PDA

View Full Version : Thứ khí giới của người chiến sĩ Đức Kitô



Dan Lee
06-02-2007, 11:13 AM
Thứ khí giới của người chiến sĩ Đức Kitô


Từ khi mỗi người Kitô hữu chúng ta mang trên mình dấu ấn làm con Chúa, làm môn đệ Đức Kitô và làm thành viên của Giáo Hội Người qua phép Thánh Tẩy, chúng ta đương nhiên trở thành những người chiến sĩ của Đức Kitô, để chiến đấu cho Nước Trời, cho vinh danh Thiên Chúa và cho Giáo Hội của Người.

Nhưng đã là người chiến sĩ thì chúng ta cần phải can đảm và hăng hái xung phong vào trận. Loại « lính kiểng » không thể được gọi là chiến sĩ. Một khi lên đường xung phong vào trận, chúng ta không thể ra đi bằng tay không được, nếu chúng ta không muốn nộp mạng cho địch. Trái lại chúng ta cần phải trang bị cho mình đủ mọi thứ khí giới tốt cần thiết, hầu mong dành được chiến thắng cuối cùng. Và nếu trận chiến càng rộng lớn và càng căm go khó khăn thì khí giới của chúng ta càng phải nhiều và nhất là càng phải tốt và thực dụng.

Nếu chúng ta là những chiến sĩ của Đức Kitô và chúng ta chiến đấu cho Người, cho Giáo Hội, cho một Trời mới và một đất mới, chúng ta cũng phải sử dụng chính khí giới của Đức Kitô và chiến đấu theo kiểu Người đã chiến đấu. Trường hợp chúng ta tự khẳng định là chúng ta chiến đấu cho Đức Kitô và cho Giáo Hội của Người, nhưng chúng ta lại không sử dụng các khí giới của Người và không chiến đấu theo cách thức và phương pháp của Người, thì chúng ta đang chiến đấu cho ai khác, chứ không phải chiến đấu cho Đức Kitô và cho Giáo Hội.

Qua các cuộc chiến, người ta đã cho chúng ta một kinh nghiệm là khi nhìn vào khí giới mà người chiến binh đang sử dụng, người ta biết ngay được rằng người đó đang chiến đấu ở phía nào hay thuộc về phe nào. Cũng vậy, sự việc chúng ta sử dụng khí giới của Đức Kitô hay không, chính nó đã nói lên rằng chúng ta đang đứng về chiến tuyến nào và đang chiến đấu cho ai, chứ lời khẳng định của chúng ta không đủ khả năng thuyết phục được.

Đến đây, có lẽ một câu hỏi mà các bạn đang muốn đặt ra là : Khí giới của Đức Kitô là gì và cách thức Người chiến đấu như thế nào ?

Dĩ nhiên câu trả lời không thể do chúng ta suy diễn ra được, nhưng là chính những lời do chính Đức Kitô đã phát biểu, mà chúng ta có thể tóm tắt lại trong bốn chữ : Hòa giải và yêu thương !

Đúng vậy, khí giới của Đức Kitô là :

• Tình yêu thương : « Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu các con. Vì chỉ qua tình yêu thương thiên hạ mới biết các con là môn đệ của Thầy » (Ga 13,34-35);

• Lòng nhân hậu và khiêm nhu (x Mt 12,29);

• Luôn luôn biết tha thứ (x. Mt 18,21-22);

• Không thù hằn ghen ghét (x. Mt 5,43; 21-26);

• Dĩ hòa vi quý (x. Mt 10,23);

• Luôn luôn biết yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ (Lc 6,27-28).

Đó chính là những vũ khí chuyên biệt của Đức Kitô mà các Kitô hữu chúng ta – dù muốn hay không – chúng ta cũng phải sử dụng, nếu chúng ta muốn chiến đấu cho Người, cho chân lý của Nước Trời và cho Giáo Hội.

Trong khi đó, ngược lại :

• Hận thù, ghen ghét;

• Đố kỵ, vu khống, đổ vạ cáo gian;

• Cao ngạo, hiếu thắng, hiếu chiến;

• Khiêu khích, phá đổ, v.v…,

hoàn toàn không phải là vũ khí của Đức Kitô. Và dĩ nhiên, ai sử dụng những thứ khí giới đó để chiến đấu cũng hoàn toàn không đứng về một chiến tuyến với Đức Kitô và người đó chiến đấu cho ai, chứ chắc chắn không chiến đấu cho Đức Kitô hay cho Giáo Hội Người.

Vậy, mỗi người Kitô hữu trong chúng ta khi muốn biết mình đang đứng về chiến tuyến nào và đang chiến đấu cho ai - cho Đức Kitô và cho Giáo Hội của Người hay chống lại Người và Giáo Hội - chúng ta chỉ cần nhìn vào thứ vũ khí chúng ta đang sử dụng và nhất là thành thật nhìn thẳng vào lòng mình để biết mình đang chiến đấu bằng tinh thần nào.

Nếu một khi chúng ta khám ra rằng mình đã sử dụng sai khí giới và như thế đã chọn sai chiến tuyến, nghĩa là thay vì chiến đấu cho Đức Kitô và cho Giáo Hội Người, chúng ta lại chiến đấu chống lại Người và Giáo Hội, thì một sự lựa chọn tích cực duy nhất còn lại là buông bỏ những thứ khí giới không phải của Đức Kitô đó khỏi tay và hãy can đảm quay trở về với Người trong lòng Mẹ Giáo Hội. Vì ngoài con đường đó ra, tất cả các lối đi khác, tuy đang mở rộng trước mắt chúng ta, nhưng lại chỉ là những ngõ cụt, không lối thoát, nếu không nói là những lối đi dẫn chúng ta đến một cuộc đời bất hạnh : Truớc hết là lương tâm dằn vặt cắn rứt, mất sự an bình nội tâm, mất niềm vui trong tâm hồn và sau cùng là mất ơn nghĩa Chúa.

Nguyện xin Chúa Thánh Linh tác động trong mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn biết chiến đấu cho Đức Kitô và cho Giáo Hội với chính các khí giới của Người, là : Lòng yêu thương, tinh thần hòa giải, tinh thần khiêm tốn, nhân hậu, và với cả tâm tình cầu nguyện.

Lm Nguyễn Hữu Thy