PDA

View Full Version : Khát vọng Thiên Chúa



Dan Lee
12-07-2007, 05:51 PM
KHÁT VỌNG THIÊN CHÚA

Đời sống và sinh hoạt của Giáo hội làm tôi ý thức sâu sắc sự đói khát Thiên Chúa. Cơn đói này không thuộc giáo thuyết hay thần học mà là kinh nghiệm trực tiếp Thiên Chúa trong thực tại hữu thể của chúng ta. Đó là cảm nghiện của con tim, con tim tượng trưng cho chính bản chất hiện hữu con người theo quan niệm Thánh Kinh. Như thế chúng ta đang chứng kiến thực tại câu nói nổi tiếng của Karl Rahner: “Ki-tô hữu trong tương lai sẽ hoặc là nhà thần bí, hoặc không là gì cả - Tôi muốn nói đến những người có kinh ngiệm trực tiếp Thiên Chúa”.

Cảm nghiệm Thiên Chúa được nhận ra tại nơi thẳm sâu nhất của nhân vị. Chính tại tâm điểm này, chúng ta cảm nhận được sự thật cốt yếu, vốn là điều không thể tiếp nhận được từ bên ngoài hay nỗ lực của bản thân mà là quà tặng đến từ Thiên Chúa.

Sự giáp mặt Thiên Chúa là một kinh nghiệm đặc biệt vượt ra ngoài bản văn Thánh Kinh, và biểu tượng cho sự khác biệt giữa hai câu hỏi: “Dân chúng bảo tôi là ai ?” và “Bạn nghĩ tôi là ai ?” Kinh thánh cho chúng ta hay điều mà người khác nghĩ về Chúa Giêsu, và chỉ đúng con đường theo đó chúng ta có thể tìm về cội nguồn là chân lý của Thiên Chúa. Có lẽ sự so sánh loại suy sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu hơn: Khi nhìn vào một thực đơn hay sách dạy nấu ăn, chúng ta chưa thực sự thưởng thức món ăn dó. Cả hai thứ đều quan trọng và giúp chúng ta chế biến đồ ăn, thậm chí còn làm cho chúng ta chảy nước dãi. Chúng kích thích sự ngon miệng hay báo hiệu một bữa tiệc. Nhưng khi tất cả đã sẵn sàng, chúng ta phải gọi món ăn từ thực đơn hay phải chế biến theo phương pháp chỉ dẫn, rồi ăn nếu chúng ta thực sự muốn thưởng thức.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa cũng giống như thế. Chúng ta phải vượt ra ngoài văn bản Kinh thánh, để được hướng dẫn bởi cùng một Thần Khí đã linh hứng Kinh thánh, chúng ta mới có thể giáp mặt Đấng mà bản văn đề cập đến. Lý do là tất cả ngôn từ và hình ảnh đều hạn chế, nên không có khả năng tương xứng để diễn tả tròn đầy thực tại vô biên. Ở đây tôi không muốn nói rằng mọi từ ngữ, hình ảnh, dụ ngôn và các định thức đức tin đều không có ý nghĩa; trái lại đó là những tấm bản chỉ đường và là phần thiết yếu của quá trình nhận thức, cho dù không phải là thực chất. Chúng chỉ đơn giản hướng chúng ta tới chân lý không bao giờ có thể diển đạt trong vẹn bằng lời. Thánh Tôma Aquinô, về cuối đời sau khi đã kinh nghiệm Thiên Chúa hằng sống, đã thừa nhận rằng tất cả ngôn từ của người đều vô giá trị như những cọng rơm.

Hiệu quả của một kinh nghiệm như thế rất giống như sự thức tỉnh. Nhờ đó chúng ta nhìn thấy sự vật như nó là; và tại trung tâm hữu thể của mình, chúng ta có thể trả lời câu hỏi của Chúa Giê-su “Bạn nghĩ Tôi là ai ?“ Tuy nhiên, câu trả lời sẽ không bao giờ diễn tả hoàn toàn bằng ngôn từ. Cho dẫu làm hết sức mình, chúng ta vẫn bất lực vì sự không tương xứng của từ ngữ. Đó là điều mà chúng ta biết, nhưng chính xác như thế nào thì không thể trình bày. Ở đây tôi sử dụng động từ “biết” theo nghĩa hoàn hảo của nó – một sự hiểu biết xuất phát từ sự thân mật thâm vi của việc kết hợp yêu đương – chứ không phải là hiểu biết về.

Đồng thời nhận thức về Thiên Chúa, là sự tự nhận thức mình. Thánh Augustino nhắc nhở chúng ta rằng biết Chúa và biết mình gắn liền với nhau. Khi ý thức rằng Thiên Chúa và tôi không tách biệt, rằng Người không phải là đối tượng biệt lập khỏi tôi, chúng ta sẽ đồng thời nhận ra rằng: Tự bản chất mình được kết hợp với một hữu thể khác. Thomas Merton nói: Bản chất đích thực của chúng ta đối nghịch với cái tôi ảo tưởng, cái tôi gồm những đặc tính được nhận ra từ những gì tôi làm, tôi có và những gì người khác nghĩ về tôi. Nhờ khám phá sự thật về Thiên Chúa mà chúng ta nhận ra bản chất vô ngã của mình.

Danh từ chiêm niệm theoria, theo nguyên ngữ Hy lạp, có nghĩa là thấy. Vì thế, chiêm niệm là một cố gắng mở mắt ra để nhìn Chúa trong tình trạng Chúa thực sự là; chiêm niệm là nhìn mình cũng như toàn bộ vũ trụ trong tình trạng nó thực sự là. Nói khác đi, chúng ta được ban tặng khả năng chia sẽ sự thông đạt của Thiên Chúa. Bạn thử tưởng tượng cuộc sống chúng ta sẽ đổi khác đi biết bao khi điều đó xảy ra. Và sẽ có sự đổi khác trong quan hệ cá nhân khi chúng ta ý thức rằng người khác, hữu thể khác không phải là những đối tượng biệt lập khỏi mình. Có được sự hiểu biết về Thiên Chúa và chính mình như thế sẽ là chìa khóa dẫn đến tự do và làm cho chúng ta được sống dồi dào, như Chúa Giê-su đã hứa.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện của Chúa Giê-su bên bờ giếng cùng với người thiếu phụ Samaria? Chúa Giêsu nói với bà rằng Người sẽ cho bà thứ nước vọt lên từ trong lòng, là thứ nước thỏa mãn mọi cơn khát và dẫn vào đời sống vĩnh hằng. Bà trả lời đó là mong ước sâu xa nhất của bà. Đó cũng là khát vọng của mỗi người chúng ta về điều không thể đáp ứng bằng nổ lực của bản thân, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn được.

Liên tưởng đến câu chuyện nầy là trình thuật phục sinh: Trên đường tới mộ, những người phụ nữ tự hỏi ai sẽ lăn tảng đá ra giùm họ. Tôi nghĩ đây là một ẩn dụ. Bên giếng Gia-cóp tảng đá được lăn ra. Tảng đá trong lòng chúng ta cũng cần phải được lăn đi, để nước hằng sống của Đức Kitô phục sinh vọt lên. Chiêm niệm giúp chúng ta một phương thế để tảng đá nầy được lăn đi. Như cuộc phục sinh, tảng đá được lăn đi không do bàn tay con người. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là an tâm phó thác trong tình yêu và nổ lực cầu nguyện để việc chuyển dịch đó xảy ra.

Vì thế, vấn đề cấp bách là: Chúng ta không cần ai đó phải tốn thêm thì giờ để chỉ cho kẻ khác khuôn mặt Thiên Chúa, cũng như không cần ai đó phải say mê tô vẻ tỉ mỉ thêm nữa bức chân dung Người. Điều mà thế giới đang kêu gào đòi hỏi đó là những con người dành hết thời gian cho một công việc vô giá là tìm gặp Thiên Chúa trong chính con tim mình. Để rồi từ nguồn cảm hứng linh nghiệm đó, họ sẽ mời gọi và giúp kẻ khác cũng làm như thế, mà không cần phải bận tâm về những nếp nghĩ hay quan niệm khác nhau về niềm tin. Duy nhất chỉ cần họ chú tâm vào việc thực hành để tiến lên gặp gỡ Đấng mà mọi ngôn từ và tư tưởng đều đề cập đến.

(Patrick Eastman, Eat these Words, Monos No 1, 1996)
LM Phạm Quang Long