin Mẹ Lavang chúc lành cho Năm Toàn Xá.
Hà Nội ngày 08 tháng 12 năm 1997
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Hồng Y Giuse Phạm Dình Tụng.
KINH THÁNH MẪU LAVANG
Lạy Mẹ Maria,Thánh Mẫu Lavang, đầy muôn ơn phước, ngời chói hào quang, muôn vàn thần thánh không ai sánh bằng. Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh Đấng cứu độ muôn loài, Mẹ đã chọn Lavang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.
Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng, ơn phần hồn, ơn phần xác. Từ người bệnh tật đến kẻ ưu phiền, nào ai cầu khấn mà Mẹ không nhận lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu Lavang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cùng là Thánh Mẫu loài người chúng con.Cúi xin xuống phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông. Và sau cuộc đời này, xin cho chúng con được về sống bên Mẹ, hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
(Kinh này đã được Đức Cha Stêphanô Nguyễn như Thể Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Huế phê chuẩn ngày 08 tháng 12, 1997, để dùng cho Năm Toàn Xá Đức Mẹ Lavang, khai mạc ngày 1 tháng 1, 1998 và bế mạc ngày 15 tháng 8, 1999).
II. Sứ Điệp Ban Ơn Toàn Xá
Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiên ra tại Lavang
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ngày 1 tháng 1 năm 1998, Giáo Hội Việt Nam đã khai mạc Năm Thánh Toàn Xá Lavang, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang để an ủi các con cái đau khổ trong cơn bắt bớ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi một Sứ Điệp đặc biệt nói lên sự thông hiệp của Giáo Hội hoàn vũ với năm hồng ân của Giáo Hội Việt Nam. Bức Sứ Điệp như sau:
Kính gửi,
Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà-Nội, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Nhân dịp khai mạc Năm Toàn Xá, Kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Lavang, tôi thành thực chia vui và tạ ơn Chúa với các anh em cũng như toàn thể tín hữu Việt Nam.
Tại Đền Thánh này là nơi vốn được mọi tín hữu Việt Nam quý mến, đã vang lên một Sứ Điệp đầy hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gửi đến con cái người vào năm 1798; giữa những thống khổ tinh thần và thể xác, khi Mẹ nói: "các con hãy tin tưởng và hãy vui chịu mọi khổ đau, vì Mẹ đã nhậm lời các con cầu xin. Từ nay về sau, hễ ai đến đây kêu cầu Mẹ, thì sẽ được toại nguyện".
Trải qua hơn hai thế kỷ, mà lời Mẹ Lavang vẫn luôn được mọi tín hữu sốt sắng đón nhận. Mặc cho những thử thách lớn lao ghi dấu vào giòng lịch sử của Lavang. Nơi đây đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, đã liên tục duy trì các cuộc hành hương như một truyền thống sinh động. Hết mọi người, mọi thành phần, mọi hoàn cảnh, đều thầm kín đến phó thác cho Mẹ những khắc khoải lo âu và những kỳ vọng của họ. Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, giáo dân... Hết thảy đều tìm được ở chính nơi đây một lòng can đảm vững vàng, để sống đời Kitô hữu, giữa những hoàn cảnh khó khăn. Tôi tán dương Chúa, vì Ngài đã không bao giờ bỏ rơi đoàn chiên cố công tìm kiếm Ngài, và sự phù trợ của hiền mẫu Maria, Đấng vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn dân này trong những ngày hạnh phúc cũng như trong khi khốn đốn.
Trong Năm Toàn Xá này, tôi cầu chúc cho hết những ai đến cầu nguyện tại Đền Thánh Mẹ, hoặc ở những nơi chỉ định khác, được tìm thấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ nơi đời sống Kitô hữu của họ, và nhận lãnh ơn an ủi và sức mạnh để đương đầu với những âu lo trong cuộc sống. Tôi mời gọi họ nhìn thấy nơi Đức Maria một người Mẹ mà chính Chúa Giêsu đã ban tặng cho loài người, một người Mẹ đã dẫn dắt họ đến với Con Chí Thánh của mình.
Vì đã sống cách hoàn hảo thân phận người môn đệ Chúa Kitô, Mẹ kêu gọi các tín hữu tiến bước trên con đường sống Tin Mừng hăng say. Ước gì Mẹ lôi cuốn họ thành người lữ hành kiên vững trong niềm tin vào Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, thành người lữ hành của niềm hy vọng, hướng tới sự mong đợi giờ phút Thiên Chúa gặt hái mùa màng đã gieo vào lòng đất, thành những lữ hành của lòng bác ái, sống ơn gọi hơpl nhất, huynh đệ và phục vụ giữa các anh chị em mà họ cùng chia sẻ cuộc sống.
Trong khi chúng ta bước vào năm thứ hai chuẩn bị năm Đại Toàn Xá 2000, năm dành riêng cho Chúa Thánh Thần, tôi động viên người Công Giáo Việt Nam hãy chiêm ngắm Mẹ Maria, hình ảnh một người nữ khiêm tốn trong nhân loại đã để cho tác động bên trong của Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Mẹ kết hiệp đậm đà và sâu xa với Thiên Chúa, Mẹ đã trung thành và trọn vẹn vâng theo các lời mời gọi của Ngài. Ước gì mọi người có thể khám phá ra nơi Mẹ một người nữ thầm lặng và lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng những gì mà Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa đã soi sáng cho Mẹ nhận thức: Đó là sự hiện diện ưu ái và tác động thánh hóa của Ngài. Mẹ không hề chán nản, thất vọng vì các khó khăn, Mẹ đã thể hiện đầy đủ khát vọng tiềm ẩn nơi những người nghèo của Thiên Chúa. Do đó Mẹ là mẫu gương sáng ngời cho những ai thành tâm tin tưởng vào lời hứa của Chúa.
Tôi đồng tâm hiệp ý trong lời cầu nguyện với đông đảo khách hành hướng về Lavang, và tha thiết khẩn cầu Mẹ Chúa Kitô, Mẹ nhân loại, cho toàn thể dân tộc Việt Nam, cũng như cho các Cộng Đoàn Kitô Hữu người Việt ở hải ngoại. Ước gì họ đặt tín tưởng vào Trinh Nữ Mẹ Rất Thánh, Đấng đang đồng hành với họ trong cuộc lữ hành trần thế với tất cả tình mẫu tử. Dù sống bất cứ ở đâu, ước gì họ là những môn đệ của Chúa Kitô, trung thành và quảng đại làm chứng nhân cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa giữa anh chị em mình.
Kính thưa Đức Hồng Y,
Trong dịp hồng phúc kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ hiện ra tại Lavang, tôi thân ái gửi Phép Lành Toà Thánh đến ngài, cũng như đến các Giám Mục, Linh Mục, những người đang chuẩn bị làm Linh Mục, các Tu Sỹ Nam Nữ và toàn thể Tín Hữu ở Việt Nam và Hải Ngoại.
Vatican ngày 16 tháng 12 năm 1997.
Gioan Phaolô II Giáo Hoàng.
TÓM LƯỢC
LỊCH SỬ BIẾN CỐ ĐỨC MẸ HIỆN RA
TẠI LINH ĐỊA LAVANG
Linh Địa Lavang nằm trong khu vực Giáo Xứ Dinh Cát, thuộc tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Quảng Trị 6 cây số và cách Cố Đô Huế 58 cây số.
1. GIÁO XỨ DINH CÁT
Theo lịch sử thì Dinh Cát là miền đất cũ thuộc dân tộc Chàm. Nhưng đến năm 1307 vua Chàm cắt vùng đất từ sông Đông Hà qua đèo Hải Vân dâng cho nhà Trần để làm sính lễ cưới Huyền Trân Công Chúa. Vùng đất nhượng quyền này được nhà Trần chia thành 2 châu (Châu Thuận và Châu Hoà). Dinh Cát thuộc Châu Thuận được đặt làm thị trấn gọi là Thuận Thành rất trù phú và đông đúc. Trải qua 68 năm Nhà Nguyễn Hoàng đóng dinh tại đây (1558-1626), khiến Cát Dinh đã thành nơi mậu dịch rất sầm uất với người ngoại quốc.
Vị Linh Mục đầu tiên đặt chân lên xứ Dinh Cát vào năm 1595 là cha Diego Aduarte Dòng Đaminh. Sau có cha Phanxicô Buzomi từ Áo Môn (Trung Hoa) sang và được phép giảng đạo từ Quảng Nam tới Phú Yên. Rồi đến các cha khác tiếp nối. Mãi đến 1689 cha Lorenso Lân mới chính thức là cha sở đầu tiên của xứ Dinh Cát. Sau 24 năm phát triển (1693-1717) thì đến thời (Chúa Minh Vương) bách hại, nhiều người chết vì đức tin. Tiếp đến những cuộc tranh chiến kế tiếp suốt 37 năm (1765-1802) đã khiến trăm họ lầm than, đến lòng trời cũng phải xúc động. Mẹ Chúa đã hiện ra tại Lavang, để an ủi kẻ âu lo, cứu giúp con cái lầm than của Mẹ.
2. PHƯỜNG LAVANG
Vào thế kỷ XV, xứ Dinh Cát gồm 2 Huyện, 134 xã, 9 thôn và nhiều Phường. Làng Cổ Vưu là một Họ Đạo lâu đời thuộc Xứ Dinh Cát, được thành lập vào thế kỷ 17, đời nhà Lê và quản thu đời Gia Long (Theo sử liệu cha Lorense Lân viết lại ngày 17.2.1791). Dân làng phải đi vô rừng sâu tới 7 cây số để phá rẫy trồng khoai, cấy lúa. Trong làng Cổ Vưu có phường Lá Vắng (Vì trong vùng có nhiều cây tên là Lá Vắng, có hột đen ăn được và lá cây lại là một vị thuốc, nên dân trong vùng dùng lá sắc lên uống chữa bệnh, do đó dân vùng lấy tên cây mà đặt cho phường như trong địa bộ. Về sau người ta đọc trại ra là Lavang như ngày nay). Vậy chiếu theo địa bộ đời nhà Lê, Lavang đã được thành lập trên 200 năm. Cũng theo những lời truyền miệng của tiền nhân thì cách đây hơn 200 năm, dưới đời vua Cảnh Thịnh (tức Nguyễn Quang Toản) một biến cố hãi hùng do cuộc cấm đạo và chiến tranh đã khiến cho dân chúng xung quanh Dinh Cát phải chạy vào Lavang để lánh nạn.
3. ĐỨC MẸ HIỆN RA
Trong lúc lánh nạn, họ thường tụ họp nhau mỗi tối để cầu nguyện, lần hạt. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp mặc áo choàng hiện ra gần cây đa cổ thụ, mà họ nhận biết là Đức Mẹ vì có bồng Chúa Hài Đồng và có 2 Thiên Thần cầm đèn chầu. Đức Mẹ ngỏ lời an ủi và dạy họ bẻ lá cây xung quanh đó mà nấu nước uống thì sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa từ nay về sau những ai đến đây cầu khẩn Mẹ, thì Mẹ sẽ ban ơn phù trợ. Đức Mẹ còn hiện ra với họ nhiều lần khác nữa. Theo sách Vãn Lavang có kể rằng:
Trời sinh cái chốn lạ lùng,
Tự nhiên giữa núi nên cung Chúa Bà.
Truyền rằng có một cây đa,
Mọc trên núi nọ gọi là Lavang.
Ngày thì hạc phụng dạo chơi,
Đêm thì hổ báo chầu nơi linh hoàng.
Chốn này linh ứng nghiêm trang,
Hai bên khe ruộng giữa làng Lavang....
Điều đáng tiếc là không ai biết được Đức Mẹ hiện ra chính xác vào năm nào, nhưng theo tục truyền thì Đức Mẹ hiện ra vào lúc nước nhà đang xảy ra những cuộc nội chiến thật bi đát và lầm than (1765-1802).
Nhưng theo sử liệu định mức sự đen tối nhất là thời Vua Cảnh Thịnh (Nhà Tây Sơn) bắt đạo. Lý do là sau khi vua Quang Trung mất (9/1792), Nguyễn Quang Toản mới 13 tuổi lên ngôi, lấy hiệu là Cảnh Thịnh, nên mọi việc do các quân thần nhiếp chính. Sau khi bắt được lá thư của Nguyễn Ánh gửi cho Đức Cha Labartelle xin giúp đỡ, vua Cảnh Thịnh sinh ghét Đạo Công Giáo và ra sắc dụ cấm đạo từ Phú xuân ra Bắc (8/1798). Lại cho lính đi lùng bắt các vị Thừa Sai Pháp đã đứng ra giúp Chúa Nguyễn Ánh. Nhiều người Công Giáo thuộc vùng Cổ Vưu, Thạch Hãn... chạy vào lánh nạn tại phường La Vang, giữa vùng núi rừng hiểm trở. Trong lúc lánh nạn ở đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần hạt Mân Côi. Thấy cảnh khổ của họ, Đức Mẹ thương hiện ra để an ủi các con cái Mẹ đang bị bách hại.
Đời các vua kế tiếp như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng đều ra những sắc dụ cấm đạo cách ráo riết. Điều đáng tiếc là các bút tích lịch sử về biến cố lạ thường xẩy ra tại Lavang do Đức Cha Labartelle để lại cùng với văn khố của Địa Phận Bình Trị Thiên đều bị thiêu đốt đến 2 lần. Ngay cả đến các sách vở, tài liệu của Đức Cha Sohiu Bình (1861) được chôn dấu tại Huế cũng bị đào lên và đốt hết, nên không còn bút tích nào để lại. Sau này các giáo hữu được thấy Đức Mẹ hiện ra cũng chỉ biết kể lại với những người quen thân chòm xóm. Và rồi từ miệng người này qua người khác, sự tích Đức Mẹ Lavang được biến thành một lời truyền tụng không sức nào có thể dập tắt được.
4. NGÔI ĐỀN THỜ ĐẦU TIÊN
Người thời xưa còn kể: Người địa phương thường hay đến khấn vái dưới gốc cây đa ở phường Lavang. Khi biết có Bà linh thiêng hiện ngự tại đây nên họ lập đàn cầu khẩn. Đến thời vua Minh Mạng, ba làng Thạch Hãn, Cổ Vưu và Ba Trừ lại chung nhau dựng chùa dưới gốc cây đa để cúng vái, những sau bị động họ phải rút lui. Sách vãn Lavang có kể:
Dân ta chớ khá công nài,
Bứt tranh, đốn củi để mai làm chùa.
Làm rồi khi ấy đi mua,
Hương đèn, lễ vật dọn chùa sửa sang.
Dọn ra Thần Phật hai hàng,
Lư Hương, bát nước nghiêm trang đề huề.
Làm rồi chức dịch đi về,
Nhân dân lao khổ ê hề bấy lâu.
Về nhà nghỉ giấc canh thâu,
Tự nhiên mộng mị chiêm bao rập ràng.
Trên chùa Thần Phật rộn ràng,
Về bắt chức dịch mấy làng xôn xao.
Rằng Phật, rằng Thần lao đao,
Có Bà bên Đạo phép cao la lùng.
Bà về Bà đánh tứ tung,
Bao nhiêu thần Phật đều tung ra ngoài.
Tiếng Bà thật đã linh oai,
Lư hương, bát nước, đề đài đều hư.
Chức lành thức dậy lao lư,
Hỏi ai cũng mộng giống như một điềm.
Sáng rồi cất bước đi liền,
Đến xem sự việc nhân tiền ra sao.
Xét coi trong lúc chiêm bao,
Hoặc hư hoặc thiệt thế nào cho yên.
Kéo nhau vừa tới ngoài hiên,
Thấy ngôi Thần Phật ngả nghiêng ngoài đường.
Kêu lên đôi tiếng ngỡ ngàng,
Bảo nhau thu vác về làng cho mau.
Tưởng rằng Thần Thánh linh mầu,
Linh Bà còn hóa phép mầu nhiều hơn.
Sau những chuyện lạ xảy ra, ba làng bèn bàn nhau dâng chùa Lavang mới làm cho bên Công Giáo. Sau khi Ông Chức nhận đất và Chùa ba làng nhượng cho, ông liền trình cha bổn sở. Ngôi chùa được biến thành Đền Thờ Công Giáo đầu tiên tại Lavang, trên nơi chính Đức Mẹ hiện ra. Cũng từ đó sự tích Đức Mẹ hiện ra tại Lavang cũng được viết ra và loan báo đi khắp nơi. Như thế, ngay từ đầu đối với vấn đề Lavang, Giáo quyền đã không im hơi lặng tiếng đâu. Chỉ tiếc các bút tích ấy sau này cũng bị thất lạc cả.
Những năm sau, nhiều gia đình kéo nhau tới Lavang dựng nhà lập nghiệp, nhưng cũng không ổn vì Đảng Văn Thân (1883) nổi dậy gây ra nhiều cuộc tàn sát người Công Giáo từ Qui Nhơn ra đến Quảng Trị, Thừa Thiên. Theo bản thống kê của Đức Cha Gaspa, vào thời Đảng Văn Thân nổi lên, đã giết chết 6 Linh Mục, Chủng Sinh Toma Thiện, trên 60 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và 7041 giáo dân thuộc 45 Họ Đạo của xứ Dinh Cát. Ngoài ra các nhà thờ, tu viện, nhà xứ, nhà ăn và làng xóm đều bị đốt phá bình địa. Một số trốn thoát được là nhờ chạy trốn vào Huế, hoặc lên rừng núi ẩn núp.
5. ĐỀN THỜ TRANH LAVANG THỨ HAI
Ngôi Đền thờ Đức Mẹ Lavang đầu tiên, chính là ngôi chùa lợp lá thô sơ được sửa lại, do các làng ngoại giáo nhượng lại (1798). Đền thờ này đã bị Văn Thân thiêu hủy vào năm 1885.
6. ĐỀN THỜ NGÓI TẠI LAVANG
Đến năm 1886, cuộc cấm đạo được vãn hồi, giờ khải hoàn vinh quang của Mẹ Lavang sắp điểm. Đức Cha Gaspar Lộc quyết định xây cất cho Mẹ một ngôi thánh đường lợp ngói, tại chính nơi Đức Mẹ đã hiện ra, nhưng phải mất 15 năm mới hoàn thành (1886-1901). Lễ khánh thành từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 8 năm 1901 và cũng là Đại Hội Thánh Mẫu lần thứ nhất với 12.000 giáo dân khắp các địa phận kéo về mừng lễ, ấy là chưa kể người ngoài Công giáo cùng đến chung vui. Từ đó cứ ba năm lại có một lần tổ chức Đại Hội Đức Mẹ Lavang.
7. ĐỀN THỜ NGÓI THỨ HAI TẠI LAVANG
Từ năm 1924 đến năm 1928 một đền thờ mới được xây dựng để thay thế ngôi đền thờ cũ đã bị hư hỏng và chật chội. Đức Cha Eugène Allys Lý đã cho phép xây và cha Morineau (Cố Trung) Quản xứ Bửu Trung thực hiện việc xây cất. Ngôi thánh đường với hai tầng mái ngói và hai cánh Thánh Giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất, nổi bật lên giữa cảnh đồi cát xung quanh và núi rừng xa xa. Đây là ngôi nhà thờ ngói thứ hai được xây cất, minh chứng niềm tin kính sùng mộ Đức Mẹ Lavang của hết mọi giáo dân toàn quốc. Đền Thờ được khánh thành trong ba ngày (20-23-8-1928) với đầy đủ bộ mặt giáo dân của toàn quốc tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức Đại Hội Lavang Cấp Toàn Quốc lên tới 30 ngàn người tham dự.
Ngày 18 tháng 3 năm 1959, Đền thờ Đức Mẹ đã xuống cấp theo thời gian, nên cha sở Trần văn Tường đã ra sức quyên góp để tu sửa nhà thờ. Ngày 22 tháng 8 năm 1961, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đã cử hành lễ Xức Dầu Đền Thờ để được nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường trước đoàn giáo hữu toàn quốc lên tới trên ba trăm ngàn người đến tham dự.
Sau khi Đức Thánh Cha Gioan 23 chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam theo sắc chỉ ra ngày 24 tháng 11 năm 1960, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn Đên Thờ Đức Mẹ Lavang làm Đền Thờ Toàn Quốc dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm theo lời hứa (xây dựng một đền thờ dâng kính Mẹ) và nhận nơi này làm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc (22-8-1961).
8. LAVANG NHỮNG THẢM CẢNH TÀN SÁT
Quan những năm tháng an bình, Lavang dệt nên biết bao nhiêu sinh động. Nhưng từ dịp Tết Mậu Thân (1968) những cảnh tang thương ập tới, Lavang bắt đầu nhuộm màu máu, người chết, nhà tan, cảnh trí điêu tàn: Hành quân Hạ Lào, tái chiếm Quảng Trị, mùa hè đỏ lửa, đại lộ kinh hoàng (1972). Gio Linh và Lavang nằm trong vùng lửa đạn Đền thờ Mẹ chỉ còn trơ lại mấy bức tường và một phần ngọn tháp cổ.
Nhìn lại mới ngày nào mà nay đã gần hai thế kỷ (1798-1998), Linh địa Lavang được cả thế giới kính tôn và ham mộ. Giáo phận Huế đã có đồ án trùng tu, nhưng chưa thực hiện được. Tuy nhiên năm nay là lần Đại Hội Thánh Mẫu thứ 25 vẫn được long trọng tổ chức vào ngày 13, 14, và 15 tháng 8, 1998, để kỷ niện 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Linh địa Lavang này.
9. CÁC LẦN ĐẠI HỘI LAVANG ĐÁNG KỂ
Kể từ khi có đền Lavang mới, từ năm 1901 đến năm 1969, có 17 kỳ Đại Hội Thánh Mẫu đã được tổ chức tại Linh Địa Lavang này.
Từ Đại Hội lần thứ 1 (1901) đến Đại Hội lần thứ 5 (1914), chỉ tổ chức có 1 ngày tròn và rước kiệu từ Cổ Vưu vào Lavang.
Từ Đại Hội lần thứ 6 đến Đại Hội lần thứ 9 (1928), tổ chức trong 3 ngày liên tiếp. Hai ngày tại Lavang, một ngày kiệu từ Cổ Vưu tới Lavang.
Các lần Đại Hội lần thứ 10 (1932), 11 (19335), 12 (1938), 13 (1955) bị gián đoạn, mãi đến năm 1955 mới được tổ chức lại. Cha Giacôbê Kinh, bổn sở LaVang đã hy sinh trụ trì để gìn giữ đền thờ Đức Mẹ suốt thời Lavang bị Việt Cộng chiếm đóng (1948-1955). Ngài qua đời và được chôn táng ngay sau đền thờ Đức Mẹ.
Lần Đại Hội lần thứ 14 (1958), kỷ niệm Bách Chu Niên Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thì suốt năm tại Linh địa Lavang cũng đã tiếp đón trên 600,000 người tới kính viếng Đức Mẹ.
Các lần Đại Hội Lavang lần thứ 15 (1961), 16 (1964), 17 (1967), 18 (1969), được tổ chức mọi cái ngay tại Lavang, kể cả kiệu Đức Mẹ.
Từ 1971 chiến tranh xẩy ra liên tiếp và vì an ninh không bảo đảm, nên việc tôn kính Đức Mẹ tại Trung Tâm Lavang chỉ tổ chức cách rất bình thường.
Nhân dịp khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm (1998) Đức Mẹ hiện ra tại Lavang, Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể đã long trọng cử hành Thánh Lễ khai mạc Năm Toàn-Xá vào ngày mùng một tháng giêng năm 1998, ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, ngày cầu cho Hòa Bình thế giới và cũng là ngày đầu năm Dương lịch. Tuy không có tính cách trọng thể nhưng giáo dân tiến về cũng lên tới trên 10 ngàn người. Với lòng yêu mến Đức Mẹ thật không gì có thể ngăn cản được. Mọi người trong và ngoài nước đều nhất tề hướng về Mẹ Lavang.
Ngày 13, 14 và 15 tháng 8, 1998 sẽ là ngày Đại Hội Thánh Mẫu Lavang toàn quốc lần thứ 25 tại Linh Địa này và ngày bế mạc Năm Toàn Xá sẽ mở vào ngày 15 tháng 8 năm 1999.
10. LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LAVANG
Cha Giuse Trần văn Tường được Đức Cha Thi đặt làm cha sở Lavang, ngài đã xây một Linh-Đài Đức Mẹ tại trên chính nơi Đức Mẹ hiện ra, cũng là chính nơi ngôi chùa được di nhượng để ghi nhớ nơi Đức Mẹ đã hiện ra an ủi đoàn con trong những cơn sóng gió. Cuộc xây dựng Linh-Đài Lavang được kiến thiết làm 3 đợt. Trước Đại Hội Toàn Quốc 1955 (cuộc đại hội lần thứ 13 sau 17 năm chờ đợi - 1938-1955). Linh Đài chỉ là một ngôi nhà tứ giác thô sơ. Sau Đại Hội được sửa lại vững chắc hơn. Mãi đến lúc có công tác kiến thiết Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, Linh-Đài Đức Mẹ lại được làm theo lối kiến trúc tân kỳ với 3 cây đa tượng trưng cho sự thống nhất của ba miền Bắc, Trung, Nam.
11. CHÂN DUNG ĐỨC MẸ LAVANG
Trong dịp Đại Hội Lavang lần thứ nhất, Đức Cha Gaspar Lộc đã làm phép tượng Đức Mẹ Lavang, ngài đặt thực hiện tại nước Ý theo như chân dung Đức Mẹ do chính những người được diễm phúc thấy Đức Mẹ kể lại: "Đầu Mẹ đội triều thiên vàng, mình Mẹ mặc áo choàng mầu thanh thiên phủ trên áo trắng ngà, chân Mẹ đứng trên đám mây. Đức Mẹ ngó nhìn con cái với nét mặt dịu hiền trong giáng điệu uy nghi trang trọng. Hai tay Mẹ đỡ nâng Chúa Hài Đồng đứng bên tay mặt, như muốn đưa ra giới thiệu cùng chúng ta. Chúa Giêsu Hài Nhi đầu đội triều thiên vàng, mặc áo mầu hồng, chân đứng trên trái địa cầu nhấp nháy mấy vì sao. Chúa đứng như nương tựa vào Đức Mẹ. Một tay níu áo Mẹ, một tay đưa ra như mời gọi chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ, để Mẹ phù trợ và ban ơn". (Trích sách Đức Mẹ Lavang, Nữ Vương Chiến Thắng của Nguyễn Đình Khiêm).
Đền Đức Mẹ Lavang cũng còn có Pho Tượng mới, lớn hơn tượng cũ và cùng một kiểu mẫu, do cha Sở Trần văn Tường sắm sau khi đền thờ Đức Mẹ được trùng tu, Tượng do một Điêu-khắc-gia Công giáo từ Sàigòn thực hiện (1923). Tượng được trưng bày trên tòa cao, chính giữa gian Cung Thánh, sau bàn thờ chính.
Khi chọn Bổn mạng cho thánh đường Lavang, Đức cha Gaspa Lộc đã tuyên bố: "Đức Bà phù hộ các giáo hữu là tước hiệu chính thức của đền thờ Đức Mẹ Lavang" (1901).
12. LAVANG NGUỒN ÂN PHÚC
Cha Giuse Trần văn Tường khi viết về Mẹ Lavang, ngài đã ghi lại những lời quý báu sau đây: "Từ một chốn rừng núi thâm u, Lavang đã trở nên trung tâm cầu nguyện, một thành trì thu hút muôn người. Vì Lavang là đất riêng của Đức Mẹ Chúa Trời. Trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ rưỡi này, Lavang là nơi đã tuôn tràn bao ơn phúc của Mẹ lành. Ai có thể kể hết được những ơn lạ phần hồn phần xác Đức Mẹ đã ban xuống cho những ai chạy đến cầu khẩn Mẹ ở nơi này. Sao đếm nổi những đoàn người nam phụ lão ấu, không thiếu một thành phần nào trong xã hội đã lũ lượt tuôn đến Lavang. Họ đến để tỏ bày nỗi lòng, kêu xin sốt sáng.... Để rồi ra về lòng nhẹ nhàng sung sướng đầy tin cậy mang theo bó lá, vài miếng gạch vụn lượm quanh đền thờ đem theo để làm tin.
Mẹ Maria quyền phép ngự trị trên trời. Mẹ Maria tuôn tràn muôn ơn xuống khắp nơi và bất cứ ở đâu ta cũng có thể kêu xin cùng Mẹ, nhưng có những chỗ Mẹ muốn chọn làm nơi riêng của Mẹ. Trải qua thời gian, chúng ta nhận ra Lavang chính là một trong những nơi riêng ấy, Mẹ nhận để thi ân.
Lời truyền tụng của Tổ Tiên, sự khuyến khích của Giáo Quyền, lòng sùng mộ của Giáo Hữu Việt Nam qua bao thể kỷ, đủ chứng tỏ rằng Mẹ nhân lành đã muốn chọn Lavang này để thông ơn Chúa cách riêng cho con cái Việt Nam và để làm nơi cho con cái Mẹ qui tụ lại mà chúc tụng, mến yêu Người một cách đặc biệt hơn. Lavang nơi xưa kia Mẹ hiện đến để yên ủi giao hữu lâm cảnh lầm than, bị bách hại. Lavang hôm nay Mẹ còn tuôn đổ tràn phúc lạ an ủi kẻ ưu phiền, hộ phù người tin cậy.... Hãy đến Lavang để kính viếng nơi Thánh Địa Mẹ đã chọn. Hãy đến Lavang để gặp Mẹ, và nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu mạch tràn trể muôn phúc".
13. NHỮNG ƠN LẠ MẸ LAVANG BAN
1. CÂY ĐÈN CẦY VỤT TẮT
Cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh làm cha Sở Lavang (1948-1955) đã ghi lại phép lạ Mẹ ban cho vua Khải Định như sau: Nhân dịp lễ tứ tuần của vua Khải Định, bỗng dưng ngài ngã bệnh đến độ trầm trọng. Các ngự y đều bất lực. Các bác sỹ Pháp cũng bó tay. Lúc ấy có viên quan xin tâu vua về việc cứu chữa linh thiêng của Đức Mẹ Lavang và thỉnh cầu nhà vua tìm tới xin ơn Đấng Thánh Mẫu. Vua Khải Định liền cho mời cụ Nguyễn Hữu Bài vào điện và xuống mạng cho cụ đi Lavang khấn xin cùng Đức Mẹ. Vâng theo thánh dụ, cụ ra Lavang cầu xin Đức Mẹ cho nhà vua được bình phục, để ngày lễ tứ tuần ngài được vui vẻ và khoẻ mạnh để tiếp đãi quan khách. Thực thế, Đức Mẹ đã ban cho vua được bình phục, vì sau lễ tứ tuần, nhà vua đã cho người đến Lavang tạ ơn Đức Mẹ. Năm sau cũng vào dịp này vua bị ngã bệnh lại. Vua lại sai cụ Bài đi khấn xin và mang thêm hai cây đèn cầy lớn dâng kính Đức Mẹ. Tới nơi cụ cho chưng đèn và thắp nến trước bàn thờ Mẹ. Nhưng lạ thay, một cây đèn cầy không chịu cháy, cho dù có sửa tim, cạo nến, ngọn đèn cũng chỉ cháy lên leo lét một chút rồi vụt tắt. Cụ bài luận rằng đó là dấu Đức Mẹ cho biết, Mẹ chỉ nhận một lần này nữa mà thôi, lần sau sẽ không được nữa. Đúng thế, năm sau vua Khải Định lại ngã bệnh và thăng hà trong chứng bệnh hiểm nghèo ấy. (N.S.Đức Mẹ Lavang số 2 tháng 7,1962).
2. CÔ MARIA MỘNG HOA
Ông bà Nguyễn khắc Nhân và Tôn nữ thị Quyên, đã sinh được 3 người con trai. Bà ao ước có thêm một cô Tôn nữ nữa, nên bà thường khấn rằng: "Nêu Mẹ Lavang cho con toại nguyện thì con sẽ trở lại đạo Công Giáo". Lần kia ông lên Đền Lavang hành hương xin ơn. Khi trở về bà kể cho ông nghe giấc mộng đẹp của bà: Một Bà-Đẹp mặc đồ trắng toát, tay ôm những bông Cúc Thọ kép. Bà xin một bông, Bà-Đẹp cho ngay một bông. Bà xin một bông nữa, Bà-Đẹp mỉm cười rồi biến đi.
Ông tin đó là điềm tốt, Đức Mẹ đã nhân lời ông bà cầu xin. Và thực thế, năm sau (15-8-1913) bà mang thai một người con nữa. Tới ngày sinh mà bà không cách nào sinh được; ông Nhân phải chạy lên Đền Đức Mẹ Lavang cầu khẩn và lấy Nước-Thánh Đức Mẹ đem về cho bà uống và thoa trên trán. Sau khi uống nước bà sinh được liền. Ông bà đặt tên cho con là Nguyễn thị Phi-Phụng và âu yếm nói với con: "Ba ước ao sau này con sẽ được huy hoàng như chim Phụng Hoàng, nhưng khi làm nên sự nghiệp vẻ vang, thì con sẽ phải mang tên hiệu là "Mộng Hoa" để kỷ niệm ơn lạ mà má con đã chiêm mộng". Năm tháng cứ thế trôi qua, Phi Phụng học hành ngày một khá. Đến lúc lên 16 tuổi, cô đã được báo chí ca ngợi về năng khiếu nghệ thuật của cô. Phi Phụng nhớ lời cha dạy nên đã nhận bút hiệu mới là gái "Mộng hoa". Cô không hãnh diện về mình nhưng luôn có tâm tình biết ơn đối với Mẹ Lavang. (N.S. Đức Mẹ Lavang số 9, tháng 5, 1962).
3. TÉ BỂ SỌ ĐƯỢC MẸ CHỮA LÀNH
Ngày 25 tháng 5 năm 1932, có cha Phượng và cha Mục sau khi cấm phòng tại Dòng Phước Sơn về, hai cha đến Lavang kính viếng Đức Mẹ. Cha Phượng leo lên tháp chuông coi, mới lên được tầng dưới cao 5 thước, cha bị xẩy chân té xuống nền Xi-măng, sọ bể rạn từng miếng, một đầu gối bị dập, ống chân bị bẻ quặt lại, máu chảy dầm dìa lai láng. Cha bị ngất bất tỉnh nhân sự. Người ta chạy đến nhà thương Quảng Trị mời bác sĩ Phạm văn Hy, nhưng rủi thay bác sĩ đi vắng. Đến 8 giờ tối bỗng nghe có tiếng xe tiến tới trước cửa nhà xứ. Cha Morineau Trung ngỡ là người đón bác sĩ trở về, nhưng không, đó là xe của bác sĩ Hoslé, Quản Đốc Bệnh Viện Huế đi săn bắn, tình cờ đi ngang qua. Ông liền đưa nạn nhân lên xe chở về nhà thương, rồi đánh điện mời bác sĩ Hy trở về. Hai bác sĩ lo săn sóc cho nạn nhân nhưng cả hai đều nói rằng: "Cha có qua khỏi là nhờ phép lạ Đức Mẹ làm mà thôi". Quả thực phép lạ đã xẩy ra trước sự ngạc nhiên của mọi người. Chỉ sau 10 ngày cha Phượng đã khỏi hết mọi vết thương từ đầu đến tay chân. Bác sĩ tuyên bố: "Đó là ơn thiêng từ trời ban cho cha. Một phép lạ Đức Mẹ ban cho Cha, chứ không có tài nghệ nào chữa lành mau như thế được". (Phép lạ này đã được tường thuật trong Tạp Chí Hội Truyền Giáo, xuất bản tại Balê tháng 4 năm 1932).
4. BỐN MƯƠI NĂM MỘT GIÒNG LỆ
Ngồi liên tưởng đến Thánh Lễ Đại Trào Khai mạc năm Toàn xá, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang và kỷ niệm 10 năm Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tôi hồi tưởng về một khung trời ấu thơ xa xưa với một biến cố trọng đại đến với gia đình tôi cách đây 40 năm về trước, vào một ngày cũng mưa gió như hôm nay.
Năm 1958, ba tôi làm việc tại Bệnh viện Trung Ương thành phố Huế. Mỗi tháng ông cùng các bác sĩ đi thanh tra các Bệnh viện nhỏ trong vùng một lần. Hôm ấy ông sửa soạn đi thăm bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số về phía Tây Bắc.
Tôi còn nhớ rõ hôm đó trời mưa lạnh, mưa rả rích suốt ngày. Ba tôi chuẩn bị lên đường. Ba tôi mặc chiếc Jacket bằng da và dặn dò mẹ tôi một vài điều gì đó rồi vội vã ra xe.
Bước xuống mấy bậc thềm, ông gặp ngay cha Cao văn Luận, người cùng quê quán với cha tôi. Ngài rất thương yêu gia đình tôi và niềm mong mỏi của ngài là được thấy gia đình tôi theo Đạo. Điều mà đối với cha mẹ tôi là một trở ngại rất lớn, không thể nào thực hiện được. Họ hàng cả hai bên đều không có ai theo Đạo Công Giáo, vả mẹ tôi đã quy y, pháp danh là Nguyên Kha. Mẹ tôi cũng đã xây chùa cho làng ngoại tôi ở Huế. Cả một đời mẹ hy sinh cho hạnh phúc của chồng con, nhưng trong vấn đề tín ngường bà rất là cương quyết, vì thế ba tôi cũng rất tôn trọng mẹ tôi, mặc dù ông rất mến cha Luận.
Cha Luận gặp ba tôi, ngài đưa cho ông một tấm ảnh và bảo: "Tôi mới đi kiệu ngoài Lavang về. Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng, ông hãy giữ lấy mà cầu nguyện". Ba tôi cười cười, nói cám ơn cha, rồi thuận tay ông nhét tấm ảnh vào túi trong của áo Jacket: "Con phải đi ngay cha ạ, mọi người đang chờ con ở ngoài kia". Vừa nói ông vừa chào từ giã rồi đi ra xe.
Buổi chiều trong khi người làm dọn cơm, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ đang kể một đoạn trong câu chuyện "những kẻ khốn cùng" của văn hào Victor Hugo, thì chúng tôi nhận được hung tin. Chiếc xe chở ba tôi và bốn người nữa bị lật tại cầu Giồng Quảng Trị chìm xuống sông rồi. Tất cả đều tử nạn. Bệnh viện báo tin và yêu cầu gia đình đến ngay để nhận xác về mai táng.
Trước biến cố bất ngờ, mẹ tôi như người bị sét đánh, sững sờ ôm lấy chị em chúng tôi. Làm sao tôi có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ tôi lúc này... Mẹ tôi và chị em tôi theo xe bệnh viện ra Quảng Trị lấy xác cha. Đến nơi, tại trạm gác nhỏ nằm cuối chân cầu, xác của ba ông bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã được vớt lên, còn thi hài ba tôi chưa tìm thấy. Người ta chưa vớt được, nhưng quả quyết rằng ông cũng cùng một số phận với những tử thi đang nằm đó, vì ông ở dưới nước quá lâu. Thân nhân của các nạn nhân đã có mặt đông đủ, họ kêu gào khóc lóc rất não lòng. Em tôi còn nhỏ chưa hiểu lắm, nép trong vòng tay mẹ ngơ ngác nhìn quanh: "Ba đâu, ba đâu mẹ!". Mẹ tôi chưa kíp dỗ dành thì bỗng có tiếng người la lớn: "Đây rồi, vớt được xác cuối cùng rồi".
Là ba tôi đó. Mẹ tôi nhào tới. Người ta khiêng xác ba tôi đặt lên chiếc băng ca. Lại có tiếng la lên: "Trời ơi, ông ta hình như chưa chết. Còn thở, hơi thở yếu lắm. Làm hô hấp cho ông ta ngay đi".
Và ba tôi quả còn sống thật. Mẹ tôi qùi xuống lạy trời lạy đất. Cám ơn Trời-Phật đã cứu sống ba tôi. Nước mắt mẹ tôi một lần nữa tuôn trào, nhưng lần này là giòng nước mặt hạnh phúc không ngờ. Chúng tôi quỳ xung quang băng ca. Ba tôi tỉnh lại hẳn. Ông nói bằng một giọng thật yếu ớt, câu nói đầu tiên tôi không bao giờ quên được: "Hãy xin cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà. Đức Mẹ Lavang đã chữa ba".
Nói xong, ông đưa tay vào túi áo lục lọi kiếm tìm, ông rút ra một tấm ảnh Đức Mẹ Lavang, tấm ảnh mà Cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Ba tôi nói tiếp: "Đây chính Bà này đã cứu ba. Ba bị mắc kẹt trong gầm xa không sao ra được. Bà đã đến lôi ba ra. Ra khỏi cửa xe, Bà đẩy ba nổi lên mặt nước và nói "Ta là Mẹ Lavang, Ta đến cứu con".
Tôi chợt nghĩ lại: Nếu ngày hôm ấy ba tôi không vội vàng ra đi và có thời giờ tiếp chuyện cha Luận, thì có lẽ bức ảnh Đức Mẹ Lavang đã bị bỏ quên trong ngăn kéo cùng với sự hững hờ của ba mẹ tôi rồi. Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và 7 anh chị em được rửa tội trong sự tự nguyện rất hoan hỷ của mẹ tôi. Ba vị Linh mục thân thiết nhất của gia đình là cha Cao văn Luận, cha Ngô văn Trọng, cha Vũ minh Nghiễm dạy giáo lý cho gia đình, đã dâng Thánh Lễ và ban phép Rửa Tội cho chúng tôi tại Thánh Đường Đức Mẹ Lavang Quảng Trị. Mẹ tôi vui mừng hân hoan và tin tưởng, bà lần chuôi Mân Côi mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt, bà vẫn là một tín đồ sốt sáng, sùng kính Đức Mẹ tuyệt đối. Đây là hình ảnh cuối đời của mẹ tôi.
Tôi còn nhớ, sau ngày gia đình chịu Phép Rửa Tội, mẹ tôi đã phải chịu đựng biết bao lời ra tiếng vào của họ hàng và những người quen biết.... Mỗi lần than vãn với Mẹ thì mẹ tôi lại khuyên: "Ba là cột trụ, là nguồn sống của gia đình. Đức Mẹ đã cứu sống ba là cứu sống cả gia đình chúng ta. Vì thế dù cho phải chịu bao nhiêu thử thách, khó khăn cũng phải chấp nhận, để cảm tạ ân sủng đó. Tình yêu luôn luôn có cái giá phải trả, và cái giá đó có nghĩa gì đâu với ân huệ mà Đức Mẹ đã ban cho gia đình chúng ta".
Mẹ tôi nói đúng, ơn lạ mà Mẹ Lavang đã ban là một biến cố lớn trong đời sống tâm linh của gia đình, cùng là một biến cố trong lịnh sử gia tộc. Ba tôi năm nay đã gần 90 tuổi. Ông vẫn còn giữ và kính tấm ảnh năm xưa đã cứu mạng ông. Tấm ảnh ngày nay đã mờ nhạt theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông vẫn ngồi bên Mẹ, đọc kinh, cầu nguyện, truyện vãn với Mẹ một cách thân tình.
Câu chuyện này vẫn thường được tôi kể lại cho các cháu nghe như một chuyện thần thoại nhưng có thực, chuyện xẩy đến từ một phép lạ của Đức Mẹ Lavang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.
Ngày đại lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay trời mưa nhiều. Tôi lái xe đi trong cơn mưa như trút, nhưng lòng tôi hạnh phúc vô cùng vì tôi được có Chúa, có ánh sáng niềm tin của Ngài chiếu rọi tâm hồn tôi. Tôi có tình yêu bao la rộng mở của Đức Mẹ đã đến với gia đình tôi từ thuở tôi mới lên 10... Ngày nay tôi cũng vẫn cảm thấy mình may mắn, đã được hưởng một ân huệ quá đặc biệt đến từ tình yêu bao la không bờ bến của Đức Mẹ....
California ngày 22 tháng 2 năm 1998. Lê tín Hương. (trích từ Báo Hiệp Nhât số 64, tháng 4, 1998).
5. TÌNH MẸ BAO LA
... Gia đình hoàn toàn ngoại giáo, lại nghèo nên bố tôi phải lên núi kiến trầm về bán nuôi sống gia đình. Nhưng chẳng may bố tôi bị một nhánh cây khô nhọn đâm xuyên bàn chân. Các bạn phải cõng bố tôi về. Tới nhà thì chân đã mưng mủ, nhức nhối, suốt ngày chỉ ôm chân kêu đau rên rỉ. Các cha, các Sơ đến thăm và chữa trị nhiều lần nhưng cũng không bớt. Có người nói trong thịt xương bàn chân còn nhiều miếng gỗ cứng sinh độc cần phải mổ mới lành. Bố tôi đi nhà thương soi điện nhưng chẳng thấy gì, còn bác sỹ thì nói phải cưa chân đi mới khỏi. Mẹ tôi sợ bố què cụt không làm được việc nên không cho. Bố tôi phần thì lo buồn vì sợ chất độc chạy lên tim đe dọa mạng sống, phần thì đau đớn không thể làm gì nuôi sống gia đình.
Ở rú làng tôi có hòn đá trắng giống hình người nằm dưới bụi vòi voi xum xuê. Người ta đồn rằng "Ông Đá" thiêng lắm, đêm khuya trời tối ông thường ngồi dậy trò truyện với các hồn ma trong nghĩa địa. Vì thế dân làng ai đau yếu cũng nấu nước chè xanh mang đến đây cầu khẩn rồi đem về uống. Mẹ tôi còn hơn thế nữa, bà dìu bố tôi ra đây khóc lóc cầu xin "Ông Đá" thương tình, nhưng bố tôi chẳng thuyên giảm chút nào. Tình thế gia đình ngày càng nguy ngập.
Cuối hè năm ấy, nhân có Đại Hội Thánh Mẫu Đức Mẹ Lavang, Sơ Camille là cô giáo dạy tôi học, gợi ý đem bố tôi đi Lavang nhờ Đức Mẹ cứu giúp. Sơ biết gia đình tôi ngoại giáo, lại túng thiếu, nên trình cha xứ cho nhập đoàn với giáo dân, đi chung chuyến xe đò và ăn ngủ với họ không phải tốn tiền. Nghe chuyện ấy mẹ tôi mừng lắm nên xin cùng đi theo. Lòng bố thì nghi ngờ, nhưng vì ngộ biến nên phải tòng quyền. (Gia đình tôi ngoại đạo, nhưng tôi học trường Công giáo, nên mọi kinh nguyện tôi xin nhận đọc cả để bố tôi yên lòng. Bố chỉ cần có lòng thành tâm thôi). Bố tôi hỏi:
- Thành tâm là thế nào?
- Là trong bụng bố đặt hết tin tưởng vào Đức bà.
Mẹ tôi vui mừng rưng rưng nước mặt bảo bố:
- Ông phải ăn chay mấy ngày và hết lòng cầu xin Bà Tiên giúp cho, không thì nguy lắm.
Tôi nói:
- Đức Bà chỉ cần lòng thành thôi, bố không cần ăn chay.
Gia đình tôi gia nhập đoàn hành hương trong bầu không khí đầy niềm tin. Mỗi sáng mỗi chiều, mẹ dìu bố đến trước tượng Đức Mẹ bồng con đứng dưới tàng cây đa cầu xin âm thầm, vì điều gì có trong trí nghĩ thì Đức Mẹ cũng đã biết hết rồi.
Buổi chiều bế mạc, mẹ tôi được Sơ dẫn lên ngọn đồi phía sau để múc nước Thánh và hái lá Vằng đem về. Sơ nói với mẹ tôi:
- Thím về, cho chú uống nước này, còn lá Vằng thì giã nhỏ đắp lên vết thương cho chú, cả nước và lá này đều thiêng lắm. Không phải bây giờ Đức Bà mới giúp người ốm đau ngặt nghèo vô phương chạy chữa đâu, mà cả gần 200 năm nay rồi. Mẹ đã hiện xuống giữa vùng núi non hẻo lánh này và nói với những người bất hạnh như thế. Nhưng thím phải nói với chú cầu nguyện và thật lòng nương nhờ Đức Mẹ mới được.
Đúng là phép lạ, bố tôi dùng nước và lá ở đồi Lavang một thời gian thì trong người bố tôi khỏe khoắn, tươi vui hẳn lên. Chân của bố từ từ líp thịt, đâm da non rồi lành hẳn. Bà con hàng xóm nghe tin ai cũng đến mừng. Bố tôi nói:
- Nếu không có Bà Tiên ngoài xứ Lavang, Quảng Trị thì tôi cụt chân hay mất mạng rồi.
Sau đó bố tôi đem nước và lá còn lại cho những người đang đau ốm, lại nói tôi ở lại nhà đọc kinh cho họ nữa. Dĩ nhiên là ai cũng được Đức Mẹ cứu chữa cả.... (Hồi ký :Vân Hà. Trích trong Báo Hiệp Nhất số 64 tháng 4, 1998).
14. SỐNG TINH THẦN MẸ LAVANG
Đọc qua những lược thuật trên chúng ta phải nhận rằng Mẹ Lavang chính là Mẹ của tình thương, Mẹ của ơn phù trợ, Mẹ của niềm tín thác, Mẹ của đức tin Giáo hội, Mẹ của sự đoàn kết mọi tôn giáo.
Thực vậy, Mẹ chính là Mẹ của tình thương, vì Mẹ thấy con cái chìm sâu trong thảm sầu khổ ải, trong hiểm nguy của rừng sâu nước độc, Mẹ đã thương hiện đến an ủi họ và chỉ cách chữa trị bệnh tật cho họ.
Mẹ chính là Mẹ của ơn phù trợ các giáo hữu, Mẹ đã xuất hiện bên họ giữa lúc cô đơn cô thế để bênh đỡ, để che mắt những kẻ lùng bắt đang chạy trốn vì đức tin.
Mẹ chính là Mẹ của niềm tin phó thác, khi họ tụ họp nhau đọc kinh, cầu nguyện mỗi đêm để tỏ niềm phó thác của mình trong tay từ mẫu Mẹ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã chọn Mẹ Lavang để "phó thác toàn dân Việt Nam cho Mẹ, để Mẹ phù trì ngày nay và mãi mãi".
Mẹ chính là Mẹ của niềm tin Kitô hữu. Mẹ đã hiện ra tại Linh Địa Lavang này để củng cố niềm tin cho biết bao mạng người đã hy sinh chịu thiêu rụi cả mạng sống mình vì Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ II đã nhắc lại lời Mẹ như sau: "Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đựng đau khổ, Mẹ đã nhậm lời các con cầu khẩn. Từ nay về sau, hễ ai đến kêu xin Mẹ ở nơi đây, họ sẽ được toại nguyện".
Mẹ chính là Mẹ của sự đoàn kết mọi tôn giáo. Chính Mẹ đã chứng kiến tình đoàn kết giữa người Công giáo và người không Công giáo trong vùng: Những người Phật Giáo tại làng Ba Trừ, Cổ Thành và Thạch Hãn, chung nhau xây chùa tại nơi Đức Mẹ hiện ra, gọi là "Chùa Làng". Nhưng sau họ bàn tính và đồng thuận rằng "Bà Linh" hiện ra thuộc bên Công Giáo, nên nhường ngôi chùa lại cho bên Công Giáo để làm Đền thờ kính Chúa Bà. Mẹ chính là Mẹ của sự hợp nhất tôn giáo tại quê hương này.
Trong đoạn kết của bài giảng Thánh Lễ khai mạc, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể nhắn nhủ:
Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, trên bước đường tiến về Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo Hội: Cá nhân, gia đình cũng như Cộng Đoàn Giáo Xứ; hãy tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Đức Tin, vì Tin Mừng cứu độ. Hãy sám hối ăn năn về mọi lỗi lầm và hãy hòa giải với mọi người. Hãy xây dựng tình yêu thương hiệp nhất, hãy canh tân đổi mới con tim và trí óc. Chúng ta hãy hướng về Mẹ Lavang với những mục đích nêu trên. Thánh Địa Lavang này đã cho chúng ta một bầu khí yên lành, thanh thoát, một sự thanh nhàn thư thản. Mẹ Lavang cũng rất ân cần, niềm nở đón tiếp hết mọi người chúng ta. Vậy xin hãy đến với Mẹ, đến với Mẹ để Mẹ đưa chúng ta đến tận ngọn nguồn suối cứu độ là Đức Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Mẹ Lavang thật rất quê hương, rất dân dã. Mẹ của cây đa bến cũ. Mẹ của trầu cau, của ca dao tục ngữ. Mẹ Lavang hiện xuống trên đám cỏ, dưới tàn cây đa cổ thụ, để an ủi đoàn con đang vây quanh đọc kinh cầu nguyện trong nơm nớp lo sợ. Thật là hiền dịu, gần gũi, khả ái biết bao! Mẹ vỗ về đoàn con (như gà mẹ túc con dưới cánh). Mẹ Lavang như suối mát trong, như lá cây Vằng và như nước nguồn đạm bạc, dân dã, nhưng chan chứa biết bao tình thương. Hãy xác tín rằng Mẹ luôn gần gũi và đồng hành với đoàn con trên các nẻo đường cuộc sống, nhưng lòng vẫn cảm thấy nao-nao trong giờ phút rời xa quê Mẹ. Xin Mẹ thương hợp nhất chúng con. Xin Mẹ thương dệt sáng tương lai và làm tươi mát cuộc đời chúng con.
Mẹ là giọt nắng trên cây,
Ươm bao nhiêu ước mơ đầy mình con.
Mẹ là bóng mát đường quê,
Chở che con giữa bộn bề tháng năm.
Bùi Tuấn.
(Báo Hiệp Nhất Trang 74 số 65).
Vậy để thể hiện tinh thần của Mẹ Lavang, chúng ta hãy sống cách đích thực tinh thần của Mẹ (Vững lòng cậy trông, yêu mến, tin tưởng, hy sinh và hợp nhất) trong những ngày chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000 và chuẩn bị mừng 200 năm Đức Mẹ hiện ra tỏ tình thương với dân tộc Việt Nam.
15. CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ (Kỷ Niệm 200 Năm Mẹ Lavang)
Chào kính Mẹ Nữ Hoàng diễm lệ,
Mừng Quê hương có Mẹ cầu bầu.
Đại đoàn Giáo hữu năm châu,
Lễ kính Đức Mẹ nhiệm mầu Lavang.
Kỷ nguyên tới sang trang sử mới,
Niệm tình thương thế giới thanh bình.
Hai thế kỷ trước hiển linh,
Trăm ngàn giáo hữu an bình nguyện kinh.
Năm nay lễ linh đình cảm tạ,
Đức Cha ban Đại xá trọn năm.
Mẹ thương Giáo Hội Việt Nam,
Hiện đang lâm cảnh khó khăn trăm đường.
Ra nước ngoài vấn vương lưu luyến,
Tại quê người nhớ đến cố hương.
Lavang Thánh địa thân thương,
Vang danh Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình.
Phan xuân Trường.
ĐỨC MẸ LAVANG
Cơn bách đạo đời vua Cảnh Thịnh,
Tự trong triều có lịnh ban ra,
Bao nhiêu các Cố, các Cha,
Bắt cho kỳ hết chẳng tha người nào.
Đoàn Chiên Chúa gặp bao đau khổ,
Sống bơ vơ không có chủ chăn,
Sớm hôm lần chuỗi siêng năng,
Cầu xin Đức Mẹ đoái thương sự tình.
Ôi biết bao cực hình quái ác,
Cắt cổ, bêu đầu, xé xác, phanh thây...
Người ngựa xé, kẻ voi dày,
Người giam ngục tối, kẻ đầy rừng sâu.
Thánh đường bị tịch thâu, đóng cửa,
Ảnh tượng thì phóng lửa thiêu tan,
Mặc cho dân Chúa than van,
Mặc cho nước mắt chảy tràn biển khơi.
Dân gian chẳng còn nơi lẩn tránh,
Rủ nhau cùng tạm lánh Lavang,
Nơi đây rừng rú xa xăm,
Khấn xin Mẹ Chúa thiên đàng cứu nguy.
Bỗng Đức Mẹ từ bi hiện đến,
Khuyên vững vàng cậy mến Chúa Trời,
Dù cho sóng gió tơi bời,
Các con sẽ được an vui xác hồn.
Còn những ai yếu mòn thể xác,
Bệnh lâu năm chẳng bớt chẳng thuyên,
Lá cây rửa sạch nấu lên,
Nghe lời Mẹ dạy, uống liền tiêu tan.
Hôm nay đây đoàn con kính nhớ,
Nhớ năm xưa Mẹ Chúa uy quyền,
Phép lạ Mẹ ban nhãn tiền,
Cứu con thoát khỏi ưu phiền lắng lo.
Xin Mẹ thương chở che dẫn dắt,
Người Việt Nam tản mát khắp nơi,
Cậy tin, mến Chúa, yêu người,
Đợi ngày xum họp yên vui một nhà.
Dân trong nước thái hòa thịnh vượng,
Đạo Chúa Trời lan rộng Bắc Nam,
Từ Cà Mâu đến Nam Quan,
Vinh danh Thiên CHúa bình an muôn đời.
Hương Ly Băng 98.
16. ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 25
Đại Hội La Vang lần thứ 25, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang chính thức bắt đầu vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày thứ Năm (13.8.1998) với việc đón tiếp Đức Tổng Giám Mục Huế và các Đức Giám Mục đến khai mạc Tuần Tam Nhật Đại Lễ.
Các Đức Giám Mục xuống xe và tiến vào Công Trường Mân Côi, dẫn đầu là Đức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn như Thể. Trong đoàn Giám Mục có các vị: Hai Đức Giám Mục chánh và phó Giáo Phận Phát Diệm, Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết Nicola Huỳnh văn Nghi, Hai Đức Giám Mục Chánh và Phó Giáo Phận Nha Trang, Đức Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh, Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum, Đức Giám Mục Giáo Phận Thái Bình. Các Ngài được mời hôn đất Thánh Địa, chấm Nước Thánh làm Dấu Thánh Giá và đoàn rước tiến vào Công Trường, lên Lễ Đài giữa hai hàng rào danh dự gồm các em Thiếu Nhi, các cô thiếu nữ cầm hoa và các chú lính khố đỏ, đội nón, chân quấn xà cạp, tay cầm lọng che.
Tại Lễ Đài, Đức Giám Mục Phó Ban mê Thuật công bố Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang. Tiếp theo Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể công bố khai mạc Tuần Tam Nhật Đại Lễ kỷ niệm 200 năm Đức mẹ hiện ra tại đây trong tiếng vỗ tay của khoảng 100.000 người tham dự, trong tiếng chuông đổ hồi rền vang, trong tiếng hát của Ca Đoàn Nhà Thờ Chính Toàn Phủ Cam (Huế) hợp xướng bài "Như Sóng Lộc Triều Nguyên", lời thơ của Thi sĩ Hàm Mạc Tử và Nhạc của Hải Linh. Giây phút gây cản động tiếp theo là lúc 25 Huy Hiệu, 25 cờ Ngũ sắc biểu trưng cho 25 Giáo phận trên toàn lãnh thổ Viêt Nam, một mặt thêu hình nhà thờ Chính tòa và tên mỗi Giáo Phận, mặt kia thêu hàng chữ 200 năm Đức Mẹ Lavang. Sau đó là điệu vũ của 200 em nhỏ trên nền nhạc một ca khúc Về Bên Mẹ Lavang.
Ngày khai mạc của tuần Tam Nhật được kết thúc bằng Thánh lễ Đại trào do Đức Giám Mục Nguyễn văn Hòa, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang và là Đệ Nhị Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chủ tế, cùng Đồng Tế có các Đức Giám Mục và khoảng trên 350 Linh Mục. Đức Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt giảng thuyết. Giáo dân đứng kín bốn phía lễ đài trang nghiêm dự lễ.
Sau Thánh lễ là cuộc cung nghinh Thánh Thể do Đức Cha Huỳnh văn Nghi, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chủ sự. Ngài đứng trên xe hoa hai tầng, cầm hào quang có Mình Thánh Chúa ngự. Đoàn kiệu tiến trên lộ trình từ Tháp Cổ ra đường nhựa trước nhà Trung Tâm rồi tiến vào Công Trường Mân Côi, Ngài tiến lên Lễ Đài đặt Mình Thánh Chúa. Cuộc tôn kính Thánh Thể bắt đầu bằngviệc Chủ Tế dâng hương, tiếp theo là tiến vũ hoa đăng trước Thánh Thể Chúa. Khắp Công Trường sáng rực ánh đèn cầy lung linh sốt mến. Đức Giám Mục Nguyễn văn Nhơn quảng diễn phút suy niệm Thánh thể trước khi hát chầu Thánh thể và Phép Lành Thánh Thể kết thúc.
Ngày Thứ Hai của tuần Tam Nhật Đại Hội tức ngày 14.8.1998, chuông nhật một đổ hồi từ lúc 5 giờ sáng đánh thức khách hành hương đi tham gia giờ lần hạt chung tại Linh Đài sau một đêm chập chờn giấc ngủ giữa bầu trời đầy sao.
8 giờ sáng là Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Sàigòn Phạm Minh Mẫn chủ tế với trên 10 Giám Mục và 200 Linh Mục Đồng tế. Trong bài giảng, ngài nhắc lại những thương đau của các cuộc tàn sát người Công Giáo thời xưa đã phải chịu trải qua bao thế hệ. Ngài cũng nêu lên những thách đố mà người trẻ Công Giáo ngày nay phải đương đầu giữa cuộc sống. Ngài nhắn nhủ họ phải bám vào Đức mẹ để có thể sống một cuộc sống thánh thiện hơn.
Cũng vào lúc 8 giờ, tại Linh Đài, một buổi sám hối Cộng Đoàn dành cho người lớn. Kết húc buổi sám hối bằng một điệu vũ dâng hoa kính Đức Mẹ trước khi sang phần Lần Hạt Mân Côi và đọc kinh Truyền Tin ban trưa.
Lúc 1 giờ chiều, loa phóng thanh kêu gọi các bạn trẻ tham dự giờ sám hối dành cho giới trẻ. Giữa ánh nắng nồng nực ấy, cả chục ngàn các bạn trẻ đội mũ, nón, ô, dù vui vẻ ra sắp hàng trước Công Trường Mân Côi, hành hương tượng trưng về Lễ Đài vây quanh vị Linh Mục trẻ giúp họ suy niệm Lời Chúa. Nguyên cử chỉ ngồi giữa nắng Quảng Trị cũng đã là một hành động sám hối rồi và chắc chắn được Chúa thương nhiều.
Sau giờ sám hối thì trời bắt đầu vân vũ, mây đen kéo đến phủ kín bầu trời. Ban Tổ chức vẫn mời gọi mọi người tiến ra Công Trường tập họp chào đón Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Giám MụcViệt Nam, ngài đến với tư cách là Đại Sứ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ II.
Vào lúc 3 giờ 30 chiều, mây tan dần và đến 4 giờ toàn dân vui mừng đón Đức Hồng Y và các Giám Mục cách trọng thể dưới ánh nắng dịu hiền êm đẹp.. Đức Hồng Y quì xuống hôn đất thánh và tiến bước giữa hai hàng lọng uy nghi, trong tiếng nhạc và kèn trống tưng bừng. Khi vị Đại Sứ đã an vị trên lễ đài, Linh Mục Tổng đại diện Tổng Giáo Phận Huế đọc văn thư của Đức Thánh Cha ủy nhiệm Đức Hồng Y làm Đặc sứ của ngài tại Đại Hội Đức Mẹ Lavang 1998. Sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục Huế, Đức Hồng Y nhận huy hiệu Đại Lễ 200 năm Đức Mẹ Lavang do Đức Tổng Giám Mục Huế trao tặng. Trong bài diễn từ, Đức Hồng Y nói: "Đây là một vinh dự đặc biệt Đức Giáo Hoàng đã ban cho tôi, nhưng tôi nghĩ vinh dự này không phải chỉ vì tôi, mà vì sự kính trọng của ngài đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà ngài nói thật dễ mến yêu". Sau bài huấn từ Đức Hồng Y tiến về Linh Đài dâng hương kính Đức Mẹ. Trong dịp này, Đức Tổng Giám MụcTephanô Nguyễn như Thể cũng đã giới thiệu pho tượng Đức Mẹ theo kiểu mẫu Việt Nam cao 2 mét, đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức công nhận để thay thế cho tượng cũ, và một chén thánh đặc biệt do Đức Thánh Cha từ Roma gửi tặng Đại Hội để dâng Thánh Lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ Lavang hiện ra.
Thánh Lễ chiều ngày 14.8.1998 được bắt đầu vào lúc 6 giờ, do Đức Tổng Giám Mục Nguyễn như Thể chủ tế, cùng với 14 Giám Mục và khoảng 350 Linh mục đồng tế. Trước khi Thánh lễ bắt đầu, Đức Hồng Y đặc sứ trao dây Palliumcho Đức Tổng Giám Mục, như dấu hiệu hiệp thông quyền quản trị Tổng Giáo Phận Huế. Sau khi nhận dây Pallium, Đức Tổng Giám Mục long trọng đọc lời tuyên thệ và Thánh lễ được bắt đầu.
Đêm 14.8.1998 là đêm canh thức còn gọi là đêm "diễn nguyện" do gần 100 em Đệ Tử Dòng Thánh Phaolô phụ trách gồm 3 màn: Dâng hoa, diễn lại sự tích Đức mẹ hiện ra tại Lavang và suy ngắm 5 sự mừng.
Ngày thứ ba của tuần Tam Nhật đại lễ (15.8.1998): Là ngày cao điểm nhất của tuần Tam Nhật Đại Lễ. Suốt đêm nhiều người canh thức bên nhà chẩu. Nhiều nhóm khác đọc kinh, lần hát, ca hát kính Đức Mẹ cho tới sáng. Chuông báo thức lúc 5 giờ sáng và loa phóng thanh kêu gọi khách hành hương tham gia cuộc cung nghinh Đức Mẹ Lavang. Cuộc cung nghinh được bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng để tránh cái nắng gay gắt sắp tới. Cuộc rước kiệu đặt dưới quyền chủ toạ của Đức Hồng y Đặc Sứ với 14 Giám mục, 350 Linh mục và 200.000 giáo dân đi theo kiệu sơn son thiếp vàng, chạm trổ công phu do Giáo dân Phát diệm dâng cúng. Cuộc rước tiến hành trong trang nghiêm, sốt sáng, trật tự đến độ hoàn hảo và kết thúc vào lúc 7 giờ bằng một bài thánh vũ của ba giòng sông tượng trưng cho ba miền con dân đất Việt trên nền nhlac "Như sóng lộc triều nguyên".
Tiếp đến là Thánh lễ bế mạc vào lúc 9 giờ sáng, đủ thời gian cho khách hành hương từ các tỉnh lân cận đổ về, đủ để Ban tổ chức tiếp đón các phái đoàn tới dự. Trời nắng đã lên cao khiến giáo dân tham dự phải hy sinh nhiều trong lúc hiệp thông dâng lễ. Bài đọc 2 được đọc bằng tiếng thổ âm Tây Nguyên từ Giáo Phận Kontum trở về. Phái đòng Tây Nguyên đã dâng lên Đức Mẹ và thông hiệp với Cộng Đoàn dân Chúa những tiếng cồng, tiếng chiêng mê hồn, những trang phục lạ mắt, những lời ca tiếng hát, điệu vũ... suốt thời gian đại lễ. Thánh Lễ bế mạc chấm dứt vào lúc 11 giờ ngày 15 tháng 8, 1998. Đức Giám Mục Nguyễn Sơn Lâm, Giám Mục Giáo phận Thanh Hóa thay mặt cộng đoàn hành hương cám ơn các giới. Ngài đã ưng khẩu phát biểu đôi lời cảm tưởng thật chân thành, chính xác: Đại Hội Thánh Mẫu năm nay thành công rực rỡ là nhờ mọi cánh tay con cái Mẹ cộng tác. Nhờ sự nỗ lực làm việc của Giáo Phận Huế. Quí vị có thể đem tinh thần Đại Hội về giáo phận mình, đem đức tin, chấp nhận mọi gian khổ trong hiền hòa và chịu đựng để sám hối, chuẩn bị tiến về năm 2000, mừng thiên kỷ cứu độ.
17. NGƯỜI CHỨNG ĐÁNG TIN
(Trích bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể của thinh giả đài Phát Thanh Đức Mẹ Hằng Cửu Giúp tối ngày 18.8.1998.)
Xin Đức Cha sơ lược ngắn gọn cho chúng con biết về Đại Hội mừng kỷ niệm 200 Đức Mẹ hiện ra tại Lavang? Các sinh hoạt? có bao nhiêu người đến dự? có gặp phải trở những khó khắn gì, cùng những điều tích cực khác thấy được trong Đại Hội.
ĐTGM: Tam nhật đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức mẹ hiện ra tại Lavang là một biến cố quan trọng hàng đầu đối với Giáo Hội Công Giáo VN, đối với mọi tín hữu VN trong và ngoài nước. Điều này Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhắc đến biến cố này và phó thác giáo dân Việt Nam cho Đức mẹ Lavang. Hội Đồng Giám Mục VN cũng đã ủy thác việc tổ chức này cho Tổng Giáo Phận Huế bởi vì trong hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép có một tổ chức qui mô toàn quốc. Nên chúng tôi tùy khả năng và hoàn cảnh, cố gắng làm hết sức mình để chuẩn bị cho Tam Nhật Đại Lễ từ ngày 13-15..8.1998 vừa qua. Về mặt tinh thần là chính, về mặt vật chất tùy theo khả năng hiện có. Trong việc tổ chức chúng tôi đã đề ra phương hướng là cách tranh trí cũng như nghi lễ phụng vụ vừa phải có tính cách toàn quốc mà vừa có tính cách dân tộc.
Trong 3 ngày đại hội có 16 Giám mục đến hành hương tại Lavang, kể cả Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng. Con số Linh mục vào khoảng 300 và số giáo dân ước lượng chừng 200.000 người.
Chương trình chung thì ngày 13.8 có nghi thức khai mạc do Đức Tổng Giám Mục Huế chủ sự. Tiếp theo có thánh lễ khai mạc do Đức Cha Nguyễn văn Hòa Giám mục Nha trang chủ tế. Tối có rước kiệu Mình Thánh Chúa rất sốt sáng do Đức cha Huỳnh văn Nghi Giám Mục Phan Thiết chủ sự.
Qua ngày 14.8.1998 buổi sáng có Thánh Lễ do Đức Cha Phạm Minh Mẫn Tổng Giám Mục Saìgòn chủ tế. Chiều có thánh lễ do Đức Cha Nguyễn như Thể chủ tế. Trong ngày 14.8 có cuộc sám hối cộng đồng cho người lớn cũng như giới trẻ.
Qua ngày 15.8. 1998, sáng có rước kiệu và theo sau là Thánh lễ bế mạc do Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và là Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ tế.
Những khó khăn thì cũng còn nhiều như trước mắt thì các quán ăn uống chính quyền xã làm gần khuôn viên La vang quá nên mất vẻ trang nghiêm phần nào, rồi thì khó giữ trật tự và vệ sinh. Về vấn đề này thì chính quyền tỉnh Quảng Trị đã có ý kiến là dời các lều quán ra xa 100 mét nhưng mà phép vua thua lệ làng, xã đã cho đấu thầu lỡ rồi nên phải chịu vậy. Vấn đề thứ hai là đã xin làm một số nhà vệ sinh thì xã cho phép quá trễ, chỉ 3, 4 ngày trước đại hội, nên không đạt được như ý, thì cũng xin làm các phòng dã chiến, sau đại lễ thì rỡ đi nên chuẩn bị cũng không kịp.
Ngoài ra năm nay miền Trung hạn hán rất nặng, mùa màng bị mất, nhiều nhất là ở tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Dân chúng rất là cực khổ. Nhưng vấn đề nước tại Lavang thì bảo đảm tuy không dư dật lắm nhờ đào được mấy cái giếng khoan 60-70 mét nên cũng cung cấp đủ nước cho khách hành hương trong mấy ngày đại hội.
Nhìn chung, điểm tích cực trong Đại hội thấy nhiều hơn, tức là thấy biểu lộ tình hiệp thông Giáo Hội rất là rộng lớn và đạm đà. Mọi người khắp đất nước đều về qui tụ như một đại gia đình và có rất nhiều người sám hối, ăn năn, đổi đời. Mọi người đến Lavang chỉ biết cầu nguyện, tìm điều cốt yếu cho cuộc sống mình, vì Lavang này nghèo lắm, thiếu thốn nhiều mặt cho nên người ta đến đay không tìm gì khác ngoài sự cầu nguyện và sống các mối Phúc thật.
Xin Đức Cha cho biết bầu khí đại hội ra sao? Tinh thần dân Chúa thế nào? Các Đức Giám Mục có cảm tưởng gì về Đại Hội? Xin Đức Cha cho chúng con biết cảm tưởng riêng của Đức Cha về đại hội này.
Bầu khí Đại Hội rất là sốt sáng và có mức độ thánh thiện rất cao, vừa trang nghiêm, có kỷ luật vừa rất là thánh thiện. Tinh thần của dân Chúa rất là an ủi, nâng đỡ, phấn chấn và ai ai cũng hân hoan vui mừng. Dù hoàn cảnh còn thiếu thốn nhưng không ai phiền trách gì. Về nhà Mẹ thì thấy được chan chứa tình con cái đối với Mẹ, tình huynh đệ anh chị em xum vầy với nhau xung quanh Mẹ hiền. Giáo dân chịu hy sinh, chịu khó, bác ái giúp đỡ lẫn nhau. Dù Lavang còn nghèo khó thiếu thốn nhưng ai ai cũng thỏa lòng cả.
Các Đức Giám Mục rất lấy làm hài lòng vì thấy trong hoàn cảnh này mà được như vậy thì thật là nhờ ơn Chúa và ơn Đức Mẹ phù trợ. Các Giám mục rất là cảm phục và cảm động trước niềm tin vững mạnh của các thành phần dân Chúa, nhất là các giáo dân. Họ rất sốt sáng, chịu khổ, chịu cực, đến được với Mẹ là họ thỏa lòng rồi. Riêng tôi, rất là vui mừng tạ ơn Chúa và Đức Mẹ La vang bởi vì Đại Hội này thành công ngoài ước muốn của mình, nhờ bao lời cầu nguyện, hy sinh của các tín hữu xa gần trong nước cũng như ngoài nước, có mặt cũng như vắng mặt. Ai ai cũng nao nức, ai ai cũng hướng lòng về với Đức Mẹ La vang. Nhờ đó, Đức Mẹ ban rất nhiều ơn cho Tam Nhật Đại Hội. Thành công về mặt tổ chức thì không dám nói nhiều. Lúc này thì có nhiều khó khăn nhưng mà dần dần người ta cũng cảm thông và cuối cùng thì cũng tốt đẹp. Nhưng chính yếu là thành công về mặt tinh thần. Nhiều người được ơn ăn năn trở lại. Ai ai cũng sốt sáng cầu nguyện vì thấy Mẹ Lavang là người Mẹ qui tụ con cái Việt Nam khắp nơi, một ý một lòng, một niềm tin yêu phó thác. Ai đến Lavang cũng thấy vui mừng và được an ủi trong tâm hồn.
Điều gì đáng động Đức Cha qua những ngày đại hội. Xin Đức Cha chia sẻ cảm nghiệm sống đức tin với mọi thính giả của đài Đức mẹ Hằng Cứu Giúp chúng con.
Điều đánh động tôi nhất trong 3 ngày đại hội thứ nhất là chúng tôi có Nhà Nguyện dã chiến đặt Mình Thánh Chúa liên tục và liên lỉ có các tu sĩ nam nữ ứng trực để tôn thờ Thánh Thể cả đêm lẫn ngày. Nhiều giáo dân cũng tham dự rất sốt sáng và cảm động. Nơi thứ hai cũng đánh động tôi là khu vực hòa giải. Có mấy chục tòa giải tội thì các linh mục thay phiên nhau đêm ngày giải tội cho các tín hữu đủ mọi lứa tuổi. Một điều nữa tôi thấy là tại Linh Đài Đức mẹ luôn có người cầu nguyện, cá nhân cũng như nhóm. Rồi có cả nhóm gia đình bạn bè đọc kinh lần hạt ngay tại lều tá túc của mình ngoài trời.
Điều nữa đánh động tôi là thấy giới trẻ đi rất đông, chiếm đa số trong các khách hành hương. Họ đến Lavang là vì niềm tin thúc đẩy chứ Lavang nghèo khó có gì hấp dẫn bên ngoài đâu. Bên cạnh họ một số cụ già trên 80 tuổi, chân bước không vững mà cũng nài nỉ con cháu cho đi một lần rồi về chết cũng thỏa lòng. Tôi cũng gặp một bà mẹ ôm đứa con 5 tháng từ vũng tầu đến Lavang từ ngày 11 đến ngày 16. Thấy đứa con vẫn nhở nhơ vui vẻ thì thật là kỳ diệu. Cũng có người bồng con mới ba tháng nữa. Tất cả chỉ vì niềm tin sâu xa nơi chính tâm hồn họ. Để đúc kết, tôi nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng rất là ưu ái đối với Đức mẹ Lavang. Trong dịp kỷ niêm 200 năm Mẹ Lavang, ngài đã chi mở năm toàn xá từ đầu năm 1.1.98 đến 15.8.99. Ngài lại tặng một chén thánh có khắc huy hiệu của ngài cho Đại Hội. Ngài còn cử vị Đặc sứ là chính Đức Hồng Y Phạm Đìng Tụng đến chủ lễ kỷ niệm 200 năm. Ngài gửi sứ điệp cho tín hữu Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Trong sứ điệp tôi thấy đoạn quan trọng này "Ước gì Mẹ Lavang lôi cuốn các tín hữu trở thành những người hành hương kiên vững trong niềm tin, thành người hành hương của niềm hy vọng, thành người hành hương của tình bác ái, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ".
Cho nên đối với tôi điều quan trọng nhất là Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến được biểu lộ một cách cá nhân và cách cộng đồng Lavang. Tin, Cậy, Mến được củng cố, được tăng cường và lan rộng ra ngoài khu vực Lavang, lan tỏa trong môi trường sống của mỗi người, mỗi cộng đoàn. Sau đại hội mỗi người đưa Mẹ Lavang về nhà mình cũng như thánh Gioan đưa tinh thần Mẹ vào cuộc sống thường nhật, tức là cậy tin mến nơi Mẹ và nhiệt thành tỏa hương đức cậy, tin mến như Mẹ vậy. Đây là những điều tôi tâm đắt và cầu mong cho những người hành hương về tiếp tục sống Đức Tin, Cậy, Mến như Mẹ. (Báo Hiệp Nhất số 146 tháng 9, 1998).
Lm. Thu Băng, CMC
KỶ NIỆM 200 NĂM 1798-1998
LỜI MỞ ĐẦU
Năm 1998 này, toàn thể Giáo Hội Việt Nam trong cũng như ngoài nước, các Giáo Phận cũng như các Cộng Đoàn Giáo Xứ, hết mọi phần tử Giáo Hội Việt Nam đang long trọng dọn mừng Kỷ Niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang (1798-1998). Thực mà nói, từ trước tới nay ít ai nói về Đức Mẹ Lavang, cũng ít người kể chuyện về Lavang, đến độ hẳn nhiều người không biết Lavang là gì, nằm ở đâu, Đức Mẹ hiện ra thế nào, năm nào, nhằm mục đích gì nữa?
Nhân dịp Năm Toàn Xá kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra trên quê hương Việt Nam mình, chúng tôi mạo muội đi tìm hiểu và ghi lại đây những gì chúng tôi được biết để cống hiến quí vị, hy vọng quí vị hiểu thêm về biến cố đặc biệt đã xẩy ra trên quê hương, và cũng là cách thế tốt giúp quí vị thêm lòng kính mến, cậy tin ở Đức Mẹ Lavang, Mẹ của niềm an ủi và cậy trông.
I. TÂM THƯ
Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng
Gửi Giáo Dân Việt Nam
Chuẩn Bị Mừng Kính 200 NĂM MẸ HIỆN RA TẠI LA-VANG
Để chuẩn bị ngày kỷ niệm 200 năm Đức mẹ hiện ra tại Lavang, Việt Nam. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi chúng ta đôi lời chuẩn bị nhân dịp Hội Nghị Thường Niên ngày 11 tháng 10 năm 1997:
Năm 1998 là năm đặc biệt đối với hết thảy chúng ta, Giáo Hội Việt Nam mừng kỷ niệm 200 năm Đức mẹ hiện ra (1798-1998) an ủi, phù hộ giáo hữu trong cơn bách hại. Hiệp với lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng tôi tha thiết mời anh chị em đi vào năm ân sủng này, với tất cả tấm lòng hiếu thảo mến yêu Mẹ Maria, và hân hoan bước theo Mẹ trong cuộc hành trình Đức Tin chan hòa YÊU THƯƠNG và HY VỌNG. Xin Mẹ đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu là Đấng cứu độ hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời".
Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang là một biến cố tôn giáo trọng đại, là lễ chung của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ngày 20 tháng 10 năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban phép mở năm Toàn Xá cho toàn thể Cộng đồng Tín hữu Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang. Mục đích năm Toàn Xá Đức Mẹ Lavang là để giúp mọi tín hữu sám hối, đổi mới đời sống, học hỏi và noi gương Mẹ, nhờ Mẹ đón nhận hồng ân Toàn Xá.
Chủ đề Năm Toàn Xá Mẹ Lavang là: "Cùng Mẹ tiến về Năm Thánh Toàn Xá 2000", Chủ đề này được khai triển theo tinh thần và nội dung Tông Thư "Tiến về Ngàn năm Thứ Ba" của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô, gồm các đề tài chính này:
1. Sống Đức Tin theo gương Mẹ.
2. Sống Phó Thác, cậy trông noi gương Mẹ.
3. Sống Mến Yêu theo gương Mẹ
4. Tìm biết sự tích và biến cố Mẹ hiện ra tại Lavang.
Năm Toàn xá Đức Mẹ Lavang được khai Mạc trọng thể tại Thánh Điạ Lavang lúc 09 giờ ngày 01 tháng 01, 1998. Và bế mạc Năm Thánh ngày 15 tháng 8, 1999 (hơn một năm).
Tam Nhật Đại Lễ tại Lavang được cử hành từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1998.
Tin tưởng vào lòng hiếu mến Mẹ Lavang cùng sự hưởng ứng tham dự của anh chị em, Đại lễ sẽ được cử hành long trọng, thánh thiện và đem lại nhiều ơn ích cho mọi người. Xin Mẹ Lavang chúc lành cho Năm Toàn Xá.
Hà Nội ngày 08 tháng 12 năm 1997
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Hồng Y Giuse Phạm Dình Tụng.
KINH THÁNH MẪU LAVANG
Lạy Mẹ Maria,Thánh Mẫu Lavang, đầy muôn ơn phước, ngời chói hào quang, muôn vàn thần thánh không ai sánh bằng. Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh Đấng cứu độ muôn loài, Mẹ đã chọn Lavang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.
Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng, ơn phần hồn, ơn phần xác. Từ người bệnh tật đến kẻ ưu phiền, nào ai cầu khấn mà Mẹ không nhận lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu Lavang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cùng là Thánh Mẫu loài người chúng con.Cúi xin xuống phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông. Và sau cuộc đời này, xin cho chúng con được về sống bên Mẹ, hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
(Kinh này đã được Đức Cha Stêphanô Nguyễn như Thể Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Huế phê chuẩn ngày 08 tháng 12, 1997, để dùng cho Năm Toàn Xá Đức Mẹ Lavang, khai mạc ngày 1 tháng 1, 1998 và bế mạc ngày 15 tháng 8, 1999).
II. Sứ Điệp Ban Ơn Toàn Xá
Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiên ra tại Lavang
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ngày 1 tháng 1 năm 1998, Giáo Hội Việt Nam đã khai mạc Năm Thánh Toàn Xá Lavang, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang để an ủi các con cái đau khổ trong cơn bắt bớ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi một Sứ Điệp đặc biệt nói lên sự thông hiệp của Giáo Hội hoàn vũ với năm hồng ân của Giáo Hội Việt Nam. Bức Sứ Điệp như sau:
Kính gửi,
Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà-Nội, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Nhân dịp khai mạc Năm Toàn Xá, Kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Lavang, tôi thành thực chia vui và tạ ơn Chúa với các anh em cũng như toàn thể tín hữu Việt Nam.
Tại Đền Thánh này là nơi vốn được mọi tín hữu Việt Nam quý mến, đã vang lên một Sứ Điệp đầy hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gửi đến con cái người vào năm 1798; giữa những thống khổ tinh thần và thể xác, khi Mẹ nói: "các con hãy tin tưởng và hãy vui chịu mọi khổ đau, vì Mẹ đã nhậm lời các con cầu xin. Từ nay về sau, hễ ai đến đây kêu cầu Mẹ, thì sẽ được toại nguyện".
Trải qua hơn hai thế kỷ, mà lời Mẹ Lavang vẫn luôn được mọi tín hữu sốt sắng đón nhận. Mặc cho những thử thách lớn lao ghi dấu vào giòng lịch sử của Lavang. Nơi đây đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, đã liên tục duy trì các cuộc hành hương như một truyền thống sinh động. Hết mọi người, mọi thành phần, mọi hoàn cảnh, đều thầm kín đến phó thác cho Mẹ những khắc khoải lo âu và những kỳ vọng của họ. Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, giáo dân... Hết thảy đều tìm được ở chính nơi đây một lòng can đảm vững vàng, để sống đời Kitô hữu, giữa những hoàn cảnh khó khăn. Tôi tán dương Chúa, vì Ngài đã không bao giờ bỏ rơi đoàn chiên cố công tìm kiếm Ngài, và sự phù trợ của hiền mẫu Maria, Đấng vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn dân này trong những ngày hạnh phúc cũng như trong khi khốn đốn.
Trong Năm Toàn Xá này, tôi cầu chúc cho hết những ai đến cầu nguyện tại Đền Thánh Mẹ, hoặc ở những nơi chỉ định khác, được tìm thấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ nơi đời sống Kitô hữu của họ, và nhận lãnh ơn an ủi và sức mạnh để đương đầu với những âu lo trong cuộc sống. Tôi mời gọi họ nhìn thấy nơi Đức Maria một người Mẹ mà chính Chúa Giêsu đã ban tặng cho loài người, một người Mẹ đã dẫn dắt họ đến với Con Chí Thánh của mình.
Vì đã sống cách hoàn hảo thân phận người môn đệ Chúa Kitô, Mẹ kêu gọi các tín hữu tiến bước trên con đường sống Tin Mừng hăng say. Ước gì Mẹ lôi cuốn họ thành người lữ hành kiên vững trong niềm tin vào Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, thành người lữ hành của niềm hy vọng, hướng tới sự mong đợi giờ phút Thiên Chúa gặt hái mùa màng đã gieo vào lòng đất, thành những lữ hành của lòng bác ái, sống ơn gọi hơpl nhất, huynh đệ và phục vụ giữa các anh chị em mà họ cùng chia sẻ cuộc sống.
Trong khi chúng ta bước vào năm thứ hai chuẩn bị năm Đại Toàn Xá 2000, năm dành riêng cho Chúa Thánh Thần, tôi động viên người Công Giáo Việt Nam hãy chiêm ngắm Mẹ Maria, hình ảnh một người nữ khiêm tốn trong nhân loại đã để cho tác động bên trong của Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Mẹ kết hiệp đậm đà và sâu xa với Thiên Chúa, Mẹ đã trung thành và trọn vẹn vâng theo các lời mời gọi của Ngài. Ước gì mọi người có thể khám phá ra nơi Mẹ một người nữ thầm lặng và lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng những gì mà Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa đã soi sáng cho Mẹ nhận thức: Đó là sự hiện diện ưu ái và tác động thánh hóa của Ngài. Mẹ không hề chán nản, thất vọng vì các khó khăn, Mẹ đã thể hiện đầy đủ khát vọng tiềm ẩn nơi những người nghèo của Thiên Chúa. Do đó Mẹ là mẫu gương sáng ngời cho những ai thành tâm tin tưởng vào lời hứa của Chúa.
Tôi đồng tâm hiệp ý trong lời cầu nguyện với đông đảo khách hành hướng về Lavang, và tha thiết khẩn cầu Mẹ Chúa Kitô, Mẹ nhân loại, cho toàn thể dân tộc Việt Nam, cũng như cho các Cộng Đoàn Kitô Hữu người Việt ở hải ngoại. Ước gì họ đặt tín tưởng vào Trinh Nữ Mẹ Rất Thánh, Đấng đang đồng hành với họ trong cuộc lữ hành trần thế với tất cả tình mẫu tử. Dù sống bất cứ ở đâu, ước gì họ là những môn đệ của Chúa Kitô, trung thành và quảng đại làm chứng nhân cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa giữa anh chị em mình.
Kính thưa Đức Hồng Y,
Trong dịp hồng phúc kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ hiện ra tại Lavang, tôi thân ái gửi Phép Lành Toà Thánh đến ngài, cũng như đến các Giám Mục, Linh Mục, những người đang chuẩn bị làm Linh Mục, các Tu Sỹ Nam Nữ và toàn thể Tín Hữu ở Việt Nam và Hải Ngoại.
Vatican ngày 16 tháng 12 năm 1997.
Gioan Phaolô II Giáo Hoàng.
TÓM LƯỢC
LỊCH SỬ BIẾN CỐ ĐỨC MẸ HIỆN RA
TẠI LINH ĐỊA LAVANG
Linh Địa Lavang nằm trong khu vực Giáo Xứ Dinh Cát, thuộc tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Quảng Trị 6 cây số và cách Cố Đô Huế 58 cây số.
1. GIÁO XỨ DINH CÁT
Theo lịch sử thì Dinh Cát là miền đất cũ thuộc dân tộc Chàm. Nhưng đến năm 1307 vua Chàm cắt vùng đất từ sông Đông Hà qua đèo Hải Vân dâng cho nhà Trần để làm sính lễ cưới Huyền Trân Công Chúa. Vùng đất nhượng quyền này được nhà Trần chia thành 2 châu (Châu Thuận và Châu Hoà). Dinh Cát thuộc Châu Thuận được đặt làm thị trấn gọi là Thuận Thành rất trù phú và đông đúc. Trải qua 68 năm Nhà Nguyễn Hoàng đóng dinh tại đây (1558-1626), khiến Cát Dinh đã thành nơi mậu dịch rất sầm uất với người ngoại quốc.
Vị Linh Mục đầu tiên đặt chân lên xứ Dinh Cát vào năm 1595 là cha Diego Aduarte Dòng Đaminh. Sau có cha Phanxicô Buzomi từ Áo Môn (Trung Hoa) sang và được phép giảng đạo từ Quảng Nam tới Phú Yên. Rồi đến các cha khác tiếp nối. Mãi đến 1689 cha Lorenso Lân mới chính thức là cha sở đầu tiên của xứ Dinh Cát. Sau 24 năm phát triển (1693-1717) thì đến thời (Chúa Minh Vương) bách hại, nhiều người chết vì đức tin. Tiếp đến những cuộc tranh chiến kế tiếp suốt 37 năm (1765-1802) đã khiến trăm họ lầm than, đến lòng trời cũng phải xúc động. Mẹ Chúa đã hiện ra tại Lavang, để an ủi kẻ âu lo, cứu giúp con cái lầm than của Mẹ.
2. PHƯỜNG LAVANG
Vào thế kỷ XV, xứ Dinh Cát gồm 2 Huyện, 134 xã, 9 thôn và nhiều Phường. Làng Cổ Vưu là một Họ Đạo lâu đời thuộc Xứ Dinh Cát, được thành lập vào thế kỷ 17, đời nhà Lê và quản thu đời Gia Long (Theo sử liệu cha Lorense Lân viết lại ngày 17.2.1791). Dân làng phải đi vô rừng sâu tới 7 cây số để phá rẫy trồng khoai, cấy lúa. Trong làng Cổ Vưu có phường Lá Vắng (Vì trong vùng có nhiều cây tên là Lá Vắng, có hột đen ăn được và lá cây lại là một vị thuốc, nên dân trong vùng dùng lá sắc lên uống chữa bệnh, do đó dân vùng lấy tên cây mà đặt cho phường như trong địa bộ. Về sau người ta đọc trại ra là Lavang như ngày nay). Vậy chiếu theo địa bộ đời nhà Lê, Lavang đã được thành lập trên 200 năm. Cũng theo những lời truyền miệng của tiền nhân thì cách đây hơn 200 năm, dưới đời vua Cảnh Thịnh (tức Nguyễn Quang Toản) một biến cố hãi hùng do cuộc cấm đạo và chiến tranh đã khiến cho dân chúng xung quanh Dinh Cát phải chạy vào Lavang để lánh nạn.
3. ĐỨC MẸ HIỆN RA
Trong lúc lánh nạn, họ thường tụ họp nhau mỗi tối để cầu nguyện, lần hạt. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp mặc áo choàng hiện ra gần cây đa cổ thụ, mà họ nhận biết là Đức Mẹ vì có bồng Chúa Hài Đồng và có 2 Thiên Thần cầm đèn chầu. Đức Mẹ ngỏ lời an ủi và dạy họ bẻ lá cây xung quanh đó mà nấu nước uống thì sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa từ nay về sau những ai đến đây cầu khẩn Mẹ, thì Mẹ sẽ ban ơn phù trợ. Đức Mẹ còn hiện ra với họ nhiều lần khác nữa. Theo sách Vãn Lavang có kể rằng:
Trời sinh cái chốn lạ lùng,
Tự nhiên giữa núi nên cung Chúa Bà.
Truyền rằng có một cây đa,
Mọc trên núi nọ gọi là Lavang.
Ngày thì hạc phụng dạo chơi,
Đêm thì hổ báo chầu nơi linh hoàng.
Chốn này linh ứng nghiêm trang,
Hai bên khe ruộng giữa làng Lavang....
Điều đáng tiếc là không ai biết được Đức Mẹ hiện ra chính xác vào năm nào, nhưng theo tục truyền thì Đức Mẹ hiện ra vào lúc nước nhà đang xảy ra những cuộc nội chiến thật bi đát và lầm than (1765-1802).
Nhưng theo sử liệu định mức sự đen tối nhất là thời Vua Cảnh Thịnh (Nhà Tây Sơn) bắt đạo. Lý do là sau khi vua Quang Trung mất (9/1792), Nguyễn Quang Toản mới 13 tuổi lên ngôi, lấy hiệu là Cảnh Thịnh, nên mọi việc do các quân thần nhiếp chính. Sau khi bắt được lá thư của Nguyễn Ánh gửi cho Đức Cha Labartelle xin giúp đỡ, vua Cảnh Thịnh sinh ghét Đạo Công Giáo và ra sắc dụ cấm đạo từ Phú xuân ra Bắc (8/1798). Lại cho lính đi lùng bắt các vị Thừa Sai Pháp đã đứng ra giúp Chúa Nguyễn Ánh. Nhiều người Công Giáo thuộc vùng Cổ Vưu, Thạch Hãn... chạy vào lánh nạn tại phường La Vang, giữa vùng núi rừng hiểm trở. Trong lúc lánh nạn ở đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần hạt Mân Côi. Thấy cảnh khổ của họ, Đức Mẹ thương hiện ra để an ủi các con cái Mẹ đang bị bách hại.
Đời các vua kế tiếp như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng đều ra những sắc dụ cấm đạo cách ráo riết. Điều đáng tiếc là các bút tích lịch sử về biến cố lạ thường xẩy ra tại Lavang do Đức Cha Labartelle để lại cùng với văn khố của Địa Phận Bình Trị Thiên đều bị thiêu đốt đến 2 lần. Ngay cả đến các sách vở, tài liệu của Đức Cha Sohiu Bình (1861) được chôn dấu tại Huế cũng bị đào lên và đốt hết, nên không còn bút tích nào để lại. Sau này các giáo hữu được thấy Đức Mẹ hiện ra cũng chỉ biết kể lại với những người quen thân chòm xóm. Và rồi từ miệng người này qua người khác, sự tích Đức Mẹ Lavang được biến thành một lời truyền tụng không sức nào có thể dập tắt được.
4. NGÔI ĐỀN THỜ ĐẦU TIÊN
Người thời xưa còn kể: Người địa phương thường hay đến khấn vái dưới gốc cây đa ở phường Lavang. Khi biết có Bà linh thiêng hiện ngự tại đây nên họ lập đàn cầu khẩn. Đến thời vua Minh Mạng, ba làng Thạch Hãn, Cổ Vưu và Ba Trừ lại chung nhau dựng chùa dưới gốc cây đa để cúng vái, những sau bị động họ phải rút lui. Sách vãn Lavang có kể:
Dân ta chớ khá công nài,
Bứt tranh, đốn củi để mai làm chùa.
Làm rồi khi ấy đi mua,
Hương đèn, lễ vật dọn chùa sửa sang.
Dọn ra Thần Phật hai hàng,
Lư Hương, bát nước nghiêm trang đề huề.
Làm rồi chức dịch đi về,
Nhân dân lao khổ ê hề bấy lâu.
Về nhà nghỉ giấc canh thâu,
Tự nhiên mộng mị chiêm bao rập ràng.
Trên chùa Thần Phật rộn ràng,
Về bắt chức dịch mấy làng xôn xao.
Rằng Phật, rằng Thần lao đao,
Có Bà bên Đạo phép cao la lùng.
Bà về Bà đánh tứ tung,
Bao nhiêu thần Phật đều tung ra ngoài.
Tiếng Bà thật đã linh oai,
Lư hương, bát nước, đề đài đều hư.
Chức lành thức dậy lao lư,
Hỏi ai cũng mộng giống như một điềm.
Sáng rồi cất bước đi liền,
Đến xem sự việc nhân tiền ra sao.
Xét coi trong lúc chiêm bao,
Hoặc hư hoặc thiệt thế nào cho yên.
Kéo nhau vừa tới ngoài hiên,
Thấy ngôi Thần Phật ngả nghiêng ngoài đường.
Kêu lên đôi tiếng ngỡ ngàng,
Bảo nhau thu vác về làng cho mau.
Tưởng rằng Thần Thánh linh mầu,
Linh Bà còn hóa phép mầu nhiều hơn.
Sau những chuyện lạ xảy ra, ba làng bèn bàn nhau dâng chùa Lavang mới làm cho bên Công Giáo. Sau khi Ông Chức nhận đất và Chùa ba làng nhượng cho, ông liền trình cha bổn sở. Ngôi chùa được biến thành Đền Thờ Công Giáo đầu tiên tại Lavang, trên nơi chính Đức Mẹ hiện ra. Cũng từ đó sự tích Đức Mẹ hiện ra tại Lavang cũng được viết ra và loan báo đi khắp nơi. Như thế, ngay từ đầu đối với vấn đề Lavang, Giáo quyền đã không im hơi lặng tiếng đâu. Chỉ tiếc các bút tích ấy sau này cũng bị thất lạc cả.
Những năm sau, nhiều gia đình kéo nhau tới Lavang dựng nhà lập nghiệp, nhưng cũng không ổn vì Đảng Văn Thân (1883) nổi dậy gây ra nhiều cuộc tàn sát người Công Giáo từ Qui Nhơn ra đến Quảng Trị, Thừa Thiên. Theo bản thống kê của Đức Cha Gaspa, vào thời Đảng Văn Thân nổi lên, đã giết chết 6 Linh Mục, Chủng Sinh Toma Thiện, trên 60 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và 7041 giáo dân thuộc 45 Họ Đạo của xứ Dinh Cát. Ngoài ra các nhà thờ, tu viện, nhà xứ, nhà ăn và làng xóm đều bị đốt phá bình địa. Một số trốn thoát được là nhờ chạy trốn vào Huế, hoặc lên rừng núi ẩn núp.
5. ĐỀN THỜ TRANH LAVANG THỨ HAI
Ngôi Đền thờ Đức Mẹ Lavang đầu tiên, chính là ngôi chùa lợp lá thô sơ được sửa lại, do các làng ngoại giáo nhượng lại (1798). Đền thờ này đã bị Văn Thân thiêu hủy vào năm 1885.
6. ĐỀN THỜ NGÓI TẠI LAVANG
Đến năm 1886, cuộc cấm đạo được vãn hồi, giờ khải hoàn vinh quang của Mẹ Lavang sắp điểm. Đức Cha Gaspar Lộc quyết định xây cất cho Mẹ một ngôi thánh đường lợp ngói, tại chính nơi Đức Mẹ đã hiện ra, nhưng phải mất 15 năm mới hoàn thành (1886-1901). Lễ khánh thành từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 8 năm 1901 và cũng là Đại Hội Thánh Mẫu lần thứ nhất với 12.000 giáo dân khắp các địa phận kéo về mừng lễ, ấy là chưa kể người ngoài Công giáo cùng đến chung vui. Từ đó cứ ba năm lại có một lần tổ chức Đại Hội Đức Mẹ Lavang.
7. ĐỀN THỜ NGÓI THỨ HAI TẠI LAVANG
Từ năm 1924 đến năm 1928 một đền thờ mới được xây dựng để thay thế ngôi đền thờ cũ đã bị hư hỏng và chật chội. Đức Cha Eugène Allys Lý đã cho phép xây và cha Morineau (Cố Trung) Quản xứ Bửu Trung thực hiện việc xây cất. Ngôi thánh đường với hai tầng mái ngói và hai cánh Thánh Giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất, nổi bật lên giữa cảnh đồi cát xung quanh và núi rừng xa xa. Đây là ngôi nhà thờ ngói thứ hai được xây cất, minh chứng niềm tin kính sùng mộ Đức Mẹ Lavang của hết mọi giáo dân toàn quốc. Đền Thờ được khánh thành trong ba ngày (20-23-8-1928) với đầy đủ bộ mặt giáo dân của toàn quốc tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức Đại Hội Lavang Cấp Toàn Quốc lên tới 30 ngàn người tham dự.
Ngày 18 tháng 3 năm 1959, Đền thờ Đức Mẹ đã xuống cấp theo thời gian, nên cha sở Trần văn Tường đã ra sức quyên góp để tu sửa nhà thờ. Ngày 22 tháng 8 năm 1961, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đã cử hành lễ Xức Dầu Đền Thờ để được nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường trước đoàn giáo hữu toàn quốc lên tới trên ba trăm ngàn người đến tham dự.
Sau khi Đức Thánh Cha Gioan 23 chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam theo sắc chỉ ra ngày 24 tháng 11 năm 1960, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn Đên Thờ Đức Mẹ Lavang làm Đền Thờ Toàn Quốc dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm theo lời hứa (xây dựng một đền thờ dâng kính Mẹ) và nhận nơi này làm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc (22-8-1961).
8. LAVANG NHỮNG THẢM CẢNH TÀN SÁT
Quan những năm tháng an bình, Lavang dệt nên biết bao nhiêu sinh động. Nhưng từ dịp Tết Mậu Thân (1968) những cảnh tang thương ập tới, Lavang bắt đầu nhuộm màu máu, người chết, nhà tan, cảnh trí điêu tàn: Hành quân Hạ Lào, tái chiếm Quảng Trị, mùa hè đỏ lửa, đại lộ kinh hoàng (1972). Gio Linh và Lavang nằm trong vùng lửa đạn Đền thờ Mẹ chỉ còn trơ lại mấy bức tường và một phần ngọn tháp cổ.
Nhìn lại mới ngày nào mà nay đã gần hai thế kỷ (1798-1998), Linh địa Lavang được cả thế giới kính tôn và ham mộ. Giáo phận Huế đã có đồ án trùng tu, nhưng chưa thực hiện được. Tuy nhiên năm nay là lần Đại Hội Thánh Mẫu thứ 25 vẫn được long trọng tổ chức vào ngày 13, 14, và 15 tháng 8, 1998, để kỷ niện 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Linh địa Lavang này.
9. CÁC LẦN ĐẠI HỘI LAVANG ĐÁNG KỂ
Kể từ khi có đền Lavang mới, từ năm 1901 đến năm 1969, có 17 kỳ Đại Hội Thánh Mẫu đã được tổ chức tại Linh Địa Lavang này.
Từ Đại Hội lần thứ 1 (1901) đến Đại Hội lần thứ 5 (1914), chỉ tổ chức có 1 ngày tròn và rước kiệu từ Cổ Vưu vào Lavang.
Từ Đại Hội lần thứ 6 đến Đại Hội lần thứ 9 (1928), tổ chức trong 3 ngày liên tiếp. Hai ngày tại Lavang, một ngày kiệu từ Cổ Vưu tới Lavang.
Các lần Đại Hội lần thứ 10 (1932), 11 (19335), 12 (1938), 13 (1955) bị gián đoạn, mãi đến năm 1955 mới được tổ chức lại. Cha Giacôbê Kinh, bổn sở LaVang đã hy sinh trụ trì để gìn giữ đền thờ Đức Mẹ suốt thời Lavang bị Việt Cộng chiếm đóng (1948-1955). Ngài qua đời và được chôn táng ngay sau đền thờ Đức Mẹ.
Lần Đại Hội lần thứ 14 (1958), kỷ niệm Bách Chu Niên Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thì suốt năm tại Linh địa Lavang cũng đã tiếp đón trên 600,000 người tới kính viếng Đức Mẹ.
Các lần Đại Hội Lavang lần thứ 15 (1961), 16 (1964), 17 (1967), 18 (1969), được tổ chức mọi cái ngay tại Lavang, kể cả kiệu Đức Mẹ.
Từ 1971 chiến tranh xẩy ra liên tiếp và vì an ninh không bảo đảm, nên việc tôn kính Đức Mẹ tại Trung Tâm Lavang chỉ tổ chức cách rất bình thường.
Nhân dịp khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm (1998) Đức Mẹ hiện ra tại Lavang, Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể đã long trọng cử hành Thánh Lễ khai mạc Năm Toàn-Xá vào ngày mùng một tháng giêng năm 1998, ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, ngày cầu cho Hòa Bình thế giới và cũng là ngày đầu năm Dương lịch. Tuy không có tính cách trọng thể nhưng giáo dân tiến về cũng lên tới trên 10 ngàn người. Với lòng yêu mến Đức Mẹ thật không gì có thể ngăn cản được. Mọi người trong và ngoài nước đều nhất tề hướng về Mẹ Lavang.
Ngày 13, 14 và 15 tháng 8, 1998 sẽ là ngày Đại Hội Thánh Mẫu Lavang toàn quốc lần thứ 25 tại Linh Địa này và ngày bế mạc Năm Toàn Xá sẽ mở vào ngày 15 tháng 8 năm 1999.
10. LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LAVANG
Cha Giuse Trần văn Tường được Đức Cha Thi đặt làm cha sở Lavang, ngài đã xây một Linh-Đài Đức Mẹ tại trên chính nơi Đức Mẹ hiện ra, cũng là chính nơi ngôi chùa được di nhượng để ghi nhớ nơi Đức Mẹ đã hiện ra an ủi đoàn con trong những cơn sóng gió. Cuộc xây dựng Linh-Đài Lavang được kiến thiết làm 3 đợt. Trước Đại Hội Toàn Quốc 1955 (cuộc đại hội lần thứ 13 sau 17 năm chờ đợi - 1938-1955). Linh Đài chỉ là một ngôi nhà tứ giác thô sơ. Sau Đại Hội được sửa lại vững chắc hơn. Mãi đến lúc có công tác kiến thiết Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, Linh-Đài Đức Mẹ lại được làm theo lối kiến trúc tân kỳ với 3 cây đa tượng trưng cho sự thống nhất của ba miền Bắc, Trung, Nam.
11. CHÂN DUNG ĐỨC MẸ LAVANG
Trong dịp Đại Hội Lavang lần thứ nhất, Đức Cha Gaspar Lộc đã làm phép tượng Đức Mẹ Lavang, ngài đặt thực hiện tại nước Ý theo như chân dung Đức Mẹ do chính những người được diễm phúc thấy Đức Mẹ kể lại: "Đầu Mẹ đội triều thiên vàng, mình Mẹ mặc áo choàng mầu thanh thiên phủ trên áo trắng ngà, chân Mẹ đứng trên đám mây. Đức Mẹ ngó nhìn con cái với nét mặt dịu hiền trong giáng điệu uy nghi trang trọng. Hai tay Mẹ đỡ nâng Chúa Hài Đồng đứng bên tay mặt, như muốn đưa ra giới thiệu cùng chúng ta. Chúa Giêsu Hài Nhi đầu đội triều thiên vàng, mặc áo mầu hồng, chân đứng trên trái địa cầu nhấp nháy mấy vì sao. Chúa đứng như nương tựa vào Đức Mẹ. Một tay níu áo Mẹ, một tay đưa ra như mời gọi chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ, để Mẹ phù trợ và ban ơn". (Trích sách Đức Mẹ Lavang, Nữ Vương Chiến Thắng của Nguyễn Đình Khiêm).
Đền Đức Mẹ Lavang cũng còn có Pho Tượng mới, lớn hơn tượng cũ và cùng một kiểu mẫu, do cha Sở Trần văn Tường sắm sau khi đền thờ Đức Mẹ được trùng tu, Tượng do một Điêu-khắc-gia Công giáo từ Sàigòn thực hiện (1923). Tượng được trưng bày trên tòa cao, chính giữa gian Cung Thánh, sau bàn thờ chính.
Khi chọn Bổn mạng cho thánh đường Lavang, Đức cha Gaspa Lộc đã tuyên bố: "Đức Bà phù hộ các giáo hữu là tước hiệu chính thức của đền thờ Đức Mẹ Lavang" (1901).
12. LAVANG NGUỒN ÂN PHÚC
Cha Giuse Trần văn Tường khi viết về Mẹ Lavang, ngài đã ghi lại những lời quý báu sau đây: "Từ một chốn rừng núi thâm u, Lavang đã trở nên trung tâm cầu nguyện, một thành trì thu hút muôn người. Vì Lavang là đất riêng của Đức Mẹ Chúa Trời. Trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ rưỡi này, Lavang là nơi đã tuôn tràn bao ơn phúc của Mẹ lành. Ai có thể kể hết được những ơn lạ phần hồn phần xác Đức Mẹ đã ban xuống cho những ai chạy đến cầu khẩn Mẹ ở nơi này. Sao đếm nổi những đoàn người nam phụ lão ấu, không thiếu một thành phần nào trong xã hội đã lũ lượt tuôn đến Lavang. Họ đến để tỏ bày nỗi lòng, kêu xin sốt sáng.... Để rồi ra về lòng nhẹ nhàng sung sướng đầy tin cậy mang theo bó lá, vài miếng gạch vụn lượm quanh đền thờ đem theo để làm tin.
Mẹ Maria quyền phép ngự trị trên trời. Mẹ Maria tuôn tràn muôn ơn xuống khắp nơi và bất cứ ở đâu ta cũng có thể kêu xin cùng Mẹ, nhưng có những chỗ Mẹ muốn chọn làm nơi riêng của Mẹ. Trải qua thời gian, chúng ta nhận ra Lavang chính là một trong những nơi riêng ấy, Mẹ nhận để thi ân.
Lời truyền tụng của Tổ Tiên, sự khuyến khích của Giáo Quyền, lòng sùng mộ của Giáo Hữu Việt Nam qua bao thể kỷ, đủ chứng tỏ rằng Mẹ nhân lành đã muốn chọn Lavang này để thông ơn Chúa cách riêng cho con cái Việt Nam và để làm nơi cho con cái Mẹ qui tụ lại mà chúc tụng, mến yêu Người một cách đặc biệt hơn. Lavang nơi xưa kia Mẹ hiện đến để yên ủi giao hữu lâm cảnh lầm than, bị bách hại. Lavang hôm nay Mẹ còn tuôn đổ tràn phúc lạ an ủi kẻ ưu phiền, hộ phù người tin cậy.... Hãy đến Lavang để kính viếng nơi Thánh Địa Mẹ đã chọn. Hãy đến Lavang để gặp Mẹ, và nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu mạch tràn trể muôn phúc".
13. NHỮNG ƠN LẠ MẸ LAVANG BAN
1. CÂY ĐÈN CẦY VỤT TẮT
Cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh làm cha Sở Lavang (1948-1955) đã ghi lại phép lạ Mẹ ban cho vua Khải Định như sau: Nhân dịp lễ tứ tuần của vua Khải Định, bỗng dưng ngài ngã bệnh đến độ trầm trọng. Các ngự y đều bất lực. Các bác sỹ Pháp cũng bó tay. Lúc ấy có viên quan xin tâu vua về việc cứu chữa linh thiêng của Đức Mẹ Lavang và thỉnh cầu nhà vua tìm tới xin ơn Đấng Thánh Mẫu. Vua Khải Định liền cho mời cụ Nguyễn Hữu Bài vào điện và xuống mạng cho cụ đi Lavang khấn xin cùng Đức Mẹ. Vâng theo thánh dụ, cụ ra Lavang cầu xin Đức Mẹ cho nhà vua được bình phục, để ngày lễ tứ tuần ngài được vui vẻ và khoẻ mạnh để tiếp đãi quan khách. Thực thế, Đức Mẹ đã ban cho vua được bình phục, vì sau lễ tứ tuần, nhà vua đã cho người đến Lavang tạ ơn Đức Mẹ. Năm sau cũng vào dịp này vua bị ngã bệnh lại. Vua lại sai cụ Bài đi khấn xin và mang thêm hai cây đèn cầy lớn dâng kính Đức Mẹ. Tới nơi cụ cho chưng đèn và thắp nến trước bàn thờ Mẹ. Nhưng lạ thay, một cây đèn cầy không chịu cháy, cho dù có sửa tim, cạo nến, ngọn đèn cũng chỉ cháy lên leo lét một chút rồi vụt tắt. Cụ bài luận rằng đó là dấu Đức Mẹ cho biết, Mẹ chỉ nhận một lần này nữa mà thôi, lần sau sẽ không được nữa. Đúng thế, năm sau vua Khải Định lại ngã bệnh và thăng hà trong chứng bệnh hiểm nghèo ấy. (N.S.Đức Mẹ Lavang số 2 tháng 7,1962).
2. CÔ MARIA MỘNG HOA
Ông bà Nguyễn khắc Nhân và Tôn nữ thị Quyên, đã sinh được 3 người con trai. Bà ao ước có thêm một cô Tôn nữ nữa, nên bà thường khấn rằng: "Nêu Mẹ Lavang cho con toại nguyện thì con sẽ trở lại đạo Công Giáo". Lần kia ông lên Đền Lavang hành hương xin ơn. Khi trở về bà kể cho ông nghe giấc mộng đẹp của bà: Một Bà-Đẹp mặc đồ trắng toát, tay ôm những bông Cúc Thọ kép. Bà xin một bông, Bà-Đẹp cho ngay một bông. Bà xin một bông nữa, Bà-Đẹp mỉm cười rồi biến đi.
Ông tin đó là điềm tốt, Đức Mẹ đã nhân lời ông bà cầu xin. Và thực thế, năm sau (15-8-1913) bà mang thai một người con nữa. Tới ngày sinh mà bà không cách nào sinh được; ông Nhân phải chạy lên Đền Đức Mẹ Lavang cầu khẩn và lấy Nước-Thánh Đức Mẹ đem về cho bà uống và thoa trên trán. Sau khi uống nước bà sinh được liền. Ông bà đặt tên cho con là Nguyễn thị Phi-Phụng và âu yếm nói với con: "Ba ước ao sau này con sẽ được huy hoàng như chim Phụng Hoàng, nhưng khi làm nên sự nghiệp vẻ vang, thì con sẽ phải mang tên hiệu là "Mộng Hoa" để kỷ niệm ơn lạ mà má con đã chiêm mộng". Năm tháng cứ thế trôi qua, Phi Phụng học hành ngày một khá. Đến lúc lên 16 tuổi, cô đã được báo chí ca ngợi về năng khiếu nghệ thuật của cô. Phi Phụng nhớ lời cha dạy nên đã nhận bút hiệu mới là gái "Mộng hoa". Cô không hãnh diện về mình nhưng luôn có tâm tình biết ơn đối với Mẹ Lavang. (N.S. Đức Mẹ Lavang số 9, tháng 5, 1962).
3. TÉ BỂ SỌ ĐƯỢC MẸ CHỮA LÀNH
Ngày 25 tháng 5 năm 1932, có cha Phượng và cha Mục sau khi cấm phòng tại Dòng Phước Sơn về, hai cha đến Lavang kính viếng Đức Mẹ. Cha Phượng leo lên tháp chuông coi, mới lên được tầng dưới cao 5 thước, cha bị xẩy chân té xuống nền Xi-măng, sọ bể rạn từng miếng, một đầu gối bị dập, ống chân bị bẻ quặt lại, máu chảy dầm dìa lai láng. Cha bị ngất bất tỉnh nhân sự. Người ta chạy đến nhà thương Quảng Trị mời bác sĩ Phạm văn Hy, nhưng rủi thay bác sĩ đi vắng. Đến 8 giờ tối bỗng nghe có tiếng xe tiến tới trước cửa nhà xứ. Cha Morineau Trung ngỡ là người đón bác sĩ trở về, nhưng không, đó là xe của bác sĩ Hoslé, Quản Đốc Bệnh Viện Huế đi săn bắn, tình cờ đi ngang qua. Ông liền đưa nạn nhân lên xe chở về nhà thương, rồi đánh điện mời bác sĩ Hy trở về. Hai bác sĩ lo săn sóc cho nạn nhân nhưng cả hai đều nói rằng: "Cha có qua khỏi là nhờ phép lạ Đức Mẹ làm mà thôi". Quả thực phép lạ đã xẩy ra trước sự ngạc nhiên của mọi người. Chỉ sau 10 ngày cha Phượng đã khỏi hết mọi vết thương từ đầu đến tay chân. Bác sĩ tuyên bố: "Đó là ơn thiêng từ trời ban cho cha. Một phép lạ Đức Mẹ ban cho Cha, chứ không có tài nghệ nào chữa lành mau như thế được". (Phép lạ này đã được tường thuật trong Tạp Chí Hội Truyền Giáo, xuất bản tại Balê tháng 4 năm 1932).
4. BỐN MƯƠI NĂM MỘT GIÒNG LỆ
Ngồi liên tưởng đến Thánh Lễ Đại Trào Khai mạc năm Toàn xá, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang và kỷ niệm 10 năm Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tôi hồi tưởng về một khung trời ấu thơ xa xưa với một biến cố trọng đại đến với gia đình tôi cách đây 40 năm về trước, vào một ngày cũng mưa gió như hôm nay.
Năm 1958, ba tôi làm việc tại Bệnh viện Trung Ương thành phố Huế. Mỗi tháng ông cùng các bác sĩ đi thanh tra các Bệnh viện nhỏ trong vùng một lần. Hôm ấy ông sửa soạn đi thăm bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số về phía Tây Bắc.
Tôi còn nhớ rõ hôm đó trời mưa lạnh, mưa rả rích suốt ngày. Ba tôi chuẩn bị lên đường. Ba tôi mặc chiếc Jacket bằng da và dặn dò mẹ tôi một vài điều gì đó rồi vội vã ra xe.
Bước xuống mấy bậc thềm, ông gặp ngay cha Cao văn Luận, người cùng quê quán với cha tôi. Ngài rất thương yêu gia đình tôi và niềm mong mỏi của ngài là được thấy gia đình tôi theo Đạo. Điều mà đối với cha mẹ tôi là một trở ngại rất lớn, không thể nào thực hiện được. Họ hàng cả hai bên đều không có ai theo Đạo Công Giáo, vả mẹ tôi đã quy y, pháp danh là Nguyên Kha. Mẹ tôi cũng đã xây chùa cho làng ngoại tôi ở Huế. Cả một đời mẹ hy sinh cho hạnh phúc của chồng con, nhưng trong vấn đề tín ngường bà rất là cương quyết, vì thế ba tôi cũng rất tôn trọng mẹ tôi, mặc dù ông rất mến cha Luận.
Cha Luận gặp ba tôi, ngài đưa cho ông một tấm ảnh và bảo: "Tôi mới đi kiệu ngoài Lavang về. Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng, ông hãy giữ lấy mà cầu nguyện". Ba tôi cười cười, nói cám ơn cha, rồi thuận tay ông nhét tấm ảnh vào túi trong của áo Jacket: "Con phải đi ngay cha ạ, mọi người đang chờ con ở ngoài kia". Vừa nói ông vừa chào từ giã rồi đi ra xe.
Buổi chiều trong khi người làm dọn cơm, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ đang kể một đoạn trong câu chuyện "những kẻ khốn cùng" của văn hào Victor Hugo, thì chúng tôi nhận được hung tin. Chiếc xe chở ba tôi và bốn người nữa bị lật tại cầu Giồng Quảng Trị chìm xuống sông rồi. Tất cả đều tử nạn. Bệnh viện báo tin và yêu cầu gia đình đến ngay để nhận xác về mai táng.
Trước biến cố bất ngờ, mẹ tôi như người bị sét đánh, sững sờ ôm lấy chị em chúng tôi. Làm sao tôi có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ tôi lúc này... Mẹ tôi và chị em tôi theo xe bệnh viện ra Quảng Trị lấy xác cha. Đến nơi, tại trạm gác nhỏ nằm cuối chân cầu, xác của ba ông bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã được vớt lên, còn thi hài ba tôi chưa tìm thấy. Người ta chưa vớt được, nhưng quả quyết rằng ông cũng cùng một số phận với những tử thi đang nằm đó, vì ông ở dưới nước quá lâu. Thân nhân của các nạn nhân đã có mặt đông đủ, họ kêu gào khóc lóc rất não lòng. Em tôi còn nhỏ chưa hiểu lắm, nép trong vòng tay mẹ ngơ ngác nhìn quanh: "Ba đâu, ba đâu mẹ!". Mẹ tôi chưa kíp dỗ dành thì bỗng có tiếng người la lớn: "Đây rồi, vớt được xác cuối cùng rồi".
Là ba tôi đó. Mẹ tôi nhào tới. Người ta khiêng xác ba tôi đặt lên chiếc băng ca. Lại có tiếng la lên: "Trời ơi, ông ta hình như chưa chết. Còn thở, hơi thở yếu lắm. Làm hô hấp cho ông ta ngay đi".
Và ba tôi quả còn sống thật. Mẹ tôi qùi xuống lạy trời lạy đất. Cám ơn Trời-Phật đã cứu sống ba tôi. Nước mắt mẹ tôi một lần nữa tuôn trào, nhưng lần này là giòng nước mặt hạnh phúc không ngờ. Chúng tôi quỳ xung quang băng ca. Ba tôi tỉnh lại hẳn. Ông nói bằng một giọng thật yếu ớt, câu nói đầu tiên tôi không bao giờ quên được: "Hãy xin cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà. Đức Mẹ Lavang đã chữa ba".
Nói xong, ông đưa tay vào túi áo lục lọi kiếm tìm, ông rút ra một tấm ảnh Đức Mẹ Lavang, tấm ảnh mà Cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Ba tôi nói tiếp: "Đây chính Bà này đã cứu ba. Ba bị mắc kẹt trong gầm xa không sao ra được. Bà đã đến lôi ba ra. Ra khỏi cửa xe, Bà đẩy ba nổi lên mặt nước và nói "Ta là Mẹ Lavang, Ta đến cứu con".
Tôi chợt nghĩ lại: Nếu ngày hôm ấy ba tôi không vội vàng ra đi và có thời giờ tiếp chuyện cha Luận, thì có lẽ bức ảnh Đức Mẹ Lavang đã bị bỏ quên trong ngăn kéo cùng với sự hững hờ của ba mẹ tôi rồi. Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và 7 anh chị em được rửa tội trong sự tự nguyện rất hoan hỷ của mẹ tôi. Ba vị Linh mục thân thiết nhất của gia đình là cha Cao văn Luận, cha Ngô văn Trọng, cha Vũ minh Nghiễm dạy giáo lý cho gia đình, đã dâng Thánh Lễ và ban phép Rửa Tội cho chúng tôi tại Thánh Đường Đức Mẹ Lavang Quảng Trị. Mẹ tôi vui mừng hân hoan và tin tưởng, bà lần chuôi Mân Côi mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt, bà vẫn là một tín đồ sốt sáng, sùng kính Đức Mẹ tuyệt đối. Đây là hình ảnh cuối đời của mẹ tôi.
Tôi còn nhớ, sau ngày gia đình chịu Phép Rửa Tội, mẹ tôi đã phải chịu đựng biết bao lời ra tiếng vào của họ hàng và những người quen biết.... Mỗi lần than vãn với Mẹ thì mẹ tôi lại khuyên: "Ba là cột trụ, là nguồn sống của gia đình. Đức Mẹ đã cứu sống ba là cứu sống cả gia đình chúng ta. Vì thế dù cho phải chịu bao nhiêu thử thách, khó khăn cũng phải chấp nhận, để cảm tạ ân sủng đó. Tình yêu luôn luôn có cái giá phải trả, và cái giá đó có nghĩa gì đâu với ân huệ mà Đức Mẹ đã ban cho gia đình chúng ta".
Mẹ tôi nói đúng, ơn lạ mà Mẹ Lavang đã ban là một biến cố lớn trong đời sống tâm linh của gia đình, cùng là một biến cố trong lịnh sử gia tộc. Ba tôi năm nay đã gần 90 tuổi. Ông vẫn còn giữ và kính tấm ảnh năm xưa đã cứu mạng ông. Tấm ảnh ngày nay đã mờ nhạt theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông vẫn ngồi bên Mẹ, đọc kinh, cầu nguyện, truyện vãn với Mẹ một cách thân tình.
Câu chuyện này vẫn thường được tôi kể lại cho các cháu nghe như một chuyện thần thoại nhưng có thực, chuyện xẩy đến từ một phép lạ của Đức Mẹ Lavang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.
Ngày đại lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay trời mưa nhiều. Tôi lái xe đi trong cơn mưa như trút, nhưng lòng tôi hạnh phúc vô cùng vì tôi được có Chúa, có ánh sáng niềm tin của Ngài chiếu rọi tâm hồn tôi. Tôi có tình yêu bao la rộng mở của Đức Mẹ đã đến với gia đình tôi từ thuở tôi mới lên 10... Ngày nay tôi cũng vẫn cảm thấy mình may mắn, đã được hưởng một ân huệ quá đặc biệt đến từ tình yêu bao la không bờ bến của Đức Mẹ....
California ngày 22 tháng 2 năm 1998. Lê tín Hương. (trích từ Báo Hiệp Nhât số 64, tháng 4, 1998).
5. TÌNH MẸ BAO LA
... Gia đình hoàn toàn ngoại giáo, lại nghèo nên bố tôi phải lên núi kiến trầm về bán nuôi sống gia đình. Nhưng chẳng may bố tôi bị một nhánh cây khô nhọn đâm xuyên bàn chân. Các bạn phải cõng bố tôi về. Tới nhà thì chân đã mưng mủ, nhức nhối, suốt ngày chỉ ôm chân kêu đau rên rỉ. Các cha, các Sơ đến thăm và chữa trị nhiều lần nhưng cũng không bớt. Có người nói trong thịt xương bàn chân còn nhiều miếng gỗ cứng sinh độc cần phải mổ mới lành. Bố tôi đi nhà thương soi điện nhưng chẳng thấy gì, còn bác sỹ thì nói phải cưa chân đi mới khỏi. Mẹ tôi sợ bố què cụt không làm được việc nên không cho. Bố tôi phần thì lo buồn vì sợ chất độc chạy lên tim đe dọa mạng sống, phần thì đau đớn không thể làm gì nuôi sống gia đình.
Ở rú làng tôi có hòn đá trắng giống hình người nằm dưới bụi vòi voi xum xuê. Người ta đồn rằng "Ông Đá" thiêng lắm, đêm khuya trời tối ông thường ngồi dậy trò truyện với các hồn ma trong nghĩa địa. Vì thế dân làng ai đau yếu cũng nấu nước chè xanh mang đến đây cầu khẩn rồi đem về uống. Mẹ tôi còn hơn thế nữa, bà dìu bố tôi ra đây khóc lóc cầu xin "Ông Đá" thương tình, nhưng bố tôi chẳng thuyên giảm chút nào. Tình thế gia đình ngày càng nguy ngập.
Cuối hè năm ấy, nhân có Đại Hội Thánh Mẫu Đức Mẹ Lavang, Sơ Camille là cô giáo dạy tôi học, gợi ý đem bố tôi đi Lavang nhờ Đức Mẹ cứu giúp. Sơ biết gia đình tôi ngoại giáo, lại túng thiếu, nên trình cha xứ cho nhập đoàn với giáo dân, đi chung chuyến xe đò và ăn ngủ với họ không phải tốn tiền. Nghe chuyện ấy mẹ tôi mừng lắm nên xin cùng đi theo. Lòng bố thì nghi ngờ, nhưng vì ngộ biến nên phải tòng quyền. (Gia đình tôi ngoại đạo, nhưng tôi học trường Công giáo, nên mọi kinh nguyện tôi xin nhận đọc cả để bố tôi yên lòng. Bố chỉ cần có lòng thành tâm thôi). Bố tôi hỏi:
- Thành tâm là thế nào?
- Là trong bụng bố đặt hết tin tưởng vào Đức bà.
Mẹ tôi vui mừng rưng rưng nước mặt bảo bố:
- Ông phải ăn chay mấy ngày và hết lòng cầu xin Bà Tiên giúp cho, không thì nguy lắm.
Tôi nói:
- Đức Bà chỉ cần lòng thành thôi, bố không cần ăn chay.
Gia đình tôi gia nhập đoàn hành hương trong bầu không khí đầy niềm tin. Mỗi sáng mỗi chiều, mẹ dìu bố đến trước tượng Đức Mẹ bồng con đứng dưới tàng cây đa cầu xin âm thầm, vì điều gì có trong trí nghĩ thì Đức Mẹ cũng đã biết hết rồi.
Buổi chiều bế mạc, mẹ tôi được Sơ dẫn lên ngọn đồi phía sau để múc nước Thánh và hái lá Vằng đem về. Sơ nói với mẹ tôi:
- Thím về, cho chú uống nước này, còn lá Vằng thì giã nhỏ đắp lên vết thương cho chú, cả nước và lá này đều thiêng lắm. Không phải bây giờ Đức Bà mới giúp người ốm đau ngặt nghèo vô phương chạy chữa đâu, mà cả gần 200 năm nay rồi. Mẹ đã hiện xuống giữa vùng núi non hẻo lánh này và nói với những người bất hạnh như thế. Nhưng thím phải nói với chú cầu nguyện và thật lòng nương nhờ Đức Mẹ mới được.
Đúng là phép lạ, bố tôi dùng nước và lá ở đồi Lavang một thời gian thì trong người bố tôi khỏe khoắn, tươi vui hẳn lên. Chân của bố từ từ líp thịt, đâm da non rồi lành hẳn. Bà con hàng xóm nghe tin ai cũng đến mừng. Bố tôi nói:
- Nếu không có Bà Tiên ngoài xứ Lavang, Quảng Trị thì tôi cụt chân hay mất mạng rồi.
Sau đó bố tôi đem nước và lá còn lại cho những người đang đau ốm, lại nói tôi ở lại nhà đọc kinh cho họ nữa. Dĩ nhiên là ai cũng được Đức Mẹ cứu chữa cả.... (Hồi ký :Vân Hà. Trích trong Báo Hiệp Nhất số 64 tháng 4, 1998).
14. SỐNG TINH THẦN MẸ LAVANG
Đọc qua những lược thuật trên chúng ta phải nhận rằng Mẹ Lavang chính là Mẹ của tình thương, Mẹ của ơn phù trợ, Mẹ của niềm tín thác, Mẹ của đức tin Giáo hội, Mẹ của sự đoàn kết mọi tôn giáo.
Thực vậy, Mẹ chính là Mẹ của tình thương, vì Mẹ thấy con cái chìm sâu trong thảm sầu khổ ải, trong hiểm nguy của rừng sâu nước độc, Mẹ đã thương hiện đến an ủi họ và chỉ cách chữa trị bệnh tật cho họ.
Mẹ chính là Mẹ của ơn phù trợ các giáo hữu, Mẹ đã xuất hiện bên họ giữa lúc cô đơn cô thế để bênh đỡ, để che mắt những kẻ lùng bắt đang chạy trốn vì đức tin.
Mẹ chính là Mẹ của niềm tin phó thác, khi họ tụ họp nhau đọc kinh, cầu nguyện mỗi đêm để tỏ niềm phó thác của mình trong tay từ mẫu Mẹ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã chọn Mẹ Lavang để "phó thác toàn dân Việt Nam cho Mẹ, để Mẹ phù trì ngày nay và mãi mãi".
Mẹ chính là Mẹ của niềm tin Kitô hữu. Mẹ đã hiện ra tại Linh Địa Lavang này để củng cố niềm tin cho biết bao mạng người đã hy sinh chịu thiêu rụi cả mạng sống mình vì Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ II đã nhắc lại lời Mẹ như sau: "Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đựng đau khổ, Mẹ đã nhậm lời các con cầu khẩn. Từ nay về sau, hễ ai đến kêu xin Mẹ ở nơi đây, họ sẽ được toại nguyện".
Mẹ chính là Mẹ của sự đoàn kết mọi tôn giáo. Chính Mẹ đã chứng kiến tình đoàn kết giữa người Công giáo và người không Công giáo trong vùng: Những người Phật Giáo tại làng Ba Trừ, Cổ Thành và Thạch Hãn, chung nhau xây chùa tại nơi Đức Mẹ hiện ra, gọi là "Chùa Làng". Nhưng sau họ bàn tính và đồng thuận rằng "Bà Linh" hiện ra thuộc bên Công Giáo, nên nhường ngôi chùa lại cho bên Công Giáo để làm Đền thờ kính Chúa Bà. Mẹ chính là Mẹ của sự hợp nhất tôn giáo tại quê hương này.
Trong đoạn kết của bài giảng Thánh Lễ khai mạc, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể nhắn nhủ:
Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, trên bước đường tiến về Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo Hội: Cá nhân, gia đình cũng như Cộng Đoàn Giáo Xứ; hãy tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Đức Tin, vì Tin Mừng cứu độ. Hãy sám hối ăn năn về mọi lỗi lầm và hãy hòa giải với mọi người. Hãy xây dựng tình yêu thương hiệp nhất, hãy canh tân đổi mới con tim và trí óc. Chúng ta hãy hướng về Mẹ Lavang với những mục đích nêu trên. Thánh Địa Lavang này đã cho chúng ta một bầu khí yên lành, thanh thoát, một sự thanh nhàn thư thản. Mẹ Lavang cũng rất ân cần, niềm nở đón tiếp hết mọi người chúng ta. Vậy xin hãy đến với Mẹ, đến với Mẹ để Mẹ đưa chúng ta đến tận ngọn nguồn suối cứu độ là Đức Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Mẹ Lavang thật rất quê hương, rất dân dã. Mẹ của cây đa bến cũ. Mẹ của trầu cau, của ca dao tục ngữ. Mẹ Lavang hiện xuống trên đám cỏ, dưới tàn cây đa cổ thụ, để an ủi đoàn con đang vây quanh đọc kinh cầu nguyện trong nơm nớp lo sợ. Thật là hiền dịu, gần gũi, khả ái biết bao! Mẹ vỗ về đoàn con (như gà mẹ túc con dưới cánh). Mẹ Lavang như suối mát trong, như lá cây Vằng và như nước nguồn đạm bạc, dân dã, nhưng chan chứa biết bao tình thương. Hãy xác tín rằng Mẹ luôn gần gũi và đồng hành với đoàn con trên các nẻo đường cuộc sống, nhưng lòng vẫn cảm thấy nao-nao trong giờ phút rời xa quê Mẹ. Xin Mẹ thương hợp nhất chúng con. Xin Mẹ thương dệt sáng tương lai và làm tươi mát cuộc đời chúng con.
Mẹ là giọt nắng trên cây,
Ươm bao nhiêu ước mơ đầy mình con.
Mẹ là bóng mát đường quê,
Chở che con giữa bộn bề tháng năm.
Bùi Tuấn.
(Báo Hiệp Nhất Trang 74 số 65).
Vậy để thể hiện tinh thần của Mẹ Lavang, chúng ta hãy sống cách đích thực tinh thần của Mẹ (Vững lòng cậy trông, yêu mến, tin tưởng, hy sinh và hợp nhất) trong những ngày chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000 và chuẩn bị mừng 200 năm Đức Mẹ hiện ra tỏ tình thương với dân tộc Việt Nam.
15. CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ (Kỷ Niệm 200 Năm Mẹ Lavang)
Chào kính Mẹ Nữ Hoàng diễm lệ,
Mừng Quê hương có Mẹ cầu bầu.
Đại đoàn Giáo hữu năm châu,
Lễ kính Đức Mẹ nhiệm mầu Lavang.
Kỷ nguyên tới sang trang sử mới,
Niệm tình thương thế giới thanh bình.
Hai thế kỷ trước hiển linh,
Trăm ngàn giáo hữu an bình nguyện kinh.
Năm nay lễ linh đình cảm tạ,
Đức Cha ban Đại xá trọn năm.
Mẹ thương Giáo Hội Việt Nam,
Hiện đang lâm cảnh khó khăn trăm đường.
Ra nước ngoài vấn vương lưu luyến,
Tại quê người nhớ đến cố hương.
Lavang Thánh địa thân thương,
Vang danh Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình.
Phan xuân Trường.
ĐỨC MẸ LAVANG
Cơn bách đạo đời vua Cảnh Thịnh,
Tự trong triều có lịnh ban ra,
Bao nhiêu các Cố, các Cha,
Bắt cho kỳ hết chẳng tha người nào.
Đoàn Chiên Chúa gặp bao đau khổ,
Sống bơ vơ không có chủ chăn,
Sớm hôm lần chuỗi siêng năng,
Cầu xin Đức Mẹ đoái thương sự tình.
Ôi biết bao cực hình quái ác,
Cắt cổ, bêu đầu, xé xác, phanh thây...
Người ngựa xé, kẻ voi dày,
Người giam ngục tối, kẻ đầy rừng sâu.
Thánh đường bị tịch thâu, đóng cửa,
Ảnh tượng thì phóng lửa thiêu tan,
Mặc cho dân Chúa than van,
Mặc cho nước mắt chảy tràn biển khơi.
Dân gian chẳng còn nơi lẩn tránh,
Rủ nhau cùng tạm lánh Lavang,
Nơi đây rừng rú xa xăm,
Khấn xin Mẹ Chúa thiên đàng cứu nguy.
Bỗng Đức Mẹ từ bi hiện đến,
Khuyên vững vàng cậy mến Chúa Trời,
Dù cho sóng gió tơi bời,
Các con sẽ được an vui xác hồn.
Còn những ai yếu mòn thể xác,
Bệnh lâu năm chẳng bớt chẳng thuyên,
Lá cây rửa sạch nấu lên,
Nghe lời Mẹ dạy, uống liền tiêu tan.
Hôm nay đây đoàn con kính nhớ,
Nhớ năm xưa Mẹ Chúa uy quyền,
Phép lạ Mẹ ban nhãn tiền,
Cứu con thoát khỏi ưu phiền lắng lo.
Xin Mẹ thương chở che dẫn dắt,
Người Việt Nam tản mát khắp nơi,
Cậy tin, mến Chúa, yêu người,
Đợi ngày xum họp yên vui một nhà.
Dân trong nước thái hòa thịnh vượng,
Đạo Chúa Trời lan rộng Bắc Nam,
Từ Cà Mâu đến Nam Quan,
Vinh danh Thiên CHúa bình an muôn đời.
Hương Ly Băng 98.
16. ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 25
Đại Hội La Vang lần thứ 25, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang chính thức bắt đầu vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày thứ Năm (13.8.1998) với việc đón tiếp Đức Tổng Giám Mục Huế và các Đức Giám Mục đến khai mạc Tuần Tam Nhật Đại Lễ.
Các Đức Giám Mục xuống xe và tiến vào Công Trường Mân Côi, dẫn đầu là Đức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn như Thể. Trong đoàn Giám Mục có các vị: Hai Đức Giám Mục chánh và phó Giáo Phận Phát Diệm, Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết Nicola Huỳnh văn Nghi, Hai Đức Giám Mục Chánh và Phó Giáo Phận Nha Trang, Đức Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh, Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum, Đức Giám Mục Giáo Phận Thái Bình. Các Ngài được mời hôn đất Thánh Địa, chấm Nước Thánh làm Dấu Thánh Giá và đoàn rước tiến vào Công Trường, lên Lễ Đài giữa hai hàng rào danh dự gồm các em Thiếu Nhi, các cô thiếu nữ cầm hoa và các chú lính khố đỏ, đội nón, chân quấn xà cạp, tay cầm lọng che.
Tại Lễ Đài, Đức Giám Mục Phó Ban mê Thuật công bố Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang. Tiếp theo Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể công bố khai mạc Tuần Tam Nhật Đại Lễ kỷ niệm 200 năm Đức mẹ hiện ra tại đây trong tiếng vỗ tay của khoảng 100.000 người tham dự, trong tiếng chuông đổ hồi rền vang, trong tiếng hát của Ca Đoàn Nhà Thờ Chính Toàn Phủ Cam (Huế) hợp xướng bài "Như Sóng Lộc Triều Nguyên", lời thơ của Thi sĩ Hàm Mạc Tử và Nhạc của Hải Linh. Giây phút gây cản động tiếp theo là lúc 25 Huy Hiệu, 25 cờ Ngũ sắc biểu trưng cho 25 Giáo phận trên toàn lãnh thổ Viêt Nam, một mặt thêu hình nhà thờ Chính tòa và tên mỗi Giáo Phận, mặt kia thêu hàng chữ 200 năm Đức Mẹ Lavang. Sau đó là điệu vũ của 200 em nhỏ trên nền nhạc một ca khúc Về Bên Mẹ Lavang.
Ngày khai mạc của tuần Tam Nhật được kết thúc bằng Thánh lễ Đại trào do Đức Giám Mục Nguyễn văn Hòa, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang và là Đệ Nhị Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chủ tế, cùng Đồng Tế có các Đức Giám Mục và khoảng trên 350 Linh Mục. Đức Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt giảng thuyết. Giáo dân đứng kín bốn phía lễ đài trang nghiêm dự lễ.
Sau Thánh lễ là cuộc cung nghinh Thánh Thể do Đức Cha Huỳnh văn Nghi, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chủ sự. Ngài đứng trên xe hoa hai tầng, cầm hào quang có Mình Thánh Chúa ngự. Đoàn kiệu tiến trên lộ trình từ Tháp Cổ ra đường nhựa trước nhà Trung Tâm rồi tiến vào Công Trường Mân Côi, Ngài tiến lên Lễ Đài đặt Mình Thánh Chúa. Cuộc tôn kính Thánh Thể bắt đầu bằngviệc Chủ Tế dâng hương, tiếp theo là tiến vũ hoa đăng trước Thánh Thể Chúa. Khắp Công Trường sáng rực ánh đèn cầy lung linh sốt mến. Đức Giám Mục Nguyễn văn Nhơn quảng diễn phút suy niệm Thánh thể trước khi hát chầu Thánh thể và Phép Lành Thánh Thể kết thúc.
Ngày Thứ Hai của tuần Tam Nhật Đại Hội tức ngày 14.8.1998, chuông nhật một đổ hồi từ lúc 5 giờ sáng đánh thức khách hành hương đi tham gia giờ lần hạt chung tại Linh Đài sau một đêm chập chờn giấc ngủ giữa bầu trời đầy sao.
8 giờ sáng là Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Sàigòn Phạm Minh Mẫn chủ tế với trên 10 Giám Mục và 200 Linh Mục Đồng tế. Trong bài giảng, ngài nhắc lại những thương đau của các cuộc tàn sát người Công Giáo thời xưa đã phải chịu trải qua bao thế hệ. Ngài cũng nêu lên những thách đố mà người trẻ Công Giáo ngày nay phải đương đầu giữa cuộc sống. Ngài nhắn nhủ họ phải bám vào Đức mẹ để có thể sống một cuộc sống thánh thiện hơn.
Cũng vào lúc 8 giờ, tại Linh Đài, một buổi sám hối Cộng Đoàn dành cho người lớn. Kết húc buổi sám hối bằng một điệu vũ dâng hoa kính Đức Mẹ trước khi sang phần Lần Hạt Mân Côi và đọc kinh Truyền Tin ban trưa.
Lúc 1 giờ chiều, loa phóng thanh kêu gọi các bạn trẻ tham dự giờ sám hối dành cho giới trẻ. Giữa ánh nắng nồng nực ấy, cả chục ngàn các bạn trẻ đội mũ, nón, ô, dù vui vẻ ra sắp hàng trước Công Trường Mân Côi, hành hương tượng trưng về Lễ Đài vây quanh vị Linh Mục trẻ giúp họ suy niệm Lời Chúa. Nguyên cử chỉ ngồi giữa nắng Quảng Trị cũng đã là một hành động sám hối rồi và chắc chắn được Chúa thương nhiều.
Sau giờ sám hối thì trời bắt đầu vân vũ, mây đen kéo đến phủ kín bầu trời. Ban Tổ chức vẫn mời gọi mọi người tiến ra Công Trường tập họp chào đón Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Giám MụcViệt Nam, ngài đến với tư cách là Đại Sứ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ II.
Vào lúc 3 giờ 30 chiều, mây tan dần và đến 4 giờ toàn dân vui mừng đón Đức Hồng Y và các Giám Mục cách trọng thể dưới ánh nắng dịu hiền êm đẹp.. Đức Hồng Y quì xuống hôn đất thánh và tiến bước giữa hai hàng lọng uy nghi, trong tiếng nhạc và kèn trống tưng bừng. Khi vị Đại Sứ đã an vị trên lễ đài, Linh Mục Tổng đại diện Tổng Giáo Phận Huế đọc văn thư của Đức Thánh Cha ủy nhiệm Đức Hồng Y làm Đặc sứ của ngài tại Đại Hội Đức Mẹ Lavang 1998. Sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục Huế, Đức Hồng Y nhận huy hiệu Đại Lễ 200 năm Đức Mẹ Lavang do Đức Tổng Giám Mục Huế trao tặng. Trong bài diễn từ, Đức Hồng Y nói: "Đây là một vinh dự đặc biệt Đức Giáo Hoàng đã ban cho tôi, nhưng tôi nghĩ vinh dự này không phải chỉ vì tôi, mà vì sự kính trọng của ngài đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà ngài nói thật dễ mến yêu". Sau bài huấn từ Đức Hồng Y tiến về Linh Đài dâng hương kính Đức Mẹ. Trong dịp này, Đức Tổng Giám MụcTephanô Nguyễn như Thể cũng đã giới thiệu pho tượng Đức Mẹ theo kiểu mẫu Việt Nam cao 2 mét, đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức công nhận để thay thế cho tượng cũ, và một chén thánh đặc biệt do Đức Thánh Cha từ Roma gửi tặng Đại Hội để dâng Thánh Lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ Lavang hiện ra.
Thánh Lễ chiều ngày 14.8.1998 được bắt đầu vào lúc 6 giờ, do Đức Tổng Giám Mục Nguyễn như Thể chủ tế, cùng với 14 Giám Mục và khoảng 350 Linh mục đồng tế. Trước khi Thánh lễ bắt đầu, Đức Hồng Y đặc sứ trao dây Palliumcho Đức Tổng Giám Mục, như dấu hiệu hiệp thông quyền quản trị Tổng Giáo Phận Huế. Sau khi nhận dây Pallium, Đức Tổng Giám Mục long trọng đọc lời tuyên thệ và Thánh lễ được bắt đầu.
Đêm 14.8.1998 là đêm canh thức còn gọi là đêm "diễn nguyện" do gần 100 em Đệ Tử Dòng Thánh Phaolô phụ trách gồm 3 màn: Dâng hoa, diễn lại sự tích Đức mẹ hiện ra tại Lavang và suy ngắm 5 sự mừng.
Ngày thứ ba của tuần Tam Nhật đại lễ (15.8.1998): Là ngày cao điểm nhất của tuần Tam Nhật Đại Lễ. Suốt đêm nhiều người canh thức bên nhà chẩu. Nhiều nhóm khác đọc kinh, lần hát, ca hát kính Đức Mẹ cho tới sáng. Chuông báo thức lúc 5 giờ sáng và loa phóng thanh kêu gọi khách hành hương tham gia cuộc cung nghinh Đức Mẹ Lavang. Cuộc cung nghinh được bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng để tránh cái nắng gay gắt sắp tới. Cuộc rước kiệu đặt dưới quyền chủ toạ của Đức Hồng y Đặc Sứ với 14 Giám mục, 350 Linh mục và 200.000 giáo dân đi theo kiệu sơn son thiếp vàng, chạm trổ công phu do Giáo dân Phát diệm dâng cúng. Cuộc rước tiến hành trong trang nghiêm, sốt sáng, trật tự đến độ hoàn hảo và kết thúc vào lúc 7 giờ bằng một bài thánh vũ của ba giòng sông tượng trưng cho ba miền con dân đất Việt trên nền nhlac "Như sóng lộc triều nguyên".
Tiếp đến là Thánh lễ bế mạc vào lúc 9 giờ sáng, đủ thời gian cho khách hành hương từ các tỉnh lân cận đổ về, đủ để Ban tổ chức tiếp đón các phái đoàn tới dự. Trời nắng đã lên cao khiến giáo dân tham dự phải hy sinh nhiều trong lúc hiệp thông dâng lễ. Bài đọc 2 được đọc bằng tiếng thổ âm Tây Nguyên từ Giáo Phận Kontum trở về. Phái đòng Tây Nguyên đã dâng lên Đức Mẹ và thông hiệp với Cộng Đoàn dân Chúa những tiếng cồng, tiếng chiêng mê hồn, những trang phục lạ mắt, những lời ca tiếng hát, điệu vũ... suốt thời gian đại lễ. Thánh Lễ bế mạc chấm dứt vào lúc 11 giờ ngày 15 tháng 8, 1998. Đức Giám Mục Nguyễn Sơn Lâm, Giám Mục Giáo phận Thanh Hóa thay mặt cộng đoàn hành hương cám ơn các giới. Ngài đã ưng khẩu phát biểu đôi lời cảm tưởng thật chân thành, chính xác: Đại Hội Thánh Mẫu năm nay thành công rực rỡ là nhờ mọi cánh tay con cái Mẹ cộng tác. Nhờ sự nỗ lực làm việc của Giáo Phận Huế. Quí vị có thể đem tinh thần Đại Hội về giáo phận mình, đem đức tin, chấp nhận mọi gian khổ trong hiền hòa và chịu đựng để sám hối, chuẩn bị tiến về năm 2000, mừng thiên kỷ cứu độ.
17. NGƯỜI CHỨNG ĐÁNG TIN
(Trích bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể của thinh giả đài Phát Thanh Đức Mẹ Hằng Cửu Giúp tối ngày 18.8.1998.)
Xin Đức Cha sơ lược ngắn gọn cho chúng con biết về Đại Hội mừng kỷ niệm 200 Đức Mẹ hiện ra tại Lavang? Các sinh hoạt? có bao nhiêu người đến dự? có gặp phải trở những khó khắn gì, cùng những điều tích cực khác thấy được trong Đại Hội.
ĐTGM: Tam nhật đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức mẹ hiện ra tại Lavang là một biến cố quan trọng hàng đầu đối với Giáo Hội Công Giáo VN, đối với mọi tín hữu VN trong và ngoài nước. Điều này Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhắc đến biến cố này và phó thác giáo dân Việt Nam cho Đức mẹ Lavang. Hội Đồng Giám Mục VN cũng đã ủy thác việc tổ chức này cho Tổng Giáo Phận Huế bởi vì trong hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép có một tổ chức qui mô toàn quốc. Nên chúng tôi tùy khả năng và hoàn cảnh, cố gắng làm hết sức mình để chuẩn bị cho Tam Nhật Đại Lễ từ ngày 13-15..8.1998 vừa qua. Về mặt tinh thần là chính, về mặt vật chất tùy theo khả năng hiện có. Trong việc tổ chức chúng tôi đã đề ra phương hướng là cách tranh trí cũng như nghi lễ phụng vụ vừa phải có tính cách toàn quốc mà vừa có tính cách dân tộc.
Trong 3 ngày đại hội có 16 Giám mục đến hành hương tại Lavang, kể cả Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng. Con số Linh mục vào khoảng 300 và số giáo dân ước lượng chừng 200.000 người.
Chương trình chung thì ngày 13.8 có nghi thức khai mạc do Đức Tổng Giám Mục Huế chủ sự. Tiếp theo có thánh lễ khai mạc do Đức Cha Nguyễn văn Hòa Giám mục Nha trang chủ tế. Tối có rước kiệu Mình Thánh Chúa rất sốt sáng do Đức cha Huỳnh văn Nghi Giám Mục Phan Thiết chủ sự.
Qua ngày 14.8.1998 buổi sáng có Thánh Lễ do Đức Cha Phạm Minh Mẫn Tổng Giám Mục Saìgòn chủ tế. Chiều có thánh lễ do Đức Cha Nguyễn như Thể chủ tế. Trong ngày 14.8 có cuộc sám hối cộng đồng cho người lớn cũng như giới trẻ.
Qua ngày 15.8. 1998, sáng có rước kiệu và theo sau là Thánh lễ bế mạc do Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và là Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ tế.
Những khó khăn thì cũng còn nhiều như trước mắt thì các quán ăn uống chính quyền xã làm gần khuôn viên La vang quá nên mất vẻ trang nghiêm phần nào, rồi thì khó giữ trật tự và vệ sinh. Về vấn đề này thì chính quyền tỉnh Quảng Trị đã có ý kiến là dời các lều quán ra xa 100 mét nhưng mà phép vua thua lệ làng, xã đã cho đấu thầu lỡ rồi nên phải chịu vậy. Vấn đề thứ hai là đã xin làm một số nhà vệ sinh thì xã cho phép quá trễ, chỉ 3, 4 ngày trước đại hội, nên không đạt được như ý, thì cũng xin làm các phòng dã chiến, sau đại lễ thì rỡ đi nên chuẩn bị cũng không kịp.
Ngoài ra năm nay miền Trung hạn hán rất nặng, mùa màng bị mất, nhiều nhất là ở tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Dân chúng rất là cực khổ. Nhưng vấn đề nước tại Lavang thì bảo đảm tuy không dư dật lắm nhờ đào được mấy cái giếng khoan 60-70 mét nên cũng cung cấp đủ nước cho khách hành hương trong mấy ngày đại hội.
Nhìn chung, điểm tích cực trong Đại hội thấy nhiều hơn, tức là thấy biểu lộ tình hiệp thông Giáo Hội rất là rộng lớn và đạm đà. Mọi người khắp đất nước đều về qui tụ như một đại gia đình và có rất nhiều người sám hối, ăn năn, đổi đời. Mọi người đến Lavang chỉ biết cầu nguyện, tìm điều cốt yếu cho cuộc sống mình, vì Lavang này nghèo lắm, thiếu thốn nhiều mặt cho nên người ta đến đay không tìm gì khác ngoài sự cầu nguyện và sống các mối Phúc thật.
Xin Đức Cha cho biết bầu khí đại hội ra sao? Tinh thần dân Chúa thế nào? Các Đức Giám Mục có cảm tưởng gì về Đại Hội? Xin Đức Cha cho chúng con biết cảm tưởng riêng của Đức Cha về đại hội này.
Bầu khí Đại Hội rất là sốt sáng và có mức độ thánh thiện rất cao, vừa trang nghiêm, có kỷ luật vừa rất là thánh thiện. Tinh thần của dân Chúa rất là an ủi, nâng đỡ, phấn chấn và ai ai cũng hân hoan vui mừng. Dù hoàn cảnh còn thiếu thốn nhưng không ai phiền trách gì. Về nhà Mẹ thì thấy được chan chứa tình con cái đối với Mẹ, tình huynh đệ anh chị em xum vầy với nhau xung quanh Mẹ hiền. Giáo dân chịu hy sinh, chịu khó, bác ái giúp đỡ lẫn nhau. Dù Lavang còn nghèo khó thiếu thốn nhưng ai ai cũng thỏa lòng cả.
Các Đức Giám Mục rất lấy làm hài lòng vì thấy trong hoàn cảnh này mà được như vậy thì thật là nhờ ơn Chúa và ơn Đức Mẹ phù trợ. Các Giám mục rất là cảm phục và cảm động trước niềm tin vững mạnh của các thành phần dân Chúa, nhất là các giáo dân. Họ rất sốt sáng, chịu khổ, chịu cực, đến được với Mẹ là họ thỏa lòng rồi. Riêng tôi, rất là vui mừng tạ ơn Chúa và Đức Mẹ La vang bởi vì Đại Hội này thành công ngoài ước muốn của mình, nhờ bao lời cầu nguyện, hy sinh của các tín hữu xa gần trong nước cũng như ngoài nước, có mặt cũng như vắng mặt. Ai ai cũng nao nức, ai ai cũng hướng lòng về với Đức Mẹ La vang. Nhờ đó, Đức Mẹ ban rất nhiều ơn cho Tam Nhật Đại Hội. Thành công về mặt tổ chức thì không dám nói nhiều. Lúc này thì có nhiều khó khăn nhưng mà dần dần người ta cũng cảm thông và cuối cùng thì cũng tốt đẹp. Nhưng chính yếu là thành công về mặt tinh thần. Nhiều người được ơn ăn năn trở lại. Ai ai cũng sốt sáng cầu nguyện vì thấy Mẹ Lavang là người Mẹ qui tụ con cái Việt Nam khắp nơi, một ý một lòng, một niềm tin yêu phó thác. Ai đến Lavang cũng thấy vui mừng và được an ủi trong tâm hồn.
Điều gì đáng động Đức Cha qua những ngày đại hội. Xin Đức Cha chia sẻ cảm nghiệm sống đức tin với mọi thính giả của đài Đức mẹ Hằng Cứu Giúp chúng con.
Điều đánh động tôi nhất trong 3 ngày đại hội thứ nhất là chúng tôi có Nhà Nguyện dã chiến đặt Mình Thánh Chúa liên tục và liên lỉ có các tu sĩ nam nữ ứng trực để tôn thờ Thánh Thể cả đêm lẫn ngày. Nhiều giáo dân cũng tham dự rất sốt sáng và cảm động. Nơi thứ hai cũng đánh động tôi là khu vực hòa giải. Có mấy chục tòa giải tội thì các linh mục thay phiên nhau đêm ngày giải tội cho các tín hữu đủ mọi lứa tuổi. Một điều nữa tôi thấy là tại Linh Đài Đức mẹ luôn có người cầu nguyện, cá nhân cũng như nhóm. Rồi có cả nhóm gia đình bạn bè đọc kinh lần hạt ngay tại lều tá túc của mình ngoài trời.
Điều nữa đánh động tôi là thấy giới trẻ đi rất đông, chiếm đa số trong các khách hành hương. Họ đến Lavang là vì niềm tin thúc đẩy chứ Lavang nghèo khó có gì hấp dẫn bên ngoài đâu. Bên cạnh họ một số cụ già trên 80 tuổi, chân bước không vững mà cũng nài nỉ con cháu cho đi một lần rồi về chết cũng thỏa lòng. Tôi cũng gặp một bà mẹ ôm đứa con 5 tháng từ vũng tầu đến Lavang từ ngày 11 đến ngày 16. Thấy đứa con vẫn nhở nhơ vui vẻ thì thật là kỳ diệu. Cũng có người bồng con mới ba tháng nữa. Tất cả chỉ vì niềm tin sâu xa nơi chính tâm hồn họ. Để đúc kết, tôi nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng rất là ưu ái đối với Đức mẹ Lavang. Trong dịp kỷ niêm 200 năm Mẹ Lavang, ngài đã chi mở năm toàn xá từ đầu năm 1.1.98 đến 15.8.99. Ngài lại tặng một chén thánh có khắc huy hiệu của ngài cho Đại Hội. Ngài còn cử vị Đặc sứ là chính Đức Hồng Y Phạm Đìng Tụng đến chủ lễ kỷ niệm 200 năm. Ngài gửi sứ điệp cho tín hữu Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Trong sứ điệp tôi thấy đoạn quan trọng này "Ước gì Mẹ Lavang lôi cuốn các tín hữu trở thành những người hành hương kiên vững trong niềm tin, thành người hành hương của niềm hy vọng, thành người hành hương của tình bác ái, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ".
Cho nên đối với tôi điều quan trọng nhất là Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến được biểu lộ một cách cá nhân và cách cộng đồng Lavang. Tin, Cậy, Mến được củng cố, được tăng cường và lan rộng ra ngoài khu vực Lavang, lan tỏa trong môi trường sống của mỗi người, mỗi cộng đoàn. Sau đại hội mỗi người đưa Mẹ Lavang về nhà mình cũng như thánh Gioan đưa tinh thần Mẹ vào cuộc sống thường nhật, tức là cậy tin mến nơi Mẹ và nhiệt thành tỏa hương đức cậy, tin mến như Mẹ vậy. Đây là những điều tôi tâm đắt và cầu mong cho những người hành hương về tiếp tục sống Đức Tin, Cậy, Mến như Mẹ. (Báo Hiệp Nhất số 146 tháng 9, 1998).
Lm. Thu Băng, CMC