PDA

View Full Version : Huyền nhiệm Đời sống đạo: Theo Thầy



Dan Lee
11-27-2007, 07:55 AM
HUYỀN NHIỆM ĐỜI SỐNG ĐẠO (3)

“... Theo Thầy ...” (Mt 10, 38; 16, 24; Mc 8, 34; Lc 14, 1; 14, 27)

1. Theo Đạo

Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo. Theo đạo là theo một con đường.

Trở về Cựu Ước ta thấy rằng, theo Thiên Chúa tức là bước đi trong đường lối Người, đường lối mà Người đã dùng khi dẫn dân Người trong thời Xuất Hành. Israel luôn được kêu gọi bước theo Giavê như hôn thê theo hôn phu (x. Gr 2, 2), như đàn chiên theo chủ chăn (x. Tv 80, 2), như dân theo vua (x. 2Sm 15, 13; 17, 9), như tín hữu theo Thiên Chúa của mình (x. 1V 18, 21).

THEO có nghĩa là gắn gó hoàn toàn và tùng phục tuyệt đối, nghĩa là Tin Tưởng và Vâng Nghe. Chính do Ca-lếp không bao giờ nghi ngờ nên ông đã được thưởng, vì ông đã “hoàn toàn theo Đức Chúa” (Đnl 1, 36); Đa-vít là người đã tuân giữ các giới răn nên đã trở nên khuôn mẫu cho những người hết lòng theo Thiên Chúa (x. 1V 14, 8). Khi vua Josias và toàn dân chấp nhận dấn thân sống theo Giao Ước là họ quyết tâm “theo Đức Chúa”. Từ đấy, lý tưởng của người tín hữu luôn luôn sẽ là “theo đường lối Chúa” (Tv 18, 22; 25, 4tt).

2. Theo Đức Kitô

Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy theo Tôi.” (Mc 1, 17). Đó là ơn gọi của từng Kitô hữu chúng ta. Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ. Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài, nhận Ngài làm nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống.

Đức Kitô chẳng những dạy Đạo, Ngài còn là Đạo (x. Ga 14, 6). Với ý nghĩa trên, theo đạo là theo một con người, một ngôi vị. Bởi vậy, bắt bớ đạo là bắt bớ chính Đức Giêsu: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9, 3-5). Cũng thế, sống đạo là sống như Ngài, cho Ngài, với Ngài và trong Ngài. Cần xác định lại cách tổng quát về Đức Kitô và về chúng ta trước khi xét đến tính cách thực thụ về việc theo Ngài.

a. Xác định về Đức Kitô

Ngài thường định nghĩa mình bằng các hình ảnh cụ thể: Tôi là Cửa (x. Ga 10, 7); là Mục tử (x. 10, 11); là Ánh Sáng (x. 12, 46). Tôi là Đường (x. 14, 6); là Cây Nho (x. 15, 1); là Bánh (x. 6, 51); là Sự Thật (x. 14, 6) và là Sự Sống (x. 14, 6).

Định nghĩa nào cũng gắn chặt Ngài với con người: Cửa để chiên ra vào; Mục tử để chiên được sống; Ánh Sáng để ta bước đi; Đường để ta đến với Thiên Chúa Cha; Cây Nho để các cành sinh trái; Bánh để nuôi nhân loại; Sự Thật để con người nhận biết và được giải thoát; Sự Sống để cho ta được sống mãi.

Những hình ảnh trên không chỉ là biểu tượng phác họa về chân dung của Đức Kitô, nhưng còn là chính thực tại của Ngài trong mỗi cuộc sống của con người nhân loại chúng ta. Thực vậy, Đức Kitô làm người là vì con người và cho con người. Ngài đến với con người là để sống với con người và hoạt động trong từng con người, để họ đạt đến tầm mức viên mãn của sự sống là khát vọng thâm sâu nhất của mọi người. Với tính cách đó, Ngài là Chúa, là Thầy, là Bạn, là Anh Trưởng của mọi người chúng ta.

b. Xác định về chúng ta

Tự bản chất Kitô hữu là người đi theo Đức Giêsu: “Thầy đi đâu, con sẽ theo Thầy đi đó.” (Lc 9, 57). Đã mang danh Kitô hữu có nghĩa là người vác thập giá theo sau Đấng vác thập giá, và như vậy, thân phận của môn đệ gắn liền với thân phận của Thầy mình (x. 2Tm 2, 11). Chính vì quên mất vị trí đi sau của người môn đệ mà Phêrô đã toan cản lối Thầy mình, và Chúa Giêsu đã đáp lại ông cách hết sức gay gắt: “Satan, lui lại đàng sau Thầy.” (Mt 16, 21-23).

Để cắt đi mọi ngộ nhận, Chúa Giêsu quả quyết rằng, đối với ai muốn làm môn đệ, chẳng có con đường nào khác ngoài con đường thập giá mà Ngài đã đi trước (x. Mt 16, 24). Điều đó được khẳng định chính vì vậy mà mầu nhiệm Vượt Qua nằm ở trung tâm đời sống Kitô hữu:

- Vượt qua lớn nhất là vượt qua chính mình mỗi ngày.

- Từ bỏ chính mình là để có thể sống cho tha nhân.

- Mất mạng sống mình là để tín trung với Chúa.

Trên đường theo Chúa như vậy, tôi sẽ là tôi hơn, khi tôi ra khỏi tôi, và tôi sẽ hoàn toàn là tôi khi tôi hoàn toàn thuộc trọn về Ngài.

c. Tính cách thực thụ của người môn đệ

Chúa phán với Simon và Anrê, với Giacôbê và Gioan, với Mattheô: “Hãy theo Ta”. Lời Ngài đầy uy quyền khiến họ gắn bó với Ngài (x. Mc 1, 17-20). Trở thành môn đệ Đức Giêsu, dần dần họ được dẫn vào sự bí ẩn của sứ mạng Ngài và mầu nhiệm về bản thân Ngài. Quả thế, theo Đức Giêsu không phải là bám vào một giáo thuyết, luật lệ, luân lý và tinh thần, nhưng là chia sẻ số phận của Ngài.

Nhưng “Chúng con đã bỏ tất cả để theo Thầy, chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27). Để được gì, trước hết họ phải chia sẻ các thử thách và khổ nạn của Ngài. Khi đòi hỏi các môn đệ Ngài một hy sinh như thế, Đức Giêsu tự mạc khải Ngài là Thiên Chúa, và cho thấy Thiên Chúa đòi hỏi tới mức độ nào. Khi Đức Giêsu đã mở đường bằng sự chết và sống lại của Ngài, lúc đó người môn đệ mới thấy được mức độ cuối cùng mà mình phải theo Ngài (x. Ga 21, 18-19).

Đối với Phaolô, theo Đức Kitô tức là sống phù hợp với Ngài trong mầu nhiệm chết và sống lại. Sự phù hợp này do Thiên Chúa tiền định cho chúng ta từ đời đời (x. Rm 8, 29), khai mào bằng phép Rửa (x. Rm 6, 3tt), và phải đào sâu bằng sự bắt chước (x. 1Cor 11, 1), bằng tự nguyện thông hiệp vào đau khổ. Chính trong đau khổ đó mà quyền lực phục sinh được tỏ hiện (x. 2Cor 4, 10; 13, 14; Pl 3, 10).

Đối với Gioan, theo Đức Kitô tức là trao cho Ngài niềm tin: một niềm tin trọn vẹn, chỉ đặt nền tảng trên Lời Ngài chứ không trên các dấu chỉ bên ngoài (x. Ga 4, 42). Phải là một niềm tin có sức vượt thắng các khôn ngoan do dự của nhân loại (x. Ga 6, 2. 66-69), dưới sự hướng dẫn của Ngài (x. Ga 18, 12), là vị mục tử độc nhất của đoàn chiên duy nhất (x. Ga 10, 1-16).

Chấp nhận theo Ngài là dám rời bỏ mọi an toàn, ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2, 11), là chấp nhận một tương lai bấp bênh để đi “bất cứ nơi nào Ngài đi” (Kh 14, 4), và cuối cùng theo chân Ngài “vào tận bên trong bức màn nơi Đức Giêsu Đấng tiền phong đã vào.” (Dt 6, 20). Lúc đó lời hứa ân phúc của Đức Giêsu cho những ai theo Ngài được thực hiện một cách viên mãn: “Ta ở đâu, kẻ theo Ta cũng ở đó.” (Ga 12, 26).

3. Theo Đức Kitô là chia sẻ sứ mạng của Ngài

Theo Đức Kitô là chia sẻ với Ngài cùng một sứ mạng, là thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài trong công việc cứu độ toàn thế giới. Theo Ngài là để loan báo nước Thiên Chúa. “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cor 9, 16). Đó là một công việc khẩn trương và quan trọng, một giá trị vượt trên mọi giá trị (x. Lc 9, 59-62). Theo Đức Kitô là trưởng tử, công việc của ta là thi hành ý Cha trong mọi hoạt động của mình để hướng mọi người mọi việc tới cùng đích của mình là chính Thiên Chúa. Sứ mạng đó đòi hỏi ta gắn bó và kết hiệp với Chúa Giêsu, sống như Ngài sống để trở nên chính sứ điệp mà chúng ta loan báo, trong sự hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài.

a. Gắn bó và kết hiệp

Điều cực kỳ quan trọng cần lưu ý đối với người theo Đức Kitô là luôn biết nhìn ngắm con người Ngài và từng bước đi của Ngài trong cuộc đời mình, đồng thời biết lắng nghe tiếng Chúa trong mọi lúc qua cầu nguyện, qua tha nhân, qua mọi hoàn cảnh, biến cố và dấu chỉ của thời đại, để phân biệt đâu là ý Chúa, đâu là háo hức riêng của mình; đâu là những soi dẫn của Chúa Thánh Thần, đâu là những xúi giục của thần dữ. Thiếu nhìn ngắm Chúa và lắng nghe tiếng Ngài, ta sẽ lệch hướng và gây nên những hỗn loạn trên con đường bước theo.

b. Sống như Ngài sống

Theo Đức Kitô không chỉ có nghĩa là gắn bó với Ngài trong mọi hoạt động, nhưng còn là sống như Ngài đã sống: bằng con tim và khối óc của Ngài, bằng cái nhìn và toàn thể tính cách của Ngài. Mà muốn sống được như vậy thì trước tiên phải ý thức điều mà Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.” (Ga 14, 20).

Từ ngữ “ở trong” mời gọi ta kết hiệp làm một với Ngài: một sự sống, một tình yêu, một tinh thần, một ý chí và hành động. Ở trong Ngài (chi thể của nhiệm thể Đức Kitô): chúng ta là óc để suy tư; là mắt để nhìn thực tại trần thế; là tai để nghe tiếng rên rỉ, đòi hỏi; là vai để gánh vác; là tay để cứu vớt; là chân để đi đến với người khổ đau; là quả tim để khắc khoải yêu thương; và là miệng để nói những lời bác ái ủi an. (ĐHV 341).

c. Trở nên sứ điệp

Trên đường theo Đức Kitô để thi hành sứ mạng, chúng ta loan báo một sứ điệp. Sứ điệp không phải chỉ là lời loan báo trên môi miệng, nhưng trước tiên nơi bản thân chúng ta phải là một sứ điệp. Khi ta chỉ cho tha nhân con đường thánh thiện, tha nhân không nhìn vào hướng ngón tay chúng ta chỉ, mà nhìn vào cách thức chúng ta sống. Đây mới là nhu cầu khẩn thiết nhất của ngày nay: không phải là chương trình tốt hơn, không phải là vốn liếng trang bị về khả năng và kiến thức tốt hơn, cũng không phải những kỹ thuật hoán cải tốt hơn, nhưng chính là con người tốt hơn. Chính qua chúng ta mà người khác phải thấy được Đức Kitô đang biểu hiện tình yêu, quyền năng, và ân sủng của Ngài.

d. Tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa

Trên đường bước theo Chúa để thể hiện sứ mạng, chúng ta hướng mọi người đến tình yêu thương hiệp nhất trong Ngài, không phải lúc nào cũng thành công, nhưng luôn xen lẫn những thất bại. Thất bại vì yếu đuối lỗi lầm, thất bại vì tiếng nói chân lý dễ bị trù dập, thất bại vì Thiên Chúa muốn thế trong ý định mầu nhiệm của Ngài. Chúa Giêsu cũng đã từng lãnh nhận nhiều thất bại trong sứ mạng của Ngài, và cái chết nhục hình là thất bại cuối cùng trước mắt người đời, nhưng lại thành công theo chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Nhiều khi chúng ta cần thất bại để Chúa được vinh quang, vì vinh quang của Ngài là sự sống sung mãn của chúng ta. Nữ Thánh Jean D’arc là vị nữ tướng đã tận lực phục vụ cho quê hương đồng bào của mình, nhưng rồi cuối cùng cũng đã thất bại ê chề, mọi người đều bỏ Chị khi quân thù xông tới. Trong giây phút cuối cùng Chị đã thốt lên : “Giêsu, chỉ còn lại một mình Ngài, và con cũng chỉ cần có một mình Ngài mà thôi”. Từ đó chúng ta hiểu rằng, thành công hay thất bại trong đời sống cũng như trong mọi hoạt động tông đồ thuộc về Chúa chứ không thuộc về chúng ta. Chúng ta chỉ biết bước theo Ngài trong mọi lúc cho tới hy tế cuối cùng trên đồi Canvê, là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu, để được hòa nhập vào của lễ toàn thiêu là chính Ngài mà dâng hiến lên Cha để phát sinh một sự sống mới cho mình và tha nhân.

Từ bỏ chính mình, vác thập giá, theo Thầy, là những thành phần bức thiết làm nên cuộc sống người môn đệ chân chính. Đó là huyền nhiệm đời sống đạo mà chỉ những ai say mến Đức Kitô mới hiểu được trên con đường theo Ngài. Cần phá vỡ những tầng lớp đang vây kín tâm hồn ta để đón nhận ánh sáng soi chiếu của Đức Kitô, là Đấng yêu thương đang khao khát hoàn thành cuộc đời ta trong Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đòi hỏi con gắt gao vì tình yêu Chúa dành cho con thì vô biên.

Chúa muốn con từ bỏ tất cả vì sự nghiệp Chúa dành cho con thì vô song.

Chúa muốn con vác thập giá khổ hình vì vinh quang Chúa dành cho con thì vô tận.

Chúa muốn con đi theo một mình Chúa vì sự sống Chúa dành cho con thì vô cùng.

Lạy Chúa là Đấng vô lượng, vô biên, xin cho con biết theo Chúa vô điều kiện, vì thâm tín rằng cuộc đời con chẳng có gì khác ngoài một mình Chúa là Đấng vô thủy vô chung, đang dành cho con hạnh phúc vô vàn. Amen.
Lm. Thái Nguyên