PDA

View Full Version : Quần áo, một nhu cầu căn bản



Dan Lee
12-08-2007, 11:03 AM
Quần áo, một nhu cầu căn bản


Kinh Thánh thuật lại, từ khi Ông Bà Nguyên tổ Adong Evà phạm tội lỗi giới răn Thiên Chúa, lúc đó con người mới cần đến quần áo mặc để che thân xác mình cho khỏi xấu hổ.

Quần áo trở thành nhu cầu cho cuộc sống con người, nhu cầu bảo vệ sức khoẻ, nhu cầu vệ sinh, để khỏi bị gió lạnh hay bị dơ bẩn gây ra bệnh tật.

Theo dòng thời gian, tùy theo nhu cầu cùng tiến trình văn hóa, văn minh thời đại càng ngày con người càng chế biến ra nhiều kiểu thức cùng mầu sắc quấn áo khác nhau cho tiện cùng đẹp.

Quần áo trở thành không chỉ để đáp ứng nhu cầu căn bản. Nhưng đã dần trở nên kiểu cách thời trang, cùng biểu hiện đặc điểm của một dân tộc, một thời đại sinh sống, một hội đoàn, một tổ chức đạo cũng như đời trong nếp sống qua quần áo trang phục!

Trong đời sống đức tin, người tín hữu Chúa Kitô có nhu cầu quần áo gì?

Quần áo thời xa xưa làm bằng da thú vật hay lá cây bện đan lại. Nhưng ngày nay may bằng vải dệt, bằng da thuộc hay do hỗn hợp hóa học biến chế ra.

Thánh Gioan tẩy gỉa sống cách đây hơn hai nghìn năm, xuất hiện là một Tiên Tri giảng về nước Thiên Chúa, mặc áo lông lạc đà.

Quần áo ông mang mặc bằng lông thú vật, theo Phúc âm thuật lại và hình vẽ ông còn lưu lại, nói lên điều gì là nguyên thủy đậm nét chân thật cùng đơn giản.

Đặc tính đó phản ảnh nếp sống con người cùng sứ vụ Ông: người dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng cứu thế đến trong trần gian. Đấng đó là “original” Thiên Chúa đầy quyền năng và tình yêu mến.

Quần áo bằng lông thú vật Ông mang mặc trên người còn nói lên lòng yêu mến thiên nhiên do Thiên Chúa đã tạo dựng nên.

Người tín hữu Công giáo không cần phải mặc áo da thú lông đã như Thánh Gioan tẩy gỉa. Nhưng từ ngày nhận lãnh làn Nước Bí tích Rửa tội, họ đã được mặc chiếc áo trắng Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn.

Chiếc áo trắng Rửa tội như Thánh Phaolô diễn tả: Bất cứ ai trong Anh em được rửa tội thuộc về Chúa Kitô, đều mặc chiếc áo Chúa Kitô. ( Gal 3,27).

Hình ảnh chiếc áo Rửa tội, mà Thánh Phaolô diễn tả, hướng tâm trí tới chiếc áo trên trời đã dành dọn sẵn cho con người được Chúa Giêsu Kitô cứu độ.

Chiếc áo này nhắc nhở họ là người thuộc về Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô. Nhưng không tách biệt đem họ ra ngoài cuộc sinh sống trong xã hội con người.

Chiếc áo trắng rửa tội họ mang trong tâm hồn là dấu chỉ nhắc bảo phải sống sao trở nên người công chính, yêu mến sự trong sáng, và xa tránh sự dữ bóng tối tăm tội lỗi.

Chiếc áo trắng rửa tội còn là nhắc nhớ về một kỷ niệm đức tin: tôi đã được rửa tội. Tôi thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Ngày xưa, trong lúc gặp khủng hoảng đức tin, Martin Lutherô, Ông thủy tổ của đạo Tin lành Lutherô, đã lấy phấn viết lên bảng dòng chữ “ Ich bin getauft – Tôi là người đã được Rửa tội”, để nhắc nhớ lại chiếc áo trắng rửa tội đang mang trong tâm hồn mình.

Chiếc áo trắng rửa tội là dấu hiệu nói lên sự trong trắng vô tội. Vì thế, khi trao chiếc áo trắng Rửa tội, Giáo Hội khuyên nhủ: “Con hãy mang chiếc áo này tinh tuyền luôn mãi”.

Người đời có câu ngạn ngữ “ chiếc áo không làm nên thầy tu”. Nhưng không có “ y phục xứng kỳ đức” cũng chẳng giúp phát triển cùng xây dựng gì cho đời sống làm người trong cộng đồng xã hội, cũng như trong đời sống đức tin.

Như Thánh Gioan tẩy gỉa mặc áo lông thú lạc đà nguyên thủy loan báo làm chứng cho Đấng là nguyên thủy cội nguồn của sự sống. Chiếc áo rửa tội người Công giáo mang mặc trong tâm hồn không là chiếc áo để trang điểm. Nhưng chiếc áo đó diễn tả điều nguyên thủy: ánh sáng trong trần gian.


LM. Nguyễn Ngọc Long