Dan Lee
09-20-2007, 07:48 AM
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN – NĂM C
NGƯỜI QUẢN LÝ
Bài đọc 1: Am 8, 4-7
Bài đọc 2: 1 Tm 2, 1-8
Tin mừng: Lc 16, 1-13
Ngày 19.9.2007 trong giờ giải lao tại phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, báo chí có phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội về Đề án 112. Trước đây, khi còn là Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà đã từng là Ủy viên Ban Điều hành của Đề án 112. Vậy mà khi được phỏng vấn, bà đã trả lời một cách rất “vô tư” rằng: “Thú thật là chỉ trước khi báo chí đăng, tôi mới nhớ ra mình từng làm ở Ban Điều hành”. Rồi sau đó, bà còn nói tiếp “Tôi chẳng biết gì về 112” (Mạnh Quân ghi, Chính trị – Xã hội, Thanh niên online, ngày 20.9.2007).
Dự án 112 là một dự án rất lớn. Mục tiêu của dự án này là “Tin học hóa quản lý hành chánh Nhà nước”. Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì từ chỉ từ năm 2000 đến 9.2003, dự án này đã tiêu tốn hết 3.730 tỉ đồng của ngân sách Nhà nước, hay đúng hơn là những đồng tiền thuế của nhân dân. Và bây giờ khi dự án thất bại, cơ quan công an đang điều tra để làm rõ sai phạm, thì một người từng giữ chức Ủy viên Ban Điều hành lại nói là: “Tôi chẳng biết gì”. Nghe những lời này của bà, không biết mọi người nghĩ thế nào. Còn riêng tôi, tôi cảm thấy ở đây có một sự “tắc trách”, “lạnh lùng, vô cảm” đến ghê sợ. Giả sử như dự án trên thành công vang dội, không biết bà Bộ trưởng này sẽ nói thế nào, khi nhắc đến dự án này.
Người làm công tác quản lý mà không biết việc mình đảm nhận, không chu toàn bổn phận của mình, thì dù muốn hay không, cũng là một thiếu sót. Và công việc càng lớn, thì thiếu sót đó càng trở nên trầm trọng hơn. Họ sẽ bị đình chỉ công tác. Thậm chí còn bị khởi tố trước pháp luật. Tương tự như vậy, người quản lý trong bài Tin mừng hôm nay, bị chủ cho nghỉ việc cũng chỉ vì anh ta đã không làm đúng chức năng quản lý mà chủ đã giao cho anh.
Chính vì thế, trong giờ này tôi muốn được chia sẻ cùng quý OBACE một vài suy nghĩ về những bổn phận của người quản lý, bởi lẽ, xét cho cùng mỗi người chúng ta đều là một người quản lý trước mặt Thiên Chúa.
1. MỖI NGƯỜI LÀ MỘT QUẢN LÝ :
Khi nói đến hai chữ “quản lý”, có thể nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng: nó chẳng liên quan gì đến mình. Hiện tại, tôi đang làm chủ. Tôi đâu có làm công cho ai, hay lệ thuộc ai đâu. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy cho dù hiện giờ hoàn cảnh sống của mỗi người đều khác nhau. Có người giàu, người nghèo. Thế nhưng, nhớ lại lúc mới chào đời, mỗi người trong chúng ta đều giống nhau. Cho dù là con vua, cháu chúa, hay là con nhà thường dân, mỗi người chúng ta đều vào đời với hai bàn tay trắng. Chúng ta chẳng đem bất cứ thứ gì vào đời. Nếu có chăng, thì đó chỉ là những tiếng khóc chào đời.
Mọi sự chúng ta có đều do nhận lãnh. Trước hết, chúng ta nhận lãnh từ nơi vòng tay yêu thương của cha mẹ một tấm khăn để bao bọc tấm thân. Rồi theo dòng thời gian, chúng ta còn tiếp tục nhận lãnh từ nơi cha mẹ công lao dưỡng dục mỗi ngày “chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm”. Lớn lên, chúng ta lại tiếp tục nhận được từ nơi nhà trường và xã hội một vốn tri thức của nhân loại đã được tích góp từ hàng ngàn năm qua bao thế hệ. Và cùng với vốn tri thức nhân loại, chúng ta còn nhận được một gia sản đức tin từ bao thế hệ cha anh trong Giáo Hội để lại cho chúng ta.
Tất cả những điều đó, cho thấy tất cả những gì chúng ta có đều do người khác trao ban. Và ước mơ của những người này không gì khác hơn là chúng ta lại tiếp tục trao ban những điều đó cho những thế hệ kế tiếp. Như thế, nếu mọi sự chúng ta đều do nhận lãnh được, thì thực sự chúng ta chỉ là người quản lý, mọi sự được giao cho chúng ta không phải để chúng ta sỡ hữu một mình, nhưng là để chúng ta chia sẻ lại cho người khác.
2. LỜI MỜI GỌI CHIA SẺ :
Người quản lý tốt là người thay mặt chủ để trông coi mọi tài sản của chủ, và sử dụng chúng theo ý chủ, chứ không phải theo ý của anh ta. Đặc biệt những người quản lý khôn ngoan theo ý của Thiên Chúa là những người biết “phân phát phần thực phẩm (cho anh em) cho phải thời” (Lc 12, 42).
Do đó, trong tư cách là người quản lý, chúng ta có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng ta là chia sẻ cho anh chị em những gì mình đã nhận lãnh. Chính vì thế, khi thấy những người đồng thời với mình sống bất công, bóc lột của người khác để làm giàu cho chính mình. Ngôn sứ Amos đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước”. Và vị ngôn sứ đã chỉ rõ cách sống bất công của hạng người này: “Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Đối với những người này, đồng tiền là trên hết. Họ giữ ngày Sabbat vì sợ phạm luật chứ không phải vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Bên ngoài họ giữ ngày Sabat, nhưng bên trong lại không muốn có ngày Sabat, vì theo luật, ngày Sabat họ không được phép buôn bán, và dĩ nhiên họ cũng không thu được lợi nhuận. Nghe những lời này, có lẽ nhiều người trong chúng ta có suy nghĩ, đúng là đồ đạo đức giả “miệng Nam mô”, mà bụng thì “một bồ dao găm”. Họ tìm mọi cách để tích góp cho mình, như thể họ là những người chủ, mà quên mất rằng: họ chỉ là người quản lý, chứ không phải là những ông chủ.
Thế nhưng “trông người lại nghĩ đến mình”. Nhiều người trong chúng ta bình thường vẫn đi lễ ngày Chúa Nhật, nhưng chỉ cần một cơn mưa, một lời rủ rê của bạn bè, một bữa nhậu, hay có một vụ làm ăn nào đó… là chúng ta cũng dễ dàng bỏ ngay việc dâng lễ ngày Chúa Nhật. Nếu như vậy, thì chúng ta cũng đâu có gì khá hơn những người Do Thái thời ngôn sứ Amos đâu.
Trong cuộc sống đời thường, có lẽ ai trong chúng ta cũng tính toán thật kỹ lưỡng, nên làm gì, và làm như thế nào để có lợi nhiều nhất. Hơn nữa để có thể thu được lợi nhuận nhiều nhất, chúng ta có thể thức khuya, dậy sớm, làm việc vất vả không quản ngày đêm, sẵn sàng bỏ cả quê cha đất tổ để đi “tha phương cầu thực” nơi đất khách quê người.
Đành rằng, “có thực mới vực được đạo”, trong thân phận của một con người mỗi người chúng ta cần phải làm việc để nuôi sống thân xác mình cùng với những người mình chịu trách nhiệm, nhưng chúng ta cũng cần ý thức rằng: sự sống thân xác không phải là tất cả. Chúng ta không thực sự làm chủ bất cứ điều gì, vì ngay cả sự sống thân xác là cột trụ cuối cùng của mình, chúng ta cũng không làm chủ được.
Do đó, để khỏi rơi vào tình trạng của người quản lý trong bài Tin mừng hôm nay, bị chủ gọi đến cho thôi việc, mỗi người chúng ta hãy chu toàn bổn phận quản lý của mình. Chúng ta hãy sử dụng thời giờ, cơ hội, phương tiện và tài năng của mình để phục vụ Chúa và tha nhân. Chúng ta hãy sẵn sàng chia sẻ với anh chị em những gì mà chúng ta đã được nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa “để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch”. Nhờ đó, vào ngày sau hết, chúng ta sẽ được họ “đón tiếp vào chốn an nghỉ đời đời”. Amen.
Lm Trần Thanh Sơn
NGƯỜI QUẢN LÝ
Bài đọc 1: Am 8, 4-7
Bài đọc 2: 1 Tm 2, 1-8
Tin mừng: Lc 16, 1-13
Ngày 19.9.2007 trong giờ giải lao tại phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, báo chí có phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội về Đề án 112. Trước đây, khi còn là Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà đã từng là Ủy viên Ban Điều hành của Đề án 112. Vậy mà khi được phỏng vấn, bà đã trả lời một cách rất “vô tư” rằng: “Thú thật là chỉ trước khi báo chí đăng, tôi mới nhớ ra mình từng làm ở Ban Điều hành”. Rồi sau đó, bà còn nói tiếp “Tôi chẳng biết gì về 112” (Mạnh Quân ghi, Chính trị – Xã hội, Thanh niên online, ngày 20.9.2007).
Dự án 112 là một dự án rất lớn. Mục tiêu của dự án này là “Tin học hóa quản lý hành chánh Nhà nước”. Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì từ chỉ từ năm 2000 đến 9.2003, dự án này đã tiêu tốn hết 3.730 tỉ đồng của ngân sách Nhà nước, hay đúng hơn là những đồng tiền thuế của nhân dân. Và bây giờ khi dự án thất bại, cơ quan công an đang điều tra để làm rõ sai phạm, thì một người từng giữ chức Ủy viên Ban Điều hành lại nói là: “Tôi chẳng biết gì”. Nghe những lời này của bà, không biết mọi người nghĩ thế nào. Còn riêng tôi, tôi cảm thấy ở đây có một sự “tắc trách”, “lạnh lùng, vô cảm” đến ghê sợ. Giả sử như dự án trên thành công vang dội, không biết bà Bộ trưởng này sẽ nói thế nào, khi nhắc đến dự án này.
Người làm công tác quản lý mà không biết việc mình đảm nhận, không chu toàn bổn phận của mình, thì dù muốn hay không, cũng là một thiếu sót. Và công việc càng lớn, thì thiếu sót đó càng trở nên trầm trọng hơn. Họ sẽ bị đình chỉ công tác. Thậm chí còn bị khởi tố trước pháp luật. Tương tự như vậy, người quản lý trong bài Tin mừng hôm nay, bị chủ cho nghỉ việc cũng chỉ vì anh ta đã không làm đúng chức năng quản lý mà chủ đã giao cho anh.
Chính vì thế, trong giờ này tôi muốn được chia sẻ cùng quý OBACE một vài suy nghĩ về những bổn phận của người quản lý, bởi lẽ, xét cho cùng mỗi người chúng ta đều là một người quản lý trước mặt Thiên Chúa.
1. MỖI NGƯỜI LÀ MỘT QUẢN LÝ :
Khi nói đến hai chữ “quản lý”, có thể nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng: nó chẳng liên quan gì đến mình. Hiện tại, tôi đang làm chủ. Tôi đâu có làm công cho ai, hay lệ thuộc ai đâu. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy cho dù hiện giờ hoàn cảnh sống của mỗi người đều khác nhau. Có người giàu, người nghèo. Thế nhưng, nhớ lại lúc mới chào đời, mỗi người trong chúng ta đều giống nhau. Cho dù là con vua, cháu chúa, hay là con nhà thường dân, mỗi người chúng ta đều vào đời với hai bàn tay trắng. Chúng ta chẳng đem bất cứ thứ gì vào đời. Nếu có chăng, thì đó chỉ là những tiếng khóc chào đời.
Mọi sự chúng ta có đều do nhận lãnh. Trước hết, chúng ta nhận lãnh từ nơi vòng tay yêu thương của cha mẹ một tấm khăn để bao bọc tấm thân. Rồi theo dòng thời gian, chúng ta còn tiếp tục nhận lãnh từ nơi cha mẹ công lao dưỡng dục mỗi ngày “chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm”. Lớn lên, chúng ta lại tiếp tục nhận được từ nơi nhà trường và xã hội một vốn tri thức của nhân loại đã được tích góp từ hàng ngàn năm qua bao thế hệ. Và cùng với vốn tri thức nhân loại, chúng ta còn nhận được một gia sản đức tin từ bao thế hệ cha anh trong Giáo Hội để lại cho chúng ta.
Tất cả những điều đó, cho thấy tất cả những gì chúng ta có đều do người khác trao ban. Và ước mơ của những người này không gì khác hơn là chúng ta lại tiếp tục trao ban những điều đó cho những thế hệ kế tiếp. Như thế, nếu mọi sự chúng ta đều do nhận lãnh được, thì thực sự chúng ta chỉ là người quản lý, mọi sự được giao cho chúng ta không phải để chúng ta sỡ hữu một mình, nhưng là để chúng ta chia sẻ lại cho người khác.
2. LỜI MỜI GỌI CHIA SẺ :
Người quản lý tốt là người thay mặt chủ để trông coi mọi tài sản của chủ, và sử dụng chúng theo ý chủ, chứ không phải theo ý của anh ta. Đặc biệt những người quản lý khôn ngoan theo ý của Thiên Chúa là những người biết “phân phát phần thực phẩm (cho anh em) cho phải thời” (Lc 12, 42).
Do đó, trong tư cách là người quản lý, chúng ta có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng ta là chia sẻ cho anh chị em những gì mình đã nhận lãnh. Chính vì thế, khi thấy những người đồng thời với mình sống bất công, bóc lột của người khác để làm giàu cho chính mình. Ngôn sứ Amos đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước”. Và vị ngôn sứ đã chỉ rõ cách sống bất công của hạng người này: “Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Đối với những người này, đồng tiền là trên hết. Họ giữ ngày Sabbat vì sợ phạm luật chứ không phải vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Bên ngoài họ giữ ngày Sabat, nhưng bên trong lại không muốn có ngày Sabat, vì theo luật, ngày Sabat họ không được phép buôn bán, và dĩ nhiên họ cũng không thu được lợi nhuận. Nghe những lời này, có lẽ nhiều người trong chúng ta có suy nghĩ, đúng là đồ đạo đức giả “miệng Nam mô”, mà bụng thì “một bồ dao găm”. Họ tìm mọi cách để tích góp cho mình, như thể họ là những người chủ, mà quên mất rằng: họ chỉ là người quản lý, chứ không phải là những ông chủ.
Thế nhưng “trông người lại nghĩ đến mình”. Nhiều người trong chúng ta bình thường vẫn đi lễ ngày Chúa Nhật, nhưng chỉ cần một cơn mưa, một lời rủ rê của bạn bè, một bữa nhậu, hay có một vụ làm ăn nào đó… là chúng ta cũng dễ dàng bỏ ngay việc dâng lễ ngày Chúa Nhật. Nếu như vậy, thì chúng ta cũng đâu có gì khá hơn những người Do Thái thời ngôn sứ Amos đâu.
Trong cuộc sống đời thường, có lẽ ai trong chúng ta cũng tính toán thật kỹ lưỡng, nên làm gì, và làm như thế nào để có lợi nhiều nhất. Hơn nữa để có thể thu được lợi nhuận nhiều nhất, chúng ta có thể thức khuya, dậy sớm, làm việc vất vả không quản ngày đêm, sẵn sàng bỏ cả quê cha đất tổ để đi “tha phương cầu thực” nơi đất khách quê người.
Đành rằng, “có thực mới vực được đạo”, trong thân phận của một con người mỗi người chúng ta cần phải làm việc để nuôi sống thân xác mình cùng với những người mình chịu trách nhiệm, nhưng chúng ta cũng cần ý thức rằng: sự sống thân xác không phải là tất cả. Chúng ta không thực sự làm chủ bất cứ điều gì, vì ngay cả sự sống thân xác là cột trụ cuối cùng của mình, chúng ta cũng không làm chủ được.
Do đó, để khỏi rơi vào tình trạng của người quản lý trong bài Tin mừng hôm nay, bị chủ gọi đến cho thôi việc, mỗi người chúng ta hãy chu toàn bổn phận quản lý của mình. Chúng ta hãy sử dụng thời giờ, cơ hội, phương tiện và tài năng của mình để phục vụ Chúa và tha nhân. Chúng ta hãy sẵn sàng chia sẻ với anh chị em những gì mà chúng ta đã được nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa “để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch”. Nhờ đó, vào ngày sau hết, chúng ta sẽ được họ “đón tiếp vào chốn an nghỉ đời đời”. Amen.
Lm Trần Thanh Sơn