PDA

View Full Version : Tương quan giữa Cha Sở & các Nữ Tu giúp xứ...(tiếp theo 3)



Dan Lee
07-09-2007, 10:57 PM
A. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC NỮ TU


Có một vài giáo xứ, dù cha sở muốn hay không, thì cộng đoàn của các nữ tu đã hiện diện rất lâu trong giáo xứ của các ngài, có những cộng đoàn nữ tu được thành lập rất lâu từ khi hình thành giáo xứ, hoặc sau khi giáo xứ được thành lập, có những cộng đoàn nữ tu có bề dày kinh nghiệm hoạt động tông đồ trong giáo xứ, và có các nữ tu hiểu biết từng giáo dân trong họ đạo hơn cả cha sở, đó chính là những “thợ truyền giáo” trợ thủ rất đắc lực của cha sở, và là những mẫu gương sống động truyền bá ơn thiên triệu cho lớp trẻ trong giáo xứ.

Dù sự hiện diện của cộng đoàn nữ tu trong giáo xứ đã lâu hay mới bắt đầu, ngoài những gì giáo luật quy định, thì linh mục chánh xứ đều có bổn phận xây dựng tình liên đới với họ, không phải như chủ nhà với khách, không phải như ông chủ với người làm công, nhưng như là người cha trong gia đình và như người mục tử tốt lành giữa đoàn chiên.

1. Tinh thần liên đới.

Hơn ai hết, cha sở hiểu rất rõ về chân giá trị đời tận hiến của các tu sĩ nam nữ, bởi vì chính ngài cũng là một người đang sống đời tận hiến trong thiên chức linh mục, chính ngài là người trước tiên cần phải bày tỏ lòng yêu mến và sự ngưỡng mộ chân thành của mình đối với các nữ tu đang tích cực phục vụ trong giáo xứ của mình; chính cha sở là người cần phải bày tỏ ra tình liên đới với các tu sĩ, nhất là các nữ tu, và cám ơn các dòng tu đã sai phái các nữ tu đến phục vụ trong giáo xứ của mình, bởi vì sự dấn thân phục vụ cách vô vị lợi của các nữ tu, đã là một chứng minh hùng hồn rằng Thiên Chúa đang hiện diện giữa loài người, và không cần phân tích giải nghĩa, thì ai cũng biết chính ơn thiên triệu đã làm cho cha sở và các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của mình, có một mối tương quan rất đặc biệt, đó chính là sự tương quan tinh thần giữa đức ái và ơn gọi phục vụ dân Thiên Chúa, qua việc tận hiến và giữ luật độc thân của mình và các lời khuyên Phúc Âm của các nữ tu.

Tinh thần liên đới giữa cha sở và các nữ tu trong giáo xứ -có thể nói- là một bức tranh truyền giáo đẹp do chính cha sở vẽ ra, ngài vẽ xấu thì bức tranh sẽ không được đẹp, nhưng nếu ngài là một mục tử tốt lành thì ngài vẽ bức tranh này sẽ rất đẹp, và trở thành gương mẫu giáo huấn cho giáo dân của mình.

a. Tình liên đới Đức Ái.

Chỉ có đức ái của Chúa Giê-su mới liên kết mọi người lại với nhau, bởi vì “tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12, 13b), Thần Khí duy nhất này đang hoạt động nơi mỗi người trong giáo xứ, bắt đầu từ cha sở, các tu sĩ đang hoạt động trong giáo xứ -nhất là các nữ tu-cho đến người giáo dân nhỏ nhất.

Tình liên đới của cha sở đối với các nữ tu trong giáo xứ của mình, là một tình cảm thiêng liêng được đức ái của Chúa Giê-su thánh hóa toàn vẹn trên cha sở với cương vị là mục tử của đàn chiên, là người cha nhân hậu của đại gia đình giáo xứ. Đức ái này của cha sở được bày tỏ qua sự quan tâm của ngài với các sinh hoạt mục vụ của các nữ tu trong giáo xứ, cũng như nhìn xem cuộc sống chung của cộng đoàn với những khó khăn nào để giúp đỡ giải quyết, bởi vì chính những quan tâm này, làm cho cha sở càng trở nên người cha chung của tất cả mọi người trong giáo xứ của mình hơn.

Có một vài cha sở không mấy “mặn nồng” với cộng đoàn nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của mình, chính các ngài đôi lúc coi các nữ tu như là một giáo dân bình thường, nghĩa là muốn la mắng là la mắng, muốn chửi là chửi, muốn gõ đầu là gõ đầu, mà ngay cả một giáo dân bình thường các ngài cũng không được phép làm như thế, thì huống gì là một nữ tu, là người đã tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, và chiếu theo giáo luật thì các tu sĩ nam nữ là “hàng ngũ của những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm trong các hội dòng tận hiến, thuộc về sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội, do đó cần được hết mọi người trong Giáo Hội nâng đỡ và cổ võ” (1) , đó chính là nguyên nhân để các tu sĩ được mọi người tôn trọng, bởi vì nhân cách và đời tận hiến của họ đáng được như thế, dù cho họ là tu sĩ của hội dòng hay tu sĩ của các tu hội đời đang hoạt động phục vụ giữa xã hội, họ đều đáng được mọi người tôn trọng.

Chính những thái độ lạnh nhạt thờ ơ với các nữ tu này của cha sở, mà làm cho giáo dân không còn nhìn cha sở như một người cha nhân từ hay như một mục tử tốt lành nữa, bởi vì, theo quan niệm của giáo dân: các nữ tu cũng là những người dâng mình làm tôi tớ Chúa như các linh mục, thì họ cũng muốn cha sở tôn trọng các nữ tu, như họ tôn trọng cha sở là những người của Thiên Chúa vậy.

Liên đới trong đức ái giữa cha sở và các nữ tu trong giáo xứ của mình, chính là –trước hết- bày tỏ sự hiệp nhất “giữa những người được thánh hiến” trong Giáo Hội nhờ “Chúa Giê-su, Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian (Ga 10, 36) và đã được Chúa Thánh Thần xức dầu, để trong Người mà mọi tín hữu trở thành một thân thể mầu nhiệm duy nhất là Hội Thánh Công Giáo, và-sau nữa- là dấu chỉ hiệp nhất giữa các giáo hữu trong giáo xứ lại với nhau, để các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ, không còn cảm thấy mình như là người đến “làm thuê” trong giáo xứ, nhưng là như một thành viên đặc biệt trong giáo xứ mà mình phục vụ.

Thánh công đồng Vatican II dạy rằng: “Chính thừa tác vụ của các ngài (linh mục), vì mang một danh nghĩa đặc biệt, nên đòi buộc các ngài không được theo thói thế gian” (2) , nghĩa là cách sống của các ngài phải tỏa sáng tinh thần bác ái của Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình hơn những người khác, nhất là tinh thần bác ái được các ngài thực hiện trong giáo xứ, nơi mà các ngài được phái đến để tiếp tục thực hiện tình yêu của Chúa Giê-su và loan truyền Phúc Âm Nước Trời cho mọi người. Do đó, mà khi đến một giáo xứ nào, cha sở nên đi thăm hỏi các cộng đoàn tu sĩ đang hoạt động trong giáo xứ của mình, để tạo bầu khí quen thân và để hiểu rõ cuộc sống của họ mà giúp đỡ và khuyến khích, để họ không cảm thấy cô đơn nơi giáo xứ mà họ đang phục vụ.

Tình liên đới bác ái của cha sở đối với các nữ tu trong giáo xứ của mình, giống như tình liên đới của Chúa Giê-su với các phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem (Lc 23, 27-32), và các phụ nữ đi theo phục vụ Ngài và các tông đồ (Lc 8, 1-3). Chính đức ái của Chúa Giê-su đã tỏa sáng hợp với lời Ngài giảng dạy, đã làm cho các phụ nữ này trở lại cuộc sống mới, và tình nguyện phục vụ Ngài và các tông đồ trong công cuộc truyền giáo của Ngài.

Thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên bảo đệ tử của mình là ông Ti-mô-thê như sau: “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các bà cụ như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch”(1 Tm 5, 1).

(còn tiếp)

----------------------------------

(1) Giáo luật, điều 574. 1.

(2) Công đồng Vat. II “Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục”, chương 1, 3.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.