PDA

View Full Version : Những Ðiều Tuân Giữ Ðể Sống Trong Tình Yêu Thiên Chúa.



Dan Lee
05-21-2007, 08:17 PM
Những Ðiều Tuân Giữ Ðể Sống Trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Tin Mừng theo thánh Marcô 10, 17-22 Thanh niên giầu có muốn sống đời đời.

1. Trình bày đề tài:

Truyện mở đầu: Con khỏi phải giữ điều răn thứ bốn.

Trong một làng kia, ở bên Italia, có một nông dân rất khô khan nguội lạnh, không sống đạo theo đức tin của mình. Một sáng Chúa Nhật nọ, ông bảo đứa con trai lên 11 tuổi rằng:

- Sáng nay con ra đồng làm việc với ba nhé.

Cậu bé điềm tĩnh trả lời:

- Thưa ba, hôm nay là Chúa Nhật mà !

Người cha ngạc nhiên hỏi lại:

- Chúa Nhật thì sao chứ ? Bộ Chúa Nhật không làm việc được hả ? Ý con thế nào?

- Thưa ba, con muốn nói là có giới răn thứ 3 Chúa dậy phải thánh hoá ngày Chúa nhật, phải cầu nguyện và nghỉ ngơi trong ngày này.

Nghe vậy, người cha bực tức gắt lên:

- Giới răn cái quái gì ! Các giới răn là để cho mấy đứa con nít kia. Còn mày đã lớn rồi, đâu cần nữa !

Một ý tưởng lóe lên trong trí, cậu bé nhanh nhẩu thưa lại:

- Thưa ba, nếu ba nói vậy thì con không phải tuân giữ các giới răn của Chúa nữa. Ðiều đó cũng có nghĩa là con khỏi phải giữ giới răn thứ bốn: Chúa dậy phải vâng lời cha mẹ !

Người cha đành im lặng, không biết phải trả lời làm sao, và ông không bắt đứa con ra đồng làm việc nữa. Trong bụng, ông thầm nghĩ là con mình có lý !. (Trích cuốn Góp nhặt 4, số 280)

1. 1. Ðiều kiện để sống muôn đời:

- "Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sống muôn đời? Nếu anh muốn được sống, hãy giữ các Giới răn" (Mt 19,16-17).

- Như đường phố cần đèn lưu thông và bảng stop để giữ an toàn cho hành khách, đường về trời cũng cần các giới răn để con Chúa an toàn tới đích.

Ðạo Ðức Chúa Trời có mười điều răn

Thứ nhất thờ phượng một Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự (GlCg92 số 2083-2141)

Nhờ điều răn này, người ta không thờ cúng tà thần, nhưng thờ Chúa chân thật.

Ðiều răn này đòi buộc: Tin, cậy, kính mến một mình Thiên Chúa, tôn kính Ðức Mẹ Maria và các Thánh là những con cái yêu dấu của Chúa.

Vài điều thực tế:

a/ Ðôi hôn nhân, cử hành lễ hôn phối trong nhà thờ, rồi tới chùa lạy Phật để làm vui lòng bên cha mẹ cô dâu hoặc chú dể bên đạo Phật được không?

Nguyên tắc: "Chỉ thờ Một Chúa, nhưng "khi cần có những cử chỉ, thái độ, lễ nghi có tính cách thế tục, xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, thì được tham dự và thi hành cách chủ động" (Thông cáo của bảy Giám mục VN ngày 14.11.74 tại Nha Trang). Vào chùa lạy Phật, nằm ngoài Thông cáo này, chỉ được tham dự cách bất đắc dĩ, và thụ động. Sách Giáo lý Công giáo 92 viết:"Ðiều răn thứ nhất cấm không được tôn kính thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa độc nhất" (GlCg92 số 2110).

b/ Có được coi chỉ tay, coi bói, xin xăm, nhờ thầy giải bùa không?

Nguyên tắc: "Tất cả những hình thức bói toán đều phải được loại bỏ: như nhờ đến Satan hoặc ma quỉ, gọi hồn người chết, hoặc các cách thực hành giả tạo khác: tra cứu tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, phân tích điềm trời, gieo quẻ, đồng cốt, để thấy tương lai". (GlCg92 số 2116).

c/ Khi nào phạm tội Ðiều răn thứ Nhất?

Nguyên tắc: Phạm tội điều răn thứ nhất "Khi không thờ Chúa (vô thần), thờ Chúa giả dối (tà thần), thờ cách giả dối (dị đoan), thờ mà không tin, không cậy (tự phụ, thất vọng) không kính mến Chúa (giận ghét, phạm thánh) bên trong bên ngoài".

1.2. Ðiều răn Hai: (GlCg92 số 2142-2167)

Nhờ điều răn này, ta biết tôn vinh Danh Chúa cho phải đạo.

Ðạo Chúa không cấm kêu Danh Chúa cách kính trọng, mà còn khuyên cầu khẩn Danh Ngài.

Vài điều thực tế:

a/ Khi nào kêu Tên Chúa vô cớ thì có tội? Kêu Giêsu Maria. . .có tội không?

b/ Khấn mà không giữ được thì sao?

Nguyên tắc: "Người ta phạm điều răn thứ hai khi sử dụng Danh Chúa cách bất xứng, phạm thánh, thề gian" (GlCg92 số 2162-63).

1.3. Ðiều răn Ba: (GlCg92 số 2168-2195)

a) Nhờ điều răn này, ta được nghỉ ngơi phần xác để hưởng "ngày của Chúa".

b) Ðiều răn này dạy:

1o) Dự thánh lễ (GlCg92 số 2180). Giáo hội muốn ta dự Thánh lễ các Chúa Nhật và Lễ Trọng cách ý thức, tự tình (để kính nhớ sự chết và sống lại của Chúa Kitô, để thờ phượng, tạ ơn, xin lỗi, và xin ơn cần thiết cho mình).

2o) Kiêng việc xác nặng, (để vun trồng đời sống tôn giáo, gia đình, xã hội) (GlCg92 số 2184).

* Vài điều thực tế:

a) Khi nào được miễn dự lễ?

Nguyên tắc luân lý: "Luật buộc, không buộc nữa, khi gặp bất tiện nặng".

Khi có lý do quan trọng như bị bệnh, chăm sóc trẻ sơ sinh. . .được chủ chăn của mình miễn chuẩn cho mình (GlCg92 số 2181), không có xe đi lễ, hỏng xe bất ngờ, đi đường xa nhỡ giờ lễ. . . thì không buộc đi dự lễ. Giáo lý khuyên (GlCg92 số 2183) "Hãy đọc kinh cầu nguyện trong một thời gian thích hợp" để bù lại (chẳng hạn: Ðọc mấy chục kinh Kính mừng hoặc đọc Kinh Thánh mươi phút và cầu nguyện)đ.

b) Khi nào được miễn kiêng việc xác? (GlCg92 số 2185-88)

Nguyên tắc: "Khi có những chuyện khẩn cấp hoặc lợi ích của gia đình, xã hội, thì không buộc kiêng việc xác, nhưng đừng để thành thói quen".

Không nên tham lam, tự ý làm những việc xác nặng nhọc, làm lấy tiền hoặc ngăn cản người khác giữ ngày của Chúa. Trái lại, nên dùng thời giờ ngày nghỉ để cầu nguyện, làm việc thiện theo tinh thần bác ái tông đồ.

1.4. Ðiều răn Bốn: (GlCg92 số 2197-2257)

Nhờ điều răn này, ta thực hiện công bằng với những ai ta có bổn phận:

a) Con cái phải yêu mến, kính trọng, giúp đỡ cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. - Cha mẹ sinh, dưỡng, dạy con theo luật Chúa.

Người Việt rất trọng đạo hiếu:

- Sống Tết, chết giỗ.

- Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

- Thờ cha kính mẹ trước sau,

Anh em hoà thuận mới hầu làm nên,

Vợ chồng đạo nghĩa cho bền,. . .

b) Tôn kính thầy dạy, người có quyền hành trên cộng đoàn.

* Vài điều thực tế:

a) Khi nào phải vâng lời cha mẹ? - Khi còn ở với cha mẹ, phải vâng lời những điều tốt.(GlCg92 số 2217)

b) Khi nào phải giúp đỡ cha mẹ? - Khi có thể, sống tết chết giỗ, giúp xác, giúp hồn.

c) Ðiều răn Bốn cũng buộc cha mẹ sinh, dưỡng, dạy dỗ con cái nên "con người" và nên "con Chúa" thầy cô với học trò chính quyền với công dân chủ nhân với thợ thuyền.

d) Ngoài ra, phải tôn trọng phẩm giá những người ngoại quốc, không kì thị mầu da, giai cấp. . .

1.5. Ðiều răn Năm: (GlCg92 số 2258-2330).

Nhờ điều răn này mạng sống ta và mạng sống tha nhân được bảo vệ.

Giáo hội Công giáo tôn trọng mạng sống con người "từ khi còn nằm trong lòng mẹ cho tới khi chôn vào lòng đất", vì "sinh mạng con người là thánh thiêng, thuộc quyền Chúa".

* Vài điều thực tế:

a) Phá thai: "Phá thai là phạm tội ác nặng nề" (Công đồng Vatican II). Phá thai mắc tội và mắc vạ.

b) Tự sát cũng là tội nặng và gây gương xấu.

Nguyên tắc: "Con người không có quyền trên mạng sống mình và người vô tội".

c) Vô điều độ: lạm dụng ăn uống, rượu chè, thuốc hút, thuốc uống, lái xe khi say rượu, ham lái xe quá lẹ gây nguy hiểm tính mạng người cùng xe, sử dụng hay buôn bán ma tuý.

Người Việt thường nói:

Mạng sống quý hơn đống vàng.

Nhưng được phép:

a) Tự vệ cứu mình, nhất là những ai có nhiệm vụ với gia đình, công ích (GlCg92 số 2265), dù gây cái chết cho kẻ thù đang xông đánh.

b) Tặng các phần cơ thể của mình sau khi đã qua đời (GlCg92 số 2301).

1.6. Ðiều răn Sáu: (GlCg92 số 2331-2400):

a) Nhờ điều răn này, năng lực và phái tính mỗi người được tôn trọng.

b) Ðiều răn này cấm nghe, nói, làm sự tà dâm (bên ngoài).

* Vài điều thực tế:

a) Giáo hội không chấp nhận sống chung như vợ chồng trước khi lãnh Bí tích Hôn phối,

b) Tình chung thuỷ vợ chồng không chấp nhận "ngoại tình".

c) Những lỗi phạm trong hôn nhân: - "Mọi hành động trước, trong hay sau khi giao hợp nhằm cản trở truyền sinh là xấu".

d) Tặng tinh hay trứng, mua bán tinh hoặc trứng, mang thai mướn. . . đều là những hành vi phạm luân lý trầm trọng.

Ðôi hôn nhân nên cùng nhau giữ gìn trinh tiết chờ ngày thành hôn để được Chúa chúc phúc:

Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ,

Ðôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.

1.7. Ðiều răn Bảy: (GlCg92 số 2401-2463)

a) Nhờ điều răn này, của cải của ta và tha nhân được tôn trọng.

b) Ðiều răn này cấm lấy của cải tha nhân bất công (bên ngoài).

* Vài điều thực tế:

Những hình thức lỗi phạm:

a) Lấy của cải của người, đầu cơ trục lợi, buôn bán "cắt cổ" khách hàng

b) Giữ của cải của người mà không trả

c) Trốn thuế

d) Gian lận khi trao đổi.

Về điểm này, cha ông ta dạy:

Tham chi những của phù vân,

Lỡ ra công nợ nhiều phần xấu xa.

Ðức công bằng của đạo Chúa buộc khi đã chiếm đoạt của cải người ta cách bất công, phải xưng tội và sau đó phải đền trả.

1.8. Ðiều Răn Tám: (GlCg92 số 2464-2513)

Nhờ điều răn này, ta sống trong sự thật.

* Vài điều thực tế:

a) Nói dối để lừa đảo

b) Làm chứng gian dối

c) Không giữ lời thề, hứa

d) Ðoán xét càn làm hại tha nhân

đ ) Nói xấu, vu khống.

Mọi lỗi phạm danh giá đều phải đền trả theo lương tâm. Cha ông ta thường khuyên con cháu:

- Ăn mặn nói ngay, Còn hơn ăn chay nói dối.

- Một điều nói dối, sám hối bảy ngày.

1.9. Ðiều Răn Chín: (GlCg92 số 2514- 2533)

Nhờ điều răn này, tâm hồn được thanh sạch.

Ðiều răn này cấm ước muốn tà dâm (bên trong).

* Vài điều thực tế:

a) Phim ảnh, sách báo xấu dễ đưa đến ước muốn tà dâm

b) Mặc hở hang dễ khêu gợi lòng dục tha nhân.

1.10. Ðiều răn Mười: (GlCg92 số 2534- 2557)

Nhờ điều răn này, tâm hồn thanh thoát khỏi tham lam của cải trần gian.

Ðiều răn này cấm ước ao chiếm đoạt của người (bên trong).

* Vài điều thực tế:

a) Ước ao chiếm đoạt của cải tha nhân

b) Ghen tương tha nhân giầu có hơn mình.

Nên tập sống quảng đại, khiêm tốn, sống phó thác, mong giầu ơn đức trong Chúa.

1.11. Ðiều Răn Hội Thánh (GlCg92 số 2041 - 2043)

Giáo hội đặt thêm một ít điều, và chỉ buộc những người Công giáo đã đến tuổi khôn, thường từ 7 tuổi trở lên phải giữ (GL 11).

1.11.1. Dự lễ ngày lễ buộc:

Tại Hoa Kỳ, tín hữu sẽ đi dự thêm sáu (6) lễ sau: 2 lễ kính Chúa: Lễ Chúa Giáng sinh (25/12), lễ Chúa Lên Trời (thứ 5/5) 3 lễ kính Ðức Mẹ: Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1), lễ Mẹ Lên Trời (15/8), lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội (8/12) 1 lễ kính các Thánh (1/11).

(Khi dự lễ Chúa nhật, bạn sẽ được nhắc bảo, hoặc đăng trong tờ Thông tin giáo xứ, cộng đoàn về các lễ này. Theo thói quen bên Hoa Kỳ: không buộc kiêng việc xác nếu Lễ buộc rơi vào ngày thường trong tuần).

1.11.2. Xưng tội một năm ít là một lần.

Ðể thuận tiện rước lễ Mùa Phục sinh, giáo dân thường xưng tội vào Mùa Chay. Nhiều người có thói quen tốt, xưng tội Mùa Vọng để đón mừng Chúa Giáng sinh, và xưng tội Mùa Chay để đón mừng Chúa Phục sinh, và còn xưng đôi ba lần nữa trong năm. Dù chỉ có tội nhẹ, Giáo hội vẫn khuyên nên xưng để linh hồn được nhiều ơn qua Bí tích này (GL 988, 2).

1.11.3. Rước lễ (Mình Thánh Chúa) trong mùa Phục sinh:

Mùa Phục sinh theo lịch Phụng vụ được tính từ Lễ Chúa Phục sinh tới lễ Chúa Thánh Thần xuống. Theo Luật Giáo hội hiện hành, nếu vì lý do chính đáng, không rước lễ trong Mùa Phục sinh được, có thể rước lễ vào mùa khác trong năm (GL 920).

1.11.4. Giữ chay, kiêng thịt những ngày Hội Thánh dạy (mục đích là thống hối, hãm mình) (GL điều 1252):

1. Giữ chay: Ngày giữ chay Công giáo là ngày chỉ ăn một bữa no, còn một hay hai bữa kia ăn lơ lửng, bụng còn đói.

Luật Giáo hội hiện nay chỉ buộc giữ chay và kiêng thịt ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần thánh.

Luật giữ chay buộc các người Công giáo từ 18 tuổi tới bắt đầu 60 tuổi (GL điều 1252), trừ những người yếu đau bệnh nạn, bà mẹ nuôi con thơ, người lao công nặng nhọc.

2. Kiêng thịt: Tại Hoa Kỳ, chỉ phải kiêng thịt các thứ Sáu trong Mùa Chay. Ngày hôm đó không được ăn thịt các loài máu nóng nhưng được ăn mỡ, nước thịt (broth), trứng, sữa, các đồ gia vị.

Luật kiêng thịt buộc người Công giáo từ 14 tuổi trở lên tới chết, không giới hạn (GL điều 1252), trừ những bệnh nhân không thể ăn thứ khác, hoặc bệnh viện chỉ cho ăn thịt.

1.11.5. Ðóng góp công, của xây dựng Giáo hội, làm việc bác ái, tông đồ (GL điều 222).
Câu hỏi ôn:

1. Ðiều răn 1 dạy gì và cấm gì? (1,1).

2. Giáo hội muốn ta dự các lễ Chúa nhật và các lễ trọng thế nào? (1,3).

3. Ðiều răn 4 buộc con cái đối với cha mẹ thế nào và ngược lại? (1,4).

4. Phân biệt Ðiều răn 6 và 9 (1,4 1,9).

5. Phân biệt Ðiều răn 7 và 10 (1,7 1,10).

6. Sau khi xưng tội Ðiều răn 7 và 8 còn phải làm gì? (1,7 và 1.8.).

7. Kể 6 lễ buộc tại Hoa Kỳ (1,11,1).

Ðề nghị:

* Mỗi người lần lượt đọc kinh Mười Ðiều răn hoặc kinh sáu Ðiều Răn.

Bài Ðọc Thêm

Giáo Hội Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh

"Bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về tình yêu bền vững và quảng đại, họ xây dựng đức ái huynh đệ, họ trở nên dấu chỉ tình yêu Chúa Kitô đối với Giáo hội, Hiền Thê Người.

"Bậc quả phụ và độc thân cũng nêu lên một gương tương tự: họ có thể góp phần không ít vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo hội.

"Những người thường làm lụng vất vả, công việc của con người phải là phương thế để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật và sau cùng, hân hoan trong niềm hy vọng và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với đức ái sống động, họ phải noi gương Chúa Kitô, Ðấng đã làm việc tay chân và không ngừng cùng với Chúa Cha đem ơn cứu độ cho mọi người và nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ.

"Ước gì những người chịu đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác, bị bách hại vì sự công chính, cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Ðấng đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới, vì trong Phúc Âm Chúa đã tuyên bố họ là người có phúc. . ." (GH 41).

Biên soạn: Lm. Đoàn Quang Báu, CMC