PDA

View Full Version : Thánh Cirillo thành Alessandria, Giáo Phụ bảo vệ giáo lý tinh tuyền kitô học và thánh mẫu



Dan Lee
10-04-2007, 07:10 AM
Thánh Cirillo thành Alessandria, Giáo Phụ bảo vệ giáo lý tinh tuyền kitô học và thánh mẫu học
Thánh Giáo Phụ Cirillo thành Alessandria là vị Chủ Chăn đã bênh vực giáo thuyết về sự hiệp nhất giữa thiên tính và nhân tính nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong bài huấn dụ nói trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 3-10-2007 tại quảng trường thánh Phêrô. Các tín hữu và du khách hành hương đến từ 30 nước khác nhau, nhưng chiếm đa số vẫn là các đoàn hành hương Italia và Đức.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt của thánh giáo phụ Cirillo thành Alessandria, là vị giáo phụ liên quan tới cuộc tranh luận Kitô học đã dẫn đưa tới Công Đồng Chung Ephexô năm 431 và là giáo phụ cuối cùng của truyền thống thần học Alessandria. Tại Đông Phương Hy Lạp sau này thánh Cirillo được gọi là ”người giữ gìn sự chính xác” là lòng tin đích thực hay ”ấn tích của các Giáo Phụ”. Các tước hiệu này cho thấy đặc tích của thánh nhân là luôn luôn quy chiếu các tác giả đi trước, nhất là Atanasio, với mục đích cho thấy nền thần học của mình tiếp tục truyền thống Giáo Hội bảo đảm cho sự tiếp nối các Tông Đồ và chính Chúa Kitô.

Được tôn kính như là thánh bên Phương Đông cũng như Phương Tây, năm 1882 Cirillo được Đức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên bố là tiến sĩ Giáo Hội cùng với thánh Cirillo thành Gierusalem. Sau này Đức Leo XIII cũng muốn tuyên bố thánh Giovanni Damasceno là tiến sĩ Giáo Hội. Sự kiện này không chỉ vén mở cho thấy Đức Leo XIII lưu tâm và yêu thích các truyền thống Kitô đông phương, mà còn cho thấy truyền thống đông tây đều diễn tả giáo thuyết duy nhất của Giáo Hội Chúa Kitô. Đề cập tới cuộc đời thánh Cirillo Đức Thánh Cha nói:

Có rất ít các tin tức liên quan tới cuộc đời Cirillo, trước khi người được bầu làm Giám Mục thành Alessandria. Là cháu của Teofilo, Giám Mục cai quản giáo phận Alessandria từ năm 385 một cách vững chắc và với nhiều uy tín, chắc hẳn Cirillo sinh tại thành phố Ai Cập này giữa các năm 370-380, mau chóng được dẫn đưa vào cuộc sống giáo hội và nhận được một nền giáo dục tốt trên bình diện văn hóa cũng như thần học. Năm 403 Cirillo theo bác là Giám Mục Teofilo tham dự Công Nghị Cây Sồi, là Công Nghị đã cách chức Giám Mục Gioan Kim Khẩu, ghi dấu chiến thắng của Alessandria trên Constantinopoli vốn vẫn ganh đua với nhau, và là nơi có hoàng đế cư ngụ. Sau khi Giám Mục Teofilo qua đời, năm 412 Cirillo được bầu làm Giám Mục trẻ của Giáo Hội Alessandria uy thế, và người đã cai quản giáo phận trong 32 năm trời với rất nhiều cương nghị, luôn nhắm khẳng định quyền tối thượng trong toàn Đông Phương và có các liên hệ gắn bó với Giáo Hội Roma.

Vài năm sau đó vào năm 417 hay 418 Cirillo tái lập sự hiệp nhất với Giáo đoàn Constantinopoli, bị bẻ gẫy hồi năm 406 sau vụ cách chức Giám Mục Gioan Kim Khẩu. Nhưng sự xung khắc cũ lại bùng nổ vào năm 428, khi Nestorio được bầu làm Giám Mục Constantinopoli. Nestorio là một tu sĩ uy tín và khắc khổ được đào tạo theo trường phái Antiokia. Vị tân Giám Mục này đã gây ra các chống đối vì trong các bài giảng của mình đã thích gán cho Đức Maria tước hiệu là ”Mẹ Chúa Kitô” Christotòkos, thay vì tước hiệu ”Mẹ Thiên Chúa” Theotòkos, đã quen thuộc với lòng đạo đức bình dân. Lý do là vì Nestorio theo nền Kitô học của trường phái Antiokia, muốn cứu vãn tầm quan trọng nhân tính của Chúa Kitô, nhưng rốt cuộc đi tới chỗ khẳng định sự chia cách với thiên tính. Và như thế không còn là sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và Con Người nơi Chúa Kitô nữa, và dĩ nhiên không thể nói tới ”Mẹ Thiên Chúa” được nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: thánh Cirillo, khi đó là thần học gia nổi tiếng nhất của trường phái Kitô học Alessandria phản ứng ngay tức khắc. Ngay từ năm 429 người đã nêu bật sự hiệp nhất giữa thiên tính và nhân tính trong con người của Đức Kitô bằng mọi cách, và cũng viết cho Giám Mục Nestorio vài bức thư. Trong bức thư thứ hai viết năm 430 thánh nhân khẳng định rằng các Chủ Chăn có bổn phận duy trì lòng tin của Dân Chúa. Đây là nguyên tắc ngày nay vẫn còn có giá trị: vì lòng tin của Dân Chúa diễn tả truyền thống và bảo đảm cho giáo thuyết lành mạnh.

Bức thư này sẽ được Công Đồng Chung thứ IV tại Calcedonia chấp nhận vào năm 451. Trong đó thánh Cirillo miêu tả lòng tin Kitô học một cách rõ ràng như sau: ”Chúng tôi khẳng định rằng các bản tính khác nhau kết hiệp trong sự hiệp nhất đích thật, nhưng từ cả hai bản tính chỉ có một Đức Kitô và Con, không phải vì sự hiệp nhất mà sự khác biệt của các bản tính bị loại bỏ, mà vì thiên tính và nhân tính được kết hiệp trong sự hiệp nhất không thể diễn tả và không thể kể được, đã cho chúng ta một Chúa duy nhất và Đức Kitô và Con”. Rồi Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Và điều này quan trọng: nhân tính thật và thiên tính thật thực sự hiệp nhất trong cùng Một Người duy nhất, là Chúa Giêsu Kitô. Vì thế chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô và Chúa duy nhất, không trong nghĩa chúng ta tôn thờ con người cùng với Ngôi Lời, để không đưa vào tư tưởng phân cách với kiểu nói ”cùng nhau”, nhưng trong nghĩa chúng ta tôn thờ chỉ một và cùng Chúa Kitô duy nhất, vì thân xác của Người không xa lạ với Ngôi Lời, với thân xác đó Người ngự bên Cha của người, không như thể là hai người con, nhưng mà chỉ là một người con duy nhất với thịt xác riêng của Người”.

Với các can thiệp của thánh Cirillo Giám Mục Nestorio bị lên án nhiều lần bởi Tòa Thánh Roma, rồi bởi một loạt 12 lời khai trừ do chính thánh Cirillo soạn và sau cùng bởi Công Đồng Chung thứ ba nhóm tại Ephesô năm 431. Công Đồng diễn ra với nhiều sôi động, và kết thúc với quyết định đầy Giám Mục Nestorio, vì nền Kitô học sai lầm và vì không muốn nhận tước hiệu ”Mẹ Thiên Chúa”. Nhưng năm 433 thánh Cirillo đi tới một công thức hòa giải. Nó ý nghĩa vì một đàng là sự rõ ràng của giáo thuyết đàng khác là việc tìm kiếm hoà giải. Thánh Cirillo đã bảo vệ lập trường thần học của mình cho tới khi qua đời mgày 27 tháng 6 năm 444.

Các bút tích của thánh nhân đã được phổ biến rộng rãi và được dịch ra tiếng Latinh và các thứ tiếng phương đông ngay khi thánh nhân còn sống. Chúng quan trọng đối với lịch sử của Kitô giáo. Thánh nhân đã chú giải nhiều sách Cựu ước như toàn bộ Ngũ Kinh, sách Isaia và Thánh Vịnh cũng như Phúc Âm thánh Gioan và thánh Luca. Đặc biệt đáng chú ý là nhiều tác phẩm giáo lý bảo vệ lòng tin vào Chúa Ba Ngôi chống lại các lạc thuyết của Ario và Nestorio. Nền tảng giáo huấn của thánh nhân là truyền thống giáo hội đặc biệt là các bút tích của giáo phụ Atanasio. Ngoài ra còn có các sách chống lại hoàng đế Giuliano bội giáo.

Theo thánh Cirillo lòng tin Kitô là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, một ”Con Người đã trao ban cho sự sống một chân trời mới”. Thánh nhân đã không mỏi mệt và kiên trung làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người sinh bởi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa Theotókos. Thật vậy, đã không có một Con là Ngôi Lời sinh ra bởi Thiên Chúa Cha, và một người con khác sinh ra bởi Trinh Nữ thánh thiện: nhưng chúng tôi tin rằng chính Đấng có trước thời gian cũng đã được sinh ra theo thịt xác bởi một phụ nữ”. Chỉ có một Con duy nhất, một Chúa Giêsu Kitô duy nhất trước khi nhập thể cũng như sau khi nhập thể. Người sẽ ở cùng chúng ta luôn mãi như lời Người đã hứa. Đó là điều quan trọng: Thiên Chúa vĩnh cửu, sinh ra từ một người nữ và ở cùng chúng ta mọi ngày. Chúng ta sống trong sự tin tưởng này, trong sự tin tướng này chúng ta tìm thấy con đường cho cuộc sống chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Tcheques, Croat và Ý. Ngài nhắn nhủ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 10.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha Ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải