PDA

View Full Version : Vùng sa mạc hoang vu đã thực sự bắt đầu trở nên miền đất trù phú màu mỡ



Dan Lee
11-05-2007, 07:33 AM
Chúa Nhật XXXI, C

Vùng sa mạc hoang vu đã thực sự bắt đầu trở nên miền đất trù phú màu mỡ

(Lc 19,1-10)

«Đức Giêsu đi qua thành Giê-ri-cô». Đó là câu mở đầu của câu chuyện ông Da-kêu mà Phúc Âm thánh Lu-ca đã tường trình lại trong ngày Chúa Nhật hôm nay. Giê-ri-cô là một thành phố kỳ cựu nhất thế giới, nằm sâu cả hàng trăm mét thấp hơn mặt nước biển, cách biển chết không bao xa, vào khoảng 10Km, là một ốc đảo xanh tươi màu mỡ giữa một sa mạc cát cháy. Vì vị trí đặc biệt của nó như vậy, nên Giê-ri-cô đối với thánh sử Luca là một thành phố quan trọng trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô.

Và chính ở Giê-ri-cô hai câu chuyện trọng điểm đã xảy ra: Câu chuyện của trưởng ban thu thuế Da-kêu và câu chuyện chữa lành người mù, một người đã từng lớn tiếng vai nài lòng thương xót của Người. Một đàng là câu chuyện của một kẻ tội lỗi biết ăn năn sám hối để tìm lại cho mình sự sống tâm linh; một đàng khác là câu chuyện một người bệnh tật, xin được chữa lành bệnh mù lòa để có thể trở về cuộc sống lành mạnh bình thường trong xã hội.

Qua đó, chúng ta nhận thấy được rằng: Giê-ri-cô là nơi mà kẻ có tội và người đau ốm lại tìm cho mình được đất sống, được một chỗ đứng xứng đáng với nhân phẩm trong xã hội. Vì chính mục đích đó mà Đức Giêsu đã đến trong thế gian này, tức để tìm kiếm và để cứu vớt những kẻ đã bị thất lạc và hư đi. Và tất cả những nơi nào điều đó xảy ra, thì ở đó sẽ nổi lên một ốc đảo xanh tươi màu mỡ giữa một sa mạc cháy bỏng của hận thù và kỳ thị.

Chúng ta thử đến gần và nhìn kỹ ông Da-kêu hơn một chút nữa, để có thể biết rõ hơn: Ông là ai? Và đâu là điều tác động sự giải phóng trong câu chuyện này?

Trước hết, chúng ta có thể nói được rằng ông Da-kêu từng là một tên bợm và lưu manh thực sự. Chúng ta biết rằng những người làm nghề thu thuế xưa kia vào thời Đức Giêsu không thể so sánh với những công chức đứng đắn trong ngành thuế vụ ngày nay dưới sự kiểm soát của Nhà Nước, với một số lương cố định, nhưng là một nghề tự do. Họ hành nghề thu thuế theo sự ủy nhiệm của chính quyền thực dân Roma. Vì thế, họ rất dễ dàng lợi dụng quyền thế của những kẻ ngoại xâm để thao tung bóc lột đồng bào và làm giàu cho bản thân mình. Còn Giê-ri-cô, vì do vị trí nằm gần biên giới Gióc-đan, nên là một thành phố cửa khẩu rất quan trọng vào lúc bấy giờ, và cũng do đó là một nơi làm ăn tốt nhất của bọn thu thuế lưu manh. Bởi vậy, ở Giê-ri-cô vào thời đó, chức trưởng ban thu thuế là cả một mơ ước của bao viên chức trong nghề, nhưng đồng thời ai chiếm giữ được địa vị đó lại bị toàn dân khinh bỉ và ghét bỏ, vì chính y là kẻ áp chế và vơ vét tiền bạc của dân để làm giàu cho túi tham của mình.

Và một điều quá rõ ràng là tên trưởng ban thu thuế này rất tò mò về Đức Giêsu. Chắc hẳn ông ta đã nghe nói nhiều về con người vị Tiên Tri quê xứ Ga-li-lê-a ở Miền Bắc này rồi. Vì thế, khi Đức Giêsu đi qua Giê-ri-cô, thì viên trưởng ban thu thuế Da-kêu quá quen mặt biết tên đối với dân cư trong thành cũng đã bị cuốn hút theo sự cảm phục nồng nhiệt của đám đông đối với Đức Giêsu. Nhưng vì thân người thấp lùn, nên ông ta đã không còn cách nào hơn là trèo lên một cây cao để ít nhất cũng có thể nhìn thấy được Đức Giêsu khi Người đi qua chỗ ông.

Đúng thế, chính sư tò mò thúc đẩy ông Da-kêu đi tìm gặp Đức Giêsu, chứ không phải đức tin của ông vào Người. Nhưng Đức Giêsu cũng đã chấp nhận sự tò mò đó của ông ta, chứ người chưa đòi hỏi đức tin của ông, điều mà Người sẽ ban cho ông sau đó.

Qua sự kiện đó, chúng ta có thể nhìn thấy được hai điều quan trọng này:

• Để giải thoát và mang đến cho Da-kêu sự cứu rỗi thì chính Đức Giêsu đã khởi động, đã ra tay hành động trước, chứ không phải Da-kêu.

• Còn đám đông, những người đã theo Đức Giêsu với tất cả lòng đầy cảm phục nồng nhiệt đối với Người. Nhưng nhiều khi chính những người đầy lòng cảm phục này đã trở thành sự cản trở và che khuất Đức Giêsu, khiến bao nhiêu người không còn có thể nhìn thấy Người được nữa.

Vâng, không phải vì do ác ý, nhưng là do chính lòng mộ đạo và sự quý mến cảm phục đối với Đức Giêsu, mà nhiều người đã trở nên mù lòa và không nhìn thấy được rằng còn có bao nhiều người đứng ở «bên ngoài» cũng đang khát khao được nhìn thấy Đức Giêsu. Trong số đó, đặc biệt nhất là :

• Những người «thân hình bé nhỏ», những người «thiếu quá nhiều may mắn» trong đời, những người không được một ai nâng lên cao và vì thế là những người không còn may mắn hy vọng được đám đông đang đầy nồng nhiệt đứng vây quanh Đức Giêsu quan tâm để ý tới.

• Những kẻ tội lỗi mang đầy tiếng tăm như Da-kêu, lại càng không một chút hy vọng nào nữa nơi một đám đông như thế, lại càng không còn phương tiện nào có thể đến gần Đức Giêsu được.

Thế nhưng Đức Giêsu, một người Do-thái chính thống đầy đức độ, đã can đảm dám hành động một cách công bằng và hợp lý, chứ không sợ mang tiếng khiêu khích dân Do-thái ở Giê-ri-cô. Vì Người cũng muốn cho thành Giê-ri-cô thực sự trở thành một ốc đảo trù phú màu mỡ về mặt tâm linh tinh thần, ở đó cả những người tội lỗi cũng tìm được đất sống, cũng có cơ may làm lại cuộc đời từ đầu. Vâng, trước sự chứng kiến của họ, Người đã quan tâm đưa mắt nhìn lên Da-kêu đang tò mò ẩn mình trên một cành cây, một người mà người Do-thái khinh bỉ coi thường. Đức Giêsu đã đưa tầm mắt mình nhìn vượt qua hẳn đám đông đang che khuất tầm nhìn của bao người khác. Đức Giêsu đã nhìn thẳng vào cái mục đích chủ yếu và quan trọng của sứ mệnh mà Chúa Cha đã giao phó cho Người, tức Người đã đến trong thế gian là cốt để tìm kiếm và cứu vớt cái đã bị thất lạc hư mất.

Tiếp đến, Người đã nói một lời vàng ngọc, bất khả quên, một lời nói đã rót thẳng vào tâm hồn Da-kêu: « Hôm nay Ta muốn trọ lại tại nhà ông!» Quả là một điều Da-kêu không hề dám mơ tưởng tới. Nhưng giờ đây nó đã trở thành sự thật đối với ông. Nhất là qua sự ngạc nhiên đầy nhân ái mà Đức Giêsu đã dành cho ông, Da-kêu đã khám phá ra rằng: Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người còn mau chóng hơn cả sự xưng thú tội lỗi và lòng sám hối ăn năn của họ.

Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là các tội ác của con người đã được tương đối hóa, đã được bình thường hóa. Không ! Tội lỗi vẫn là tội lỗi, vẫn là điều xấu xa đáng ghê tởm; Da-kêu rõ ràng đã từng là một tên gian manh bịp bợm. Đức Giêsu cũng không hề phủ nhận điều đó. Nhưng hôm nay, Người muốn trọ lại tại nhà Da-kêu này. Người hành động như thế, vì Người không phải như những thầy giảng dạy luân lý khác: Người không vội trách mắng các lỗi lầm của họ, Người cũng không đe dọa họ bằng các án phạt này nọ. Trái lại Người đã đích thân thực sự đi tìm kiếm và cứu vớt họ với tất cả tình yêu thương thông cảm và tha thứ của Thiên Chúa; vì thế, Người chấp nhận sự xưng thú và lòng ăn năn sám hối của kẻ có tội, tạo điều kiện cho họ làm lại từ đầu và mở ra cho họ một con đường để tiến lên phía trước: «Hôm nay Ta muốn trọ lại tại nhà ông!»

Điều đó cũng muốn khẳng định rằng, một khi Đức Giêsu can thiệp thực sự vào cuộc sống một người, thì cuộc sống người đó bắt đầu khởi động một sự thay đổi tích cực biến thiên, thì xảy sự sám hối và cải thiện. Đúng vậy, từ khi được hân hạnh gặp mặt và đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình, ông Da-kêu đã không còn là con người như trước kia nữa. Ông đã thay đổi toàn diện cuộc sống; ông đã trở thành một con người lương thiện, sống và hành động hợp lý, đúng với lẽ phải.

Nhưng sau cùng, một điều bất ngờ đã xảy ra: Trước thái độ và cách cư xử đầy nhân bản của Đức Giêsu đối với những người lầm lỗi như thế, đám quần chúng hâm mộ theo Người đã không tỏ ra vui mừng đồng tình, trái lại họ đã lẩm bẩm trách móc Người. Bản tin Mừng đã tường thuật lại cách rõ ràng: «Thấy vậy, mọi người đều xầm xì với nhau: ‘Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ.»

Như vậy, kết quả sau cùng của câu chuyện là mọi người có mặt hôm đó đã không bằng lòng với thái dộ cư xử của Đức Giêsu. Dư luận công chúng Do-thái bất mãn về cách cư xử có tính cách khiêu khích của Đức Giêsu, kể cà đoàn tuỳ tùng từng hâm mộ Người cũng vậy. Họ không những muốn che khuất Đức Giêsu trước mắt của những kẻ có tội, nhưng còn phiền trách cả Sư Phụ mình, khi Người tạm xa những người trung tín của mình để tìm đến trọ nơi nhà người tội lỗi.

Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ, là trong cuộc sống hằng ngày đã có biết bao người chỉ muốn đến gần Đức Giêsu và chỉ muốn dành lấy sự cứu rỗi cho một mình mình mà thôi, chứ không muốn Người ra đi đến với những kẻ có tội khác nữa, những người mà theo họ là không xứng đáng đón tiếp Đức Giêsu.

Tuy nhiên, Đức Giêsu không hề để cho bất cứ ai có thể cầm chân được Người, dù bởi những tín hữu mộ đạo, dù trong nhà mặc áo hay trong nhà thờ. Người luôn trung tín với sứ mệnh Thiên Sai của mình: Người đã đến trong thế gian là để tìm kiếm và cứu vớt những kẻ đã lạc mất, những kẻ tội lỗi, như Thiên Chúa đã từng phán qua Tiên tri Ê-dê-ki-en: «Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc đường, Ta sẽ tìm đưa về và con nào bị thương tích, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh sức.» (Ed 34,16).

Nói tóm lại, phải chăng câu chuyện của ông Da-kêu, mà bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại, không phải là một câu chuyện mang tính cách giải phóng? Phải chăng từ nơi đây, một sa mạc cháy bỏng và đầy chết chóc trong cuộc đời một người đã chưa bắt đầu trờ nên cánh đồng trù phú màu mỡ về phương diện tinh thần và tâm linh, xưa kia tại Giê-ri-cô và nay tại xứ đạo N. này?
Lm Nguyễn Hữu Thy