PDA

View Full Version : NHỮNG CHUYỆN VỀ NHÂN QUẢ Biên tập : THÍCH TÂM THUẬN



Nhím Hoàng Kim
05-08-2007, 07:57 PM
PHẬT NÓI KINH NHÂN QUẢ BA ĐỜI


Một hôm , Tôn giả A Nan Đà ở trên hội Linh Sơn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ kheo câu hội .

Khi ấy A Nan Đà Tôn giả , chắp tay đảnh lễ Phật , nhiễu quanh ba vòng , rồi quỳ xuống thưa thỉnh đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn rằng :

Bạch Thế Tôn ! Đến thời mạt pháp , tất cả chúng sinh ở cõi Nam Diêm Phù Đề , nhiều kẻ sinh niệm chẳng lành , không kính Tam Bảo , không trọng cha mẹ , không có tam cang . Năm giềng rối loạn , nghèo khó , thấp hèn , sáu căn chẳng đủ , trọn ngày sát sinh hại mạng cho đến nghèo giàu sang hèn không đồng nhau . Do nhân duyên quả báo gì khiến nên như thế ? Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi , vì chúng con giải thích mọi sự việc .

Phật bảo A Nan cùng các đại đề tử : "Lành thay ! Lành thay ! Các ông hãy lắng nghe ! Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ".

Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn , chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nhân duyên từ đời trước mà cảm quả báo . Cho nên tất cả chúng sinh , trước phải hiếu kính cha mẹ , kế đó phải tin trọng ngôi Tam Bảo , thứ ba nên bỏ giới sát mà phóng sinh , và thứ tư cần ăn chay bố thí mới có thể gieo giống ruộng phước về sau .

Phật liền nói bài kệ nhân quả rằng :
Giàu sang đều bởi mạng
Đời trước có tu nhân .
Ai thọ trì kinh này ,
Đời đời hưởng phước lộc .
Thiện nam , tín nữ nghe ta nói :
Suy nhớ kinh Nhân Quả ba đời
Nhân quả ba đời việc chẳng nhỏ ,
Phật nói lời Phật chớ chê khinh .

1. Đời nay làm quan do nhân gì ?
Kiếp trước vàng ròng thếp tượng Phật
Đời nay hưởng phước bởi nhân xưa
Đai vàng , áo tía , cầu nơi Phật .
Vàng trang nghiêm Phật , trang nghiêm mình .
Làm đẹp Như Lai , đẹp từ thân .
Đừng bảo làm quan là chuyện dễ ,
Không tu phước ấy đến từ đâu ?

2. Cưỡi ngựa , ngồi kiệu do nhân gì ?
Kiếp trước làm cầu , bồi đắp lộ .

3. Do nhân duyên gì mặc gấm vóc ?
Đời trước thí áo giúp Tăng Ni .

4. Có ăn , có mặc do nhân gì ?
Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống .

5. Ăn mặc thiếu thốn bởi nhân chi ?
Kiếp trước một nửa không xả thí .

6. Lầu cao nhà lớn do nhân gì ?
Xưa lập chùa am cất nhà mát . (1)

8. Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì ?
Đời trước hoa tươi cúng dường Phật .

9. Thông minh trí tuệ do nhân gì ?
Kiếp trước ăn chay thường niệm Phật .

10. Người thấy vui mừng do nhân gì ?
Xưa kết duyên lành cùng đại chúng .

11. Chồng vợ bền lâu do nhân gì ?
Đời trước tràng phan nghiêm cúng Phật .

12. Cha mẹ song toàn do nhân gì ?
Đời trước kính trọng người cô độc .

13. Không cha mất mẹ do nhân gì ?
Kiếp trước là người đánh bẫy chim .

14. Con cháu đông nhiều do nhân gì ?
Đời trước mở lồng thả chim thú .

15. Nuôi con không được do nhân gì ?
Xưa sinh con gái dìm cho chết . (2)

16. Đời nay không con do nhân gì ?
Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa .

17. Đời nay sống lâu do nhân gì ?
Kiếp trước mua vật phóng sinh nhiều .

18. Đời nay mạng yểu do nhân gì ?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh .

19. Đời nay không vợ do nhân gì ?
Kiếp trước tham mưu gian vợ người .

20. Đời nay ở góa do nhân gì ?
Kiếp trước buông lung khinh rẽ chồng


______________________________

Ghi chú :
(1) Nhà dưỡng lão , cô nhi .
(2) Thuở xưa từ Ấn Độ , cho đến Trung Quốc , những nhà nghèo sinh con nuôi không kham nên dìm cho chết bớt con gái lúc mới sinh ra .

Nhím Hoàng Kim
05-09-2007, 02:52 PM
21. Làm thân tôi đòi do nhân gì ?
Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa .

22. Đời nay mắt sáng do nhân gì ?
Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật .

23. Đời nay đui mù do nhân gì ?
Kiếp trước chỉ đường chẳng phân minh .

24. Môi miệng sứt thiếu do nhân gì ?
Kiếp trước thổi tắt đen cúng Phật .

25. Đời nay câm điếc do nhân gì ?
Xưa từng ác khẩu măng cha mẹ .

26. Đời nay lưng gù do nhân gì ?
Kiếp trước chê cười người lễ Phật .

27. Tay bị cong quẹo do nhân gì ?
Đời trước đều là người tạo nghiệp .

28. Chân bị co rút do nhân gì ?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người .

29. Làm thân trâu ngựa do nhân gì ?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả .

30. Đọa làm heo chó do nhân gì ?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người .

31. Đời nay nhiều bệnh do nhân gì ?
Xưa đem rượu thịt bày cúng Phật .

32. Đời nay không bệnh do nhân gì ?
Xưa thí thuốc men cứu bệnh nhân .

33. Hằng bị lao tù do nhân gì ?
Kiếp trước làm ác chẳng nhượng người .

34. Đời nay chết đói do nhân gì ?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột .

35. Bị thuốc độc chết do nhân gì ?
Kiếp trước đăng lưới giết hại cá .

36. Nổi trôi cơ khổ do nhân gì ?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người .

37. Đời nay lùn bé do nhân gì ?
Kiếp trước xem kinh để dưới đất . (1)

38. Nay thường thổ huyết do nhân gì ?
Xưa ăn thịt rồi đi tụng kinh . (2)

39. Đời nay ngu điếc do nhân gì ?
Kiếp trước tụng kinh chẳng lắng nghe .

40. Ghẻ lác phong điên do nhân gì ?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật .


_____________________________

Ghi chú :
(1) Ngồi dưới đất xem kinh , nên để kinh trên một cái kệ , khinh nạn cũng là nhân của tướng lùn bé . Lễ Phật , khiêm hạ là nhân của tướng cao hơn .
(2) Ăn mặn rồi muốn tụng kinh , phải súc miệng rửa tay , rửa miệng sạch , và tụng chú như sau . Tất được thanh tịnh không tội lỗi : tịnh tam nghiệp chân ngôn ... Um ! soa pha va suýt đà , sạt và đạt ma , soa phạ va suýt đa hàm (7 lần). Aum ! Syabhava sudaha , sarva drama svabhàva hàma . :-o

Nhím Hoàng Kim
05-10-2007, 03:09 PM
41. Thân có mùi hôi do nhân gì ?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian .

42. Đời nay chết treo do nhân gì ?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú .

43. Quan , quả , cô độc do nhân gì ?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người .

44. Sét đánh lửa thiêu do nhân gì ?
Cân non , già , thiếu lòng gian xảo .

45. Rắn cắn cọp ăn do nhân gì ?
Kiếp trước gây oan tạo đối đầu .
Muôn việc mình làm lại mình chịu
Thọ khổ địa ngục oán trách ai ?
Đừng nói nhân quả người không thấy .
Xa trả con cháu , gần trả mình .

46. Chỉ nhìn trước mắt người hưởng phước .
Sẽ tin bố thí với trì trai .
Kiếp trước tu nhân nay hưởng quả .
Đời này tu tích để về sau .
Nếu ai hủy báng Kinh Nhân Quả
Kiếp sau đọa lạc mất thân người .
Kẻ nào thọ trì Kinh Nhân Quả .
Chư Phật Bồ Tát đều chứng minh .
Kẻ nào biên chép Kinh Nhân Quả ,
Truyền đời tu học đạo nhà hưng .
Ai mà mang đội Kinh Nhân Quả ,
Tai hung hoạch họa chẳng vào thân .
Nếu người giảng nói Kinh Nhân Quả
Đời đời kiếp kiếp được thông minh
Kẻ nào đề xướng Kinh Nhân Quả .
Đời sau người thấy sinh cung kính .
Người nào ấn tống Kinh Nhân Quả ,
Kiếp sau sẽ được thân đế vương .
Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời trước .
Chính sự thọ hưởng của đời nay .
Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời sau ,
Chính sự gây nhân của kiếp này ,
Nếu như nhân quả không cảm ứng ,
Do đâu Mục Liên cứu được mẹ ?
Người nào tin sâu Kinh Nhân Quả .
Đồng sinh Tây phương cõi Cực Lạc .
Nhân quả ba đời nói không hết ,
Thiên long chẳng bỏ ý người lành .
Nếu ngôi Tam Bảo ruộng phước lớn ,
Nhân tu tuy một , hưởng muôn ngàn .
Gởi kho bền chắc không hư mất , (1)
Nhiều đời thọ dụng phước vô cùng .
[center]Muốn biết nhân đời trước ,
Xem sự hưởng đời nay ,
Muốn biết quả đời sau ,
Xem việc làm kiếp này .

_____________________________

Ghi chú :
(1) Gởi kho đây không phải đốt giấy tiền vàng bạc gởi vào kho , mà ý nói tiền của thế gian không bền , khi chết rồi phải bỏ lại tất cả . Chỉ có tu phước làm lành ăn chay , tụng kinh , tham thiền , niệm Phật , là kho .

:phuc:

Nhím Hoàng Kim
05-11-2007, 02:54 PM
PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
NIỆM PHẬT CỨU CHỦ KHỎI ĐỌA

(Trích trong Tục Tạng Kinh)


Thuở xưa , tại quận Ninh Ba có tên Trương Mân , cha mẹ khuất sớm , côi cút một mình , nương náu với bà con cho qua ngày tháng , sau đến làm mướn với người phú hộ ở cách làng , chuyên nghề bện dép lác .

Thường bữa sớm mai , chàng gánh giỏ đi cắt lác , hay đi ngang qua trước một cảnh chùa , nghe các sãi công phu , chuông trống inh ỏi . Lần nào chàng cũng để giỏ trước cửa chùa , vào xem một lát rồi mới đi .

Hòa thượng thường thấy như vậy , nên một bữa nọ , Ngài kêu chàng mà hỏi rằng : "Nhà ngươi muốn tu hay sao mà ngày nào cũng thấy đến đây ?"

Trương Mân nghe Hòa thượng hỏi mấy lời , liền chấp tay thưa rằng : "Bạch thầy ! Con muốn lắm , nhưng con là đứa ở đợ với người , không biết tính làm sao mà tu cho được".

Hòa thượng nói : "Hễ muốn là được , sự tu hành chẳng luận là chủ hay đầy tớ , và cũng chẳng cần người ở am tự hay kẻ tại gia , hễ có lòng thành thì gặp cảnh ngộ nào cũng tu được cả . Như nay ngươi đang ở đầy tớ cho người , nếu ngươi có chí muốn tu thì ta dạy một cách rất dễ dàng , miễn ngươi chí thành thì có hiệu nghiệm".

Trương Mân nghe nói rất mừng , liền quỳ xuống đảnh lễ mà thưa rằng : "Xin nhờ ơn thầy chỉ giáo dùm cho đề tử !".

Hòa thượng nói : "Ngươi cứ về tập ăn chay lần lần , trước ăn chay kỳ , sau sẽ ăn trường và giữ năm điều cấm cho tinh nghiêm , rồi cứ thường ngày niệm sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Mỗi khi niệm Phật phải chuyên tâm chú ý , đừng cho xao lãng lúc nào , thì cả đời ngươi sẽ được bình yên , mà đến lúc lâm chung lại được siêu sinh về Tịnh độ nữa".

Trương Mân nghe sư ông dạy bảo mấy điều thì hết sức vui mừng , bèn bái tạ thầy rồi về nhà cứ y theo lời dạy , thành tâm phát nguyện ăn chay trường và mỗi bửa thường niệm Phật .

Chàng lại đan một cái giỏ bằng tre để trước mặt , mỗi khi niệm Phật một biến , thì ngắt một cọng lác bỏ vào giỏ ấy , như lần một hột chuỗi bồ đề vậy .

Mỗi khi cọng lác đầy giỏ , chàng liền xách đến chùa bạch cùng Hòa thượng , rồi đem ra trước bàn Địa Tạng vái đốt , cứ chi tâm làm như vậy được mười năm .

Một bữa nọ , ông chủ của Trương Mân bị đau chứng ung thư phát thối , người nhà đi tìm rước đủ lương y cứu chữa , nhưng bệnh đã không thuyên giảm chút nào mà càng ngày lại càng nặng .

Một hôm , ông nằm chiêm bao thấy quỷ sứ đến bắt ông dẫn về nơi Minh phủ , bị vua Diêm La quảo trách và kể hết những tội ác của ông khi ở trên dương thế .

Ông phú hộ nghe Diêm chúa tỏ hết tội của mình , không sót một khoảng nào , thì liền sợ hãi , lạy lục và khóc lóc xin tha thứ cho về dương thế lo tu phước , hòng chuộc tội đã lỡ lầm .

Diêm chú thấy ông đã ăn năn tự hối và nghĩ đến Trương Mân mỗi khi niệm Phật có cầu nguyện cho ông , nên phán rằng : "Ngươi khi ở trên dương thế đã làm nhiều điều ác đức , cho vay đặt nợ một vốn năm bảy lời , lập mưu này bày kế nọ mà lo chứa tiền của cho nhiều , chẳng thương kẻ khó , lại làm nhiều sự ức hiếp cho người nghèo . Nếu chiếu theo luật Diêm đình mà phán xử , thì phải bỏ nhà người vào rừng kiếm non đao thì mới đáng . Nhưng vì ngươi có một đầy tớ tên là Trương Mân , rất trung tín không ai bì , thường bửa hay niệm Phật , lại có lòng cầu nguyện cho ngươi , nhờ vậy mà ngươi được giảm bớt tội . Nay ngươi nên đền ơn cho nó một ngàn nén bạc , để nó làm những điều từ thiện thì mới được tiêu tội và thêm phước cho ngươi !".

:rose6: :rose6: :rose6:

Nhím Hoàng Kim
05-13-2007, 08:26 AM
Ông phú hộ nghe vua Diêm la phán dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng , liền giật mình thức dậy . Ông bèn kêu tất cả vợ con đến và thuật lại điềm chiêm bao ấy thì cả nhà nghe nói đều lấy làm kỳ .

Ông bèn kêu Trương Mân nói rằng : "Con đến ở cùng ông đã lâu , không dè con có lòng chí thành , biết ăn chay niệm Phật đến nỗi cảm kích đến Diêm đình , lại thành tâm cầu nguyện cho cả nhà ông được thêm phước thọ . Nay ông còn sống trên dương thế cũng nhờ công đức của con , vậy ông cho con một ngàn nén bạc , tự ý con liệu việc gì làm có phước thiện , thì con lấy bạc ấy dùng !".

Trương Mân nói : "Thưa ông ! Con vì nghèo cực , đến ở mướn cùng ông , manh áo bát cơm cũng nhờ ông bảo dưỡng . Con có chút công đức thì đâu xứng đáng cái ơn ấy mà ông cho bạc nhiều như thế ! Con thưa thiệt cùng ông ! Cách nay 10 năm , con có đến chùa gặp ngài Hòa thượng thương con , dạy cách ăn chay niệm Phật , nên con thành tâm tu niệm lâu ngày và thường cầu nguyện cho ông được phước thọ tăng long , để đền đáp lại ơn cao dày trong muôn một . Đó cũng là bổn phận của con phải làm .

Nếu ngày nay ông vâng lời Diêm vương cho tiền bạc , thì con biết để làm gì . Cha mẹ đã mất , vợ con cũng không nên con không dám nhận . Vậy con xin thưa lại cho ông rõ điều này : Nguyên ngày trước , con vào chùa thường nghe Hòa thượng giảng về sự tu phước và nói rằng việc lập chùa , đúc tượng Phật , bố thí cho kẻ nghèo đói và bắc cầu đắp lộ cho người đi , thì được nhiều phước đức . Con nghe nói cũng muốn làm , nhưng ngặc vì không tiền , nên không thể đạt kỳ sở nguyện . Thôi ngày nay số tiền ông hứa cho con đó , xin để lại lập một cảnh chùa , còn dư bao nhiêu thì ông bố thí cho dân nghèo trong làng và làm một cái cầu bắc ngang sông này cho hành khách qua lại để khỏi bị cái họa đắm đuối , thì con rất vui lòng !".

Ông phú hộ nghe mấy lời của Trương Mân xin , bèn thỉnh Hòa thượng đến chứng minh cho ông phát nguyện ở giữa Phật đài , rồi cách ít lâu bệnh ông lành như cũ .

Khi vừa mạnh , ông liền kêu thợ đến cất một cảnh chùa gần bên nhà ông , để cho Trương Mân ở tu hành , còn dư tiền bao nhiêu thì đem ra bố thí cho kẻ nghèo và bắt cầu đắp lộ , y như lời của ông đã nguyện .


***

Xét như chuyện niệm Phật của Trương Mân cứu chủ đã nói trên đó , thì biết pháp môn Tịnh độ dễ tu và dễ đặng , lợi cho mình và lợi cho người , thật là một pháp đứng đầu trong Phật pháp .

Nói về phần dễ tu dễ chứng , chẳng những người thượng trí tu được mà thôi , lại hạng người ngu cũng tu được nữa - chẳng những người giàu sang tu được mà thôi , lại hạng người nghèo hèn cũng tu được nữa - chẳng những người thông thả tu được mà thôi , lại hạng người bận việc cũng tu được nữa - chẳng những nhiều người xuất gia tu được mà thôi , lại hang người tu tại gia cũng tu được nữa .

Nếu đã tu được thì chắc rõ cái hiệu quả "Hiện tiền phước thọ , một hậu vãng sinh" quyết không sai chạy một mảy , dẫu cho người nào mỗi bữa niệm Phật mà tán tâm hay vọng tưởng đi nữa thì đời sau cũng được hưởng sự an lạc nơi cõi nhân thiên , chớ không bao giờ bị đọa .

Còn nói về phần lợi mình và lợi người , thì chẳng mình tự tu tự độ lấy mình mà thôi , đến khi người biết thể theo cái bi nguyện của Phật , Bồ tát , mỗi bữa sau khi niệm Phật , nếu chú nguyện cho cha mẹ , ông bà , họ hàng quyến thuộc đang hiện tại hay đã quá vãng rồi , thì phần mấy người đó sẽ được nhờ cái ảnh hưởng ấy , nếu sống thì thêm phước thêm duyên , nếu chết rồi thì cũng đặng siêu sinh về Phật quốc , Thiên đường là khác .

Bởi vậy , cho nên Trương Mân niệm Phật mà người chủ được tha tội hoàn hồn , thì đủ biết cái thần lực diệu dụng của Phật pháp thật là vô lượng vô biên .

Vậy xin ai là người đã có lòng tín ngưỡng theo pháp môn Tịnh độ , không nên lấy chỗ chưa nghe chưa thấy của mình mà cho là hoang đường , rồi khinh thị hai chữ "Niệm Phật" thì uổng lắm .

:love3:

Nhím Hoàng Kim
05-15-2007, 09:47 PM
HIẾU THUẬN LÀ MẸ CÁI PHƯỚC HÒA BÌNH CỦA XÃ HỘI

(Trích diễn trong Tục Tạng Kinh)



"Hiếu vi bách hạnh chi tiên , vạn thiện chi bổn". Nghĩa là muôn lành trăm nết lấy hiếu làm đầu . Sách Phật , sách Nho cũng đều nói như vậy .

Từ xưa , vua như ông Đế Thuấn tạo nên đức nghiệp trùng ba , ông Hạ Võ lập thành công danh trị thủy , còn tôi như ông Dĩnh Khảo Thúc thức tỉnh lòng vua , vuông tròn con mẹ , ông Địch Nhân Kiệt văn hồi nghiệp chúa , phân biệt cháu cô . Hiệu quả của các ông ấy to tát biết mấy !

Song xét lại , nguyên nhân sở dĩ được hiệu quả to tác đó , là chẳng gốc cũng từ nơi chữ "Hiếu" sinh ra mới được như vậy .

Tức cha như ông Cô Tẩu thật đại ác , mà ông Thuấn nhờ hết lòng . Ông Cổn thật đại nghịch mà ông Võ chuộc được tội . Ông Khảo Thúc vì mẹ mà xin canh của vua . Ông Nhân Kiệt nhớ cha mà khóc mấy đầu núi .

Bởi mấy ông ấy có tính nết đại hiền như thế , nên đương thời một nhà vui vẻ , chín họ đề huề , ngoài thì bốn biển hoan nghinh , muôn dân ca tụng . Huống chẳng những vậy mà thôi , lại cảm tới trời đất quỷ thần là khác nữa , mây trinh năm vẻ , hoa trổ bốn mùa , non sông tỏ sắc hoan nghinh , mưa gió thuận chừng khí hậu , nhân dân mạnh khoẻ , tiền túc dinh cư , khoái lạc biết bao , hạnh phúc vô lượng .

Than ôi ! Đương cái cơ hội hiểm nguy , thời gian khẩn khốn ngày nay , phải chi mà ai ai cũng dẹp bỏ cái lý thuyết "tự do bội nghịch" mà đào tạo môn phong thiện mỹ , thì thành tựu được tính cách thuần lương .

Hễ một người xướng tất có mười người họa theo , mười người xướng tất có trăm người họa theo , cho đến đa sso người xướng lên , thì tất cả cũng có vô lượng đa số người họa theo cả . Nếu phần xướng đã đông , phần hoạ đã nhiều , ai nấy chắc cũng biết thương cha mẹ , thương tộc đảng , thương bà con , châu truyền nơi lối gia môn , kính thuận trong hàng quyến thuộc . Nếu cơ quan lương mỹ trong gia đình đã vậy , thì có lẽ nào lại chẳng do đó mà phát sinh ra các vấn đề bảo chưởng , vận động các tư tưởng hoàn hảo kia .

Nếu đã vận động các tư tưởng hoàn hảo kia thì có lẽ nào lại chẳng sinh lòng bác ái , rộng lượng từ bi , giúp nước giúp dân mở mang trí hóa .

Nếu đã mở mang trí hóa thì đoàn thể nào chẳng thành lập , vận hội nào chẳng phát vinh , quốc độ nào lại chẳng có vẻ trang nghiêm tốt đẹp , cảnh phái hoạt phong quang , người người no đủ , xứ xứ an lành . Vì vậy nên ngu giả nói hiếu thuận là mẹ cái phước hòa bình xã hội .

Xưa nay , lý trong thế gian hễ có cảm thì có ứng , thiện cảm thì ứng những phước tường , ác cảm thì ứng những tai ương . Một nhà cảm thì ứng tại một nhà , một nước cảm thì ứng tại một nước . Cảm đâu ứng đó , quyết định không sai . Lẽ ấy rành rành ở trước mắt con người , nhưng tại người không xét mà thành không biết đó thôi !

Nay ngu giả dẫn một tích cổ nhân thuật lại như dưới đây cho đạo lưu rõ , trước là giải phiền trong lúc khủng hoảng này và sau cũng được ích lợi cho thân gia một chút .

Hồi đời nhà Minh ở quận Linh Lăng , làng Phú Mỹ , có một bà góa , người thường kêu là bà Mã Ổn , gia tư thường thường vừa đủ ăn mặc , có hai người con trai tên là Mã Văn và Mã Võ , bà đều cho ăn học . Ma văn sáng tánh , mau thông , khi mười hai tuổi đã đặng danh nơi làng uyển , còn Mã Võ tính bề học chậm , lui về lo việc làm ăn .

Một bữa kai , bà Mã Ổn bảo con là Mã Văn rằng : "Con ơi ! Nay con đã lớn được mười bảy tuổi rồi , còn mẹ thì đã già yếu , vậy con hãy nghĩ học ít bữa , đặng ở nhà mà mẹ tính lo bề vợ cho con !"

Mã Văn nghe mẹ bảo vậy , bèn chấp tay quỳ gối khép nép mà thưa rằng : "Thưa mẹ ! Mẹ dạy thì con đâu dám cãi lời , song con nghĩ phần con có ba điều chưa nên cưới vợ .

Một là dâu hiền khó kiếm , duyên nợ biết đâu , nếu may gặp phải duyên lành chẳng nói gì , còn như chẳng may mà gặp phải chẳng lành , bất hiếu bất thuận , lỗi đạo trái nghì , thì con e chỉ thêm những điều phiền não cho mẹ chăng ?

Hai là ơn đức của mẹ chẳng khác trời cao đất rộng , thẳm thẳm vơi vơi , khi còn còn ở trong lòng thì mẹ mang nặng đẻ đau , khi ra khỏi lòng thì ẵm bồng , cho ăn cho bú , chịu nhơ chịu nhớp , cam cực đủ bề . Lại từ khi con lớn đến nay , phần lo cơm lo áo cho con ăn học , phần lo ơn thầy nghĩa bạn cho con , nỗi khổ của mẹ đã không biết bao nhiêu , thế mà nay lại còn tính bề gia thất cho con nữa .

Mẹ ơi ! Con xét bổn phận con hiếu thảo chưa đền , hổ thẹn đã không biết mấy , còn mẹ ngày thêm già yếu , con nỡ nào đề cho mẹ hao tổn tinh thần , chăm lo cho phần con như vậy .

Ba là con đã sinh là nam nhi , đứng làm phận râu mày , thì cũng phải lo làm sao cho được rạng danh đối với giang san , dệt hoa thêu gấm , dậy gió phun mưa , làm nước nhà được thái bình treo gương cho nhân quần , xã hội . Vậy mới khỏi phụ cái chí anh hùng , để lại danh thơm cho cha mẹ trong muôn thuở .

Đó là điều cần yếu thứ nhất , chớ như việc cưới vợ đâu có gấp gì , tưởng sau khi công thành danh toại rồi , cưới cũng không muộn chi , xin mẹ khoan lo vợ cho con đã !"

Bà Mã Ổn nghe nói nổi giận , đỏ mày trợn mắt , la quở om xòm , kêu Mã Văn nói rằng : "Văn ! Nay mẹ đã già rồi , mẹ biểu con chi con phải nghe theo , chớ nên cãi . Mẹ hỏi con nay mẹ đã gần đất xa trời , con và em con là thằng Võ , hai đứa đã to ầm lớn đại rồi , mà không lo cưới vợ cho con và em con , để về giúp công chuyện nhà thay tay đỡ việc cho mẹ . Chắc là con ưng để cho mẹ cứ giữ lo trong ngoài , giã gạo , xay lúa , lo xách nước , nấu cơm , quét nhà , hốt bếp hoài hay sao , hả Văn ? Còn đến khi mẹ đau ốm , ai giặt quần giặt áo , ai miếng mặn miếng lạt cho mẹ ? Chảng lẽ con ra làm đặng mấy chuyện đó , vậy có phải là con hại mẹ hay không , hỡi Văn ?"

:rose4:

Nhím Hoàng Kim
05-17-2007, 08:03 PM
Mã Văn nghe mẹ rầy , sợ , khóc kể , lạy cố mạng mà thưa rằng : "Lạy mẹ , xin mẹ bớt giận , để con thưa lại cho mẹ nghe . Trong ý con thấy nhà mình nghèo , tiền gạo không có , sợ mẹ lo hóa ra đau ốm , nên con thưa như vậy , chớ con đâu dám cãi mẹ . Xin mẹ tha lỗi cho con một phen , từ rày về sau , mẹ bảo sao thì con vâng theo vậy , chớ con không dám cãi nữa !"

Ma Văn thưa thốt một hồi lâu , nên bà mới hết giận , rồi liền bảo Mã Văn rằng : "Các thầy bói , thầy quẻ nói mẹ có số nhờ Phật , bảo mẹ thường niệm Quán Âm Bồ Tát sẽ được phò hộ , nên mẹ cứ niệm vái Phật Quán Thế Âm Bồ Tát hoài , cầu cho mẹ gặp con dâu hiền vừa ý ."

Quả nhiên hôm trước đây mẹ nằm chiêm bao thấy có một Bà hình dung nghiêm nghị , đầu đội hoa quang , mình mặc áo vàng , chân đứng trên bông sen , kêu mẹ mà dạy rằng : "Có một đứa con gái nay mười lăm tuổi , con nhà họ Đào , tên San Hô , ở làng Phước Khê cách đây mười hai dặm . Con ấy có duyên với đôi lứa với cháu Mã Văn , vậy con phải qua mau mà cưới nó".

Mới nghe tới đó thì mẹ liền giật mình thức dậy , mẹ biết chắc rằng Phật Quán Âm mách bảo cho mẹ .

Mẹ đã mượn mai dong qua làng Phước Khê hỏi thăm , thì quả có ĐÀo San Hô , phong tư yểu điệu , công hạnh vẹn toàn . Nhà ấy cũng lễ nghĩa , mẹ đã tương lễ cầu hôn rồi , định ngày mùng chín tháng này nạp lễ thân nghinh , nay còn cách đó năm này nữa thì tới rồi , con phải sửa soạn đặng đặng lo đi làm rể !"

Mã Văn nghe mẹ hối thúc liền đứng dậy lui ra , dọn sửa nhà cửa , sắp đặt các việc tử tế . Đến ngày mùng chín , chàng phụng sính nghi qua nhà họ Đào , điện thành thân , rồi rước thẳng về nhà yết kiến ông bà , sau ra mắt mẹ và tiếp làm lễ hiệp cẩn luôn trong ngày ấy .

ĐẸp đẽ thay ! Lạ lùng thay ! Trai tài gái sắc , trời đất khéo xây , cung quế non hồng , thần tiên cũng thế ! Từ khi hai bên hiệp mặt , đẹp phận xướng tùy , một chữ đồng tâm , thề cùng non nước .

Thiên hạ thấy vậy , ai chẳng tưởng rằng vợ chồng của Mã Văn trăm năm tơ tóc , gắn chặt keo sơn , dè đâu con tạo trớ trêu , chia loan rẽ phụng , hoan cuộc thành ra bi cuộc , thiện duyên đổi lại ác duyên , dâu biển đa đoan , khiến người bực tức , mà buồn bực cho cái cảnh huống sau đây .

Nhắc lại từ khi San Hô về làm dâu , trong một năm đầu , mẹ con hòa nhã , vợ chồng vui vầy , như cá nước duyên ưa , rồng mây hội hiệp . Đó là thuận cảnh phải rồi .

Kế đến năm sau , chẳng biết duyên cớ làm sao mà bà Mã Ổn khởi lòng ác cảm , ghét nàng dâu như ghét người thù , thấy nàng bận áo quần lành lẽ , thì mắng là đồ bán hình bán dạng , thấy nàng bận quần áo rách rưới , thì mắng là đồ mọi làm sự trêu người .

Cơm của nàng nấu , dầu chín bà cũng cho là sống , canh của nàng nêm , dù ngon bà cũng cho là dở , nhà cửa nàng quét , dầu sạch bà cũng cho là dơ , nín thì bà rầy là câm , nói thì bà cũng quở là lẳng , đi đứng cũng bắt lỗi , khóc cười cũng có tội , thậm chí thấy bóng hay nghe tiếng của nàng cũng ghét , không có một chuyện gì là không ghét .

Một năm mười hai tháng , một thánh ba mươi ngày , một ngày mười hai giờ , không có thời gian nào cho khỏi bà đánh bà chửi , bà rủa bà kêu bà réo : "Ba hồn chín vía , hồn khôn vía dại , hồn dài vía ngắn , San Hô hỡi , San Hô ơi !" Đó là phần mẹ chồng khắc bạc nàng dâu .

Còn chồng của nàng là Mã Văn , tuy không có lòng ghét nàng , nhưng thấy mẹ không thương , thì chàng cũng không dám tưởng đến .

Vợ chồng ở chung một nhà , mà vợ không dám ngó chồng , chồng không dám nhìn vợ , không khi nào dám ngồi chung một chiếu , giao ngôn một lời . Vậy mà bà những còn mắng nhiếc Mã Văn cưng vợ , một cũng bảo bỏ đi , hai cũng bảo bỏ đi , cứ hối Mã Văn viết tờ ly thân hoài .

Chàng không biết liệu làm sao , nếu thuận theo ý mẹ mà để nàng San Hô , thì nàng vẫn vô tội , lấy cớ gì mà để . Còn nếu chẳng đuổi nàng , thì trái ý mẹ , sợ mang tiếng bất hiếu .

Chàng nghĩ đi nghĩ lại , chẳng biết tính làm sao , bèn liều mạng lạy mẹ mà thưa rằng : "Thưa mẹ , con San Hô nó dại , nó ở không vừa ý mẹ , nên mẹ biểu con đuổi nó vẫn đành , song còn nghĩ nếu đuổi nó , thì mẹ lại lo cưới đứa khác cho con , thành ra mẹ khổ nữa , vì mẹ cứ lo hoài .

Huống chi cưới đứa khác mà rủi nó cũng dại như con San Hô nữa , thì mới tính làm sao ? Nếu đuổi nữa thì mang tiếng với đời , còn không đuổi thì cực lòng mẹ . Vậy xin mẹ lượng lại , chớ ý con muốn mẹ bỏ bỏ hắt nó đi , coi nó cũng như đứa đầy tớ , đừng tưởng nó là dâu là con chi nữa , để nó ở vòng ngoài , sai nó dọn dẹp chuyện này chuyện kia đặng cho mẹ thong thả cũng được . Vậy con không biết mẹ có bằng lòng hay không ?"

:nhim:

Nhím Hoàng Kim
05-18-2007, 03:37 PM
Bà nói : "Ờ , thằng này nó tiếc con vợ nó ! Nó cãi tao , nó không chịu để ! Văn mày có tiếc con vợ của mày thì mày giết tao đi , rồi mày sẽ ở với nó , mày thờ nó làm mẹ mày , nghe không Văn !"

Mã Văn nghe nói bấy nhiêu lời như búa đánh trên đầu , dao găm vào dạ , lập tức viết tờ ly dị để liền , rồi biểu nàng San Hô ký tên .

Thảm thay ! Nàng thật là một người nữ lưu đúng đắn , phụ đạo hoàn toàn , trong sự làm dâu của nàng gặp cái hoàn cảnh mẹ ghẻ chồng xa , nhưng nàng vẫn giữ phận làm dâu , không có chút gì hờn giận . Mẹ rầy nhà trên , thì nàng xuống nhà dưới , mẹ la trước cửa , thì nàng bước cửa sau , mỗi bữa gà gáy lo thức dậy trước , dâng nước thau , nước bát cho mẹ , sáng ra lo quét nhà , nấu cơm , chịu đủ trăm bề khổ cực , chiều theo ý mẹ chồng .

Phần thì lo chấp gai dệt bả , phần thì lo đơm ông quảy bả , phần thì lo phụng dưỡng mẹ già , phần thì lo sự chồng ăn học , thân gầy tợ hạc , xương ốm như mai , thế mà không biết vì sao mà mẹ nỡ không thương cho đành , làm cho nàng tủi phận liễu bồ , buồn duyên tơ tóc , đêm năm canh trằn trọc , lụy ứa thâm bâu , ngày sáu khắc ưu phiền , ruột đau từ đoạn .

Có một đôi khi , chị em gái thấy vậy tức tối mà bày cho nàng rằng : "Chị ơi , chị không nghe lời tục của người ta nói như vầy hay sao : Thương chồng phải lụy mụ già , gẫm tôi với mụ không bà con chi . Nay chị đã hết sức chiều lụy , vậy cũng đủ tỏ cái ý thương chồng rồi , mà người không biết thương , tay đánh miệng chửi , hành hạ quá tôi tớ như vậy , thì còn tình nghĩa gì mà chị không tính ra khỏi cửa thứ mười cho rồi , để một mai lâm cơn nguy hiểm thế nào , có phải là thiệt thân hay không".

Bạn gái của nàng bày như vậy mà nàng đáp lại rằng : "chị em ơi , con gái mười hai bến nước , gặp sao phải chịu vậy , trốn sao khỏi lưới trời ! Huống chi chỉ mẹ tôi mà không thương tôi là cũng tại tôi ngu dại , không biết phận làm con , ở không vừa lòng mẹ , đến nỗi mẹ mệt ý giận hờn , chồng xót cơn phiền não , tội tôi lớn không biết mấy , đâu dám trách mẹ và chồng tôi .

Đến như tôi hết lòng chiều luỵ theo mẹ và chồng , giữ đạo cang thường cho trọn bề hiếu thuận . Tôi nguyện làm sao tròn nghĩa vụ đối cùng trời đất quỷ thần , không một chút gì hổ thẹn thì tôi mới ưng . Vì dầu gặp cơn sấm sét , thịt nát xương tan , thì tôi cũng tưởng là vậy mới đủ chuộc cái lỗi dại dột của tôi , chớ dám đâu ngậm oán cưu hờn mà toan làm sự trái bề luân lý ! Nay chị em thương mà dạy làm như vậy , tôi cám ơn nhưng thiệt không dám vâng lời !"

Đoạn này nhắc lại , trong khi Mã Văn đuổi nàng San Hô , vừa ra khỏi cửa thì nàng sửng sốt như đứa mất hồn , chết xỉu một hồi rồi mới tỉnh lại , khóc và lạy như cần cối đạp , xin làm thân tôi tớ , hầu mẹ hầu chồng , trước là nhờ cái bóng trường tùng trăm thước che đậy tấm thân , sau nữa gởi tấm xương thịt mồ côi cho được mồ phần ấm cúng mà thôi , chớ không dám hy vọng những điều chi khác cả .

Thương hại thay cái tình cảnh ấy , cái thảm trạng ấy , dầu cho trời đất cũng phải động tâm , gan sắt dạ đồng cũng phải rơi lụy . Thế mà nàng khóc chi thì khóc , nói chi thì nói , bà Mã Ổn cũng nằng nặc quyết đuổi mà thôi .

Đến nước đó nàng không biết làm sao , bất dĩ phải cuối đầu bái biệt , lạy tạ mẹ chồng , ráng ôm cái gan ruột nát bầm , một bước một đau , lần hồi có hơn một giờ mới ra khỏi ngõ , thì bà hối Mã Văn đóng cửa liền , không cho trở lại .

Khi ấy nàng tự nghĩ rằng : "Bây giờ mình biết đi đâu đây , nếu về quê cha mẹ thì một là cha mẹ phiền lòng , hai là anh em khinh bạc , và ba là bất miễn ép gả lấy chồng khác .

Nếu lấy chồng thì thất tiết , sao gọi là liệt nữ trinh thê . Thôi thời chết cho rồi , chết tại đây là quê kiểng của chồng , chẳng hơn bỏ thây nơi xứ khác hay sao ? Lại huống chi tiện bề khuya sớm vãng lai , đem hồn vía mà bảo hộ cho mẹ và chồng mình , đặng mạnh giỏi là khác nữa".

:secret2:

Nhím Hoàng Kim
05-19-2007, 03:37 PM
Nàng nghĩ như vậy , rồi lấy cái dao nhỏ mà tự vận liền . Khi nàng tự vận rồi thì hồn của nàng đương phiêu phiêu lạc lạc , chợt đâu thấy có một Bà đứng trên mây , sen vàng đỡ gót , lọng bào che đầu , tư cách yêu kiều dường như Tiên phi Thánh nữ , bèn kêu nàng mà bảo rằng : "San Hô con ơi , con vội gì mà hủy thân như vậy , bởi con không biết cái nợ nần túc thế của con , nên để Bà thuật lại cho con nghe .

Nguyên kiếp trước , con làm một người danh sĩ , tên là Phan Đức Tuấn , phong lưu sung sướng đủ bề , có kết duyên cùng một gái thanh xuân tên là Kiều Phi Nga , hẹn non thề nước , tính đã năm năm , sau con bị lãng chơi theo miền tuyết nguyệt phong ba , mà quên phứt cái lời giao ước ngày xưa , đành để cho hoa sầu trăng tủi , đã hẹn lâu mới đặng đoàn viên như cũ , mà chung hưởng cái phước tồn vinh . Đó là một kiếp .

Còn một kiếp nữa thân con là gái , tên là Phạm Ngọc Hà , cũng hơn trai tài gái sắc , cũng đủ sức giàu sang , nô bộc tuy đông mà chỉ có một con nữ tỳ là ruột và yêu mến . Vì con ấy đã khôn lại giỏi , nên chi thương nó có phần hơn hết , thầy trò tương đắc được hơn một mùa thu , phúc đâu con tớ ấy bị đau hơn nửa năm , mê man tràn tịch , hơi hám thúi hôi , nàng Ngọc Hà khởi lòng bất lương , đã gớm lại ghét , đuổi quyết một bề . Con tớ ấy lạy khóc thế nào cũng không nuôi nữa . Đến sau , con tớ ấy may được lành mạnh , trở lại xin ở với Ngọc Hà , thì Ngọc Hà mới thương lại như cũ .

Con ơi , cái nhân duyên ấy con có nhớ được hay không ?

Trước kia Bà nói một gái thanh xuân Kiều Phị Nga đó tức là Mã Văn , chồng của con ngày nay , và đứa tớ gái đau mà bị đuổi đó tức là mẹ chồng của con ngày nay . Còn Phan Đức Tuấn và Phạm Ngọc Hà tức là ngày nay thân của con đó . Bởi kiếp xa xưa con có nợ nần như vậy , nên kiếp này con phải chịu đền bù .

Con ơi , đó là túc trái tiền khiên của con , nhưng nay con trả cũng gần xong rồi , huống chi cái lòng hiếu thuận của con cảm tới Trời Phật quỷ thần , thế nào sau này chắc cũng có ngày tái hiệp , mẹ con hòa thuận , chồng vợ sum vầy , cái vẻ lạc quan còn hơn trước nhiều nữa .

Thôi , bây giờ Bà cho con hườn hồn nhập xác , kiếm chỗ mà thuê thân , để chờ ngày bỉ cực thới lai , rồi bà sẽ giúp gió giùm duyên cho con nữa".

Khi nàng nghe mấy lời thì nàng biết là Đức Phật mách bảo , bèn cất đầu ngửa mặt lên khoảng hư không bái tạ , mà thưa rằng : "Bẩm Bà ! Như cái thân con ngày nay linh đinh cô khổ , biết đâu mà gởi gió bèo mây , vậy xin Bà mở lượng từ bi , chì giùm chỗ thuê thác cho con , thì con mới biết đường tấn thối , khỏi sa sụp vào chốn hiểm nguy . Nếu Bà chẳng chỉ thì thôi , xin đừng hoàn hồn cho con làm chi mà khổ cái thân con nữa tội nghiệp !"

Nàng thưa như vậy rồi , liền nghe lời đáp lại rằng : "Con ơi ! Chồng của con có một người dì tên là Châu Thị , ở làng Cẩm Xuyên , cách đây ước chừng tám dặm ngoài . Bà ấy vẫn là người hiền , con nên đến đó mà nương náu cho qua ngày , đợi trong một vài năm sẽ có cơ hội . Còn nhà mẹ chồng của con rồi đây sẽ gặp một nợ oan gia làm hại rất nguy hiểm . Thôi con mau tỉnh lại đi !"

Lời dặn của Đức Phật vừa dứt thì nàng lần lần tỉnh lại , ngồi dậy định thần một đỗi mới biết là mình hoàn hồn . Nàng thấy máu vấy cùng mình , lấy tay rờ vào chỗ tự vận nơi yết hầu thì đã lành như cũ , bèn như lời dặn trong lúc ly hồn , hỏi thăm làng Cẩm Xuyên lần dời bước .

Vả chăng cái nẻo lộ Cẩm xuyên tuy gần , song vì suối rừng cách trở , nhiều chặng gay go , còn nàng phần đói , phần thì rầu , nhớ mẹ thương chồng , đau lòng ly biệt , tinh thần bải hoải , xương thịt rã rời , muốn đi mà không đi nổi , muốn nghỉ mà nghỉ không nơi . Đường tối quanh co , tiếng hùm vang dậy , chồi sương lợt đợt , bóng nguyệt mơ màng , canh khuya thân gái một mình , chân dò đá , tay vịn cây , lần mò trong hố thẳm rừng sâu , không biết là bao nhiêu gian nan thống khổ . Nàng đi từ xế bữa trước đến chiều ngày sau , mới tời nhà người dì chồng là bà Châu Thị . Khi nàng bước vào cửa thì bà quên , bèn hỏi nàng ở đâu tới có việc gì .

Nàng thưa rằng : "Con tên là San Hô , vợ của Mã Văn và dâu của bà Mã Ổn".

Bà Châu Thị liền nói : "Ờ , con tên là San Hô , vợ của cháu Mã Văn . Vậy dì tưởng ai đâu lạ chớ . Tại sao con nay ốm lắm vậy . Chớ con qua đây có việc gì không mà đi coi khổ cực lắm thế !"

Nàng bèn quỳ xuống lạy bà Châu Thị mà thưa trần rằng : "Thưa dì ! Hôm nay con phải bước lưu ly như thế này là tự tại tánh nết bình sinh của con vụng về dại dột , đã kém nghĩ hiếu nghĩa và lại thiếu hạnh tảo tần , vì vậy cho nên mẹ và chồng của con phải y theo trong "lễ bảy điều xuất" mà đuổi con .

Dì ôi ! Như thân con ngày nay bị đuổi đã đành rồi , con đâu dám than trời trách đất , nhưng ngặt vì tông tích của con chẳng còn một người nào , không khác như bèo trên mặt biển , trôi nổi dòng sông , minh minh trời rộng đất dài , nhà cửa và xứ sở cxung không , chẳng biết nương dựa vào đâu đặng tạm gởi cái thân tấc bóng phù du trong một lúc .

Bởi vậy nên con bất đắc dĩ phải trèo non lội nước qua đến đây , lạy dì xin cho tá túc một đôi năm , sống thác cũng nhờ dì , dẫu kết cỏ ngậm vành , con cũng nguyền báo đáp ơn của dì che chở cho . Nhưng không biết dì có bằng lòng dung nạp được hay không ?"

:call:

Nhím Hoàng Kim
05-25-2007, 06:18 PM
Bà Châu Thị nghe rồi bèn nói rằng : "Con ơi ! Cơ sự đó dì nghe qua thì đủ biết mẹ chồng của con tâm tánh không được từ hòa , dầu cho con có khôn giỏi cách nào , chắc cũng không ở được . Thôi , con đừng sợ , cứ an tâm ở đây với dì , không sao mà ngại".

Từ lúc nàng San Hô ở yên tại nhà bà Châu Thị , làm thuê làm mướn , ăn bữa đói bữa no , may thay bà Châu Thị thương nàng cũng như con ruột , trót hai năm trường không có tiếng gì quở trách đến nàng cả .

Đọa này nói qua chuyện bà Mã Ổn , từ khi đuổi nàng San Hô đi rồi , liền sắm lễ vật đi cưới vợ cho Mã Võ là em của Mã Văn .

Nguyên vợ của Mã Võ là con nhà họ Lâm tên là Túy Hoa , ở làng Đông Hồ , hình dung xấu xa , đã mập lại lùn , đã rỗ lại đen , bộ tịch dị kỳ như con quỷ dạ xoa , gia đình tánh tình hung ác , ngỗ nghịch không biết nể ai .

Từ ngày về làm dâu bà Mã Ổn , trong một vài tháng đầu thì còn khá , qua đến mấy tháng sau thì nàng đã tỏ lần cái thủ đoạn cao cường của nàng ra , muốn đánh chồng chừng nào thì đánh , muốn mắng mẹ hồi nào thì mắng , vui thì cho ăn chơi , buồn thì nàng tự ăn một mình , không cho ai ăn hết . Nhiều khi bà bà Mã Ổn và Mã Văn , Mã Võ cứ bị nàng bỏ đói hoài .

Lại thường nàng để cho mẹ chồng hay là anh chồng nấu cơm , quét nhà , xay lúa , giã gạo , làm đủ mọi sự nhọc nhằn . Còn nàng thì ăn chơi , nhỏng nhẻo , nằm xuống nằm lên , không làm việc chi hết , mà hễ có ai nói động tới nàng một tiếng thì nàng đã xách dao đòi giết hết cả nhà , kêu chồng nàng bằng thằng nọ thằng kia , kêu mẹ bằng con nọ con kia , ngang ngược phi thường , ví như ai dựng đầu xuống đất chổng cẳng lên trời tàn bạo thế nào cũng phải hỏi thăm Túy Hoa mà học thêm cái dữ của nó một chút nữa mới đúng .

Thương hại cho bà Mã Ổn ! Không biết cái oai phong của bà khi trước đối với nàng San Hô oanh oanh liệt liệt đó mà nay cất vào chỗ nào , không thấy đem ra đối với con Túy Hoa , thi hành lấy một chút xíu gì thử coi , để đến nỗi bầm đầu trít tai mà lòn cuối dưới cái quyền la chửi của nó .

Thảm thay Quần áo rách lang thang mà không có tấm giẻ vá , nước miếng nhiễu lợt đợt mà không có một vật ăn !

Mẹ con cứ lén nói trộm khóc thầm , cấp kỳ nghe nó tằng hắng hay là ho , thì đã lật đật lau chùi nước mắt , ngậm miệng nín khe , lo ra mà giữ làm công chuyện , cũng nước thau nước bát , cũng giặt áo giặt quần , nó sai việc gì cũng phải tuân theo , chớ không dám trái lệnh .

Than ôi ! Sự đời hễ có vai thì có trả , quả báo rõ ràng như vậy , thiệt nên gớm ghê !

Đoạn này nhắc lại nàng San Hô , từ khi qua ở nơi nhà bà Châu Thị , may thuê dệt mướn , ăn nhín nhịn thèm , góp góp có dư được đồng nào , thì mua thịt cá hay là bánh trái chi đó , cậy bà Châu Thị gởi giùm cho mẹ chồng , mỗi tháng có ít cũng vài ba lần , mà mỗi một lần gởi thì thì nàng thưa với bà Châu Thị rằng : "Nếu mẹ con có hỏi , thì xin dì dặn người đem đồ ăn đó nói của dâu dì gởi cho , chớ đừng nói của con , sợ mẹ con giận mà không ăn".

Bà Mã Ổn bị cái nạn con Túy Hoa khắc bạc làm cho thèm khác lâu ngày , nên mỗi lần được ăn đồ ăn bên người chik đem qua , thì vừa mừng vừa khóc , mẹ con bưng giấu , chờ tới đêm khuya mới dám ăn , vì sợ nó thấy nó đánh . Bởi vậy nên ba mẹ con hằng ngày cứ khen trộm dâu của bà Châu Thị ở thiệt có đức , và lại cám ơn hoài hoài .

Có một bửa Mã Văn qua làng Cẩm Xuyên mà thăm dì và mượn ít tiền về hộ thân , không ngờ đến đó , dì cháu trò chuyện và cớm nước xong rồi , thì Mã Văn thưa về . Mới vừa bước ra khỏi cửa thì nàng San Hô đón lại , ôm chàng ngang bụng , khóc tấm tức tấm tưởi mà hỏi rằng : "Em tội gì , mà mẹ đuổi xua , mình đành khiến cho em lưu ly thất sở như vầy , xin mình tỏ thiệt một lời cho em biết !"

:heart5: :heart5: :heart5:

Nhím Hoàng Kim
06-02-2007, 04:16 PM
Mã Văn nghẹn miệng không ngỏ ra lời , túng nước phải xô mạnh nàng ra , rồi chạy tuốt một hơi về đến nhà , nhưng cũng giấu luôn , chớ không dám hở môi cho mẹ biết .

Kể từ ngày nhà họ Mã gặp tai áp chế đến nay gần được hai năm , bất ngờ bà Mã Ổn lâm bệnh , bà Châu Thị hay tin qua thăm .

Trong lúc chuyện trò , bà Châu Thị hỏi rằng : "Dì mới đau mà tại ốm hung như vậy ?"

Bà Mã Ổn thút thít một hồi , rồi nói nhỏ rằng : "Hai năm nay em đói quá chị ơi !"

Bà Châu Thị nghe nói như vậy lấy làm lạ , bèn hỏi rằng : "Sao dì lại đến nỗi đó ?"

Bà Mã Ổn lấy tay khoát khoát , rồi chỉ xuống nhà dưới mà không dám nói cả .

Bà Châu Thị lại hỏi nữa rằng : "Vậy chớ con vợ của thằng Văn đi đâu , không nuôi dì để cho dì khổ như thế ?"

- Con San Hô đã bị đuổi từ hồi năm kia rồi , còn ở đây đâu nữa mà hỏi !

- Tôi nghe con San Hô đã giỏi mà lại có tài đức , sao dì để nó đi ?

- Tại duyên vợ chồng nó trắc trở làm sao tôi đâu có biết ! Chị thiệt có phước , gặp được dâu quý báu quá , con San Hô làm sao bì kịp !

- Sao dì biết con dâu của tôi quý báu ?

- Từ năm ngoái đến năm nay , nó cứ gởi đồ ăn cho tôi hoài . Chị nghĩ thử coi , tôi đây mà nó còn thương tưởng như vậy , huống chi chị là mẹ nó , thì nó nuôi kỹ đến bực nào ! Phải chi tôi kiếm đặng một con dâu như nó thì dầu sống thác tôi cũng vui lòng .

- Dì đã coi được đứa nào nữa mà cưới cho thằng Văn chưa ?

- Chưa ! Vậy chị có biết nơi nào chỉ dùm cho cháu .

- Tôi có một đứa cháu nếu dì ưng cưới cho thằng Văn thì tôi gả cho .

- Con ai vậy chị ?

- Con nhà họ Đào tên là San Hô !

- Ủa sao lại trùng tên họ với con dâu trước của tôi !

- Ừ ! Con trước con sau cũng là một tên San Hô , chớ ai vô đó mà không trùng !

- Ủa , vậy chẳng là con San Hô lâu nay nó ở bên chị hay sao ?

- Nếu nó không ở bên tôi thì ai gởi đồ ăn cho dì mầy đó !

- Ủa , sao chị nói dâu chị gởi cho !

- Dâu của tôi nó làm đâu ăn đó , chưa đủ trút miệng mo , có đâu cho bò dài ! Dì khéo lầm !

- Vậy chớ tiền ở đâu mà con San Hô mua đồ ăn cho tôi như vậy , hỡi chị ?

- Tiền của nó dệt thêu may mướn , chớ tiền ở đâu ! Dì thiệt lù mù quá , không biết chi hết , tôi coi thiên hạ không có con dâu nào mà chí hiếu như con San Hô vậy ! Thế thường dâu con người ta gặp cái cảnh mẹ chồng khắc bạc như dì , thì nó bỏ ra đi , phải đợi dì đuổi , nhưng gan dạ của con San Hô không phải như vậy ! Hết nghĩa thờ chồng , hết lòng thương mẹ , khi dì đuổi nó thì nó ra khỏi ngõ , nó tự vận liền .

May nhờ có Đức Quán Âm Bồ Tát cứu hoàn hồn cho nó sống lại , nó không biết làm sao , nên nó phải qua bên tôi xin ở nhờ , ngày thì làm thuê làm mướn , tối lại chấp bả chấp gai , kiếm được đồng tiền nào , thì cột vào trong lưng mà giữ cắt ca cắt củm , không dám tiêu xài tới , mỗi ngày chỉ ăn hai bữa cháo lỏng và một dĩa rau đồng mà thôi . Nó liệu chừng dư đặng khá khá , thì nó mua sắm đồ ăn , mượn tôi gởi qua cho dì . Vậy mà nó còn sợ dì ghét nó mà không ăn , nên nó dặn nói trớ rằng dâu của tôi gởi cho dì đó .

Từ khi nó nghe được tin con vợ của thằng Võ ngược đãi mẹ con dì thì nó khóc lên khóc xuống , kêu đất kêu trời , ăn không ngon , ngủ không yên , vàng vọt xanh xao , ai thấy cũng héo ruột héo gan . Tội nghiệp không biết bao nhiêu mà nói .

Thiệt không ai như dì , được một con dâu quý hóa như vậy mà không biết thương tưởng , lại còn để bỏ là khác nữa . Dì ăn ở độc ác quá chừng nên nay phải bị hành trả quả . Vậy dì đừng có than trách làm chi mà người ta thêm ghét .


:frown4: :frown4: :frown4:

Nhím Hoàng Kim
06-04-2007, 08:49 PM
Bà Mã Ổn nghe đủ đầu đuôi , bèn khóc òa một đỗi , rồi than rằng : "Trời ơi ! Bấy lâu tôi tưởng con San Hô đã cải giá tha phu rồi , ai dè nó qua ở bên chị lo làm ăn và nuôi mẹ con tôi . Vậy thì mẹ con tôi đều ở trong cái lượng của nó bao dung , mà không tự biết là trời cao biển rộng . Thiệt tôi phụ cái lòng của dâu tôi không biết bao nhiêu !

Khi nó còn ở với tôi , thì chẳng biết ma quỷ ám tôi mà bắt tôi điên khùng ngu dại , khiến cho tôi không biết cái giỏi và cái khôn của nó như vậy .

Từ khi nó đi rồi thì tôi vừa kế gặp cơn gia biến hiểm nghèo , "tự thử chí tư" , tôi cũng có ăn năn , tôi nghĩ lại thương nó , song vì công chuyện đã lỡ lâu rồi , không biết tính làm sao cho đặng .

Bữa nay tôi nghe chị nói mới rõ được sự tình rằng tại tôi bỏ nó chớ nào phải nó bỏ tôi .

Chị ơi ! Bây giờ phải liệu làm sao cho nó hết giận , mà đem nó trở về , hả chị ?"

- Nó đâu có giận , tôi đã nói nó là một con dâu hiếu nghĩa thứ nhất , tại dì mày không nói tới nó , chớ dì mày kêu thì nó về liền . Nó có phải làm bộ núng nẩy để cầu kiểu cách như mấy con dâu của người ta đâu mà dì mày sợ !

- Bây giờ tôi đau , trong mình yếu lắm , đi không nổi . Vậy tôi bảo thằng Văn qua nhà chị mà đem nó về , chừng đó đặng không hả chị !

- Tôi chắc đặng liền ! Nhưng tôi xin dì mày đừng có khắc bạc nó nữa mà ông Trời sẽ hành mạt kiếp , chớ chẳng chơi đâu ! Thôi ! Thôi đi về ! Vậy sẵn dịp dì mày biểu thằng Văn đi theo tôi luôn thể , đặng hai vợ chồng nó giáp mặt với nhau mà phân trần giây lát , luôn dịp rước về , kẻo tối".

Bà Mã Ổn nghe bà Châu Thị nói như vậy , lập tức sai Mã Văn theo chân đi liền .

Khi qua tới nơi , thì vợ chồng gặp nhau , mừng tủi , nhiều nỗi bi hoan , tình tự một hồi rồi dắt nhau ra lạy bà Châu Thị đèn ơn và từ tạ ra về . Khi hai vợ chồng về đến gần nhà thì thấy bà Mã Ổn đã ra đứng giữa đường đón rước . Nàng San Hô thấy mẹ , liền khóc tấm tức tấm tưởi , cúi đầu lạy ba lạy , rồi đứng dậy lấy tay vuốt ve nơi mình mẹ , mà hỏi đau làm sao đến nỗi ốm gầy như thế !

Bà Mã Ổn phần thì mừng dâu , phần thì nghe hỏi mấy lời , liền động tới cái mối khổ tâm khổ cảnh , cũng khóc òa lên và vuốt ngực nàng mà an ủi rằng : "Mẹ vuốt hờn của con , mẹ đã biết lỗi của mẹ , nếu con thương mẹ , đừng cố chấp mẹ . Con ơi ! Gia đình của mẹ ngày nay bối rối lắm con ! Để con về rồi con sẽ biết , bây giờ mẹ có nói cũng không hết chuyện . Thôi đi về ở với mẹ đi con !"

Đoạn này nói đến con Túy Hoa trong khi nó thấy bà Châu Thị qua thăm bà Mã Ổn là mẹ chồng nó , làm tốn nước tốn cơm , thì ý nó đã ghét rồi , lại thấy bà Châu với bà Mã cứ xầm xì to nhỏ ới nhau , mà nó rình nghe không được , nên nó càng ghét thêm nữa .

Khi nó thấy nàng San Hô về , thì nó mới định chắc là hai bà mưu toan về sự ấy , nên nó liền phừng gan đỏ mặt , đổ dữ hành hung , xỉ trong mặt nàng San Hô mà mắng rằng : "Mày là con bị chồng đuổi , mà còn mang mặt nào tới đây làm chi nữa ! Nếu mày muốn ở đầy tớ , ăn nhờ cơm thừa canh cặn , thì mày phải lạy tao đây , đặng tao nuôi cho , chớ sao mày cứ làm thinh mà mày chui đầu vô là mày ở với ai ? Nhà này là nhà của tao , mày không thưa với tao , phải đi ra khỏi nhà này cho mau , đừng ở đó mà chết ..."


:love3:

Nhím Hoàng Kim
07-11-2007, 06:23 PM
Nàng San Hô thấy con Túy Hoa rất hung dữ , tính bề không xuôi , xử biến tùng quyền , bất đắc dĩ nàng phải dùng lời lẽ êm dịu thưa với nó mà xin ở , nó sai làm gì thì nàng cứ làm như ấy , chớ không dám cãi lẫy , miễn cho trong nhà được an ổn , khỏi sự kình địch mà thôi .

Cách nửa tháng , con Túy Hoa bảo cất nhà riêng cho nó ở , rồi bà Mã Ổn có được bao nhiêu tiền gạo thì đến trút đem về nhà nó hết .

Nàng San Hô thấy vậy , bèn khuyên lơn bà Mã Ổn rằng : "Thưa mẹ ! Của ở nơi Trời , xin mẹ đừng buồn làm chi , tùy ý thím lấy chi thì lấy , để con làm mà nuôi mẹ và chồng con , thế nào con không để mẹ đói rách đâu mà sợ !"

Bà Mã Ổn nghe nàng khuyên lơn như vậy bớt buồn , rồi mẹ con hủ hỉ lây lất qua ngày , lần hồi khí sắc trong nhà dường như đã có màu vui vẻ trở lại . Tuy tiền gạo kém thiếu , mà nhờ nàng San Hô có nghề nghiệp , mượn vốn làm ăn , mua bông kéo vải , nuôi heo để tằm , mỗi ngày ăn uống tiêu xài rồi , cũng còn dư lại được chút ít .

Cho hay hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân ! Xưa nay những người hiền lành , Trời nào có phụ ! Lời thế tục lại thường nói : "Có đức không sức mà ăn".

Như nàng San Hô nghèo vẫn thiệt nghèo , song vì cái lòng hiếu nghĩa giữ vẹn thủy chung , nên giá trị của nàng mỗi lúc mỗi cao , thời vận của nàng càng ngày càng phát , cái hạnh phúc ấy nào có phải tại nàng hy vọng mà được đâu ! Chẳng qua tích thiện phùng thiện , làm lành gặp lành , cái gương nhân quả treo giữa nhân quần , từ xưa đến nay ai ai lại chẳng thấy !

Nguyên lai lịch của nhà họ Mã , gốc là một nhà giàu xưa , tuy gia thế tiêu điều mà vườn tược mà vườn tược cũng còn rộng rãi như cũ .

Một bữa nọ , nàng San Hô thấy trong vườn cỏ cây mọc loạn , sầm uất um tùm , không có chỗ trồng được rau mà ăn . Nàng bèn ra tay cuốc giẫy , không ngờ nàng phát dọn nơi góc vườn , thấy có một đống đá , nàng bèn ráng sức bưng dẹp nơi khác , lại thấy lớp dưới lục cục , tinh là vàng ròng . Nàng lật đật chay vô nhà cho mẹ chồng hay và cũng qua nhà con Túy Hoa mà cho vợ chồng nó biết nữa , rồi rủ hết ra coi .

Con Túy Hoa nghe nói , hối chồng xách thúng chạy theo , ra tới góc vườn quả thấy vàng khối thiệt nhiều . Hai vợ chồng có ý tham , cứ lựa mấy cục to mà lượm cố , còn nàng San Hô thì chậm rãi lượm sau .

Ngờ đâu "Thiên bất dung gian", trời không dung chứa kẻ gian , nàng Túy Hoa hối bưng những cục vàng ấy về , rồi đem tới mấy nhà giàu mà bán . Khi họ kêu thợ vàng đến thử , mới biết cục nào cũng là thau , nên cáo giác tới quan làm án dạy giam cả hai vợ chồng , bị cầm ngục hành hạ khổ sở gần chết .

Nàng San Hô thấy em bị nạn thì khóc lóc buồn rầu , năn nỉ với mẹ và chồng , xin tìm phương giải cứu .

Bà Mã Ổn không chịu và nói rằng : "Cái quân đó cũng nên để nó chết cho rồi , con muốn cứu nó về đặng cho nó chửi mẹ mắng con nữa hay sao ?"

Nàng năn nỉ nhiều phen mà thấy mẹ không chịu , buồn rầu và phát đau , làm cho bà Mã Ổn có ý sợ .

Mã Văn thừa dịp mẹ sợ , mới thưa rằng : "Vợ chồng con Túy Hoa dại thì vẫn dại rồi , song về cái đạo gia đình , thì nó là con của mẹ và em của con . Thiên hạ người ta thường nói : Chém nhau bằng sống , chứ không ai chém nhau bằng lưỡi .

Nếu nay vợ chồng nó bị tù tội mà không cứu nó , thì mẹ đã chém chữ "Từ" nghĩa là "Lành", còn con lại mất chữ "Bi" nghĩa là "Thương", e có khi mang tiếng lắm chăng ! Huống cho con San Hô là một đứa quá thương em , sợ nó rầu nó chết , nên con xin mẹ nghĩ lại".

Mã Văn khuyên giải nhiều phen , bà mới chịu đi cứu . Nàng nghe mẹ hứa lời , thì mừng quá hết đau , liền dậy mà bàn tính với mẹ , xin đem vàng đi bán lấy tiền về chuộc tội cho em .

Nhím Hoàng Kim
07-22-2007, 03:06 PM
May thay cho hai vợ chồng con Túy Hoa ! Tội vẫn nặng mà phước vẫn lớn , một là nhờ có nàng San Hô lo liệu , hai là nhờ bán vàng có số tiền nhiều và ba là nhờ Mã Văn học giỏi có tiếng , nên quan có lòng thương , thành thử công việc chuộc tội cho vợ chồng con Túy Hoa có phần dễ dàng hơn kẻ khác .

Đoạn này nói tới chuyện Túy Hoa , từ khi trải bao phen thất bại , một là đi tới đâu ai thấy cũng ghét , hai là vàng trở thành thau , ba là bị tội ở khám , đêm ngày suy xét , hổ thẹn trăm bề , mới tự tỉnh ngộ mà ăn năn cái lỗi của mình tạo ác .

Đã vậy mà nàng San Hô đức lớn lượng rộng , chẳng những không giận không ghét mình mà thôi , lại nghĩ đến tình chị em thương và cứu ra khỏi tù tội nữa , nên nàng ăn năn sám hối , mỗi ngày thăm viếng , thảo mẹ thờ chồng , thương anh kính chị , trở về ở chung lại với mẹ một nhà như cũ , thay tay đỡ việc cho mẹ và chị , hết thảy chuyện nhà nàng không để cho bà Mã Ổn và nàng San Hô nhọc lòng lo liệu như trước nữa .

Nàng lại hằng ngày lạy Phật Trời , lạy mẹ , chồng , lạy anh chị , năn nỉ ỉ ôi , xin sám hối lỗi xưa và đoái thương chút phận ngu si , lệ nhỏ như mưa , lời mềm tựa bún . Đó là sự đối đãi của nàng Túy Hoa ở với gia đình sau khi đền tội ác đã làm .

Từ khi nàng Túy Hoa hồi tâm cải hóa vừa đặng nửa năm thì bà Mã Ổn lâm bịnh rồi chết . Khi ấy vợ chồng Mã Văn và Mã Võ chung lo phần mai táng cho mẹ long trọng .

Nhưng đó cũng là việc thường sự chẳng nói chi , chỉ đau đớn thay cho phần nàng Túy Hoa , đập mình đập mẩy , lăn nhào vô bên quan tài kêu mẹ hỡi mẹ ơi , khóc kể một cách rất thê thảm .

Nàng lại kêu Trời vang xiết rằng : "Trời ơi ! Ghét bỏ chi tôi , không để cho mẹ tôi sống được trăm tuổi , đặng tôi nuôi tôi dưỡng , tôi đền ơn trả thảo cho mẹ , và tôi chuộc cái tội ngỗ nghịch bất hiếu của tôi ngày xưa".

Nàng khóc kể như rất bi thảm luôn ngày đêm , bỏ uống ăn , kẻ thấy người nghe , ai nấy cũng động lòng rơi lệ .

Nhím Hoàng Kim
07-29-2007, 09:52 AM
Than ôi ! Người đời ai lại không lỗi lầm , song có lỗi mà biết ăn năn sám hối như nàng Túy Hoa tưởng cũng ít có vậy , đã đáng thương đáng trọng chưa ! Đủ làm gương cho trang son phấn , nữ lưu soi đó mà sửa tánh nết lại chưa ! Thay tánh đổi tình , trước dại sau khôn , ai là phường phong nhã tài tình cũng nên tặng cho nàng một bài ca tụng mới phải !

Đọa này nói đến công danh phú quý , gia đình phát đạt của chàng Mã Văn . Từ khi mẹ tạ thế , ba năm tang tóc xong rồi , vừa gặp hội thi , bèn ứng tuyển thì đỗ đặng Cử nhân .

Kế năm sau thi Hội , chàng lại đỗ Bảng nhãn , làm quan tới ngôi Thượng trụ Quốc công , quyền cao chức cả , chung đỉnh nghinh ngang , đem chữ "Hiếu" làm chữ "Trung", trợ nước giúp dân , triều đình ai ai cũng đều khen ngợi .

Trên đó là nói phần của Mã Văn tại ngoại vinh quang , còn nàng San Hô ở nhà bán vàng lập nghiệp , ruộng thì cò bay thẳng cánh , nhà thì tòa rộng dãy dài , lầu các nghinh ngang , nô tỳ đông đủ , lại sinh được một trai một gái thông minh tuấn tú , trai thì giống cha , gái thì giống mẹ như rập khuôn .

Còn sự cư xử của nàng , trong thì thương bà con , cho đến tất cả những người nô bộc , ngoài thì giúp đỡ làng , thương dân thương nước , cho đến tất cả những kẻ đói nghèo , giúp tiền gạo , áo quần , thương người khác thể như thương thân .

Tuy là nàng đã thọ phong tới bực Nhất phẩm phu nhân , mà không khi nào làm điệu nhà giàu sang , ra oai bà lớn , mở miệng áp chế ai một lời , mềm mại ôn tồn , cách ăn ở xưa sao , nay vậy .

Vì thế nên quan yêu dân chuộng cả vợ lẫn chồng , đến noiix em là Mã Võ , kém đức tài thua mà cũng được thọ điều vinh hiển .

Tuy người xưa thường nói : "Tùy phong chi vật , phi võ tề cao", nghĩa là vật vì nương theo gió , được bay lượn cũng đều cao , là phải .

Từ Mã Văn công thành danh đạt , rồi Mã Võ nhờ nương theo thế lực của anh mà thi trúng Võ Cử , làm quan tới bực Ngự Tiền Thống chế tướng quân . Còn nàng Túy Hoa cũng thọ phong tới ngôi Tam phẩm phu nhân , sinh được một trai , dung nhan tốt đẹp như con của Mã Văn .

Sau con của hai n hà ấy công danh to tát , sự nghiệp lại lớn hơn cha nữa , mới là quý báu , cho là nhờ cái phước dư của cha mẹ .

Xét như trên đó thì biết rằng nhờ ăn ở hiếu thuận , sau được hưởng công danh phú quý cho toàn gia của nhà họ Mã , vinh hiển đời đời , hiệu quả như vậy lớn biết dường bao !

Cái nhân của "hiếu thuận" vẫn đã lớn , mà cái quả của "hiếu thuận" cũng không nhỏ .

Tỷ như vợ chồng Mã Văn , ban sơ chẳng qua là giữ nghĩa vụ "hiếu thuận" một mình , nàng Túy Hoa nhờ đức đó mà cảm hóa được .

Lại chẳng những một mình nàng Túy Hoa mà thôi , đến tất cả dân làng kia xóm nọ cũng cảm hóa theo nữa , trai thì theo gương Mã Văn , gái thì theo gương San Hô , thảo với cha mẹ , thuận với anh em , nhà nào cũng bắt chước cải hóa theo cái tánh hiếu thuận đặc biệt của vợ chồng Mã Văn hết , kết cuộc cũng đều đặng vinh hiển như nhà của họ Mã vậy .

Ôi ! Mới biết gương "hiếu thuận" của vợ chồng Mã Văn mà làm cho biết bao nhiêu cái ảnh hưởng vẻ vang từ trong đến ngoài như vậy . Huống chi mỗi nhà người nào cũng hiếu thuận , thì tai nào chẳng tiêu , phước nào chẳng sinh , mà mỗi nhà người nào lại chẳng vinh hoa phú quý . Nếu mỗi nhà người nào cũng vinh hoa phú quý , thì cái vẻ tốt đẹp của nhân quần mỹ mãn biết mấy .

Nhím Hoàng Kim
08-12-2007, 09:58 AM
THÍ ÍT PHƯỚC NHIỀU
SỰ TÍCH NÀNG BẠCH TỊNH XUẤT GIA

(Trích diễn trong Tục Tạng Kinh)


Thuở xưa lúc Đức Phật Thích Ca còn tại thế , trong thành Xá Vệ có một ông trưởng giả rất giàu có , sinh được một người con gái thanh sắc tuyệt đẹp . Nhưng một điều rất lạ là khi cô bé ấy vừa ra khỏi lòng mẹ , thì có một tấm lụa vừa bao bọc cả thân thể của cô .

Hai vợ chồng ông trưởng giả thấy vậy , nửa nghi nửa mừng , liền sai gia đinh rước một người đạo sĩ đến nhà coi quẻ cho biết sự dữ lành thế nào . Sau khi đoán xong , người đạo sĩ tỏ rằng cô gái này ngày sau sẽ có nhiều phước đức lớn .

Xuân qua Thu lại , nàng Bạch Tịnh (là tên của nàng ấy) càng ngày càng khôn lớn , thì tấm lụa cũng ngày càng rộng thêm ra . Diện mạo của nàng lại có vẻ khôi khô và kiều mỵ hơn các nàng nữ lưu khác , còn phần đức tính thì không một thiếu nữ nào dám sánh kịp .

Vì vậy nên tiếng khen ngợi tràn lan khắp cả trong nước khiến cho các bực vương tôn và những hàng công tử nghe đến , ai cũng đem lòng ao ước , bèn tranh đua nhau cậy mai tới nhà dọ hỏi .

Khi ấy song thân của nàng thấy nàng cũng đã đến tuổi cập kê , bèn cho mời thợ bạc đến làm đồ nữ trang đặng chờ ngày kén rể .

Nàng Bạch Tịnh thấy sắm sửa các vật trang sức như vậy , liền hỏi rằng : "Thưa cha mẹ ! Chẳng hay nhà mình mướn thợ làm những món đồ ấy để dùng về việc gì ?"

Hai ông bà nghe con hỏi mấy lời thì bắt tức cười mà trả lời : "Con ơi ! Con nay đã lớn khôn rồi , cũng gần đến ngày xuất giá , nên phải lo sắm các vật quý ấy cho sẵn , để đưa con về làm dâu trong nhà người , chớ nào có dùng việc chi khác đâu".

Nàng Bạch Tịnh nghe cha mẹ nói như vậy , bèn thưa thiệt rằng : "Thưa cha mẹ ! Đã biết rằng sinh con ra , trai lớn lên thì muốn cho có vợ , gái lớn lên thì muốn cho có chồng , đó là cái bản nguyện lớn lao của cha mẹ , con thiệt cảm đội muôn phần . Nhưng tự nơi phần con suy nghĩ , thì việc vợ chồng đôi lứa kết tóc se tơ là mối sầu khổ của đời người , bởi dây tình dệt thành lưới ái , nên buộc người vào trong đó để chịu trăm cay ngàn đắng , ngậm thảm nuốt hờn , kiếp nọ đời kia không thoát ra khỏi .

Chẳng nói chi những người duyên phận rủi ro , gặp phải cái hoàn cảnh đảo ngược , hoặc được chồng mất vợ , hoặc được vợ mất chồng , làm cho phủ phàng cái kiếp đầu xanh má hồng của đôi lứa thanh niên , kẻ trách ông Tơ , người hờn bà Nguyệt , rồi gây ra một tấn bi kịch ở trong gia đình , chẳng có chút gì là lạc thú ! Vậy thì cái duyên nợ rủi ro ấy nó buộc cho đời người phải đau đớn đã đành !

Đến khi những kẻ may mà gặp được cảnh vợ chồng xứng đôi vừa lứa , trai tài gái sắc , đẹp phận xướng tùy , kẻ ước trăm năm , người nguyền giai lão , tình yêu dầu như ngọc tợ vàng , chẳng có gì nghịch lòng trái ý , nhưng đời người hữu hạn , cuộc thế vô thường , rồi một mai xảy ra chuyện sinh tử biệt ly , hay là nỗi sâm phương phân cách , thì duyên tươi tốt trở thành phận dở dang , vui sum vầy trở lại thành buồn chia rẽ , rốt cuộc cũng là nợ oan gia ái tình làm cho đời người phải khổ và phải chết vì nó , chớ không ích gì !

Nhím Hoàng Kim
08-19-2007, 09:44 AM
Vậy con xin cha mẹ nếu có lòng thương con thì cho con xin xuất gia cầu đạo , để lo phần giải thoát về sau , chớ đừng xô con vào trong biển ái tình làm cho con phải chịu nỗi trầm luân tội nghiệp !"

Thuở ấy , trong thành Xá Vệ lại có những hạn thanh niên thiếu nữ phát tâm học đạo cũng nhiều , thành thử hai vợ chồng ông phú trưởng giả không có ý gì ngạc nhiên và lại vì quá thương nàng , nên cũng chiều lòng con , cho nàng xuất gia .

Vì vậy nên từ đó về sau , các cậu thanh niên mê tài đắm sắc kia phải đành chịu nỗi thất vọng và tạ tuyệt cái tình ao ước trông mong .

Hai vợ chồng ông trưởng giả phải cam tâm chịu nỗi biệt ly đau đớn , đưa nàng Bạch Tịnh đến chỗ Đức Phật Thích Ca ở .

Khi nàng ra mắt Phật rồi , thì nàng tình nguyện xin làm đệ tử , Phật biết nàng có túc căn , nên nhân lời , thì bỗng nhiên tấm lụa bao bọc cho thân nàng liền hóa ra một cái áo cà sa rất tốt đẹp .

Đoạn Phật kêu bà Đại Ái Đạo mà phú thác nàng cho bà truyền giới Tỳ kheo và giáo huấn , rồi chẳng bao lâu nàng nhờ sự tu hành rất tinh tấn mà chứng được quả A la hán .

Khi ấy , ông A Nan bèn chắp tay lễ Phật mà thưa rằng : "Bạch Đức Thế Tôn ! Chẳng hay trong kiếp trước , nàng Bạch Tịnh Tỳ kheo đã có tu người hạnh công đức gì , mà kiếp này được sinh vào nhà ông phú trưởng giả và khi vừa sinh ra lại có tấm lụa bao bọc cả thân thể ? Đã vậy mà nàng lại gặp được Thế Tôn độ cho xuất gia học đạo , ngày nay được đắc quả A la hán như thế ?"

Phật trả lời rằng : "A Nan ơi ! Hồi đời quá khứ đến nay đã lâu lắm rồi , có một vị Phật hiệu là Tỳ Bà Thi ra đời , thường cùng các hàng đệ tử đi thuyết pháp hóa độ chúng sinh .

Cũng trong thuở ấy , lại có một vị quốc vương giàu lòng tín ngưỡng Phật giáo , thiết lập trai đàn ở trong cung , thỉnh Phật đến thuyết pháp và truyền rao cho nhân dân trong nước biết đặng đến nghe .

Khi ấy , có một vị Tỳ kheo đi khuyến hóa nhân dân đến chỗ trai đàn mà nghe pháp . Thầy đi đến đâu cũng gặp thiện nam tín nữ dâng cúng trai vật , là có ý mong cầu phước đức về đời sau .

Trong lúc đó , lại có một người đàn bà tên là Đàn Ni Dà rất nghèo khổ , đến nỗi hai vợ chồng mà chỉ có một tấm chăn để thay đổi che thân mà thôi . Vì vậy nên khi nào chồng mặc đi thì vợ phải ở nhà , trái lại , vợ mặc đi thì chồng phải ở nhà . Bởi hai người mà chỉ có một tấm chăn , nên phải thay đổi nhau ở trong nhà , đóng cửa lại mà trốn sự lõa lồ , không cho ai biết .

Nhím Hoàng Kim
09-28-2007, 05:13 PM
Một bữa nọ , thầy Tỳ kheo vừa đi ngang qua nhà của Đàn Ni Dà , thấy nàng đang đứng trong cửa sổ dòm ra , thì thầy khuyên rằng : "Thưa cô ! Ngày nay Phật đã ra đời , vậy cô nên đến chỗ trai đàn của vua vừ lập ra mà nghe Phật thuyết pháp , vì nghe kinh pháp của Phật , thì được duyên hưởng phước vô cùng".

Đoạn thầy Tỳ kheo ấy lại giảng rõ sự tích về pháp bố thí cho nàng Đàn Ni Dà nghe , rồi bèn nói tiếp rằng : "Cô phải biết rằng chẳng những hạng người giàu sang , có tiền của mới làm việc bố thí mà thôi , còn hạng người nào quá nghèo đi nữa cũng có thể bố thí được vậy".

Nàng Đàn Ni Dà nghe giảng như thế , bèn đứng trong cửa sổ mà thưa rằng : "Không dám , xin thầy hoan hỷ đứng đây đợi tôi một lát , đặng tôi định liệu !"

Nàng liền bước vô phòng mà bàn cùng chồng rằng : "Thưa chàng ! Ở trước nhà ta có một vị Tỳ kheo vừa mới đến , khuyên bảo thiếp nên đi nghe Phật thuyếp pháp và có dạy rằng bởi kiếp trước chúng ta hay tham lam , bỏn xẻn , không biết làm sự bố thí , nên đời này phải chịu ở trong cái hoàn cảnh túng thiếu như thế này . Vậy chúng ta cũng nên liệu làm sao để mong trồng cội phước cho đời sau khỏi phải chịu nghèo khổ như vầy nữa".

Người chồng vừa nghe qua mấy lời của nàng nói , chỉ biết than rằng : "Nàng ơi ! Gia đình chúng ta nghèo mạt như thế này , dầu có lòng tốt đến bực nào cũng không biết lấy gì mà bố thí được !"

Nàng liền nói : "Đó cũng bởi kiếp trước chúng ta không bố thí nên ngày nay phải bị khổ sở như vầy , nếu đời này trồng duyên lành , kiếp sau thế nào cũng được hưởng phước tốt . Vậy xin chàng vui lòng cho phép lấy tấm chăn đang mặc nơi mình đây ra bố thí cho thầy Tỳ kheo !"

Người chồng thấy ý vợ muốn như vậy , liền than lớn rằng : "Trời ơi ! Thiệt là nhờ tấm chăn đó mà vợ chồng ta mới sống được , nếu nghe lời nàng mà đem nó bố thí đi , thì chúng ta không thể nào thoát khỏi cái nạn đói khát !"

Nàng lại khuyên nữa rằng : "Người đời có sống phải có chết , nhưng thà bố thí mà chết còn hơn , bằng cứ tiếc thân ham của , khi chết lại càng khổ cho kiếp sau nữa có ích gì !"

Người chồng nghe nàng bàn như thế , liền dứt sạch lòng tham lẫn , rồi vui vẻ mà đáp lại rằng : "Nàng phân như vậy cũng phải , thôi đem tấm chăn ra bố thí cho thầy Tỳ kheo đó đi !"

Nàng Đàn Ni Dà biết chồng đã hồi tâm , bèn cởi tấm chăn đương che thân , đưa ra cửa sổ mà bố thí cho thầy Tỳ kheo .

Nhím Hoàng Kim
10-06-2007, 09:31 AM
Thầy thấy nàng có lòng nhiệt thành như vậy , thì cảm động vô cùng và nói rằng : "Thưa cô ! Thưa cô tấm lòng từ thiện của cô ít ai bì kịp , vậy xin mời cô ra ngoài cho tôi chú nguyện , trước là đáp đền ơn cô , sau mong cho cô từ nay về sau được hưởng phước đầy".

Nàng Đàn Ni Dà thưa thiệt rằng : "Không dám nói dối chi với thầy ! Thiệt vì hai vợ chồng tôi vì nghèo quá , nên chỉ có một tấm chăng đó để thay đổi nhau che thân trong lúc đi ra ngoài mà thôi . Nay đã bố thí cho thầy rồi , nên thân thể lõa lồ , thiệt không dám vô phép ra yết kiến thầy , xin thầy tha thứ cho !"

Khi ấy thầy Tỳ kheo nghe nàng Đàn Ni Dà thưa như vậy , thì càng cảm động nữa , bèn lãnh tấm chăn ấy , rồi chú nguyện và cáo từ .

Lúc về đến tịnh xá , vị Tỳ kheo liền dâng tấm chăn lên cho Phật Tỳ Bà Thi , Ngài cũng giơ tay ra tiếp lấy .

Đối với con mắt của người tầm thường , tấm chăn ô uế đó không khỏi làm cho nhờm gớm , vì vậy cho nên các thính giả trong pháp hội thấy Phật tiếp lấy tấm chăn vô giá trị , ai nấy cũng đều đem lòng bất mãn .

Phật Tỳ Bà Thi biết rõ được nhân tâm của các bực thính giả , rồi nói rằng : "Ta xét kỹ lại trong cuộc trai đàn to lớn này , người có lòng chí thành bố thí hơn hết là chủ của tấm chăn này . Người ấy nghèo khổ đến mức có một tấm chăn để dùng che thân đắp lạnh , mà nay vui lòng đem nó ra mà bố thí , đành chịu để thân thể lõa lồ lạnh lẽo , thì công đức ấy biết là bao nhiêu !"

Khi ấy , vua và hoàng hậu nghe Phật giảng như vậy , liền cảm động , vội vàng cởi áo đẹp đương mặc trong mình , rồi sai người đem thưởng cho vợ chồng nàng Đàn Ni Dà mặc , đặng đến nghe Phật thuyết pháp .

Phật lại thuyết pháp , đại ý nói rằng : "Bố thí là một pháp đứng đầu trong sáu pháp Ba la mật , từ xưa đến nay thập phương chư Phật và hằng hà sa Bồ tát cũng đều lấy nó làm cái gốc tu nhân chứng quả .

Bố thí có ba thứ : 1) tài thí , 2) pháp thí và 3) vô úy thí . Tài thí có nghĩa là hoặc lấy thân mạng của mình bố thí cho chúng sinh , gọi là "nội tài thí", hoặc là lấy tài vật của mình mà bố thí cho kẻ nghèo khổ hay là những loài đói khát thì gọi là "ngoại tài thí".

Pháp thí nghĩa là đem những giáo pháp Tam thừa ra mà tùy cơ giảng nói cho người biết đường tu hành , nhờ phần giải thoát .

Vô úy thí nghĩa là gặp những chúng sinh nào đương bị khốn đốn trong cơn sợ hãy , thì mình hoặc dùng thân lực , tâm lực hay là tài vật mà cứu giúp cho qua khỏi cái nạn sợ hãi ấy .

Nhím Hoàng Kim
10-20-2007, 04:27 PM
Cái bố thí là hạt giống lành , nó có năng lực phát sinh ra bông trái phước đức , làm duyên cho chúng sinh thường được vừa lòng mãn nguyện ở trong cái cảnh giới an vui không khi nào bần cùng khốn khổ .

Nhưng trong lúc bố thí , đừng khởi lòng nghĩ rằng mình là người thí chủ , kia là kẻ thọ thí của mình và cũng đừng nghĩ rằng những vật ấy là vật của mình thí , như vậy thì phước đức mới lớn .

Còn như mình biết đem cái công đức bố thí ấy mà bồi dưỡng về đạo Bồ Đề , thì ngày sau sẽ nhờ cái năng lực hồi hướng đó mà chứng quả thành Phật là khác nữa".

Sau khi nhắc xong sự tích , Đức Thích Ca Như Lai bèn kêu ông A Nan mà dạy rằng : "A Nan ơi ! Nàng Đàn Ni Dà nghèo khổ trước kia tức là Bạch Tịnh Tỳ kheo Ni ngày nay đó . Bởi kiếp trước nàng lấy tấm chăn để che thân đem bố thí cho vị Tỳ kheo mà trong lòng vẫn vui vẻ nên được công đức lớn mà nhiều kiếp được hưởng đủ các điều hạnh phúc .

Vả lại , nàng đã nghe được những pháp nhiệm mầu trong thuở Phật Tỳ Bà Thi còn tại thế , nên ngày nay mới nhập đạo không được bao lâu mà đã chứng quả A la hán như thế .

Vậy các ngươi phải lo tu hành cho tinh tấn và phải thường làm sự bố thí , thì sẽ hưởng được phước huệ viên mãn về sau .

KẾT LUẬN

Bố thí là một phương pháp để chữa bịnh tham lam bỏn xẻn của người đời rất thần diệu .

Nếu biết dùng nó , thì nó có đủ năng lực làm cho đời người được sung sướng , được vừa lòng mãn nguyện những cái hy vọng vĩ đại của mình . Còn như không biết dùng nó , thì tự mình phải chịu lấy cái khổ túng thiếu nghèo cùng , không thể nào tránh khỏi .

Nhưng phải hiểu rằng cũng một phương pháp bố thí ấy mà có người thì được phước nhiều , có người thì được phước ít , lại cũng có người bố thí mà không được gì cả .

Bố thí mà đem lòng từ bi bác ái , thương xót cái hoàn cảnh khô bức của mọi loài , chớ tự nơi phần mình không phải vì cầu danh , cầu phước , cầu biết ơn , hay là cầu nghĩa mà bố thí thì sự bố thí cho của ít cũng được phước nhiều .

Còn trái lại , bố thí còn nghĩ mình là người bố thí , người kia là kẻ thọ lãnh của mình , hay là nghĩ bố thí chắc có danh tiếng , có công đức và thế nào người cũng biết ơn mình ... thì sự bố thí ấy dầu của nhiều cũng được phước ít .

Đến như những người hoặc bất đắc dĩ mà bố thí , chớ không có lòng thương yêu đến ai , hoặc đã bố thí rồi , trở lại ăn năn hối hận mà nghĩ rằng cái cho đó thiệt uổng , thà không cho mà còn hơn , hay là trong lúc bố thí đem lòng khinh bạc người ... thì sự bố thí ấy thiệt không phước đức gì cả .

Trong sự bố thí của Phật đã nói rõ như vậy , mà trong đời có lắm người , hoặc bố thí một bữa cơm hay là cho một manh áo , thì đã kể ơn , vậy là muốn phước cho nhiều thì làm sao đặng .

Thử coi chuyện nàng Bạch Tịnh Tỳ kheo Ni đã nói trên đó , trong kiếp quá khứ chỉ bố thí cho thầy Tỳ kheo một tấm chăn là một vật không có giá trị gì , mà đời đời nàng đặng thác sinh nhằm chỗ giàu sang , hưởng thọ không biết bao nhiêu hạnh phúc , rồi sau được sinh vào nhà ông phú trưởng giả đủ điều sung sướng , mà lại gặp Phật ra đời độ cho xuất gia , rồi kết cuộc chứng A la hán là khác nữa . Vậy biết rằng công đức bố thí là vô lượng vô biên .

Nếu cứ tính mà luận , thì việc bố thí của nàng Bạch Tịnh trong kiếp trước thật rất nhỏ nhen , còn lấy tâm mà bàn thì việc bố thí của nàng lại vô cùng to tát .

Vì cái nghèo đến đỗi hai vợ chồng chỉ có một tấm chăn để thay đổi nhau mà mặc trong khi đi làm ăn nuôi sống và thay đổi nhau che thân trong cơn lạnh lẽo cho khỏi chết , vậy thì tấm chăn ấy là cái mạng của nàng , nghĩa là tấm chăn còn thì mạng còn , tấm chăn mất thì mạng mất , cái lý thế gian tất nhiên như vậy .

Thế mà trong khi nghe thầy Tỳ kheo thuyết pháp về vấn đề bố thí vừa xong , thì nàng lập tức khuyên lơn người chồng , rồi đem tấm chăn cúng cho thầy liền , mà không chút gì nghĩ đến nó là vật để nuôi sống mình . Thật việc bố thí ấy không khác nào những người vì pháp mà hy sinh cả thân mạng .

Vậy nên kết quả của nàng được trăm phần mỹ mãn cũng phải !

Nếu chúng ta ngày nay , ai là người sẵn lòng từ bi bác ái muốn nhiệt thành trong việc bố thí để cứu giúp cho phần đông nhân loại trong khoảng kinh tế khẩn cấp và bức bách này , nên noi theo gương bố thí một cách nhiệt thành của nàng Bạch Tịnh trong kiếp trước đó mà làm , thì chắc cái hạnh phúc về sau không thể nói được .

Nhím Hoàng Kim
10-27-2007, 08:08 AM
Mụt Ghẻ Nói Tiếng Người


Đời Đường , vua Ý Tôn ở đất Trường An có một nhà sư mắc phải bệnh cùi , hằng ngày thất tha thất thểu trong bộ quần áo lang thang , mặt mày khô đét , thân hình gầy còm , tay chân lở lói , ai trông thấy cũng gớm nhờm . Thỉnh thoảng , một vài người vì động lòng trắc ẩn , biếu cho chút ít quà bánh không đáng giá , ngoài ra không ai buồn đả động đến , hoặc hỏi han điều gì cả , vì vậy chẳng ai biết nguyên quán nhà sư ở đâu . Một hôm , trên con đường lớn xuôi về cổng chùa An Quốc , nhà sư tình cờ gặp Ngộ Đạt , lúc ấy chưa phải là một tu sĩ nổi danh .

Thấy người đồng đạo trong cơn hoạn nạn , Ngộ Đạt quá đau thương cố thỉnh về ở với mình . Trước tấm lòng chân thật , lời lẽ thiết tha của Ngộ Đạt , nhà sư nhận chịu . Ngộ Đạt rước về chùa , kính như bậc thầy , hết lòng cung phụng . Mỗi ngày sáng dậy , Ngộ Đạt lấy nước nóng , rửa ghẻ lở , tuyệt đối không tỏ vẻ gì nhờm gớm cả . Sau một thời gian khá lâu , nhà sư từ giã ra đi . Ngộ Đạt tỏ lòng quyến luyến , cầm cộng lắm lời , nhưng nhà sư không đổi ý . Thấy thế Ngộ Đạt thiết tha xin theo để sớm hôm giúp đỡ , nhà sư cũng từ chối nốt , bảo rằng : "Trên đường danh đức , ông sau này sẽ được hiển đạt , ông nên ở lại , đừng nghĩ việc theo tôi mà phải trôi nổi bềnh bồng , mai một khả năng siêu tuyệt của mình . Nhưng điều này nên để dạ : Hãy cẩn trọng trong khi hưởng thụ những phần thưởng danh dự , vì nó có thể làm tổn thương đạo nghiệp của mình . Tôi hết sức cảm nghĩa tốt của ông , vậy nếu sau này có bị tai nạn gì hãy nhớ qua đất Tây Thục , xứ Bành Châu , núi Trà Lung mà tìm tôi . Cứ đến lưng chừng núi , chỗ có hai cây tùng to tục gọi là "Song tùng lãnh" chúng ta sẽ gặp nhau !"

Dặn dò xong , nhà sư từ biệt , Ngộ Đạt rơm rớm nước mắt , trông theo đến khi khuất bóng mới quay gót trở về .

Ngày qua tháng lại , Ngộ Đạt đến thời kỳ hiển đạt . Bấy giờ ở kinh đô , người người đều quen biết và khâm phục danh đức của Ngài . Một vị sư có tài , có đức , giảng pháp hay , hiểu biết rộng , tiếng tăm vang dậy khắp nơi .

Vua Ý Tôn qua nhiều lần thăm dò , trải bao cơn thử thách , mới chịu cung thỉnh Ngài vào cung giảng đạo . Cách ít lâu lại phong Ngài lên làm Quốc sư và ban cho một pháp tòa bằng gỗ trầm hương quý . Danh vọng này còn danh vọng nào hơn ! Một hôm , nhân lên ngồi trên ghế trầm , nghĩ mình tài đức ai bằng , vua khiêng , quan phục , trăm họ kính nhường . Ngộ Đạt thấy thật không còn nấc thang nào cao hơn nữa . Lòng tự đắc dâng lên tột độ , bỗng nghe xây xẩm mặt mày , Quốc sư vội bảo đồ đệ dìu vào phương trượng , nằm mê man suốt hai ba giờ mới tỉnh lại . Cảm nghe trong mình khó chịu , biết đã thọ bệnh , chợt rờ xuống gối nghe đau , vén quần lên , thật là hết sức kinh ngạc . Một mụt ghẻ giống tạc như mặt người , có mày mắt , miệng tai , mũi đủ cả . Ghê tởm quá ! Kinh sợ quá ! Quốc sư ngất đi , các đồ đệ kêu vực mãi mới mở mắt , bỗng nghe dưới mụt ghẻ nghiến răng , đau buốt thấu xương , khổ sở quá không phương gì cứu chữa . Các danh y đều được vua mời đến chữa cho Ngài , mà mỗi lần thoa thuốc men thì mỗi lần chết giấc chớ không thấy thuyên giảm phần nào cả . Nhưng lạ , hễ mỗi lần đút thịt vào thì lại thấy mụt ghẻ ăn ngay mà lại nghe trong mình êm ái dễ chịu . Thật là một quái bệnh xưa nay chưa từng thấy . Các danh y , quốc y đều thúc thủ , lăn lóc chịu khổ sở mãi như thế hơn tháng trời , nằm nghĩ cuộc đời chẳng ra chi , thân như bọt nước thoạt có , thoạt không , thoạt còn , thoạt mất , đáng ghê sợ . Nhân nhớ đến vị sư bệnh khi xưa , ôn lại những lời dặn dò thiết yếu , Quốc sư sực tỉnh , bèn cố gắng một thân bị đau nhức , cắn răng lần mò qua đất Tây Thục , xứ Bành Châu .

Nhím Hoàng Kim
11-04-2007, 08:50 AM
Vất vả khổ sở suốt mấy tuần mới đến chân núi Trà Lung . Bởi đường dốc quanh co , nên mãi đến lúc hoàng hôn mới tìm ra được dấu . Kìa hai cây tùng đã lộ bóng , nhưng vị sư đâu chẳng thấy hình dạng , nếu không tìm gặp , thì đêm nay không khỏi dã thú nhai xương giữa chốn rừng núi hoang , không một bóng người thấp thoáng . Ngộ Đạt đang ngơ ngác đoái nhìn bốn phía , lòng những lo sợ bồi hồi , thì may quá , hình bóng thân yêu và quen thuộc khi xưa của vị sư , bỗng hiện ra trong một gộp đá gần đấy . Một tiếng rú thất thanh vì mừng , ngài Ngộ Đạt bất chấp đau đớn , chạy lại và leo nhanh lên gộp đá , ôm choàng lấy vị sư hỏi han rối rít . Khi bộc lộ hết nỗi vui mừng , khao khát của mình rồi , Ngài bèn kể bằng nước mắt sự khổ sở đau đớn của mình cho vị sư nghe . Vị sư thốt lời an ủi và dìu dẫn Ngộ Đạt về thảo am trên lưng chừng núi .

- Bạch thầy , kẻ đệ tử đang lâm vào cơn khốn nạn , bức bách , khổ sở không còn bút mực nào tả xiết , xin thầy rủ lòng từ bi ra tay tế độ giúp cho đệ tử thoát nạn , ơn đức đức thầy vô lượng vô biên !

- Không hại gì , vị sư đáp , oan gia nghiệp chướng của ông đã vay từ nhiều đời về kiếp trước , ngày nay phải đến thời kỳ đền trả . Ông phải ẩn nhẫn mối nợ máu tiền kiếp ấy , mới có thể giải thoát được . Đức Thế Tôn ta khi xưa còn thị hiện nạn gươm vàng đâm vế , ăn lúa ngựa thay , huống chi chúng ta là hạng người phàm phu làm sao mà thoát được . Nợ mình đã trả thì sẽ hết , nhưng cần thiết là đừng nên vay nữa mới được .

- Thưa thầy , thầy nói nợ máu là thế nào , đệ tử không hiểu ra sao cả , xin thầy hoan hỷ giảng cho !

Chuyện ấy rồi ông tất sẽ rõ , vì sẽ có người nói cho ông nghe vào giờ khắc rất gần đây .

Rạng ngày hôm sau , nhà sư dạy đồng tử dẫn Ngộ Đạt xuống ngọn núi dựa triền núi , lấy nước rửa mụt ghẻ . Đồng tử vừa toan khoát nước thì thoạt nghe tiếng thét từ trong ung thư phát ra : "Khoan , hãy khoan đã , ta có việc cần muốn nói với ông !"

Ngộ Đạt và đồng tử đang trong cơn kinh ngạc , thì mụt ghẻ tiếp lời :

- Tiếng đồn ông là người học rộng , vậy ông đã từng đọc sách Tây Hán chưa ?

- Đã có xem qua vài lượt . Ngộ Đạt đáp .

- Vậy chớ ông có nhớ chuyện người Viên Án dèm tâu với vua Cảnh Đế chém chết Triệu Thố ở phía đông chợ chăng ?

- Nhớ lắm , nhớ lắm . Ngươi hỏi thế để làm gì ?

- Chính ông là Viên Án , còn Triệu Thố là tôi , ông giết tôi oan đến dường nào , ông có biết chăng ? Thù ấy , oán ấy , thâm xương thấu cốt tôi đã từng mười đời theo dõi bên ông để tìm dịp báo oán , nhưng suốt mười đời ông luôn luôn làm bậc cao tăng , tinh nghiêm giới luật , tôi đành ôm hận , nhưng quyết theo mãi , đến khi nào trả xong mối thù , đòi xong món nợ máu mới thôi . Mới vừa rồi , được dịp thuận tiện , ông vì được vua kính trọng , ban cho tòa trầm hương , phong làm đến chức Quốc sư , vinh quang hiển hách , do đó tâm danh lợi nổi lên , khí kiêu căng bừng khởi , khuyết phần đức hạnh , tôi mới nhân cơ hội đó làm hại ông để đòi món nợ nần trên . Ngày nay , nhờ ngài Ca Nặc Ca Tôn giả thương xót ra tay giải cứu cho ông , lại cho dùng nước Tam muội rửa tội , nhờ thần lực của Ngài khiến cho ông và tôi , từ nay trở đi oán hận không còn , cừu thù tan mất , vậy kính khuyên ông , hãy cố gắng tinh tấn tu hành và chúc ông vuông tròn đạo nghiệp . Tôi xin chào vĩnh biệt !

Ngộ Đạt nghe xong , mình mọc đầy gai ốc . Đồng thời với tay khoát nước rửa mụt ghẻ , nước vừa chạm đến thịt , Ngộ Đạt nghe đau buốt thấu xương , ngất lịm hồi lâu . Khi tỉnh lại , mụt ghẻ đã lành da thịt liền lại như xưa , không chút vết sẹo nào . Quốc sư mừng quá đến chảy nước mắt , vội trở lên núi cảm tạ ơn dày của Tổ , tự thệ từ đó tinh tấn tu hành không dám chậm trễ nữa .

Tương truyền bộ Thủy Sám ba quyển vốn tự tay Ngộ Đạt viết ra để làm pháp sám hối sau khi lành bệnh .

Nhím Hoàng Kim
11-30-2007, 10:40 PM
NHỜ VỢ TU HÀNH MÀ CHỒNG KHỎI HỌA
(Trích diễn trong Tục Tạng Kinh)



Vừng hồng tỏ rạng , cảnh tịnh rất êm đềm hòa nhã , bóng nguyệt chói ngời , miền sơn dã càng vẻ vang phong phú , mây che làng cũ , ngất bốn phương trời , hằng nổi tiếng kẻ thư sinh , xuân tỏ chốn khuê phòng , tròn trăm nết đáng nêu danh người thục nữ .

Nguyên tại xứ Giang Hoài có nàng Dương thị , con nhà gia giáo , biết trọng phong hóa lễ nghi , cha đã mất sớm , chỉ còn mẹ già , nên nàng hết lòng cung dưỡng , thần tĩnh mộ khang một cách hiếu đạo vô cùng . Khi nàng mới mười lăm tuổi , thì đã nổi tiếng tài sắc tuyệt vời .

Có một đêm kia , nàng tự mình suy tới nghĩ lui , xét lại con người sinh ra trong cõi tạm nầy , có khác gì bức tranh vân cẩu , khi hợp khi tan , nếu không thức tỉnh sớm hồi đầu , kiếp luân hồi khó tránh .

Cách vài bữa sau , nàng sắm sanh hương đăng trà quả , đặng vào chùa Phổ Quang quy y . Từ ấy , đêm nào cũng tụng kinh niệm Phật đặng cầu nguyện cho mẹ đặng bá niên trường thọ .

Ngày kia , công việc nhà đã rảnh rang , nàng vào chùa lạy Phật . Khi ra về , thình lình nàng gặp một chàng thanh niên diện mạo ngôi khô , phong lưu nho nhã , lạ gì trai tài gái sắc là duyên kỳ ngộ bất ngờ .

Nguyên người thiếu niên ấy là Tống Khán , niên kỷ đã đặng hai mươi , hình dung tuấn tú , ngôn ngữ thanh hoa . Chàng là người phong lưu đúng mực , đã nổi tiếng tao nhân mặc khách , lại ưa non xanh nước biếc , đâu đâu cũng là chỗ ngoạn cảnh ngâm thơ . Cha mẹ đã mất sớm , nên chàng chán ngán sự đời , không màng danh lợi , chỉ ưa dạo chơi thắng cảnh danh sơn mà thôi .

Chàng Tống Khán nghe đồn rằng chùa Phổ Quang rất xinh đẹp , có cổ thụ , có ao hồ , nên lần đường tìm đến để viếng cảnh tòng lâm . Chàng đương say mê ngắm cảnh thì mặt trời đã gác núi , lại nghe tiếng ngân của chuông chùa cảnh tỉnh , chợt đâu lại gặp một người thiếu nữ nhan sắc mặn mà , đứng đi yểu điệu . Hai người tình cờ gặp nhau , kẻ nhìn tỏ mặt , người che cuối đầu .

Từ khi gặp gỡ nhau , Tống Khán về đến nhà tự nghĩ rằng ta nay đã thành nhân , cần nhất phải lập nên gia thất , trước là nối nghiệp cho tổ tông , sau là vẻ vang trong gia đình , nếu trì hưỡn ngày giờ , tuổi xuân không trở lại .

Chàng nghĩ vậy , bèn cậy mai đến nói Dương thị . Sau khi dọ hỏi điều tra , mẹ nàng mới biết chàng là một người danh sĩ , nên bằng lòng và kêu nàng mà nói rằng : "Phàm ở đời , áo mặc không khỏi đầu , con nay đã khôn lớn , bổn phận làm cha mẹ , ai ai cũng như thế , hễ có con đúng tuổi cập kê , phải lo bề gia thất . Vậy con lo sắm sửa , chờ đến ngày xuất giá tùng phu , mẹ đã hứa gả con cho chàng Tống Khán rồi !"

Đây là nói về Tống Khán , từ khi cưới nàng Dương thị rồi , chàng phải lo bề sinh nghiệp , nên vào làm thơ ký cho sở Diêm thiết công ty .

Còn nàng , từ khi về nhà chồng , nào là công , dung , ngôn , hạnh , mọi lẽ đủ điều , nội trợ tề gia , trăm bề trọn vẹn . Mặc dù đã có đôi bạn , phần lo cho kịp chúng kịp thì , nhưng tâm vẫn thọ trì tụng niệm luôn luôn .

Một ngày nọ , có người bạn thân với Tống Khán rủ chàng đi ra Bắc Kinh .

Nhím Hoàng Kim
12-08-2007, 10:22 AM
Tống Khán về tỏ lại cho vợ nhà hay , nàng Dương thị cản rằng : "Vả chăng từ đây ra Bắc Kinh , đường xá diệu vợi , lại phong vũ bất kỳ , xin phu tướng đừng ưa những thú vui cảnh đẹp trong đời , dẫu nơi phồn hoa đô hội là cảnh của nhân tạo , tuy là náo nhiệt nhưng làm sao bằng cảnh thiên nhiên của vũ trụ , non cao cảnh đẹp , gió mát phơi phơi nồng nàn , non biếc hồ sen , màn bóng nguyệt rành rành trắng tỏa , sẵn có của chúng ta đây , hà tất phải ra Bắc Kinh mà xem thắng cảnh làm chi !"

Chàng Tống Khán không nghe lời vợ can , cùng người bạn giương thẳng cánh bườm , ra khơi vượt biển , đi đặng ít ngày thì chỉ thấy lửng dửng mấy con thuyền và ít cặp nhạn bay lưa thưa thôi .

Cách hai mươi ngày , trời trong thanh bạch , thình lình mây đen mù mịt , cuồng phong bỗng đâu đó thổi tới rất ào ào , cảnh mặt bể ba đào sóng dậy , mảnh thuyền nhỏ đã lênh đênh không thể nào cự nổi , nên phải đắm theo dòng nước chảy .

Ôi ! Trời biển mênh mông , một màu mây nước , những người trong thuyền đều chết hết . Chàng Tống Khán bấy giờ kể chắc mình phải làm mồi cho thủy tộc bèn than rằng : "Thôi rồi một kiếp , hổ mặt non sông . Phật trời nỡ nào giết hại kẻ anh hùng !"

Tống Khán than vừa dứt lời , bỗng đâu có một bó rơm trôi đến , chàng bám lấy mà lần lựa theo lượng sóng tấp vào mé bờ . Lúc ấy chàng như người say mới tỉnh , ngỡ là mình phải nước trôi , hay mình lại còn ngồi dương gian .

Tống Khán liền bó rơm đem về , có ý để làm kỷ niệm , đi được ít dặm đường , ác vàng đã khuất bóng , chàng đoái thấy xa xa có một cái quán , bèn xăm xăm đi tới , để vào nghỉ chân và dùng cơm tối .

Trong quán có một bà cụ , tuổi ngoài bảy mươi , da mồi tóc bạc . Tống Khán xin nghỉ đó một đêm , đến sáng mở bó rơm ra phơi thấy trong đó có một ống tre . Chàng lấy làm lạ , mới đập bể ra mà xem , lại thấy ở trong có một bổn Kinh Kim Cang .

Bà cụ trong quán bèn thuật lại cho Tống Khán biết rằng bổn kinh này là kinh của vợ ngươi thường tụng ở nhà . Chàng nghe nói như vậy , trong lòng bán tín bán nghi , vội vàng cột bó rơm lại , rồi từ tạ bà cụ .

Khi về đến nhà , Dương thị thấy mặt mừng rỡ , nhưng thấy bộ buồn rầu của chồng nàng , lại hỏi rằng : "Sao nay phu tướng trở về mà đồ hành lý để đâu không thấy , ôm bó rơm về làm chi và lại có vẻ buồn như vậy ?"

Nhím Hoàng Kim
01-17-2008, 09:08 PM
Tống Khán nghe hỏi mới thuật lại hết đầu đuôi tự sự . Khi nàng Dương thị nghe rồi , chưng hửng mà đáp rằng : "Quả có thật như vậy , từ khi phu tướng xuống thuyền trực chỉ Bắc Kinh , thiếp ở nhà chép ra một bổn Kinh Kim Cang để trên bàn mỗi đêm thường thọ trì tụng niệm , cầu nguyện cho phu tướng đi đến nơi về đến chốn . Trong bổn kinh ấy có nhiều chữ sai , nên thiếp có thỉnh một vị cao Tăng sửa lại , nhưng mới mười ngày nay , bổn kinh ấy mất đi . Nếu quả như lời phu tướng thuật lại đó , thì là nhờ phước lực của Phật gia hộ ".

Chàng nghe nói bèn mở ra xem kỹ càng , thì quả y như bổn kinh của nàng đã chép .

Tống Khán bèn sắm sính lễ vật đến quán chỗ chàng ngụ một đêm rồi để tạ ơn bà cụ , nhưng đến nơi chẳng thấy chi hết .

Từ đó về sau , chàng càng tin tưởng Phật pháp hơn nữa , nên chí nguyện công khanh , không màng danh lợi , cất riêng một cái am nơi tịnh cảnh , trau dồi đức tính , thường bữa hai vợ chồng đến tụng kinh niệm Phật , trang nghiêm trai giới , quyết một lòng nương cửa Bồ Đề , trao dồi gương trí huệ , mong chờ đuốc huệ mà khỏi lạc nẻo mê đồ , lên thuyền Từ vượt qua biển khổ .

Cách ít năm sau , Quan Tướng quốc là Trịnh Nhân , làm quan lưu trú tại xứ Bông Đô nghe thiên hạ đồn đãi chuyện như thế , liền sai quân đòi hai vợ chồng Tống Khán đến mà cật hỏi từ đầu đến đuôi , mọi điều cặn kẽ , rồi yêu cầu để quyển Kinh Kim Cang ấy lại trong phủ mình , mỗi tháng cấp tiền lương để ở tịnh dưỡng tại chốn thiền môn .

KẾT LUẬN :

Nói tóm lại , chàng Tống Khán nhờ vợ có lòng chánh tín Phật pháp , thành kính luôn luôn , nên nhờ Bồ Tát thị hiện ra bà lão trợ lực cho chàng thoát khỏi đại nạn nơi giữa biển mênh mông , sóng cao gió tạt .

Đó có phải là người vợ biết chánh tín tu hành , chồng được khỏi họa hay không ?

Chuyện này là một mảnh gương kim cổ , đáng để cho quý vị độc giả nam nữ soi chung ...

Nhím Hoàng Kim
05-24-2008, 01:05 PM
Một Nàng Con Gái 13 Tuổi Ngộ Đạo

(Trích diễn trong Tục Tạng Kinh)


Thuở xưa , tại xứ Giang Lăng có một nàng con gái họ Lý , con của ông Lý Ngươn Tôn , sinh ra mới được 8 tuổi , mẹ đã ly trần .

Nhờ thân phụ giáo hóa nghiêm minh , nên tính nết của nàng rất ôn hòa thuần thục . Tuy tuổi còn nhỏ mà nàng biết thảo với cha , kính người lớn , ai nấy thấy vậy cũng đều khen ngợi cả .

Ngày giờ thấm thoát , từ khi mẹ nàng lìa cõi trần đã năm năm , nay nàng được mười ba tuổi , một mình chỉnh đốn mọi việc trong nhà .

Có một đêm nọ , nàng vừa an giấc chốn khuê phòng , bỗng chiêm bao thấy một ông Phạm Tăng nói với nàng rằng : "Ngươi có căn lành , sao chẳng ra công mà tụng Kinh Kim Cang . Phàm người trong đời , nếu mỗi ngày tụng được một quyển kinh ấy , ở trên dương gian đã không bệnh hoạn và được thêm tuổi sống lâu , đến khi lâm chung lại được sinh về cõi Trời nữa . Còn nếu cứu cánh được "Thật tướng Bát nhã" thì sẽ chứng bực Niết bàn . Thoảng như tụng kinh ấy mà không biết ý nghĩa đi nữa , thì cũng chẳng đến nỗi bị mọi sự tai ách , mà đến ngày sau cùng sẽ hưởng mọi việc thiện báo".

Nàng Lý thị giật mình thức dậy mới biết là một giấc chiêm bao mà còn văng vẳng bên tai nghe mấy lời dặn bảo .

Từ đó về sau , nàng đem lòng tín ngưỡng Phật pháp , cứ mỗi đêm tụng Kinh Kim Cang đến ba quyển , chẳng khi nào nhàm chán .

Đến khi nàng được 24 tuổi thì tâm đã tỏ lẽ chân tường , chán duyên trần thế , nên chẳng để ý đến mọi điều gia thất .

Một bữa kia , thoạt nhiên nàng cảm thương hàn , thuốc thang điều trị đủ thứ chẳng thấy thuyên giảm tí nào , cách mấy ngày sắc khí nàng càng trầm trọng , nên phải tách cõi nhân gian tìm miền dị lộ .

Ôi ! Một mảnh hương hồn phất phất phiêu phiêu đã lạc cõi u minh cảnh giới .

Khi vua Diêm vương thấy nàng thì phán rằng : "Vì người bình sinh có công đức Bát nhã nên trẫm tha về . Còn thân phụ của ngươi ở dương thế thường tạo nghiệp ác rất nhiều nên phải giảm thọ hết hai kỷ , vì bởi chỉ ưa bắt cá sống giết làm gỏi , đã có hơn bảy ngàn thủy tộc đến đây kêu oan đòi mạng . Vậy ngươi về hỏi lại thân phụ ngươi coi có thật vậy không ? Mỗi đêm thường nằm chiêm bao thấy sa vào trong lưới , còn ban ngày thường có bệnh nhức đầu . Đó là sự oan báo bắt cá làm gỏi".

Ông Lý Ngươn Tôn nghe con nói trúng sự chiêm bao và bệnh nhức đầu của mình liền thất kinh , lật đật sắm sinh lễ vật đến chùa Thiên Minh trai tăng cho một trăm ông thầy , xin cầu siêu cho những oan hồn của loài thủy tộc do ông giết . Từ ấy , ông Lý Ngương Tôn không ăn uống những đồ tửu nhục nữa , đích thân chép ra bốn mươi chín quyển Kinh Kim Cang đem cúng dường cho người trì tụng .

Một đêm nọ , ông nằm ngủ chiêm bao thấy rất nhiều thanh y đồng tử có vẻ vui mừng đến bái tạ ông rằng : "Chúng tôi chịu hàm oan đã lâu rồi , nay nhờ ông có công đức tả Kinh Kim Cang , nên chúng tôi đặng lìa đường khổ thú được sinh về cõi Trời . Hiện nay việc oan vong của ông cũng đã giải kết và từ nay về sau , ông lại đặng hưởng thọ lâu dài nơi cõi hồng trần này nữa".

Nhím Hoàng Kim
06-16-2008, 04:18 PM
Khi tỉnh giấc mộng hồn rồi , ông Lý Ngươn Tôn tự quyết không đổi dời tín tâm , cứ chăm lòng niệm Phật và tụng Kinh Kim Cang hoài , thức khuya dậy sớm thọ trì tinh tấn , mấy mươi năm công phu không hở một ngày , sống đến một trăm hai chục tuổi , chẳng có bệnh tật chi cả . Ngày rằm tháng giêng , ông ra tắm gội sạch sẽ , xong ngồi thiền niệm Phật mà tịch .

Còn Lý thị sau khi thân phụ đã tiêu diêu miền Cự lạc , nàng cất một cái am tại triền núi Tung Sơn , sớm khuya tụng niệm , ngày tháng thanh nhàn nơi thâm sơn , dưa muối trai lòng , gió trăng làm bạn , để cho gương tánh rạng ngời , nước lòng trong sạch , "chỉ quán song tu" cho thấu đáo lẽ chân thường và cầu đặng quả vô vi tịch diệt "Niết Bàn".

Sau nàng Lý thị thọ được 60 tuổi , rồi ngồi kiết già niệm Phật tịch diệt luôn .

KẾT LUẬN

Than ôi ! Con người sinh trong cõi trần này , sống được mấy mươi năm mà lý vô thường ít ai thấu rõ , sự hợp tan có mấy kẻ tường tri , chỉ đua chen trong đường danh lợi để nuôi tấm thân sống trọn một thời kỳ , dẫu ngày sau có sa vào địa ngục cũng đành mặc kệ .

Nghĩ như vậy thì có ích chi đâu , nhân vì hai bữa ăn ấy làm cho nhiều kẻ bi ai thảm khóc , cũng vì hai bữa ăn ấy giết hại biết bao nhiêu sinh linh giữa chốn thị trường để thỏa mãn lòng dục vọng , nên không khi nào thoát khỏi đường ác đạo và tránh nẻo luân hồi .

Từ khi Phật pháp truyền bá đạo lý "từ bi bác ái", khiến cho mỗi người nên biết rằng tất cả chúng sinh trong thế giới đều có tánh linh tri linh giác như ta , đều biết ăn biết nói , biết vui biết buồn , nên chúng ta phải thương xót đến , chớ nỡ nào đem lòng sát hại vật mạng để nuôi thân mình .

...

Nói tóm lại , nhờ nàng Lý thị nói trên có thiện căn tu hành mà cảm hóa đến phụ thân thành ra một người chân tu chánh niệm .

Thoảng như ông Lý Ngươn Tôn không thức tỉnh hồi đầu , cứ giữ việc sát sanh hại vật hoài , thì làm sao ra khỏi lưới u minh được , nên truyện này đáng làm gương cho người đời soi để tỏ ngộ , chớ để một kiếp sa chìm thì muôn đời khó thoát .

Nhím Hoàng Kim
08-09-2011, 08:03 PM
TIN PHẬT PHẬT ĐỘ
(Trích trong Tục Tạng Kinh)

Thời xưa , có một người họ Lương , tên là Hồng Mãn ở xứ An Định , thuộc về nước Tàu , sanh nhằm trong một gia đình có lễ giáo , nên tuy còn nhỏ mà tánh tình vui vẻ độ lượng khoan hồng , xử trí mọi việc đều được vừa lòng cha mẹ và thầy bạn cả . Khi chàng được mười lăm tuổi , bỗng phát bệnh tê bại , co rút cả hai chân , cha mẹ của chàng lo thuốc thang điều trị , rước đủ cả bực danh y , mà sự kết quả cũng chỉ là tiền mất tật còn . Hồng Phát bèn phát tâm trì tụng kinh Quán Thế Âm phẩm (Phổ môn) trọn ba năm trời , một lần tinh tấn không giải đãi .

Một đêm nọ , chàng tụng kinh vừa rồi , bỗng thấy có một vị sa môn tay cầm một cái bình , đứng ngay trước mặt chàng mà làm thinh . Hồng Mãng thấy vậy , liền cuối đầu thi lễ và hỏi rằng :

- Bạch Đại Sư ! Chẳng hay ngài ở đâu mới đến và có việc chi cần , xin vui lòng khai thị cho đệ tử biết ?

Vị sa môn ấy đáp lại rằng :

- Vì ba năm nay ngươi có lòng thầm kính , thường kêu gọi danh hiệu của ta , nên ta thân hành đến đây , đặng chứng tấm lòng thành khẩn của ngươi .

Hồng Mãn lóng tai nghe rồi , liền cuối đầu đãnh lễ và hỏi rằng :

- Bạch cùng Đại Sư ! Nếu vậy thì ngài quả là bực phi phàm thị hiện đến đây mà cứu đệ tử . Song chẳng biết kiếp trước đệ tử có tạo ác nghiệp chi , mà đời này phải chịu cái quả báo như vầy , xin Ngài từ bi chỉ giáo cho rõ , đặng đệ tử sám hối .

Vị sa môn ấy nói rằng :

- Đời trước , ngươi hay bắt trói những con vật mà chơi đến dư nghiệp ấy làm cho ngươi kiếp này phải mang bịnh như vậy . Nhưng nhờ ngươi ăn năn sám hối mà tội đã hết rồi , vậy bây giờ ngươi hãy nhắm mắt , đặng ta trị bịnh cho .

Hồng Mãn vân lời , nhắm cả hai mắt lại , thì nghe trên mỗi đầu gối rất đau nhức , dường như sáu bảy mũi đinh đóng vô rồi nhổ ra vậy . Khi đầu gối bớt nhức , Hồng Mãn bèn mở hai mắt ra , đặng có ý cuối đầu lạy tạ , thì không ngờ vị Thánh Tăng đã biến mất . Chàng lại đứng dậy đi thử , thì biết hai chân đã cứng cát , đi đứng như thường . Chừng ấy chàng mới giác ngộ , biết Thánh Tăng đó là Đức Quán Âm thị hiện đến mà ban vui cứu khổ cho mình .

Hồng Mãn thấy sự linh ứng mạc trắc như vậy , lại càng gắng chí tu trì , thề không cưới vợ , quyết bỏ mọi điều vui thú riêng mình . Chàng liền sắm lễ , vào lạy cha mẹ và tỏ ý rằng không muốn lập gia đình như mọi người ở thế . Cha mẹ chàng nghe nói cũng chẳng lấy làm vui , song thấy con đã quyết định , nên phải để cho con được vừa ý nguyện . Từ ấy về sau , Hồng Mãn cứ giữ bổn phận tu tại gia ban ngày thì chăm lo mọi việc , nuôi dưỡng mẹ già , còn ban đêm , thì cứ tụng kinh , ngồi thiền , một mực tin tấn .

Khi cha mẹ đã mãn rồi , thì chàng qua ở Am Thông Thiền Quán , tu tập về môn Thiền Định mà được lãnh ngộ , nên có khi ngồi thiền trọn ba ngày , khi bảy ngày không ăn uống vật chi , mà sắc khí vẫn còn tươi tỉnh .

Qua đầu năm vua Khai Hoàng , Hồng Mãn đến tu tại chùa Cứu Độ , rồi qua niên hiệu Trình Quán thứ mười ba , mới viên tịch , khi ấy chàng hưởng thọ được tám mươi ba tuổi .