PDA

View Full Version : Hoa Tháng Mười



Dan Lee
10-05-2007, 09:30 AM
Hoa Tháng Mười


Thấm thóat lại đến tháng Mân Côi. Tháng nhắc nhớ chuỗi nguyện Kính Mừng; được bắt đầu bằng việc kính nhớ nữ thánh Tê-rê-xa – gợi nhớ rực nóng của cánh hồng tình yêu.

Tình cờ được tham dự Thánh lễ buổi chiều ngày kính nhớ thánh Phan-xi-cô Át-xi-di tại Nhà thờ Hiển Linh, Thủ Đức. Thánh lễ hôm nay có nghi thức rửa tội cho trẻ em, theo lệ thường của giáo xứ vào mỗi dịp Thứ năm đầu tháng. 8 em bé Kitô hữu tinh tuyền đã khơi dậy cảm nhận được tái sinh sau 8 ngày vật vờ giao cảm vừa qua.

Có lẽ chẳng chút điêu ngoa nếu nói rằng chớ hề có một người Việt Nam nào, dù ở quê nhà hay quê xa, mà không biết đến vụ sập cầu Cần Thơ qua những kênh thông tin nội địa và quốc tế. Sáng Thứ tư, 26/9, hung tin cầu Cần Thơ sập nuốt chửng sự sống sinh linh như đám mây đen phủ kín tóc tang điêu linh nguyên một góc trời cả vùng đất Việt. Nửa ngày hôm sau, đám bạn đồng nghiệp từ bên kia trái đất đã gửi điện phân ưu và thông hiệp. Đọc thấy man mác, nghe nặng miên man! Nỗi đau chuyện cây cầu bi ai chưa dứt ở phía Nam, lại đổ ụp cơn ngập lụt bi thương ứa tràn nơi phương Bắc. Đêm Thứ tư, 3/10, cơn bão số 5 có tên gọi đỏng đảnh Lekima với cường độ cấp 12 vọt gót hàng nghìn nóc nhà. Tối Thứ năm, 4/10, truyền hình lại trình chiếu tai nạn hầm mỏ ở Nam Phi đang đe dọa trên 3000 công nhân đang kẹt nạn.

Suốt 8 ngày qua, truyền thông rực nóng những hình ảnh bi thương làm trĩu oằn thêm những tình cảnh bi đát. Không biết truyền thông hảo ý kêu gọi từ tâm hay hữu ý giáo dục triết sống nhưng chỉ biết những bi kịch cuộc đời ấy đã vô ý hằn lên những nỗi đau không dằn được nước mắt.

Ngẫm đêm 1/10, có dịp “khai phá” tuyển tập Hạt Nắng Vô Tư của tác giả +Giuse Vũ Duy Thống. Vội nghĩ sẽ yên giấc để vô tư “làm nụ hoa trắng” nhưng lại trằn trọc với chia sẻ “Bây giờ tháng mười” mà tác giả đã bộc bạch ngay trong Thánh lễ tẩn liệm của hiền mẫu. Tháng 10. Tháng Mân Côi hoan lạc lời kinh trầm bổng của nếp đạo cũng là tháng hí hóay những con số rục rịch sẵn sàng 3 tháng cuối năm của nếp đời. Cuộc đời có đẹp cũng rất vắn. Nó lộng lẫy nhưng mong manh, sắc mầu nhưng u uẩn, tung hòanh nhưng hạn hữu. Cho dẫu ở thiên niên kỷ mới này dù tâm lý có khoa học hóa nghiên cứu đến đâu cũng không ủi an giải tỏa được nỗi niềm nhân sinh nếu vắng bóng tâm linh. Tâm lý vươn tay đến khả năng phân tích tính chất sự việc nhưng “bó tay” trước khả năng giải quyết bản chất hệ lụy. Nói cách khác, tâm lý có thể giải khát cấp thời nhưng không thể giải thóat ngàn đời. Chính đức tin mới có sức đong đủ khát khao, đong đầy vơi cạn, đong tràn ước mơ. Cuộc biến đổi năm xưa của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di mà Giáo hội mừng kính hôm nay là một bảo chứng của đức tin giải thóat.

Chắc ít ai không biết thánh nhân đã xuất thân từ một gia đình thương gia vị thế và trưởng thành trong một gia cảnh hào hoa vị vọng. Ở thủơ nào thì sung túc no đủ cũng ve vãn gọi mời. Ấy thế mà Phan-xi-cô đã rẽ một khúc quanh bất ngờ làm nên lịch sử. Sự ‘rũ bỏ’ để ‘trở nên’ mà thánh nhân đã sống ngày xưa chính là nét tương phản của tệ nạn ‘vơ vét’ để ‘tồn tại’ mà không ít người đang sống ngày nay. Không biết cái chết của thánh nhân trong quá khứ có thức tỉnh thế nhân nổi không nhưng chí ít cũng mong cái chết của người đương thời qua dòng thời sự của 8 ngày vừa qua cũng giác ngộ được một chút sự đời.

Vấn đề không phải điều gì đã xảy ra hay sẽ xảy ra nhưng là giác-ngộ giúp ta trở-nên hay nói cách khác là “nhận biết” mạc khải giúp ta nhận lãnh ơn lành. Bài đọc riêng của phụng vụ thánh hôm nay giúp ta bền tâm vững chí rằng ‘sống thói cũ’ hay ‘sống kiểu mới’ không quan trọng cho bằng “trở nên” mới để được bình an và xót thương (x. Gl 6, 15-16). Mà muốn “trở nên” thì phải có ý thức “nhận biết” chân lý như Đức Giêsu đã tạo điểm nhấn khi bày tỏ mầu nhiệm Nước Trời (x. Mt 11, 25-30). Khó chứ không dễ! Nhưng cái khó không bó được cái khôn vì còn đó tia hy vọng cho “tất cả những ai” đến cùng Đức Giêsu. Niềm hy vọng này mang tính phổ quát không lọai trừ; dù là những ai bé thơ bé mọn. Đó cũng là nỗi lạc quan khơi nguồn và tồn tại từ mạc khải nơi Đức Giêsu.

Niềm vui cùng Hội thánh đón nhận 8 em bé Kitô hữu đã lan tỏa khắp cùng đẩy phăng những uẩn khúc của dòng thời sự bi sầu bằng sức sống mới. Nhìn 8 em bé trong vòng tay mẹ mới nghiệm được tâm tình phó thác.

Tuổi thơ tự do như trang giấy trắng mà những gì được nhận lãnh, hấp thụ là những hàng kẻ ngay ngắn giữ lề dựng nếp. Tuổi đời lớn lên, con người có tự do để “phá cách” nên những cung cách riêng để phát triển, khẳng định và tồn tại. Nếu giáo dục nhân văn không làm nên phong cách nhân bản thì ước gì giáo dục đức tin sẽ cải hóa được cung cách nhân sinh.

Nếu mỗi cuộc đời được ví như một nụ hoa thì hương thơm và sắc mầu sẽ là một đặc trưng khoe nỗi riêng mang. Ở các nước Âu- Mỹ, thời khắc đang chuyển mùa vào Thu nên chỉ chờ đón lá đổi màu rơi rụng. Ở Việt Nam quê nhà, thời tiết đang dạt trôi mưa bão nên chỉ làm vùi nát cánh hoa chưa kịp tách nụ phả hương. Nhưng nếu kỹ nghệ gieo trồng cách tân có thể ươm ướp bón bồi cho hoa diện mầu khoe sắc khắp 4 mùa Xuân- Hạ- Thu- Đông thì đức tin mạc khải cứu độ cũng ban bổ phân phát cho ta một dưỡng chất có khả năng đề kháng và đối kháng trong mọi trạng huống của vui buồn nắng mưa.

Thế đó! Hoa Tháng Mười là Hoa Đức Tin ươm mầm từ giống cây phó thác. Giống cây phó thác được Thiên Chúa ươm mẫu từ Maria, lan truyền sang các thế hệ hiển thánh cho đến thời nay.
Vũ, SJ