PDA

View Full Version : Khi Làm Việc Bố Thí, Chớ Nên ...



Dan Lee
09-28-2007, 07:26 AM
Khi Làm Việc Bố Thí, Chớ Nên ...


Bạn có tin rằng một người giàu nứt thố đổ vách, quanh năm suốt tháng mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, lại có thể nhẫn tâm làm ngơ, dửng dưng … đến độ để cho một người hành khất mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng [nhà mình] … chết vì … thèm được [ăn] những thứ trên bàn ăn của [mình] rớt xuống … không?

Tại sao ông nhà giàu này lại có thể cư xử tệ bạc và dã man với một người đồng loại mà ông biết tên, biết mặt như vậy được cơ chứ? Tôi không tin như vậy! Chắc chắn là có những lý do bí ẩn nào đó khiến cho ông phú hộ này trở thành một người keo kiệt, lãnh cảm và dửng dưng như vậy! Bạn có biết những lý do đó hay không? Tôi và chắc chắn cả bạn nữa, chúng mình không thể nào biết được những lý do bí ẩn ấy. Thế nhưng dựa trên những kinh nghiệm của bản thân và qua những sự kiện đã và đang xảy ra trong xã hội, mà tôi nghe và biết, tôi nghĩ … rất có thể ông phú hộ đã lạnh lùng, khép kín trái tim từ tâm và trở thành kẻ keo kiệt là vì ba lý do này: một là vì SỢ HÃI, hai là vì SO ĐO, TÍNH TOÁN, và ba là vì hay LÝ LUẬN.

• Ông phú hộ có thể đã có những nỗi lo sợ! Sợ lỡ cho anh La-da-rô ăn những thức ăn thừa trên bàn rồi sau đó anh ta bị đau bụng, bị trúng độc rồi … lăn ra đó ăn vạ thì sao? Phải ra tòa và phải bồi thường, mất tiền, mất bạc và bị phá sản như chơi! Chắc ăn không bằng ăn chắc, không cho anh ta ăn uống những thứ thừa thãi là an toàn trên xa lộ Đại Hàn! Khoẻ!

• Ông nhà giàu này cũng có thể đã so đo, tính toán rất ư là chi li và kỹ lưỡng. Đồ ăn thừa thì không cho được, bây giờ chỉ có nước cho ăn đồ ăn còn nóng hổi, còn nguyên si, chưa ai đụng đũa … Nhưng mà, lỡ ăn xong rồi anh ta phải mùi rồi chùi không ra, không chịu đi làm ăn mà cứ ngồi ì ra đó, rồi mình cứ phải tiếp tế hàng ngày suốt đời như vậy mãi sao? Đó là chưa kể bọn ăn mày, đám bạn bè ăn xin của anh ta nghe tin có ăn free liền kéo đến đầy nhà của mình, ăn dầm nằm dề ở đó thì mình sẽ phải xử sự làm sao đây? Thôi thì đành nhắm mắt làm ngơ vậy, tránh được bao nhiêu là những phiền toái có thể xảy ra.

• Ông phú hộ này cũng có thể đã có cái tính hay lý luận. Mình làm ăn, có đóng thuế cho chính quyền đàng hoàng, chuyện dân chúng nghèo đói là chuyện của nhà nước, để cho họ lo, không phải chuyện của mình, lo chi cho mệt xác vậy? Vả lại mình không cho anh ta ăn thì cũng có người khác cho, làm sao anh ta chết được cơ chứ? Anh ta ngồi ở ngoài đó, không được gì cả, rồi mấy con chó cứ đến liếm ghẻ như vậy thì vài bữa nữa nó sẽ chán rồi phải đi chỗ khác chứ sức mấy mà ngồi ở đó hoài như vậy!

Vì sợ hãi, so đo tính toán thiệt hơn, và vì hay lý luận như vậy cho nên hai cánh cửa của trái tim nhân ái của ông đã từ từ khép lại và bị khóa hồi nào ông cũng không hay không biết, chứ bình thường mà nói, ông ta không đến độ cold blood và nhẫn tâm đến độ không ngó ngàng, đếm xỉa và không mảy may nghĩ đến hoàn cảnh của anh hành khất La-da-rô đâu!

Ngày xưa ông phú hộ SỢ HÃI-SO ĐO TÍNH TOÁN và LÝ LUẬN như thế nào thì ngày hôm nay, cũng có rất nhiều người, trong đó có tôi là kẻ đứng đầu danh sách, cũng đang bắt chước ông và hành xử y chang như ông ngày xưa vậy! Tôi hay sợ, hay so đo, và hay lý luận khi làm việc thiện, khi có cơ hội làm việc bác ái lắm! Thật đấy!

• Có một lần, trên một chuyến xe điện ở New York City, một người thanh niên với bộ quần áo dơ dáy, và nặng mùi thuốc lá đến trước mặt, xè tay xin tôi một vài đồng lẻ để ăn mua thức ăn. Trong túi tôi có tiền nhưng tôi suy luận lẹ lắm: “Có chắc là anh ta xin tiền đi mua đồ ăn hay là anh ta đi mua thuốc lá hút? Cho anh ta tiền để anh ta hút hay tệ hơn nữa đi chích choác hay mua bia mua rượu uống say sưa thì cho làm gì? Chỉ tổ làm hại người ta.”

• Một linh mục, cha H. lặn lội từ một miền quê nghèo xa xôi lên tới thành phố Sài Gòn rồi chạy vạy mãi mới qua được tới Hoa Kỳ, đến một giáo xứ X. nọ xin được giúp đỡ tài chánh để về cất một mái nhà thờ để … Chúa khỏi bị ướt mỗi khi mưa. Lễ xong, một thừa tác viên giúp đếm tiền, thấy một phong bì không có tiền nhưng có một tờ giấy viết ngoáy vội vã: “Nếu cha để dành cái số tiền mua vé máy bay từ Việt Nam qua Mỹ, rồi từ tiểu bang này qua tiểu bang nọ, từ thành phố này qua thành phố khác … thì cha dư sức cất một mái nhà thờ, cha khỏi cần phải vất vả,ở nhà chăm sóc con chiên, khỏi mất thời giờ qua Mỹ xin xỏ như vậy!”

• Bà Y. khi nhận được thư của một nhà dòng Mỹ xin bà giúp đỡ tài chánh cho ơn thiên triệu, bà liền nói với chồng: “Mình là người Việt, mình phải giúp cho ơn gọi Việt Nam mới phải, tại sao lại phải giúp cho người Mỹ như vậy chứ?”

• Ông Z. bộc bạch và thanh minh cho việc tại sao ông đã làm ngơ không giúp đỡ cho một chương trình từ thiện: “Ối giời ơi! Cho tiền mấy ổng, chẳng biết có tới tay người nghèo hay về xây cất được cái gì hay không, em sợ là mình lại tiếp tay cho cộng sản thì toi! Em nghe nói là phải chia chác với cộng sản ¼ cho nên chúng nó mới dễ dãi cho các cụ đi Mỹ như cơm bữa, chứ nếu không thì làm sao mà các cụ đi được, bác thấy em nói có lý không?”

… Còn nhiều chuyện tương tự như vậy lắm thưa bạn! Khi có dịp làm việc thiện và những việc bác ái thì tôi, một giáo dân của xứ X., bà Y, ông Z … và có thể có cả bạn trong đó nữa, lại cứ sợ hãi, cứ so đo, tính toán, và cứ lý luận lung tung mới là khổ. Mà khổ một nỗi, hễ càng sợ, càng so đo, càng tính toán thiệt hơn, và càng lý luận nhiều bao nhiêu thì cái hầu bao của chúng mình nó cứ rút chặt lại bấy nhiêu mới chết chứ lại. Chúng mình cứ tính đi tính lại, suy luận tới suy luận lui rồi cuối cùng mình chẳng cho ai xu teng nào cả! Đó mới là nguy hiểm.

Bạn thân mến, nếu trước đây, khi có dịp làm việc thiện, khi có cơ hội làm việc bố thí, khi rộng tay làm phúc … mà bạn đã sợ hãi, so đo tính toán và hay lý luận thì xin bạn hãy suy nghĩ lại đi! Khi làm việc từ thiện và bác ái, chúng mình không mất gì cả đâu, nhưng mà lúc ấy chúng mình đang tích trữ cho chính chúng mình đấy! Bạn không tin thì mở sách Tobia ra mà đọc.

Chính nhờ những công việc bác ái, bố thí và làm phúc của ông Tô-bít mà hai cha con ông và cả cô con dâu đã được tai qua nạn khỏi, được trở nên giàu có và hưởng muôn vàn phúc lộc của Chúa. Chính thiên sứ Ra-pha-en đã nói: “Hãy làm điều lành thì cha con ông sẽ không gặp điều dữ. Cầu nguyện kèm theo đời sống chân thật, bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công; làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu” (Tb 12:7-9).

“Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy … mỗi lần các ngươi làm [một việc bác ái] cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta."(Gal 6:7; Mt 25:40).

Gieo hạt giống bác ái và từ thiện thì sẽ gặt hái những hoa trái của bình an và thiện hảo. Lời van xin của ông nhà giàu bị chối từ là bởi vì ông đã từng từ chối La-da-rô. Bạn có muốn bị xử như ông nhà giàu không? Nếu không thì hãy mau mau quan tâm, giúp đỡ tha nhân đi! Thì trong ngày ta gặp hoạn nạn, cùng khốn, tha nhân và chính Chúa sẽ giúp đỡ và phù hộ ta. Bạn tin không? Nếu tin thì bạn đừng có sợ, đừng có so đo tính toán và đừng có lý luận lung tung khi có cơ hội làm việc bố thí và bác ái nữa! Just do it!

phamtinh@yahoo.com
Lm Ansgar Phạm Tĩnh