PDA

View Full Version : Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm A



Dan Lee
12-11-2007, 07:23 PM
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 11,2-11

Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Ðức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" Ðức Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi".

Họ đi rồi, Ðức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra làm gì? Ðể xem một vị ngôn sứ chăng? Ðúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

"Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.


Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Tại sao quan sát và chụp ảnh?

Trước biến cố nhật thực 24 tháng 10 năm 95, câu hỏi được nêu là "Vì sao cứ đến nhật thực toàn phần lần nào người ta cũng rủ nhau? quan sát và chụp ảnh?" Ðáp lại, người ta kể ra những năm có nhật thực sắp tới. Năm 1998 dải nhật thực toàn phần sẽ tản ra từ Thái Bình Dương qua Ðại Tây Dương. Năn 1999, nhật thực toàn phần qua Paris (Pháp) và nước Bỉ, nhưng đến năm 2002 nó chỉ trải dài ra trên Ấn Ðộ Dương và chỉ "ghé thăm" Châu Úc có một chút. Dĩ nhiên cả khoa học gia lẫn người thường dân đều tiện quan sát và chụp ảnh khi nhật thực băng qua các địa lục hơn là khi nó băng qua các đại dương. Riêng các nhà khoa học Nga đến Phan Thiết dịp này, họ muốn đo bức xạ mặt trời, bức xạ vô tuyến và địa từ trường để xem xét mối quan hệ giữa các đại dương vật lý này với nhật thực toàn phần. Một nhóm nhà khoa học khác đến Bình Long (Sông Bé) muốn đo sự hấp thụ các hạt neutrino mặt trời. Neutrino vốn là hạt không có diện tích, không có khối lượng nhưng có khả năng xuyên thấu rất cao. Chính công trình khám phá ra hạt này đã mang lại cho nhà khoa học Frederick Reines giải Nobel vật lý năm 1995. Việc đo neutrino đến nay còn nhiều khó khăn, nên đo neutrino phát ra từ Mặt trời và đi xuyên qua Mặt trăng lúc nhật thực, vẫn là đề tài vô cùng hấp dẫn đối với các nhà vật lý thiên văn quốc tế. Người ta hiện đang mơ ước tạo được nguồn neutrino trong tương lai để sử dụng nó như một phương tiện truyền thông cực nhanh mà không bị nhiễu để thay thế sóng vô tuyến. Tất cả những điều vừa nói đến phần nào cắt nghĩa lý do tại sao người ta tuôn đến Phan Thiết và một số nơi khác để quan sát và chụp ảnh về nhật thực toàn phần.

Nhật thực trong bầu trời của Nước Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay một cách nào đó cũng cho thấy một "cảnh nhật thực nho nhỏ trong bầu trời của Nước Thiên Chúa," nếu ta được phép kể Ðức Giêsu như Mặt trời và ông Gioan tẩy giả như Mặt trăng trong bầu trời của Thiên Chúa. Cảnh nhật thực diễn ra khi ông Gioan ngồi tù nghe biết việc Ðức Kitô làm mà còn sai môn đệ đến hỏi Người "Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còan phải đợi ai khác?" (c.30)

Bài Tin Mừng này đặt chúng ta vào văn mạch liền sau việc Ðức Giêsu sai mười hai Tông Ðồ đi giảng (Mt 10,1-11,1). Các ông được lưu ý nhiều về thái độ không tin và từ khước mà các ông sẽ gặp phải trên đường sứ vụ. Ðó cũng là những đề tài còn tiếp tục được khai triển ở hai chương 11 và 12. Do đó nên có nhu cầu thêm tin tức về Ðức Giêsu là vị cứu tinh Mêsia (11,1-6), là Ðức khôn ngoan của Thiên Chúa (11,25-30) và là người tôi tá của Giavê (12,15-21). Bài Tin Mừng hôm nay không những cho thấy Ðức Giêsu là vị cứu tinh mà còn cho thấy ông Gioan tẩy giả là một vệ tinh.

Vị cứu tinh nào?

Vị cứu tinh nào? Câu hỏi được nêu lên là " Thầy có đúng là Ðấng phải đến không?" dù sao cũng là cơ hội để Ðức Giêsu xác định Người là vị Cứu Tinh nào. Trong Cựu ứớc "Ðấng phải đến" đã từng chỉ về vị cứu tinh Mêsia (x. Mt 3,11;21,9;23,39). Thánh Vịnh 118 nói: "Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa" (c.26). Còn sách Ngôn Sứ Malakhi thì nói: "Này ta sai sứ giả của ta đến dọn đường trước nhan Ta" (3,1). Ðáp lại câu hỏi môn đệ ông Gioan nêu lên, Ðức Giêsu chứng minh Người chính là "Ðấng phải đến" bằng những việc mà ngôn sứ Isai đã tiên báo (35,5-6;61,1): "Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng" (c.5). Sự kiện kẻ nghèo được nghe Tin Mừng là điều quan trọng nhất giữa những việc Ðức Giêsu thực hiện với tư cách là vị Cứu Tinh. Chính Ðức Giêsu trong bài giảng về các mối phúc thật đã kể mối phúc dành cho những tâm hồn nghèo khó là mối phúc đầu tiên (Mt 5,3). Nghèo khó nói đây cũng như bé nhỏ ở Mt 18,3 nên được hiểu chủ yếu theo nghĩa cánh chung như lời Ðức Giêsu nói với ông Nicôđêmô "Không ai có thể thấy được Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên" (Ga 3,3) Ðức Giêsu đến cứu nhân loại bằng cách làm cho muôn dân trở thành môn đệ và được tái sinh nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28,19). Ðó quả là Tin Mừng lớn lao nhất do Ðức Giêsu Phục Sinh mang lại cho những kẻ tin. Dĩ nhiên người tín hữu sẽ phải chọn lệ thuộc vào Thiên Chúa thay vì lệ thuộc vào của cải trần thế, tức trở nên nghèo theo nghĩa từ bỏ, nhưng tiên vàn họ phải trở nên bé nhỏ thì mới gia nhập được vào Nước Thiên Chúa (Mt 18,3).

Vệ tinh nào?

Vệ tinh nào? Một khi Ðức Giêsu đã trả lời ông Gioan Tẩy Giả và phái đoàn do ông phái tới đã lên đường, Người liền cho dân chúng biết ông Gioan Tẩy Giả là ai và liên đới như thế nào với Người cũng như với Vương Quốc mà Người đến để thiết lập.

Khi xuất hiện nơi hoang địa miền Giuđê, ông Gioan đã từng cuốn hút dân chúng với những lời lẽ mạnh mẽ đòi thường dân cũng như giới lãnh đạo thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc phải hối cải. Và người ta đã tuôn đến với ông để thú tội và xin ông làm phép rửa (Mt 3,6); do đó người ta gọi ông là Gioan Tẩy Giả. Chính lối sống ngôn sứ của ông (mặc áo lông lạc đà, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn (Mt 3,4)) đòi người ta phải xét lại cách sống của họ.

Ngôn sứ là người được Thiên Chúa phái đến, được Người linh ứng để mạc khải điều bí mật, để nói lên một sấm ngôn, để nói lên và đồng thời làm người ta nắm bắt được tư tưởng và ý muốn của Thiên Chúa. Riêng với Ðức Giêsu, ông Gioan Tẩy Giả còn hơn là một vị ngôn sứ vì ông thực hiện vai trò mà người Do Thái dành cho ngôn sứ Eâlia trong thời sau hết (Mt 17,10-13). Lời rao giảng của ông Gioan có sức khai mở lòng người trước điều mới mẻ đến nỗi kẻ đón nhận cái mới mẻ ấy sẽ trở nên nhân vật vĩ đại nhất của chế độ thiêng liêng từ trước đến nay. Ðiều khiến ông Gioan Tẩy Giả là nhân vật quan trọng chính là sứ mạng của ông. Ông được giao sứ mạng đứng trước ngưỡng cửa Vương Quốc để giới thiệu Ðấng sẽ khai mở Vương Quốc đó. Tại nơi hoang địa Giuđê, ông nói với dân chúng: Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc nẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi" (Mt 3,11-13).

Cứu Tinh và Vệ Tinh vận chuyển trong bầu trời nào?

Cứu Tinh và Vệ Tinh vận chuyển trong bầu trời nào? Từ xa xưa, dân Ítraen chỉ nhìn nhận có một vương quyền, đó là vương quyền của Giavê Thiên Chúa; tất cả các vua trên mặt đất này chỉ là đại diện của Giavê Thiên Chúa là Vua. Vào thời Ðức Giêsu, Ít-ra-en không còn có vua, cũng chẳng còn vương quốc như thời vàng son. Dân chúng hàng ngày nuối tiếc thời xa xưa ấy nên dễ dàng chờ đợi Giavê Thiên Chúa đến cai trị toàn trái đất gồm không những Ít-ra-en mà tất cả các nước. Niềm hy vọng đó chia ra một bên là cuộc phục hồi lại tự do dân tộc khỏi ách nô lệ đế quốc Roma, bên kia là một cuộc biến đổi về thiêng liêng. Thực ra vương quốc của Thiên Chúa được hiểu về mối tương quan đặc thù giữa Thiên Chúa và loài người thay vì hiểu về một lãnh thổ với những ranh giới.

Ðức Giêsu xuất hiện rao giảng Nước Thiên Chúa theo nghĩa thiêng liêng nói trên mà ta gọi là Tin Mừng. Người nói: Nước Thiên Chúa gần đến hoặc kề bên anh em. Người có ý nói Nước ấy đang tác động trên anh em nếu anh em thực sự đón Nước ấy đến với anh em. Cách đón nhận cơ bản nhất là cầu nguyện. Người dạy các môn đệ "Hãy xin cho Nước Cha trị đến và xin cho ý của Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời (Mt 6,10).

Nhưng Nước Thiên Chúa mà Ðức Giêsu đến để thiết lập có tính cách âm thầm và mầu nhiệm như hạt giống gieo vào lòng người đến thời đến buổi sẽ mọc lên, không gì có thể ngăn cản được (Mc 4,27). Nước đó vượt lên trên những điều mà ông Gioan Tẩy Giả từng loan báo. Ông loan báo một vị cứu tinh đến để phán xét tội nhân. Nhưng Ðức Giêsu đến tỏ lòng thương xót họ (Mt 9,12-13). Thay vì đến để rê sạch lúa trong sân và quăng "thóc lép" vào lửa, Ðức Giêsu như thầy thuốc đến cứu những kẻ đau yếu hay như sách Tin Mừng của Luca nói: "Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất." (Lc 19,10).

Phái đoàn của ông Gioan Tẩy Giả càng nêu vấn đề, Ðức Giêsu càng có cơ hội trả lời để làm sáng tỏ Nước Thiên Chúa mà Người đến để thiết lập. Cũng như càng có nhật thực toàn phần các nhà khoa học càng có cơ hội thấy rõ hiện tượng các hạt neutrino phát ra từ mặt trời và đi xuyên qua mặt trăng lúc nhật thực!

Một số câu hỏi gợi ý
1. Ðức Giêsu nêu những việc nào Người làm như ngôn sứ Isai đã tiên báo (c.5)? Trong những việc Ðức Giêsu nêu, việc nào đối với bạn quan trọng hơn cả?

2. Ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện với sứ mạng nào được giao cho ông? Riêng Ðức Giêsu xuất hiện rao giảng Nước Thiên Chúa theo nghĩa nào?

3. Nước Thiên Chúa đang tác động trên loài người. Vậy bạn có thể làm gì để đón nhận Nước đó áp dụng cho bạn và cho đồng loại?

Linh Mục Augustine