PDA

View Full Version : Chúa Giêsu của ngày hôm nay



Dan Lee
12-07-2007, 06:03 PM
Chúa Giêsu của ngày hôm nay


Hầu như ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có những tin về những hoàn cảnh éo le, dữ dằn : con người làm nhục con người, con người đối xử với nhau một cách nhẫn tâm, tàn tệ như lừa nhau, đánh nhau, giết nhau.

Gần đây nhất, các báo đưa những tin : em Bình quê Phú Thọ bị vợ chồng chủ quán phở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, bị hành hạ suốt hơn 10 năm mới được cứu thoát; bé Bông ở thành phố Hồ Chí Minh bị một người phụ nữ dội nước sôi vào người khi không nộp đủ số tiền 200 nghìn đồng mà bà ta ép em phải kiếp được hàng ngày bằng việc ăn xin. Trong Nội san SVPD số 3, bạn Văn Phạm Giáo xứ Tân Mỹ đã kể trường hợp một anh thanh niên cao lớn đẹp trai đánh đuổi thóa mạ một ông cụ ăn xin với một đứa bé gái khốn khổ. Mới đây nhất, vào ngày 4/12/2007 trong cuộc gặp gỡ quốc tế các vị hữu trách tại Vatican về vấn đề mục vụ cho những người vô gia cư, Đức Hồng Y Martino đã coi những con người bị bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ đó chính là « ‘hình ảnh của Chúa Giêsu’ khát khao nhân phẩm » (« une icône du Christ assoiffée de dignité »). Họ là « hình ảnh của Chúa Kitô đang soi bóng trên thế giới, trên Giáo Hội và trên xã hội » (une icône du Christ qui projette son ombre sur le monde, sur l'Eglise et sur la société »). Những con người bị đối xử tàn tệ đó không những bị xúc phạm về thân thể, nhưng điều quan trọng hơn là họ bị chà đạp về nhân phẩm. Tâm hồn họ bị tổn thương, những ước mơ, những ý tưởng cao thượng của họ bị giết chết, thay vào đó là những hận thù, đau xót, cay cú.

Tất cả những chuyện đó làm những ai có chút lương tri đều đau xót. Đau xót vì những con người bị hành hạ cũng là con người như chúng ta, nhưng họ không được sống, không được đối xử như một con người, cho xứng một con người. Những câu mà bạn Ái Vân xứ Văn Hải sưu tầm trong Nội San Sinh Viên Phát Diệm số 3 ngẫm mà rất đúng : « Bây giờ chúng ta có lợi tức cao hơn, nhưng quy tắc đạo đức ít hơn » « Bây giờ chúng ta có nhiều kiến thức nhưng ít lương tri »…Có nhiều bạn trẻ khi có việc gì đó cần nại đến lương tâm để ngăn chặn, để phòng tránh thì họ đã biện minh cho những hành động sai trái của mình bằng cái tặc lưỡi và nói tỉnh bơ : « Lương tâm có răng đâu mà cắn ! ». Thật vậy, xã hội chúng ta hôm nay, một mặt nào đó đang trên đà phát triển với những tiến bộ của thời đại thông tin bùng nổ, của nền kinh tế thị trường, nhưng dường như cũng đang thực sự xuống dốc về mặt đạo đức : trên đường phố Hà Nội không ít nam thanh nữ tú ăn mặc sang trọng nhưng trên miệng ăn nói những câu tục tĩu thiếu văn hóa; ở đâu đó chẳng may có người bị tai nạn nằm đó, mọi người thường xúm đông xúm đỏ lại xem mà không gọi cấp cứu hoặc tìm cách giúp đỡ; bên cạnh những biệt thự sang trọng của những người giầu có là những túp lều ổ chuột của những người vô gia cư, những người lao động vất vả. Còn rất nhiều những điều ta không thể kể ra hết, nói ra hết những chuyện đau lòng, những nghịch lý của thời đại.

Đâu là nguyên nhân của những việc đau lòng đó ? Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân có thể xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội. Một nguyên nhân mà ai cũng thấy rõ đó là xã hội ngày nay khi mà người ta chỉ chú trọng đến việc bon chen vì tiền tài, địa vị, hưởng thụ lạc thú mà không chú trọng đến giá trị tinh thần, giá trị tôn giáo để làm nên nhân cách một con người đúng nghĩa, vì con người vốn là một thực thể có tính tôn giáo, tính xã hội. Trước thực trạng xuống cấp của ngành giáo dục, người ta đang cuống cuồng tìm cách cải tổ, tìm cách nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên, nhưng một điều mà tôi thấy dường như chẳng ai tìm cách để chú trọng dạy môn giáo dục nhân bản, giáo dục để làm người cho học sinh. Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng từng dạy chúng tôi rằng trước khi làm ông nọ bà kia thì hãy học làm người. Ngày nay nhiều người chưa học làm người cho đủ đã làm thầy thiên hạ. Chưa làm người mà đã làm thầy thiên hạ thì chỉ làm hỏng làm hư thiên hạ.

Ngày nay người ta chỉ chú trọng đến phần xác mà không chú trọng đến phần hồn, chỉ tính cái được trước mắt mà không thấy cái mất từ bên trong, chỉ biết nhìn xuống đất mà không biết nhìn lên trời. Ở Hà Nội cũng như ở những thành phố lớn, người ta đang xây nhiều khu đô thị mới với những siêu thị, các shops thời trang, rạp hát, cinéma, chợ búa… nhưng tuyệt nhiên không họ không hề nghĩ tới việc xây cất chùa chiền, nhà thờ để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Đã là con người ai cũng có nhu cầu tâm linh. Chính những cái thiếu sót đó, theo tôi, đang góp phần làm cho lớp trẻ chỉ biết hưởng thụ, sống không có lý tưởng, sống ích kỷ, vô cảm trước đau khổ của người khác. Một cảnh trong tập 18 bộ phim Luật Đời đang được trình chiếu trên VTV1 vào lúc 21h15 hàng ngày làm tôi suy nghĩ : khi bà vợ ông Hòe bị anh Đại là con trai chê trách là mê tín vì tốn nhiều thời gian để cúng bái vong hồn cô Miên con dâu, bà đã nói « Cả đời mẹ đã vô thần vô thánh, đến cuối đời mẹ muốn làm thế để chuộc lại lỗi lầm ! » Bà cho rằng vì mình vô thần vô thánh cho nên gia đình bà mới trở nên lục đục, lộn xộn và gặp những tai ương.

Là sinh viên Công giáo, chúng ta phải làm gì trước những nghịch cảnh như thế ? Chúng ta nghĩ gì về những khổ đau, những bất công mà đồng loại của chúng ta đang phải chịu ? Những lời hay lẽ đẹp của chúng ta nói về sự khổ đau của họ cũng tốt, có thể đánh động lòng người khác, giúp họ hướng tới điều thiện và lẽ công bằng, nhưng dường như nó vẫn xa vời như một giải pháp để xoa dịu những nỗi đau thương của họ. Các chuyên viên mục vụ trong cuộc gặp gỡ tại Vatican tháng 12/2007 khi nói đến những người vô gia cư đã cho rằng « Chúa Giêsu Kitô hiện thân trong những người vô gia cư và mời gọi chúng ta đến với tình yêu, tình bác ái là dấu ấn đích thực của cuộc đời Ngài ». Trong cuộc gặp gỡ đó Đức Hồng Y Martino đã mời gọi các chuyên viên mục vụ « hãy trở nên những nhân chứng đích thực và những tấm gương cho các chính phủ và các cộng đồng biết nhận ra nhân phẩm của mỗi con người, biết cho đi và biết nhận lãnh tình yêu từ Thiên Chúa với đức tin sống động…Nhưng, Ngài nhấn mạnh, trước tiên hành động của chúng ta phải thấm đẫm tình yêu, một tình yêu lấy sức mạnh của mình trong cuộc gặp gỡ nhân vị với Đức Kitô ». Vậy, trước khi làm gì giúp họ ta hãy có cuộc gặp gỡ thân tình với Đức Kitô. Gương sáng và tinh thần yêu thương phục vụ của Ngài sẽ là động cơ và là sức mạnh để ta dấn thân phục vụ hòng xoa dịu phần nào nỗi đau của những người bất hạnh quanh ta. Làm cho họ điều gì tốt, dù nhỏ nhất, cũng là làm cho chính Chúa (x. Mt 25).

Chúa Giêsu của ngày hôm nay chính là họ - những người đang bị hành hạ, đang sống không xứng làm con người. Những Giêsu đau khổ có thể đang ở dưới cùng mái nhà với tôi, bên cạnh vách nhà tôi, ngoài đầu đường xó chợ hay ở những biệt thự sang trọng, ở những nơi đầy tiếng nhạc, đầy rượu và hoa. Có thể tôi đã gặp những Giêsu đó nhưng tôi không nhận ra. Có thể tôi nhận ra nhưng tôi làm thinh vì tôi còn phải sống cuộc đời của tôi, làm công việc của tôi.

Mùa Giáng Sinh đến rồi, còn biết bao Giêsu đang sống dưới chân cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, ở những Xóm Liều, sống không nhà không cửa, không manh áo rét mùa đông, không mái ấm gia đình. Ở ngay trên quê hương Phát Diệm mình cũng có mặt họ nữa. Lẽ nào mình chỉ gặp Chúa Giêsu trong những ngôi thánh đường có đèn nến lung linh mà không gặp Ngài ở những nơi đó !?

Đại Phong

Sinh Viên Công Giáo Phát Diệm
Đại Phong