PDA

View Full Version : Nầm mồ, nơi chốn niềm hy vọng



Dan Lee
11-02-2007, 09:37 AM
Nầm mồ, nơi chốn niềm hy vọng


Hằng năm, chúng ta thường dành những ngày tưởng nhớ cầu nguyện cho người thân thuộc, người làm ơn cho đời ta khi xưa, mà nay đã khuất núi trở về đời sau.

Nhớ đến người đã ra đi khỏi cuộc sống trần gian là cách sống đạo đức.

Cách sống này nói lên lòng biết ơn với người đã qúa cố.

Và lối sống tình người này cũng nói lên tâm tình lòng liên đới giữa con người với nhau: „ Ông Bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cháu, bạn bè, người cùng lý tưởng, người quen thân, người làm ơn…dù đã ra đi khỏi cuộc sống trần gian, nhưng tinh thần cùng hình ảnh, lời nói cử chỉ và việc làm gương sáng… của họ vẫn hằng luôn sống động trong tâm tưởng người còn đang sống trên trần gian. Nhớ về họ với tâm tình lòng biết ơn và lòng ngưỡng phục!“

Tâm tình lòng biết ơn người qúa cố biểu lộ cung cách sống làm người, như Perikles, một chính trị gia Hylạp sống vào năm 429 trước Chúa giáng sinh, đã có suy tư: „Một dân tộc được đánh gía theo như cung cách họ đối xử với người qúa cố“.

Chúng ta có thể, từ suy tư đó, nói lên được rằng: „Một con người được đánh gía cũng tùy theo như cung cách người đó sống đối xử với thân nhân đã qua đời!“

1.Hai cảnh sống

Lối sống đạo đức lòng hiếu thảo với người qua cố nói lên lòng tin: người còn sống cũng như người đã qua đời hằng cùng liên kết với nhau.

Trong đời sống, hai cảnh tượng sống và chết thường diễn ra song song với nhau. Tham dự một đám tang sẽ thấy rõ điều này hơn.

Một bên đường, cảnh những người hối hả đi làm ăn sinh sống. Họ bận rộn suy nghĩ, hay có khi cười nói chuyện với nhau, trao đổi cung cách cùng về kinh nghiệm trong việc sinh sống làm ăn.

Một hình ảnh về sức sống đang phát triển vươn lên. Hình ảnh của sự sống.

Một bên đường đối diện, đoàn người đưa rước người qúa cố đến nơi an nghỉ ngàn thu trở về lòng đất mẹ. Đoàn người đưa rước đó trong đau thương buồn bã, hay trong dòng nước mắt im lặng cúi đầu theo sau cỗ áo quan bao bọc người qúa cố.

Một hình ảnh về mất mát, về lòng thương cảm tình người. Hình ảnh về sự chết.

Và hai hình ảnh cảnh sống đan bện vào nhau còn diễn tả điều gì còn ẩn chứa thâm sâu hơn nữa: Lòng tin!

2. Hình ảnh lòng tin
Hai hình ảnh đó cũng là hình ảnh của ngày giỗ kỉ niệm người đã qúa vãng, ngày nhớ đến những người qúa cố như ngày 02.11. hằng năm: Người còn sống thăm viếng nhớ về người đã qua đời.

Vào những ngày đó, hay ở nơi chốn phần mộ, chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu trong niềm tin.

Chúa Giêsu, người đã qua đời nằm chôn sâu trong nầm mồ, cũng như người còn đang sống gặp gỡ nhau qua lời kinh cầu nguyện, qua hành động thương cảm cùng Lời nói của Ngài còn để lại trong Kinh Thánh, qua biểu tượng cây Thánh gía và sự phục sinh sống lại của Ngài.

Triên Tri Elisa, vị Ngôn sứ của Thiên Chúa ngày xưa gặp một bà góa nghèo. Bà góa này tiếp rước Tiên Tri về nhà như một người khách của Thiên Chúa. Một ngày khác, con trai bà qua đời. Tiên Tri Elija hay tin đau buồn này. Ông đến chia buồn cùng cầu nguyện với. Và xin Thiên Chúa làm phép lạ ban cho cậu con trai đã chết được sống lại. ( 2 Các Vua 4,8-37)

Thiên Chúa đã nhậm lời. Người mẹ góa bụa có lại người con trai được sống trở lại với mình.

Chúa Giêsu dọc đường đi rao giảng về nước Thiên Chúa cũng đã gặp bà góa thành Nain và đoàn người đưa con trai bà đã qua đời ra nghĩa trang. Động lòng thương cảm, Ngài dừng lại sờ vào cỗ áo quan và gọi người chết sống trở lại: Này anh, hãy chỗi dậy“ ( Lc 7,14).

Phép lạ đã xảy ra. Người mẹ góa bụa có lại người con trai được sống trở lại với mình.

Mỗi khi dâng Thánh lễ cầu nguyện cho người đã qua đời, hay ra thăm viếng phần mộ, lòng tin nói với ta: Chúa Giêsu đã sống lại hằng liên kết với người đã qua đời, bằng lòng thương xót qua ơn cứu chuộc cho khỏi hình phạt tội lỗi. Ngài ban cho họ sự sống trên nước hằng sống.

Khi đứng bên nấm mồ người thân yêu ruột thịt đã qua đời, tình yêu mến, sự lo lắng săn sóc đã trao cho nhau khi xưa, những kỷ niệm ngày xưa đã cùng nhau trải qua, như cuốn phim đời sống chiếu diễn lại sống động trong trái tim tâm hồn. Và ta như cảm thấy mình được trao tặng và chút nào như được biến đổi.

Điều này củng cố thêm lòng tin về sự sống lại của người đã qua đời trong đời sống chúng ta: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Ngoài cổng thành Nain, Chúa Giêsu đã trao sự sống cho cậu thanh niên qua đời, cho mẹ anh ta và cho mọi người đang sống trong buồn thương. Qua đó, họ cảm nhận thấy lòng thương xót, tình yêu của Chúa Giêsu mang đến sự sống. Nên họ hết lời ca ngợi „ Một Tiên Tri vĩ đại đang có mặt giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến dân của Người“ ( Lc 7,16)

Ngày lễ lòng hiếu thảo như ngày lễ 02.11. hay ngày lễ Giỗ tưởng nhớ người đã qua đời, là ngày ca ngợi tình yêu, lòng thương xót Thiên Chúa. Đồng thời cũng cám ơn Ngài, đã trao tặng cho con người Chúa Giêsu như người Bạn, một người biểu lộ tình liên đới, sự an ủi cho những người gặp cảnh sầu khổ đau buồn.

Chúa Giêsu qua sự chết và sống lại của Người đã biến đổi nấm mồ người đã qua đời thành nơi chốn niềm hy vọng và sự sống lại.

Và từ nấm mồ, nơi chốn niềm hy vọng và sự sống lại vang vọng lên lời: “ Những gì ngày trước tôi cho đi, bây giờ tôi nhận lãnh trở lại!“

Lễ cầu cho các Linh hồn đã qua đời, 02.11.
LM. Nguyễn Ngọc Long