PDA

View Full Version : N-Nụ hôn trong chiếc hộp rỗng”



Dan Lee
12-24-2007, 06:54 PM
BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 07

“Nụ hôn trong chiếc hộp rỗng”


Kính thưa Ông Bà Anh Chị em, Kính thưa Quý Vị

Hình như, cứ mỗi độ Giáng Sinh về là mỗi lần chúng ta lại tìm được một ý nghĩa mới cho cuộc hành trình của kiếp nhân sinh. Năm nay, tôi xin được chia sẻ cùng ông bà anh chị em ý nghĩa nầy : GIÁNG SINH : NỤ HÔN NỒNG NÀN CỦA THIÊN CHÚA DÀNH CHO NHÂN LOẠI.

Để minh họa cho ý nghĩa nầy, tôi xin được kể một câu chuyện nhỏ mang tựa đề : NHỮNG NỤ HÔN TRONG CHIẾC HỘP RỖNG

Gia đình nghèo và việc chi tiêu rất eo hẹp. Nhưng cô bé lại dùng cuộn giấy gói xa xỉ đó chỉ để bọc một cái hộp đặt dưới gốc cây thông Nô-en. Người cha tỏ ra vô cùng giận dữ trước sự phí phạm của con gái. Mặc dù vậy, buổi sáng hôm sau, cô bé vẫn mang hộp quà đó tới trước mặt cha và hớn hở nói: “Cha ơi, con tặng cha món quà Giáng sinh!”. Người cha cảm thấy vô cùng bối rối bởi phản ứng thái quá trước đó của mình: Cô con gái nhỏ dù sao cũng chỉ muốn một hộp quà bọc gói thật đẹp để tặng cha. Nhưng khi mở gói quà ra, nụ cười vừa nở trên môi ông đã tắt lịm. Trước mắt ông chỉ là một chiếc hộp rỗng! Nhìn thẳng vào mắt con gái, người cha quát rất to: “Con không biết điều này hay sao? Khi con tặng quà ai đó, chắc chắn phải có gì đó bên trong gói quà!”. Cô bé nước mắt giàn giụa nhìn cha và nói: “Không, cha ơi. Chiếc hộp con tặng cha có rỗng đâu. Con đã thổi rất nhiều nụ hôn vào đó. Tất cả những nụ hôn đó con dành tặng cha mà.”...

Một thời gian ngắn sau đó, tai nạn xảy ra cướp đi cuộc sống của cô bé dễ thương. Còn người cha vẫn giữ bên mình chiếc hộp bọc giấy vàng tuyệt đẹp nhiều năm sau đó.

Và bất cứ khi nào ông cảm thấy tuyệt vọng, chán nản, ông đều lấy chiếc hộp ra và hình dung đến con gái bé bỏng yêu thương đang ôm và thơm vào má cha – những nụ hôn trong chiếc hộp ngọt ngào...

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Phải chăng, ý nghĩa đầu tiên và sâu sắc nhất của mầu nhiệm Thiên Chúa Giáng Sinh chính là “Chiếc hộp bằng vàng chứa đựng nụ hôn tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta”, đúng như lời khẳng định trong Tin Mừng Thánh Gioan :

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16.

Tuy nhiên, huyền nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh mãi mãi là một thách đố với trí óc và con tim giới hạn của loài người; vì thế, trong cuộc hội ngộ của đêm nay, tôi xin được trình bày đôi nét đan thanh như một sẻ chia và tâm sự để giúp nhau hiểu và cảm nhận đôi điều trong các chiều kích của huyền nhiệm cao cả mà thân thương nầy.

Nói cách khác, để cảm nhận được ý nghĩa “Giáng Sinh chính là nụ hôn nồng nàn của Thiên Chúa dành cho nhân loại”, chúng ta thử tìm câu trả lời cho những vấn nạn sau :

1. Tại sao Thiên Chúa lại phải xuống thế làm người ?

- Thiên Chúa làm người để con người được ơn cứu rỗi, hay như lời một Giáo Phụ : “Thiên Chúa làm người để con người được làm Chúa”.

Bởi chưng, nhờ ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa chiếu rọi vào hiện thực của kiếp nhân sinh, chúng ta nhận biết rằng : đã có một lúc, một thời điểm ở ngay buổi bình minh của kỷ nguyên sáng tạo, loài người đã quay lưng bội phản để thay vì tiến bước trong ánh sáng huy hoàng của những người con tự do, đã phải lầm lũi bước đi trong bóng đêm sự chết.

Vâng, sự sa ngã của A-đam, E-Va đã làm đảo lộn chương trình ban đầu của Thiên Chúa tình yêu. Đã ném thân phận con người xuống vực sâu của tối tăm và bất hạnh, của lầm lạc và tội lỗi, của xa biệt Chúa-Người, của đất-trời ngăn cách.

Tuy nhiên, cũng từ cái thuở hồng hoang mang bản án nô lệ của tử vong và bất hạnh đó, Thiên Chúa đã quyết định vạch một lộ trình mới, “lộ trình cứu độ”, lộ trình tái tạo toàn bộ kiếp phận con người trong quỷ đạo tình yêu và sáng tạo mới của Thiên Chúa.

Nói cách khác : Thiên Chúa muốn nâng con người lên, đem con người vào vị trí cao cả mà ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn tác tạo : đó là giống hình ảnh Người, đó là được tham dự vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là được chia sẻ vinh quang trong tước phận con cái cái của Thiên Chúa.

Và “nhân vật’ được phân công” để thực hiện dứt khoát chương trình cứu rỗi nầy lại là chính “Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa”, là Con Một tự nơi cung lòng Chúa Cha, là “Lời toàn năng vĩnh cửu” đã hiện hữu tự muôn đời muôn kiếp trong ánh sáng uy linh của Thiên Chúa quyền năng.

Và để cái ngày “chan hòa ánh sáng” đó hiện thực, cái ngày được giải thoát đích thực khỏi kiếp nô lệ và lưu đày dưới quyền lực của tội lối và sự chết, Thiên Chúa đã đã không ngừng loan báo những Tin Vui, những tín hiệu của niềm hy vọng xuyên suốt lịch sử con người mà lịch sử của dân tộc Ít-ra-en, dân được chọn, như là một bức màn phông hiển thị.

Sứ điệp của sứ ngôn Isaia vừa được công bố trong Bài đọc 1 hôm nay là một trong những tin vui như thế :

“Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi…Vì cái ách đè lên cổ dân, cái gậy đạp xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-dian. Vì mọi giày lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. Vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người con đã được ban tặng cho chúng ta” (BĐ 1).

Như thế, cứu rỗi loài người đó chính là tiêu đích, lý do chính yếu của việc Thiên Chúa Nhập Thể làm người. Tuy nhiên, động lực trong công cuộc cứu rỗi lại chính là tình yêu.

- Thiên Chúa làm người để con người biết yêu thương như Thiên Chúa.

Vâng, chúng ta chỉ hiểu được, chỉ chấp nhận được mầu nhiệm Giáng Sinh nầy trong chiều kích TÌNH YÊU, trong ý nghĩa tình yêu.

- Giáng sinh : đó là tình yêu của Thiên Chúa

- Giáng sinh : đó là tình yêu của Thiên Chúa hiện thực trong lịch sử con người.

- Giáng sinh : đó là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện cách trọn vẹn và hết mình.

- Giáng sinh : đó là cách thế để Thiên Chúa dạy cho con người biết thế nào là yêu thương và phải đáp trả tình yêu dành Ngài và cho nhau phải được thể hiện làm sao.

Thi sĩ linh mục Trăng Thập Tự đã cảm nhận sâu xa ý nghĩa nầy trong bài thơ Tại Sao mà xin được trích ra đây đôi dòng tiêu biểu :

Còn Ngài yêu con, Ngài đã làm người
Để có thể khóc, để có thể cười,
Để có thể chết thay con mà chuộc tội,
Và nhờ đó con hiểu thế nào là tội lỗi,
Thế nào là lòng Chúa thương yêu.
Để con hiểu ra vẽ diễm kiều
Khi được làm người, khi được làm con Thiên Chúa.
Lạy Đấng Cứu Thế, là Trời, là Tạo Hóa,
Chiều nay trên thập giá,
Chúa có ân hận đã làm người?
Con hỏi và con tự trả lời
Khi con đã biết
Ngài yêu là yêu cho đến đời đời kiếp kiếp
Lạy Thượng Đế làm người, lạy Chúa Giêsu

(Trăng Thập tự, “Có ai về Cát Minh”, Bài “Tại Sao”, tr.184-186)

2. Thiên Chúa Giáng Sinh có liên hệ gì đến tôi ?

Tuy nhiên, trong đêm nay cũng có kẻ sẽ tự nói rằng : Giáng Sinh đó là câu chuyện huyển tưởng của bọn Kitô giáo, có liên hệ gì đến mình đâu.

Không có liên hệ đấy quý vị. Chỉ cần 6 ngày nữa, khi tấm lịch cuối cùng ngày 31 tháng 12 năm 2007 được xé bỏ để bắt đầu tờ lịch mới 1.1.2008, cũng đã nói với quý vị rầng : Ngày sinh của Chúa Giêsu mà hôm nay chúng ta mừng kính đã được chọn làm cột mốc của khởi đầu cho Công lịch. Kể từ năm sinh của Ngài đến hôm nay đã được 2007 năm.

Nhưng điều chúng ta cần dừng lại đó lại là ý nghĩa tâm linh và chiều kích nhân sinh, xã hội mà mầu nhiệm Giáng Sinh mang đến cho con người.

Chúng tại phải trở về với lời Kinh Thánh, đặc biệt sứ điệp Tin Mừng được công bố hôm nay để tìm những chỉ dẫn cho những ý nghía nầy :

Bài Tin mừng Luca, với giọng văn lịch sử mang phong cách Hy lạp, tác giả Luca đã làm bật nổi biến cố Giáng Sinh với những lời và bối cảnh thật ấn tượng : “Trong vùng ấy có những người chăn chiên sống ngoài đồng…bổng sứ thần Chúa trong vinh quang sáng láng hiên ra loan báo rằng : “Anh em đừng sợ. Nầy tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân : là hôm nay, trong thành vua Đa-vít, Đấng Cưứ thế đã giáng sinh…”

Với những lời tiên báo đó, với những sứ điệp vui mừng và hy vọng về một Đấng Cứu thế ra đời đó, quả thật loài người đã có được những gì, đã chứng kiến được, đã cảm nhận thật sự điều gì đã xảy ra ? Có hay không Một Đấng Cứu thế như lòng họ hằng mơ ước ? Có hay chăng một Vị Vua oai hùng lẫm liệt đăng quang trở về chấp chính để an bang tế thế ? Có hay chăng một Đấng Cứu tinh mang lại no cơm ấm áo, đất đai biên giới mở rộng thênh thang, quyền uy chính trị trãi trên ngàn dân nước ?

Không ! Hoàn toàn trái ngược hẳn :

- Thay vì một hoàng tử sinh ra trong gác tía lầu son, Đấng Cứu Thế lại là một em bé sinh ra trong hang lừa máng cỏ.

- Thay vì một Đế vương chấp chính oai phong trên ngai vàng lẫm liệt, Đấng Cứu Thế lại được Chúa Cha giới thiệu với loài người đang khi chen lẫn giữa đám dân đen tụ tập cùng nhau sám hối bên bờ sông Gio-đan.

- Thay vì công bố giữa triều đình oai nghi những đề cương kinh tế chính trị xã hội bài bản, Đấng Cứu thế lại rao giảng một Tin Mừng “Tám Mối Phúc Thật” chỉ thích hợp cho những kẻ nghèo khổ bất hạnh.

- Thay vì chinh phạt với vó ngựa, gươm đao để mở rộng cõi bờ, sát phạt muôn dân, Đấng Cứu thế lại chủ trương “phúc cho ai xây dựng hòa bình, phúc cho ai bị bách hại vì chính đạo...”

- Thay kéo bè kết cánh với những thế lực uy quyền và giàu có, Đấng Cứu thế lại giao du thân mật với những người nghèo, kẻ bất hạnh và chọn lựa những kẻ thất học, dân chài vai u thịt bắp để làm môn sinh và xây dựng. Giáo Hội

- Thay vì đăng quang chấp chánh trên ngai vàng lẫm liệt bắt muôn dân sấp mặt cuối đầu thì Đấng Cứu thế lại chấp nhận một bản án bất công và chịu tử hình Thập Giá, một cái chết dành riêng cho hàng nô lệ…

Quả thật, sự xuất hiện và cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế mãi mãi là một thách đố để chúng ta tin nhận, là một huyền nhiệm để chúng ta đi tìm. Nếu hôm nay, chúng ta đến đây, chúng ta cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh nầy, chúng ta tìm kiếm một “Ông Giêsu” chỉ với mục đích là được no cơm ấm áo, chỉ với một ước nguyện là được tiền tài danh vọng và những bảo đảm vật chất, chỉ với một mưu cầu là đạt được những mưu đồ chính trị…thì có lẽ chúng ta sẽ ra về trong thất vọng. Bởi vì Tin Mừng Giáng Sinh, Chân lý của Đức Kitô, con đường nhân sinh của Kitô giáo không đề nghị cho chúng ta những giải pháp trần tục đó, những hứa hẹn vật chất chóng tàn đó. Bởi vì Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài tuyệt đối không phải là một ý thức hệ, một chủ nghĩa, một học thuyết chính trị-kinh tế, cho dù đã có không ít đề nghị, chủ trương Ngài là Nhà Cách mạng vô sản, Ngài là lãnh tụ của thành phần dân nghèo đứng lên đòi quyền giả phóng.... Bởi vì Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi duy nhất là Đấng Cứu Độ, là Đấng, như lời kinh thánh “ trong Bài đọc 2 vừa được công bố hôm nay “đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (BĐ 2), là Đấng qui tụ nhân loại thành anh em trong gia đình Thiên Chúa để dẫn tất cả vượt qua kiếp sống trần gian tiến về hạnh phúc vĩnh hằng.

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Trong mùa Giáng Sinh nầy chúng ta đã từng nhận được rất nhiều cánh thiệp chúc mừng Giáng Sinh, và chắc chắn ai trong chúng ta cũng ước mơ những lời chúc ấy sẽ trở thành hiện thực. Riêng tôi, tôi ước mong anh chị em nhận được “chiếc hộp vàng đựng nụ hôn của Chúa Hài nhi”. Bởi vì khi Thiên Chúa “hôn chúng ta” cũng có nghĩa là Ngài ban cho chúng ta muôn vạn hồng ân, Ngài thương yêu đùm bọc chúng ta trên mọi nẽo đường cuộc sống và sẽ đồng hành chia ngọt xẻ bùi với chúng ta trong mọi niềm đau nổi khổ của đời thường. Tuy nhiên, để nhận được cái “nụ hôn ân phúc” đó, chúng ta phải mang đến một món quà nào đó để dâng tặng Thiên Chúa, như các chú mục đồng Bê-lem năm xưa đã đem theo bò lừa để dâng hơi ấm, như ba Vua Phương Đông đem theo vàng, nhũ hương, mộc dược. Dĩ nhiển, Thiên Chúa không đòi hỏi bạc vàng châu báu, những của cải giàu sang…Thiên Chúa ưa thích nhất là “tấm lòng” chân chất, là trái tim yêu thương, là tâm hồn khiêm hạ. Và như thế, lời mời gọi của đại lễ Giáng Sinh hôm nay cũng chính là lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt nam trong thư chung 2007 : Giáo dục gia đình Công Giáo. Đó là mỗi người chúng ta phải biến cuộc đời mình, gia đình mình, cộng đoàn mình thành Tin Mừng Giáng Sinh, thành một Quà Tặng Giáng Sinh, quà tặng của sự trung thành và hy sinh trong mái ấm gia đình, quà tặng của yêu thương và phục vụ ở giữa cộng đoàn, quà tặng của bác ái vị tha với mọi người chung quanh, quà tặng của bao dung tha thứ dành cho những người ghét ghen đố kỵ và xúc phạm đến mình. Chắc chắn, khi có được những quà tặng như thế, chúng ta sẽ nhận được “chiếc hộp vàng đựng nụ hôn chúc phúc của Chúa Hài Nhi Giêsu”, nụ hôn của niềm vui và an bình, nụ hôn của tin yêu và hạnh phúc hôm nay để dẫn dắt chúng ta đi trót cuộc hành trình dương thế để nhận được nụ hôn của Ba Ngôi Thiên Chúa trong hạnh phúc vĩnh hằng. Bởi vì, đó chính là lời chúc mà các thiên sứ đã hát lên trong đêm Giáng Sinh đầu tiên ở Bê-lem : ”Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”; và đó cũng chính tiêu đích của cuộc Nhập thể - Giáng sinh mà chính Chúa Giêsu đã từng khẳng định : “Ta đến để chúng được sống và sống phong phú”. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền