PDA

View Full Version : Đoàn Chuẩn & Từ Linh - Cổ Ngư



delta
12-26-2007, 05:42 PM
Đoàn Chuẩn - Từ Linh :::

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/DoanChuan11950.jpg
Đoàn Chuẩn Và Bạn 1950

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/TuLinhVaVo.jpg
Từ Linh và Vợ

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/doanchuanban.jpg
Đoàn Chuẩn và Bạn 1980

Lời: Cổ Ngư

Tà Áo Xanh Giữa Mùa Vàng Quyến Rũ
Với bao tà áo xanh, đây mùa thu,
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ,
Lá vàng, từng cánh, rơi từng cánh,
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa
Gửi gió cho mây ngàn bay - Đoàn Chuẩn

Tôi thường tự hỏi: vì sao mùa xuân và mùa thu lại gieo vào lòng người nhiều cảm hứng dào dạt, để từ đó nảy mầm, đâm chồi kết hoa, tạo tác nên những áng văn thơ, những dòng âm điệu trác tuyệt trải suốt mấy ngàn năm, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, không loại trừ một dân tộc, một nền văn minh nào cả. Có phải vì cái "chớmữ thường tạo nhiều cảm xúc? Mùa hạ mãn khai với cái nóng nung đỏ tình người hay mùa đông lê thê phủ màu giá buốt tàn tạ lên hồn người cũng đôi khi gợi hứng, nhưng là cái hứng nơi cực điểm, mãnh liệt cuồng bạo hoặc gãy đổ tang thương. Không lãng đãng, không mênh mang. Không "chớm xuân, chồi lộc nhú". Không "chớm thu, lá nhuốm vàng". Mùa xuân thường mở ra đôi mắt mới trong mỗi người, nhìn vạn vật kỳ diệu hồi sinh sau ngày tan tuyết. Mùa xuân thổi gió lành, nâng cánh hồn lơ lửng hân hoan. Như diều tuổi thơ. Lòng người hóa trẻ dại. Tâm đơn sơ. Ý thơ nguồn nhạc hội tụ. Từ đó, tác phẩm ra đời... Còn mùa thu. Màu vàng hoang mang thường níu trí tưởng của người từ trời la đà rơi về đất. Lá lìa cành. Phân ly. Điềm gở báo trước cái chết của thời hoàng kim. Nỗi buồn dâng lên. Đầy. Mọng. Vỡ. Tràn ngập. Lai láng đến mênh mông. Mùa thu thả tình người lên thuyền, dong buồm về nơi vô định. Nghiêng. Chao. Lênh đênh. Lãng mạn. Sóng vỗ mạn thuyền. Sóng vỗ trong lòng, rào rạt thi tứ, ầm ào thanh âm. Từ đó, tác phẩm ra đời...

Tôi muốn, như nhà thơ, nghe tiếng sóng ở trong lòng, nên đi tìm mùa thu trong âm nhạc Việt Nam. Mùa thu đông phương nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư nhẹ bước vào nhạc Phạm Duy. Mùa thu tây phương mưa rơi não nề bên vườn Lục-xâm, ướt đầm những phím dương cầm của Phạm Trọng. Văn Cao nghe tiếng chân vọng mà than thở nỗi buồn tàn thu. Trịnh Công Sơn nhìn những mùa thu đi mà chợt tiếc mộng nhạt phai. Ngô Thụy Miên quyện chặt mùa thu vào tình yêu. Từ ca khúc đầu tay đến nhạc phẩm mới nhất của ông, mùa thu và tình yêu đều hiển hiện đậm nét hoặc bảng lảng, e ấp lẩn khuất giữa những âm thanh dịu ngọt, mượt mà. Có người gọi ông là nhạc sĩ của mùa thu. Có người tôn vinh ông là nhạc sĩ của tình yêu. Ở đây, trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nhắc đến một cái tên khác, một dòng nhạc khác cũng nồng nàn hương sắc mùa thu và tình yêu: Đoàn Chuẩn, người nhạc sĩ cuối thời tiền chiến.

Ở tuổi thanh niên, Đoàn Chuẩn đem đàn đi kháng chiến. Ông trú ở làng Ngô Xá, Thanh Hóa, gần thị trấn Hậu Hiền, nơi Tô Vũ hát cho Tạ Phước nghe nhạc phẩm bất hủ
"Tiếng chuông chiều thu", cũng là nơi Đoàn Chuẩn cùng Ngọc Bích, người guitare hawaiienne, người guitare espagnole, hát vui với đám đông tại trường Nguyễn Thượng Hiền. Thời loạn lạc ấy, khi những khúc quân hành hùng tráng, sôi nổi, hay bao trường ca khơi động lòng yêu quê hương, yêu thiên nhiên vang vang khắp nơi, thì những nhạc phẩm đậm đặc phong thái tiểu tư sản thành thị của ông, như từng nét chạm, đường thêu tỉ mỉ, lại vực dậy trong lòng người nghe bao hoài niệm về một thời thanh bình cũ. Ngồi bên bờ sông Chu, Đoàn Chuẩn nhìn dòng nước lững lờ theo một điệu luân vũ chậm, nhớ nơi xa, nhớ ngày xưa:
Khi nắng vàng lan khắp trời,
Bầy chim tung cánh về
Phương trời xa xôi ấy.
Sông long lanh trong nắng vàng,
Vang lên những tiếng cười,
Ngày ấy xa rồi...
Và rồi, tình yêu cùng mùa thu, như một điều không thể tránh khỏi, bay lên thanh thoát theo những nốt nhạc bên dòng sông. Trong khi mọi người còn say sưa vỗ súng nhịp tay hát "Thu chiến trường" của Phạm Duy:
Ai chinh phu nghe mùa thu tới
Âm vang trong trời, hồn quê đến với muôn đời.
Hề thu ơi ới! Hề thu ơi ới!
Nghe gió thu tơi bời trong góc trời chiến tranh,
Nghe lá thu thương tình bao kiếp người mong manh...
Đoàn Chuẩn, với điếu Cotab gắn chặt trên môi và cây đàn guitare không rời khỏi tay, thong thả nhả tơ lòng:
Anh mong chờ mùa thu,
Trời đất kia ngả màu xanh lơ,
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa,
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Anh mong chờ mùa thu,
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai,
Từng cánh chim ngập ngừng không muốn bay,
Mùa thu quyến rũ anh rồi...
Mùa thu quyến rũ người nhạc sĩ trẻ, không phải chỉ vì sắc trời xanh lơ của những ngày nắng đẹp mà còn vì đường xưa lối ngập lá vàng những ngày gió lộng:
Lá thu còn lại đôi ba cánh,
Đành lòng cho nước cuốn hoa trôi...
Mùa thu còn mời gọi người nhạc sĩ bước vào thú đau thương, dẫn lối đưa chân tìm về những kỷ niệm cũ, và buồn:
Mộng nữa cũng là không,
Ta quen nhau mùa thu,
Ta thương nhau mùa đông,
Ta yêu nhau mùa xuân,
Để rồi tàn theo mùa xuân,
Người về, lặng lẽ sao đành?
Vì :
Tình em như mây trong mùa thu
Bay rợp lối,
Rồi tan trong chiều vắng
Khi gió mang về thành mưa...
Dù yêu nhau một sớm, nhớ nhau bao mùa thu, nhưng khi tình đã tàn như lá, tan theo mây, nỗi nhớ đành nén chặt trong tim. Người yêu đi lấy chồng:
Thu đi, cho lá vàng bay,
Lá rơi, cho đám cưới về,
Ngày mai, người em nhỏ bé
Ngồi trong thuyền hoa,
Tình duyên đành dứt!
Tình lỡ làng như lá vàng bay. Thôi thế từ đây... Người nhạc sĩ đành thầm nhủ:
Có hoa nào không tàn?
Có trời nào không mây?
Có tình nào không phai?
Rồi tự trấn an:
Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ,
Chóng tàn, vì vướng muôn ý thơ...
Nhưng người nghệ sĩ, dù tình đa mang, vẫn không phải một sớm một chiều quên được kỷ niệm cũ:
Nhớ tới mùa thu năm nao, mình anh lênh đênh rừng cùng sông,
Chiếc lá thu dần vàng theo,
Nhớ tới ngày nào, cùng bước đến cầu, ngồi xõa tóc thề,
Còn đâu ân ái chăng, người xưa?
Vài mùa thu nữa trôi qua. Sắc màu tình cũ nhạt dần, người nhạc sĩ đem lòng mơ say một bóng hình khác:
Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm,
Nơi quán cô đơn, mơ qua trùng sóng,
Mơ đến bên em, em tô quầng mắt,
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung...
Tấm áo nhung kia hẳn phải ánh sắc xanh của da trời mùa thu đất bắc, để người nhạc sĩ khắc khoải dạo lên bao cung điệu:
Anh mong chờ mùa thu,
Tà áo xanh nào về với giấc mơ,
Màu áo xanh là màu anh trót yêu,
Người mơ không đến bao giờ...
Không, người mơ có khi cũng bước chân ra khỏi mộng ảo để đến gần, thỏ thẻ bên tai:
Em còn nhớ, anh nói rằng:
Khi nào em đến với anh,
Xin đừng quên chiếc áo xanh...
Màu áo xanh, với chàng nhạc sĩ, đã mãi mãi trở thành lời thề non hẹn biển:
Hẹn một ngày nao,
Khi màu xanh lên tà áo,
Tình thương lên quầng mắt,
Anh đón em về thuyền mơ...
Và, cũng như chàng Tú Uyên được sống đời với người đẹp trong tranh, Đoàn Chuẩn một thời ngập tràn hạnh phúc cùng người mình yêu. Rồi, chiến tranh, kháng chiến, biệt ly:
Còn đêm nay nữa,
Ta ngồi với nhau,
Ngước mắt trông trời,
Ngày mai, anh đã xa rồi...
Vợ chồng son trẻ mỗi người một nơi. Từ miền sông Chu Thanh Hóa, Đoàn Chuẩn ôm đàn nhớ vợ, lưu lạc theo đoàn nữ cứu thương tận núi rừng Việt Bắc. Người nhạc sĩ cất tiếng hát:
Từ một nơi xa xôi,
Cách bao núi rừng, suối đồi,
Anh gửi mấy cánh hoa về người yêu,
Hoa lan hương màu trắng,
Như duyên em thầm kín
Trong hương thu màu tím buồn...
Hoa, thường đi kèm với những lá thư xanh màu hy vọng, nhốt cả gió, cả bướm, cả trăng vào đó:
Gửi gió cho mây ngàn bay,
Gửi bướm muôn màu về hoa,
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian...
Có nỗi nhớ nào mà giống nỗi nhớ nào? Tú Uyên nhìn tranh mà ước gặp được người trong mộng. Đoàn Chuẩn nhìn khói thuốc uốn lượn mà mong vượt vạn dặm đường để đến bên vợ hiền:
Qua bao rừng núi, anh về đây,
Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây,
Đường về Việt Bắc xa xôi rừng núi,
Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi,
Đường về Việt Bắc xa xôi núi đồi...
Ông còn tưởng tượng ra tâm cảnh của người phương xa, nhìn mùa thu rơi mỗi khi tựa cửa chờ đêm về trên chập chùng đồi núi:
Thu nay vì đâu nhớ nhiều?
Thu nay vì đâu tiếc nhiều?
Đêm đêm nhìn cây trút lá,
Lòng bỗng rộn ràng, ngỡ bóng ai về...

Đầu thập niên 50, Đoàn Chuẩn về thành. Tại Hải Phòng, ông tung ra một loạt ca khúc lãng mạn mà ông đã nâng niu, ấp ủ từ lâu. Trừ bài "Sông Chu", không hiểu vì sao. Nhạc Đoàn Chuẩn, thêm lời của Từ Linh, lại càng trữ tình, tha thiết. Cái tên kép Đoàn Chuẩn-Từ Linh từ đó trở nên quen thuộc với giới yêu nhạc, nhất là tầng lớp thanh niên, học sinh, trí thức thành thị... Đến 1954. Đất nước chia đôi. Từ Linh di cư vào nam. Đoàn Chuẩn chọn ở lại, và sáng tác sau đó ít lâu một nhạc khúc mang dấu vết thời cuộc. Với cùng một tứ nhạc, ông vẽ lại hình dáng yêu kiều của người thiếu nữ Hà thành ngày cũ:
Em tôi đi, màu son lên đôi môi,
Khăn san bay lả lơi bên vai ai,
Trời thắm gió trăng hiền,
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên...
Nay đã đi thật xa, vào mãi tận Sài Gòn:
Xuân năm nay, đường đêm Catinat,
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa,
Dần trắng xóa mặt đường,
Một người em gái nhớ người thương...
Ông mơ ước:
Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh, khôn ai lường,
Cầu chia giới tuyến đến mãi đây, sáng đất bằng,
Nụ cười trong gió sớm, anh đến chờ em
Giữa cầu Hiền Lương...
Nhưng ngày thống nhất ấy không đến như mong đợi. Bức màn tre dần khép lại trên miền bắc, bóp nghẹn đi dòng âm thanh lãng mạn tiểu tư sản. Ở miền nam, Anh Ngọc vẫn day dứt với "Lá đổ muôn chiều", Duy Trác vẫn hát "Đường về Việt Bắc", Khánh Ly không quên "Lá thư", Mai Hương dịu dàng bên "Cánh hoa duyên kiếp", Họa Mi vút cao gọi "Chuyển bến", Tuấn Ngọc rộn rã với "Tình nghệ sĩ"... Rồi 1975, Sài Gòn thất trận. Người dân Việt phía nam vĩ tuyến 17 đành bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng lại trĩu nặng trong lòng một di sản văn hóa quý báu. Những thơ, văn, nhạc, kịch của một thời, nhờ đó mà sống sót qua cơn đại hồng thủy. Nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn cũng không bị bỏ quên. Những âm điệu quen thuộc lại tiếp tục vang lên bên kia bờ Thái Bình Dương, với một lớp ca sĩ mới, đầy sức sống : Vũ Khanh, Thái Hiền, Nguyễn Thành Vân, Anh Dũng... Tại Việt Nam, sau hơn mười lăm năm thống nhất đất nước, "Gửi gió cho mây ngàn bay" và những nhạc phẩm cùng tác giả mới chính thức được phép cho hát trở lại, rồi quay thành video, với phần dàn dựng của đạo diễn Đinh Anh Dũng. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nay không còn nói được rành rẽ, phải dùng bút đàm, chắc hẳn đã có lúc lặng người khi nghe lại những dòng nhạc cũ do chính mình tác tạo, nay phục sinh chắp cánh bay lên cùng các tiếng hát Ánh Tuyết, Lê Dung, Hồng Nhung, Thu Hà... Hà Nội vẫn mãi mãi là Hà Nội kiều mị của "Gửi người em gái". "Tà áo xanh" vẫn muôn thuở khua lên rộn rã niềm yêu trong lòng kẻ si tình. Còn mùa thu, xưa lâng lâng với "Thu quyến rũ" hay buồn tủi theo "Lá đổ muôn chiều", nay lại thêm dư vị đắng chát trong "Vàng phai mấy lá", ca khúc cuối cùng của người nhạc sĩ tài hoa một thời. Vâng, chỉ một thời, chưa đầy mười năm. Vô cùng ngắn ngủi.
Khi mùa thu đến báo :
Tình duyên đã dứt, đường chia đôi lối,
Gió nâng mây về trời,
Đời nào quên cánh diều bay...
Em khác gì Quỳnh Dao,
Lúc cát lầm, phung phí hết xuân xanh,
Lúc đêm về,
Thương cho đời,
Và cũng ghét cho đời,
Và cũng chán cho đời!
Mưa dồn trôi nước lũ,
Xuôi dòng, thả hết bụi nhơ,
Xuôi dòng, trầm câu hát tương tư,
Nhủ lòng : thôi hết những mùa thu!

Kính tặng bố, tuổi bảy mươi
Cổ Ngư

CHOISY-LE-ROI 06.1999
Ghi chú :
Bài viết này sử dụng một số lời hát, trích dẫn từ mười hai ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn:
Gửi gió cho mây ngàn bay,
Sông Chu,
Thu quyến rũ,
Lá đổ muôn chiều,
Tà áo xanh / Dang dở,
Cánh hoa duyên kiếp,
Tình nghệ sĩ,
Lá thư,
Chuyển bến,
Đường về Việt Bắc,
Gửi người em gái,
Vàng phai mấy lá / Vĩnh biệt.

Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy, các anh Đoàn Khoa và Nguyễn Thành Vân đã sốt sắng tìm giúp ảnh nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, góp phần làm phong phú thêm bài viết

delta
12-26-2007, 05:46 PM
Đoàn Chuẩn, Tình Nghệ Sĩ

Trong cảnh phong trần của lịch sử dân tộc, mỗi con người đều mang chút thân phận éo le, không cứ gì các bậc tài danh. Nhưng tài danh thì nhiều người biết đến và trở thành tiêu biểu, như mấy nhạc sĩ vừa qua đời trong năm nay: Trịnh Công Sơn, Hoàng Thi Thơ, Ngọc Bích.

Và mới đây, Đoàn Chuẩn đã ra đi ngày 15 tháng 11, tại Hà Nội.

Từ nửa thế kỷ nay, bao nhiêu người đã hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay mà không biết tác giả là ai, ở đâu, làm gì.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924 tại Cát Hải, Hải Phòng, trong một gia đình tư sản, chủ hãng nước mắm Vạn Vân lừng danh, đã đi vào tục ngữưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.

Ông học tây ban cầm với Nguyễn Thiện Tơ, rồi hạ uy cầm với William Chấn. Tuổi trẻ hào hoa, chỉ thích... xe hơi ! Ông có 6 "ô-tô", trong đó có chiếc Ford Frégatte sang hơn Thủ Hiến. Kháng chiến bùng nổ, gia đình dời về Thanh Hoá, Đoàn Chuẩn gặp Tô Vũ, Tạ Phước, cùng đi hát với Ngọc Bích (xem Diễn Đàn số trước) và sáng tác bài Tình Nghệ Sĩ (1948), Sông Chu (chưa phổ biến). Sau đó, ông theo một đoàn cứu thương, lên Việt Bắc, làm bài Đường về Việt Bắc.

Bỏ kháng chiến về thành khoảng 1950, ông tung ra một loạt ca khúc đã sáng tác từ trước, làm thêm nhiều bài mới, được các đài phát thanh nồng nhiệt phát sóng và nhà Tinh Hoa xuất bản dưới tên: Nhạc Đoàn Chuẩn - Lời Từ Linh. Đến năm 1954, Đoàn Chuẩn chọn ở lại Hà Nội, Từ Linh di cư vào Nam, mất năm 1992. Dù có ký tên chung, Đoàn Chuẩn là tác giả duy nhất cả nhạc và lời: chính ông tuyên bố như vậy mà không ai cải chính; ngay tại miền Nam, cũng không ai hay biết gì về Từ Linh.

Năm 1956, hãng nước mắm Vạn Vân bị tiếp quản và tài sản Đoàn Chuẩn bị tịch thu trong đợt cải tạo công thương nghiệp tư bản, nhưng gia đình còn mua được căn nhà số 9 đường Cao bá Quát, Hà Nội. Thời gian này, ông có làm bài Gửi Người Em Gái đã di cư vào Nam. Ông sống âm thầm, ngưng sáng tác, chỉ dạy nhạc tại nhà, được gọi là Phân bộ 2 của Trường Âm Nhạc Dân Lập. Đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu não, nhạc sĩ Phạm Duy về nước, ghé đến thăm lúc ông còn hôn mê. Sau đó thì mất tiếng nói, chỉ tỉnh trí để bút đàm cho đến lúc qua đời, 22 giờ, ngày 15.11.2001.

Đoàn Chuẩn sáng tác trong một thời gian ngắn 1948-1956, mà chủ yếu là 3 hay 4 năm chung quanh thời điểm 1950, được 10 bài nổi tiếng, còn 6 bài không phổ biến. Tại Miền Bắc, tác phẩm Đoàn Chuẩn không đựợc hát, vì nội dung ủy mỵ của ca khúc và lý lịch tác giả; khi đất nước thống nhất, sau 1975, nhạc ông vẫn bị cấm hát cho đến khoảng 1990. Tại Miền Nam trước 1975, ca khúc Đoàn Chuẩn được phổ biến sâu rộng với lớp người di cư, vì đáp ứng với hoài niệm của giới văn nghệ sĩ gốc Bắc và nhu cầu của giới trí thức, thanh niên, sinh viên thành phố.

Nhạc Đoàn Chuẩn được xếp vào nhạc tiền chiến một cách võ đoán. Một mặt, chữ "tiền chiến" áp dụng cho văn học nghệ thuật Việt Nam là một lối nói tuỳ tiện; mặt khác bài hát đầu tiên của Đoàn Chuẩn là Tình Nghệ Sĩ làm năm 1948 thì không thể gọi là tiền chiến.

Người viết lịch sử tân nhạc cũng hờ hững với ông; ngoài những thành kiến, họ còn cho rằng những bài thu ca của ông không mang lại gì mới, so với Đặng Thế Phong và Văn Cao; đề tài mùa thu cũng đã muôn đời, từ thơ Đường thơ Tống. Nói vậy thì không lý giải được lòng yêu chuộng của thính giả, và của giới ca nhân, từ Anh Ngọc, Sĩ Phú trước kia, đến ánh Tuyết, Lê Dung gần đây.

So sánh bao giờ cũng giản lược, tôi đành giản lược cho dễ hiểu, trong một bài báo.

Ba bài hát mùa thu của Đặng Thế Phong là tiếng kêu thất thanh của niềm cô đơn tuyệt vọng, không cần hồi âm:Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương
Thuyền mơ buông suôi dòng
Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi ! Đừng chờ mong.(Con thuyền không bến)
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về(Giọt Mưa Thu)
Nhạc thu của Văn Cao là tiếng khắc khoải của một nghệ sĩ đi tìm tâm hồn đồng điệu:Đêm mùa thu chết
Nghe mùa thu rớt
Rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
(Buồn Tàn Thu)
Như vậy, chủ thể phát ngôn và tinh thần phát ngôn đã có phần khác nhau. Phạm Duy thường phát ngôn với tư cách công dân nghệ sĩ, trong một hoàn cảnh lịch sử và xã hội nhất định:Chiều biên khu, vào mùa sang thu
Ai chinh phu nghe mùa thu tới...
Thu ơi thu, ta vỗ súng ca(Thu Chiến Trường) 1946
Người lạnh lùng nghe mưa thu trên từng ba-lô(Đường Về Quê) 1947


Đoàn Chuẩn có tiếng nói khác: Ông phát ngôn trên tư cách nghệ sĩ, đưa tác phẩm nghệ thuật đến một quần chúng nghệ thuật, trên những tiêu chuẩn thẩm mỹ. Ca khúc đầu tiên, bài Tình Nghệ Sĩ làm giữa những ngày kháng chiến - hay tản cư - gian nan, nói lên điều đó, làm một thứ chìa khoá đi vào thế giới Đoàn Chuẩn.
Tung phấn hương yêu qua bao lời hát
Bay tới bên em, tới em thầm nhắc
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình cũ
Bóng anh phai dần ái ân tàn theo
Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ
Chóng tàn vì vương vấn muôn ý thơ...Ý này còn rõ hơn nữa trong bài Chuyển Bến:Thuyền cắm tay sào từ cuối thu
Ngoài kia sông nước như đón chờ
Còn đêm nay nữa, ta ngồi với nhau
Ngày mai anh đã xa rồi...
Hình ảnh chìa khóa trong ca khúc Đoàn Chuẩn không phải là những "Lá Thư", "Tà Áo Xanh", "Lá Đổ Muôn Chiều" như người ta thường nói, mà là con thuyền: Thuyền rời xa bến vắng người ơi. Con thuyền muôn đời, của ca dao, của Đường Thi, từ bến Tần Hoài của Đỗ Mục, đến bến Phong Kiều của Trương Kế - hay gần hơn - trong Xuân Diệu: Tình du khách thuyền qua không buộc chặt...

Ca khúc Đoàn Chuẩn là thế giới quy ước. Người phụ nữ tô quầng mắt, ngập ngừng trong chiếc áo nhung..., đôi mắt như hồ thu..., bên cầu ngồi xõa tóc thề... là người đẹp trong tranh Tố Nữ, tranh lụa, hay sơn dầu của Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị.

Trong thế giới quy ước và hư ảo đó, Đoàn Chuẩn đã vẽ vời nên vẻ đẹp của Trần Gian qua những mùa Thu Quyến Rũ:Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Vài cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi...
Cái sắc mạnh huy hoàng của Đoàn Chuẩn là ở chỗ đó. Ông đã đưa Thiên Thai về đây với thu trần gian, trong khi Văn Cao phải lên tận cõi Đào Nguyên. Trong tình khúc Đoàn Chuẩn, Hoa xuân (đã) gặp bướm trần gian, ánh trăng xanh (đã) tan thành suối trần gian...

Mùa thu ở nông thôn Việt Nam từ ngàn năm nay vẫn vậy, nhưng phải đợi đến Nguyễn Khuyến chúng ta mới có những bức tranh thu tuyệt sắc. Và phải đợi đến Đoàn Chuẩn chúng ta mới được chơi vơi cùng từng mây lơ lửng trời xanh ngắt, trên âm giai dìu dặt của tân nhạc. Rồi thương cho những:Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa(Gửi Gió cho Mây Ngày Bay)
Trong thâm tâm, có người xa cách với Đoàn Chuẩn vì một lý do: Ông là con nhà giàu, làm nhạc để mà chơi. Nhưng đây chính là tự do của con người, của kẻ làm nhạc, kẻ hát và người nghe hát. Cuộc chơi, chính là tự do trong sáng tạo nghệ thuật.

Biết đâu, cuộc đời cũng chẳng là một cuộc chơi, mà cuối cùng, khi nhận ra, con người thường thấy mình thua lỗ.

Tình trần ôi mong manh...
Trọng Thu 2001
Đặng Tiến

delta
12-26-2007, 05:47 PM
Sổ tay văn nghệ cuối tuần của Nhật Thịnh: Chiếc lá cuối cùng


NHẬT THỊNH, Feb 28, 2004

Đó là tựa đề một nhạc phẩm sáng tác chặng đường sau của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, lời ca tha thiết, giai điệu êm đềm, đằm thắm, tràn đầy thi vị: “Hà Nội chiều nay trời lên mây trắng – Chiếc lá cuối cùng rơi xuống chân em.” Đây Hà Nội trong kỷ niệm, những hơi sương mong manh tan biến trên mặt nước Tây Hồ trong xanh. Hà Nội trong tâm trí con người yêu Hà Nội vào những mùa sấu trổ hoa rơi lấm tấm trên bờ vai những cô nữ sinh đạp xe tới trường, băng ngược lên phía Nhà hát lớn thành phố. Hoa sấu li ti màu ngà thơm mùi thơm rơn rớt chua. Mùa sấu chín, những trái vàng ngả sang màu hồng đỏ, vết thâm lốm đốm rụng trên mặt đường. Sấu chín nhặt đem vào lớp, âm thầm truyền nhau trong giờ học dưới gầm bàn. Hồ Gươm vào những sáng thu dường tựa con mắt buồn bã. Thời tiết ảnh hưởng tới cảm giác và thần trí, con người ao ước được gần nhau, cưới nhau vào mùa thu. Nhưng thu đi, người không về, sự nuối tiếc cho cuộc tình tan vỡ đó dịu vời theo thời gian, tan tác tựa như lá thu lìa cành, Đoàn Chuẩn đã cực cảm nỗi niềm ấy trong nhạc phẩm “Lá đổ muôn chiều”: “Nhưng mỗi mùa thu, khi lá vàng bay về cuối trời – Anh nhớ em từ lặng im đôi mắt – Đời vắng em rồi vui với ai.” Và những làn gió heo may nhẹ thổi trên các lối đi, cây trơ trụi lá, không khác nào hơi thở nồng nàn của tình yêu. Những trận gió ẩm hơi nước phù sa của dòng sông Hồng, đượm mùi rêu phong của những bức tường thành xa xưa, năm nào Pháp đánh thành Hà Nội. Nửa đêm về sáng năm 54, Hà Nội đặc kín sương mù, chiếc phi cơ bốn động cơ cất cánh rời phi đạo, bay lên khỏi địa hình thành phố, xa dần Yên Phụ, Kim Liên, Quan Chưởng, Bảy Mẫu hướng về những vì sao phương Nam, phảng phất nỗi niềm trong thơ Vũ Hoàng Chương:

Tâm sự chìm sâu bụi phố phường
Nghẹn ngào hơi thở lớp tang thương
Hỡi ơi! Hà Nội bao đêm trắng
Từng đón lòng ta mỗi ngả đường

Hà Nội tràn ngập trong tâm hồn những người yêu Hà Nội, chan chứa cảm hoài trong văn thơ. Hà Nội chết trong trí nhớ, chết trong sóng mắt người con gái một thời kiêu sa, uẩn ức niềm thương nhớ không nguôi, Đoàn Chuẩn diễn tả bằng một giai điệu nhẹ nhàng, ngôn ngữ hòa nhịp sự rung cảm của con tim, vấn vương man mác trong nhạc phẩm “Gửi người em gái”: “Tôi có người em gái – Tuổi chớm dâng hương mắt nồng rộn ý yêu đương – Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều, ôi tình yêu – Em tôi ơi màu son lên đôi môi – Khăn san bay, lả lơi bên vai ai – Trời thắm gió trăng hiền – Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.”

Đoàn Chuẩn sinh ngày 15.6.1924 tại đảo Cát Hải, Hải Phòng, trong một gia đình khá giả, cha mẹ đứng chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng trên bán đảo Đông Dương thời bấy giờ. Ông sáng tác trong thời gian ngắn của những năm 1947 – 1958, những người yêu nhạc ông chỉ biết khoảng 12 bản, nổi tiếng nhiều có những bài “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Tà áo xanh”, “Gửi người em gái”, “Thu quyến rũ”, “Lá thư”, “Chuyển bến”, “Cánh hoa duyên kiếp”...nhưng cần chi nhiều, một bài thơ “Ông đồ già” của Vũ Đình Liên, một ca khúc “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương đã hàng năm được nhắc tới đủ để tác giả nhớ đời. Ông ít sáng tác một phần bởi lý do thể lực. Năm 1992 ông bỗng dưng bị chứng tai biến mạch máu não, bệnh trạng kéo dài tới cuối đời, ngày một trầm trọng, tê liệt, á khẩu.

Năm 1999 ông trao cho ca sĩ Ánh Tuyết một tập nhạc gồm 17 bài do ông chép tay trong đó có những bản “Em yêu dấu”, “Vĩnh biệt”, “Màu nắng có bao giờ phai đâu”, “Một gói nho khô, một cánh pensée”, “Chiếc lá cuối cùng”...Ông lưu lại đời những giai điệu đẹp, óng chuốt tựa tơ trời: “Cành hoa tim tím, bé xinh xinh, báo xuân về – Hà Nội chào đón” Những câu ca nhẹ nhàng tựa muốn bay bổng, nồng nàn yêu thương chứa đựng câu chuyện tình buồn đã không còn xa lạ với những người một thời yêu nhạc tiền chiến. Thưởng thức nhạc của ông – không thể bỏ quên không nói đến Từ Linh, cái tên gần như gắn chặt với tên ông hơn nửa thế kỷ qua, người đồng hành của ông đã ác nghiệt bị bệnh ung thư qua đời năm 1992 – người ta đều như thuộc lòng, tìm về chính mình. Và ca khúc “Vĩnh biệt” của ông, kết quả của cuộc tình lỡõ còn có tên “Bài hát bị xé” hay “Vàng phai mấy lá” lời lẽ nhẹ nhàng, thắm đượm: “Ai xui ta gặp nhau – Khiến tình em lỡ làng – Lòng ta bẽ bàng – Ngàn sau lá vàng khóc cho tình ta.” Bản này được công bố sau khi ông qua đời ngày 15.11.2001. Ca khúc này ông phơi trải tâm tư với một diễn viên múa.

Khi biết mối quan hệ đó của chồng, vợ ông đã trực tiếp nói chuyện thẳng với tình địch. Kết cuộc mối tình bị đứt đoạn, ông đau đớn viết bản này đem tặng cô nhưng đã bị xé nát nên mới có tên “Bài hát bị xé”. Sự nghiệp của ông dù xuất hiện sau những Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy, nhưng nhạc phẩm của ông đã được công chúng đón nhận nhanh chóng. Tình ca Đoàn Chuẩn hương vị ngọt ngào, say đắm tình người, ký thác những gì muốn trao gửi cho ai. Ông diễn tả bản thân, tình yêu, ước vọng của mình nhiều hơn về người khác nhưng trong nỗi niềm trân quí đó ông đã như chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của tha nhân, phô diễn một lần chưa dứt, ông tiếp đi một bước nữa, và cứ thế dòng nhạc Đoàn Chuẩn thành hình. Một chiếc lá vô tình rụng rơi, một bông hoa tan tác, một xác pháo cuốn theo gió thổi đều phảng phất dáng dấp của tình yêu dàn trải, ông coi tình yêu tựa một lý tưởng, ít ra trong một khoảng khắc nào đó của đời người. Ông không hư cấu dệt nên những hình ảnh đó, phô diễn chính xác và trang trọng trong từng dòng chữ, từng âm thanh buông chùng xuống phím đàn. Trong bản “Gửi gió cho mây ngàn bay” ông đem cung bậc lời ca diễn tả cái tâm trạng bi thương đến quặn thắt của con người trước sự héo tàn của mùa lá úa, cảnh sắc dường như muốn tan theo luật tuần hoàn của vũ trụ, khát khao đi tìm tình yêu, chơi vơi giữa cuộc đời muôn ngã rẽ không kiếm tìm thấy lối ra: “Với bao tà áo xanh, đây mùa thu – Hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ – Gửi gió cho mây ngàn bay – Gửi phím tơ đồng tìm duyên – Gửi thêm lá thư, màu xanh ái ân – Về đôi mắt như hồ thu.” Ông yêu hồn nhiên, tình yêu có khác chăng những người khác, kết hôn khi còn đang theo học trường Trung học Louis Pasteur, say mê cô nữ sinh Nguyễn Thị Xuyên, nhà nghèo nhưng nhan sắc lộng lẫy, kiêu sa, tình yêu đó và nhiều mối tình lãng đãng khác đã được ghi thành ca khúc, biến trở thành nổi ám ảnh đời người. Tình yêu bát ngát, mê đắm hương lửa, một kho báu thiêng liêng vô tận, nếu không chớp thời cơ nắm bắt lấy, để vuột khỏi tuổi thanh xuân hóa thành vô vọng. Ông lãng mạn, đa tình, có lắm hứng cảm dệt nên nhiều khúc tình ca để đời, mỗi nhạc phẩm ấn dấu một bóng hình thướt tha qua đi trong đời. Nhớ nhà, nhớ màu áo tím của người tình khoác trên mình mỗi khi tới trường, sau nửa chừng phải thôi học bởi lỡ yêu ông, không nói không thưa, lặng lặng theo đuổi làm bạn bè khám phá thấy, trêu chọc quá đành lỡ bước sang ngang. Nhạc phẩm “Đường về Việt Bắc” thai nghén trong tâm tư, hoàn cảnh đó, khi ấy tràn lan chiến tranh, vợ con di tản lên vùng núi đồi Việt Bắc: “Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi – Đường về Việt Bắc xa xôi núi đồi” Ca khúc “Tình nghệ sĩ” ông viết khi dấn thân vào con đường nghệ thuật, không muốn nối nghiệp kinh doanh của cha mẹ để lại, theo học âm nhạc nhạc sĩ Thiện Tơ và William Chấn sau khi thành lập gia đình, sống cuộc đời phiêu lãng với cây đàn Hạ Uy Cầm trên tay, trau giồi thêm hòa âm với nhạc sĩ Tạ Phước khi dời gót phiêu du về Hành Thiện. Ông một phút ngất ngây dừng chân nơi quán Thanh Hương bên nàng thơ Mai Hương: “Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm – Nơi quán cô đơn mơ qua trùng dương – Mơ tới bên em, em tô quầng mắt – Em ngập ngừng trong tấm áo nhung.” Trong những nhạc phẩm trữ tình của ông phải kể tới những bản mang dáng thu, mùa nhung nhớ, buồn thương khơi dậy nơi tâm hồn người nghệ sĩ nhiều rạo rực trông chờ. Tình yêu, hạnh phúc, nỗi khổ đau thể hiện qua từng tình ca mang dấu ấn thu. Nhạc phẩm “Thu quyến rũ” phô diễn tâm trạng của con người trông ngóng thu về, rặng liễu xõa tóc đìu, niềm rung cảm xót sa ký thác trong lời ca, trong âm điệu, nỗi bâng khuâng như gần như xa lẩn khuất đâu đây, vương vấn trong lòng người: “Anh mong chờ mùa thu – Dìu thế nhân vào chốn thiên thu.” Con người tưởng chừng đã chùng lòng trước thiên nhiên cao rộng, và loài chim chóc kia cũng ngập ngừng không muốn rời tổ, muốn tận hưởng cho hết khí thu man mác. Trong cánh chim tung bay ấy như có mang một tiếng gọi thiết tha mong ngóng một sự trở về để cùng nhìn thấy nhau trong nỗi chờ mong khắc khoải. Họ gặp nhau, yêu nhau trong ý hướng một cuộc trở về: “Mùa thu quyến rũ anh rồi – Thu nay vì đâu nhớ nhiều – Thu nay vì đâu tiếc nhiều – Đêm đêm nhìn cây trút lá – Lòng thấy rộn ràng, ngỡ bóng ai về.” Có thể nói Đoàn Chuẩn không viết gì ngoài tình ca mang nỗi ám ảnh, nếu không một lần vắng thiếu trong đời, cái vòng quẩn quanh như không dứt, bởi tình yêu vẫn còn, nên người yêu không mất.

Bản “Tà áo xanh” hay “Dang dở” tựa đề nghe nói đã biểu hiện một ý niệm đớn đau, lời ca tựa lời thầm trách ai oán cho duyên phận bẽ bàng, biết nhau đó, yêu nhau đó và tàn theo đó: “Mộng nữa cũng là không – Ta quen nhau mùa thu – Ta thương nhau mùa đông – Ta yêu nhau mùa xuân – Để rồi tàn theo mùa xuân – Hoa tàn, tình tàn theo không gian.” Đoàn Chuẩn đã cất cánh hạc xa bay vào chốn non bồng, ngồi nghe lại những gì ông viết trong mấy chục năm qua, người ta bắt gặp trong ý nghĩa một cuộc trở về mang một chút gì ngọt ngào, say đắm của một tình yêu ngọn nguồn gần gũi, không tách rời xa quê hương. Một mối hoài cảm hương thu man mác đất trời mãi mãi hiện hữu, gửi lại trần gian tiếng tơ lòng. Mỗi thời đại người ta suy tưởng một khác nhau, hiện tượng này còn tiếp diễn, và trở lại uyên nguyên nguồn cội, người ta vẫn dễ dàng tới với nhau. Dòng nhạc Đoàn Chuẩn đã trở lui dĩ vãng mà mọi sự còn nguyên vẹn trong cái tình không phai, như thế tưởng đủ để một đời người mãn nguyện.

NHẬT THỊNH.

delta
12-26-2007, 05:49 PM
Từ bài thơ "mất dạy" đến bản nhạc cuối cùng

Ngày 8-10-1988, trong một đêm thơ tổ chức tại Thư viện Hà Nội nhân kỷ niệm giải phóng thủ đô, nhà thơ Vân Long hứng khởi đọc bài thơ Thu cảm còn chưa ráo mực của mình trước cả trăm người yêu thơ, ngồi chật kín sân thư viện. Bài thơ có những câu thật đắt:

Mở cửa! Đường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố phải đi thôi!
Hà Nội trời xanh màu cốm mới
Tôi nhập vào thu với mọi người…

Chưa hết lâng lâng vì không khí đêm thơ hôm trước, sáng hôm sau, Vân Long ra quán cà phê Đường sắt (nằm ở ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu), gặp và thuật lại cho Đoàn Chuẩn nghe. Nhạc sĩ của mùa thu mới bảo nhà thơ đọc lại cho nghe bài Thu cảm. Nghe xong, ông lặng đi một lát rồi bật cười và hóm hỉnh nhận xét: “Thơ mày mất dạy thật!”.

Nghe thế, Vân Long mới vặn lại ông bạn vong niên hơn mình 10 tuổi rằng: “Thế anh bảo bài thơ mất dạy ở chỗ nào?” Nở nụ cười móm rất hóm, Đoàn Chuẩn thủng thẳng: “Bùng là ngôn từ của đường phố. (Khi ăn đủ hàng hay khi bị lộ, phường kẻ cắp thường nháy nhau: “Bùng thôi!”). Ấy thế mà khi đưa vào bài thơ, lại thấy đắt, mạnh mẽ và mới hơn là khi dùng “ào ra” hay một từ nào đại loại như thế…”.

Đoàn Chuẩn ngừng viết đã lâu lắm rồi, thế nên hôm sau, nhà thơ Vân Long hết sức ngỡ ngàng khi được cha đẻ của Thu quyến rũ đưa cho xem bản nhạc phổ bài Thu cảm của mình mà Đoàn Chuẩn đã đổi nhan đề thành Đường thơm hoa sữa gọi… Sau đó, quãng năm 1989-1990, bản nhạc ấy được đăng trên báo Người Hà Nội nhưng rồi không thấy ai hát. Vân Long sau đó cũng không còn giữ được bản nhạc lặng câm ấy nữa.

Bẵng đi một thời gian dài, một hôm, ông An Kiều - Giám đốc chi nhánh Công ty Điện lực Alstom (Pháp) - từ Paris về, ghé thăm nhà thơ Vân Long, đưa cho nhà thơ bản nhạc in trên giấy đã ngả màu vàng và cắc cớ:

- Ông Đoàn Chuẩn phổ thơ ông từ bao giờ mà tôi lại bắt gặp nó ở một gia đình Việt kiều bên Pháp?

Thì ra, ông Việt kiều ấy trong một lần về thăm quê hương, thấy tờ báo có bản nhạc của Đoàn Chuẩn - Vân Long, thích quá nên đã mang về Pháp…

Đường thơm hoa sữa gọi (phổ thơ Vân Long) là bản nhạc cuối cùng của Đoàn Chuẩn, người được mệnh danh là “Vua slow ở Việt Nam”.

Bằng Vân

delta
12-26-2007, 05:53 PM
http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/Taaoxanh.gif

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/guigiochomaynganbay.gif

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/LaDoMuonChieu.gif
:alert:

delta
12-26-2007, 05:56 PM
Mùa thu nhớ Đoàn Chuẩn


Mùa thu trở lại trong cuộc sống bộn bề những lo toan và những sự kiện. Vui có, buồn có... Chợt một giai điệu man mác của Đoàn Chuẩn vang lên làm lòng mình bồi hồi như thể lạc vào một rừng cây đang đổ lá vàng vậy.

- Người và đàn và… bom


http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/bachuan.jpg
Bà Chuẩn và bức ảnh gia đình.

Bà Nguyễn Thị Xuyên, vợ cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người mà anh em báo chí văn nghệ thường gọi là “bà Chuẩn”, kể với tôi rằng hồi chống Pháp, bà chạy giặc lên Thái Nguyên, ông Chuẩn thì đang ở Thanh Hóa, trong vùng tự do. Ông nhớ bà lắm, lại lo cả gia đình gặp nạn, ông vội vàng đạp xe ngược trở ra Thái Nguyên để tìm gia đình.

Ông vốn là con nhà kinh tế khá giả, sống kiểu tài tử phong lưu, đi xe sang nhất Bắc Kỳ một thời, ấy thế mà lúc nguy hiểm khó khăn lại chỉ nghĩ về gia đình. Quãng đường từ Thanh Hóa ra Thái Nguyên rất nhiều bom đạn giặc Pháp, có thể chết bất cứ lúc nào. Thế mà ông đạp xe, lưng… cõng cây đàn, cứ thế mà đi.

Dọc đường, ông vào trọ trong nhà một người dân, thấy mọi người trầm trồ thích thú cái xe đạp quá, ông bèn cho luôn. Hôm sau, xỏ dép vào, cõng cây đàn, đi bộ. Bà Chuẩn kể: “Tôi thấy ông lên chợ Thái Nguyên, đi đôi dép nát, quần áo mỗi một bộ, rách bươm, nhưng mà thấy có người vá cho, lưng thì cõng một cây đàn”.

Gặp được nhau, ai cũng xúc động, không nói nên lời. Nhưng bảo cứ theo con đường mà vào vùng tự do, mọi người đều lắc đầu ngao ngán, không ai dám đi. Cả nhà đi vòng lên mạn sông Đà, vượt núi băng rừng, đi vào Thanh Hóa, mất hai tháng ròng mới tới nơi. Chuyến đi vô cùng cực nhọc, rừng rậm núi cao, rất vắng người. Bà Chuẩn kể: “Ông mệt quá nên chỉ cõng được đàn, chẳng đánh nổi”.

Nhờ có chuyến đi đón gia đình gian khổ đó mà ông có những ca từ: “Đường về Việt Bắc xa xôi núi đồi”.

- Bà Chuẩn và trứng tráng, cà phê đen
Bà Chuẩn kể rằng, ông Chuẩn vốn là con nhà giàu có, ăn uống chẳng thiếu thứ gì. Những năm kinh tế khó khăn, gia đình ông vốn là gia đình tư sản nhưng rồi vì nhiều lý do nên kinh tế cũng khánh kiệt, “mỗi bữa phấn đấu cho ông một cái trứng tráng”. Vào bữa, ông cứ ăn, chẳng nói gì cả. Có khi cả tháng cứ… trứng tráng hoài. Sau này kinh tế có đỡ hơn, ông lại đâm ra thích ăn món trứng tráng. Bấy giờ, ông mới khen “ngon, ngon thật!”.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất từ năm 2001 nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ghé qua thắp hương cho ông. Bà Chuẩn vẫn rất nhớ chúng tôi, dù hồi đó chúng tôi tới chủ yếu gặp ông Chuẩn. Bà nói: “Chồng tôi với Từ Linh rất thích uống cà phê đen. Mỗi lần ông Từ Linh tới, hai người ngồi uống cà phê với nhau, ông Chuẩn nói nhiều, Từ Linh thì ngồi im như hạt thóc, uống xong thì về. Ông Từ Linh nguyên có biệt danh Tư lì. Sau, cùng gắn bó với nghiệp sáng tác của ông Chuẩn nhà tôi, ông Chuẩn mới đặt bút hiệu cho là Từ Linh”.

Ông ra đi đã lâu, hàng ngày bà Chuẩn vẫn pha một ly cà phê đen nóng, đặt lên bàn thờ cho ông. Ngày nào cũng như ngày nào.

- Ai hát nhạc Đoàn Chuẩn hay nhất?
Lúc ông còn sống, chúng tôi đã hỏi ông câu này. Ông cười. Ông nói: “Ai hát tôi cũng thấy có cái hay cả”.

Lại hỏi ông: “Nhưng ông thích nghe ai hát nhất?”. Ông bảo: “Tôi thích nghe Khánh Ly hơn cả. Thường thường, tôi vẫn nghe cô ấy hát”.

Ông nói các ca sĩ trong nước thích nhạc ông thế là cứ hát, chẳng nói năng gì cả. Riêng Khánh Ly, tuy ở nơi xa xôi nhưng nếu hát, thu âm, cô đều gọi điện về xin phép ông. Ông rất vui vì điều đó.

Lê Dung hát nhạc Đoàn Chuẩn cũng được nhiều người đánh giá rất cao. Nhất là những đĩa được cô thu âm ở Mỹ. Nhạc sĩ nói rằng ông rất thích Lê Dung hát những bản nhạc của mình. Nhưng, quả như ông nói, khi bật máy nghe nhạc lên thì cái đĩa nằm thường trực trong máy là của Khánh Ly.

Khánh Ly mỗi lần xin phép thu âm biểu diễn đều có gửi tiền tác quyền cho Đoàn Chuẩn nhưng không phải vì điều đó mà ông thường nghe cô hát. Ông có cả đĩa nhạc được tài trợ, có nhuận bút đàng hoàng, nhưng ông lại ít khi nhắc tới nó. Hỏi thì ông cứ cười cười.

Bây giờ, đôi khi bà Chuẩn lại vẫn mở cái đĩa Khánh Ly lên nghe. Bà nói: “Vắng ông nhà thực là buồn, nhà đông người đấy, mà sao vẫn trống trải. Ông là chỗ dựa cho tất cả mọi người, nhất là về mặt tinh thần”. Dù sao thì những bài ca ông để lại cũng làm ấm lòng người mỗi độ thu về.

- Tình yêu vĩnh cửu
Ông Chuẩn là người đa tình. Tình yêu của ông sôi nổi, nhiệt tình, nhưng nó cũng như nốt nhạc ai oán trong lòng ông, không bao giờ cởi bỏ được.

Một người bạn thân của ông nhà ở phố Hàng Bông kể với tôi: “Người con gái mà ông rất yêu, thực ra còn sống trong thành phố đấy thôi nhưng ông không chịu gặp. Một lần, chúng tôi thuyết phục ông, bảo bây giờ không gặp nhau lấy một lần thì bao giờ gặp nữa. Thế là ông đồng ý. Hôm đó, chúng tôi bố trí ông đợi cô ở nhà một ông bạn, rồi báo cho cô ấy đến. Cô từ chối mãi chẳng đành. Mấy chục năm trời họ đã cố không gặp lại nhau. Không dè, đến lúc cô ấy tới thì ông Chuẩn nhà ta đã lẳng lặng bỏ đi đâu mất”.

Người bạn này của ông nói thêm: “Sau đó, ông ngồi đánh đàn và hát, nước mắt ông rơi hai hàng, bạn bè ai nấy đều khó cầm lòng”.

- Người bạn vong niên
Ông Từ Linh là người bạn thân nhất của Đoàn Chuẩn. Theo anh An, con trai của ông Từ Linh, thì ban đầu Đoàn Chuẩn chơi với anh của bố ông, sau đó mới phát hiện ra bố ông và từ đó gắn bó với nhau. Ông Đoàn Chuẩn nhiều tâm sự, ưu tư, ông Tư Lì lại chịu lắng nghe, “thấu hiểu”. Sáng sáng, ông Đoàn Chuẩn hay ghé qua nhà Từ Linh để đi tới cái quán cà phê xoàng xĩnh trên đường Phan Bội Châu.

Người ta không biết mức độ đóng góp và gia công của ông Từ Linh đến đâu trong những ca khúc rất riêng tư của Đoàn Chuẩn. Chỉ biết hai người thân nhau lắm. Lúc ông Từ Linh mất rồi, Đoàn Chuẩn có viết thêm mấy ca khúc, vẫn đề: nhạc Đoàn Chuẩn, lời Từ Linh.

Anh An kể: “Bố tôi ốm, bác Chuẩn sáng nào cũng mang cháo đến. Bác ngồi bên cạnh nói chuyện, động viên cho bố tôi ăn xong mới về, cứ thế mấy tháng ròng rã”.

Khi Từ Linh qua đời, theo anh An, vòng hoa của Đoàn Chuẩn không ghi chữ vĩnh biệt mà ghi là: “Tạm biệt Từ Linh”.

Mỗi độ thu về, người ta lại muốn nghe những lời ca từ rất hay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, nghe những giai điệu da diết khôn cùng. Nói đến nhạc Đoàn Chuẩn là nói đến mùa thu. Nhưng mùa thu của Đoàn Chuẩn không chỉ có lá vàng, gió heo may mà còn là mùa của tình yêu, sự khắc khoải; của bóng dáng những con người; những tình cảm âu yếm, dịu dàng, trân trọng.

Vẻ đẹp của mùa thu và vẻ đẹp của tình người trong các ca khúc của ông dường như mãi mãi làm rung động con người ta.

TRẦN NGUYỄN ANH

delta
12-26-2007, 05:57 PM
http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/tinhnghesi.gif

Dynamit
12-28-2007, 08:22 AM
Cám ơn Động Nhím lắm lắm. Từ lâu tôi rất mong có được những tài liệu về hai nhạc sĩ tài hoa này. nay có được như vậy là quý bắu vô cùng. Cám ơn,cám ơn.

delta
12-28-2007, 10:07 AM
Chào Dynamit,:om: mong bạn ghé vào đọc bài thường xuyên... vì Delta thấy Dynamit ghi tên năm 2006, mà chỉ có 1 post duy nhất :biggrin: