PDA

View Full Version : THÁCH ĐỐ MỚI TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO



Dan Lee
07-22-2007, 05:34 PM
THÁCH ĐỐ MỚI TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO



Truyền giáo là một thao thức lớn của tôi. Thao thức này giống như một tiếng gọi âm thầm mà tha thiết.

Tôi đã trả lời tiếng gọi ấy bằng nhiều cách. Bất cứ cách nào, tôi cũng thực hiện cùng với Hội Thánh địa phương.

Hội Thánh địa phương của tôi đã đi qua nhiều chặng, trên đường truyền giáo.

Nhìn lại, tôi thấy có chặng ít khó khăn, có chặng chồng chất thách đố và cản trở.

Chặng hiện nay thế nào?

Tôi thấy khác những chặng đã qua về nhiều điểm.

Ở đây, tôi chỉ xin phép nêu lên vài khác biệt, mà tôi nhận ra trong xu hướng của con người thời nay có liên quan tới tôn giáo. Do đó việc truyền giáo bị ảnh hưởng nhiều. Những xu hướng này không phát sinh đồng loạt đều khắp. Nhưng đã có những dấu chỉ, đủ để cảnh báo.


1/ Xu hướng đòi tính hợp lý.

Trước đây, bề trên trong đạo dạy điều gì, thì bề dưới vâng theo một cách ngoan ngoãn. Lý do vâng theo là vì bề trên đã dạy.

Còn nay, bề trên trong đạo dạy điều gì, thì bề dưới không dễ dàng vâng theo. Họ đòi tính hợp lý.

Trước hết tính hớp lý về bản thân người dạy. Người ta tin bề trên đó vì bề trên đó có thực chất đời tu, có thực chất về trình độ đào tạo đạo đời, có thực chất về sự đổi mới bản thân, đúng danh người môn đệ Chúa. Chứ không tin chỉ vì ngài mang chức, mang quyền, mang phẩm phục. Nhưng những thực chất mà người ta đòi, nhiều khi lại dựa vào quan niệm chủ quan của họ.

Nhất là họ tin ngài, vì ngài dạy điều đạo đức ngài vốn sống. Chứ không dạy điều mà chính ngài không giữ.

Rồi điều dạy cũng phải có tính hợp lý. Tất nhiên, trong lãnh vực tôn giáo, lý lẽ tự nhiên không luôn là động lực chính. Nhưng không phải vì thế, mà tính hợp lý của khoa học hoặc triết học và xã hội học được hoàn toàn vắng mặt. Đặc biệt là trong lãnh vực tổ chức, xây cất, đối xử, sắp xếp. Riêng trong thống kê và thông tin, sự không chính xác là một bất hợp lý tai hại.

Tôi quen một nhà khoa học Công giáo, người Thuỵ Sĩ, thành viên của Hàn lâm viện Toà Thánh. Trong một gặp gỡ, ông chia sẻ cho tôi cái nhìn của ông về những gì, mà dân gian vội cho là phép lạ. Ông rất tin Chúa, ông tin có phép lạ. Nhưng ông rất dè dặt xem xét, khi làm những hồ sơ mà Toà Thánh trao cho ông góp ý, kiểm tra các sự lạ về mặt khoa học.

Trên đường truyền giáo, tôi cũng đã thấy tính hợp lý nhiều khi bị nhiều người lợi dụng hoặc hiểu một cách méo mó, để làm khó và cản ngăn việc truyền giáo.

Tuy nhiên, xu hướng đòi tính hợp lý đang phát triển mạnh, ngay trong nội bộ các cộng đoàn tín hữu trước đây dễ tính.


2/ Xu hướng tự chủ cá nhân.

Trước dây, khi đề cập đến ý nghĩa cuộc đời và hướng đi cuộc đời, tôi thấy cộng đoàn gia đình, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn nhà tu vẫn giữ được uy tín lớn. Cộng đoàn nghĩ sao, cá nhân theo như vậy.

Nhưng nay, tại nhiều nơi, tình hình đã đổi khác. Nhiều cá nhân xem ra tự chọn cho mình ý nghĩa đời mình, hướng đi đời mình, hạnh phúc đời mình, bất chất truyền thống của cộng đoàn.

Chung chung, nhiều cá nhân không dễ dàng chịu sự áp đặt của cộng đồng. Họ tự chọn và tự nhận lấy trách nhiệm.

Sự hiệp nhất trước đây quen được hiểu như một khối do nhiều người cùng nghĩ như nhau, cùng làm như nhau. Nhưng nay, sự đồng loạt như thế bị coi như một cản trở của sự phát triển sáng tạo. Hiệp nhất nay được hiểu là yêu thương, kính trọng nhau trong những khác biệt. Chứ không là xoá bỏ những giá trị riêng của nhau.

Tuy nhiên, tôi thấy xu hướng tự chủ cá nhân cũng là một điều dễ bị lạm dụng trong đạo đức, trong tôn giáo. Nếu nó không được hướng dẫn bởi ơn Chúa Thánh Thần, xu hướng này sẽ tạo ra một tình hình xáo trộn. Thực tế cho thấy nhiều nơi đang xảy ra những xáo trộn giữa thiện và ác. Tình hình đạo xấu đi một cách trầm trọng.

Sự kiện này làm tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu phán xưa: “Sẽ đến giờ, người ta giết các con, mà cho rằng việc ác đó là việc thờ phượng Thiên Chúa” (Ga 16,2-3).


3/ Xu hướng dửng dưng.

Trước đây, tôi thấy hễ sự gì thuộc về đạo Chúa, Hội Thánh Chúa, thì hầu như mọi người tín hữu đều quan tâm.

Nhưng nay thì khác. Phần khá đông chỉ quan tâm đến những gì có liên quan đến cuộc sống của riêng mình, kể cả những gì về tôn giáo. Cuộc sống của mình mới là cái gì được họ quan tâm nhiều nhất. Mà cuộc sống hôm nay càng ngày càng đẻ ra các thứ nhu cầu. Lo để đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu cũng đã đủ mệt.

Tôn giáo tuy vẫn được coi là một nhu cầu của cuộc sống. Nhưng đối với nhiều người, nhu cầu đó có thể bị để ở một vị trí thấp. Họ dửng dưng không phải đối với mọi việc tôn giáo. Nhưng họ chỉ dành sự quan tâm của họ cho một số việc tôn giáo, mà họ coi là còn cần cho cuộc sống họ, hoặc về mặt tâm linh, hoặc về mặt xã hội.

Xu hướng dửng dưng này đang dâng cao ở nhiều nơi. Nhất là tại những nơi, mà nếp sống hưởng thụ tràn vào các não trạng, hướng dẫn các lựa chọn của con người.

Ba xu hướng trên đây đang làm lung lay đức tin nơi nhiều người có đạo.

Ba xu hướng này cũng đang phát triển mạnh nơi những người ngoài Công giáo. Việc truyền giáo càng trở nên khó khăn, khi nền văn minh vật chất tăng tốc với nhiều hấp dẫn.

Trên đây là những thách đố mới do nền văn minh hiện thời gây nên. Trước những thách đố này, người truyền giáo phải mang thực chất Tin Mừng.

Hơn bao giờ hết, người truyền giáo ý thức về vai trò của ơn thánh. Ơn thánh qua việc gắn bó với Chúa. “Không có Thầy, chúng con không làm gì được” (Ga 15,5).

Tin là thực sự gắn bó với Chúa. Gắn bó tuyệt đối. Gắn bó vô điều kiện.

Như đức tin của Abraham. “Này con đây, lạy Chúa” (St 22,1).

Như đức tin của Môsê: “Lạy Chúa, con đây” (Xh 3,4).

Như đức tin của Samuel: “Con đây, lạy Chúa” (1 Sm 3,4-10).
Như đức tin của Đức Mẹ Maria: “Này con là nữ tỳ của Chúa, con xin vâng” (Lc 1,38).

Khởi đi từ sự gắn bó với Chúa, người truyền giáo hôm nay, với thái độ khiêm nhường trông cậy, sẽ dần dần được Chúa hướng dẫn. Họ sẽ thấy phải làm gì thêm trên đường rao giảng Tin Mừng tại Đất Nước thân yêu này.

+ GM JB Bùi Tuần