PDA

View Full Version : Đối mặt với nguy cơ tăng giá quá mức



titanic
06-27-2007, 01:07 PM
Đối mặt với nguy cơ tăng giá quá mức


Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng cao quá mức dự báo. Lạm phát cao thực sự đã trở thành một mối đe dọa tới các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra. Lo ngại trước điều này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành gấp rút tìm biện pháp kìm chế tốc độ tăng giá đảm bảo các mục tiêu và hiệu quả tăng trưởng kinh tế.



CPI sẽ vượt 8%?


Số liệu thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2007 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 5,2%, Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng năm nay đã tăng cao hơn cùng kỳ năm 2006 - chỉ ở mức 4%. Hầu hết các nhóm hàng hóa đều tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, các nhóm hàng hóa quan trọng như nhà ở và vật liệu xây dựng tăng đến 8,24% trong khi năm ngoái chỉ tăng 3,4%; lương thực và thực phẩm tăng đến 6,8% so với năm ngoái chỉ tăng ở mức hơn 4%.





http://imgplace.com/directory/dir4809/1182972700_8195.jpg
Hàng ăn tăng giá, tác động tới đời sống mọi gia đình. (Ảnh: Phước Hà)



Các chuyên gia thuộc tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, điều hơi bất thường là tốc độ tăng giá năm nay không đi theo quy luật mọi năm. Thông thường sau những tháng đầu năm tăng cao, giá cả sẽ ổn định trong các tháng 4, 5 và 6. Tuy nhiên, năm nay tình hình hoàn toàn ngược lại. Điều này khiến cho tất cả các dự báo của tổ điều hành và các chuyên gia về giá cả hoàn toàn bị sai lệnh. Điều lo ngại là với tốc độ tăng giá như hiện nay thì mục tiêu Quốc hội đề ra là tốc độ tăng giá năm nay phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) rất có thể không hoàn thành.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước năm nay dự báo là 8,5%. Với thực tế hiện nay, thì tốc độ tăng giá từ nay đến cuối năm chỉ được phép tăng thêm khoảng 3%. Đây là một thách thức bởi những tháng cuối năm thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá.

Từ nay đến cuối năm vẫn còn những nhân tố tác động đến việc tăng giá tiêu dùng là dịch bệnh gia súc gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp và nhất là những biến động bất thường của thiên tai. Bên cạnh đó còn là tác động dây chuyền của việc điều chỉnh tăng giá đối với một số mặt hàng trọng yếu trong 6 tháng đầu năm và các tháng cuối năm như điện - than - xăng dầu.

Trong khi đó, những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng trong dân cư sẽ tăng cao, nhất là vào dịp Tết. Những tháng cuối năm tiến độ đầu tư xây dựng được đẩy nhanh, một khối lượng tiền lớn sẽ được giải ngân thông qua tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và các luồng vốn đầu tư trong và ngoài nước gia tăng. Bên cạnh đó, tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại cũng sẽ góp phần đẩy giá tiêu dùng lên cao. Trong khi đó, không thể bỏ qua các nhân tố tác động từ nền kinh tế thế giới. Đặc biệt là việc tăng giá vật tư đầu vào của những loại hàng hóa quan trọng mà nước ta đang phải nhập khẩu với số lượng lớn như xăng dầu, thép, phân bón...

Biện pháp tổng thể chống tăng giá

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, đối với quốc gia mà tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam thì độ chênh giữa GDP và CPI khó đạt được ở mức 2-3%, chỉ đạt 1-1,5% là được coi là đạt yêu cầu. Tất nhiên không phải đơn giản để có thể kìm chế tốc độ tăng giá đúng như mong muốn...

Vì vậy, để đảm bảo bình ổn thi trường, kiểm soát tăng giá trong 6 tháng cuối năm cần tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ. Trước hết, là việc quyết liệt để dập tắt các loại dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, phòng chống tốt các thiên tai có thể xảy ra. Đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, giữ mức giá hợp lý.




http://imgplace.com/directory/dir4809/1182972702_6808.jpg
Tiến hành nhiều biện pháp tổng thể để kiềm chế tăng giá. (Ảnh:mot.gov.vn)

Về vĩ mô, sẽ phải tiến hành các biện pháp tài chính để tạo sức ép cạnh tranh, góp phần giảm giá như: các biện pháp điều chỉnh về thuế, nâng cao hiệu quả đầu tư, kiểm soát chặt việc thu chi ngân sách. Giám sát hoạt động thị trường chứng khoán, đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển ổn định.

Đặc biệt, cần thực hiện kiểm soát giá thành, giá bán đối với những hàng hóa dịch vụ quan trọng, tính cạnh tranh hạn chế; cùng với việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán điện từ 1/7/2008 lên 890 đồng/kwh; giảm bù giá các loại dầu, thực hiện cơ chế thị trường đối với dầu ma-zút trong năm 2007, đối với diezen và dầu hỏa trong năm 2008 và bán than theo giá thị trường cho các hộ tiêu dùng lớn. Thực hiện việc giám sát giá bán xăng do các DN tự quy định, không để xảy ra tình trạng các DN lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để liên minh độc quyền tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, tiến hành kiểm soát giá đối với các dịch vụ công ích, hàng hóa dịch vụ Nhà nước đặt hàng...

Tốc độ xuất khẩu phải tiếp tục được đẩy mạnh, đồng thời giảm nhập siêu. Điều chỉnh tiến độ xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Tổ chức tốt thị trường trong nước, ngăn chặn các hành vi đầu cơ tăng giá.

Việc điều hành chính sách tiền tệ cần được thực hiện một cách linh hoạt đảm bảo được kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, giữ ổn định tỷ giá và các lãi suất chủ đạo. Theo dõi tác động của việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng và ngoại tệ.

Theo Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, việc điều hành chính sách giá cả là không đơn giản. Tuy nhiên, mục tiêu đề ra có thể sẽ đạt được nếu chúng ta thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Bộ Thương mại sẽ có cuộc họp phân tích thật kỹ nguyên nhân và các chính sách thương mại để chuẩn bị cho cuộc họp Chính phủ tới đây. Tuy nhiên, vấn đề này phải nhìn rộng hơn không chỉ chính sách thương mại mà cả chính sách tiền tệ, đầu tư nữa...