PDA

View Full Version : Từ bỏ gì ?



Dan Lee
09-08-2007, 11:03 AM
Từ bỏ gì ?


TỪ BỎ
Lk 14,25-33.07C

Để từ bỏ cần phải biết điều từ bỏ. Không thể từ bỏ những gì mình không biết. Biết có hai cách một là đọc qua sách báo, hoặc được dậy dỗ cho biết hai là chính mình học để biết.

Nói đến học hiểu là học điều tốt lành, điều hay, điều đáng học như vậy chúng ta không nên từ bỏ những gì tốt lành, thánh thiện. Những điều sai trái, gian tà cần xua đuổi mà không cần học vì chúng đến từ sự dữ, ma quỷ.

BỎ ĐI

Từ bỏ những gì xấu xa, những gì không tốt, những gì không có lợi cho phẩm giá con người. Tóm lại cần từ bỏ những gì có hại cho thân xác và những gì làm mất bình an trong tâm hồn.

BỎ GÌ

Người cần từ bỏ trước tiên là chính cá nhân mình. Đừng đòi người bạn đường hay bạn hữu hay bề trên phải từ bỏ hay thay đổi theo ý mình. Lí do thật đơn giản.

Bỏ phê bình, bỏ chỉ trích. Phê bình bạn là người xấu, làm bạn với họ, mình là người thế nào?

Trên thực tế bạn bè ảnh hưởng nhiều đến lối sống và cách phán đoán của ta. Thân thiết với những người bạn xấu đương nhiên mình cũng có những điểm giống bạn. Để trở thành bạn ít ra cần có những điểm giống nhau, tương tự như nhau mới có thể kết thân, ngoài ra không thể là thân hữu nếu không có những điểm giống nhau. Giống nhau cả tốt lẫn xấu, tất nhiên ai cũng thích tốt và chỉ trích cái xấu. Như thế nói xấu người khác chính là tự tố cáo tật xấu của mình nấp sau những câu phê bình, chỉ trích, kết án.

SAO BIẾT

Làm sao để tin được điều mình nhận xét hay phê bình người khác là đúng.

Không đơn giản như câu nói. Điều chúng ta phê bình, chỉ trích, bắt người khác thay đổi theo ý mình nhẹ là thuần lí thuyết, nặng là do chủ quan mà ra.

Lí thuyết và thực tế nhiều khi không giống. Nếu chỉ biết lí thuyết mà bắt người khác phải thay đổi thì có lẽ đòi hỏi đó hơi quá đáng.

Nhận xét do chủ quan mang đến thường là nhận xét thiên lệch, một chiều, khó phản ảnh trung thực sự kiện. Nhận xét một con người cần phải cẩn trọng hơn. Sai lầm lớn thường xảy ra cho người nhỏ nhận xét người lớn, phê bình người có trách nhiệm hơn mình vì đứng ngoài nhìn vào, không thấy bên trong, nhìn thường chú ý đến mọt khía cạnh mà không nhìn thấy toàn cảnh. Lời phê bình nhìn từ một khía cạnh nếu có đúng thì phần trăm đúng rất nhỏ vì đến từ nhận xét khía cạnh.

Hơn nữa chưa bao giờ đảm nhận vai trò đó làm sao hiểu được khó khăn, tế nhị và ngay cả trách nhiệm của công việc mà dám đưa ra những phê bình chỉ trích. Lí luận dùng những dữ kiện bên ngoài, nhận xét chung của đại chúng, qua các nhà truyền thông. Phán đoán dựa vào những khía cạnh chủ quan của người khác, dùng bằng chứng qua báo chí và phát thanh càng nguy hiểm hơn bởi vì các nhà truyền thông chỉ làm công việc nghe ngóng và nhận xét như bao người khác nên nhận xét của họ thường phiếm diện và hướng dẫn bởi xu hướng chính trị cá nhân. Dựa vào truyền thông, tin đồn để đưa ra lời phê bình là coi thường chính ý kiến mình. Sự việc không đơn giản như thế.

Điểm thứ ba cái nhìn của mình có thể là chính xác nhưng chính xác cho chính mình, không phải chính xác cho đại chúng. Như vậy người cần phải thay đổi là người đưa ra lời phê bình chứ không phải người bị phê bình. Tránh được cơn bệnh này cũng dễ thôi. Chỉ cần cẩn trọng khi nhận xét và chậm trong việc phê bình sẽ thấy hiệu quả tốt trước mắt.

Phê bình người khác có lẽ cũng ảnh hưởng nhiều đến nhân đức khiêm nhường bởi vì người khiêm nhường biết mình và biết người. Biết mình đã làm tròn công việc được trao phó chưa. Khi chưa làm tròn công việc được trao phó mà đi làm công việc của người khác thì khó giải thích việc mình làm là chính đáng.

KHUÔN THƯỚC

Chính xác nhất cho việc thay đổi là dựa vào Lời Chúa vì Chúa là Đấng trọn lành nên mọi thay đổi đều quy hướng về Đấng Trọn lành thì không thể sai lầm. Mọi thay đổi đặt căn bản trên hiểu biết, hướng dẫn thế gian có thể sai lầm, hay chưa hoàn thiện nhưng nếu đặt căn bản trên Lời Chúa thì sẽ hoàn thiện và không thể sai lầm.

Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng trọn lành. Chính Đức Kitô xác định điều này. (Lk 18,20).

Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. (Mt 11, 30).

TIÊN PHONG

Đòi người khác thay đổi không theo ý mình nhưng theo ý Chúa. Việc trước tiên chính ta phải học cho biết Lời Chúa lúc đó chúng ta mới yêu cầu người khác thay đổi đặt căn bản trên Lời Chúa. Bằng không, người kia dù thay đổi cách mấy, chúng ta cũng không thay đổi được cách nhìn của ta và bất hoà, khác biệt về phía ta vẫn tồn tại. Nói cách khác trước khi yêu cầu người khác thay đổi chính mình phải thay đổi trước, đi bước trước, mở đường dẫn người khác bước theo.
Lm Vũđình Tường