PDA

View Full Version : Tấm Lòng Son



Dan Lee
11-06-2007, 02:08 PM
TẤM LÒNG SON

* Phỏng theo tư tưởng trong Dụ ngôn hai xu của bà góa (Marcô 12, 41-44)

* Viết theo ngôn ngữ thời đại lồng trong khung cảnh đất nước.

Dân làng không rõ quá khứ nó và nó cũng không biết dân làng. Ngày tháng năm sinh nó không biết, tên thật cũng không. Nó là người duy nhất không hộ khẩu. Địa chỉ cư trú ngoài nghĩa trang. Nghe nói cha mẹ nó chết trong chiến tranh. Dân làng gọi nó là con Chai vì nó là đứa gái duy nhất sống nghề chài cá, vó tôm, nghề của bọn trai.

Chai bòn hết gia tài được đúng năm ngàn đồng. Cầm năm ngàn trong tay nàng run run đưa lên rồi đặt xuống mặt bàn, hai mắt nhiu nhíu nói với chính mình. Như vậy là tròn năm ngàn chẵn. Ngờ ngợ như có gì không ổn trong câu nói, nàng tự sửa sai. Hoặc nói là tròn năm ngàn, hoặc nói là năm ngàn chẵn. Đã tròn còn chẵn, không ai nói cả hai. Chai kiêu hãnh cầm trong tay số tiền to lớn. Nàng nhẩm đi nhẩm lại câu nói trong miệng cho thuộc sắp phải dùng đến. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu. Người ta có bạc trăm bạc ngàn nên biết cách ăn nói, mình họa hoằn có bạc trăm trong nhà nên khi có bạc ngàn trong tay không biết nói sao cho phải. Lần đầu tiên có bạc ngàn trong đời tạo cho Chai cái cảm giác lâng lâng vui sướng. Trong lúc cao hứng Chai ước mong tương lai có được bạc tiệu. Nhận ra mình nói sai nên tự sửa. Người ta nói là bạc triệu, không ai nói là bạc tiệu. Có bạc triệu ăn nói quê mùa thiên hạ khinh. Ngưng một chút rồi tiếp. Mình cầm tinh con rệp không biết hay sao mà còn mơ bạc triệu. Khúc khích cười một mình vì ý tưởng con rệp. Ai bảo nhà giầu không có rệp. Rệp cũng có hai loại. Rệp tư bản là loại rệp mình đang mơ tiến lên; rệp bần cố nông, ai sanh ra nó thì không rõ nhưng thiên hạ tranh nhau lãnh đạo đám rệp này. Mình ngoại hạng vì là rệp nghĩa trang. Nó gông vào cổ từ lúc cha mẹ mất đi và theo mình đời đời. Người ta chỉ chôn xác chết; còn phận nghèo lại không chôn.

Từ lâu Chai ước mong dâng cúng cho nhà thờ một món quà. Hàng năm cứ vào dịp tháng 11 giáo dân tụ họp nơi nghĩa trang làm cỏ mộ phần. Sau đó đọc kinh. Chai không mấy quan tâm đến việc này. Ngày kia người nào đó gào lên cầu cho người chết trong chiến tranh một kinh. Lời đó lọt vào tai Chai rồi đóng chốt trong đó. Lời kinh vọng vang kéo Chai chú ý đến các buổi cầu kinh. Chai nhận ra người ta thường cầu cho nạn nhân chiến tranh. Chai cảm động vì vô số hồn vô danh ấy có cha mẹ nàng. Nghe lời kinh mà thấm, hàng lệ ứa ra, hồn thổn thức, tay chân bủn rủn, cảm động làm sao nghe lời kinh quyện bay trong gió rì rào, vụt đến, vừa kịp tan trong khí trời thì lời khác nối tiếp tạo thành chuỗi kinh cầu bất tận. Trước đây, Chai vẫn nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, nàng không quan tâm, từ ngày nghe lời kinh quyện trong gió tiếng chuông đổ kéo dài vang vọng mãi như lời mời gọi, Chai cất tiếng cầu kinh cho hồn vô danh. Chai mường tượng tiếng mình đuổi theo tiếng chuông xa dần, xa dần, mất hút vào không gian hoặc len lỏi đến mộ sâu nơi cha mẹ đang lắng nghe tiếng con xin cho hồn siêu thoát.

Rung cảm trước lời kinh khơi dậy trong lòng một khát vọng làm gì cho Chúa. Suy nghĩ tới lui tìm cách hợp khả năng. Gia tài chỉ có chuối và gà. Chuối nhà thờ không cúng. Ngày rằm, cuối tháng, đầu năm nhà thờ cũng không trưng gà như các tôn giáo bạn. Khó quá làm sao thực hiện được ý định cưu mang. Chai định tâm bán chuối và gà gom tiền đưa cha thay cho cúng Chúa chuối và gà.

Bòn bán hết vườn chuối già cui cộng thêm mấy con gà mái tơ thế nào cũng đủ tiền cúng Chúa. Chai tính trên đầu ngón tay đổ đồng mỗi buồng chuối hơn bù thiệt là hai trăm như vậy bán hết vườn chuối cũng bộn. Nếu không đủ tiền thì gà thế chấp. Liệu cơm gắp mắm không xong. Chai tính như thế nhưng năm nay chuối rộ hơn mọi năm nên bán cả vườn chuối mới được hơn ba ngàn như vậy còn thiếu gần hai ngàn. Đã quyết thì không tiếc, nàng bắt mấy con gà mái tơ đi chợ.

Bán cả chuối lẫn gà là nguyên cớ cho hàng xóm dòm ngó. Tiếng đồn Chai gom của đi vượt biên. Đồn là thế nhưng không ai tin vì Chai nghèo thâm môi, tím cật, tiền đâu mà vượt biên. Tin đồn thường kèm theo tai họa. Trường hợp của Chai thì khác, tin đồn đến rồi tin đồn đi vì đồn sai đối tượng.

Nói Chai nghèo thâm môi cũng chẳng ngoa vì nàng sống nghề chạy theo cá, đuổi theo tôm. Ngày ngâm nước chài cá; đêm ngăm bùn vớt tôm nên môi nàng thâm từ sáng sớm đến khuya. Nhiều sáng lạnh, hai hàm răng nhịp đều như thầy chùa gõ mõ tụng kinh sớm. Khoác áo rách tả tơi trên người; may mà có cái chài sũng nước sạm bùn trên vai che bớt phần lưng hở đen thui, cháy nắng. Dầm sương dãi nắng ngày này qua ngày khác nhưng Chai vẫn mạnh khỏe, vẫn tươi cười và điềm đạm với mọi người. Tính tính hiền hậu lại thành thật được nhiều người mến. Trước khi nhận được lòng mến của thiên hạ, Chai đã trải qua bao gian lao thử thách, thiếu điều muốn chết được. Con người vì hòan cảnh mà chèn ép, cấu xé, và vì hai chữ hơn thua mà chém giết, chửi rủa mạt sát nhau.

Cha mẹ chết trong chiến tranh, Chai tự kiếm sống bằng nghề giăng câu và lớn lên với cái kinh nghiệm tôm cá. Lúc đầu có người bà con gần đem về nuôi nhưng Chai như điên, khóc thương bố mẹ ngày đêm. Nhiều đêm, hú lên từng cơn trong tĩnh mịch của màn đêm. Lạ một điều trong nhà, Chai hú thì ngoài sân mấy con chó trong xóm cũng tru lên hòa thành tiếng hú man rợ đến rợn gáy cho người yếu bóng vía. Gia đình nhận nuôi cảm thấy vừa xấu hổ, vừa bực mình. Dọa nạt không được, dỗ ngọt không xong đành bịt tai ngủ chập chờn trong tiếng hú. Chai cứ rên ư ử rồi lại rú lên. Tuần này qua tháng nọ rồi bỏ nhà ra đi. Kiếm về được một vài ngày rồi lại đi tiếp. Nhiều lần ra nghĩa trang ngồi suốt ngày nhìn mộ phần cha mẹ. Gia đình nuôi ngán ngẫm, mất kiên nhẫn, đành phóng thích cho số phận, muốn ra sao thì ra. Thân thích ngán ngẫm, nuôi không nổi; lối xóm ai dám chứa, mà có chứa cũng không chịu. Ai cũng nói nó bị điên nên không nhận nuôi trong nhà mà chỉ cho cơm sống qua ngày, lây lất xó này, góc nọ. Mấy người tin ma bói toán bạo miệng xác quyết bố mẹ nó chết oan, hồn không siêu thoát nên nhập vào nó suốt ngày khóc kêu oan. Sống chui rúc như thế, dầm sương dãi nắng như thế mà nó vẫn khỏe mạnh. Người ta đồn người bị ma nhập không bao giờ ốm đau bệnh tật dù sống dơ thế nào cũng không sao. Tin này càng làm cho nhiều người tin Chai là hiện thân của cả cha lẫn mẹ.

Thời gian đổi mới nhiều xáo trội, Chai bị lãng quên vì mọi người quay cuồng không còn tâm trí quan tâm đến con bé ma nhập. Họ cố bắt nhịp với đổi mới. Phải nói là chạy đua với đổi mới, của kế hoạch nghe lạ. Nghe xong vẫn chưa tin vì nó xa vời thực tế. Phải sống mới hiểu được khó khăn trùng điệp trong hòan cảnh ngày lo đêm sợ.

Chai nhà cửa cũng không, đất đai cũng không, không ai chứa, ngủ đầu đường xó chợ không yên vì bọn đồng cảnh ngộ hiếp đáp, chèn ép, xua đuổi khoanh vùng làm anh chị, giành đất sống và quyền làm chủ. Tệ hơn nữa mấy anh chị đòi làm chủ luôn cả thân xác người. Chai muốn kháng cự lại. Suy đi nghĩ lại cho chìm xuồng. Bản chất hiền lành dù biết mình có đủ khả năng, thừa thể làm tay anh chị. Biết thế Chai vẫn nhịn. Người ta nói bần cùng sinh đạo tặc. Chai bị bần cùng vẫn giữ tính quân tử, cắn răng chịu thiệt, chấp nhận xua đuổi. Chai lui dần, lui dần không còn đất sống ngoại trừ đất nghĩa trang. Ở đó Chai làm ma sống trong xã hội chết. Bọn kia chê nghĩa trang Chai sống an bình. Ma đói sợ ma chết. Chai không sợ, nên quân tử hơn bọn kia một bậc. Những ngày đầu, Chai sống ngay trong cái lều nơi tạm để quan tài. Mỗi khi có đám xác người này xua, kẻ khác đuổi. Một lần nữa Chai chuyển đi vùng kinh tế mới, nhặt miếng lá chỗ này, tấm bạt rách chỗ nọ mang về vá víu dựng cái lều con cho riêng mình, ngay trong đất nghĩa trang.

Người ta gọi Chai là con ma sống. Trước đây thiên hạ đồn thổi nó là hiện thân của bố mẹ. Kẻ thối mồm đồn Chai là con ma sống. Chỉ có ma mới sống nơi nghĩa trang. Mới nghe bực lắm. Nghe thiên hạ bàn tán, xì xèo, đặt điều bày chuyện, ăn thêm nói bớt riết quen với lối ăn nói sống sượng của thiên hạ.

Chai biết có người dòm chừng lúc nó ngủ. Tự diễu ngủ mà có người canh gác đáng liệt vào hạng sư tổ của bọn bần cố. Mỉm cười một mình với ý tưởng ngồ ngộ đó rồi an giấc lúc nào không hay. Người ta rình rập xem ban đêm con ma sống làm những gì nhưng chỉ thấy nó lăn ra ngủ như chết sau một ngày vất vả chài tôm vớt cá. Kẻ xấu miệng đồn cá của nó ban đêm biến ra những con rắn ma bò quanh giường nó ngủ. Kẻ tin, người không bàn luận ngậu cả lên. Có người làm chứng mua cá của nó về kho chưa kịp ăn tối đến thấy tòan giẻ rách. Người khác nói kho cá đêm đến thấy khua soong mở nắp ra thấy con cá còn sống đang giẫy. Tin đồn gây thiệt hại cho giá bán cá. Chai không thể bán được cá tại chợ với giá thị trường nhưng phải bán qua bọn con buôn. Bọn này bớt đầu nọ, xén đầu kia, chê bai, giảm giá. Chai bỏ công nhiều; giá bán không xứng hợp đêm hôm nguy hiểm, lặn lội bờ sông. Chai vào nghề câu cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Nó thấy người ta đi câu, nó cũng đi, thấy người ta chài cá nó cũng chài, mới đầu chỉ là miếng lưới vá sau có tiền mua được cái chài đàng hòang nhờ vào những đêm mưa to gió lớn, người khác nằm nhà nó lặn lội thâu đên nên gặp may. Những đêm như thế thiên hạ không cá bán, mình nó làm chủ thị trường, nhưng vẫn bị bọn con buôn ém giá.

Nghề tôm cá trở thành phụ thuộc vì tôm cá càng ngày càng ít, thuốc giết sâu rầy sài bừa bãi giết chết tôm cá, lớn nhỏ đều đi đong, không chịu nổi nên nghề này đói.

Chai đánh liều nuôi gà và trồng chuối quanh các gò mả hoang đất nghĩa trang. Chỗ nào không có mả Chai cho mọc lên một gốc chuối, nhất là hai bờ đê dẫn ra nghĩa trang. Người ta vẫn không buông tha Chai, họ không chịu ăn chuối Chai bán vì cho là chuối nghĩa trang hút nước mả. Quả thật những trái chuối Chai trồng, trái lớn xinh đẹp, bụ bẫm khác thường. Chê chuối trồng trên mả không ăn nhưng lại mua về cúng ông bà. Chai hãnh diện và tự hào chuối Chai trồng linh thiêng. Chai sống trong niềm vui nho nhỏ tự ban và coi đó là lẽ sống. Nhiều người không biết cách trồng chuối vì nó cần ẩm ướt mới cho năng suất tốt. Chai không biết nguyên tắc đó nhưng gặp may thì đúng hơn. Chính việc vớt rong bèo và bùn cho vào gốc chuối nên lúc nào gốc cây chuối cũng mát ẩm, lại thêm phân bùn làm cây chuối tươi tốt. Đó là bí quyết trồng chuối thành công.

Cái lều cỏn con nơi nghĩa trang cũng lớn dần. Gặp gì nhắm dùng được thiên hạ bỏ đi Chai gom góp, nhặt nhạnh nới rộng cái lều làm chuồng gà và chỗ treo chuối. Ngày kia trong xóm có người chết bệnh lây nguy hiểm, ai cũng ngại đến gần quan tài, người ta tránh cả đào huyệt chôn người chết. Gia đình túng thế không biết cậy nhờ ai nên nói khó với Chai. Nhờ vào sức mạnh lại bạo dạn nên Chai nhận lời giúp. Từ đó nàng có thêm nghề mới, đào huyệt cho người qua đời trong xóm. Nghĩa cử cao đẹp này thay đổi quan niệm xấu về Chai và số người thương Chai ngày nhiều hơn. Người ta nhìn thấy nơi Chai cái lợi lớn trong nghĩa trang. Kể từ ngày có mặt nàng, nghĩa trang bớt hẳn nạn trâu bò quậy phá vì Chai sợ chúng phá chuối nên đuổi trâu bò khỏi nghĩa trang.

Chai đóng bộ thật bảnh đến dâng cúng số tiền cho cha xứ. Nàng không muốn qua tay ông trùm hay ban tài chánh hoặc bất cứ ai biết đến công việc đang làm, ngoại trừ cha xứ. Chai chỉ muốn dâng cúng âm thầm mình mình biết mình mình hay.

Cha ngạc nhiên ra mặt vì số tiền Chai dâng cúng. Năm ngàn bạc không phải là món tiền lớn nhưng việc làm của Chai tạo ngạc nhiên, bỡ ngỡ đến độ ngờ vực, không biết là hảo tâm hay tà tâm. Chai chưa bao giờ đặt chân đến nhà thờ. Lần đầu đến lại cho tiền. Nên nhận hay từ chối. Cha ậm ừ, lưỡng lự không dám nhận cũng chẳng dám chối sợ sập bẫy. Chai dúi món tiền vào tay Cha bắt nhận trong miễn cưỡng. Lòng ngờ vực tăng thêm. Định dò hỏi vài câu cho yên tâm nhưng chưa kịp ngỏ lời thì Chai đã ra về.

Đúng hai ngày sau có tin lệnh đổi tiền. Mối nghi còn lớn hơn. Từ sáng sớm tinh sương khi mọi người còn đang ngủ đã nghe lệnh giới nghiêm đổi tiền phát thanh cùng xóm. Chai đang ngủ giật mình dậy cố nghe tin vừa loan lần nữa. Mắt tỉnh, tai thính Chai nghe không sai lấy cả hơi thở của người phát thanh tin sáng. Nàng nói vừa đủ cho chính mình nghe thế là công dã tràng. Bòn nhặt cả vườn chuối và mấy con gà coi như đổ xuống sống biển. Một màn đấu trí tự trách mình, rồi đưa ra lí lẽ bàn tính làm thế nào để khỏi mất trọn vườn chuối. Không tìm được giải đáp Chai tự diễu cho giảm nỗi lo. Chai vẫn làm thế khi phải lo lắng. Chai tin diễu là liều thuốc bổ vạn năng, nó làm cho tỉnh táo đầu óc mới nghĩ ra cách giải quyết. Ừ, thì cứ diễu đi rồi thì ra sao thì ra?

Chai đến gõ cửa nhà xứ. Nghe tiếng gõ cha nhìn ra thấy Chai đang thập thò trước cửa. Lòng ngờ vực tăng lên vì cái lệnh đổi tiền. Cha thập thò sau bức mành không biết nên ra hay nên tránh. Lo sợ, buồn, run tranh nhau làm chủ cõi lòng. Chai gõ đến lần thứ ba mà cha vẫn chưa ra, nàng mở cửa bước vào. Trước thái độ quyết liệt của Chai, cha xứ đành run run xô cửa bước ra. Không khách sáo, Chai nhập đề xin lại số tiền mới đưa. Cha lặng lẽ quay gót vào vài phút sau đưa tiền trả Chai. Tiền còn gói trong cái lá chuối khô vẫn y nguyên cha chưa mở ra coi. Chai cầm tiền trong tay, lòng rối như tơ vò, ra về quên chào. Cha đứng nhìn một lúc chờ cho khuất bóng nhưng ý nghĩ trong đầu càng rộn hơn. Không hiểu được thái độ của Chai, vội vàng, nóng nảy, bốp chát, đối thoại cộc lốc, không cần biết lấy tiền đi thẳng không hề chào. Nên nghĩ tốt hay ngờ vực. Cha chép miệng trấn an việc gì đến sẽ đến.

Cầm tiền trong tay Chai đi như chạy về nhà, thực ra chưa biết đổi tiền như thế nào, tại đâu và đổi ra sao. Đang đi thì có người chặn. Bị hỏi bất ngờ Chai bí qúa khai đại đi đổi tiền theo lệnh sáng nay. Người đó chỉ Chai đến đến nơi đổi tiền. Trời còn sớm, lệnh vừa ban nên người người ngó nhau, chờ thiên hạ phản ứng ra sao. Dân chúng nghe tin nhưng còn đang ngỡ ngàng vì đời họ chưa từng nghe đến việc đổi tiền nóng sốt như thế. Hai ba nhân viên đổi tiền nhận ra Chai là con ma sống nghĩa trang đến đổi tiền họ vồn vã ra mặt. Chai đặt gói lá chuối xuống bàn không nói lời nào. Nhân viên giải thích cách đổi tiền nhưng khi hỏi đến giấy chứng minh chai không có hộ khẩu. Càng thầm vấn Chai càng cuống. May thay người trưởng phòng can thiệp vì ai cũng rõ Chai là bần nông trong xóm. Chai không hộ khẩu vì thiếu sót của nhân viên nhà nước, không để ý nghĩa trang cũng có người cần khai hộ khẩu. Trường hợp của Chai phải nói là ngoại lệ trên hết mọi ngoại lệ. Ai lại đi khai hộ khẩu nơi nghĩa trang bao giờ.

Đổi xong món tiền Chai hấp hấp chạy như bay về nhà coi tờ giấy bạc mới. Cầm tờ giấy bạc mới đưa lên mũi ngửi mùi giấy mới rồi dơ cao lên soi. Xem tới xem lui, hai tay vuốt mặt trước đồng tiền, vuốt mặt sau đồng tiền, nhìn thẳng nhìn nghiêng. Cứ thế nhìn đồng bạc mới không chớp mắt. Như sực nhớ tiền đã cho nhà thờ nên giữ ở nhà. Chai bỏ bạc mới vào túi đi thẳng lên nhà xứ. Lại gõ cửa. Lần này cha xứ vừa trông thấy bóng đã ra mở cửa. Cẩn thận hơn Chai đưa mấy đồng bạc mới đặt vào tay cha xứ, vui mừng mắt thấm lệ. Cha lặng câm, ngỡ ngàng trước thái độ chân thành bất ngờ. Đồng bạc mới trên tay rung rung bay vèo theo cơn gió rớt xuống đất, hai dòng lệ lăn dài trên má vì quá cảm động lòng thành của một con người mà mấy ngày qua cha ngờ vực. Tiếng cha xin lỗi lí nhí phát ra cùng lúc với bàn tay Chai khoa khoa rồi bước nhanh ra cửa. Tâm tình Chai dành cho thật đúng lúc, rất cần trong lúc mọi người đang bồn chồn lo lắng về đổi mới. Không ai ngờ đằng sau môi thâm lưng sạm nắng lại chứa tấm lòng son. Quả là trong bình sành có viên ngọc quý.
Lm Vũđình Tường