Dan Lee
12-24-2007, 06:09 PM
BÀI GIẢNG ĐÊM GIÁNG SINH
Khắp các nơi trên thế giới, người ta mừng lễ Noel rất long trọng, kể cả những vùng không có đạo, những người không theo đạo. Có những người tiêu xài rất nhiều tiền để có được niềm vui đêm Noel. Lễ Noel đã đi vào lịch sử nhân loại, và dường như không xoá bỏ được nữa.
Noel là lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu, đáng lẽ ra khi mừng lễ long trọng, người ta phải nghĩ tới Chúa, thì mới đúng! Ấy vậy mà rất nhiều người mừng lễ Noel không có Chúa, không nghĩ tới Chúa. Chỉ có cây Noel, có đèn sao, có bánh trái, có ông già Noel, có quà tặng, có nhạc Giáng sinh, có nhảy múa, có sân khấu, mà Chúa thì không có.
Còn anh chị em thì sao? Có Chúa ở giữa anh chị em không, có Chúa trong lòng anh chị em không? Anh chị em có nghĩ tới Chúa không? Tôi tin rằng có, và như thế lễ mừng Chúa Giáng sinh mới có ý nghĩa, và niềm vui của anh chị em mới đậm đà sâu sắc. Không những anh chị em nghĩ tới Chúa, mà anh chị em còn muốn đón Chúa vào trong tâm hồn của anh chị em, vào trong cuộc đời, trong gia đình của anh chị em.
Anh chị em không cư xử như người chủ quán trong bài tin mừng, đã từ chối, không đồng ý cho Mẹ Maria sinh ra Chúa trong nhà trọ của mình, vì Mẹ Maria và thánh Giuse là những người nghèo. Có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, giả như ông chủ quán biết chắc đó là Bà Maria, Mẹ Đấng Cứu thế và Chúa Hài nhi sắp sinh, thì sẽ đón rước long trọng! Họ đã không nhận ra Đức Mẹ, không nhận ra Chúa Hài nhi trong bụng Mẹ!
Quán trọ là hình ảnh của thế gian. Thế gian đã không nhận ra Chúa! Còn một hình ảnh khác nữa theo bài tựa Tin mừng Gioan, Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1, 11). Thế giới là nhà của Chúa, vì là do Chúa tạo dựng; thế giới còn là nhà của Chúa, vì tất cả loài người là anh em đồng loại của Chúa. Chúa đã làm người, Chúa là Con của Chúa Cha, Đấng tạo dựng trời đất, đã trở thành một người giữa muôn người, và ở giữa chúng ta. Tên của con người ấy là Giêsu. Ngài là Đấng Cứu thế, là Đức Kitô, là Đức Chúa, như lời thiên thần loan báo cho các mục đồng (Lc 2,11).
Những mục đồng tiêu biểu cho những con người chất phác đơn sơ, những con người nghèo nhưng lòng dạ ngay thẳng. Những con người ấy thì được loan báo, được thiên thần cho biết tin mừng trọng đại, sẽ là niềm vui của toàn dân (Lc 2, 10). Không những vậy, họ còn được chỉ dẫn chi tiết cách nhận ra Đấng Cứu thế: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ (Lc 2, 12).
Còn chúng ta là ai ? Chúng ta có được liệt vào hạng người giống như những mục đồng chăng ? Chúng ta có là những con người đơn sơ chất phác, hiền lành, hiếu khách, có lòng thương người, không coi thường ai, không khinh dễ những người nghèo, nhưng kính trọng họ và sẵn sàng phục vụ khi họ cần đến chúng ta ? Nếu chúng ta giống như những mục đồng, thì chúng ta có hy vọng nhận ra Chúa.
Vấn đề nhận ra Chúa là vấn đề mấu chốt của đời sống đạo, bởi vì nếu Chúa đến, mà chúng ta không nhận ra Chúa, thì chúng ta sẽ không tiếp đón Người, thậm chí còn hất hủi và có khi còn giết chết Người nữa. Vậy chúng ta hãy cầu xin để được nhận ra Chúa khi Chúa đến với chúng ta. Chúa đã đến, Chúa đã sinh ra cách đây hơn 2000 năm, nhưng ngay cả hôm nay, Chúa vẫn đến, Chúa vẫn sinh ra cho chúng ta, như lời thánh vịnh được trích dẫn để diễn tả mầu nhiệm «Chúa Cha sinh ra Chúa Con cho chúng ta » : Con là Con Ta, hôm nay ta đã sinh ra Con (Tv 2, 7).
Ngày xưa Chúa đã sinh ra ở Bêlem, nhưng mầu nhiệm Chúa Giáng sinh vượt không gian và thời gian, nên ngày hôm nay ta vẫn có quyền tự hỏi Chúa Giêsu sinh ra cho chúng ta ở đâu, khi nào và để làm gì ? Chúa Giêsu vẫn sinh ra nơi có người đón tiếp, và khi có người đón tiếp. Chúa Giêsu sinh ra trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta cởi mở tâm hồn đón tiếp Ngài. Vậy khi nào ta cởi mở tâm hồn để đón tiếp Ngài ? Đó là khi ta mở cửa tâm hồn, mở rộng trái tim để yêu thương người khác.
Khi ta yêu thương, thì tình yêu sinh ra trong lòng ta, mà Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4, 8), Chúa Giêsu cũng là Tình yêu được sinh ra bởi Thiên Chúa Tình yêu. Tình yêu ấy được sinh ra trong thế giới và cho thế giới, tình yêu ấy cũng được sinh ra trong lòng mọi người và cho mọi người, với điều kiện là trong lòng con người có chỗ cho tình yêu. Ước gì Chúa Giêsu sinh ra trong chúng ta và cho chúng ta đêm nay. Chúng ta sắp rước Mình Máu Thánh Chúa; đó là chính Chúa Giêsu đến với ta đêm nay. Ta hãy thờ lạy Chúa và tìm cách giới thiệu Chúa cho người khác. Chúa sẽ là niềm vui cho ta, sẽ là bình an cho ta và mọi người thiện chí.
+GM. Phaolô Bùi Văn Đọc
Khắp các nơi trên thế giới, người ta mừng lễ Noel rất long trọng, kể cả những vùng không có đạo, những người không theo đạo. Có những người tiêu xài rất nhiều tiền để có được niềm vui đêm Noel. Lễ Noel đã đi vào lịch sử nhân loại, và dường như không xoá bỏ được nữa.
Noel là lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu, đáng lẽ ra khi mừng lễ long trọng, người ta phải nghĩ tới Chúa, thì mới đúng! Ấy vậy mà rất nhiều người mừng lễ Noel không có Chúa, không nghĩ tới Chúa. Chỉ có cây Noel, có đèn sao, có bánh trái, có ông già Noel, có quà tặng, có nhạc Giáng sinh, có nhảy múa, có sân khấu, mà Chúa thì không có.
Còn anh chị em thì sao? Có Chúa ở giữa anh chị em không, có Chúa trong lòng anh chị em không? Anh chị em có nghĩ tới Chúa không? Tôi tin rằng có, và như thế lễ mừng Chúa Giáng sinh mới có ý nghĩa, và niềm vui của anh chị em mới đậm đà sâu sắc. Không những anh chị em nghĩ tới Chúa, mà anh chị em còn muốn đón Chúa vào trong tâm hồn của anh chị em, vào trong cuộc đời, trong gia đình của anh chị em.
Anh chị em không cư xử như người chủ quán trong bài tin mừng, đã từ chối, không đồng ý cho Mẹ Maria sinh ra Chúa trong nhà trọ của mình, vì Mẹ Maria và thánh Giuse là những người nghèo. Có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, giả như ông chủ quán biết chắc đó là Bà Maria, Mẹ Đấng Cứu thế và Chúa Hài nhi sắp sinh, thì sẽ đón rước long trọng! Họ đã không nhận ra Đức Mẹ, không nhận ra Chúa Hài nhi trong bụng Mẹ!
Quán trọ là hình ảnh của thế gian. Thế gian đã không nhận ra Chúa! Còn một hình ảnh khác nữa theo bài tựa Tin mừng Gioan, Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1, 11). Thế giới là nhà của Chúa, vì là do Chúa tạo dựng; thế giới còn là nhà của Chúa, vì tất cả loài người là anh em đồng loại của Chúa. Chúa đã làm người, Chúa là Con của Chúa Cha, Đấng tạo dựng trời đất, đã trở thành một người giữa muôn người, và ở giữa chúng ta. Tên của con người ấy là Giêsu. Ngài là Đấng Cứu thế, là Đức Kitô, là Đức Chúa, như lời thiên thần loan báo cho các mục đồng (Lc 2,11).
Những mục đồng tiêu biểu cho những con người chất phác đơn sơ, những con người nghèo nhưng lòng dạ ngay thẳng. Những con người ấy thì được loan báo, được thiên thần cho biết tin mừng trọng đại, sẽ là niềm vui của toàn dân (Lc 2, 10). Không những vậy, họ còn được chỉ dẫn chi tiết cách nhận ra Đấng Cứu thế: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ (Lc 2, 12).
Còn chúng ta là ai ? Chúng ta có được liệt vào hạng người giống như những mục đồng chăng ? Chúng ta có là những con người đơn sơ chất phác, hiền lành, hiếu khách, có lòng thương người, không coi thường ai, không khinh dễ những người nghèo, nhưng kính trọng họ và sẵn sàng phục vụ khi họ cần đến chúng ta ? Nếu chúng ta giống như những mục đồng, thì chúng ta có hy vọng nhận ra Chúa.
Vấn đề nhận ra Chúa là vấn đề mấu chốt của đời sống đạo, bởi vì nếu Chúa đến, mà chúng ta không nhận ra Chúa, thì chúng ta sẽ không tiếp đón Người, thậm chí còn hất hủi và có khi còn giết chết Người nữa. Vậy chúng ta hãy cầu xin để được nhận ra Chúa khi Chúa đến với chúng ta. Chúa đã đến, Chúa đã sinh ra cách đây hơn 2000 năm, nhưng ngay cả hôm nay, Chúa vẫn đến, Chúa vẫn sinh ra cho chúng ta, như lời thánh vịnh được trích dẫn để diễn tả mầu nhiệm «Chúa Cha sinh ra Chúa Con cho chúng ta » : Con là Con Ta, hôm nay ta đã sinh ra Con (Tv 2, 7).
Ngày xưa Chúa đã sinh ra ở Bêlem, nhưng mầu nhiệm Chúa Giáng sinh vượt không gian và thời gian, nên ngày hôm nay ta vẫn có quyền tự hỏi Chúa Giêsu sinh ra cho chúng ta ở đâu, khi nào và để làm gì ? Chúa Giêsu vẫn sinh ra nơi có người đón tiếp, và khi có người đón tiếp. Chúa Giêsu sinh ra trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta cởi mở tâm hồn đón tiếp Ngài. Vậy khi nào ta cởi mở tâm hồn để đón tiếp Ngài ? Đó là khi ta mở cửa tâm hồn, mở rộng trái tim để yêu thương người khác.
Khi ta yêu thương, thì tình yêu sinh ra trong lòng ta, mà Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4, 8), Chúa Giêsu cũng là Tình yêu được sinh ra bởi Thiên Chúa Tình yêu. Tình yêu ấy được sinh ra trong thế giới và cho thế giới, tình yêu ấy cũng được sinh ra trong lòng mọi người và cho mọi người, với điều kiện là trong lòng con người có chỗ cho tình yêu. Ước gì Chúa Giêsu sinh ra trong chúng ta và cho chúng ta đêm nay. Chúng ta sắp rước Mình Máu Thánh Chúa; đó là chính Chúa Giêsu đến với ta đêm nay. Ta hãy thờ lạy Chúa và tìm cách giới thiệu Chúa cho người khác. Chúa sẽ là niềm vui cho ta, sẽ là bình an cho ta và mọi người thiện chí.
+GM. Phaolô Bùi Văn Đọc