PDA

View Full Version : Thông Điệp Spe Salvi - Phần Giới Thiệu



Dan Lee
12-03-2007, 11:57 PM
Thông Điệp Spe Salvi - Phần Giới Thiệu


THÔNG ĐIỆP SPE SALVI CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐÍCTÔ XVI GỞI CÁC ĐỨC GIÁM MỤC CÁC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ CÁC NAM NỮ TU SĨ VÀ TẤT CẢ ANH CHỊ EM TÍN HỮU VỀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO

Nhập Đề

1. “SPE SALVI facti sumus ” —chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng, Thánh Phaolô đã nói như thế với dân chúng thành Rôma, cũng như với chúng ta (Rom 8:24). Theo niềm tin Kitô, “ơn cứu chuộc” – hay ơn cứu độ - không chỉ đơn giản là một điều được trao ban. Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng – một niềm hy vọng đáng tin cậy, qua đó chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng ta: thực tại mà cho dù là cam go đi nữa cũng có thể sống được và chấp nhận được nếu nó dẫn đến một mục đích, nếu chúng ta có thể được bảo đảm về mục đích này, và nếu mục đích này cao cả đến mức biện minh được cho nỗ lực của cuộc hành trình. Giờ đây, một câu hỏi được đặt ra là: niềm hy vọng nào có thể biện minh được cho khẳng định là, trên cơ sở của niềm hy vọng đó và chỉ vì niềm hy vọng đó tồn tại, mà chúng ta được cứu chuộc? Và ở đây mức độ chắc chắn là bao nhiêu?

Đức Tin là Hy Vọng

2. Trước khi hướng đến những câu hỏi thời sự này, chúng ta cần lắng nghe gần hơn một chút với chứng tá của Thánh Kinh về hy vọng. “Hy vọng”, thực ra, là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ “đức tin” và “hy vọng” dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Vì thế Thư Do Thái liên kết chặt chẽ “sự viên mãn của đức tin” (10:22) với “sự tuyên xưng cách quả quyết niềm hy vọng của chúng ta” (10:23). Cũng thế, trong thư Thứ Nhất khi Thánh Phêrô khích lệ các Kitô hữu hãy luôn luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến logos – ý nghĩa và lý do –cho niềm hy vọng của họ (x. 3:15), từ “hy vọng” là tương đương với “đức tin”. Chúng ta thấy sự hiểu biết chính mình của các tín hữu Kitô sơ khai đã được hình thành mạnh mẽ đến mức nào khi họ nhận được hồng ân của một niềm hy vọng đáng tin cậy, khi chúng ta so sánh cuộc sống Kitô với cuộc sống trước khi có đức tin, hay với tình trạng của các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Thánh Phaolô nhắc nhở dân thành Êphêsô rằng trưóc khi gặp gỡ Chúa Kitô họ sống “không hy vọng và không có Thiên Chúa trên đời” (Eph 2:12). Dĩ nhiên, thánh nhân biết rõ họ đã từng có những thần minh, ngài biết là họ đã từng có tín ngưỡng, nhưng những thần minh của họ đã cho thấy là đáng ngờ vực, và chẳng có tia hy vọng nào loé lên từ những huyền thoại đối kháng nhau.

Dù có bao nhiêu thần minh đi nữa, họ sống “không có Thiên Chúa” và hệ quả là họ thấy mình sống trong một thế giới tối tăm, đối diện với tương lai mịt mù. Một điếu văn trong thời kỳ này có đoạn viết: In nihil ab nihilo quam cito recidimus (Chúng ta nhanh chóng rơi từ hư vô này đến hư vô khác) 1. Trong câu này, chúng ta thấy những khía cạnh bất định mà Thánh Phaolô đã chỉ ra. Cũng thế, ngài nói với dân thành Thêsalônia: anh em “đừng buồn sầu như những kẻ không có niềm hy vọng” (1 Th 4:13). Ở đây chúng ta thấy một dấu chỉ nổi bật của những tín hữu Kitô: họ có tương lai, không phải là họ biết tường tận những chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, nhưng họ biết cách tổng quát là cuộc sống của họ không kết thúc trong hư không. Khi tương lai được bảo đảm như một thực tại tích cực thì lúc đó hiện tại trở nên có thể sống được. Vì thế giờ đây chúng ta có thể nói rằng: Kitô Giáo không chỉ là một “tin mừng” – theo nghĩa là một thông điệp về một điều chưa từng được biết. Trong ngôn ngữ thời nay, chúng ta có thể nói: thông điệp Kitô Giáo không chỉ là “thông tin” (“informative”) nhưng còn là “tác động” (“performative”). Nghĩa là: Tin Mừng không chỉ là một thông truyền về những sự việc có thể thông biết – nhưng là một điều khiến các sự kiện xảy ra và thay đổi cuộc sống. Cánh cửa mịt mù tăm tối của thời gian, của tương lai, đã được mở toang. Ai có niềm hy vọng thì sống khác biệt hẳn; người có niềm hy vọng đã được ban cho cho hồng ân một cuộc sống mới.

Nhưng ở đây lại nảy sinh một câu hỏi khác: niềm hy vọng này chứa đựng điều gì khi được coi là niềm hy vọng “cứu chuộc”? Cốt lõi của câu trả lời được chỉ ra trong một câu từ Thư gởi các tín hữu thành Êphêsô được trích dẫn bên trên: các tín hữu thành Êphêsô trước khi gặp gỡ Chúa Kitô đã sống không có niềm hy vọng vì họ sống “không có Chúa trong đời”. Nhận biết Thiên Chúa - Thiên Chúa thật – nghĩa là nhận lấy hy vọng. Chúng ta, những người đã từng luôn sống với khái niệm Kitô Giáo về Thiên Chúa, và đã trở nên quen thuộc với khái niệm này, dường như đã ngừng chú ý rằng chúng ta mang trong mình một niềm hy vọng nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với vị Thiên Chúa này. Gương của một vị thánh trong thời đại chúng ta ở một mức độ nào đó có thể giúp hiểu được ý nghĩa của cuộc gặp gỡ thực sự lần đầu tiên với vị Thiên Chúa này. Tôi nghĩ đến thánh nữ Josephine Bakhita người Phi Châu, đã được tôn phong hiển thánh bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài sinh tại Darfur bên Sudan khoảng 1869 – chính ngài không biết ngày sinh chính xác của mình là ngày nào. Khi lên 9, ngài bị bắt cóc bởi những kẻ buôn bán nô lệ, bị đánh đập đổ máu, và bị bán đi bán lại đến 5 lần trong các chợ buôn nô lệ tại Sudan. Cuối cùng, ngài sống như nô lệ trong nhà thân mẫu và phu nhân của một vị tướng, và ở đó hàng ngày ngài bị đánh đập toé máu; và hệ quả là ngài mang trong người 144 vết thẹo trong suốt cuộc đời. Cuối cùng, năm 1882, một thương gia người Ý đã mua ngài cho viên lãnh sự Ý Callisto Legnani, người đã trở về Italia khi quân Mahdists nổi dậy. Ở đó, sau “những ông chủ” đáng sợ, những người đã làm chủ ngài cho đến lúc đó, Bakhita đã biết đến một “tôn chủ” hoàn toàn khác hẳn, một tôn chủ trong phương ngữ Vênêtia mà ngài đang học, ngài đã dùng từ “Paron” để nói về Thiên Chúa hằng sống, về Thiên Chúa Giêsu Kitô. Cho đến khi đó, ngài chỉ biết đến những ông chủ khinh miệt và đối xử tàn tệ với ngài, hay cùng lắm là coi ngài như một con nô lệ hữu dụng. Tuy nhiên, giờ đây, ngài nghe nói đến một “Paron” vượt lên mọi ông chủ, Chúa của các chúa, và vị Thiên Chúa đó thiện hảo, sự thiện hảo tự trong bản tính. Ngài nhận ra rằng Thiên Chúa thậm chí còn biết đến ngài, và Người đã tạo ra ngài, và yêu thương ngài thật sự. Bakhita cũng đã được yêu thương, không phải bởi ai khác hơn là vị “Paron” tối cao này, Đấng mà trước mặt Người mọi thứ ông chủ khác, chính họ, không hơn gì những tôi tớ thấp hèn. Bakhita thấy mình được biết đến, được yêu thương và được chờ đón. Hơn thế nữa, chính vị tôn chủ này đã chấp nhận số phận bị đánh đòn và giờ đây Ngài đang chờ Bakhita ở “bên hữu Chúa Cha”. Giờ đây Bakhita có “hy vọng” – không phải cái hy vọng khiêm nhường là tìm được một ông chủ ít tàn nhẫn nhất nhưng là một niềm hy vọng lớn lao: “Tôi nhất định được yêu thương và dù điều gì xảy đến cho tôi – tôi vẫn đang được chờ đón bởi Tình Yêu này. Và vì thế đời tôi thật là đẹp”. Nhờ nhận biết niềm hy vọng này, ngài được “giải thoát”, không còn là một nô lệ nữa nhưng là một con cái tự do của Thiên Chúa. Bakhita hiểu được điều mà Thánh Phaolô đã nhắc nhở dân thành Êphêsô là trước đây họ sống vô vọng và không có Thiên Chúa trong đời – không có hy vọng vì không có Thiên Chúa. Thành thử, khi sắp được đưa trở lại Sudan, Bakhita đã từ khước; ngài không muốn bị tách biệt lần nữa khỏi “Paron” của ngài. Ngày 9 tháng Giêng năm 1890, ngài được rửa tội, được chịu phép thêm sức và được rước Mình Thánh Chúa lần đầu từ tay vị Thượng Phụ thành Venice. Ngày 8 tháng Mười Hai năm 1896, tại Verona, ngài được tuyên khấn trong Cộng Đoàn các Nữ Tu dòng Canossia và từ đó bên cạnh công việc trong phòng thánh và trong nhà trực cửa tại tu viện, ngài đã thực hiện nhiều chuyến du hành vòng quanh Italia nhằm đề cao việc truyền giáo: Ngài thấy rằng ơn giải thoát mà ngài đã nhận được qua sự gặp gỡ với Chúa Kitô cần phải được mở rộng, cần phải được trao cho những người khác, đông hết sức có thể. Niềm hy vọng đã hạ sinh trong ngài, đã “giải thoát” ngài, không thể chỉ giữ cho riêng mình; niềm hy vọng đó phải được lan tỏa đến nhiều người, đến mọi người.
J.B. Đặng Minh An dịch