PDA

View Full Version : LÝ DO LÀM TAN VỠ HẠNH PHÚC CỦA HÔN NHÂN



Dan Lee
05-22-2007, 08:32 PM
LÝ DO LÀM TAN VỠ HẠNH PHÚC CỦA HÔN NHÂN

Bức tranh hôn nhân mà chúng ta vừa phác họa ở chương "HẠNH PHÚC HÔN NHÂN THEO HỮU LÝ TÌNH CẢM" trên cho thấy rằng hạnh phúc hôn nhân là những gì ta có thể đạt được. Hoặc những rạn nứt và đổ vỡ trong hôn nhân cũng là những gì có thể giải quyết và hàn gắn được. Nhận xét này không những chỉ dựa theo kinh nghiệm cá nhân, mà còn được căn cứ trên kết quả của những trường hợp trị liệu tại các văn phòng tâm lý, cũng như khả năng tìm hiểu và chấp nhận trị liệu của nhiều cặp vợ chồng.

Hầu hết các trường hợp khủng hoảng và đỗ vỡ của hôn nhân đều do chính mỗi người gây ra. Những bất ổn đó thường xẩy ra theo một tiến trình như sau:

TRẠNG THÁI BẤT ỔN:

Sự bất ổn hay gọi là khó chịu, bực dọc trong đời sống tâm lý thường đem đến những rối loạn tinh thần, và bất ổn tâm trí.

Hậu quả của sự rối loạn này, thường tạo nên nỗi hoang mang, lo lắng có ảnh hưởng tới trí phán đoán. Trong những lúc tâm trí căng thẳng và mất quân bình, ít khi ta nhận ra mình là ai. Kết quả của nhiều cuộc khảo cứu về đời sống hôn nhân cho thấy, đa số các vụ ly dị của đàn ông là ở vào trường hợp bất ổn này. Ngoài ra, triệu chứng bất ổn còn tạo nên những cảm nghĩ nôn nao, khó chịu, bực tức, ít nói, bẳn gắt, và chán nản. Sự dồn nén nếu kéo dài sẽ có thể trở thành tâm bệnh. Nhưng trong thực tế, hầu hết những trường hợp như thế, người ta đều từ chối nhận mình có những bất ổn và cần được giúp đỡ.

TRẠNG THÁI TỰ TY MẶC CẢM:

Khi đã không nhận ra mình, không chấp nhận sự thật nơi mình, người ta thường hành động bất nhất. Điều này khiến cho chồng hay vợ họ rất khó chịu.

Vì không nhận ra sự sai trái của mình, nhiều người đã phản ứng ngược chiều và tiêu cực, bằng cách cho rằng chồng hoặc vợ không hiểu họ, hay cố tình coi thường họ. Hậu quả là người đó tự ý lui vào cô đơn, và tách biệt họ với xã hội bên ngoài.

Tình trạng trên sẽ đưa đến thái độ chối bỏ chính mình (Self-refusal). Hành động thường mang tính cách giả dối, che đậy, và miễn cưỡng. Thí dụ, hôn miễn cưỡng, ái ân miễn cưỡng, nói cười miễn cưỡng. Trong hành động có tính cách che đậy và miễn cưỡng này, người vợ tuy để bụng giận dỗi chồng, nhưng bề ngoài làm bộ như không có gì xẩy ra. Hoặc tương tự, người chồng rất bực bội với vợ đến độ có những tư tưởng và hành động ngoại tình, nhưng lại đóng kịch ái ân và chiều chuộng vợ.

Vì phải sống giả tạo với mình, nên người ta phải tự bao che mình bằng mặc cảm tự ty, vì không đủ tự tin để đối diện với thực tế. Trong đời sống hôn nhân, thực tế là những khó khăn, vất vả, những rắc rối thường ngày trong cuộc sống, những khác biệt về tính tình và cách thức cư xử với nhau giữa hai vợ chồng.

Nhiều người sau một thời gian dài trở thành mục tiêu chống đối và thế thủ, đã trở nên mệt mã, chán chường, rồi buông xuôi. Những công việc thường ngày của đời sống dần dần trở thành sức nặng đè bẹp họ. Trong hoàn cảnh như thế, chỉ cần một lời nói, một hành động nhẹ nhàng của một người khác không phải chồng hay vợ họ, là họ có thể bị rơi vào cám dỗ, và hư hỏng. Hạnh phúc hôn nhân của họ bắt đầu bị phá hủy ngay sau những yếu đuối này.

TRẠNG THÁI DỒN NÉN:

Kết quả của sự bất ổn trong tâm trí và thái độ sống thiếu tự tin và thiếu trung thực với chính mình, dần dà đưa tới tâm bệnh. Bắt đầu là những uẩn ức, buồn bực, chán chường, về tâm lý. Về thể lý, nhiều người cảm thấy nhức đầu, kém ăn, mất ngủ, hoặc lở loét dạ dầy. Nữ giới thì thêm triệu chứng kinh nguyệt thồi sụt bất thường. Những yếu tố này sẽ dần dần làm cho con người bị kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần.

Trong nhiều trường hợp, tâm trí bị dồn nén và căng thẳng quá còn tạo nên những ảo tưởng, ảo giác gây ra sự hoảng sợ, và hoài nghi tất cả mọi chuyện. Nhiều người phải mang dao hoặc súng vào giường ngủ vì nghĩ rằng vợ hoặc chồng sẽ giết họ, hoặc sẽ có tình địch đến ngủ chung với vợ hay chồng họ. Do quẫn bách về tâm trí, và do cuộc sống quá mệt mỏi, quá chán chường, một số người đã đi tìm cái chết để kết liễu cuộc đời.

Nhưng nếu bình tĩnh phân tích một cách tỷ mỷ về những trường hợp rạn nứt và khủng hoảng trong hôn nhân, ta nhận thấy có rất nhiều lầm lẫn thường ngày trong đời sống hôn nhân giữa hai vợ chồng đến từ những cái nhỏ nhoi hầu như vô nghĩa. Thí dụ, nồi cá kho mặn, hay bức tranh treo trên tường cao hoặc thấp một chút!

Nồi cá kho mặn có thể là hợp với khẩu vị của người kho, hoặc cũng có thể là hôm đó tra mắm, muối quá tay. Cũng thế, bức tranh treo cao hơn một chút có thể là người treo muốn cho cân đối với toàn bộ những bức tranh khác trong nhà. Hoặc có ý treo thấp xuống một chút để người xem được dịp thưởng thức những nét vẽ tinh vi và sự hòa hợp mầu sắc tuyệt đẹp của nó.

Điểm căn bản ở nồi cá kho là sự quá tay khi tra nấu, hoặc người nấu có tính thích ăn mặn. Tương tự như vậy, bức tranh treo cao hay treo thấp một chút là do chủ ý người treo muốn đề cao giá trị của bức tranh hoặc muốn tìm sự cân đối, hòa hợp cho toàn bộ khung cảnh trong nhà. Do đó, nếu chỉ giải quyết vấn đề bằng cách đặt ra những nghi vấn theo ý của một người, mà không tìm hiểu lý do hành động của người khác, có khác chi đem những chuyện vô lý làm thành có lý để cho đời sống hôn nhân ngày thêm mất hạnh phúc. Nhưng chính do những cái nhỏ nhoi này đã trở thành to tát đến nỗi có thể làm hư hại, hoặc phá vỡ tòa nhà hạnh phúc của nhiều cặp vợ chồng; nhất là khi nó được tích tụ lại từ nhiều ngày, nhiều tháng, hoặc nhiều năm. Những cái mà theo Eric Berne diễn tả trong Phân Tích Truyền Động (Transactional Analysis), như những trò chơi người ta chơi với nhau (games people play).

Theo Hữu Lý Tình Cảm Trị Liệu (Rational Emotional Therapy) của Albert Ellis thì mọi lời nói, cử chỉ, và hành động của mỗi người đều phát xuất từ một hệ thống tin tưởng (Belief system). Nó là những ý niệm cố định thường được gắn liền với văn hóa, tập quán và những nguyên tắc sống của mỗi cá nhân, gia đình, một nhóm người, hay cả một chủng tộc. Hệ thống tin tưởng này được coi như những gì Albert Ellis đã hoàn chỉnh, sau khi san định và ứng dụng những tư tưởng thuộc chiều sâu của tâm linh mà Sigmund Freud đã khai triển khi nói về Siêu Ngã (Superego) trong hệ thống phân tâm học. Theo đó, con người được cấu tạo trên ba căn bản chính: Id, Ego, và Superego.

- Id: Tượng trưng cho bản năng con người, hoàn toàn có tính cách sinh vật học, và được hướng dẫn do bản năng. Nó hình thành ngay trong những bước đầu của cuộc sống một người.

- Ego: Tượng trưng cho cái tôi - bản ngã - con người tự nhiên. Cái tôi của người này khác với cái tôi của người kia. Nó phát hiện lúc em nhỏ được 6 tháng.

- Superego: Tượng trưng cho khả năng tâm linh và lý trí. Nó duy trì và chỉ huy sự quân bình giữa những gì thuộc bản năng và bản ngã của một người, ngay từ khi một em bé được khoảng 3 hay 4 tuổi. Thí dụ, khi ta bị đói, thì bản năng cho biết dạ dầy bị cào cấu. Lý trí cho biết mình phải đi tìm đồ ăn cho khỏi đói. Nhưng tâm linh siêu hình cho biết mình phải dùng phương pháp nào để tìm, và đồ ăn nào để ăn cho xứng hợp và phải lẽ.

Do sự giằng co và tranh chấp giữa bản năng, tự nhiên, và tâm linh. Do sự điều hợp thiếu chặt chẽ và nhịp nhàng giữa ba căn bản trên mà con người gặp phải những dồn nén, căng thẳng và tâm bệnh.

Nhưng cũng chính do khả năng mãnh liệt của niềm tin khi đã cố định, mà con người thường có ý nghĩ cho rằng mình đúng, còn người khác sai. Trong đời sống hôn nhân, nếu những tư tưởng đó luôn diễn ra mỗi ngày, sẽ tạo nên những cuộc cãi vã, tranh luận, và có khi đưa tới ẩu đả giữa hai vợ chồng. Một bên cho mình là đúng, còn bên kia cho là sai. Cứ thế, những quan niệm về đúng hay sai kia luôn luôn xoay quanh một chủ đề là tư tưởng của mình đúng, hợp thời, khách quan, và phải được tôn trọng, chấp nhận. Ngược lại, tư tưởng của người khác là sai trái, bất định, và cần phải loại bỏ.

Hãy tạm giả thiết cho rằng người vợ hoặc người chồng trong mọi trường hợp đều là những người bình thường, thiện chí, không có những tình ý ngang trái và vụng trộm, phục thiện, không có chủ ý xấu muốn làm hại vợ hay chồng mình, muốn giải hòa, và muốn dàn xếp ổn thỏa những tranh chấp, những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng hệ thống tin tưởng, hoặc có thể nói thành kiến hay thiên kiến kia luôn là nguyên nhân gây nên những hậu quả tương phản.

Để giải quyết những khó khăn trên, và để đem lại mức sống tâm lý bình thường, khoa tâm lý học có thể kê ra ít nhất 12 phương pháp trị liệu, từ phương pháp Phân Tâm của Sigmund Freud, đến các phương pháp của các trường phái khác trong tâm lý như Hướng Nhân Trị Liệu (Client Centered Therapy) của Carl Rogers, hay Thực Tại Trị Liệu (Reality Therapy) của William Glasser. Mỗi phương pháp hoặc trường phái đều nhấn mạnh đến một khía cạnh bén nhậy, phức tạp và phong phú của tâm lý của con người. Tuy nhiên như đã đề cập từ đầu, việc ứng dụng phương pháp Hữu Lý Tình Cảm sẽ được đặc biệt nhấn mạnh và khai triển trong sách này.


Trần Mỹ Duyệt