PDA

View Full Version : Lòng tin của anh em đã cứu chữa anh



Dan Lee
10-14-2007, 11:24 AM
CHỦ NHẬT 28 C THƯỜNG NIÊN

LÒNG TIN CỦA ANH ĐÃ CỨU CHỮA ANH

Đọc nơi Phúc Âm, chúng ta thấy mục đích cuộc đời cũng như sứ vụ của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng Nước Trời như đã được chép, “Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: 'Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó'"(Lc. 4:42-43).

Sứ vụ này của Ngài được nhắc nhở đến nhiều lần nơi Phúc Âm, “Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có nhóm mười hai” (Mt. 4:23; 9:35; Mc.1:14; Lc. 8:1; 9:60). Đồng thời mục đích Ngài sai các môn đồ ra đi cũng chỉ để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Tin Mừng Nước Thiên Chúa, “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ"(Lc. 9:2-5).

Điểm chính yếu Chúa Giêsu dặn các môn đồ phải nhắc nhở cho dân chúng biết, đó là “Nước Thiên Chúa đã đến trên các ông, giữa các ông, và ở trong các ông” (Mt. 3:2; 4:17; 10:7; 12:28; Mc. 1:15: Lk. 10:9-; 11:20: 17:21; 21:31). Ngài dạy cho chúng ta biết điểm thiết yếu và quan trọng nhất nơi cuộc đời con người đó là “Tiên và hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt. 6:33; Lc. 12:31).

Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự hiện hữu. Nói cách khác, Thiên Chúa là quyền lực hiện hữu hiện diện và hoạt động nơi mọi loài, mọi vật, từ vô hình đến hữu hình. Như vậy thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Xét như thế, Nước Thiên Chúa, Nước Trời chính là Thiên Chúa. Qua Phúc Âm, Chúa Giêsu nhắc nhở, “Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền, người ta sẽ không nói được: 'Này ở đây' hay 'ở đó' vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông” (Lc. 17:21). Vì Nước Thiên Chúa là chính Ngài, “Nước Thiên Chúa ở trong các ông” tất nhiên Thiên Chúa ở trong các ông. Và như vậy, Tin Mừng Nước Trời chính là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt. 1:23), và vì thế danh hiệu của Chúa Giêsu được gọi Emmanuel.

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi tạo vật. Thiên Chúa ở cùng chúng ta thế nên đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi tạo vật, nơi mọi người. Qua những sự kiện được chữa lành, Phúc Âm ghi lại Chúa Giêsu đều dạy, “Đức tin con đã cứu chữa con” (Mt. 9:22; Mc. 5:34; 10:52; Lc. 7:49; 8:48; 17:19). Ngài không bao giờ nói Ngài chữa hoặc Chúa chữa, mà mọi sự đều là đức tin.

Đoạn Phúc Âm tuần này nhắc đến sự kiện mười người phong cùi được chữa lành nhưng chỉ một người xứ Samarita trở lại cảm ơn Chúa Giêsu và chúc tụng Thiên Chúa. Phúc Âm nêu lên vấn đề tại sao chín người khác không trở lại; đồng thời Chúa Giêsu nói với người được chữa lành, “Ngươi hãy đứng dậy mà về vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (Lc. 17:19).

Câu trả lời về lý do chín người kia chưa hoặc không trở lại chính vì họ đang phải đi gặp để trình diện với các tư tế theo lời Chúa Giê su đã bảo họ. Theo luật Do Thái, một số bệnh tật nếu ai mắc phải chẳng hạn bệnh phong cùi, hoặc một số con vật nếu ai đụng đến, chẳng hạn loài heo, hay bất cứ người hoặc thú vật nào chết ngoài trời đều bị coi là nhơ uế. Người nào rơi vào trường hợp bị lề luật nêu lên là nhơ uế, sau khi được chữa lành, người đó phải thực hiện nghi thức thanh tẩy và trình diện vị tư tế đương nhiệm để được giảo nghiệm và tuyên bố thanh sạch thì mới được gọi là sạch hay chữa lành.

Qua bài Phúc Âm chúng ta nhận thấy, sự chữa lành do chính hoạt động quyền lực của Thiên Chúa nơi người được chữa lành được gọi là đức tin chứ không phải do bất cứ nghi thức hay tục lệ nào. Lời Chúa tuần này nhắc nhở chúng ta nên để ý suy nghiệm về sự thể được gọi là đức tin hay lòng tin theo Phúc Âm sao cho lời dạy, “Đức Tin con cứu chữa con” được thể nghiệm ngay chính cuộc đời của mình.
Lã Mộng Thường