PDA

View Full Version : Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (8)



Dan Lee
11-11-2007, 11:58 AM
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (8)


(tuần 18-24 tháng 11 năm 2007)

71. Giáo Hội Việt Nam là Giáo Hội Tử Đạo

Trong suốt ba trăm năm bị bắt Đạo, trải qua sáu triều vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn một trăm ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách, trong số nầy, có năm mươi tám giám mục và linh mục thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà lan, Italia, mười lăm linh mục Việt Nam, ba trăm bốn mươi Thầy Giảng, hai trăm bảy mươi nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, chín mươi chín ngàn một trăm tám mươi hai giáo dân.

Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong ácc cuộc Bắt Đạo vì phải bị lưu đầy, vì phải trốn tránh trên rừng sâu, dưới biển cả.

Đó là cũng chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp bốn trăm ngàn người công giáo dưới triều Vua Tự Đức.

Đó còn là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người công giáo bị giết chết khi Phong trào Văn Thân nổi lên.

Như thế, con số các Vị Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam, trong ba trăm năm bị bắt đạo, phải tính lên đến ba trăm ngàn người trong vòng ba trăm năm.

Nếu tính theo tỷ lệ, thì trong ba trăm năm bắt Đạo, cứ một trăm năm thì có một trăm ngàn vị Tử Đạo. Và theo tỷ lệ nầy, cứ một năm, có một ngàn vị Tử Đạo, và đổ đồng, cứ mỗi ngày, có hơn hai vị Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam.

Cảm phục tấm lòng anh dũng phi thường của các vị Tử Đạo Việt Nam và của các vị Tử Đạo người ngoại quốc tại Việt Nam, các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X và Piô XII đã nâng 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam lên hàng Á Thánh, và Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nâng lên hàng Hiển Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.

72. Cái giá trung thành của các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Để trung thành với Chúa, các ngài đã vứt bỏ nhà cửa ruộng đất, bồng bế con cái cháu chắt chạy trốn lên nơi rừng sâu nước độc, sống cô quạnh hiểm nguy.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã sống bập bềnh trên những con thuyền tạm bợ, lẩn lút dọc bờ sông ven biển, nhịn đói nhịn khát, bơ vơ không biết nương tựa vào đâu.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã đành lòng chịu tịch thu gia sản, chịu cảnh phân sáp dã man, cha mẹ phải lìa xa con cái, vợ chồng không được sum họp với nhau, gia đình phải tan nát đau thương.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã vui lòng chịu những hình khổ bạo tàn độc ác như bị cạo trọc đầu, bị kẹp các ngón tay cho ra máu, bị chặt đứt các ngón tay rồi bị thả về tàn tật, bị vấn dẻ vào đầu các ngón tay để bị đốt cháy, bị đánh bách trượng, bị xẻo bá đao, bị cắt hai tay, bị chặt chân chặt tay, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị khắc chữ Tả Đạo vào má, bị voi chà, bị treo ngược vào cột đê xé xác ra làm sáu mãnh, bị gươm đâm thâu hông, bị thả vào vạc dầu sôi, bị mang gông phơi nắng nhiều ngày, bị giam chết đói chết khát, v.v…

73. Kế hoạch Phân Sáp của Vua Tự Đức quá sâu độc!

Kế hoạch Phân Sáp được Vua Tự Đức cho thi hành vào năm 1851 và 1856.

Do sự thi hành kế hoạch Phân Sáp nầy mà gần bốn trăm ngàn giáo dân phải bị đi phân sáp, từ năm mươi ngàn đến sáu mươi ngàn giáo dân phải chêt nơi phân sáp, một trăm làng công giáo bị tàn phá bình địa, hai ngàn Họ Đạo bị tịch thu tài sản ruộng đất, một trăm mười lăm linh mục Việt Nam và mười giáo sĩ ngoại quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị phá tan, hai ngàn nữ tu Mến Thánh Giá phải tan tác, một trăm nữ tu Mến Thánh Giá chết vì Đạo.

Kế hoạch Phân Sáp gồm bốn mặt: mặt thứ nhất, không cho người công giáo ở trong làng công giáo của mình, nhưng phải đến ở trong các làng bên lương; mặt thứ hai, mỗi người công giáo phải bị năm người lương canh giữ cẩn mật; mặt thứ ba, các làng công giáo bị phá huỷ, của cải ruộng đất của người công giáo bị tịch thu và giao vào tay những người bên lương, những người nầy sử dụng và nộp thuế lại cho Nhà Nước; mặt thứ bốn, không cho người đàn ông công giáo ở một nơi với người đàn bà công giáo, không cho vợ chồng công giáo ở với nhau, mỗi người phải đi ở một nơi xa nhau, con cái của người công giáo thì phải để cho gia đình người lương nuôi.

Đây là một kế hoạch rất sâu độc, nhằm tiêu diệt Giáo Hội Việt Nam tận gốc rễ. Nhưng Bàn tay Chúa dẫn đưa lạ lùng: các triều đại Nhà Nguyễn không còn nữa, mà Giáo Hội Việt Nam, hiện nay, vẫn sống mạnh và vươn lên.

74. Các thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội

- nông dân (Lôrensô Ngôn, Đa Minh Ninh, Anrê Tường, Đa Minh Nhi),

- ngư phủ (Đinh văn Dũng, Đinh văn Thuần, Đa Minh Toại, Đa Minh Huyên),

- thợ mộc (Phêrô Đa),

- làm Trùm Họ, làm Câu Xứ (Giuse Túc, Phaolô Hạnh, An-rê Kim Thông, Nguyễn Văn lựu),

- người vợ và người mẹ có sáu đứa con ( Anê Lê Thị Thành),

- quân đội (Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể, Phaolô Tống Viết Bường, Phanxicô Xavie Trung, thánh Giuse Lê Đăng Thị),

- quan trong triêu nhà vua (Micae Hồ Đình Hy),

- linh mục (An rê Dũng Lạc, Lê Bảo Tịnh, Nguyễn Bá Tuần, Nguyễn Văn Triệu, Đoạn Trinh Hoan),

- chủng sinh (Toma Thiện),

- v,v…

75. Một vài lời cúa các Thánh Tử Đạo Việt Nam

- Thánh Mỹ thưa với quan Tổng đốc: “Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không chối bỏ bao giờ.”

- Thánh Phêrô Cao cầu nguyện : “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Ki-tô, được đón nhận ngành lá tử đạo về tới bến thiên đàng.”

- Thánh Kim Thông thưa với quan tỉnh : “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được.”

- Thánh Phêrô Truật phát biểu: “Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời.”

- Thánh Emmanuen Phụng để lại di chúc tinh thần: “Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật Cha trao lại: Đây là ảnh Đức Kitô, Chúa chúng ta, ảnh nầy quí hơn vàng bạc bội phần.”

- Thánh Phêrô Quí dõng dạc: “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc/ Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề / Miễn vui lòng cam chịu một bề / Cho trọn đạo trung thần hiếu tử.”

- Thánh Phaolô Tịnh can đảm thưa với quan án: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được.”

- Thánh Phaolô Khoan hát lên lời nguyện hiến tế cuộc đời: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất, chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài.”

76. Các hoàng đế Rôma giết đạo, đều đã trãi qua những cái chết dễ sợ

Caligula (bị bóp cổ chết), Nêron (bị đâm dao vào ngực), Đômixianô (bị người thân ám sát), Cômêđô (bị lật đổ), Valêrianô (bị ngoại quốc giết), Điôclêxianô (bị truất ngôi và chết đói), Giulianô (bị tên bắn chết giữa trận mạc), …

77. ”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con”.

Xưa có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện bằng câu:”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con”.

Một hôm, người ta dẫn ông đến mồ của Thánh Thomas thành Cantobery để xin Thánh nhân làm phép lạ chữa lành đôi mắt.

Ông được nhận lời: đôi mắt vụt sáng lên ngay. Nhưng sau những giây phút vui mừng sung sướng, ông chợt nhớ mình quên kết thúc lời cầu nguyện bằng câu thường lệ:”Nếu điều có có ích lợi cho phần rỗi của con”, nên ông vội vàng trở lại trước phần mộ của thánh Thomas, xin được hóa mù lại, nếu điều đó có ích lợi cho phần rỗi của ông hơn là được sáng mắt.

Đôi mắt ông lại hóa nên mù như trước, nhưng đời ông từ đó trở nên sáng suốt lạ lùng: ông biết luôn luôn sống theo thánh ý Chúa!

78. Chết chắc, nhưng không chắc giờ chết!

Đồng hồ tháp nhà thờ chánh tòa Leipzip ở Đức có khắc chữ: Mors certa, hora incerta. (Chết thì chắc, nhưng giờ chết thì không chắc.)

79. Hai nguyên tắc của Thánh Gioan Lùn tu rừng

Nguyên tắc thứ nhất: Hãy lấy cho được cảm tình của người anh em trước khi nghĩ đến cách làm cho người anh em nầy trở lại.

Nguyên tắc thứ hai: Trước khi giảng dạy cho ai, hãy yêu mến họ.

80. Xin vâng theo thánh ý Chúa là khoẻ nhất!

Một người cha gả hai đứa con gái cho hai người đàn ông kia, một người làm ruộng, một người đi buôn.

Khi đến thăm gia đình người con gái lấy chồng làm ruộng, thì hai vợ chồng gia đình làm ruộng nầy xin cha cầu nguyện cho họ được trời mưa.

Khi đến thăm gia đình người con gái lấy chồng đi buôn, thì hai vợ chồng gia đình đi buôn nầy xin cha cầu nguyện cho họ được trời nắng.

Người cha không biết sao mà nhận lời, nên kết luận: “Cha chỉ xin cho các con biết vâng theo thánh ý Chúa là khoẻ nhất!”


Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang