PDA

View Full Version : Truyền Giáo trong thời sau hết



Dan Lee
10-23-2007, 10:04 AM
Nhân lễ truyền giáo (21/10/2007)

Truyền Giáo trong thời sau hết


Trong thư thứ hai gởi giám mục Timôthê, thánh Phaolô đã tỏ lộ một tình yêu dạt dào của người cha sắp ra đi. Một là tình yêu đối với người môn đệ ngài tin cậy là Timôthê, hai là tình yêu đối với giáo đoàn đã trao phó cho Timôthê.

Trong thư, thánh Phaolô nhìn lúc đó như khởi sự những ngày sau hết. Sau hết đối với ngài, sau hết đối với Timôthê, sau hết đối với một giai đoạn lịch sử.

Trong thời gian sau hết này, ngài khuyên Timôthê nên để ý:

1/ Những gì xấu phải xa tránh

"Anh hãy biết điều này: Vào những ngày sau hết ấy sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa, hình thức của đạo thì còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy" (2 Tm 3,1-6).

Trước đó, thánh Phaolô cũng đã đưa ra những lời khuyên phải xa tránh khác: "Còn những nhảm nhí, trống rỗng, anh hãy tránh xa, vì những kẻ nói những chuyện ấy sẽ tiến sâu vào con đường vô luân. Lời họ như một thứ ung nhọt cứ loét thêm ra" (2 Tm 2,16-17).

Thêm vào đó, thánh Phaolô cũng đã dặn dò: "Những tranh luận điên rồ và ngu xuẩn, anh hãy gạt ra một bên, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra cãi cọ" (2 Tm 2,23).

Một điều rất nên để ý trong những lời khuyên xa tránh là đam mê trong chính mình: "Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ" (2 Tm 2,22).

Những điều cảnh báo trên đây cho ta thấy thánh Phaolô có một cái nhìn nhạy bén. Ngài thấy rất nhiều điều xấu trong nội bộ cộng đoàn, nên ngài khuyên phải xa tránh.

Theo tôi, xa tránh là một thái độ ôn hoà. Xa tránh điều xấu, nhưng phải tích cực làm điều lành.

2/ Những gì cần nhấn mạnh trong rao giảng

Thánh Phaolô quả quyết: "Từ thời thơ ấu, anh đã biết sách thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Tất cả những gì viết trong sách thánh đều do Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để nên công chính" (2 Tm 3,15-16).

Phải giảng Lời Chúa thế nào? Thánh Phaolô dạy: "Tôi tha thiết khuyên anh, hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ" (2 Tm 4,1-2).

Với những lời trên đây, thánh Phaolô nhấn mạnh đến vai trò của giám mục Timôthê là phải bền bỉ trong việc rao giảng Lời Chúa. Rao giảng Lời Chúa không phải chỉ là cắt nghĩa Lời Chúa, nhưng còn phải dùng Lời Chúa mà biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Cứ mãi phải rao giảng Lời Chúa, cho dù "Họ sẽ ngoảnh tai không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường" (2 Tm 4,4).

Việc rao giảng của giám mục Timôthê và các người kế vị các tông đồ là một vinh dự và một trách nhiệm. Không vì lý do nào mà bỏ nhiệm vụ bênh vực Lời Chúa.

Nhưng không vì thế mà tránh được đau khổ.

3/ Những gì phải sẵn sàng đón nhận

"Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ mình" (2 Tm 4,5).

"Hãy đồng lao cộng khổ như một người lính của Đức Giêsu Kitô..." (2 Tm 2,3).

Đau khổ là ơn gọi sau cùng của Timôthê. Với đau khổ, người môn đệ Timôthê sẽ được theo bước thầy mình là Phaolô, đấng đã viết cho ngài: "Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm của lễ. Đã đến giờ tôi phải ra đi" (2 Tm 4,6).

Nhưng thầy trò sẽ không dừng lại ở đau khổ. Các ngài sẽ chịu đau khổ cùng với Chúa Giêsu, để mưu ích cho những người Chúa chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô và được hưởng vinh quang muôn đời. "Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2,11).

Nội dung tóm lược lá thư của thánh Phaolô gởi môn đệ Timôthê cho ta thấy tinh thần truyền giáo của thánh tông đồ dân ngoại:

1. Nhà truyền giáo phải có một cảm quan sâu sắc về tình hình nội bộ cộng đoàn của mình. Tình hình, mà thánh Phaolô chỉ cho thánh Timôthê thấy, là rất u ám. Dù u ám, ngài vẫn cứ lấy lòng khiêm tốn mà nói sự thực từng chi tiết tỉ mỉ.

2. Tình hình u ám đó giúp cho môn đệ Timôthê ý thức được trách nhiệm của mình là rất nặng nề. Phải truyền giáo ưu tiên bằng đạo đức. Bằng nội tâm. Bám vào Lời Chúa. Gắn bó với mầu nhiệm thánh giá. Đặt trọng tâm vào Đức Kitô. Cầu nguyện rất nhiều. Bác ái thực sâu. Truyền giáo là sứ vụ, chứ không phải dịch vụ.

3. Trong việc truyền giáo, phải hết sức tránh bệnh hình thức, bệnh tự mãn và bệnh vô tâm. Nhà truyền giáo là người của Chúa Giêsu khiêm tốn, nhạy bén, luôn rao giảng sự sám hối, sự trở về, nhất là luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Thiết tưởng nội dung tổng quát thư II gởi thánh Timôthê cũng là thời sự của nhiều nơi tại cánh đồng truyền giáo Việt Nam hôm nay.
+ GM JB Bùi Tuần