PDA

View Full Version : Lá Thư Canada: KỲ QUAN



Dan Lee
12-19-2007, 09:22 AM
Lá Thư Canada: KỲ QUAN


Đầu tháng Mười Hai, làng tôi có buổi họp đặc biệt do phe các bà triệu tập để bàn về hai viẹc quan trọng. Thứ nhất là đêm Giáng Sinh sẽ ăn réveillon theo lối Saigon ngày xưa và sẽ có thượng khách là Cha Paolo. Thứ hai là chuẩn bị đón ông Từ Hoè từ miền tây về ăn tết. Các bà bao giờ cũng chu đáo thế đấy, các cụ ạ.

Và buổi hội làng đã diễn ra rất vui vẻ. Nói là hội để mọi người góp ý cho oai vậy, chứ thực ra phe liền ông chúng tôi có được góp ý nào đâu. Toàn ý các bà. Thôi, cũng được đi. Chúng tôi là những nhà quân tử nên bằng lòng theo truyền thống đã có từ lâu : các bà thì lo những chuyện nhỏ trong nhà như chợ búa, con cái ăn học, mua TV tủ lạnh, mua xe đổi xe, mua nhà mua đất, còn các ông thì lo những việc lớn bên ngoài, như quyết định về thể chế dân chủ cho VN, Mỹ nên rút quân hay ở lại lâu dài bên Irak, Trung Hoa và Mỹ nên giao hảo như thế nào...

Vì các bà cho là buổi họp quan trọng nên lần này các bà không chú tâm vào việc nấu bếp. Bữa nay làng tôi được mời ăn lối Canada. Đầu bếp là Chị Ba Biên Hoà. Mỗi người được trao cho một đĩa lớn trên đã bầy sẵn các thức ăn. Các cụ có biết đĩa thức ăn Canada này gồm những món gì không ? Thưa, chính giữa là một miếng cá ngừ nướng, chung quanh là các thứ rau địa phương, gồm hai miếng cà tím và lớp rau đậu luộc, một chén cơm gạo lứt, và mấy lát cà chua, mấy lát dưa leo. Đĩa cơm này không ăn với đũa nhưng với xiên, muỗng và giao. Cụ thấy còn thiếu cái gì phải không ? Chị Ba đã tiên liệu hết. Chị nói : Người Canada rắc thêm tiêu với muối, nhưng người VN thì phải ăn vơi nước mắm. Và chị chuyền bình nước mắm cho mọi người.

Cũng chưa xong. Cơm tây thì phải uống với rượu tây. Mỗi thực khách được trao cho một ly rượu vang đỏ. Cụ B.95 khi thấy ly rượu thì giẫy lên : Lão gìa này không biết uống rượu, xin cho lão một cốc nước chè. Anh John tiếp tay với vợ phục vụ bữa ăn. Anh vừa cười vừa nói : cơm tây phải đi với rượu tây cụ ạ. Cụ ăn cơm tây mà uống với nước chè hay nước vối thì tây họ cười chết. Xin cụ uống thế này. Anh bèn sẻ ly rượu đỏ cho cô Cao Xuân, rồi rót thêm nước suối vào. Thế là cả làng vui. Bữa ăn lạ miệng, ai cũng thích.

Khi mọi người đang ăn thì Chị Ba xin giới thiệu về món cá ngừ, tiếng Anh gọi là tuna. Các cụ có thường ăn món cá ngừ không ? Ngon lắm đấy nha. Đây là một hải sản miền Đại Tây Dương ở phía đông Canada. Canada đánh bắt nhiều nhất và xuất cảng nhiều nhất. Cá ngừ là loại cá thịt nạc và được xếp hạng là ngon và bổ hơn thịt bò. Trung bình con Atlantic Bluefin Tuna dài tới 4 thước tây, và nặng tới 600 kí lô. Người Canada, người Mỹ và người Nhật rất mê cá ngừ tuna này.

Trong bữa ăn thì phe các bà bàn chuyện ăn Giáng Sinh và ăn tết Mậu Tý. Sau bữa ăn thì phe các bà không bàn chuyện ăn nữa mà các bà bàn sang chuyện khác, những chuyện mà trong bụng bà nào cũng thích ấy mà. Đó là chuyện liên hệ tới trái tim, chuyện tình yêu. Đây là một đề tài rất ‘người’. Không có nó thì trái đất khô cằn và loài người không lớn lên được, phải không các cụ ?

Phe liền ông chúng tôi thì ngơ ngác. Chuyện tình yêu nhiều như lá trên rừng, như sao trên trời, như nước dưới biển, biết nói chuyện gì đây. Chị Ba Biên Hoà gợi ý : Thì các ông nói những chuyện tình như chuyện ông Nguyễn Hữu Đang ngày xưa ở Hà Nội yêu bà Huyền Nhiên mà lấy không được ấy mà. Cái ông thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, cái ông dựng đài cho Cụ Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập ấy mà.

Nghe đến đây thì Ông ODP hiểu được ý các bà. Ông vừa cười vừa nói : À, các bà muốn nghe về những mối tình hụt, những chuyện dang dở, phải không ạ ? Xin có ngay.

Mối tình tuyệt vọng, nói theo lối bình dân là ‘tình hụt’, bao giờ cũng đẹp. Ông Nguyễn Hữu Đang là một nha. Ông Vũ Hoàng Chương là hai nha. Ông Phan Khôi là ba nha. Ông Nguyễn Hữu Đang thì lần trước chúng ta đã bàn rồi. Bữa nay tôi xin nói qua về Vũ Hoàng Chương.

Ai cũng biết nhà thơ họ Vũ này viết về người yêu rất say đắm :

... Em vẫn Kiều Thu tròn tuổi nguyệt

Trần ai nào lấm được thơ ngây.

... Ờ đêm tháng Sáu, mười hai nhỉ

Tố của Hoàng ơi, hỡi nhớ thương…

... Tố của Hoàng ơi, Tố của Anh

... Tố của Hoàng, nay Tố của ai ?

Người yêu của Vũ Hoàng Chương tên là Tố Vân. Nàng còn tên nữa là Kiều Thu. Nàng lên xe hoa về nhà chồng ngày 12 tháng Sáu. Nàng lên xe hoa với một ông quan huyện, không phải Vũ Hoàng Chương. Vân là mây. Tên người yêu đã ngấm vào thơ của tác giả. Hai tác phẩm mà Vũ Hoàng Chương ưng ý nhất đều mang tên người yêu. Thi tập ‘Mây’, thi kịch ‘Vân Muội’. ..

Mối tình của Vũ Hoàng Chương mãnh liệt, nhưng hụt hẫng.

Ông ODP thấy các bà ngồi nghe say đắm thì thêm hứng thú, kể tiếp sang chuyện Cụ Phan Khôi. Nghe tới Phan Khôi là tôi biết ông nói về cái gì rồi. Đó phải là bài Tình Già, tôi đoan chắc như vậy vì bài thơ này nổi tiếng quá. Nó mở đầu cho trường phái thơ mới mà. Nó là bài ruột của tôi. Tôi và bạn bè tôi ai cũng thấy mình rất nhiều trong thơ của Phan Khôi. Tình đẹp tuyệt vời.

Ông ODP nói về bài thơ như sau : Xa người yêu những 24 năm mà khi gặp lại, Phan Khôi còn nhận ra nàng, còn thấy lòng mình dạt dào sóng. Chả biết đây là mối tình có thật của Phan Khôi hay hư cấu, nhưng lời thơ làm xao xuyến lòng mọi người. Nó thật quá. Nó đúng quá.

... Buông nhau làm sao cho nỡ

Thương được chừng nào hay chừng nấy

Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy !

Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung

……. ..Liếc đưa nhau đi rồi

Con mắt còn có đuôi

Rồi ông ODP xin chấm dứt bài tình yêu.

Đang nín thở nghe lời tán tụng tình yêu, ôi tình yêu đẹp qúa, tự nhiên tình yêu bị đứt mạch, các bà liền la lên. Bà nào cũng hít hà đòi nghe nữa. Ông ODP chưa biết phải làm sao thì may qúa, anh John nhảy vào cứu chúa.

Anh bảo anh đang học về thơ, đang học về các văn nhân thi sĩ VN. Anh cho biết khi anh đọc đến Phan Khôi thì anh như bị bùa mê. Anh mê cụ Phan Khôi. Anh phục cụ Phan Khôi thông minh và lý luận hay qúa chừng.

Nghe đến đây thì Ông ODP gật gù. Ông bảo ông cũng mê và phục cụ Phan Khôi y như vậy. Ngoài mê bài thơ Tình Già trên đây, ông còn mê và phục Phan Khôi về sự can đảm dám nói, dám viết. Đây là cây bút ‘uy vũ bất năng khuất’.

Chứng cớ ư ? Nhiều lắm. Chẳng hạn chuyện khoai nhạc ngựa. Hồi đó, năm 1956, Phan Khôi đã về Hà Nội nhưng trong bụng không phục sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Ông được giao cho dịch một tài liệu Pháp văn về dinh dưỡng, trong đó có chữ pomme de terre. Ông dịch pomme de terre là ‘khoai nhạc ngựa’. Ban lãnh đạo bèn phê bình : Xưa nay ai cũng biết pomme de terre là ‘khoai tây’, sao ông lại lẩm cẩm dịch là khoai nhạc ngựa. Phan Khôi bèn cười. Ban lãnh đạo đâu có biết đây là cái bẫy của Phan Khôi. Cụ trả lời ngay : Xưa nay ai cũng biết pomme de terre là khoai tây, con nít cũng biết, thế nhưng lâu nay ban lãnh đạo cấm dùng chữ ‘tây’ vì nó liện hệ tới giặc Pháp. Không được nói ‘đường tây’ mà phải nói ‘đường trắng’. Không được nói ‘kèn tây’ mà phải nói kèn đồng. Do vậy tôi mới không dùng chữ khoai tây mà dùng chữ khoai nhạc ngưa, lấy ý từ tiếng ‘mã linh thư’’ của Trung Quốc. ‘Mã linh thư’ là cái nhạc đeo ở cổ con ngựa. Tôi phải lấy ý từ văn Trung Quốc vì Trung Quốc đang là mẫu mực cho ta theo mà. Đảng thua một keo đau điếng !

Chẳng hạn chuyện ‘ Cây Cộng Sản’. Gần đây nhà sử học Trần Gia Phụng đã viết một bài rất dài và rất hay về Phan Khôi. Bài này có đăng trên tuần san Viet Times, số ra mắt ở Toronto, đầu tháng 11 vừa qua. Trong bài này nhà sử học có kể chuyện Phan Khôi viết về loại cây đó như sau :

... Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có, mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy ở Việt Bắc không chỗ nào không có.

... Có nơi gọi loại cây này là ‘cỏ bù xít’ vì nó có mùi hôi như con bọ xít, có nơi gọi là ‘ cây cứt lợn’, hoặc ‘cây chó đẻ’. Những tên đó đều không nhã nhặn tí nào, người có học không gọi như vậy, mà nên gọi là ‘cây cọng sản’

... Không mấy lâu rồi nó mọc cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-31 đồng thời với Đông Dương Cộng Sản Đảng hoạt động. Phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là ‘herbe communiste’, đáng lẽ dịch là cỏ cộng sản, nhưng nhiều người gọi là ‘cây cộng sản’. Hỏi ông già người Thổ, ông già nói tên nó là ‘Cỏ Cụ Hồ’. Thứ cỏ này trước kia ở đây không có, từ ngày Cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng thì thứ cỏ ấy mọc lên đầy cả đường xá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với Cụ Hồ về thì gọi nó như vậy...

Ông ODP bình luận : cái thâm và cái bạo của Phan Khôi là giữa Hà Nội thời đó mà Phan Khôi dám gọi Đảng Cộng Sản và Cụ Hồ là cỏ bù xít, cây chó đẻ, cây cứt lợn. To gan thế đó. Qủa thực Phan Khôi có cái dũng của một nhà trí thức.

Nghe tới tiếng trí thức, tôi liền nhớ ngay tới 2 vị. Tôi giơ tay xin nói. Các bà vỗ tay hoan hô rất nồng nhiệt và chờ nghe bài diễn văn của tôi.

Tôi bèn kể chuyện GS Cao Xuân Hạo. Vừa nghe tới tên Cao Xuân Hạo thì Cô Cao Xuân tỏ ra sung sướng và cảm động hết sức. GS Cao Xuân Hạo là cháu nội của Cụ Tiến Sĩ Cao Xuân Dục, một vị đại thần lo về việc học của triều Nguyễn ngày xưa. Ông Hạo là bà con xa với cô Cao Xuân, và bà con gần của cựu LS Cao Xuân Châu Phố, hoa khôi Saigon thập niên 1960.

GS Cao Xuân Hạo là nhà ngữ học hiếm hoi. Ông xây dựng ngữ pháp tiếng Việt theo bản chất tiếng Việt chứ không theo quy cách của Tây phương. Ông cùng một lập trường với GS Tiến Sĩ Lê Văn Lý, viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt ngày xưa. Vì bênh nhóm ‘Nhân Văn Giai Phẩm’ nên ông bị cấm dạy học. Nhà báo Phù Vân của tạp chí Viet Tide ở Cali, trong số số 328 cuối tháng Mười vừa qua, đã kể chuyện cuộc phỏng vấn GS Hạo vào năm 2000. Ông phỏng vấn về nhiều đề tài, nhưng có câu hỏi về trí thức mà tôi cho là hay nhất : Xin Giáo sư cho tôi một ví dụ : Trí thức là gì ?

GS Cao Cuân Hạo đáp : Tôi biết một người chắc chắn là trí thức. Đó là ông Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp. Ông này khi làm bộ trưởng thấy tình trạng qúa ưu đãi con em công nông trong thi cử, sợ chất lượng tuyển sinh không cao, nên đã đề nghị công khai hóa sổ điểm thi. Lập tức ban bí thư Đảng đoàn chụp ngay cho ông cái mũ là ‘đâm dao vào sau lưng giai cấp công nông’. Sau đó ông Tạ Quang Bửu bị cách chức.

Nhà báo Phù Vân còn hỏi GS Cao Xuân Hạo một câu cũng ‘nóng’ lắm. Nó liên hệ tới bằng thật và bằng giả. Câu hỏi như sau :Vừa rồi có người đưa ra khái niệm “ trí thức quốc doanh”, Giáo Sư có coi đó là vơ đũa cả nắm không ?

GS Cao Xuân Hạo đáp thẳng băng, không ấp úng dè dặt gì cả :

- “ Trí thức quốc doanh”, một cụm từ rất hay. Tôi hiểu đó là những người thuộc thành phần công nông được nhà nước đưa đi đào tạo, không cần học giỏi, chỉ cần có bằng để mai mốt về lãnh đạo, bởi thế càng. .. ngu thì càng tốt. Vừa rồi GS Phan Đình Diệu có nói trong một cuộc hội thảo ‘ Tất cả những gì Nhà Nước đã công nhận đều là đồ rởm’. Ông nói vậy nhưng không ai nghĩ rằng ông ‘vơ đũa cả nắm’ hết. ”

Đó là việc ngoài Bắc. Trong Nam tôi thấy có một vị cũng đúng là chân trí thức. Đó là GS Phạm Biểu Tâm, khoa trưởng Trường Đại Học Y Khoa Saigon thập niên 1960. Năm 1960, con gái Ông Ngô Đình Nhu là cô Ngô Đình Lệ Thủy nộp đơn xin thi vào trường y khoa. Nguyên cái lý lịch là con của ông cố vấn Tổng Thống cũng đủ mạnh để cô được nhận vào trường thuốc, lại còn thêm sự gửi gắm của bộ Giáo Dục nữa. Thế mà GS Phạm Biểu Tâm vẫn đánh trượt cô Thủy. Gân thiệt chứ.

Cụ Chánh thấy câu chuyện có vẻ đang bước vào lãnh vực chính trị, lãnh vực sẽ

làm nhiều người nhức đầu, nên cụ chuyển hướng. Cụ xin Anh John kể chuyện thời sự trong tháng. Việc này làm đẹp lòng Cụ B.95 quá sức.

Anh John bèn làm phận sự ngay.

Điểm nóng nhất hiện nay là đồng đô la Canada cao hơn đồng mỹ kim. Dân chúng Canada đã ào ào kéo nhau sang Mỹ mua hàng. Thế nhưng các nhà sản xuất Canada thì méo mặt. Hàng tự nhiên khó bán. Khách du lịch từ Hoa Kỳ ít hẳn đi. Việc này chưa biết sẽ ra sao.

Điểm nóng thứ hai mà giới trẻ Canada rất hãnh diện đó là Cô Jesssica N. Trisko của Canada đã đoạt giải hoa hậu ‘ Miss Earth 2007’ đêm 11 tháng 11 vừa qua ở Phi Luật Tân.. Đây là cuộc thi hoa hậu lần thứ 7, có 88 người đẹp khắp thế giới tham dự. Ai cũng nói Canada là nước thiên đàng hạ giới, nên con gái thiên đàng phải đẹp hơn con gái trần gian là thế, phải không các cụ.

Riêng thành phố Toronto nơi dân làng tôi cư ngụ đang có một sự kiện nghe có vẻ ngược đời : đó là việc hội đồng thành phố đang nghĩ tới việc thiết lập các trường trung tiểu học riêng cho người da đen. Theo thống kê thì học trò gốc da đen rất dốt, cứ tới lớp 9 là chúng bỏ học. Người da đen thấy con cái mình học càng ngày càng tệ nên đã xin chính quyền thiết lập những trường riêng cho con họ. Nghĩ cũng buồn cười. Ngày xưa thì da đen tranh đấu để con mình được học chung với da trắng, nay thì họ lại tranh đấu để con em mình học trường riêng cho da đen. Chính quyền đang bối rối, chưa biết phải giải quyết ra sao. Nếu lập trường cho da đen thì rồi sẽ phải lập trường cho học sinh gốc Hồi Giáo, gốc da đỏ...

Một chuyện nữa có lẽ chỉ ở Canada mới có, đó là chính quyền Ontario vừa khuyến cáo các người lái xe phải cẩn thận đề phòng những đàn nai băng ngang đường. Canada đất rộng người thưa, chỗ nào có bụi cây là có hươu nai ở. Cụ lái xe ra ngoại ô thì cụ nên nhìn kỹ hai bên đường. Con nai không bao giờ biết tránh xe. Nó ngơ ngác đạp trên lá vàng khô mà. Nó lại thường không đi một mình. Mùa lá vàng này là mùa hươu nai đi tìm tình yêu. Chúng yêu nhau mùa thu để sinh con vào mùa xuân. Cụ lái xe mà đụng con nai thì xe cụ bị hư hại là cái chắc, và chính cụ cũng có thể bị thương, có khi bị mất mạng vì xe bị lật. Con nai Canada to và khoẻ lắm.

Nghe đến đây thì ông H.O. cười hề hề : Năm xưa khi mới tới Canada, mỗi lần thấy con nai ngơ ngác bên đường là mỗi lần tôi nghĩ tới miếng ăn. Tôi ao ước giá mà tôi bắt được con nai này đem về xẻ thịt, món nai hầm nhậu với la de củ kiệu thì sung sướng biết chừng nào. Nay tôi đã là người Canada, tự nhiên hết thèm bắt nai ăn thịt.

Các cụ ở xa muốn ngắm mùa thu thơ mộng và những bầy nai ngơ ngác, xin mời đến Canada nha. Cụ đến đây là du khách, bảo đảm khi cụ ra về cụ sẽ thành thi nhân.

Anh John vừa kể chuyện thời sự đến đây thì Cụ Chánh xin ngắt để đọc thư ông Từ Hoè. Cái ông bạn viễn cư này thật cẩn thận, trước khi về ăn tết với làng, năm nào cũng như năm nấy, bao giờ ông cũng viết thư báo tin trước, và bao giờ cũng đề nghị chi tiết chương trình tiệc tiễn ông Táo, tiệc mời tổ tiên về ăn tết, tiệc tân niên. Năm nay ông còn dặn dân làng khi gói bánh chưng thì phải nhớ trộn vào gạo một chút xíu bột ngọt MSG để đồng bánh ‘rền’ và ngon hơn. Nghe tới bột ngọt thì mấy bà mấy cô lắc đầu lia lịa, rằng bột ngọt MSG làm hại sức khoẻ. Ông Từ Hoè biết thế nào phe các bà cũng phản đối bột ngọt nên ông trấn an ngay trong thư : Bản chất bột ngọt MSG là giúp tăng hương vị cho thức ăn, dùng đúng liều lượng thì bột ngọt rất tốt. Chứng cớ ư ? Năm 1959, cơ quan thực phẩm Hoa Kỳ FDA đã công nhận là bột ngọt an toàn. Năm 1995, cơ quan kiểm tra sinh học FASEB cũng cộng nhận y như vậy. Bột ngọt chỉ có hại khi ta dùng bừa bãi mà thôi. Các cụ thấy ông Từ Hoè nói có lý không cơ ?

Đọc thư ông Từ Hoè xong thì cụ Chánh ngưng lại để nghe dân làng phát biểu. Không ai phát biểu về bột ngọt nữa, vì ông Từ Hoè xưa nay được dân làng coi như ông thần bếp. Cô Cao Xuân thì nói sang chuyện khác. Cô nói với Cụ Chánh : Cháu vừa coi tướng Cụ. Cụ có bộ mặt giống Đức Phật, hai trái tai vừa to vừa dài, qủa là tướng qúy. Số cụ chắc chắn trường thọ.

Cụ Chánh đáp ngay : Xin cám ơn Cô đã qúa khen. Nói về qúy tướng và trường thọ thì ta phải nhắc tới cây đại thọ Đào Trọng Cương ở thủ đô Ottawa của Canada. Các bạn biết Cụ Cương chứ ? Cụ năm nay đã 98 tuổi trời mà sắc diện luôn hồng hào, tiếng nói sang sảng, trí khôn vẫn còn minh mẫn sáng suốt. Ngày xưa cụ là một kiến trúc sư hàng đầu của VN. Cụ chỉ huy bao nhiêu công trình xây cất nổi tiếng. Cụ thông thái và sống lâu như vậy là vì cụ có quý tướng. Ít người biết điều này. Trên bàn tay trái của cụ, đường sinh mạng, ligne de vie, chạy từ ngón tay trỏ kéo dài xuống tận cổ tay, và không phải chỉ một đường, mà là hai đường song song. Chao ôi, tướng qúy làm sao !

Rồi huynh trưởng ODP bồ chữ trong làng xin góp chuyện :

Ông kể : Tuần vừa qua, khi tôi tới nhà thờ mời Cha Paolo đến ăn lễ Giáng Sinh với chúng ta, thì được cha kể cho nghe một chuyện vừa xảy ra ngay trong giáo xứ của ngài. Ngài kể mà nét mặt ngài rạng rỡ sung sướng hết sức. Rằng ngài mới tổ chức một cuộc thi viết về kiến thức tổng quát để phát giải Giáng Sinh. Cuộc thi dành cho các em học sinh từ 12 tới 16 tuổi. Đề bài thi : Em hãy nói về những kỳ quan trên thế giới.

Bài của một nữ sinh gốc Ba Lan đã được chấm giải nhất. Em trả lời như sau : Thế giới có rất nhiều kỳ quan. Mới đây hội đồng quốc tế về kỳ quan đã mời gọi mọi người trên thế giới đề nghị danh sách. Hội đồng đã lọc ra được 200 địa danh. Và cuối cùng người ta đã chọn 7 kỳ quan này : Kim Tự Tháp Ai Cập, Đền Taj Mahal, Dãy Grand Canyon, Kênh đào Panama, Tòa nhà Empire State, Đền Thờ St. Peter, Vạn Lý Trươong Thành. Nhưng theo em nghĩ, con người mới là nơi có nhiều kỳ quan hơn cả, vì con người là một kỳ công của Thượng Đế. Nếu thế giới có 7 kỳ quan thì mỗi người chúng ta ai cũng mang 7 kỳ quan trong mình, đó là Xúc giác, Vị giác, Thị giác, Thính giác, Cảm xúc, Tiếng cười, và Tình yêu.

Nghe xong, dân làng ai cũng gật gù đồng ý rằng cô bé đã trả lời qúa đúng và qúa hay. Nghe tới kỳ quan thứ bảy là tình yêu, tôi thấy phe các bà ai cũng cười sung sướng.

Lễ Giáng Sing đang tới, kính chúc các cụ nhìn thấy rõ bảy kỳ quan này.

TRÀ LŨ