PDA

View Full Version : Nhổ Cỏ



Dan Lee
08-05-2007, 10:10 AM
Titile:Nhổ Cỏ
Tác giả: Nguyễn Tầm Thường


Thiền niệm đường rất rộng. Sàn bằng gỗ mầu nâu nổi vân bóng. Thiền sinh ngồi trên sàn nhà, mỗi người một chiếc nệm gối mầu xanh dương. Gần giữa niệm đường, một chiếc bàn thờ nhỏ mầu gỗ gụ, trên đó Đức Phật ngồi thiền dưới cây thập giá. Cho dù đây là niệm đường Zen, tập thiền theo tu đức Công Giáo nhưng có thể nói Đức Phật là người tìm thấy con đường thiền niệm, nên trong thiền đường người ta đặt tượng Đức Phật ngồi thiền như một bậc thầy trước các tập sinh.

Căn phòng không bàn ghế, không trang trí hoa đèn, không có cái huyền bí của mùi nhang và cái mờ tối trong đền chùa. Mới bước vào, cảm giác của tôi là bình an. Qua những vuông kính rộng, từ phòng thiền nhìn ra, bên ngoài chập chùng núi đồi. Bao quanh một khoảng trời thiên nhiên bao la. Tôi đang bước vào một không gian đơn sơ, thanh bạch. Cạnh tượng Đức Phật và cây thập giá, chiều đến, duy nhất một ngọn dầu cháy liên lỷ, ánh lửa nghiêm trang không gió lay động, phẳng lì như các thiền sinh ngồi bất động.

Bodhi Zendo, trung tâm Thiền Công Giáo do cha Ama Samy, dòng Tên điều khiển. Thiền viện mở ngày 6 tháng Giêng năm 1996, cách thị trấn Kodaikanal nửa tiếng xe trên đường núi, thuộc làng nhỏ Perumalmalai, cách thành phố lớn Madurai 120 cây số về phía tây bắc, thuộc miền nam nước Ấn, vùng Tamil Nadu. Tôi đến đây ngay sau Chúa Nhật Lễ Lá, mùa Chay năm 2001, ngày 9 tháng 4.

Sáng nay tôi nhổ cỏ trong vườn Zen.

Trung tâm thiền nào chắc cũng có vườn Zen như thế. Mỗi ngày chúng tôi có một tiếng rưỡi làm việc. Nhóm nhặt rau, nhóm lau sàn nhà, nhóm quét sân, nhóm làm vườn hoa. Tôi ở trong nhóm làm vườn hoa.

Ngọn núi cao 1700 mét. Núi đồi mênh mông. Bát ngát là rừng. Chung quanh thiền viện, những rặng chuối cũng theo mầu lá rừng, bát ngát xanh. Giữa mầu xanh bát ngát ấy, vườn Zen rực lên muôn hoa do tay con người trồng. Trung tâm sơn mầu trắng. Từ đỉnh núi phía xa nhìn xuống, khu thiền viện bé xíu giống như cụm nấm nhỏ trắng xinh xinh giữa biển rừng. Chung quanh thiền viện đều trồng hoa. Đất núi, vườn Zen nhiều bậc cao thấp, cong co. Đường đi lát bằng đá núi, trải cát và sỏi. Ngay từ cổng vào, tôi đã thích, như đi dưới giàn hoa. Những tàng hoa giấy rủ bóng. Trên núi, lúc nào cũng gió, khóm hoa nào cũng như đùa giỡn, ngả ngiêng vào nhau.

Tôi nhặt cỏ đã được nửa tiếng. Gió núi mát rười rượi nhưng trán cũng bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Dừng tay ngồi nhìn xuống thung lũng phía xa. Lãng đãng sương mù như những làn mây trắng mỏng. Trong nhóm thiền sinh, có người đã ở đây sáu tháng, người vài tuần. Chỉ có hai người mới tới, trong đó có tôi. Nhìn họ sinh họat, cái gì cũng chậm rãi thong thả, từng bước chân đi nhẹ, đặt chiếc ly xuống bàn ăn cũng từ tốn, sẽ sàng.

Ở góc vườn, một anh người Đức đang cưa cây. Tiếng cưa nghe rõ từng nhát kéo vào thớ gỗ, nghe như từng mạch kéo lúc va vào gỗ cứng lúc lướt qua gỗ mềm. Thiền viện trên núi cao, núi rừng chưa bị khai thác, chưa có khách sạn, không nhà nghỉ mát, hoàn toàn yên tĩnh, không tiếng động cơ, không tiếng ồn ào. Chỉ có gió và tiếng lá xào xạc, tiếng chim và bóng mây bay ngang. Tôi dừng tay nghe gió về. Nhìn xuống sườn đồi thoai thoải.

Đã lâu lắm rồi, hôm nay mới lại nhổ cỏ bằng tay. Hai mươi sáu năm về trước, năm 1977 tôi cũng nhổ cỏ bằng tay, nhưng không phải trong vườn Thiền. Ai ở Âu Châu thì biết, trời vương quốc Bỉ, một năm mưa phùn trên hai trăm ngày! Năm ấy tôi mới vượt biên, định mệnh đưa về một vương quốc nhỏ xíu, hiền hòa giữa Âu Châu. Mưa phùn bay, cỏ xanh, chả mấy nhà không có chút vườn trồng hoa. Ngày ngày tôi đạp xe, trời bay bụi mưa, gió lạnh. Chiếc áo che lạnh người ta cho tỵ nạn dài ngang đầu gối. Tôi nhổ cỏ, làm vườn cho một bà già. Con cái đi xa, bà sống một mình. Vườn không ai săn sóc, nhiều cỏ dại quá, như vườn hoang. Cỏ mọc kín trong hàng rào, phải lấy liềm cắt từng cụm. Trời bụi bay se lạnh, tay xước gai. Đất ẩm, ướt át. Bùn lấm. Sinh viên tỵ nạn mới bỏ nước đi. Việc gì cũng được, mấy mươi quan một ngày cũng được, tôi cần việc làm. Tôi chăm chỉ để bà tiếp tục mướn. Mưa cứ bụi bay, đất lấm, thế mà một buổi sáng chúng tôi làm sạch hết khoảng vườn. Hy vọng bà hài lòng lúc đi chợ về. Tôi cố gắng hết sức mình, làm nhiều, làm sạch, làm ít nghỉ. Mướn người Tây chắc khó có ai làm được như thế.

Vừa cất xe vào garage, ra nhìn khu vườn, bà đổi sắc mặt, mắng to lời. Tôi không hiểu gì. Tôi cố gắng làm chăm chỉ như thế sao bà lại mắng?

Bà dặn chúng tôi làm sạch cỏ, chừa lại những gốc hoa! Ngày mới tới nào đâu rành ngôn ngữ họ. Vườn bỏ hoang lâu rồi, cỏ cao quá nhiều. Chỉ thấy cỏ, nào có hoa gì đâu. Tôi cuốc đất, nhổ hết tất cả.

Ngày ấy đem sức lao động cần tiền sống, không phải nhổ cỏ trong vườn Zen. Tôi không có trái tim của Thiền sư nên tôi chán ngán “chuyện đời dang dở.” Ý ngay và lòng tận tụy được đáp trả như thế sao. Tuổi thanh niên mất đất nước, mang nhiều tủi nhục. Thấy mình như hành khất trên quê hương lưu đầy. Bà cũng không có trầm tĩnh của trái tim Thiền sư nên mới mắng như vậy. Người sinh viên cùng nhổ cỏ với tôi những ngày ấy nay là linh mục Francois Nguyễn Xuyên, hiện đang coi mục vụ cho người Việt ở Bruxelles, bên Bỉ.

Đứng trên vườn Zen hôm nay, tôi nghĩ lại ngày xa xưa đó. Thấm thoát thế mà hai mươi sáu năm rồi, một phần tư thế kỷ. Ai ngờ hôm nay tôi phiêu bạt đến đây, trên ngọn núi cô tịnh Ấn Độ. Nửa vòng trái đất phía bên kia, căn nhà tôi nhổ cỏ ngày xưa có còn? Chắc bà chết lâu rồi. Nhát liềm cắt, những gốc cỏ dại, trời mưa phùn bay, những vòng xe cúi đầu cố đạp đã qua rồi. Lời mắng hôm xưa cũng chỉ là tiếng vọng thời gian. Tôi đứng đây trong vườn Zen nhìn xuống phía xa thung lũng dưới đồi. Trên đây thanh tịnh quá, nhớ tới lời Đức Phật: Raising and passing away. Đời là có đó rồi phút chốc biến đi.

Tôi đang nhổ cỏ trong vườn Zen.

Zen bảo rằng khi nhổ cỏ, biết mình nhổ cỏ. Uống trà, biết mình uống trà. Rửa chén là thấy từng dòng nước làm sạch thơm cái bát, đôi đũa. Người đi tìm Thiền là tìm tỉnh thức cho tâm trí. Mục đích của Thiền là ý thức giây phút hiện tại. Sống trọn vẹn từng phút giây thời gian. Thiền sinh tập ý thức ấy khi quét nhà, nhổ cỏ, rửa chén. Sống từng hành động trong ý nghĩa. Điều này không xa lạ gì với tu đức Công Giáo. Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống như thế. Nhặt mũi kim khâu, giặt áo, dọn cơm, Têrêsa ý thức từng việc làm trong tình yêu.

Để tập sự, tôi nhìn gốc cỏ mới nhổ trên tay. Chậm rãi. Thong thả. Có cụm cỏ nhổ nhẹ là xong. Cỏ thứ mọc trong kẽ đá rất khó nhổ. Trong vườn Zen có nhiều lối đi lát đá. Công việc của tôi là nhổ cỏ mọc giữa những kẽ đá đó. Có rất nhiều tâm tình khi nhổ cỏ. Chẳng hạn nhổ cỏ lâu cũng nhàm chán. Khi mệt muốn nhổ vội cho xong. Nhổ vội cỏ sẽ đứt, còn lại rễ.

Những lúc mệt, tôi dừng tay nhìn vẻ đẹp của vườn hoa. Mấy luống hoa mặt trời đang hong nắng. Những bông hoa to như chiếc đĩa, vàng óng rực rỡ giữa đám hoa cúc cũng bát ngát vàng. Từ cổng vào, hai bên ngập kín hồng leo, loại hồng nhỏ nở từng chùm, leo quấn lên thành tường. Chung quanh vườn cát, bay phất phơ những nhánh hoa mỏng mầu nhẹ như mây.

Đã có người đến trước tôi trồng vườn Zen. Họ đâu rồi? Giờ tôi đang nhổ cỏ, mai đây tôi xa nơi này. Chả ai biết ai. Vườn hoa cứ đó, chào đón cho người đến, vĩnh biệt cho người đi. Kẻ đi trước trồng khóm cúc, kẻ đến sau nhổ cụm cỏ, cứ thế mà cuộc đời tiếp nối vẻ đẹp.

* * *

Ngồi trong vườn, tôi nghĩ đến chuyện cụ già với tâm hồn Thiền đã sống thật bao dung trong đời.

Ông hàng xóm thấy cụ già vất vả đào đất trồng cây. Chiều nọ ông nói vọng qua bờ rào:

- Cụ ơi, tuổi đời cụ còn bao nhiêu nữa vất vả làm gì. Lọai hạnh đào ấy chục năm nữa mới có quả. Lúc đó cụ chẳng còn nữa đâu mà ăn.

Cụ già dừng tay, nhìn trời nói vọng lại:

- Tuổi đời tôi chả trông ngày có quả. Tôi trồng cho người sau đấy thôi.

Cụ nhìn cây hạnh đào cổ thụ phía cuối vườn, nói thêm:

- Cây đào kia kìa, chả biết ai trồng từ hồi nào mà nay tôi được ăn, thì mình cũng trồng cây này cho kẻ hậu thế mai sau.

Đấy là trồng cây trong vườn Zen đời sống. Bỏ đi cái nhỏ nhen chật hẹp của cõi lòng. Đời sống thật đẹp biết bao.

Tôi có thể giật đứt nắm cỏ xanh. Dễ thôi. Nhưng vài hôm cỏ lại đâm chồi. Giống như người ta vội xưng tội dịp lễ lớn. Đợi lễ lớn xưng tội thoáng qua, làm đẹp linh hồn chốc lát. Sau đó lại trở về chốn cũ. Cỏ hoang lại mọc. Chỉ người làm thuê mới nhổ dối cho chóng xong, cắt ngọn thôi, không muốn nhổ rễ.

* * *

Chuyện cỏ lùng trong Phúc Âm Mátthêu rất lạ. Mátthêu viết như một chuyện của bậc thiền sư cao tay. Chuyện kể rằng: “Nước Trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa luá, rồi đi mất” (Mt. 16: 25).

Như một thiền sinh tập sự. Ta lấy ba chữ “rồi đi mất” trong câu Phúc Âm trên để tìm tông tích tại sao gieo cỏ lùng xong kẻ thù lại hành động như thế.

Giả sử có người đặt mồi lửa muốn đốt cháy căn nhà kia, có khi nào đặt xong mồi lửa rồi bỏ đi không? Nếu bỏ đi, gió tắt thì sao? Sự thường phải quanh quẩn đó chờ xem kết quả thế nào chứ. Điều lạ trong chuyện gieo cỏ lùng, Mátthêu viết rằng, kẻ thù bỏ đi. Đâu là ý của Thiền niệm trong ba tiếng “rồi đi mất”?

- Có thể kẻ thù bỏ đi vì biết chắc chắn cỏ sẽ mọc, nó đã biết trước thành công. Nếu đấy là chuyện linh hồn ta, ta không có năng lực nào chống lại hay sao? Như vậy quá buồn.

- Có thể kẻ thù vội bỏ đi, sợ chủ vườn nhận diện được nó. Nếu vậy sự vắng mặt của kẻ thù là nguyên nhân thành công. Vắng mặt nguy hiểm hơn có mặt. Hình ảnh này cũng quá thực và quá thường trong cuộc sống. Nhiều hoàn cảnh thấy như êm đềm nhưng thật sự không phải thế. Nhiều gia đình nhìn bề ngoài không bóng dáng sóng gió, thật sự không phải thế. Không nhận diện được bóng kẻ thù, bất chợt một ngày thấy cỏ lên cao, lúc ấy quá muộn cho một chuyện buồn rồi.

- Tại sao ngày lúa trổ bông cỏ lùng mới xuất hiện?

Mátthêu viết tiếp: “Đến khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện” (Mt. 16: 26). Theo ý viết, không phải lúa trổ bông cỏ lùng mới xuất hiện. Nhưng lúa trổ bông mới khám phá sự xuất hiện của cỏ lùng. Chuyện này cũng quá thật và quá thường trong đời sống. Mầu cỏ quá xanh, mầu lúa quá xanh. Ta ngỡ cuộc sống là thế. Cái mơ hồ lẫn lộn mầu xanh hạnh phúc và mầu xanh ảo ảnh làm người ta lầm. Ông chủ không nhìn kỹ lúa mình, xa xa ngỡ mầu xanh là chân thật của lúa. Chuyện ấy cũng quá thật trong đời sống tâm hồn. Ta thiếu hồi tâm rất nhiều trong đời sống. Chuyện cá nhân, chuyện gia đình, chuyện tôn giáo, chuyện đất nước. Lúc đổ vỡ mới nhìn ra, bấy giờ quá tiếc. Ôi! cỏ đã gieo lâu rồi.

Tiếng khuông Thiền vang lên phía bên kia vườn Zen, báo hiệu hết giờ làm việc. Còn nửa tiếng nữa tôi lại ngồi thinh lặng trong niệm đường. Gió dạt dào, đưa tiếng chuông thong thả vào núi rừng. Cả khu núi thêng thang, tiếng chuông Thiền không náo nức, không hối hả, chuông âm vang từng tiếng một, trầm nhẹ rồi tan theo sương mây.

Lát nữa đây trong niệm đường có lẽ tôi tiếp tục nhổ cỏ trong vườn Zen của Mátthêu. Thiếu thăm nom kỹ thửa vườn nên lúc ông chủ nhận ra cỏ, đã quá trễ. Lúa tốt bao nhiêu cỏ cũng tốt bấy nhiêu. Bởi, cỏ dại biết bám vào những gì người ta sửa soạn cho lúa mà ăn theo. Cũng như biết bao tài năng cao quý sửa soạn cho đời sống thiêng liêng, nhưng thần dữ dùng chính tài năng ấy làm hư hao linh hồn. Trí thông minh thành kiêu căng, tiền bạc thành lỗi phạm, tình bạn thành dang dở, của làm phúc thành niềm tự hào, đền thờ thành pháo đài ngăn cách, lễ nhạc thành trình diễn.

Mátthêu viết rằng lúc mọi người say ngủ, kẻ thù gieo cỏ vào ruộng. Đất tốt bao nhiêu cho lúa, cũng tốt bấy nhiêu cho cỏ. Cùng một thứ cỏ xấu, nhưng cỏ mọc trong tâm hồn người không được cơ may học hành, rất khác trong vườn kẻ hiểu biết. Cũng như nói dối ngoài chợ rất khác nói dối nơi cửa chùa. Cùng một mê ngủ, nhưng mê ngủ nơi thiền sinh rất khác mê ngủ nơi bậc thiền sư. Mục đích Zen là tìm tỉnh thức cho tâm hồn. Tôi sẽ tìm gì trong giờ thiền niệm lát nữa đây?

Tiếng chuông vẫn thong thả từng tiếng một. Nắng lên cao hơn, rực rỡ hơn. Các khóm hoa đong nắng, ngả nghiêng thênh thang, bình an vui với gió.

Ấn Độ tháng 4, 2001