PDA

View Full Version : Ði Tìm Sự Giác Ngộ



Dan Lee
08-23-2007, 06:02 PM
Ði Tìm Sự Giác Ngộ



"Căn Hầm Dưới Tuyết". Ðó là tựa đề của một quyển ký sự mà tác giả là một Ni cô Phật Giáo người Anh tên là Tăng Sinh Ta Mô. Cuốn sách được ấn hành và giới thiệu tại Singapore. Trong quyển ký sự tác giả kể lại 12 năm hạnh phúc nhất đời mình là được sống một mình trong một căn hầm dưới dãy núi Hymalaya, tuyết phủ đầy 8 tháng mỗi năm.

Ni cô Tăng Sinh Ta Mô tên thật là Daniel Pery, người Anh, đã đến sống tại căn hầm này năm cô 33 tuổi. Trong căn hầm ở đồi cao 4 ngàn thước cách mặt biển, không có nước, nhà vệ sinh và cũng chẳng có giường chiếu. Thức ăn duy nhất mà Ni cô Tăng Sinh Ta Mô đã dùng trong 12 năm qua là đậu, và những người bạn duy nhất ở cách cô đến hàng dặm cũng chỉ là chó sói và các loài thú khác. Nhưng cuộc sống khắc khổ ấy chẳng là gì so với mục đích mà cô nhắm tới. Ðó là đạt cho bằng được sự giác ngộ.

Lúc nhỏ, cô nàng khao khát muốn biết sự thật về cuộc sống, cái chết và Thiên Chúa. Cô gia nhập một nhóm Phật Tử tại London Anh Quốc, và sau khi đọc tiểu sử của một thi sĩ tây tạng, cô quyết định đi tìm sự giác ngộ.

Thế là năm lên 20 tuổi, Tăng Sinh Ta Mô đã từ bỏ cuộc sống xa hoa và tìm đến Ấn Ðộ. Cô kể lại như sau:

Tôi nghĩ rằng điều đã thu hút tôi chính là niềm tin mãnh liệt nơi Phật Giáo, và cảm thức sâu sắc rằng: đây là con đường duy nhất quan trọng để hiểu được tâm trí của mình, và giúp cho người khác cũng hiểu được chính mình. Ni cô Tăng Sinh Ta Mô lấy tiền bán cuốn sách để đóng góp vào việc xây cất một thiền viện nằm trong một khuôn viên rộng 50 mẫu đất tại Ấn Ðộ. Mục đích mà cô nhắm tới khi cho xây thiền viện là giúp cho mọi người khắc phục được cái tâm của mình. Cô nói rằng: con người thường không ý thức được những hỗn loạn và những vết thương mà mình gây ra cho bản thân cũng như cho người thân của mình. Tâm trí của chúng ta cũng giống như một con ngựa hoang, chúng ta làm nô lệ cho các cảm xúc của mình nhất là tham lam, giận dữ, thất vọng và ganh tỵ.


*

* *

Những câu chuyện như trên đây không phải là hiếm họa trong thời đại của chúng ta, nó nói lên sự trống rỗng tinh thần mà nền văn minh tiêu thụ có thể tạo ra cho xã hội. Trống rỗng tinh thần của xã hội và trống vắng trong tâm hồn con người. Ðó chính là yếu tố thúc đẩy con người lên đường đi tìm kiếm những gì có thể lấp đầy khoảng trống vắng ấy.

Các tín hữu Kitô chúng ta biết rằng: sở dĩ con người được thúc đẩy để lên đường đi tìm kiếm là bởi vì chúng ta mang trong mình một nỗi khao khát vô biên mà không gì trên trần gian này có thể thỏa mãn được. Thiên Chúa đã tạo dựng con người cho chính Ngài. Chỉ có Ngài mới lấp đầy khát vọng vô biên của con người mà thôi.

Có tìm kiếm là có mò mẫm và lạc lối. Nếu không có những bảng chỉ đường, nếu không có một bản đồ, người lữ hành trần gian dễ dàng bị lạc đường, lạc lối. Các tín hữu Kitô chúng ta tin rằng: chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta về với Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã từng tuyên bố: Ngài là Ðường. Chỉ qua đường của Ngài, con người mới có thể đi về với Thiên Chúa Cha. Ðó chính là niềm xác tín của chúng ta, niềm xác tín ấy chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ với tất cả những ai đang thành tâm đi tìm kiếm chân lý. Họ chỉ có thể bước vào con đường ấy khi họ nhận ra rằng: cũng đang có những con người tiến bước trên con đường ấy với tất cả xác tín và hăng say. Mahatma Ghandhi đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ công giáo nào nữa là bởi vì: đã có lần trong một chuyến công tác tại Nam Phi. Các tín hữu Kitô da trắng đã không cho ông bước vào nhà thờ của họ, chỉ vì ông là người da màu.

Biết bao nhiêu lần, chúng ta đã chẳng là những cản ngại không cho những người thành tâm thiện chí bước vào con đường của Chúa Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, bước đi trên con đường là chính Chúa. Xin cho chúng con luôn bước đi với những bước hân hoan, hy vọng và tin yêu, để con trở thành lời mời gọi cho mọi người xung quanh cùng bước đi trên con đường của Chúa. Amen.

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu