PDA

View Full Version : Chia sẻ với em: Kinh Mân Côi (tiếp theo)



Dan Lee
10-12-2007, 07:03 AM
Chia sẻ với em: Kinh Mân Côi (tiếp theo)




NĂM SỰ MỪNG


Niềm vui cứu độ


1. Chúa Giê-su sống lại.

Thánh Phao-lô tông đồ rao giảng cho giáo đoàn Cô-rin-tô về Chúa Giê-su sống lại như sau: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em chinh điều mà tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.” (1 Cr 15, 3-4) Chúa Giê-su đã sống lại, như lời Ngài đã mạc khải cho các người Pha-ri-siêu, nhưng có lẽ vì đầu óc kiêu ngạo mà họ không tin hoặc không muốn biết: “Quả thật, ông Giô-na ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.” (Mt 12, 40).

Chúa Giê-su đã sống lại như lời các thiên sứ đã báo cho hai bà Maria Magdala và một bà Maria khác: “Này các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói.” (Mt 28, 5b-6)

Chúa Giê-su đã sống lại vả đang giải thích Sách Thánh cho hai môn đệ trên đường Em-mau: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24, 25-26)

Và còn rất nhiều bằng chứng để cho chúng ta biết được và tin rằng: Chúa Giê-su đẵ sống lại thật rồi, và từ đây tiếng hát vui mừng Alleluia sẽ được vang xa đến tận chân trời góc biển, và kéo dài cho đến khi Chúa lại đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Chúa Giê-su đã sống lại là niềm tin căn bản của người Ki-tô hữu, một niềm tin mà nếu không có ân sủng đặc biệt thì chắc chắn không một ai tin được, bởi vì như một số người ác cảm với Giáo Hội, chống đối Thiên Chúa, đã nói rằng, Chúa Giê-su sống lại chỉ là chuyện cổ tích hoang đường của các môn đệ Ngài bịa đặt láo khoét. Thế nhưng, dù họ tin hay không tin, công nhận hay phủ nhận, thì Chúa Giê-su vẫn cứ là Thiên Chúa làm người, Đấng đã từ trong cõi chết sống lại, và muôn đời sự chết sẽ không còn làm chủ được Ngài nữa, mà trái lại, muôn loài trên trời dưới đất đều phải tùng phục quyền bính của Ngài, bởi vì trong Ngài mà mọi loài được tạo thành (Cl 1, 16).

Đức Mẹ Maria –Đấng đồng công cứu chuộc loài người- đã chờ đợi từng giây từng phút lịch sử này, giờ đây đã rất vui mừng vì Con mình đã sống lại, và Mẹ càng vui mừng hơn nữa khi nhân loại, từ đây, sẽ nhận biết bao là ân sủng từ trời xuống bởi sự sống lại của Chúa Giê-su.

Hạt lúa mì gieo vào lòng đất giờ đây đã nẩy mầm, sự sống bất diệt –Chúa Giê-su – từ đây sẽ không bao giờ chết nữa. Các thiên thần vui mừng vì thần dữ sa tan từ đây sẽ không còn quyền lực gì trên sự sống, các thánh trong ngục tổ tông vui mừng vì họ đã thoát khỏi cảnh giam cầm trong tối tăm để lên thiên đàng với Chúa Giê-su, người thế vui mừng, vì từ đây họ sẽ được hạnh phúc đón nhận lại thiên chức làm con của Chúa qua sự chết và sống lại của Chúa Giê-su. Cả trên trời dưới đất đều vui mừng, và triều thiên vinh quang bất diệt thuộc về Chúa Giê-su –Đấng Thiên Chúa làm người- như trong sách Khải Huyền đã viết: “Con Chiên đã bị giết xứng đáng nhận quyền năng và Thiên Tính, sự khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và phúc lộc. Lạy Chúa, Chúa đã cứu chuộc chúng con trong máu Chúa, chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi sắc dân, mọi quốc gia, Chúa làm cho chúng con trở thành vương tước và tư tế của Thiên Chúa, và chúng con sẽ thống trị trái đất.” (Kh 5, 9-12).

“Chúa Giê-su đã sống lại” Giáo Hội cầu xin cho mỗi người trong chúng ta sống lại thật về phần linh hồn.

Sống lại thật về phần linh hồn, tức là ăn năn đền tội và cải thiện đời sống như Đức Mẹ Maria dạy, bởi vì chỉ có thật lòng cải thiện, thật lòng thay đổi cuộc sống cũ qua cuộc sống mới của mình mới có thể sống lại với Chúa Giê-su.

Sự thay đổi thật nào có đau khổ, hy sinh và rướm máu thì sự thay đổi ấy mới có giá trị, như Chúa Giê-su đã đi từ đau khổ qua sự chết để đến vinh quang phục sinh. Các môn đệ của Ngài cũng không đi ra khỏi quỷ đạo ấy, tức là đi theo con đường mà Chúa đã đi qua, như lời Ngài nói với thánh Tô-ma: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14, 6) và chỉ có con đường này mới làm cho chúng ta phục sinh với Chúa Giê-su mà thôi.

Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết là một phép lạ vĩ đại nhất để chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật, cũng như để củng cố niềm tin cho các tông đồ. Ngài chính là sự cứu rỗi của nhân loại và là niềm hy vọng của những người tin kính và yêu mến Ngài.

2. Chúa Giê-su lên trời.

Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gởi cho giáo đoàn Ê-phê-xô đã viết: “Khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.” (Ep 1, 20)

Mầu nhiệm kinh Mân Côi không dừng lại ở việc suy niệm Chúa Giê-su sống lại mà thôi, nhưng còn mời gọi chúng ta tiếp tục suy ngắm quê hương thật của chúng ta là thiên đàng, nơi mà Chúa Giê-su đang ngự bên hữu Chúa Cha sau khi sống lại từ cõi chết. Lên trời tức là lên trong vinh quang của Thiên Chúa, nơi mà Chúa Giê-su đã khước từ vinh quang để xuống thế mặc xác phàm nhân như con người, ngoại trừ tội lỗi. Để từ đây Chúa Giê-su “từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” (Ep 1, 3b)

Mỗi người chúng ta đều có một quê hương tạm ở trần gian và một quê hương thật ở trên trời; quê hương tạm là nơi để chúng ta đền tội, lập công, là nơi để chúng ta chuẩn bị cho ngày hội ngộ với Thiên Chúa trên thiên đàng mai sau, tuy nhiên, việc được về quê thật hay không là tùy thuộc vào những công việc mà chúng ta làm ở trần gian này. Nếu ở trần gian này chúng ta biết nghe và thực hành Lời Chúa dạy, thì việc sẽ được cư ngụ vĩnh viễn trên thiên đàng sẽ là hiện thực, nhưng nếu chúng ta sống như những người con của tội lỗi, của ma quỷ, nghĩa là chúng ta sống theo dục vọng, để bản năng thống trị ý chí tinh thần mà trở thành công cụ của ma quỷ, thì chắc chắn nơi ở của chúng ta trên trời sẽ bị người khác chiếm đoạt.

Tại sao Chúa Giê-su phải xuống thế làm người, bởi vì Thiên Chúa muốn chúng ta nhờ Ngài mà được lên thiên đàng; tại sao Chúa Giê-su phải chịu chết trên thánh giá, bởi vì ý Thiên Chúa muốn nhờ Ngài mà chúng ta được dự phần thiên đàng; tại sao Đức Mẹ Maria lại luôn thôi thúc chúng ta ăn năn đền tội cải thiện đời sống, là bởi vì Mẹ biết rằng, nếu không ăn năn hối cải thì chúng ta sẽ đời đời xa cách Thiên Chúa mà nhập bọn với ma quỷ trong hỏa ngục.

Giáo Hội mời gọi chúng ta yêu mến ái mộ những sự trên trời khi suy ngắm mầu nhiệm lên trời của Chúa Giê-su, bởi vì nếu không yêu mến những hạnh phúc mà các thánh đã đạt tới trên thiên đàng, thì chúng ta không thể nào sống đẹp lòng Chúa ở trần gian này được.

Yêu mến và ái mộ những sự trên trời, tức là yêu mến Cha và mong đợi ngày được sum họp với Cha trên trời, đó cũng chính là điều mà Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta khi dạy chúng ta cầu nguyện với Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời...” (Mt 6, 9-13)

Đức Mẹ Maria từ trời hiện xuống để dạy dỗ con cái mình biết thực hành ý của Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường, để ngày sau được hưởng thiên đàng với Chúa, với Mẹ, với các thiên thần và các thánh nam nữ. Đó cũng là mục đích sống ở đời này của chúng ta.

3. Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã hứa ban Chúa Thánh Thần xuống cho các tông đồ: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.” (Cv 1, 7-8a) Và việc trước tiên mà Chúa Giê-su sau khi về trời ngự bên hữu Chúa Cha phải làm là ban Chúa Thánh Thần xuống cho các tông đồ, để Thánh Thần trở nên Thần Khí, Đấng an ủi, Đấng bảo trợ của các tông đồ và tất cả những kẻ tin vào Ngài.

Thánh sử Lu-ca trong sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu lại một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” Cv 2, 1-4) Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi mà Chúa Giê-su sai đến nhân danh Ngài để giúp các tông đồ trong giai đoạn “mồ côi” này, chính Ngài –trong ngày lễ Ngũ Tuần- đã khai sinh Giáo Hội Chúa Ki-tô ở trần gian, chính Ngài hướng dẫn Giáo Hội đi theo đường hướng mà Chúa Giê-su đã vạch ra cho các tông đồ trong những ngày giàng dạy tại trần gian là: yêu thương, hiệp nhất và phục vụ.

Hiệu quả của ơn Thánh Thần ban cho các tông đồ ngay lập tức khi đón nhận là ơn nói tiếng lạ, bởi vì Thánh Thần là thầy dạy, nên Ngài biết nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn sơ khai của Giáo Hội là truyền đạt tin mừng Nước Trời cho muôn dân thiên hạ, chứ không riêng gì cho dân tộc Do Thái. Và như một cơ hội hiếm có -mà như có bàn tay Chúa sắp đặt- trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, rất đông người đến tham dự, đủ mọi dân tộc, mọi thứ ngôn ngữ, và nắm bắt cơ hội này, các tông đồ lập tức nói về Chúa Giê-su cho mọi người nghe, và ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. (Cv 2, 6)

Chúa Thánh Thần hiện xuống để khai mở lòng trí các tông đồ, để các ngài nhớ lại những gì mà Chúa Giê-su đã dạy các ông, và từ đó các tông đồ đã mạnh dạn ra đi rao truyền Phúc Âm cho mọi người. Chính trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Mẹ Maria cũng đã hiện diện giữa các tông đồ, Mẹ cũng được diễm phúc đón nhận Chúa Thánh Thần, như một dấu chỉ và điềm báo trước là từ nay Đức Mẹ Maria có một vị thế rất quan trọng trong Giáo Hội của Chúa Ki-tô ở trần gian, và Mẹ đã nên Đấng cầu bàu cho chúng ta và Chúa Giê-su.

Giáo Hội của Chúa Ki-tô được lập ra vì trần gian và cho trần gian, nhưng không phải của trần gian, do đó cần phải được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và dạy bảo, chính nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội Công Giáo đã đi suốt chặng đường lịch sử hơn hai ngàn năm và sẽ tồn tại cho đến khi viên mãn trong Nước Trời, tức là ngày Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Đức Mẹ Maria ngay từ khi sứ thần Gabriel truyền tin, đã được sung mãn ơn Chúa Thánh Thần, và nhờ Thánh Thần soi sáng mà Mẹ mau mắn nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ thực hiện trên trần gian, do đó mà Mẹ đã mạnh dạn cất tiếng đáp trả lời đề nghị của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38) Và hôm nay, trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, Chúa Thánh Thần lại ngự xuống trên Mẹ cùng với các tông đồ, lần hiện xuống này Chúa Thánh Thần đã mạc khải cho các tông đồ nhận ra Đức Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội, bởi vì chính Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế, là thầy và là Chúa của các tông đồ, do đó, Mẹ vẫn luôn đồng hành với Giáo Hội của Chúa Giê-su để nâng đỡ, an ủi và dạy bảo Giáo Hội giữa cảnh phong ba thế tục này.

Chúa Thánh Thần là ngự xuống trên các tông đồ và Đức Mẹ Maria trong ngày lễ Ngũ Tuần, và vẫn còn hiện diện với Giáo Hội luôn mãi cho đến ngày tận thế, vai trò Chúa Thánh Thần trong suốt chặng đường lịch sử của Giáo Hội rất quan trọng, bởi vì Giáo Hội như chiếc thuyền đang đi trên biển lớn trần gian để cập bến Nước Trời, mà Chúa Thánh Thần chính là bánh lái điều khiển con thuyền theo đường hướng của Chúa Giê-su đã dạy, và các tông đồ cũng như những người kế vị các ngài trong chức giám mục đều cứ nhắm hướng ấy mà hướng dẫn con tàu đụa phương đi đến đích của mình là Nước Trời.

Giáo Hội khi suy ngắm đến việc Chúa Thánh Thần hiện xuống cho các tông đồ và Đức Mẹ Maria trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, đã mời gọi chúng ta hãy cầu xin Chúa Giê-su luôn ban ơn Thánh Thần xuống cho mình để hướng dẫn và dạy bảo chúng ta sống đẹp lòng Chúa ở trần gian này. Tâm hồn của chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, là nơi mà Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị, Đức Mẹ Maria đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta hiểu biết điều ấy khi Mẹ luôn dạy chúng ta hãy ăn năn sám hối, hãy cải thiện đời sống. Để làm gì ? Là để cho tâm hồn chúng ta được thanh sạch, để xứng đáng là nơi ngự của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xin được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần là để chúng ta biết phân biệt được đâu là công việc của Chúa và đâu là việc của ma quỷ, đâu là tiếng nói của Chúa và đâu là tiếng nói của tự ái kiêu căng, đâu là việc nên làm và đâu là việc không nên làm. Để như lời thánh Phao-lô tông đồ nói: “Những ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa, người được chấp nhận không phải là kẻ tự cao tự đại, nhưng là người được Chúa đề cao.” (2 Cr 10, 17-18)

4. Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời.

Cuộc sống ở trần gian cũng có lúc đến hồi kết thúc, Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa cho lên trời cả hồn lẫn xác, đó là một đặc ân cao quý vô cùng, như lời Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII tuyên bố trong ngày lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11.1950: “Ta tuyên xưng, công bố và xác nhận tín điều được Thiên Chúa mạc khải là Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trinh nguyên, khi thời gian sống tại thế hoàn tất, cả hồn lẫn xác của Người đã được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc” (TCF, 207).

Thiên Chúa tôn vinh Mẹ, Giáo Hội tôn vinh Mẹ và mỗi người con đều hân hoan vui sướng vì người mẹ cao quý của mình đã được diễm phúc lên trời cả hồn lẫn xác. Qua miệng của vị đại diện Con Mẹ ở trần gian, Giáo Hội nhìn nhận và tin rằng: Đức Mẹ Maria đã được Thiên Chúa cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác. Đó không phải là chuyện thần thoại hoang đường, nhưng là một thực tại của đức tin, đức tin mà Đức Mẹ Maria đã biểu hiện ngay khi còn ở thế gian, nhất là khi nói hai tiếng Xin Vâng thì đức tin của Mẹ càng thêm mạnh mẽ, và càng mạnh mẽ hơn khi Chúa Giê-su sinh ra cho đến khi Ngài bị đóng đinh vào thập giá và chết, và niềm tin tuyệt vời này đã sinh hoa trái là Chúa Giê-su Con Mẹ đã sống lại vinh quang.

Đức Mẹ Maria lên trời cả hồn lẫn xác, để rồi được tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương trên trời dưới đất, và biết bao danh hiệu đẹp và cao quý khác mà nhân loại dành cho Mẹ. Chính việc lên trời cả hồn lẫn xác này mà Mẹ đã trở thành kẻ cầu bàu cho chúng ta trước mặt Chúa Giê-su. Cũng như Chúa Giê-su, Mẹ lên trời để dọn chỗ cho chúng ta là con cái của Mẹ, Mẹ biết vị trí tương lai của từng đứa con một trên thiên đàng, và khi thấy nhân loại ngày càng xa cách Thiên Chúa và vị trí của họ trên thiên đàng đang mất dần, thì Mẹ lại xuất hiện nhắc nhở, khuyên bảo con cái hãy cải thiện đời sống, hãy ăn năn đền tội để nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và để vị trí của họ trên thiên đàng khỏi mất.

Đức Mẹ Maria từ giả cõi đời bình an trong vòng tay thân yêu và trong sự thương tiếc của các tông đồ, những môn đệ thân yêu của Chúa Giê-su, từ nay vị thế cao trọng của Mẹ trước mặt Thiên Chúa càng cao hơn và quyền thế hơn, không những cho Mẹ mà còn cho nhân loại được nhờ công phúc của Mẹ mà được đến gần với Chúa hơn.

Giáo Hội mời gọi chúng ta khi suy ngắm đến mầu nhiệm Mẹ lên trời này, thì cầu xin Mẹ phù hộ cho chúng ta được ơn chết lành trong tay Mẹ, đó là lời cầu xin xứng đáng, như Mẹ đã từng hứa cho những ai hết lòng yêu mến Mẹ và Chúa Giê-su con Mẹ, được sự an ủi và giúp đỡ của Mẹ trong giờ lâm chung. Đức Mẹ Maria lên trời là cả một niềm hy vọng cho chúng ta, những đứa con của Mẹ, bởi vì Thiên Chúa không tàn nhẫn để mẹ con cách biệt sau khi từ giả cõi đời, Mẹ ờ đâu thì con ở đó, chỉ khi nào chúng ta tự mình muốn tách khỏi Mẹ để đi tìm cho mình một nơi khác ngoài thiên đàng mà thôi.

Đức Mẹ Maria lên trời là niềm hy vọng và ủi an của giáo hữu ở trần gian, bởi vì một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ được ở trên thiên đàng với Mẹ.

5. Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời.

Đức Mẹ Maria đã lên trời, đó là phần thưởng của Thiên Chúa dành cho những ai khi còn sống ở thế gian này mà hết lòng kính mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính mình. Nhưng Thiên Chúa còn muốn thưởng Đức Mẹ Maria những ơn khác ở khi Mẹ ở trên trời, để nhờ Mẹ mà nhân loại chúng ta đón nhận dồi dào những ơn của Chúa hơn.

Trước hết, Thiên Chúa đặt Mẹ làm Nữ Vương trên trời dưới đất, cũng có nghĩa là Mẹ có toàn quyền ban phát ơn lành cho người thế, và là Đấng cầu bàu rất có thế giá trước mặt Thiên Chúa và con của mình là Chúa Giê-su. Nói như thế không phải là Mẹ quyền năng phép tắc hơn Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người, Ngài rất “rành” tâm lý của con người, bởi vì Thiên Chúa là Đấng cao trọng, mà con người khi phạm tội thì không dám đến trước mặt Chúa để xin lỗi, nên nhờ công nghiệp của Mẹ và chức vị Nữ Vương của Mẹ để xin Chúa tha tội cho họ, bởi vì không một ai yêu mến Đức Mẹ Maria mà lại không kính thờ Thiên Chúa.

Ơn cao trọng kế tiếp mà Thiên Chúa thưởng cho Đức Mẹ Maria khi ở trên trời chính là Mẹ trở nên kho tàng mọi ân sủng của trời cao, có thể nói tất cả ân sủng của Thiên Chúa đều đã ban cho Mẹ, như lời dạy của thánh Công Đồng Vatican II: “Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài (Mẹ) trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn luôn tiếp tục cầu bàu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời.” (1) Giáo Hội đã xác định như thế, vì Giáo Hội qua bao nhiêu thăng trầm của chính mình và của thế giới, đã cảm nghiệm được quyền thế của Đức Mẹ Maria trước tòa Thiên Chúa, và nhờ đó mà Mẹ can thiệp kịp thời và ban ơn lành xuống cho Giáo Hội và cho thế giới.

Đức Mẹ Maria là kho tàng ân sủng của Thiên Chúa, có nghĩa là Mẹ cũng được Thiên Chúa cho phép được chia sẻ một phần nhỏ vào vinh quang và quyền năng của Ngài, để qua Mẹ mà nhân loại dễ dàng đến với Chúa hơn.

Những lần Đức Mẹ Maria hiện ra cho loài người, là những lần Mẹ tỏ cho loài người thấy và biết quyền thế của Mẹ trước tòa Thiên Chúa, những lời Mẹ dạy, những phép lạ Mẹ làm đều phù hợp với ý định của Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại. Và thánh công đồng Vatican II lại một lẫn nữa khẳng định Mẹ chính là kho tàng ân sủng của Thiên Chúa: “Thật thế mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Trinh Nữ trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Ki-tô.” (1)

Thiên Chúa thưởng công cho Đức Mẹ Maria trên trời là kết thúc mầu nhiệm mùa Mừng, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy sống xứng đáng với những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho, qua trung gian Đức Mẹ Maria, để ngày sau chúng ta cũng được Thiên Chúa thưởng ở trên trời với Mẹ. Bởi vì được sum họp vớ Chúa và Mẹ trên trời chính là mục đích sống của chúng ta ở đời này.

Mầu nhiệm mùa Mừng của kinh Mân Côi là niềm vui và hy vọng cứu độ của chúng ta, suy ngắm và sống với mầu nhiệm này là chúng ta biết Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria yêu thương chúng ta đến chừng nào.

(còn tiếp)


-------------------------------------
(1) Công Đồng Vat. II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương VIII, số 62.

(1) Công đồng Vat. II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương VIII, số 61.

http://www.vietcatholic.net/nhantai http://360.yahoo.com/jmtaiby
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.