PDA

View Full Version : Ngổn ngang - Nguyễn Ngọc Tư



quachtinhdaica
06-12-2007, 03:24 AM
Ngổn ngang
Nguyễn Ngọc Tư


Cái sân trước không có ai, lá bạch đàn khô se sẽ đậu trên băng đá. Nhà trên cũng không có ai, cây chổi lông gà nằm chéo trên cái bàn chữ U, nửa ngoài đã sạch bong, nửa trong bụi còn đóng một lớp dày. Con Phèn chắc cũng đi cua gái, không thấy nhảy xồ ra, tí tởn. Có tiếng nước chảy tồ tồ ở đằng sau, chắc má tôi ở trong ấy.

Tôi ngồi bệt xuống ngạch cửa nhìn má tôi. Lâu quá không nhìn má, sao vai má gầy đi vậy không biết. Lưng còng xuống. Vai và lưng khẽ rung. Sao nhìn giống như khóc. Thiệt tình là rất giống như khóc và thiệt tình là má khóc. Ai làm gì ? Chuyện gì ? Sao má khóc ?

- Viên, má không ngờ, chuyện thằng Bảo với con...

Cuối cùng thì má cũng biết chuyện này.

Má biểu tôi kể tường tận chuyện gì xảy ra giữa hai đứa. Má vừa lau nước mắt vừa nghiêm mặt :

- Đâu con kể rành má nghe coi.

Có những chuyện không thể rành rọt ừ thì một cộng một được đâu má à. Tôi lại gần, cọ mớ tóc bụi bặm vào bên vai má, ngó những giọt nước rỉ rả từ cái vòi nước đầy rêu xuống mớ cải xanh. Nên bắt đầu từ đâu hở má ?

Hồi đó mỗi khi có dịp, tôi cũng ôm vai má như vầy an ủi, “Lo chi má, Bảo vẫn còn ở đó, mai mốt con rảnh con lấy chồng mà". Má tôi hỏi chừng nào rảnh. Con đâu biết má ơi. Tôi đâu biết. Ngày của phóng viên trẻ là một ngày vô định. Má tôi cảm thấy hạnh phúc vô ngần khi buổi sớm còn thấy tôi vùi đầu vào đống gối chăn rối bù như tổ nhện và nói được một câu : “ Viên ở nhà, má đi chợ " rồi thì đau khổ phát chai đi khi đón tôi ở cửa, nhìn vũng đêm đen đặc sau lưng đứa con gái. Khổ như nhìn nồi chè khoai môn má cố công nấu hâm đi hâm lại cả tuần đứa con không về được để ăn. Ba tìm cách san phẳng quả núi trong lòng má, “ kệ nó, nó đi theo cái nghề của ba Hậu nó ngày xưa, chắc ảnh cũng hài lòng ". Ba Hậu là ba trước tôi, ông đã hy sinh ở chiến trường khi tôi chưa phôi thai.

Vốn là một phóng viên chiến trường, khi chết, trên tay ông vẫn còn cầm cái máy ảnh. Tôi yêu ông vì thường nằm mơ thấy ông với nụ cười hồn hậu như trong bức ảnh thờ. Ông không nói gì hết, không đi gì hết, chỉ cười, muôn thuở chỉ cười.

Ông tổng biên tập già nua hay ngắm tôi, than “ Chú thèm cái nhiệt tình xông xáo của cháu, mà sợ, sợ một ngày tim cháu cũng lạnh ngắt, thờ ơ nhìn đời chạy maratông qua cũng như chú ". Nhưng chú vẫn còn thương, còn ghét đấy thôi. Ừ, nhưng không dám nói ra. Còn tôi thì dám, người ta gọi tôi là phóng viên số phận. Từ nghiệt ngã, đau đớn cho đến thăng hoa nhất, tôi quan tâm đến từng ngõ ngách của đời người.

Nguyên, bạn đồng nghiệp của tôi nhận xét: “ Rồi có một ngày Viên sẽ viết về số phận mình ". Chắc không đâu, cho tới ngày tôi hai mươi bốn tuổi, tôi chưa làm được việc gì coi được được một chút, một chuyện mang hơi hướng vĩ đại như nhặt của rơi trả lại người bị mất chẳng hạn. Đời tôi được cấu thành từ nhi“u việc vụn vặt và bình thường.

Ngay cả trong tình yêu, tôi cũng hết sức bình thường. Tôi yêu mà không mộng mị mơ tưởng. Tôi chỉ có một nỗi tự hào rằng mình có hai người ba, họ đều thương yêu tôi, dù đã có người nằm xuống.

Cái hồi tôi với Bảo yêu nhau (cho tới bây giờ vẫn chưa xa lắm), tôi hay lại đằng nhà Bảo chơi. Nhà Bảo nằm trong dãy đường bán thuốc đông và mỹ phẩm, trước nhà có bà dì ép bìa kiếng cho học sinh bằng bàn ủi. Bà dì vui tính thấy tôi lại trêu: “ Lúc này cô đi đâu ít thấy, thấy tướng thằng Bảo nhớ cô quá trời ". Tôi cười. Tôi giậm giày trèo lên những bậc thang. Phòng Bảo, cái ban công nhà Bảo, với tôi có cái gì đó vương vấn thiêng liêng. Nơi này ngày xưa ba Hậu tôi từng hoạt động khi còn được gài ớ trong thành. Mẹ Bảo là người Việt gốc Hoa, ngày ấy đóng vai vợ của ba Hậu tôi. Khi chúng tôi lớn lên, hai nhà khuyên chúng tôi yêu nhau, tôi nhận thấy mẹ Bảo với ba Hậu tôi ngày xưa hẳn có tình. Họ mong chúng tôi trả món nợ ân tình đó. Và chúng tôi hồn nhiên đến với nhau, vậy thôi.

Tôi hời hợt, Bảo chu đáo. Tôi bay nhảy như chim trời, Bảo là kiến trúc sư vẽ chằng chịt những khu quy hoạch thành phố mới. Ở bên Bảo, chúng tôi thường hôn nhau không quá mười giây, lúc đó tôi nghe tiếng xe chạy xuôi ngược ngoài đường dưới cái ban công lùng nhùng những đường dây điện thoại. Tôi nghĩ, đáng lý ra mình cũng phải chạy như vầy, phải guồng chân với dòng đời như thế này. Vậy là tôi lại quẩy túi đi. Cuộc đời mỗi giây là một sự tươi mới, một tin tức nóng.

Thật tình thì hồi đó hai đứa yêu nhau, thi thoảng tôi nghĩ ra một chuyện gì đó làm tăng thêm gia vị tình yêu. Tôi gọi điện kêu Bảo hớt tóc đi, để tóc dài giống du côn quá. Bảo hỏi : “ Cái lần mà hai đứa mình gặp nhau là bữa ăn bánh xèo phải không ? " Không đợi tôi nhớ lại và trả lời, anh nói luôn, “ Anh hớt tóc đúng tuần rồi, tuần rồi em ở đâu ? ". Một lần, tôi làm được một việc vĩ đại là nhớ được ngày sinh nhật của anh. Thế là đang làm phóng sự ở Sông Đốc, hết đò, tôi quá giang tàu dầu về thành phố. Chiếc tàu ậm ì chạy về đã đến nửa khuya. Đến nhà Bảo thì từ đằng xa thấy Bảo ôm hôn một người ngay ở cái chỗ ban ngày bà dì ép kiếng ngồi. Lạ lùng là người con gái ấy không phải là tôi. Từ lâu tôi không biết là Bảo thích một người con gái tóc dài, da trắng trẻo chứ không bụi bặm, mạnh mẽ như tôi, thích một người con gái dám đứng ở hè đường hôn nhau chứ tôi thì tôi mắc cỡ cái khoản này kinh lắm. Tôi lặng lẽ về, cái ông xe ôm khi nãy trở tôi đã đi mất tiêu. Tôi phải về bằng chính đôi chân mình. Lúc đó mấy ông dân phòng đeo băng đỏ đi tuần thấy tôi mấy ổng dò xét : “ Chừng này còn lang thang ở đây, băng nhóm “Phố đêm" hả ? " Tự dưng tôi thưa với mấy ông đó là muốn về trụ sở dân phòng uống nước trà. Tự dưng thèm trà quá, mà phải là trà pha thật đậm. Tôi muốn thức thử coi đêm này dài bao nhiêu...

Cái chuyện mà má tôi muốn biết chỉ có bao nhiêu đó thôi. Tôi kể cũng nhẹ nhàng bao nhiêu đó thôi. Bà thì thấy rằng tôi dường như mất mát nhiều quá, má nghĩ mất Bảo rồi, sáu tỉ người trên hành tinh này đối với tôi không là cái đinh gì cả. Bà mong tôi có một biểu hiện gì đó, chỉ cần nhếch nhẹ một chút đau khổ thôi, má tôi sẽ ôm tôi vào lòng mà an ủi. Tôi cũng thấy buồn kinh khủng lắm, sao Bảo làm vậy mà tôi không đau đớn, vật vã gì hết. Sao tôi không ghét Bảo mà thấy thương anh hơn. Ngay cả làm một việc tương đương vĩ đại là tát cho anh một cái cho in năm ngón tay tôi lên mà cũng làm không được. Thiệt, tệ hết sức.

Tôi lại ăn trứng cút luộc trừ cơm mỗi lần đi tàu tới một địa phương xa, lại ngoi ngóp lội bùn ra tận bãi bồi xóm Mũi coi người dân sạt sò huyết, lại đóng vai bồi bàn, bán vé số, nghiện xì ke... để thực hiện phóng sự mình. Má kinh lắm, tưởng tôi vì thất tình mà vùi đầu vào công việc. Tôi nghĩ ra một cách an ủi má: “ Con có người yêu khác rồi mà ", má tôi hỏi ai, tôi chỉ Nguyên. Nguyên với tôi cùng nghề, cùng chuyên trách trang xã hội. Lần nào đi công tác chung, ăn cơm chiều ở một chỗ heo hút nào đó, câu đầu tiên nói với nhau, tối nay mình ngủ ở đâu. Có lần chúng tôi rủ nhau ngủ chợ, ngủ thớt thịt cho ấn tượng chơi.

Thành phố về đêm như một cái lẩu thập cẩm để ớt quá tay. Hỗn độn, nóng bức. Nguyên nói với tôi, “ ở đây có thể xảy ra mọi thứ, kể cả giết người ". Tôi dựng tóc gáy nhưng không chịu về. Nguyên bảo: “ Bên Sông ngủ đi, Nguyên canh cho " nghe chân thành như một hòn đất. Nguyên yêu tôi. Tôi trả lời yêu Bảo rồi. Mà tôi có phải là đứa con gái tốt đâu. “ Chưa biết tốt hay không là đã thương rồi ". Nguyên thấy thương thì thôi đi. Tôi bảo: “ Nói theo ngôn ngữ nghề mình, hai đứa mình giống như đứng hai bên bờ sông, nhìn thấy nhau, nghe nhau nói nhưng không đến được với nhau đâu ". Nguyên cãi bướng : “ Nguyên có đò ". Tôi cáu sườn: “ Viên bắn bể xuồng ". Từ lúc đó Nguyên gọi tôi là Bên Sông. Mà tôi nghi quá, nghi Nguyên là hậu duệ của nàng công chúa xưa nên lù mù yêu tôi không tương lai như nàng Mỵ Châu yêu Trọng Thủy. Nguyên này toàn làm những chuyện cho tôi cảm động không thôi. Đi làm phóng sự về. Đêm. Mưa thâm trầm dai dẳng. Tôi lái chiếc xe máy màu đỏ kêu xùng xèng chở Nguyên, Nguyên rướn người cao vánh, kéo cái cổ áo sơ-mi che mưa tạt cho tôi. Tôi chạy xe trong mưa bồng bềnh cảm giác, cái cảm giác lạ lùng thấy mình không chống chọi, xù xì chiến đấu với ai. Tôi thấy mình giống như hòn đất mềm, hòn đất không suy tư hồn nhiên vỡ ra, ngửa mặt giữa trời. Một ngày nọ, Nguyên tặng tôi một cái nguyệt cầu. Nguyên cũng chẳng xấu như thằng Cuội, tôi đẹp không bằng một li của chị Hằng nên mới thoáng qua chẳng hiểu Nguyên tặng tôi vậy có ý gì mà tôi cũng không hỏi có ý gì.

Công việc vẫn nhiều như trước. Mới đây tôi lao vào vụ việc tai nạn lao động ở một công trường xây dựng. Nhiều người bị những mảng gạch từ trên cao đổ xuống. Có một chị tôi quen. Chị ấy đã từng đứng đường bán thân nuôi miệng. Chị bỏ nghề đi làm hồ vừa mới một tháng nay. Ngón chân sơn đỏ như máu của chị chưa kịp tróc chưa phai thì chị đã chết. Tôi bước chân vào cái hẻm, nơi tôi đã từng cùng chị về những lúc tàn đêm, “ Đi, đi cho biết nhà tao, cho biết hai đứa con tao, coi tao sống làm sao mà phải làm nghề ngóc đầu không nổi này ". Bảo cũng đến đó, đến để chìa tiền cho thân nhân chị gọi là “ đền bù ". Tôi biết nhiều chuyện hơn Bảo tưởng, hỏi Bảo tại sao hồ trộn không đủ chất lượng, toàn là cát làm sao đủ kết dính để đến nỗi tường đổ ? Số xi măng lẽ ra được ngào hồ đã đi đâu ? Bảo không trả lời. Bảo im lặng. Tôi nghĩ với cương vị giám sát công trình anh phải biết và đã biết. Hồi lâu, Bảo lên tiếng : “ Dù sao, anh đền cho chị ta mười triệu là xứng đáng rồi, chỉ đâu có bảo hiểm gì... ". Tôi tát Bảo thật mạnh. Da Bảo trắng quá nên in rành rạnh năm ngón tay tôi. Bảo bỏ đi. Tôi ôm hai đứa trẻ con chị, hai đứa trẻ mũi dãi tèm lem, tôi kéo vạt áo lau cho chúng. Tôi bật khóc và khóc vì yêu, Bảo đi vào con đường tội lỗi ấy khi nào, tôi vô tâm quá nên không biết.

Má tá hỏa khi hay tin Bảo bị thanh tra và Nguyên mà tôi nói đã không còn ở đây nữa. Nguyên đã định cư vĩnh vi‘n ở nước ngoài sau khi tặng tôi quả nguyệt cầu. Nguyệt cầu của chia xa, của thằng Cuội, chị Hằng chưa bao giờ được trông thấy nhau, được nhìn về một hướng.

Tôi về ngồi ngay chỗ ngạch cửa nhổ tóc bạc cho má tôi. Tôi không kể cho má nghe chuyện mình với Bảo vì sợ mình để rớt nước mắt trên đỉnh đầu đã bắt đầu trống huơ vì quá nhiều tóc bạc bị nhổ của má. Má dạy tôi, tóc suôn suôn là tóc thường, đừng có nhổ, má tóc bạc nhiều như vậy, nhổ là trọc luôn đó. Mấy cọng xoăn mới là tóc ngứa. Rồi má kể hồi sáng này dì Hai có lên, tôi hỏi dì Hai đi đâu. Má nói bữa nay ngày mười sáu, ngày tốt dì Hai đi trồng răng lại, mấy cái răng cũ chờ ăn kẹo cưới của con cháu gái chờ tới rụng hết trơn rồi. Má bất thần hỏi :

- Thằng Bảo lầm lạc rồi, không ra gì rồi, sao con không giữ thằng kia lại hở con ?

Ui chao, má hỏi tôi ngay cái lúc tôi không bình thường nhất. Tự dưng tôi thèm được yêu thương ai đó để chia sẻ dìu dắt nhau đi trên con đường đời ngổn ngang mà vì một nỗi đam mê nào đó tôi đã đánh mất rất nhiều.