PDA

View Full Version : LÒNG KÍNH MẾN ĐỨC MẸ CỦA ĐỨC HỒNG Y ANTHONY PADIYARA



Dan Lee
08-28-2007, 03:39 PM
LÒNG KÍNH MẾN ĐỨC MẸ CỦA ĐỨC HỒNG Y ANTHONY PADIYARA

Ngày 23-3-2000, Đức Hồng Y Anthony Padiyara, Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Hội Công Giáo nghi lễ syro-malabar Ấn Độ, êm ái ra đi về Nhà Cha, hưởng thọ 80 tuổi. Ngài là thành viên danh dự của Hội Thừa Sai Paris từ năm 1955, tức năm được tấn phong giám mục vào lúc 34 tuổi.

Anthony Padiyara chào đời tại Manimala, một làng quê trong bang Kerala, Bắc Ấn Độ, ngày 11-2-1921, nhằm lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Có lẽ vì lý do đó mà ngài chọn khẩu hiệu giám mục là ”MARIA, spes mea - MARIA, niềm hy vọng của con”. Niềm tin tưởng nơi sự phù trợ của Đức Mẹ MARIA biểu lộ trong các lời kinh, các bài giảng và trong các thư mục vụ của Đức Hồng Y Anthony Padiyara.

Sau khi mãn bậc trung học, Anthony Padiyara bày tỏ ước mong trở thành nhà truyền giáo, phục vụ trong một giáo phận khác, ngoài bang Kerala. Anthony xin gia nhập tiểu chủng viện Thánh GIUSE thuộc giáo phận Coimbatore. Thời gian này, chủng sinh Anthony được dịp tiếp xúc với các Linh Mục Hội Thừa Sai Paris. Năm 1941, khi lãnh thổ các giáo phận được phân chia lại, Anthony trở thành chủng sinh của giáo phận Mysore, thuộc bang Karnataka. Hoàn thành chương trình học của đại chủng viện Thánh Phêrô ở Bangalore, thầy Anthony Padiyara được Đức Cha Henri Prunier truyền chức Linh Mục ngày 19-12-1945.

Tân Linh Mục được sai đi làm Cha phó giáo xứ Kodiveri, dưới sự coi sóc của Cha sở Charles Chervier, Linh Mục thuộc Hội Thừa Sai Paris. Thời gian ngắn sau đó, Cha Anthony được chỉ định lần lượt làm Cha sở giáo xứ Thánh MARIA, họ đạo rộng lớn nhất của giáo phận Mysore, rồi làm giáo sư đại chủng viện Bangalore.

Năm 1955, Tòa Thánh chỉ định Cha Anthony Padiyara làm giám mục giáo phận Ootacamund và năm 1970 lại chỉ định làm Tổng Giám Mục giáo phận Changanacherry trong bang Kerala. Như vậy, đương nhiên Đức Cha Anthony Padiyara chuyển từ Giáo Hội Công Giáo nghi lễ la-tinh sang Giáo Hội Công Giáo nghi lễ syro-malabar của Ấn Độ. Năm 1985, Đức Cha lại được thuyên chuyển về Ernakulam và được tấn phong Hồng Y ngày 28-6-1988. Tháng Giêng năm 1993, Đức Hồng Y Anthony Padiyara được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đặt làm Giáo Chủ toàn Giáo Hội Công Giáo nghi lễ syro-malabar, một Giáo Hội có 4 triệu tín hữu Công Giáo tại Ấn Độ.

Thế nhưng, điều đáng nói hơn tất cả chuyện thăng quan tiến chức trên đây, đó là: Đức cố Hồng Y Anthony Padiyara nổi bật về các đức tính: nhẫn nhục, khiêm tốn, đơn sơ, tinh thần truyền giáo và sau cùng là lòng sùng kính Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA.

Khẩu hiệu giám mục của ngài là ”MARIA, spes mea - MARIA, niềm hy vọng của con”. Niềm tin tưởng nơi sự phù trợ của Đức Mẹ MARIA được biểu lộ trong các lời kinh, trong các bài giảng và trong các thư mục vụ của Đức Hồng Y Anthony Padiyara, đặc biệt trong thư mục vụ viết vào tháng 3 năm 1958.

Đó là thời kỳ Liên Xô phóng vệ tinh hỏa tiễn đầu tiên lên không gian vào ngày 4-10-1957. Sau khi trở lại trái đất, phi hành gia Gargarine ngạo mạn tuyên bố: ”Tôi không hề gặp THIÊN CHÚA trong không gian”.

Phản ứng trước thái độ kiêu căng này, Đức Cha Anthony Padiyara viết trong thư mục vụ vào tháng 3 năm 1958:

- Hoa quả vô thần hầu như phát triển mạnh tại Liên-Xô. Vào thời kỳ nguy hiểm thiêng liêng này, chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đặt mình dưới sự phù trợ chở che của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Hãy cùng nhau lắng nghe sứ điệp Đức Mẹ gởi cho chúng ta tại Lộ-Đức và tại Fatima. Hãy sốt sắng lần hạt Mân Côi và hãy khuyến khích nhau làm việc đền tạ, hãm mình ăn chay, cầu xin cho tội nhân ơn mau mau ăn năn trở lại cùng THIÊN CHÚA.

... Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: ”Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. Nhưng tôi thưa: ”Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” Đức Chúa phán với tôi: ”Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: ”Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để hủy, để xây, để trồng” (Sách Giêrêmia 1,4-10).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.355, Janvier/2001, trang 28-29).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt