PDA

View Full Version : Thông Điệp Spe Salvi: Khái niệm về niềm hy vọng trên cơ sở đức tin trong Tân Ước và trong



Dan Lee
12-04-2007, 12:00 AM
Thông Điệp Spe Salvi: Khái niệm về niềm hy vọng trên cơ sở đức tin trong Tân Ước và trong Giáo Hội sơ khai


Khái niệm về niềm hy vọng trên cơ sở đức tin trong Tân Ước và trong Giáo Hội sơ khai

4. Chúng ta đã nêu lên câu hỏi là liệu cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa - Đấng mà nơi Chúa Kitô đã tỏ lộ cho chúng ta thấy thiên nhan của Ngài, và mở lòng Ngài ra cho chúng ta - có thể không chỉ là “thông tin” mà còn là “tác động” – nghĩa là cuộc gặp gỡ đó liệu có thay đổi cuộc đời chúng ta để chúng ta nhận ra là chúng ta đã được giải thoát qua niềm hy vọng thể hiện nơi cuộc gặp gỡ này. Trước khi cố gắng trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy trở lại lần nữa với Giáo Hội sơ khai. Không khó để nhận ra rằng kinh nghiệm của thiếu nữ nô lệ Phi Châu Bakhita cũng là kinh nghiệm trong thời kỳ hình thành Kitô Giáo của nhiều người, những người đã bị đánh đập và bị kết án làm nô lệ. Kitô Giáo không mang lại một sứ điệp cách mạng xã hội kiểu như cuộc cách mạng bất hạnh của Spartacus, người mà cuộc tranh đấu đã dẫn đến đổ máu nhiều hơn nữa. Chúa Giêsu không phải là Spartacus, Ngài không dấn thân trong trong một cuộc chiến giải phóng chính trị như Barabbas hay Bar- Kochba. Chúa Giêsu, chính Ngài, đã chịu chết trên Thánh Giá, mang lại cho chúng ta những gì hoàn toàn khác: một cuộc gặp gỡ với Chúa của các chúa, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, và qua đó với một niềm hy vọng còn mạnh hơn những cơ cực của kiếp nô lệ, một niềm hy vọng do đó thay đổi cuộc sống và thế giới tự bản chất bên trong. Cái mới ở đây có thể được nhìn thấy với một sự minh bạch nhất trong Thư gởi Philêmôn của Thánh Phaolô. Đây là một lá thư rất riêng tư, mà Thánh Phaolô đã viết từ trong tù và được trao cho người nô lệ chạy trốn Ônêsimô để trao cho chủ là Philêmôn. Thật thế, Thánh Phaolô đã gởi người nô lệ này lại cho ông chủ mà anh ta đã bỏ trốn “Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích.. tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi… Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến..” (Plm 1:10-16). Những ai xét về vị thế dân sự mà nói dù là tôn chủ hay nô lệ đều trở nên anh chị em với nhau vì họ đều là thành viên của một Giáo Hội duy nhất – đó chính là cách thế những Kitô hữu đối xử với nhau. Qua phép Rửa Tội họ được tái sinh, họ được uống cùng một Thần Khí và cùng nhau lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Cho dù cấu trúc bên ngoài vẫn giữ nguyên, điều này thay đổi xã hội trần thế từ bên trong. Khi Thư gởi các tín hữu Do Thái nói rằng những Kitô hữu trên trần gian này không có một quê hương vĩnh cửu, nhưng tìm kiếm một quê hương trong tương lai (x Dt 11:13-16; Phil 3:20), thì điều này không có nghĩa là họ chỉ sống cho tương lai: người Kitô hữu xem xã hội hiện tại như một nơi tha hương; họ thuộc về một xã hội mới là mục đích của cuộc lữ hành trần thế và là điều luôn được trông mong trong suốt cuộc lữ hành này.

5. Chúng ta cần thêm vào một nhận định nữa. Thư Thứ Nhất gởi các tín hữu thành Côrintô (1:18-31) nói với chúng ta rằng đa số các tín hữu Kitô tiên khởi thuộc về tầng lớp xã hội thấp, và chính vì thế họ sẵn sàng đón nhận niềm hy vọng mới, như chúng ta thấy trong trường hợp của thánh nữ Bakhita. Nhưng ngay từ buổi đầu cũng đã có nhiều cuộc cải đạo trông hàng quý tộc và giới trí thức, vì chính họ cũng đang sống “vô vọng và không có Chúa trong đời”. Huyền thoại đã mất đi tính khả tín của nó; tôn giáo của Đế Chế La Mã đã suy thoái thành một thứ nghi lễ đơn thuần được cử hành thận trọng nhưng không gì khác hơn là một “tôn giáo chính trị”. Triết học duy lý đã giới hạn những thần minh bên trong phạm trù của những gì không thực. Thần thánh có thể thấy được trong những cách thế khác nhau nơi những lực của vũ trụ, nhưng một Thiên Chúa mà người ta có thể cầu nguyện với Ngài thì không hiện hữu. Thánh Phaolô đã minh họa khá chính xác vấn nạn then chốt của tôn giáo trong thời kỳ này khi ngài tương phản cuộc sống “theo Chúa Kitô” với cuộc sống dưới sự khống chế của “thế lực vũ trụ” (Cl 2:8). Về phương diện này, một đoạn văn của Thánh Grêgôriô thành Nazianzen có thể giúp soi sáng. Ngài nói rằng chính khi Ba Nhà Đạo Sĩ, được hướng dẫn bởi vì sao, thờ lạy Chúa Kitô vị Tân Vương, thì khoa chiêm tinh đã đến hồi kết thúc, vì các vì sao giờ đây di chuyển trong một quỹ đạo được xác định bởi Chúa Kitô.2 Cảnh tượng này thực ra lật ngược thế giới quan của thời đó, một thế giới quan trong một cách thế khác đã trở nên thịnh hành một lần nữa trong thời đại hôm nay. Không phải những lực lượng trong vũ trụ, những luật vật chất, chi phối tối hậu thế giới và nhân loại, nhưng chính Thiên Chúa cai quản các vì sao, nghĩa là vũ trụ; không phải những định luật về vật chất và tiến hóa có tiếng nói sau cùng nhưng là lý trí, ý chí, tình yêu – một Ngôi Vị. Và chúng ta biết Ngôi Vị này, và Ngài cũng biết đến chúng ta, thành ra thực sự là thế lực mù quáng của các yếu tố vật chất không còn tiếng nói sau cùng; chúng ta không phải là những nô lệ của vũ trụ và các định luật của nó, chúng ta là những người tự do. Trong những thời cổ đại, sự suy xét lý trí cách thành thực nhận ra điều này. Thiên đàng không phải là hư vô. Đời sống không chỉ là hệ quả của những định luật và sự ngẫu nhiên, nhưng bên trong mọi thứ và cùng lúc vượt lên mọi thứ là một ý chí, một Thần Khí mà qua Đức Giêsu đã tỏ lộ chính Ngài cho chúng ta như một Tình Yêu.3

6. Những mộ đá thời Kitô giáo tiên khởi đã minh họa ý niệm này một cách hữu hình – trong bối cảnh của cái chết, khi phải đối diện với câu hỏi không thể nào né tránh được liên quan tới ý nghĩa cuộc sống. Hình ảnh Đức Kitô được diễn giải trên các mộ đá gồm hai hình ảnh chính: đó là hình ảnh triết gia và hình ảnh người chăn chiên. Triết học vào thời kì đó thường không được coi là một ngành học bài bản khó hiểu, như ta thấy ngày nay. Trái lại, triết gia là người biết cách dậy nghệ thuật thiết yếu này: là thuật làm người một cách chính danh – nghệ thuật sống và chết. Chắc chắn là từ lâu người ta đã nhận ra là có nhiều người đi đây đó khoác vào mình bộ áo triết gia, hoặc giả làm thầy dậy đời, nhưng thực chất chỉ là những kẻ lừa đảo, kiếm tiền bằng môi miệng với lời nói phỉnh lừa, trong khi không có gì để nói về cuộc sống thật. Thành ra, vị triết gia chân chính, người chỉ ra được nẻo đường sự sống, thì mãi mãi vẫn luôn được tôn kính và được người đời tìm đến. Cho tới tận cuối thế kỉ thứ III, trên mộ phần của một em bé ở Rôma, lần đầu tiên chúng ta tìm được, dưới nhãn kiến sự sống lại của Lazarô, hình ảnh Đức Kitô như là triết gia chân thật, một tay Ngài cầm cuốn Phúc Âm, tay khác cầm gậy lữ hành của triết gia. Với chiếc gậy của mình, Ngài đã chiến thắng sự chết; sách Phúc Âm mang lại chân lý mà các nhà triết gia trước đó đã đi tìm kiếm trong vô vọng. Nơi hình ảnh này, hình ảnh đã trở thành một nét chung trong nghệ thuật bia mộ trong một thời gian dài, chúng ta thấy rõ điều mà cả người học thức lẫn người bình dân đều có thể tìm thấy nơi Đức Kitô: Người nói cho chúng ta biết con người thực sự là ai và con người phải làm gì để trở thành nhân bản thực sự. Người chỉ cho chúng con đường, và con đường này là sự thật. Chính Người vừa là Đường và là Sự Thật, và vì thế Người cũng là Sự Sống mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm. Người cũng chỉ cho chúng ta con đường sau cái chết; chỉ có ai làm được điều này mới là thầy dậy thật của sự sống. Điều này cũng trở nên tỏ tường nơi hình ảnh người chăn chiên. Cũng như hình ảnh triết gia, qua hình ảnh người chăn chiên, Giáo Hội sơ khai đã có thể nói lên căn tính của mình với những kiểu mẫu nghệ thuật La Mã hiện hành. Ở đó, người chăn chiên thường được coi là một diễn đạt chung về ước mơ một cuộc sống thanh bình và đơn sơ, mà thị dân của những thành thị lớn luôn ngưỡng vọng đến giữa những băn khoăn của cuộc sống. Giờ đây, hình ảnh đó được đọc lên như một phần của một bối cảnh mới, mang đến cho nó một ý niệm sâu xa hơn: “Chúa là Đấng Chăn Chiên của tôi: tôi không thiếu gì... dù tôi bước qua thung lũng tối tăm sự chết, tôi không sợ sự dữ nào, bởi vì Chúa ở cùng tôi... ” (Tv 23 [22]:1, 4). Người chăn chiên thực là người biết cả đến những nẽo đường băng qua thung lũng sự chết; người mà bước đi với tôi dẫu là nẻo đường cuối cùng của hiu quạnh, nơi mà không ai có thể bước với tôi, hướng đạo cho tôi đi qua: thì chính người đã bước qua nẻo đường đó, người đã xuống tận cõi chết, đã chiến thắng sự chết, và giờ đây đã trở về để dẫn đưa chúng ta và cho chúng ta niềm xác tín rằng, cùng với người, chúng ta tìm ra một con đường đi qua được. Sự nhận thức rằng còn có Một Đấng dù trong sự chết vẫn bước theo tôi, và với “cây roi và cây trượng của Người an ủi phấn chấn tôi, do đó “tôi không còn sợ chi” (cf. Tv 23 [22]:4) — Đó chính là “hy vọng” mới đã phát sinh trên cuộc sống của các tín hữu.

7. Chúng ta cần phải quay lại Tân Ước một lần nữa. Trong chương 11 của Thư Do Thái (câu 1) chúng ta tìm thấy một dạng định nghĩa về đức tin trong đó liên kết chặt chẽ nhân đức này với đức cậy. Từ thời Phục Hưng đã có những tranh cãi giữa những nhà chú giải Thánh Kinh trên từ trọng tâm của câu này, nhưng ngày nay một cách thế hướng đến sự diễn dịch chung dường như đang khơi gợi lại vấn đề một lần nữa. Tạm thời tôi sẽ giữ nguyên không dịch từ trọng tâm này. Thành ra câu đó sẽ được đọc như sau: “Đức tin là hypostasis cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Đối với các Nghị Phụ và các nhà thần học thời Trung Cổ, từ Hy Lạp hypostasis đã được giữ lại trong tiếng La Tinh bằng thuật ngữ substantia. Thành ra, bản dịch La Tinh của đoạn văn vào thời Giáo Hội sơ khai được đọc là: Est autem fides sperandarum substantia rerum, argumentum non apparentium “Đức tin là chất liệu cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Thánh Tôma Aquinas, 4 khi dùng thuật ngữ này của triết học truyền thống mà ngài thuộc về, giải thích điều đó như sau: đức tin là một habitus, nghĩa là, một xu hướng ổn định tinh thần, qua đó cuộc sống vĩnh cửu đâm rễ trong chúng ta và lý trí được dẫn dắt đến chỗ tán thành điều nó không thấy được. Khái niệm “chất liệu” do đó được thay đổi theo nghĩa là qua đức tin, lúc còn ngập ngừng, hay ta có thể nói là khi “còn trong trứng nước” - và vì thế phụ thuộc vào “chất liệu” – đã hiện diện trong ta những điều chúng ta hy vọng: đó là cuộc sống tổng thể, và chân thật. Và vì chính điều này đã hiện diện, sự hiện hữu của điều được chờ mong cũng tạo ta sự chắc chắn: “điều” chắc chắn sẽ xảy đến này tuy chưa hữu hình với thế giới bên ngoài (nó không “xuất hiện”), nhưng vì sự kiện là chúng ta mang nó bên trong ta như một thực tại sơ khởi và năng động, một cảm nhận nào đó về nó cũng tồn tại ngay lúc này. Đối với Luther, người đặc biệt không thích Thư Do Thái, khái niệm “chất liệu”, trong bối cảnh quan điểm về đức tin của ông ta, chẳng có nghĩa gì. Vì thế, ông ta hiểu thuật ngữ hypostasis/substance không theo nghĩa khách quan (như một thực tại hiện diện bên trong ta), nhưng theo nghĩa chủ quan, như là một thái độ nội tâm, và vì thế đương nhiên ông phải hiểu từ argumentum như một xu hướng của chủ thể. Trong thế kỷ 20, sự diễn dịch này rất thịnh hành – ít nhất là tại Đức – cả nơi những nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo, đến mức bản dịch đại kết cuốn Tân Ước bằng tiếng Đức, được các Đức Giám Mục phê chuẩn, đã dịch như sau: Glaube aber ist: Feststehen in dem, was man erhofft, berzeugtsein von dem, was man nicht sieht (Đức tin là kiên định trong những điều ta hy vọng, là tin tưởng nơi những điều ta không thấy). Điều này tự bản chất không phải là sai, nhưng đó không phải là ý nghĩa của đoạn văn, vì bản tiếng Hy Lạp dùng từ elenchos là từ không có nghĩa chủ thể của từ “tin tưởng” nhưng có một nghĩa như đối tượng của từ “bằng chứng”. Do đó, gần đây các nhà chú giải Thánh Kinh Tin Lành đã đạt đến một diễn dịch khác: “Tuy không phải là vấn đề nhưng hiểu biết cổ điển của Tin Lành là không thể chấp nhận được” 5. Đức tin không chỉ đơn thuần là một lựa chọn cá nhân hướng đến sự vật sẽ xảy đến nhưng đến nay vẫn hoàn toàn vắng bóng: đức tin đem lại cho chúng ta điều gì đó. Đức tin đem đến cho ta ngay cả lúc này đây những phần của thực tại chúng ta đang trông chờ, và thực tại này đem đến cho chúng ta một “bằng chứng” về những điều còn chưa thấy. Đức tin kéo tương lai về với hiện tại đến mức tương lai không còn đơn thuần là một điều gì đó “chưa đến”. Sự kiện là tương lai đang hiện hữu thay đổi hiện tại; hiện tại này được thực tại trong tương lai tác động đến, và vì thế những gì của tương lai tuôn trào vào những gì của hiện tại và những gì của hiện tại tuôn trào vào những gì của tương lai.

8. Lối giải thích này càng được củng cố và liên hệ với đời sống hàng ngày hơn nữa nếu chúng ta xét đến câu 34 trong Thư Do Thái, được liên kết qua từ vựng và nội dung với định nghĩa về đức-tin-chất-chứa-hy-vọng và lót đường cho định nghĩa đó. Ở đây, tác giả đề cập với các tín hữu, những người đã phải trải qua kinh nghiệm của bách hại và ngài nói với họ “anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải (hyparchonton —Vg. bonorum), bởi biết rằng mình có những của (hyparxin —Vg. substantiam) vừa quý giá hơn lại vừa bền vững”. Hyparchonta chỉ về tài sản, là điều góp phần tạo nên phương tiện nâng đỡ trên trần thế, thực ra là cơ sở, là “chất liệu” cho cuộc sống mà chúng ta phải phụ thuộc. “Chất liệu” này, nguồn bảo đảm cuộc sống bình thường, đã bị tước đi khỏi các Kitô hữu khi họ bị bắt bớ. Dù vậy, họ đã đứng vững, bởi họ xem chất liệu vật chất này nhẹ như lông hồng. Họ có thể từ bỏ nó vì họ tìm thấy một “cơ sở” tốt hơn cho sự hiện hữu của mình – một cơ sở trường tồn, mà không ai tước mất đi được. Chúng ta không thể bỏ qua sự liên kết giữa hai dạng “chất liệu”, giữa phương tiện nâng đỡ hay cơ sở vật chất và đức tin như một “cơ sở”, một “chất liệu” bền vững. Đức tin tạo cho cuộc sống một cơ sở mới, một nền tảng giúp chúng ta đứng vững, một nền tảng làm tương đối hóa cái nền tảng thông thường là sự phụ thuộc vào thu nhập vật chất. Một hình thái tự do mới nảy sinh liên quan đến nền tảng thông thường của cuộc sống, là điều dường như chỉ có thể đưa ra sự nâng đỡ, mặc dù hiển nhiên là ta không thể phủ nhận ý nghĩa thông thường của nó. Hình thái tự do mới này, sự nhận thức về “chất liệu” mới mà chúng ta đã được ban cho được diễn tả không chỉ riêng trong việc tử đạo, nơi con người chống lại cường quyền của ý thức hệ và các cơ cấu chính trị, và qua cái chết của mình, canh tân thế giới. Trên tất cả, sự tự do đó được nhìn thấy nơi những hành vi từ bỏ mình, từ các tu sĩ thời xa xưa tới Thánh Phanxicô thành Assisi và những vị trong thời đại chúng ta đã bước vào những dòng tu và những phong trào hiện đại bỏ lại sau lưng tất cả vì tình yêu dành cho Chúa Kitô, và để giúp những ai đang đau khổ trong thân xác và tâm hồn. Trong trường hợp của họ, “chất liệu” mới được chứng minh là “chất liệu” thật; từ hy vọng của những vị này, những người đã rung động vì Đức Kitô, hy vọng vươn lên cho những ai đang sống trong tăm tối và vô vọng. Trường hợp của các vị này cho thấy cuộc sống mới thực sự làm chủ và là “chất liệu” đem đến cuộc sống cho tha nhân. Với chúng ta, những người đang chiêm ngắm những hình ảnh này, cách thức hành động và sống của họ là một “bằng chứng” thực sự cho thấy những gì sẽ xảy đến, lời hứa của Chúa Kitô, không chỉ là một thực tại mà chúng ta chờ đón, nhưng là một thực tại hiện hữu: Ngài thật là một “triết gia” và một “mục tử” Đấng chỉ ra cho chúng ta sự sống là gì và có thể tìm thấy nó nơi đâu.

9. Để hiểu sâu xa hơn suy tư về hai dạng chất liệu này - hypostasis and hyparchonta - và về hai lựa chọn trong cuộc sống thể hiện nơi những thuật ngữ này, chúng ta cần tiếp tục với một suy tư ngắn về hai từ có liên quan đến cuộc tranh luận được tìm thấy nơi chương thứ Mười của Thư Do Thái. Tôi muốn đề cập đến hai chữ hypomone (10:36) và hypostole (10:39). Hypo- mone thường được dịch là “nhẫn nại” – bền đỗ, kiên định. Biết cách chờ đợi như thế nào, trong khi nhẫn nại chịu đựng thử thách, là điều cần thiết cho các tín hữu để “nhận được điều đã hứa” (10:36). Trong bối cảnh tôn giáo của Do Thái Giáo cổ, từ này được dùng để thể hiện cho lòng kỳ vọng Thiên Chúa, được coi là biểu tượng của Israel, cho sự trung tín kiên định với Thiên Chúa trên cơ sở vững tin vào Giao Ước trong một thế giới thù địch với Ngài. Vì thế từ này chỉ một hy vọng sống động, một cuộc sống dựa trên sự chắc chắn của niềm hy vọng. Trong Tân Ước, lòng kỳ vọng Thiên Chúa, thái độ vững tin nơi Thiên Chúa này, có một ý nghĩa mới: trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình. Ngài đã thông truyền cho chúng ta “chất liệu” của những gì đang đến, và vì thế lòng trông mong Thiên Chúa đạt đến một sự chắc chắn mới. Đó là lòng trông đợi những gì sẽ đến từ viễn ảnh của một hồng ân đã được trao ban. Đó là sự trông đợi- phía trước từ sự hiện diện của Chúa Kitô, với Đức Kitô, Đấng đang hiện diện, đến sự hoàn hảo của Nhiệm Thể Ngài, đến sự quang lâm chắc chắn của Ngài. Từ hypostole, ngược lại, có nghĩa là thu mình lại do thiếu can đảm nói công khai và thẳng thắn một sự thật có thể đem đến hiểm nguy. Ẩn dấu do sự khiếp sợ dẫn tới “hư vong” (Dt 10:39). Trái lại, “Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” là cách thế tuyệt đẹp mà Thư Thứ Hai gởi Timôthêô (2 Tm 1;7) đã diễn tả về thái độ căn bản của người Kitô hữu.
Lm Gioan Trần Công Nghị và J.B. Đặng Minh An dịch