PDA

View Full Version : Nghệ thuật



Dan Lee
10-22-2007, 02:26 PM
NGHỆ THUẬT

http://vietcatholic.net/pics/bonsai.jpg
Nói đến nghệ thuật là nói đến kiên nhẫn, nói đến công việc phức tạp, khó khăn, tốn kém thời gian, công sức và đôi khi phải phấn đấu lâu dài. Công việc dễ dàng, nhẹ nhàng cần chi đến cố gắng. Công việc ngắn gọn, đoản kì cần gì phải kiên tâm. Như thế kiên nhẫn đòi phải có khi làm việc vì do bản chất công việc phức tạp và lâu dài. Nếu nghệ thuật đòi kiên nhẫn thì cuộc sống này không thể thiếu tính kiên nhẫn bởi vì sống là một nghệ thuật. Cầu nguyện là một nghệ thuật. Nói đến nghệ thuật là nói đến rèn luyện, thao luyện càng nhiều càng đạt đến mức tốt hơn của nghệ thuật.

Đạt được mức tuyệt hảo của nghệ thuật không có mấy ai; nhưng đạt đến trình độ cao của nghệ thuật thì nhiều người thực hiện được vì họ kiên tâm thao luyện.

VIỆC LỚN

Rất nhiều ví dụ cụ thể trong đời có được nhờ kiên nhẫn, bền vững của người tạo ra nó. Kiên nhẫn, bền chí thường đưa tới thành công theo ý muốn. Nhìn hàng ngàn vết chấm li ti trên bức tranh vẽ đủ biết người họa sĩ dành bao nhiêu công lao cho việc hoạ tranh. Nhìn những gốc cây bonsai và lá, cành được chăm sóc cẩn thận đủ biết người trồng nó mất bao nhiêu giờ chăm sóc, xén tỉa, uốn nắn không tính theo ngày mà tính tháng, năm. Nhìn vào chiếc áo len đan, thêu bằng tay đủ biết bao nhiêu đường kim mũi chỉ tạo nên áo ấm mùa đông. Thành quả của bao lao nhọc, phấn đấu, miệt mài của người yêu, quí nghệ thuật.

Học sinh nào không miệt mài đèn sách mà thành công. Nhà nghiên cứu khoa học nào không gù lưng ngày đêm trong phòng thí nghiệm mà sáng chế ra phát minh mới. Kiên nhẫn đóng góp rất nhiều cho thành quả đạt được. Bản nhạc hay không phải tự nhiên có mà là thành quả của bao suy tư, đắn đo chọn lựa từng lời, từng nốt nhạc.

VIỆC NHỎ

Không phải mọi việc khó trên đời đòi hỏi kiên nhẫn cả đâu. Có những việc hết sức đơn giản cũng đòi hỏi kiên nhẫn. Thiếu kiên nhẫn, cẩn trọng việc nhỏ biến thành lớn, sự thường biến thành đại nạn. Người lái xe biết rõ điều này. Bất cẩn một chút nhẹ là mất tiền, nặng là mất mạng. Lái xe không khó, kiên nhẫn khi lái xe mới khó. Ai cũng có kinh nghiệm tìm lỗi sai trong bài mình đánh máy khó hơn khi đánh bài vì sao? Vì khi đọc lại mình chủ quan, thiếu kiên nhẫn đọc chậm, chú ý dò từng chữ nên sai lỗi thường lướt qua, không nhận ra. Trong khi người khác đọc bài nhận ra dễ dàng. Không phải các lỗi chạy trốn mà chính là thiếu kiên nhẫn khi đọc.

KIÊN NHẪN TRONG ĐỨC TIN

Đặc điểm của phụng tự tôn giáo thường là:

1. Đơn giản nhưng quan trọng và cần thiết cho đời sống tâm linh.

2. Nhẹ nhàng lại có sức mạnh giúp nâng tâm hồn thanh thoát.

3. Dễ thực hiện mà cho thành quả lớn lao.

4. Thích hợp đến nỗi lứa tuổi nào cũng có thể tích cực đóng góp.

5. Thực hiện được trong mọi hoàn cảnh mà không tốn kém.

Chính vì năm điểm này mà giáo dân coi thường phụng tự. Nhiều trường hợp giáo dân coi thường việc thờ phượng đến ngộ nhận giữa giữ đạo và giữ luật đạo là một. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Tội nghiệp lắm thay, đừng hiểu lầm như thế. Giữ đạo và giữ luật đạo hoàn toàn khác biệt. Nếu phải chọn hãy chọn giữ đạo, đừng chọn giữ luật đạo.

GIỮ LUẬT

Tham dự nghi thức phụng vụ một cách cẩu thả, tẻ nhạt, hời hợt, làm cho xong để khỏi lo lắng là không giữ trọn lề luật. Người ta đi lễ trễ vì không quyết tâm đi sớm. Lễ chưa xong ra về vì không muốn chờ thêm vài ba phút. Một năm xưng tội một lần giữ đúng luật buộc. Kiên nhẫn trong thờ phượng rất dễ nhưng cũng rất khó. Dễ cho những ai tham dự vì lòng mến; khó cho ai tham dự vì giữ luật buộc. Giữ luật sẽ bị luật trói buộc.

Tham dự cử hành phụng vụ lơ là hẳn có lí do. Tìm lí do giải thích hợp lí cho việc làm có nhiều, nghịch tai cũng lắm, thuận tai cũng nhiều. Căn bản lí luận khi vững chắc, lúc gàn dở. Người nghe khi phục tài lí luận, biện hộ, ăn nói lưu loát, giảo hoạt, khi thì lơ đi vì càng lí luận càng thấy phi lí. Dù sao đi nữa giữ đạo mà phải dùng đến lí luận, biện hộ thì chính là giữ luật đạo, chưa giữ đạo. Chỉ khi nào nói đến luật người ta mới bàn đến chuyện hợp lí, hay phi lí, hợp luật, hay trái luật.

GIỮ ĐẠO

Nếu không giữ đạo sẽ mất đạo. Để tránh mất đạo cần giữ đạo. Để giữ đạo cần sống đạo. Giữ đạo chính là sống đạo, hay hành đạo. Không cần giữ luật đạo nhưng cần sống đạo. Khi sống đạo thì luật đạo coi như không cần thiết. Đi lễ vì lòng mến Chúa, không đi vì giữ tròn lề luật. Đi vì lòng mến bất kể ngày thường hay lễ buộc. Khi có thể là tham dự thánh lễ như thế luật buộc đi lễ Chúa Nhật không cần thiết nữa vì dù buộc hay không vẫn tham dự thánh lễ vì lòng mến. Thương người nghèo khó vì lòng mến Chúa vì họ là anh chị em chung một Cha trên trời như vậy cần chi đến luật cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Có luật hay không cũng thế thôi. Vẫn cho họ ăn, uống, vẫn thương và kính trọng họ vì lòng mến, vì họ là con người.

Giữ đạo là một nghệ thuật. Giữ đạo cần được thực hành thường xuyên mới mong đạt đến trình độ tốt hơn. Thiếu kiên nhẫn khi hành đạo đưa đến bất mãn vì hành đạo giúp tập suy nghĩ theo đường lối Chúa hơn là cố gắng giải thích ý Chúa theo ý riêng cá nhân. Để suy nghĩ theo đường lối Chúa cần kiên tâm thực hiện.

TÌM BÀI CŨ :

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn : http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html


Lm Vũđình Tường