PDA

View Full Version : H-Chuyện Hang Đá Noel của Gia Đình Tôi



Dan Lee
12-22-2007, 11:50 AM
Chuyện Hang Đá Noel của Gia Đình Tôi


Vào tuổi thiếu thời, gia đình tôi sống ở miền quê, trong một xứ đạo toàn tòng nơi vùng dinh điền Cái Sắn thuộc giáo phận Long Xuyên.

Hàng năm cứ đến mùa Noel là anh em chúng tôi làm hang đá để đón mừng Chúa Giáng Sinh. Chúng tôi ra gần bờ ao, lấy đất sét nặn lên một bộ tượng gia đình Thánh Gia, Chúa Hài Đồng mới sinh, nằm trong máng cỏ, cùng với ba ông Vua và các mục đồng, chiên, lừa, bò. Ở miền quê trâu bò thì chúng tôi chăn dắt hàng ngày, nên nhìn thế nào, thì nặn ra gần giống hình thù như con vật bình thường vậy, tuy nhỏ hơn.

Vì nhà nghèo, không có dịp được lên thành phố để mua các bộ tượng Noel, nên chúng tôi đành rủ nhau nặn đại những pho tượng nhỏ cỡ 2 hay 3 tấc cao, sau đó đem ra phơi nắng ngoài trời cho khô, rồi lấy mực màu của học trò sơn phết lên tượng, tạo ra những bộ quần áo màu mè sặc sỡ cho các pho tượng, cũng giống như những trang phục của dân Do Thái khi xưa.

Với “cây nhà lá vườn” do hoa tay của anh em chúng tôi, nên các pho tượng nhìn cũng không đến nỗi tệ. Sau đó chúng tôi ra bụi tre, chặt những cành tre nhỏ về cất lều tranh, ra đống rơm, rút rơm và cỏ đem về lợp mái, lấy giấy của bao xi măng cuộn lại làm đá, vì không có sơn, nên những cục đá của chúng tôi đặt chung quanh lều tranh là những cục đá giấy màu xám nâu. Nhờ những cây hoa cảnh nhỏ đặt chung quanh và 2 cây chuối trước lều của hang đá che đi, nên nhìn cũng giống như một căn lều lý tưởng, chỉ không có những sơi dây kim tuyến hoặc trái bóng lóng lánh, ấp ánh màu sắc như những căn lều trang trí hang đá Noel hiện đại của các nhà giầu thời nay.

Sau khi hoàn tất hang đá, bạn bè của chúng tôi và nhiều người lớn đến xem, mỗi người một ý kiến phê bình. Ông chú tôi đưa ra một ý kiến có vẻ thần học, cũng hay, ông biểu chúng tôi: Này tụi bay! Khi nào Lễ Thánh Gia Thất thì tụi bay phải đổi tượng Chúa Hài Đồng. Tụi bay phải nặn thêm Đức Mẹ bế Chúa Con, để thay thế Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ chứ. Sau 7 ngày là lễ Thánh Gia Thất rồi đến Lễ Hiển Linh mà Chúa Hài Nhi cứ nằm trong máng cỏ, thì có người lại biểu là Chúa Con sinh ra yếu ớt quá, cứ nằm trong máng cỏ hoài, hổng có nhúc nhích, chắc Chúa có vấn đề gì rồi, thế là mọi người cùng cười.

Thực hiện xong hang đá, anh em chúng tôi bàn với nhau, chú của mình nói cũng có lý đấy. Rồi chúng tôi lại rủ nhau ra bờ ao lấy đất sét, nặn thành pho tượng Đức Mẹ bế Chúa Con, sau đó đem ra phơi nắng cho khô, cũng sơn sơn, phết phết trên bộ áo Đức Mẹ cho đẹp, cất đi để dành đến ngày Lễ Thánh Gia Thất thì đặt trong hang đá trưng bày, thay thế tượng cũ.

Thường thường thì hang đá của gia đình chúng tôi bắt đầu khởi công, dựng lên từ ngày 15 tháng 12 và trưng bày cho đến qua ngày Lễ Chúa Hiển Linh hoặc đến ngày Lễ Chúa chịu phép rửa, anh em chúng tôi mới dọn dẹp. Vì đến ngày Lễ Hiển Linh chúng tôi còn phải trình làng ba Ông Vua, còn gọi là ba nhà Đạo Sĩ Tiên Tri đem quà tiến dâng cho Chúa nữa chứ. Ông Vua da đen thì chú em tôi lấy lọ nồi vẽ thành áo, còn cái khăn quấn trên đầu thì quét màu đỏ, răng trắng, môi đỏ trông rất nổi.

Vào những năm Bố tôi được bầu làm Chánh Trương giáo xứ, sau khi anh em chúng tôi thiết kế hang đá xong như mọi năm. Bố tôi ra chỉ thị cho anh em chúng tôi, không được trải rơm trước để làm máng cỏ, rồi Bố tôi gọi cả gia đình vào nhà cùng tâm tình bàn thảo.

http://www.vietcatholic.net/pics/20122007Hang%20Da%20Noel.jpg
Hang Đá Thời Nay

Bố tôi nói: “Các con làm hang đá có ý nghĩa, Bố rất thích, nhưng năm nay Bố đề nghị cả gia đình chúng ta, mỗi người cùng góp một tay làm máng cỏ cho Chúa. Các con tạm thời để một bó rơm ở ngoài hang đá và cứ để Chúa nằm trơ trụi trong máng cái đã. Sau đó mọi người trong gia đình chúng ta, kể từ Bố trở xuống cho tới thằng Út.

Bố liếc qua, liếc lại rồi nói tiếp: Kể cả Mẹ mày nữa, hễ ai làm bất cứ việc gì tốt, hoặc không nói hành nói xấu người khác, thì hãy tự đến bó rơm, lấy một cọng rơm bỏ vào trong hang đá làm máng cỏ cho Chúa. Còn ai mà làm điều gì xấu thì cũng tự động đến máng cỏ trong hang đá, lấy một cọng rơm trong máng cỏ bỏ ra ngoài. Chúng ta làm như vậy, xem trong suốt Mùa Giáng Sinh, cả gia đình chúng ta có bỏ đủ rơm vào làm máng cỏ cho Chúa được ấm hay không?”.

Nghe ra có lý, tôi rất mừng, mỗi buổi sáng và tối, tôi sốt sáng dậy đọc kinh, sau đó tôi đến gần hang đá lấy 2 cọng rơm bỏ vào máng cỏ. Ăn sáng xong, vòng tay thưa Bố, Mẹ rồi cắp sách đi học. Chiều về tôi cất cặp, vội chạy đến đứng trước hang đá gãi đầu, gãi tai nhìn Chúa rồi nghĩ thầm: Mẹ kiếp hôm nay mình đi học, giờ ra chơi, đánh khăng, đánh đáo, mình cãi lộn, chửi thề quá cỡ, không lẽ bây giờ mình phải lấy hết rơm của mình đã bỏ vào máng cỏ sáng nay ra ngoài, mà lại còn phải chôm thêm rơm của người nhà bỏ ra ngoài nữa, thật là bỏ mẹ rồi !!!. Khi tôi quan sát trong máng cỏ, tôi thấy cả nhà tôi chỉ bỏ vào máng cỏ được vài cọng rơm lưa thưa, lất phất. Mặc dù hang đá đã được dựng lên mấy ngày qua.

Ối cha ơi! Với cái đà này, thì năm nay Chúa Hài Nhi nằm trong hang đá nơi máng cỏ, chắc sẽ bị lạnh cóng đi mất, rơm đâu để mà trải ổ, làm máng cỏ cho Chúa đủ ấm.

Tuy đã bước vào tuổi trưởng thành, nhưng cứ đến mùa Giáng Sinh, tôi lại nghĩ đến lời giáo huấn của Bố tôi ngày xưa, giờ này tôi vẫn lưỡng lự, không biết mình có thực hiện được những điều như Bố đã dạy hay không? Mình phải làm gì cho Chúa Hài Đồng được ấm áp trong mùa đông tuyết phủ giá rét, lạnh lẽo đây?

Phiếm luận mùa Giáng Sinh 2007


Jos. Vĩnh SA