PDA

View Full Version : Quan điểm Tòa Thánh Vatican trong việc kiến tạo một môi trường sinh thái lành mạnh



Dan Lee
12-12-2007, 07:17 PM
Quan điểm Tòa Thánh Vatican trong việc kiến tạo một môi trường sinh thái lành mạnh

http://www.vietcatholic.net/pics/Bênê-He2006-Aosta-Tal.jpg
2006:ĐTC Bênêđíctô XVI nghỉ hè giữa cảnh thiên nhiên tại thung lũng Aosta/Ý

Ngày nay hơn bao giờ hết người ta đã đề cập rất nhiều đến vấn đề môi sinh – từ phạm vi quốc gia cho tới lãnh vực quốc tế - qua những lời kêu gọi và cảnh báo khẩn cấp trên các phương diện truyền thông, bởi vì môi trường trái đất đang bị đe dọa một cách hết sức trầm trọng hơn bao giờ hết, do chính các chất độc từ các nhà máy và các hãng kỹ nghệ thải ra vào vùng khí quyển, cũng như do chính thái độ hành xử vô trách nhiệm của con người tạo ra.

Và Tòa Thánh Vatican là một trong những quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất trong việc kêu mời toàn thể cộng đồng nhân loại nhất thiết phải có trách nhiệm đối với tương lai trái đất, hành tinh nơi chúng ta đang ở, bằng cách tôn trọng và bảo vệ môi trường một cách triệt đễ. Ngày 25.9.2007, trong cuộc nhóm họp của Liên Hiệp Quốc tại New York, vị Đại Diện của Vatican đã cực lực kêu gọi các nước phải kịp thời đưa ra những chương trình hành động cụ thể trong việc lành mạnh hóa môi trường hiện đang mỗi ngày mỗi bị ô nhiễm một cách trầm trọng khủng khiếp.

Tuy nhiên, khi Tòa Thánh Vatican đề cập đến vấn đề lành mạnh hóa môi sinh, thì không chỉ dừng lại nơi phạm vi chỉ tìm cách kiến tạo một bầu không khí trong lành và một thiên nhiên xanh tươi mà thôi, nhưng còn nhắm tới một mục tiêu cơ bản, sâu xa và còn khẩn thiết hơn nữa, đó là nhân loại phải biết tôn trọng Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên môi sinh thiên nhiên, và từ đó rút ra những thực thi cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Sự tha hóa tinh thần đối với thiên nhiên

Ngay trong sứ điệp hòa bình gửi thế giới vào ngày 01.01.2007, ĐTC Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh một cách đặc biệt về vấn đề sinh thái. Đức Thánh Cha viết: Kinh nghiệm cho thấy rằng «thái độ vô tâm đối với môi trường sẽ làm tổn thương cuộc sống chung của nhân loại và ngược lại. Sự tương quan chặt chẽ bất khả phân ly giữa sự hài hòa với thiên nhiên và sự bình an giữa con người với nhau luôn luôn là một điều quá minh nhiên. Nhưng cả hai sự bình an và hài hòa đó phải được bắt nguồn từ sự bình an với Thiên Chúa. Lời kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi, mà người ta thường gọi là 'Bài ca mặt trời', là một lời cầu nguyện tuyệt diệu và luôn luôn mang tính cách thời sự của nó. Đó là một thí dụ điển hình cho môi trường sinh thái hoàn hảo của sự bình an.»

Ngày 2.9.2007 tại Loreto, trước sự hiện diện của 500.000 thanh thiếu niên, ĐTC Bênêđíctô XVI đã quả quyết rằng sự nỗ lực bảo vệ thiên nhiên hoàn toàn thuộc về sứ mệnh người môn đệ Đức Kitô: «Các thế hệ trẻ đã được giao phó cho trách nhiệm về tương lai của hành tinh trái đất này, nhưng những dấu hiệu của sự phát triển trên đó lại cho thấy rõ ràng là không nhằm bảo vệ sự quân bình cần thiết của thiên nhiên.» Và liền sau đó Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp cho Đức Bartholomaios I, Thượng Phụ đại kết Constantinople, đang tổ chức tại Grönland một cuộc hội thảo quốc tế chuyên đề về «môi sinh và sự thay đổi khí hậu» trên trái đất. Đức Thánh Cha viết rằng việc tôn trọng và bảo vệ môi sinh là một trách nhiệm nặng nề của các nhà nước, các kỹ nghệ và của các tổ chức quốc tế về môi sinh. Nhưng chính trong cơn khủng hoảng về môi trường cũng đã bộc lộ cho thấy một sự «tha hóa tinh thần đối với thiên nhiên.» Theo Đức Bênêđíctô XVI, nếu con người phủ nhận kế hoạch Đấng Tạo Hóa, thì những hậu quả nghiệm trọng sẽ xảy ra cho thế giới là một điều không thể tránh được.

Có lẽ cho tới nay người ta đã không nhìn thấy được rằng việc gìn giữ môi sinh và việc bảo vệ thiên nhiên luôn là một viễn tượng trọng tâm mà Đức Thánh Cha đang theo đuổi chăng?

Chính trong tháng 9 vừa qua, Đức bênêđíctô XVI đã cùng với các học trò cũ của ngài và các học giả khắp thế giới, tổ chức cuộc tọa đàm lần thứ hai tại Castel Gandolfo, để bàn luận về «sự sáng tạo và sự tiến hóa», nghĩa là bàn luận về Thiên Chúa. Giáo Hội cũng ý thức rất rõ sự bài bác sự thật, ý nghĩa và phẩm giá theo quan điểm truyền thống Kitô giáo của những trào lưu dựa hơi chủ thuyết Darwin và chủ thuyết duy tiến hóa. Và trong khi những nhóm Tin Lành ở Hoa Kỳ đưa ra «Design khôn ngoan» như một câu trả lời, thì Đức Bênêđíctô ngược lại đã đưa ý niệm về sáng tạo lên hàng đầu và như trong sứ điệp ngày hòa bình thế giới mới nhất của ngài, Đức Thánh Cha đã nói đến mối «liên đới mật thiết giữa con người với thiên nhiên.»

Tiếp đến, theo Đức Bênêđíctô XVI, ai đã công nhận là cần phải bảo vệ môi sinh, thì tất nhiên cũng cần phải bảo vệ cả những «thừa kế nhân» của môi sinh nữa, đó chính là con người, và ngay từ giây phút đầu tiên cho tới giây phút cuối cùng của cuộc sống! Vì thế, Đức Thánh Cha đã :

• Cực lực lên án mọi hình thức khủng bố nhằm tiêu diệt mạng sống con người, cũng như việc giết hại các trẻ em vô sinh qua những hình thức phá thai dã man.

• Cương quyết bênh vực cho các giá trị cao cả của đời sống hôn nhân vợ chồng giữa hai người nam-nữ như tế bào sống của gia đình, mà chính Thiên Chúa đã thiết lập và nối kết.

• Tiếp đến, ngài đã không ngừng kêu gọi mọi phe nhóm đối nghịch tại Trung và Cận Đông hãy sớm vãn hồi hòa bình trong sự tôn trọng lẫn nhau, để sinh mạng các dân cư vô tội trong các miền liên hệ được bảo đảm anh ninh, bởi vì mỗi người mang trên mình hình ảnh của Thiên Chúa, mà hình ảnh của Thiên Chúa thì vô cùng thánh thiêng.

Nhưng nếu Thiên Chúa không còn hiện hữu nữa, thì tất cả mọi sự đều có thể. Và đó chính là mục tiêu mà một nền khoa học theo phái thực nghiệm nhắm tới, tức tìm cách biến con người thành Đấng Tạo Hóa.

Sự can thiệp của Thiên Chúa Tạo Hóa vào lịch sử nhân loại

Qua thái độ cương quyết đề cao thiên nhiên, Đức Bênêđíctô XVI đã muốn cương quyết khẳng định rằng trong vũ trụ này có một Đấng Tạo, nghĩa là Thiên Chúa hiện hữu thực sự. Lý do là ngày nay đang có một khối liên hiệp rộng lớn đang tìm cách xây dựng văn hóa trên một nền tảng khác, chứ không còn trên nền tảng của hình ảnh con người theo quan điểm Kitô giáo. Và khối liên hiệp đó cũng tìm cách loại bỏ sự xác tín mà cả đến ngày nay nữa vẫn còn, là nhìn nhận các Đức Giáo Hoàng La Mã như là những nhân chứng cho công cuộc Nhập Thể của Đức Kitô, nghĩa là cho một vị Thiên Chúa, Đấng đã can thiệp vào lịch sử nhân loại.

Kể từ ngày 11.09.2001, khi những tên khủng bố Hồi Giáo cướp hai chiếc máy bay và cho đâm bổ vào hai toà nhà cao tầng ở New York, giết hại hàng ngàn người vô tội, và miệng họ vẫn luôn cầu kinh không ngớt với Chúa Allah, thì tôn giáo không còn là một vấn đề tư riêng cá nhân nữa. Vâng, từ ngày đó người ta đã không ngừng bàn luận về tôn giáo, và tự hỏi: Có tôn giáo hay không? Và tôn giáo nào là tôn giáo chân chính? Bài diễn thuyết thời danh của Đức Bênêđíctô tại Regensburg, mà những phần tử Hồi Giáo quá khích trên thế giới đã phản ứng cách tiêu cực, là một trình bày đầy đủ về tình trạng biến đổi sâu xa đó.

Cái khối liên hiệp nói trên từ chỗ không muốn biết đến Thập Giới Điều của Thiên Chúa, sự nhập thể của Đức Kitô và hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, hò còn đi xa hơn nữa, đó là:

• Họ sử dụng các phòng thí nghiệm của các kỹ nghệ bào chế y dược để can thiệp thô bạo vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, tức đan kết các phân tử di truyền với các phôi thai con người, và qua đó họ đã kiếm được hàng tỷ bạc.

• Truyền bá và cổ xúy đủ mọi hình thức sống chung ngoài khuôn khổ hôn nhân gia đình.

• Quảng cáo các hình thức trợ tử và cái gọi là «sản sinh lành mạnh», nghĩa là họ muốn được toàn quyền trong việc ngăn ngừa thụ thai, dĩ nhiên trong đó bao gồm cả việc phá thai tự do, v.v…

Người ta có thể nói đó là nền luân lý tổng thể của thời hậu Kitô giáo, một nền luân lý tìm cách tách rời con người ra khỏi thiên nhiên đã được Thiên Chúa sáng tạo nên và đưa đặt dưới ách thống trị nghiệt ngã của chúng.

Nếu các Đức Giáo Hoàng - như Đức Bênêđíctô XVI hiện nay – khẳng định rằng phẩm giá con người không thể bị lệ thuộc vào những đặc tính hay phẩm chất di truyền và đề cao nguyên tắc «bất khả kỳ thị» - vì lý do bất toàn về thể lý hay về dòng giống - như một quy luật của lương tâm, thì các ngài chỉ hành động với niềm xác tín rằng:

• Phẩm giá con người là một món quà quý báu mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người, và là một điều tuyệt đối bất khả xâm phạm.

• Con người là hình ảnh của Thiên Chúa và đã được dựng nên giống Người.

Điều đó cũng muốn nói lên rằng, Giáo Hội nắm giữ chân lý về con người, cũng như Giáo Hội là biểu hiệu của chân lý về tôn giáo. Đây chính là điều đã được Thánh bộ Đức Tin đề cập tới trong một tài liệu phát hành vào mùa hè vừa qua, trong đó được quả quyết rằng Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội chân chính duy nhất của Đức Kitô.

Đức Bênêđíctô XVI truyền bá sự bảo vệ môi sinh toàn diện

Quả vậy, Đức Bênêđíctô XVI truyền bá «một sự bảo vệ môi sinh toàn diện»; nghĩa là ĐTC muốn bao gồm cả con người cũng như việc tôn trọng các luật lệ của Tạo Hóa đã được khắc sâu trong thiên nhiên vào trong chương trình bảo vệ môi sinh. Trong sứ điệp hoà bình thế giới đầu năm nay của ngài, Đức Thánh Cha đã trích dẫn trước hết thông điệp «Centimus annus» của Đức Gioan Phaolô II: «Thiên Chúa không chỉ ban tặng cho con người trái đất, để con người sử dụng theo đúng mục đích nguyên thủy của nó là mang lại lợi ích, nhưng Thiên Chúa còn ban con người lẫn cho nhau, và vì thế con người cần phải có tráh nhiệm đối với nhau: tôn trọng cơ cấu tự nhiên và luân lý, như Thiên Chúa đã dựng nên nơi họ.»

Tiếp theo đó, Đức Bênêđíctô XVI còn viết: «Nếu con người biết hành xử tương ứng với sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao cho, con người có thể cùng với những đồng loại khác của mình kiến tạo được một thế giới hòa bình. Thật vậy, bên cạnh môi trường sinh thái thiên nhiên, - và nếu người ta có thể nói - còn có một ‘môi trường sinh thái nhân bản’ (Humanökologie), và từ đó lại có cả một ‘môi trường sinh thái xã hội’ (Sozialökologie). Điều đó có nghĩa là một khi nhân loại có được một con tim hòa bình, thì bấy giờ nhân loại mới có thể quan tâm tới những liên đới hiện tại giữa môi trường sinh thái thiên nhiên – tức việc tôn trọng thiên nhiên – và môi trường sinh thái liên quan đến con người.»

Nói tóm lại, mục tiêu đầu tiên của đường lối «chính trị về môi trường» của Đức Giáo Hoàng là cái nhìn toàn diện; nghĩa là, bên cạnh cái nhìn về môi trường sinh thái, còn có cả cái nhìn về Đấng Tạo Hóa của môi trường sinh thái, vì như thế thì nhân loại mới thực sự có thể có được một môi trường sinh thái lành mạnh chân chính.

Lm Nguyễn Hữu Thy