PDA

View Full Version : Điều Em muốn nói.



phu ong
09-24-2007, 04:39 PM
Bài viết đoạt giải nhất cuộc thi viết “Điều em muốn nói”

24-09-2007 20:18:13 GMT +7

Nguyễn Thị Hồn Nhiên, SN 1991, học sinh lớp 9 trường Bình Tây, hiện đang sống tại Mái ấm Hướng Dương. Bài viết đã được Ban giám khảo chấm điểm 10 và được trao giải nhất tại cuộc thi viết “Điều em muốn nói” diễn ra sáng ngày 24-9.

Có ai đó nói rằng, chờ đợi dù trong mỏi mòn vẫn còn hạnh phúc hơn là không có điều gì để mà trông mỏi khắc khoải... Tôi tự hỏi không biết mình có phải là người hạnh phúc nhất hay không khi mà vừa đủ tuổi lớn khôn tôi đã biết chờ, biết ngóng mẹ về. Mẹ ra đi tự lúc nào tôi cũng không biết, tôi chỉ biết rằng mình không như những đứa trẻ khác, tôi lớn lên nhưng chưa bao giờ cất tiếng gọi mẹ. “Bà ngoại ơi!” là tiếng gọi thân thương nhất, đầm ấm nhất, ngọt ngào nhất và đó cũng là tiếng gọi đầu đời của tôi. Bà tôi thương tôi lắm! Tình thương mà bà dành cho tôi không đơn thuần là tình thương của người bà dành cho đứa cháu nhỏ mà nó bao la và thiêng liêng như tình cảm người mẹ dành cho đứa con bé bỏng của mình. Có thể nói bà là người mẹ thứ hai của cuộc đời tôi. Bà chăm lo cho tôi từ miếng ăn tới giấc ngủ. Lúc nhà túng thiếu, bà dành cả phần ăn của mình cho tôi. Bà là thế, bà thà chịu đói, chịu rét để tôi được cơm no, áo ấm. Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm bên bà và trong cả những câu chuyện cổ tích ngọt ngào, thấm đượm từng lời dạy quý báu của bà. Những lúc bà đi làm xa ngoài đồng, tôi hay trốn bà đi chơi với lũ nhỏ trong xóm. Nói là đi chơi với chúng nó chứ sự thật là tôi chỉ chơi một mình tôi thôi, vì chúng nó không thèm chơi với tôi. Nó nói tôi là đứa không cha, không mẹ, là đồ con hoang... nhưng tôi không buồn. Bởi vì lúc ấy, tôi chỉ là đứa trẻ lên bốn, sự hồn nhiên, vô tư trong tâm hồn tôi lúc ấy chưa cho phép tôi buồn đau. Thời gian trôi qua, tôi dần lớn thêm và bắt đầu biết lưu tâm về những lời nói của người khác về mình. Tôi nhớ như in cái ngày hôm đó, hôm đó tôi không trốn ngoại đi chơi như mọi khi mà tôi được ngoại cho phép đường hoàng. Tôi hớn hở, lon ton chạy sang nhà thằng Tèo, nơi có đám đông đang bu quanh một trò chơi khá lý thú, tụi nó thấy tôi thì vãn ra không chơi nữa, thế là tôi bị thằng Tèo mắng: “Đồ con hoang đi chỗ khác chơi, thứ đồ không cha, không mẹ chỉ bu quanh phá đám!”. Tôi mếu máo chạy về sà vào lòng ngoại khóc rấm rứt. “Ngoại ơi! Tụi nó nói con là đồ không cha, không mẹ…Đồ con hoang!”. Bà dỗ dành tôi: “Tụi nó nói bậy đó, con đừng tin!”. Bà ơi! Tụi nó nói bậy sao bà lại khóc vậy bà! Bỗng hai bà cháu ôm nhau khóc! Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy bà khóc. Trong trí óc non nớt lúc ấy của tôi, tôi cũng không biết tại sao bà lại khóc, tôi chỉ biết rằng: “Tôi thương bà tôi lắm! Tôi không muốn bà phải khóc vì những câu nói “bậy” kia nữa đâu! Bà biết không?

Tôi cứ ngỡ rằng cuộc đời mình sẽ cứ êm đềm như thế mãi nhưng bạn biết không, thường thì những gì mà ta ngỡ, ta tưởng lại không bao giờ là sự thực mãi mãi. Một ngày nọ, có một người phụ nữ lạ đến nhà tôi và mang theo thật nhiều quà bánh. Ngoại nói đó là mẹ của tôi. Từng lời ngoại nói như từng nhát cứa vào trái tim tôi. Tôi nhìn ngoại rồi quay sang nhìn người phụ nữ lạ ấy với cặp mắt ráo hoảnh, bà ta nhìn tôi một cách đầy thiện cảm. Chợt, tôi òa khóc. Tại sao tôi lại khóc nhỉ? Ý nghĩa của những giọt nước mắt kia là gì? Người ta bảo mỗi khi buồn thì chúng ta thường khóc. Nỗi buồn sẽ theo dòng nước mắt trôi đi. Nhưng đáng ra tôi phải vui sướng chứ vì tôi được gặp mẹ, người đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày để sinh tôi ra đời. Thế nhưng... mẹ ơi! Tiếng gọi này với tôi sao xa lạ quá thế! Tôi cố gọi nhưng không thành tiếng, nước mắt thì cứ thi nhau tuôn trào. Chợt, cô ấy ôm chầm lấy tôi, vuốt tóc tôi, âu yếm và hôn má tôi như bà vẫn thường thế. Những lúc ấy, tôi thích lắm nhưng sao... vòng tay của người phụ nữ này làm tôi ngột ngạt quá không biết. Tôi vùng vẫy, cố bỏ cái vòng tay ấy ra khỏi tôi và chạy lại ôm bà. Bà ân cần: “Mẹ con từ xa về thăm con, sao con lại khóc, cháu bà lớn rồi không được khóc nhè thế nữa!”. Được ôm ấp trong vòng tay ấm áp của bà, tôi dần nín khóc. Cô ta cho tôi rất nhiều quà bánh. Nào là những chiếc kẹo sô cô la ngọt ngào, nào là những chiếc kẹo được gói giấy bóng đủ màu sắc trông xa nom như những chiếc nón xinh xắn. Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn nhiều quà bánh như thế! Tôi thích lắm! Thời gian trôi qua, tôi và cô ấy dần thân thiết hơn, tôi không khóc và cũng không vùng vẫy chạy đi mỗi khi cô ta ôm tôi nữa. Một ngày nọ, cô ấy vui vẻ nói với tôi: “Con và mẹ cùng sang nhà dì Thắm chơi nhé!”. Tôi reo hò vui sướng vì sắp được đi chơi xa, ngoại thấy thế nên đã cho phép. Cô ta dẫn tôi đi, đi hoài đi mãi và chúng tôi dừng lại tại một nơi có rất nhiều xe cộ, người qua kẻ lại tấp nập. Chúng tôi leo lên một chiếc xe đò có khá nhiều hành khách. Xe lăn bánh, tôi thích thú bởi cái cảm giác được ngồi trên xe và ngắm nhìn hai bên đường, mọi vật như đang chuyển động. Tôi đâu ngờ rằng, chuyến đi này là một chuyến đi rất xa, từng vòng bánh xe lăn là từng khoảnh khắc tôi càng xa bà tôi hơn. Từ ấy, tôi xa bà tôi mãi mãi... Tôi được đưa vào Sài Gòn và được bán cho một gia đình khá giả. Tôi được bán đi bởi chính người mẹ đã sinh tôi ra, tôi chỉ đáng giá có một cây vàng thôi sao - nếu không mẹ tôi đã không bán tôi đi với cái giá ấy. Có lẽ giá trị một cây vàng lúc ấy to lớn lắm bạn nhỉ? Thậm chí không chừng nói có thể to lớn hơn cả tình mẫu tử mà người ta vẫn cho là thiêng liêng, cao đẹp. Sự thật đôi khi lại quá phũ phàng và đau đớn... Kể từ dạo ấy, cuộc đời tôi bắt đầu bước sang một trang mới. Tôi được người mẹ mới mua cho tôi thật nhiều quần áo đẹp, đồ chơi đẹp, được sống trong căn nhà lầu sang trọng... Tất cả đều khác xa nơi làng quê nghèo - nơi ghi dấu tuổi thơ tôi... Tôi dần quên khuấy đi mọi thứ. Nhưng dần thì tôi bắt đầu chán cái cuộc sống này. Nó đầy đủ về vật chất nhưng khuyết về tinh thần. Ở đây chẳng ai ôm tôi, chẳng ai vuốt tóc tôi, kể chuyện cho tôi nghe như ngoại vẫn như thế! Tôi chỉ chán chứ không hề buồn vì lúc ấy tôi chẳng hiểu gì về cái thế giới người lớn phức tạp. Tôi như một kẻ vô tri, vô giác, như một kẻ qua đường hờ hững với nỗi đau của chính mình. Một ngày nọ, tôi thức dậy và sung sướng tột cùng khi người đang đứng trước mặt tôi đây, không ai xa lạ mà chính là ngoại tôi. Hai bà cháu ôm chầm lấy nhau. Bàn tay ngoại nắm lấy tay tôi, tay ngoại gầy gầy và xương xương, ở nơi da đã chấm đồi mồi, duy chỉ có sự ấm áp trong bàn tay ấy vẫn nguyên vẹn như thuở nào. Tôi ríu rít như chim non gặp được chim mẹ sau nhiều năm xa cách, tôi khoe mọi thứ tôi có được với ngoại: “Ngoại xem này! Cháu có biết bao là quần áo đẹp, búp bê đẹp!”. Tôi đâu hay là mắt ngoại dần hoen mi. Ngoại đã khóc, những giọt nước mắt của sự chia ly mãi mãi đã được định trước. Ai cũng hiểu chỉ riêng tôi không hiểu. Khi ấy tôi là một đứa trẻ lên năm. Khi ngoại ra về tôi chỉ mỉm cười vẫy chào vì tôi nghĩ ngoại lại sẽ đến thăm tôi. Giá như xưa tôi hiểu được điều ấy, giá như xưa tôi có được cảm giác đau buồn, tôi có thể khóc, tôi có thể nắm lấy tay ngoại, xin ngoại đừng đi, đừng rời xa tôi, đừng bỏ tôi lại một mình trong căn nhà thiếu vắng tình thương này... Nhưng tôi đã không làm thế!

Thời gian thấm thoát trôi qua, vạn vật đều đổi thay và cả hoàn cảnh sống của tôi cũng có sự thay đổi. Gia đình tôi bắt đầu làm ăn thất bại và phải chuyển nhà đi nhiều nơi. Cuộc đời tôi cũng trở nên tăm tối, đau khổ hơn từ ấy. Trước đây dù không thương tôi như con ruột nhưng mẹ nuôi tôi không bao giờ đánh tôi cả còn bây giờ nghèo khó đã làm mẹ thay đổi. Mẹ thường hay đánh tôi trong những lúc bực dọc, những khi bị người ta đòi nợ nhưng nhà không có tiền để trả. Tôi cố gắng làm việc nhà như lời mẹ chỉ bảo để mẹ được thuận lòng, để mọi việc thay đổi theo hướng tốt hơn, vẫn không thay đổi được gì ngược lại mọi việc ngày càng tệ hơn trước... Lên tám tuổi thì tôi được vào học lớp một. Buổi khai trường hôm ấy tôi cũng mặc quần áo đẹp, cũng có cặp sách đẹp, có sách vở, bút viết mới tinh chỉ khác một điều là tôi không được “mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi trên con đường đến trường” như bao đứa trẻ khác. Tôi nhìn những đứa bạn cùng trang lứa rụt rè, đứng nép bên hông mẹ, tôi chợt chạnh lòng, tôi đứng chơi vơi giữa sân trường. Nước mắt tôi chợt rơi, lần thứ hai tôi khóc nhưng chẳng hiểu vì sao mình lại khóc. Vì cảm giác bỡ ngỡ, e sợ trong ngày đầu đến trường hay vì một lý do nào mơ hồ và xa xăm hơn chăng? Theo dòng thời gian, tôi không chỉ khôn lớn hơn về thể xác mà tâm hồn cũng đã có sự đổi thay, tôi dần hiểu hơn về cuộc sống của chính mình, về những gì đang diễn ra quanh tôi. Tôi dần hiểu ý nghĩa của những giọt nước mắt trong ngày đầu tiên đi học ấy là gì? Đó là sự tủi thân! Tôi đã sống trong căn nhà ấy, đã gọi người phụ nữ ấy là mẹ nhưng thật sự tình mẫu tử là gì tôi không biết! Tôi hãnh diện về những bộ quần áo đẹp, những cái áo đầm xinh xắn, về tất cả những gì mình có nhưng hỡi ơi! Tất cả chỉ là giả tạo, chỉ là một cái vỏ bọc rỗng tuếch. Người ta cho tôi tất cả những thứ ấy chỉ vì lòng thương hại và cái sĩ diện của một con người. Một sự che đậy về nhân cách... Học xong lớp bốn thì tôi đã bỏ nhà ra đi. Tôi ra đi vì tôi không muốn tiếp tục sống ở đây, không muốn sống với cái vỏ bọc kia mãi nhưng tôi biết đi đâu về đâu đây? “Con biết con mất mẹ, là mất cả bầu trời!” Thế giới bao la và rộng lớn quá, tôi thì nhỏ bé như hạt cát đứng giữa sa mạc. Chính người mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày để sinh tôi ra còn không cần đến tôi, tôi biết đi đâu đây! Tôi cứ đi và đi mãi, màn đêm dần buông xuống, trời càng lúc càng tối, đêm càng về khuya thì càng lạnh, tôi run sợ lạnh lẽo, vừa đi vừa khóc. Xa xa thấp thoáng bóng người! Một người phụ nữ mặc chiếc áo dài hồng bước đến gần tôi. Ồ! Ra là cô Thủy - giáo viên chủ nhiệm năm lớp Ba của tôi. Đêm hôm ấy, tôi ngủ lại nhà cô và kể với cô về mọi việc. Sau, nhờ sự giúp đỡ của cô và hội phụ nữ phường, tôi được vào Mái ấm sinh sống.

Đó chính là Mái ấm Hướng Dương - căn nhà thứ hai của tôi.

Một lần nữa, cuộc đời của tôi lại được lật sang một trang mới!

Tôi được sống trong vòng tay yêu thương của những người mẹ hiền thứ hai và điều may mắn nhất của tôi là vẫn được cắp sách tới trường... Thấm thoắt mới đây mà tôi đã vào Mái ấm được bốn năm. Năm nay, tôi đã tròn mười sáu tuổi, cái tuổi sắp trở thành người lớn, tôi hiểu hơn về cuộc sống và biết thấu hiểu hơn. Tôi đã thôi không còn trách móc mẹ. Có lẽ ngoại và mẹ đều có những hoàn cảnh nỗi niềm riêng... Có lẽ ngoại và mẹ đều đau lòng lắm khi phải bỏ con ra đi như thế.

Ngoại ơi! Ở một nơi phương xa nào đó, không biết ngoại có còn nhớ đến cháu không? Cháu thì vẫn luôn nhớ về ngoại, về cái nơi ghi dấu tuổi thơ, nơi ghi dấu những ngày tháng cháu được sống bên ngoại. Có lẽ đó là khoảng thời gian êm đềm và hạnh phúc nhất của cuộc đời cháu! Ngoại ơi! Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này kiếm được thật nhiều tiền. Cháu sẽ giúp đỡ những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ như cháu. Cháu sẽ giúp đỡ các em như chính xã hội đã chìa bàn tay, lòng nhân ái ra để cứu vớt cuộc đời cháu...

Một mùa trung thu sắp đến! Chúc các em tại các mái ấm, nhà mở sẽ có được một mùa trung thu an lành và hạnh phúc.



Nguyễn Thị Hồn Nhiên

nguyenvietanh
10-03-2007, 02:57 AM
bravo
bài viết rất hay phải ko phu ong rất giàu tính chân thực và cảm xúc ;)