Dan Lee
08-29-2007, 04:22 PM
Bên ni bên nớ II: Hơn một năm sau...
http://vietcatholic.net/pics/bennibenno.jpg
Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, Ảnh NTTây
Vào một buổi sáng của tháng 9 năm 2005, tôi ghé vào phố Đào Viên của Đài Loan (Bên Ni Bên Nớ) (http://www.nguyentrungtay.com/bennibenno.html) phỏng vấn LM Nguyễn Văn Hùng và Văn Phòng Tranh Đấu cho Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam tại Đài Loan (VMWBO, Vietnamese Migrant Workers & Brides Office). Hơn một năm sau, tôi quay lại...
I. Văn Phòng Tranh Đấu cho Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam (VMWBO) tại Đào Viên, Bắc Đài Loan
A. Văn Phòng Tranh Đấu cho Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam
Ngay buổi chiều khi vừa đặt chân xuống trước cửa văn phòng, tôi đã gặp LM Hùng. LM Hùng cho tôi biết ngài vừa từ tòa án về, bởi văn phòng đang tranh đấu trước tòa cho một nữ công nhân Việt Nam, theo như hồ sơ thụ lý, can tội giết người. Theo như lời LM Hùng, chị Xinh bị chủ nhân bắt làm thêm giờ, tăng ca (overtime) liên tục trong một khoảng thời gian khá dài khiến tâm thần chị bị khủng hoảng. Cuối cùng, trong vô thức (blackout), chị Xinh cầm dao đâm chết người chủ. Khi tỉnh dậy, nhận ra xác người chủ đang nằm sõng soài trên vũng máu và con dao dính đẫm máu còn nằm trong tay, chị Xinh sợ hãi chạy lên lầu, nhảy xuống đất tự vận. Chị Xinh được chở tới nhà thương cấp cứu, sau cùng bị tống giam vào ngục về tội cố sát!...
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20065.jpg
LM Nguyễn Văn Hùng, Ảnh NTTây
Trong thời gian có mặt tại văn phòng, tôi lại có dịp lắng nghe những câu chuyện của những người công nhân Việt Nam hiện đang tỵ nạn tại văn phòng.
Cũng vẫn là những câu chuyện của những người công nhân Việt Nam phần lớn đến từ miền Bắc, phải cầm nhà cầm ruộng hoặc mượn tiền của bạn bè, để kiếm được một số tiền khá lớn trả cho những công ty môi giới. Khi tới được Đài Loan, có người công nhân bị bắt làm hơn tám tiếng, rồi thêm giờ, nhưng không được trả cho một đồng tiền lương; có người bị chửi mắng đánh đập, có người bị xúc phạm đến thân thể. Bởi bị đối xử bất công, có một số công nhân bỏ trốn chủ nhân đi làm chui ở những công ty khác, bởi thế họ trở thành những người sống bất hợp pháp. Đêm đêm, khi bị cảnh sát Đài Loan bố ráp, thanh niên cũng như thiếu nữ liều lĩnh từ lầu ba hoặc lầu bốn của những tòa nhà cao ốc nhảy xuống đất, tính bỏ chạy. Cho nên không lạ chi, phần lớn khi những cuộc đời Việt Nam tha hương tìm đến văn phòng, họ đều đã mang trong người những thương tích trầm trọng, đặc biệt về mặt tâm lý. Bởi thế ngoài việc tranh đấu đòi quyền lợi cho những công nhân bị chủ nhân đối xử bất công, không trả tiền lương, bị lăng nhục về mặt thể lý và tâm lý, văn phòng cũng có những chương trình giáo dục nhằm hướng dẫn và giúp đỡ nạn nhân tệ nạn buôn bán người (human trafficking) vượt qua được những mặc cảm tự ti nghĩ mình là rác rưởi của xã hội, hoặc là sau một lần bị làm nhục, đời phụ nữ không còn chi để mà giữ gìn nữa!
Khi Dân Chúa ÚC CHÂU ghé vào thăm văn phòng tháng Hai năm 2007, lúc đó là một buổi chiều, Lớp tiếng Phổ Thông do một cô giáo người Đài Loan đang diễn ra trong lớp học. Sáng hôm sau, tôi cũng được mời tới dự thính Lớp Nhân Bản do LM Nguyễn Hùng Cường, MM thuộc dòng truyền giáo Maryknoll phụ trách. Theo lời của LM Cường, mỗi ngày, từ thứ Hai cho tới thứ Sáu, văn phòng đều có những lớp học khác nhau dành riêng cho những người công nhân và cô dâu đang tạm trú tại văn phòng. Tùy theo thời khóa biểu của từng ngày, có khi một chuyên viên điện toán được mời tới Lớp Điện Toán để hướng dẫn về phương tiện truyền thông internets và máy vi tính cho lớp sáng; chiều tới, công nhân và cô dâu lại tham dự Lớp Nữ Công Gia Chánh để học thêu, học may và đan len.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20066.jpg
Lớp Nhân Bản, Ảnh NTTây
Đặc biệt trong bầu không khí rộn ràng của mùa Xuân Đinh Hợi 2007, tôi được biết văn phòng cũng đang phối hợp với những linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan để tổ chức chương trình mừng Xuân Đinh Hợi 2007 cho công nhân và cô dâu Việt Nam và người Việt đang sinh sống tại thành phố Đào Viên và vùng phụ cận. Bởi thế, vào những ngày cuối năm của Xuân Đinh Hợi 2007, công nhân và cô dâu Việt Nam tạm trú tại văn phòng đang rộn ràng trong bầu không khí Tết cổ truyền với lá chuối, nếp trắng, đậu xanh, và thịt heo. LM Hùng cho tôi biết, văn phòng đang nhộn nhịp gói bánh chưng, bánh tét để kiếm thêm một số ngân khoản nho nhỏ cho ngân quỹ điều hành văn phòng.
Tôi thắc mắc,
— Văn phòng lấy ở đâu ra ngân quỹ để điều hành vậy, thưa cha?
LM Hùng nói,
— Ngoài những cơ quan từ thiện bác ái của thế giới, phần lớn ngân quỹ để điều hành văn phòng đã đến từ những những chương trình cứu trợ và đóng góp của người Việt Nam trên toàn thế giới.
B. Hơn Một Năm Sau
Hơn một năm sau, khi quay về lại văn phòng Cô Dâu và Công Nhân tại Đài Loan, tôi nhận ra văn phòng không còn ở địa chỉ cũ nữa. Văn Phòng Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam đã di chuyển sang địa chỉ mới,
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20069.jpg
Văn phòng mới, Ảnh NNTây
Rev. Peter Nguyễn Văn Hùng, SSC
Vietnamese Migrant Workers & Brides Office
116 Chung Hwa Road
Bade City 334-64
Taoyuan Country, Taiwan
Tel: (03) 217-0468
Fax: (03) 379-8171
E-mail: nguyenvanhung2025@gmail.com
Như đã nhắc tới ở trên, ngoài LM Hùng, Executive Director, hiện nay văn phòng tranh đấu cho Cô Dâu và Công Nhân còn có thêm sự hiện diện của LM Cường, Assistance Executive Director, và sáu nhân viên làm việc toàn thời gian, bốn người Việt Nam, hai người còn lại là nhân viên xã hội người Đài Loan.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20067.jpg
LM Nguyễn Hùng Cường, Ảnh NTTây
Trong thời gian có mặt tại văn phòng, tôi cũng có nhiều dịp để tham dự những bữa ăn của cô dâu và công nhân. Ngày ba bữa, sáng, trưa, chiều, tất cả nhân viên và những cô dâu và công nhân Việt Nam ngồi ăn chung với nhau. Số lượng và phẩm chất của thức ăn khá cao. Đặc biệt, tất cả những bữa ăn trong ngày của văn phòng đều do những người công nhân Việt Nam hiện đang tỵ nạn tại văn phòng chia phiên nhau đảm trách nấu nướng.
Theo như LM Hùng, văn phòng hiện đang trực tiếp nuôi ăn và cung cấp chỗ ở cho 20 người công nhân Việt Nam đã tìm về văn phòng nhờ can thiệp cho những bạo hành và những đối xử bất công từ phía người chủ. Từ ngày mở cửa hoạt động cho tới tháng Hai năm 2007 vừa qua, LM Hùng cho biết văn phòng đã giải quyết được hơn 1000 hồ sơ thụ lý.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20068.jpg
Văn phòng chuẩn bị ăn trưa, Ảnh NTTây
Trước khi rời văn phòng, đại diện cho Dân Chúa ÚC CHÂU tôi đã trao tặng những món quà lì xì chúc Tết của Dân Chúa ÚC CHÂU tới 20 người công nhân vào những ngày cuối năm âm lịch, đặc biệt nhất, người công nhân thứ 20 chính là em bé sơ sinh vừa mới chào đời được mấy tháng. Mẹ và con đều đang tạm trú tại văn phòng chờ đợi ngày đèn trời công lý soi sáng…
http://vietcatholic.net/pics/27082007clip_image002.jpg
Tiền lì xì của Dân Chúa UC, Ảnh NTTây
II. Cô Dâu Việt Nam tại Miền Nam Đài Loan
A. Khó Khăn
Một lần nữa, rời Bắc Đài Loan, tôi đi xuống phía Nam của đảo quốc. Tại thành phố Gia Nghĩa, tôi gặp khá nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng người bản xứ.
Cũng lại vẫn là những câu chuyện của những người phụ nữ Việt Nam đến từ những thôn làng hẻo lánh của miền Nam: Sóc Trăng, Cà Mâu... Nhưng bởi gia đình nghèo nàn, bố mẹ đồng ý gả con gái cho những người thanh niên Đài Loan. Bởi chữ nghèo và chữ hiếu, cuối cùng rất nhiều phụ nữ Việt Nam của tuổi mười tám, hai mươi lên xe hoa về nhà chồng tại Đài Loan. Nhưng khi bước chân tới xứ người, sống trong những vùng thôn quê hẻo lánh của Đài Loan, khác lạ ngôn ngữ, khác lạ văn hóa, những cô dâu Việt Nam lấy chồng xứ lạ mới hiểu rõ thân phận lạc loài và cô đơn của mình.
Chị Hương nói với tôi,
— Thời gian đầu tiên sống ở Đài Loan con mới thấy mình liều. Tiếng Tàu thì không biết. Một chữ nhất cũng không thông. Không anh chị em. Không thân nhân họ hàng. Mà nhà của chồng con lại ở trong khu thôn xóm vắng vẻ, có chuyện chi xảy ra cho con, chắc cũng chẳng ai hay biết…
Tôi thắc mắc,
— Chị muốn nói chuyện gì sẽ xảy ra cho chị?
— Chắc cha có nghe vụ cô dâu Thắm bị chồng giết chết…
Hôn nhân dị chủng vẫn là một thách đố cho nhiều người. Vợ chồng cùng một sắc tộc, một văn hóa, nhưng khác miền cũng đã là một thử thách cho nhiều người, huống chi là những người của khác hẳn màu da và văn hóa. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao những người thanh niên Đài Loan lại không cưới vợ người bản xứ, mà lại cất công lặn lội từ Đài Loan sang bên Việt Nam lấy vợ từ những bưng biền thôn quê. Không cần nói ra, ai cũng có thể đoán được một trong những lý do chính dẫn đến hiện tượng cô dâu Việt Nam tại Đài Loan là bởi những người thanh niên Đài Loan này không lấy được vợ người bản xứ. Trong một lần phỏng vấn, một người chồng Đài Loan nói cho tôi biết anh ta không có khả năng về tài chánh để lập gia đình với phụ nữ bản xứ. Cuối cùng, người thanh niên này phải đi sang Việt Nam, trả cho công ty môi giới (brokers) một số tiền khá lớn mà anh đã từng dành dụm trong bao nhiêu năm chỉ để cưới về nhà một cô vợ Việt Nam để gia tộc anh ta có con cháu nối dòng. Bởi thế, không lạ chi nếu nhiều cô dâu Việt Nam chỉ sau một thời gian ngắn, họ khám phá ra người chồng của họ nếu không có những hạn chế về khả năng tài chánh thì cũng gặp nhiều khó khăn về thể lý và tâm sinh lý. Nhưng khi khám phá ra sự thật này thì đã quá muộn, bởi hai người đã nên vợ nên chồng!
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia,%20Dai%20Loan%20018.jpg
Chồng Đài Loan, Ảnh NTTây
Cũng bởi lặn lội về Việt Nam lấy vợ để có con cháu nối dõi tông đường, khi một cô dâu chỉ sinh cho nhà chồng những cô con gái, đặc biệt, trong những trường hợp bởi những khiếm khuyết về thể lý của người chồng, cô dâu Việt Nam không sinh được con, xung đột giữa mẹ chồng Đài Loan và cô dâu Việt Nam bắt đầu nẩy sinh. Trong những trường hợp này, phụ nữ Việt Nam sẽ lãnh nhận những áp lực nặng nề từ phía mẹ chồng và nhà chồng. Trong thân phận lạc loài nơi xứ người, không cùng một ngôn ngữ, trăm ngàn đắng cay cuối cùng vẫn đổ xuống đầu những cô dâu Việt Nam.
Không lạ chi, chị Sương vừa khóc vừa nói với tôi,
— Thời gian đầu tiên, con không có con. Bà mẹ chồng coi thường và ghét con ra mặt. Có mấy lần bà ấy còn nói thẳng, “Tao biết tụi bay, con gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan cũng chỉ bởi vì đồng tiền…”
Tôi hỏi,
— Tại sao chị lại nói “thời gian đầu tiên”?
Chị Sương nhíu mày, suy nghĩ tìm câu trả lời,
— Con muốn nói là…là bởi vì những hạn chế về phía của ông chồng của con, cho nên con không thể nào thụ thai được. Con mới khuyên anh ấy là nên đi gặp bác sỹ, nhờ họ chữa trị cho… Chồng của con thì nhà quê, có hiểu chi đâu… Nghe con khuyên bảo, ban đầu ông ấy còn ngần ngại, mắc cỡ. Nhưng sau cũng chịu đi khám, rồi chữa bệnh... Một thời gian sau, con có thai…
Chị Sương là một trường hợp may mắn, bởi cuối cùng chị đã có thai. Nhưng còn những trường hợp khác, y khoa và khoa học cũng bó tay đầu hàng, không chữa trị được cho những ông chồng Đài Loan bẩm sinh đã bị tật nguyền về mặt sinh lý. Trong những trường hợp này, trăm dâu cuối cùng vẫn đổ đầu tằm. Không trách chi, trong khi nói chuyện với tôi, chị Thế khóc như mưa,
— Bao nhiêu năm rồi, chồng con đã chữa trị, đã gặp bao nhiêu người bác sĩ, đã hốt bao nhiêu thang thuốc, nhưng chung cuộc tiền thì vẫn cứ mất, mà tật thì vẫn cứ mang… Con vẫn không có thai!!!
Con cái nối dõi tông đường là một chuyện, dị biệt tôn giáo lại là một chuyện khác. Chị Hạnh nói,
— Cha biết con là người Công Giáo. Nhưng nhà chồng con thì đạo thờ cúng tổ tiên. Họ đâu có để cho con tự do thoải mái hay là khuyến khích con đi lễ ngày Chúa Nhật đâu… Bố mẹ con cũng đâu có chịu cho mấy cháu nhỏ rửa tội. Con nhớ hồi mới qua Đài Loan, sống ở nhà chồng được gần một năm rồi, con vẫn không biết nhà thờ nằm ở hướng nào. Mãi cho tới khi con gặp mấy cha Việt Nam ở một quán ăn Việt Nam. Lúc đó con mới đi lễ…
Cho nên không lạ chi, trong tất cả những trường hợp tôi đã phỏng vấn, khi được đặt câu hỏi,
— Nếu bây giờ có dịp nói chuyện với những người phụ nữ đang sống bên Việt Nam nhưng lại muốn lập gia đình với người Đài Loan, chị sẽ nói chi với họ?
Trong tất cả những cô dâu tôi đã gặp và phỏng vấn, mọi người đều nói,
— Không nên, bởi những dị biệt quá xa về văn hóa, ngôn ngữ, hoàn cảnh, và địa vị.
Một điểm đặc biệt cần phải nhấn mạnh và tô đậm ở đây, phần lớn những cô dâu Việt Nam mà tôi đã có dịp tiếp chuyện, đều xuất thân từ những vùng thôn quê hẻo lánh của miền Nam Việt Nam. Bởi thế khả năng về học vấn và kiến thức được coi là yếu kém. Có nhiều cô dâu Việt Nam tôi gặp ở Đài Loan không có khả năng đọc và viết tiếng Việt. Bởi xuất thân từ những vùng quê thiếu thốn phương tiện thông tin, báo chí, tin tức, không mấy người ý thức được những thảm cảnh sẽ xảy tới cho phụ nữ và công nhân Việt Nam trên đất Đài Loan. Sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và chật vật tại quê nhà, được sự khuyến khích và đồng ý của bố mẹ, không lạ chi cuối cùng nhiều thiếu nữ tuổi mười tám của thôn quê Việt Nam quyết định rời bỏ xóm làng Việt Nam, lập gia đình với người Đài Loan với niềm hy vọng được đổi đời.
Theo lời của Nữ Tu Mễ, một người đang làm việc cho những cô dâu Việt Nam bị chồng Đài Loan hành hung đánh đập, Nữ Tu Mễ cho tôi biết có những cô dâu Việt Nam đã được ông chồng Đài Loan chọn lựa từ hằng trăm thiếu nữ. Trong quá trình tuyển chọn người vợ tương lai, có nhiều lần những người đàn ông Đài Loan đã đòi hỏi những người phụ nữ Việt Nam cởi bỏ hết những y phục trên thân mình để họ khám xét thân thể!!! Một điều không thể tin nhưng lại có thật, và vẫn còn đang xảy ra cho nhiều người thiếu nữ Việt Nam tại những vùng bưng biền, thôn quê hẻo lánh!
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20115.jpg
Một cặp vợ chồng cô dâu Đài Việt, Ảnh NTTây
B. Bùng Nổ Một Hiện Tượng
Từ hạn chế và yếu kém về khả năng tâm sinh lý của người chồng và những dị biệt về văn hóa và ngôn ngữ dẫn đến một tình trạng khá buồn hiện nay đang xảy ra trên đất Đài Loan, đó là hiện tượng nhiều cô dâu Việt Nam đi làm trong những “quán bia ôm” và “quán Karaokee”, một danh từ được người Việt Nam trên xứ Đài hiểu là những ổ nhện trá hình. Tin tức về những ổ nhện của người Việt Nam bị cảnh sát Đài Loan ập vào bắt, mang ra pháp lý là một loại tin tức được thông tin phổ cập trên TV của Đài Loan. Chị Nhân, một cô dâu Việt Nam cho tôi biết,
— Ở bên đây rất nhiều cô dâu Việt Nam đi làm trong “quán bia ôm” và “quán Karaokee”. Có những cô nói với chồng là họ đi làm thêm vào ban đêm. Nhưng thực chất vẫn chỉ là đi làm tại những “quán bia ôm”.
Chị Nhân lắc đầu nói thêm,
— Có nhiều người còn rủ con đi làm. Nhưng con từ chối…
Bởi tôi thắc mắc,
— Tại sao lại xảy ra tình trạng cô dâu Việt Nam đi làm thêm tại những “quán bia ôm” và “quán Karaokee” vậy?
Chị Nhân mới giải thích,
— Có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ phía của bố mẹ và thân nhân từ bên Việt Nam. Cha cứ nghĩ thử coi, ở bên Việt Nam cha mẹ ngày nào cũng gọi điện thoại hoặc là viết thư qua cứ thúc hối gửi tiền về, hôm nay thì xây cái chuồng heo, tháng tới lại đào cái giếng, rồi nào là tiền đóng học phí cho mấy đứa em đang đi học ở trên thành phố… Nhưng làm sao chúng con có tiền để mà gửi về cho bố mẹ. Cuối cùng, bởi áp lực từ gia đình, nhiều cô dâu Việt Nam bắt đầu liều, đâm đầu vào làm việc trong những “quán bia ôm” hoặc “quán Karaokee”.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia,%20Dai%20Loan%20021.jpg
Một quán ăn Việt Nam, Ảnh NTTây
Chị Hương và nhiều cô dâu Việt Nam khác cũng đồng ý với chị Nhân rằng những áp lực từ gia đình, bố mẹ và thân nhân bên Việt Nam là lý do chính đã thúc đẩy nhiều cô dâu Việt Nam sa chân vào vũng lầy buôn hương bán phấn,
Tôi hỏi chị Hương,
— Tại sao không ai viết thư về nhà để báo cho gia đình biết tình hình thực tế ở bên này?
Chị Hương hỏi ngược lại tôi,
— Cha nghĩ người bên Việt Nam tin lời của tụi con nói là thực hay sao???
C. Giáo Dục Con Cái
Tất cả những người con của cô dâu Việt Nam tôi đã gặp, các em đều không biết nói tiếng Việt. Tôi ái ngại hỏi chị Sẻo, một cô dâu khác,
— Sao chị không dậy cháu tiếng Việt?
Chỉ vào đứa con trai sáu tuổi, chị Sẻo, sinh ra và trưởng thành tại Cà Mâu, như một thói quen cố hữu, bật miệng chửi thề ròn tan,
— […] Tui đâu có mặt ở nhà thường xuyên để mà dậy nó tiếng Diệt. Từ sáng cho tới chiều tui buôn bán ngoài chợ, còn thì giờ đâu mà dậy dỗ ai! Tui để cho thằng tía nó và bà nội của nó, con mẻ đó muốn làm chi thì làm… Tui là tui lo kiếm tiền gửi về cho tiá má tui bên Diệt Nam.
— Chị nói tiếng gì với cháu vậy?
— Ông nghĩ còn tiếng nào khác ngoài tiếng Tàu...
Trong một lần phỏng vấn LM John Chang, SVD người Đài Loan, ngài cho tôi biết chính quyền Đài Loan cũng rất quan tâm về hiện tượng các cháu bé mang hai dòng máu Đài-Việt và khả năng tiếng Hoa của các cháu. Theo như LM John, bởi các cháu được sinh ra, lớn lên, và dậy dỗ bởi những người cha có trình độ học vấn thấp trong xã hội Đài Loan, cộng thêm với khả năng tiếng Hoa rất giới hạn của những người mẹ Việt Nam, chính quyền Đài Loan e ngại các cháu sẽ gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ và tâm lý khi bước chân tới trường…
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20138.jpg
LM John Chang SVD, Ảnh NTTây
Nói tới đây LM John ngập ngừng, dường như ngài không muốn nói thêm. Nhưng tôi hiểu sự tế nhị của ngài. Bởi được sinh ra bởi những người bố Đài Loan gặp mẹ Việt Nam trong hoàn cảnh kẻ mua người bán, cộng thêm vào khả năng thấp kém về nhiều mặt, đặc biệt về mặt văn hóa, trong một tương lai thật gần, nếu không được hướng dẫn chu đáo và cẩn thận, các cháu bé mang hai dòng máu Đài Việt có nhiều cơ hội để trở thành mục tiêu cho những tệ đoan trong xã hội.
D. Niềm Tin
Mặc cho hiện tượng một số cô dâu Việt Nam buông rơi nhân phẩm trên đất Đài Loan đang bùng nổ và lan tràn ở tỉnh Gia Nghĩa và ở miền nam của Đài Loan, vẫn còn nhiều cô dâu Việt Nam cương quyết chối từ những lời quyến rũ. Chị Thoa, một cô dâu Công Giáo nói,
— Có nhiều người bạn chê con cù lần, bởi không chịu đi làm trong “quán bia ôm”…
Nhìn cảnh nhà đơn chiếc của chị Thoa, tôi thắc mắc,
— Chị từ chối… Có phải bởi vì chị là một người Công Giáo?
Chị Thoa gật đầu, khuôn mặt trầm tư suy nghĩ,
— Cũng là một phần. Phần khác, con nghĩ… cũng bởi vì con vẫn giữ mối liên hệ với các cha Việt Nam [tại địa phận Gia Nghĩa]. Mỗi khi có những khó khăn trong đời sống, con vẫn tìm đến các cha, nhờ các ngài hướng dẫn và giúp đỡ.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20016.jpg
LM Nguyễn Mai Sơn, Ảnh NTTây
Theo như lời của LM Nguyễn Mai Sơn, ngoài công tác mục vụ tại giáo xứ Thánh Theresa cho giáo dân Đài Loan, ngài và nhiều LM Việt Nam khác cũng vẫn thường xuyên gặp gỡ những cô dâu Công Giáo để nâng đỡ và khuyến khích họ trong đời sống đức tin. Trong thời gian tôi có mặt tại tỉnh Gia Nghĩa, LM Sơn mang tôi tới hoặc là tư gia, hoặc là quán ăn, hoặc là chợ trời đêm để gặp gỡ nhiều cô dâu Công Giáo. Những cô dâu Công Giáo khác tôi đã gặp cũng xác nhận lời của chị Thoa về vai trò và tầm ảnh hưởng của các linh mục Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan trong đời sống đức tin của những cô dâu Công Giáo người Việt Nam.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia,%20Dai%20Loan%20001.jpg
LM Hoạt, LM Sơn, LM Hòa, và LM Của thuộc giáo phận Gia Nghĩa, Ảnh NTTây
E. Hơn Một Năm Sau
Trong khi đang viết những dòng chữ cuối cùng của bài phỏng vấn Bên Ni Bên Nớ II, qua thông tin liên lạc, tôi được biết vụ án đầu độc giết chết cô dâu Trần thị Hồng Thắm đã tới hồi kết thúc, cán cân công lý cuối cùng nghiêng về phía cô dâu Thắm. Nhưng mỉa mai và đau đớn thay, cô dâu Thắm đã xanh mộ.
Con người, ai cũng muốn và có quyền được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống mình đang có.
Nhưng để đổi một cuộc sống bên Việt Nam lạc loài qua bên đất người, cô dâu Việt Nam đã từng bị lột bỏ quần áo trên thân thể để một số đàn ông Đài Loan xăm xoi, chọn lựa như một món hàng giữa hằng trăm người phụ nữ. Tới được Đài Loan rồi, có cô dâu bị gia đình chồng lăng nhục, coi thường bởi không sinh được con, mà phần lỗi bởi vì khả năng sinh lý yếu kém của người chồng. Có cô dâu bị mang ra rao bán nơi công cộng. Có cô dâu bị người bản xứ đầu độc giết chết như chị Trần thị Hồng Thắm. Cuối cùng bởi áp lực từ bố mẹ bên Việt Nam, nhiều cô dâu Việt Nam buôn hương bán phấn trong những quán bia hơi, quán Karaokee trá hình. Tôi thiết nghĩ, giá trả cho cuộc đổi đời này cao quá, và thật đúng là đau đớn thay cho thân phận làm người phụ nữ Việt Nam trong vòng một trăm năm vừa qua.
Nhưng bên cạnh nỗi buồn này, hơn một năm sau, khi quay lại tỉnh Gia Nghĩa, Nam Đài Loan, tôi cũng có nhiều niềm vui, bởi chính tôi đã gặp được nhiều cô dâu Việt Nam vẫn quyết liệt sống đời sống Tin Mừng, vẫn quyết liệt từ chối những cám dỗ của vật chất tầm thường, bởi vì họ có niềm tin Kitô và sự hỗ trợ nâng đỡ về tinh thần của hàng giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan. Bên cạnh LM Hùng ở thành phố Đào Viên và LM Mai Sơn ở thành phố Gia Nghĩa, tôi cũng đã gặp và được biết vẫn còn rất nhiều linh mục và tu sĩ Việt Nam khác trên đảo quốc Đài Loan vẫn đang âm thầm đứng đằng sau, để hỗ trợ, để khuyến khích, và để nâng đỡ tinh thần của những người công nhân và cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại xứ người.
Xin được gửi những lời chúc mừng tới những cô dâu Việt Nam vẫn cương quyết sống đúng với phẩm giá của con người. Và cũng xin được gửi ngàn vạn lời cám ơn và những vòng hoa hồng tri ân tới những linh mục và tu sĩ Việt Nam vẫn còn đang hy sinh thì giờ, ngày đêm vất vả tranh đấu cho quyền lợi và phẩm giá của người Việt Nam trên đảo quốc Đài Loan.
www.nguyentrungtay.com
Nguyễn Trung Tây
http://vietcatholic.net/pics/bennibenno.jpg
Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, Ảnh NTTây
Vào một buổi sáng của tháng 9 năm 2005, tôi ghé vào phố Đào Viên của Đài Loan (Bên Ni Bên Nớ) (http://www.nguyentrungtay.com/bennibenno.html) phỏng vấn LM Nguyễn Văn Hùng và Văn Phòng Tranh Đấu cho Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam tại Đài Loan (VMWBO, Vietnamese Migrant Workers & Brides Office). Hơn một năm sau, tôi quay lại...
I. Văn Phòng Tranh Đấu cho Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam (VMWBO) tại Đào Viên, Bắc Đài Loan
A. Văn Phòng Tranh Đấu cho Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam
Ngay buổi chiều khi vừa đặt chân xuống trước cửa văn phòng, tôi đã gặp LM Hùng. LM Hùng cho tôi biết ngài vừa từ tòa án về, bởi văn phòng đang tranh đấu trước tòa cho một nữ công nhân Việt Nam, theo như hồ sơ thụ lý, can tội giết người. Theo như lời LM Hùng, chị Xinh bị chủ nhân bắt làm thêm giờ, tăng ca (overtime) liên tục trong một khoảng thời gian khá dài khiến tâm thần chị bị khủng hoảng. Cuối cùng, trong vô thức (blackout), chị Xinh cầm dao đâm chết người chủ. Khi tỉnh dậy, nhận ra xác người chủ đang nằm sõng soài trên vũng máu và con dao dính đẫm máu còn nằm trong tay, chị Xinh sợ hãi chạy lên lầu, nhảy xuống đất tự vận. Chị Xinh được chở tới nhà thương cấp cứu, sau cùng bị tống giam vào ngục về tội cố sát!...
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20065.jpg
LM Nguyễn Văn Hùng, Ảnh NTTây
Trong thời gian có mặt tại văn phòng, tôi lại có dịp lắng nghe những câu chuyện của những người công nhân Việt Nam hiện đang tỵ nạn tại văn phòng.
Cũng vẫn là những câu chuyện của những người công nhân Việt Nam phần lớn đến từ miền Bắc, phải cầm nhà cầm ruộng hoặc mượn tiền của bạn bè, để kiếm được một số tiền khá lớn trả cho những công ty môi giới. Khi tới được Đài Loan, có người công nhân bị bắt làm hơn tám tiếng, rồi thêm giờ, nhưng không được trả cho một đồng tiền lương; có người bị chửi mắng đánh đập, có người bị xúc phạm đến thân thể. Bởi bị đối xử bất công, có một số công nhân bỏ trốn chủ nhân đi làm chui ở những công ty khác, bởi thế họ trở thành những người sống bất hợp pháp. Đêm đêm, khi bị cảnh sát Đài Loan bố ráp, thanh niên cũng như thiếu nữ liều lĩnh từ lầu ba hoặc lầu bốn của những tòa nhà cao ốc nhảy xuống đất, tính bỏ chạy. Cho nên không lạ chi, phần lớn khi những cuộc đời Việt Nam tha hương tìm đến văn phòng, họ đều đã mang trong người những thương tích trầm trọng, đặc biệt về mặt tâm lý. Bởi thế ngoài việc tranh đấu đòi quyền lợi cho những công nhân bị chủ nhân đối xử bất công, không trả tiền lương, bị lăng nhục về mặt thể lý và tâm lý, văn phòng cũng có những chương trình giáo dục nhằm hướng dẫn và giúp đỡ nạn nhân tệ nạn buôn bán người (human trafficking) vượt qua được những mặc cảm tự ti nghĩ mình là rác rưởi của xã hội, hoặc là sau một lần bị làm nhục, đời phụ nữ không còn chi để mà giữ gìn nữa!
Khi Dân Chúa ÚC CHÂU ghé vào thăm văn phòng tháng Hai năm 2007, lúc đó là một buổi chiều, Lớp tiếng Phổ Thông do một cô giáo người Đài Loan đang diễn ra trong lớp học. Sáng hôm sau, tôi cũng được mời tới dự thính Lớp Nhân Bản do LM Nguyễn Hùng Cường, MM thuộc dòng truyền giáo Maryknoll phụ trách. Theo lời của LM Cường, mỗi ngày, từ thứ Hai cho tới thứ Sáu, văn phòng đều có những lớp học khác nhau dành riêng cho những người công nhân và cô dâu đang tạm trú tại văn phòng. Tùy theo thời khóa biểu của từng ngày, có khi một chuyên viên điện toán được mời tới Lớp Điện Toán để hướng dẫn về phương tiện truyền thông internets và máy vi tính cho lớp sáng; chiều tới, công nhân và cô dâu lại tham dự Lớp Nữ Công Gia Chánh để học thêu, học may và đan len.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20066.jpg
Lớp Nhân Bản, Ảnh NTTây
Đặc biệt trong bầu không khí rộn ràng của mùa Xuân Đinh Hợi 2007, tôi được biết văn phòng cũng đang phối hợp với những linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan để tổ chức chương trình mừng Xuân Đinh Hợi 2007 cho công nhân và cô dâu Việt Nam và người Việt đang sinh sống tại thành phố Đào Viên và vùng phụ cận. Bởi thế, vào những ngày cuối năm của Xuân Đinh Hợi 2007, công nhân và cô dâu Việt Nam tạm trú tại văn phòng đang rộn ràng trong bầu không khí Tết cổ truyền với lá chuối, nếp trắng, đậu xanh, và thịt heo. LM Hùng cho tôi biết, văn phòng đang nhộn nhịp gói bánh chưng, bánh tét để kiếm thêm một số ngân khoản nho nhỏ cho ngân quỹ điều hành văn phòng.
Tôi thắc mắc,
— Văn phòng lấy ở đâu ra ngân quỹ để điều hành vậy, thưa cha?
LM Hùng nói,
— Ngoài những cơ quan từ thiện bác ái của thế giới, phần lớn ngân quỹ để điều hành văn phòng đã đến từ những những chương trình cứu trợ và đóng góp của người Việt Nam trên toàn thế giới.
B. Hơn Một Năm Sau
Hơn một năm sau, khi quay về lại văn phòng Cô Dâu và Công Nhân tại Đài Loan, tôi nhận ra văn phòng không còn ở địa chỉ cũ nữa. Văn Phòng Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam đã di chuyển sang địa chỉ mới,
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20069.jpg
Văn phòng mới, Ảnh NNTây
Rev. Peter Nguyễn Văn Hùng, SSC
Vietnamese Migrant Workers & Brides Office
116 Chung Hwa Road
Bade City 334-64
Taoyuan Country, Taiwan
Tel: (03) 217-0468
Fax: (03) 379-8171
E-mail: nguyenvanhung2025@gmail.com
Như đã nhắc tới ở trên, ngoài LM Hùng, Executive Director, hiện nay văn phòng tranh đấu cho Cô Dâu và Công Nhân còn có thêm sự hiện diện của LM Cường, Assistance Executive Director, và sáu nhân viên làm việc toàn thời gian, bốn người Việt Nam, hai người còn lại là nhân viên xã hội người Đài Loan.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20067.jpg
LM Nguyễn Hùng Cường, Ảnh NTTây
Trong thời gian có mặt tại văn phòng, tôi cũng có nhiều dịp để tham dự những bữa ăn của cô dâu và công nhân. Ngày ba bữa, sáng, trưa, chiều, tất cả nhân viên và những cô dâu và công nhân Việt Nam ngồi ăn chung với nhau. Số lượng và phẩm chất của thức ăn khá cao. Đặc biệt, tất cả những bữa ăn trong ngày của văn phòng đều do những người công nhân Việt Nam hiện đang tỵ nạn tại văn phòng chia phiên nhau đảm trách nấu nướng.
Theo như LM Hùng, văn phòng hiện đang trực tiếp nuôi ăn và cung cấp chỗ ở cho 20 người công nhân Việt Nam đã tìm về văn phòng nhờ can thiệp cho những bạo hành và những đối xử bất công từ phía người chủ. Từ ngày mở cửa hoạt động cho tới tháng Hai năm 2007 vừa qua, LM Hùng cho biết văn phòng đã giải quyết được hơn 1000 hồ sơ thụ lý.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20068.jpg
Văn phòng chuẩn bị ăn trưa, Ảnh NTTây
Trước khi rời văn phòng, đại diện cho Dân Chúa ÚC CHÂU tôi đã trao tặng những món quà lì xì chúc Tết của Dân Chúa ÚC CHÂU tới 20 người công nhân vào những ngày cuối năm âm lịch, đặc biệt nhất, người công nhân thứ 20 chính là em bé sơ sinh vừa mới chào đời được mấy tháng. Mẹ và con đều đang tạm trú tại văn phòng chờ đợi ngày đèn trời công lý soi sáng…
http://vietcatholic.net/pics/27082007clip_image002.jpg
Tiền lì xì của Dân Chúa UC, Ảnh NTTây
II. Cô Dâu Việt Nam tại Miền Nam Đài Loan
A. Khó Khăn
Một lần nữa, rời Bắc Đài Loan, tôi đi xuống phía Nam của đảo quốc. Tại thành phố Gia Nghĩa, tôi gặp khá nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng người bản xứ.
Cũng lại vẫn là những câu chuyện của những người phụ nữ Việt Nam đến từ những thôn làng hẻo lánh của miền Nam: Sóc Trăng, Cà Mâu... Nhưng bởi gia đình nghèo nàn, bố mẹ đồng ý gả con gái cho những người thanh niên Đài Loan. Bởi chữ nghèo và chữ hiếu, cuối cùng rất nhiều phụ nữ Việt Nam của tuổi mười tám, hai mươi lên xe hoa về nhà chồng tại Đài Loan. Nhưng khi bước chân tới xứ người, sống trong những vùng thôn quê hẻo lánh của Đài Loan, khác lạ ngôn ngữ, khác lạ văn hóa, những cô dâu Việt Nam lấy chồng xứ lạ mới hiểu rõ thân phận lạc loài và cô đơn của mình.
Chị Hương nói với tôi,
— Thời gian đầu tiên sống ở Đài Loan con mới thấy mình liều. Tiếng Tàu thì không biết. Một chữ nhất cũng không thông. Không anh chị em. Không thân nhân họ hàng. Mà nhà của chồng con lại ở trong khu thôn xóm vắng vẻ, có chuyện chi xảy ra cho con, chắc cũng chẳng ai hay biết…
Tôi thắc mắc,
— Chị muốn nói chuyện gì sẽ xảy ra cho chị?
— Chắc cha có nghe vụ cô dâu Thắm bị chồng giết chết…
Hôn nhân dị chủng vẫn là một thách đố cho nhiều người. Vợ chồng cùng một sắc tộc, một văn hóa, nhưng khác miền cũng đã là một thử thách cho nhiều người, huống chi là những người của khác hẳn màu da và văn hóa. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao những người thanh niên Đài Loan lại không cưới vợ người bản xứ, mà lại cất công lặn lội từ Đài Loan sang bên Việt Nam lấy vợ từ những bưng biền thôn quê. Không cần nói ra, ai cũng có thể đoán được một trong những lý do chính dẫn đến hiện tượng cô dâu Việt Nam tại Đài Loan là bởi những người thanh niên Đài Loan này không lấy được vợ người bản xứ. Trong một lần phỏng vấn, một người chồng Đài Loan nói cho tôi biết anh ta không có khả năng về tài chánh để lập gia đình với phụ nữ bản xứ. Cuối cùng, người thanh niên này phải đi sang Việt Nam, trả cho công ty môi giới (brokers) một số tiền khá lớn mà anh đã từng dành dụm trong bao nhiêu năm chỉ để cưới về nhà một cô vợ Việt Nam để gia tộc anh ta có con cháu nối dòng. Bởi thế, không lạ chi nếu nhiều cô dâu Việt Nam chỉ sau một thời gian ngắn, họ khám phá ra người chồng của họ nếu không có những hạn chế về khả năng tài chánh thì cũng gặp nhiều khó khăn về thể lý và tâm sinh lý. Nhưng khi khám phá ra sự thật này thì đã quá muộn, bởi hai người đã nên vợ nên chồng!
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia,%20Dai%20Loan%20018.jpg
Chồng Đài Loan, Ảnh NTTây
Cũng bởi lặn lội về Việt Nam lấy vợ để có con cháu nối dõi tông đường, khi một cô dâu chỉ sinh cho nhà chồng những cô con gái, đặc biệt, trong những trường hợp bởi những khiếm khuyết về thể lý của người chồng, cô dâu Việt Nam không sinh được con, xung đột giữa mẹ chồng Đài Loan và cô dâu Việt Nam bắt đầu nẩy sinh. Trong những trường hợp này, phụ nữ Việt Nam sẽ lãnh nhận những áp lực nặng nề từ phía mẹ chồng và nhà chồng. Trong thân phận lạc loài nơi xứ người, không cùng một ngôn ngữ, trăm ngàn đắng cay cuối cùng vẫn đổ xuống đầu những cô dâu Việt Nam.
Không lạ chi, chị Sương vừa khóc vừa nói với tôi,
— Thời gian đầu tiên, con không có con. Bà mẹ chồng coi thường và ghét con ra mặt. Có mấy lần bà ấy còn nói thẳng, “Tao biết tụi bay, con gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan cũng chỉ bởi vì đồng tiền…”
Tôi hỏi,
— Tại sao chị lại nói “thời gian đầu tiên”?
Chị Sương nhíu mày, suy nghĩ tìm câu trả lời,
— Con muốn nói là…là bởi vì những hạn chế về phía của ông chồng của con, cho nên con không thể nào thụ thai được. Con mới khuyên anh ấy là nên đi gặp bác sỹ, nhờ họ chữa trị cho… Chồng của con thì nhà quê, có hiểu chi đâu… Nghe con khuyên bảo, ban đầu ông ấy còn ngần ngại, mắc cỡ. Nhưng sau cũng chịu đi khám, rồi chữa bệnh... Một thời gian sau, con có thai…
Chị Sương là một trường hợp may mắn, bởi cuối cùng chị đã có thai. Nhưng còn những trường hợp khác, y khoa và khoa học cũng bó tay đầu hàng, không chữa trị được cho những ông chồng Đài Loan bẩm sinh đã bị tật nguyền về mặt sinh lý. Trong những trường hợp này, trăm dâu cuối cùng vẫn đổ đầu tằm. Không trách chi, trong khi nói chuyện với tôi, chị Thế khóc như mưa,
— Bao nhiêu năm rồi, chồng con đã chữa trị, đã gặp bao nhiêu người bác sĩ, đã hốt bao nhiêu thang thuốc, nhưng chung cuộc tiền thì vẫn cứ mất, mà tật thì vẫn cứ mang… Con vẫn không có thai!!!
Con cái nối dõi tông đường là một chuyện, dị biệt tôn giáo lại là một chuyện khác. Chị Hạnh nói,
— Cha biết con là người Công Giáo. Nhưng nhà chồng con thì đạo thờ cúng tổ tiên. Họ đâu có để cho con tự do thoải mái hay là khuyến khích con đi lễ ngày Chúa Nhật đâu… Bố mẹ con cũng đâu có chịu cho mấy cháu nhỏ rửa tội. Con nhớ hồi mới qua Đài Loan, sống ở nhà chồng được gần một năm rồi, con vẫn không biết nhà thờ nằm ở hướng nào. Mãi cho tới khi con gặp mấy cha Việt Nam ở một quán ăn Việt Nam. Lúc đó con mới đi lễ…
Cho nên không lạ chi, trong tất cả những trường hợp tôi đã phỏng vấn, khi được đặt câu hỏi,
— Nếu bây giờ có dịp nói chuyện với những người phụ nữ đang sống bên Việt Nam nhưng lại muốn lập gia đình với người Đài Loan, chị sẽ nói chi với họ?
Trong tất cả những cô dâu tôi đã gặp và phỏng vấn, mọi người đều nói,
— Không nên, bởi những dị biệt quá xa về văn hóa, ngôn ngữ, hoàn cảnh, và địa vị.
Một điểm đặc biệt cần phải nhấn mạnh và tô đậm ở đây, phần lớn những cô dâu Việt Nam mà tôi đã có dịp tiếp chuyện, đều xuất thân từ những vùng thôn quê hẻo lánh của miền Nam Việt Nam. Bởi thế khả năng về học vấn và kiến thức được coi là yếu kém. Có nhiều cô dâu Việt Nam tôi gặp ở Đài Loan không có khả năng đọc và viết tiếng Việt. Bởi xuất thân từ những vùng quê thiếu thốn phương tiện thông tin, báo chí, tin tức, không mấy người ý thức được những thảm cảnh sẽ xảy tới cho phụ nữ và công nhân Việt Nam trên đất Đài Loan. Sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và chật vật tại quê nhà, được sự khuyến khích và đồng ý của bố mẹ, không lạ chi cuối cùng nhiều thiếu nữ tuổi mười tám của thôn quê Việt Nam quyết định rời bỏ xóm làng Việt Nam, lập gia đình với người Đài Loan với niềm hy vọng được đổi đời.
Theo lời của Nữ Tu Mễ, một người đang làm việc cho những cô dâu Việt Nam bị chồng Đài Loan hành hung đánh đập, Nữ Tu Mễ cho tôi biết có những cô dâu Việt Nam đã được ông chồng Đài Loan chọn lựa từ hằng trăm thiếu nữ. Trong quá trình tuyển chọn người vợ tương lai, có nhiều lần những người đàn ông Đài Loan đã đòi hỏi những người phụ nữ Việt Nam cởi bỏ hết những y phục trên thân mình để họ khám xét thân thể!!! Một điều không thể tin nhưng lại có thật, và vẫn còn đang xảy ra cho nhiều người thiếu nữ Việt Nam tại những vùng bưng biền, thôn quê hẻo lánh!
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20115.jpg
Một cặp vợ chồng cô dâu Đài Việt, Ảnh NTTây
B. Bùng Nổ Một Hiện Tượng
Từ hạn chế và yếu kém về khả năng tâm sinh lý của người chồng và những dị biệt về văn hóa và ngôn ngữ dẫn đến một tình trạng khá buồn hiện nay đang xảy ra trên đất Đài Loan, đó là hiện tượng nhiều cô dâu Việt Nam đi làm trong những “quán bia ôm” và “quán Karaokee”, một danh từ được người Việt Nam trên xứ Đài hiểu là những ổ nhện trá hình. Tin tức về những ổ nhện của người Việt Nam bị cảnh sát Đài Loan ập vào bắt, mang ra pháp lý là một loại tin tức được thông tin phổ cập trên TV của Đài Loan. Chị Nhân, một cô dâu Việt Nam cho tôi biết,
— Ở bên đây rất nhiều cô dâu Việt Nam đi làm trong “quán bia ôm” và “quán Karaokee”. Có những cô nói với chồng là họ đi làm thêm vào ban đêm. Nhưng thực chất vẫn chỉ là đi làm tại những “quán bia ôm”.
Chị Nhân lắc đầu nói thêm,
— Có nhiều người còn rủ con đi làm. Nhưng con từ chối…
Bởi tôi thắc mắc,
— Tại sao lại xảy ra tình trạng cô dâu Việt Nam đi làm thêm tại những “quán bia ôm” và “quán Karaokee” vậy?
Chị Nhân mới giải thích,
— Có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ phía của bố mẹ và thân nhân từ bên Việt Nam. Cha cứ nghĩ thử coi, ở bên Việt Nam cha mẹ ngày nào cũng gọi điện thoại hoặc là viết thư qua cứ thúc hối gửi tiền về, hôm nay thì xây cái chuồng heo, tháng tới lại đào cái giếng, rồi nào là tiền đóng học phí cho mấy đứa em đang đi học ở trên thành phố… Nhưng làm sao chúng con có tiền để mà gửi về cho bố mẹ. Cuối cùng, bởi áp lực từ gia đình, nhiều cô dâu Việt Nam bắt đầu liều, đâm đầu vào làm việc trong những “quán bia ôm” hoặc “quán Karaokee”.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia,%20Dai%20Loan%20021.jpg
Một quán ăn Việt Nam, Ảnh NTTây
Chị Hương và nhiều cô dâu Việt Nam khác cũng đồng ý với chị Nhân rằng những áp lực từ gia đình, bố mẹ và thân nhân bên Việt Nam là lý do chính đã thúc đẩy nhiều cô dâu Việt Nam sa chân vào vũng lầy buôn hương bán phấn,
Tôi hỏi chị Hương,
— Tại sao không ai viết thư về nhà để báo cho gia đình biết tình hình thực tế ở bên này?
Chị Hương hỏi ngược lại tôi,
— Cha nghĩ người bên Việt Nam tin lời của tụi con nói là thực hay sao???
C. Giáo Dục Con Cái
Tất cả những người con của cô dâu Việt Nam tôi đã gặp, các em đều không biết nói tiếng Việt. Tôi ái ngại hỏi chị Sẻo, một cô dâu khác,
— Sao chị không dậy cháu tiếng Việt?
Chỉ vào đứa con trai sáu tuổi, chị Sẻo, sinh ra và trưởng thành tại Cà Mâu, như một thói quen cố hữu, bật miệng chửi thề ròn tan,
— […] Tui đâu có mặt ở nhà thường xuyên để mà dậy nó tiếng Diệt. Từ sáng cho tới chiều tui buôn bán ngoài chợ, còn thì giờ đâu mà dậy dỗ ai! Tui để cho thằng tía nó và bà nội của nó, con mẻ đó muốn làm chi thì làm… Tui là tui lo kiếm tiền gửi về cho tiá má tui bên Diệt Nam.
— Chị nói tiếng gì với cháu vậy?
— Ông nghĩ còn tiếng nào khác ngoài tiếng Tàu...
Trong một lần phỏng vấn LM John Chang, SVD người Đài Loan, ngài cho tôi biết chính quyền Đài Loan cũng rất quan tâm về hiện tượng các cháu bé mang hai dòng máu Đài-Việt và khả năng tiếng Hoa của các cháu. Theo như LM John, bởi các cháu được sinh ra, lớn lên, và dậy dỗ bởi những người cha có trình độ học vấn thấp trong xã hội Đài Loan, cộng thêm với khả năng tiếng Hoa rất giới hạn của những người mẹ Việt Nam, chính quyền Đài Loan e ngại các cháu sẽ gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ và tâm lý khi bước chân tới trường…
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20138.jpg
LM John Chang SVD, Ảnh NTTây
Nói tới đây LM John ngập ngừng, dường như ngài không muốn nói thêm. Nhưng tôi hiểu sự tế nhị của ngài. Bởi được sinh ra bởi những người bố Đài Loan gặp mẹ Việt Nam trong hoàn cảnh kẻ mua người bán, cộng thêm vào khả năng thấp kém về nhiều mặt, đặc biệt về mặt văn hóa, trong một tương lai thật gần, nếu không được hướng dẫn chu đáo và cẩn thận, các cháu bé mang hai dòng máu Đài Việt có nhiều cơ hội để trở thành mục tiêu cho những tệ đoan trong xã hội.
D. Niềm Tin
Mặc cho hiện tượng một số cô dâu Việt Nam buông rơi nhân phẩm trên đất Đài Loan đang bùng nổ và lan tràn ở tỉnh Gia Nghĩa và ở miền nam của Đài Loan, vẫn còn nhiều cô dâu Việt Nam cương quyết chối từ những lời quyến rũ. Chị Thoa, một cô dâu Công Giáo nói,
— Có nhiều người bạn chê con cù lần, bởi không chịu đi làm trong “quán bia ôm”…
Nhìn cảnh nhà đơn chiếc của chị Thoa, tôi thắc mắc,
— Chị từ chối… Có phải bởi vì chị là một người Công Giáo?
Chị Thoa gật đầu, khuôn mặt trầm tư suy nghĩ,
— Cũng là một phần. Phần khác, con nghĩ… cũng bởi vì con vẫn giữ mối liên hệ với các cha Việt Nam [tại địa phận Gia Nghĩa]. Mỗi khi có những khó khăn trong đời sống, con vẫn tìm đến các cha, nhờ các ngài hướng dẫn và giúp đỡ.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia%202,%20Dai%20Loan%20016.jpg
LM Nguyễn Mai Sơn, Ảnh NTTây
Theo như lời của LM Nguyễn Mai Sơn, ngoài công tác mục vụ tại giáo xứ Thánh Theresa cho giáo dân Đài Loan, ngài và nhiều LM Việt Nam khác cũng vẫn thường xuyên gặp gỡ những cô dâu Công Giáo để nâng đỡ và khuyến khích họ trong đời sống đức tin. Trong thời gian tôi có mặt tại tỉnh Gia Nghĩa, LM Sơn mang tôi tới hoặc là tư gia, hoặc là quán ăn, hoặc là chợ trời đêm để gặp gỡ nhiều cô dâu Công Giáo. Những cô dâu Công Giáo khác tôi đã gặp cũng xác nhận lời của chị Thoa về vai trò và tầm ảnh hưởng của các linh mục Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan trong đời sống đức tin của những cô dâu Công Giáo người Việt Nam.
http://vietcatholic.net/pics/27082007Gia%20Nghia,%20Dai%20Loan%20001.jpg
LM Hoạt, LM Sơn, LM Hòa, và LM Của thuộc giáo phận Gia Nghĩa, Ảnh NTTây
E. Hơn Một Năm Sau
Trong khi đang viết những dòng chữ cuối cùng của bài phỏng vấn Bên Ni Bên Nớ II, qua thông tin liên lạc, tôi được biết vụ án đầu độc giết chết cô dâu Trần thị Hồng Thắm đã tới hồi kết thúc, cán cân công lý cuối cùng nghiêng về phía cô dâu Thắm. Nhưng mỉa mai và đau đớn thay, cô dâu Thắm đã xanh mộ.
Con người, ai cũng muốn và có quyền được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống mình đang có.
Nhưng để đổi một cuộc sống bên Việt Nam lạc loài qua bên đất người, cô dâu Việt Nam đã từng bị lột bỏ quần áo trên thân thể để một số đàn ông Đài Loan xăm xoi, chọn lựa như một món hàng giữa hằng trăm người phụ nữ. Tới được Đài Loan rồi, có cô dâu bị gia đình chồng lăng nhục, coi thường bởi không sinh được con, mà phần lỗi bởi vì khả năng sinh lý yếu kém của người chồng. Có cô dâu bị mang ra rao bán nơi công cộng. Có cô dâu bị người bản xứ đầu độc giết chết như chị Trần thị Hồng Thắm. Cuối cùng bởi áp lực từ bố mẹ bên Việt Nam, nhiều cô dâu Việt Nam buôn hương bán phấn trong những quán bia hơi, quán Karaokee trá hình. Tôi thiết nghĩ, giá trả cho cuộc đổi đời này cao quá, và thật đúng là đau đớn thay cho thân phận làm người phụ nữ Việt Nam trong vòng một trăm năm vừa qua.
Nhưng bên cạnh nỗi buồn này, hơn một năm sau, khi quay lại tỉnh Gia Nghĩa, Nam Đài Loan, tôi cũng có nhiều niềm vui, bởi chính tôi đã gặp được nhiều cô dâu Việt Nam vẫn quyết liệt sống đời sống Tin Mừng, vẫn quyết liệt từ chối những cám dỗ của vật chất tầm thường, bởi vì họ có niềm tin Kitô và sự hỗ trợ nâng đỡ về tinh thần của hàng giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan. Bên cạnh LM Hùng ở thành phố Đào Viên và LM Mai Sơn ở thành phố Gia Nghĩa, tôi cũng đã gặp và được biết vẫn còn rất nhiều linh mục và tu sĩ Việt Nam khác trên đảo quốc Đài Loan vẫn đang âm thầm đứng đằng sau, để hỗ trợ, để khuyến khích, và để nâng đỡ tinh thần của những người công nhân và cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại xứ người.
Xin được gửi những lời chúc mừng tới những cô dâu Việt Nam vẫn cương quyết sống đúng với phẩm giá của con người. Và cũng xin được gửi ngàn vạn lời cám ơn và những vòng hoa hồng tri ân tới những linh mục và tu sĩ Việt Nam vẫn còn đang hy sinh thì giờ, ngày đêm vất vả tranh đấu cho quyền lợi và phẩm giá của người Việt Nam trên đảo quốc Đài Loan.
www.nguyentrungtay.com
Nguyễn Trung Tây