PDA

View Full Version : Qua cầu nhớ người - Nguyễn Ngọc Tư



quachtinhdaica
06-06-2007, 11:27 PM
Qua cầu nhớ người
Nguyễn Ngọc Tư

Chiếc sà lan chở người, vật liệu, máy móc đi xây dựng chiếc cầu bắc qua sông Dài chiều nay đến Đội Đỏ rồi. Những đứa nhỏ vừa chạy vừa la dài xóm, "Làm cầu! Làm cầu! Má ơi má!". Những cơn gió tháng Sáu đã làm cho tiếng reo đó bay xa, ai nấy đều nhổm đít ngồi dậy, bưng chén cơm lưng mà lòng vui tớ mở, trời đất ơi, thiệt hả, thiệt là Hai Nhớ dẫn thợ về xây cầu? Có người chạy lại nhà một bà má ăn trầu môi đỏ như son, đứng ở cửa vỗ đùi cái đét, "tôi biết lắm mà, hồi nào giờ thằng con chị nói là làm, nhắn với nó, cả Đội Đỏ này mang ơn nó". Má cười miệng ờ ờ, "vậy hả, vậy hả" rồi nhìn đám công nhân xây dựng đang đứng lúp xúp dưới bến sông nhà mình, xớ rớ đứng ngồi, không biết mình đang vui hay buồn, cái rõ ràng nhất mà má cảm nhận được, nhà ta, con ta đã làm một chuyện động trời, bắc cầu qua sông Dài.

Đoạn sông Dài chảy qua Đội Đỏ không rộng lắm, nghe nói hồi chống Mỹ bộ đội bắc được cây cầu dừa tám nhịp để hành quân qua đánh chi khu Đồng Rạ. Được chừng mười ngày thì bị máy bay đánh sập, từ đó tới giờ, giữa đôi bờ đi lại chỉ nhờ chiếc đò ngang, chèo xuôi ngược cà tịch cà tang, bữa vui thì chèo khuya, bữa buồn chú Xái nghỉ sớm (độc quyền mà). Người Đội Đỏ nóng ruột quá. Lại Ủy ban xã thì nghe báo là chưa có kinh phí, cây cầu quy mô vầy, phải chờ tiền ở trên rót xuống, chớ xã nghèo quá. Dân bàn hay là để dân đóng góp lãnh đạo xã cười hỏi, "nhiều lắm, góp nổi không?" rồi quảy cây vợt đi đánh tennis (chớ để sân không, đóng rêu hết còn gì).

Nhưng mơ ước về một cây cầu vẫn âm ỉ trong lòng của nhiều người Đội Đỏ, những người chiều chiều ra bờ sông để nhớ nhau.

Anh Hai với anh Năm, con của bà má ăn trầu cũng hay ra ngồi uống rượu ngoài bến. Má rầy anh Hai bày đầu cho anh Năm làm chi, mới hai mươi mốt tuổi đầu đã tập tành rượu chè, anh Hai cười, "Ngồi ngoài này gió quá, uống chút ít cho ấm bụng, má coi, con với thằng Hiệp có bao giờ say đâu". Má cắc cớ hỏi chơi (vì trong bụng đã có câu trả lời), "Ngoài này gió sao không vô nhà?". Anh Hai, anh Tư chỉ lặng lẽ cười cười, không nói, ngó qua bên kia bờ sông Dài.

Bên đó là chợ Đội Đỏ. Những đêm không trăng ánh đèn loang sáng cả trời bên này, đèn trong sân tennis trước Ủy ban xã, đèn treo trên cây cột điện cao dựa bến đò đèn từ dãy hàng quán ven theo con lộ cặp mé sông... Quán nước của chị Nhiễm cũng nằm trong cái vùng sáng bồn chồn đó.

Chị Nhiễm bồng thằng Dương về bên ấy cũng lâu rồi, chắc không còn mong gì nối lại mối duyên đã đứt. Hồi trước, anh Hai thường qua nhà chị, nhưng càng ngày, càng thấy lợt lạt thêm chút ít. Hồi trước, chị Nhiễm giận dỗi, nín thinh, anh Hai mừng vì nghĩ, người ta còn giận là còn thương mình, bây giờ chị gặp anh thơn thớt nói cười, anh trả tiền ly trà đá đường thừa nhiều hay ít, chị cũng đưa lại. Chị hỏi chừng nào lấy vợ khác nhớ mời chị, chị đi bưng mâm cho, thản nhiên, tạnh ráo như chưa từng chiếu gối mặn nồng. Những đêm anh ngồi ở quán hơi khuya, chị nhắc, "Chú Xái cho đò sân nghỉ rồi, anh về đi". Anh nhấc thằng Dương ngồi lên đùi mình (giống như sợ bị giật lại), bảo "Con nó còn thức mà". Chị Nhiễm im lặng, vẻ mặt không bằng lòng, lại bồng thằng Dương vô buồng, dỗ nó ngủ. Thằng bé bị cấu ngang hông, tay chân quơ lia lịa như đang học bơi, miệng nó kêu ba ba. Anh Hai ngó theo, buồn thiu. Sau này chị mở lời, "Chuyện hai đứa mình coi như xong rồi, anh cứ nắm nuối hoài, ai mà dám bước tới với tôi ". Anh Hai nghe như có một cơn gió nào thổi tơi bời vào lòng.

Từ bữa đó, anh Hai ít qua sông, anh Hai nhờ anh Năm thường xuyên qua bên đó, để chơi với bé Tho, để coi có chuyện gì nặng nhọc, khó khăn giúp cho chị Nhiễm. Vậy là chạng vạng, anh Năm chải cái đầu mướt trợt, ăn mặc tinh tươm, chống xuống tà tà qua sông. Rồi anh Năm để lòng yêu chị Nhiên, em gái chị Nhiễm hồi nào không biết. Má hay được, rầy quá trời, cả chiếc xuồng be mười kèm anh Năm lấy làm phương tiện để tối tối bơi qua quán chị Nhiễm má cũng cấm tiệt. Anh Năm đành lội sông. Nên anh biết sông Dài chỉ rộng bằng bốn mươi sáu cái sải tay, tại không có cây cầu nên người ta thấy nó xa đó thôi. Má biết không cản được anh nên hay thở dài với những bà má khác, than phải thằng Hiệp tôi không thích con gái Đội Đỏ thì tui qua Đội Vàng, Đội Tím kiếm vợ cho, mê làm chi chị em nhà đó?

Chị Nhiên lớn hơn anh Năm bốn tuổi, mới học may ở chợ Vàm về, chưa chồng, đôi mắt, khóe miệng, làn da... toát ra một vẻ ngọt ngào, hồn nhiên, xinh xẻo, cả cái mũi chun lại lúc cười. Tâm tính của chị Nhiên cũng lạ lùng, tưởng như nắm được trong lòng tay, lại xa xôi lắm, nên lúc thì thấy như có tình, lúc lại không. Có lần chị Nhiễm dò hỏi ý em, nhưng chị Nhiên không nói. Rồi ngó anh Năm lội sông về, chị Nhiên cười khúc khích, bảo "Người đâu mà hấp tấp, chế coi, Hiệp không thèm dò chân trước coi nước có lạnh không mà nhảy ào xuống luôn". Những bữa anh Năm bắc ghế thay bóng đèn hay lui cui dọn quán, chị Nhiên thường lấy tay áp vào má anh, bảo, "Trời ơi, Hiệp mà làm chồng thì dễ thương phải biết". Nói xong chị cười giòn. Anh Năm đứng sững, thẹn thò với vành tai ửng đỏ. Đêm đó lội sông về, không nghe lạnh gì hết, vì trong lòng cồn lên một niềm thương nhớ nồng nàn, dường như mỏng lắm, nhẹ lắm mà say hoài, say hoài. Đến sân nhà thấy má còn thức, anh Năm không dám vô, đứng đập muỗi lép bép ngoài hè, mới biết thổi quanh mình là những cơn gió hiu hút. Má hay hết, má đằng hắng biểu anh Năm vô lấy khăn lau đầu tóc, xót ruột hỏi "Lạnh teo dái chưa con?" rồi má chuyển giọng buồn hết biết, "Sao mà anh em bây lại giống hệt nhau, thương là thương lấy được lúc bỏ thì bỏ không đành. Gió máy như vầy mà ra sông ngồi làm chi không biết?".

Câu sau thì má dành cho anh Hai đang lững thững ngoài bến. Anh thường nói với má anh quên chị Nhiễm rồi, nhưng anh ra sông vì nhớ thằng Dương. Nhớ quá chừng, ước gì có thể chạy vù qua thăm. Hôm qua anh Hai đón con ở trường, mua kem, hai cha con ngồi mút nhau nhảo. Thằng bé sún răng nói chừng nào má có chồng con về ở với ba, mà ba có vợ thêm không? Anh cười, vỗ đầu nó, nói với cái giọng dứt khoát "Không! Dễ gì!". Chắc nghen ba. Ừ chắc. Thề đi. Thề thì thề, ba mà phản lời thề cho bà bắn ba đi. Thấy vẻ mặt tin tưởng tràn đầy của con, anh Hai nhớ, hồi xưa, mình cũng hay thề cái câu kỳ cục, mơ hồ như vầy với Nhiễm. Nên ngồi gần thằng bé Dương mà nghe nhớ nó, nhớ thêm muôn vàn chuyện nữa, nhớ tái tê trong lòng. Thấy thằng con đi dép ngược, anh Hai chợt thèm được làm con nít, để khỏi buồn nhớ chuyện qua rồi. Hai cha con ngồi dựa mé rào trường học nói chuyện trên trời dưới đất, rồi chia tay. Như thể mai mốt không còn gặp nhau, như thể một người sắp đi đâu xa lắm chớ không phải chỉ cách một con sông. Thấy anh Hai bước xuống chiếc đò đầy của chú Xái, Dương đứng trên bờ bệu bạo khóc, coi cái tướng bé bỏng, trơ trọi làm sao đâu. Có bữa nó còn gào lên, "Ba ơi, quay lại ôm con lần nữa đi, ba", làm ai nghe cũng rơi nước mắt. Có lần anh đi được nửa sông, Dương sực nhớ chưa méc ba là chú Quỳ công an xã hay nắm tay má hoài, nó chạy theo, ngã nhào xuống nước, may người ta vớt kịp. Hơn lúc nào hết, anh Hai nghĩ tới cây cầu.

Mười tám tuổi, anh Hai đã nổi tiếng dám nghĩ dám làm. Quen chị Nhiễm, biết chị thích tân cổ, anh đi đào đất mướn, sắm cái loa sắt mắc lên ngọn tràm bông vàng (bây giờ nó vẫn còn ở đó), chiều chiều mở catset cho Minh Vương, Lệ Thủy ca bài "Duyên kiếp" lồng lộng trời Đội Đỏ. Cưới nhau rồi, anh đổi hai chục giạ lúa lấy cây đờn để gảy tửng từng tưng cho chị nghe chơi. Rồi anh đổi năm công ruộng để lấy chiếc máy suốt, đổi những ngày êm đềm (mà nghèo) bên người vợ trẻ để lang thang giữa đồng khơi, những mong cuộc sống sẽ khá lên (tưởng lúc có tiền, sắm cho chị nhiều thật nhiều quần áo đẹp, chị sẽ vui), cuối cùng, anh đổi cả hạnh phúc của mình sau những ngày thưa vắng. Lần này làm cầu anh Hai biết mình sẽ phải hy sinh, sẽ phải đánh đổi nhiều thứ lắm. Anh về nhà thưa với má đừng buồn, anh sẽ đứng ra bắc cây cầu qua Đội Đỏ, má kinh ngạc, bàng hoàng quá nhưng gượng cười.

Cái cười ấy góp phần làm nên sự kiện nổi tiếng đất Đội Đỏ một người dân bỏ tiền ra để xây cầu. Một người học hành không tới đâu, cũng không có tài năng nào đặc biệt. Lãnh đạo xã bị bất ngờ, phải triệu tập gấp một cuộc bàn coi có nên cho phép Hai Nhớ làm cầu không, cây cầu có phá vỡ cảnh quan của Đội Đỏ, có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của xã không, cha, cũng nhiều chuyện rối tinh rối mù. Chủ tịch xã than, "Thằng Hai Nhớ này lu bu thiệt, làm chuyện bự vậy mà không bàn bạc xin phép gì hết". Đám thợ được rước về từ miệt Châu Phú tới đây cũng té ngửa ra, tính đâu cái người tên Nhớ này giàu lắm, ai dè anh ta cũng nghèo, nhà vách lá, nền đất, xài nước ao, làm cây cầu này anh phải cầm cố hết đất, vườn, chỉ còn trọi lỏi chỗ ở, vuông sân. Ngỡ cái tánh bộc trực, nồng hậu, chân chất anh sẽ hạnh phúc lắm, đâu biết duyên nợ cũng trắc trở, dở dang. Bàn bạc mãi, anh em thợ nói sẽ không tính công, anh Hai cãi, "Vậy đâu được, anh em còn phải lo cho vợ con, cho ông bà già ở nhà ".

Khảo sát thiết kế xong, thợ cầu Châu Phú bắt tay vào làm. Anh Hai, anh Năm cùng một số thanh niên trong xóm cũng ra phụ giúp một số công đoạn đơn giản. Nhiều bữa phải dầm mình dưới nước nhưng vui, trời ơi, tự tay mình bắc cầu để đi đến người mình thương nhớ không vui sao được. Nửa tháng sau, cầu đã hình thành dàn khung, ai đi qua cũng muốn đứng lại nhìn cho đã con mắt, muốn rờ rờ một chút, nghe lạ lẫm, bàng hoàng như chạm được một giấc mơ. Anh Hai còn dẫn thằng Dương bò ra giữa cầu, thằng con vạch quần đái xuống sông. Ai cũng cười nhưng không hiểu sao anh Hai lại ôm con mình, đôi mắt buồn như sắp khóc.

Bây giờ tối nào anh Hai cũng cùng dẫn tốp thợ qua sông uống cà-phê, nghe nhạc xập xình ở quán chị Nhiễm. Hỏi mấy băng cải lương đâu, chị Nhiễm cười hực hở, "Để đâu mất tiêu rồi, lâu quá...". Anh Hai nghe thấy buồn, về leo lên ngọn tràm đem chiếc loa đã gỉ sét xuống, lật ngửa lên đổ đất vô, trồng mấy bụi hành (tưởng làm vậy sẽ hết buồn). Hôm sau định không ghé chị Nhiễm uống cà-phê, nhưng thằng Dương chạy ra rủ ba đẽo súng cây, nắn máy cày cho nó. Nó hay ngồi nhìn anh, nhìn mê say, nhìn tới chảy nước miếng, anh hỏi con nhìn gì, nó cười, "Sao kỳ quá hà, ba ở đây sao con mắc nhớ ba hoài. Mai mốt cầu xong rồi, bữa nào con cũng chạy qua chơi với ba nghen ba". Anh không trả lời, chỉ vò đầu nó, đôi mắt buồn rười rượi.

Đầu tháng Bảy, cầu đã làm xong, người ta khen tấm tắc "đẹp y như cầu Mỹ Thuận". Bữa liên hoan tiễn những người thợ Châu Phú, ông Ba trưởng ấp còn đào cả chum rượu đã âm thổ mười năm lên, làm thịt luôn con heo cỏ. Đến lúc về, thợ làm cầu không nhớ đã thu dọn hết thiết bị máy móc thưa, có sót gì không, ai cũng say quá trời đất.

Sà lan rời bến lúc mặt trời lên, lúc mọi người trong xóm đang rủ nhau đóng góp chút ít tiền để phụ với thằng Hai Nhớ, lúc lãnh đạo xã đang bàn coi đặt tên cầu là Quyết Tiến hay là Thiên Trường, chớ để bà con kêu bằng cây cầu Hai Nhớ nghe kỳ quá, lúc chị Nhiễm tranh thủ thêu gối cưới khi quán vừa bớt khách, lúc thằng Dương đang mếu máo khóc, kêu, ba ơi ba, nhìn cây thước nhịp nhịp trên tay cô giáo, cô biểu phát âm cho đúng, chứ lớp Một rồi mà đớt đát "cục đắt, cây căn, đầu lăn, ông phặt" thì không được.

Nhưng anh Hai đã đi rồi, gia nhập theo đám thợ rày đây mai đó. Anh Hai thưa với má, anh đi kiếm tiền về chuộc lại ruộng vườn, để lúc má xuôi tay nhắm mắt được nằm trên đất của mình, để em anh có tiền sang hỏi cưới Nhiên làm vợ và phụ với Nhiễm nuôi thằng Dương lớn... Anh Hai dặn má giữ gìn sức khoẻ. Má cố cười tươi nhưng miệng không hiểu sao lại méo xệch, nước mắt chảy giàn giụa:

- Đừng lo cho má, có theo ông theo bà, má cũng đợi bây về.

Rồi anh đi. Đi xa mà cũng như đang ở lại (bởi cũng có người đang ở trước mặt đó mà cứ tưởng đã đi xa). Ai qua cầu cũng nhớ anh, không muốn nhớ cũng mắc nhớ, như chị Nhiễm. Nhiều người ngộ ra (nhất là mấy ông lâu rày đeo đuổi chị Nhiễm) "Thằng cha Hai Nhớ này khôn tổ cha chớ đâu có dại". Rồi chị Nhiễm lấy chồng, chị Nhiên cũng lấy chồng, mà không lấy anh Năm. Anh Năm chạy qua hỏi sao kỳ vậy, chị Nhiên cười ấn anh ngồi xuống ghế, xoa đầu anh, "Hiệp cũng giống hệt anh Hai, làm gì cũng không tính thiệt hơn, ở với Hiệp, chị không cảm thấy chắc chắn, lâu bền".

Anh Năm về, thất vọng, nghẹn ngào hỏi má, chân tình mà không chắc chắn, không lâu bền sao má, không đáng để được đền đáp sao má.

Má vuốt tóc con trai, không nói gì hết, má suy nghĩ. Có nên nói hay không lời xưa rày má thường dạy thằng con trai lớn, rằng sống trên đời, thấy phải thì làm, mà làm cũng đừng nghĩ sẽ được đáp đền xứng đáng, vì có những thứ quý giá lắm, chẳng gì bù đắp được đâu.


Nguyễn Ngọc Tư