PDA

View Full Version : T-Thánh cung gia đình - Gia đình thánh



Dan Lee
12-28-2007, 01:14 AM
Lễ Thánh Gia Na-da-rét:

Thánh cung gia đình - gia đình thánh

Các nhà xã hội học ngày nay đều khẳng định rằng: «Gia đình là một thánh cung, và là một trong những thánh cung cuối cùng còn lại của thời đại chúng ta!»

Điều đó đúng hay sai và mang một ý nghĩa quan trọng như thế nào, người ta có thể kiểm chứng được một cách cụ thể trong những ngày này tại các gia đình Âu Mỹ: Trong dịp đại lễ Giáng Sinh, hầu như tất cả mọi thành viên của gia đình, dù suốt năm vì bất cứ lý do nào – học hành, sinh kế, du lịch, v.v… - phải xa nhà, thì vào dịp Giánh Sinh đều cùng nhau quay trở về đoàn tụ trong mái ấm gia đình. Chính các tầng lớp trẻ ngày nay đã đánh giá rất cao ý nghĩa và các giá trị của gia đình, chứ không chỉ coi gia đình như là quê quán, như là nơi nương ẩn, lý do ngày nay người ta khó tìm được một nơi nào khác an ninh bình yên đúng nghĩa hơn.

http://www.vietcatholic.net/pics/Familie.jpg
Trong vòng tay cha mẹ, đứa bé học được tin tường và yêu thương là gì

Thật vậy, chỉ trong gia đình người ta mới cảm nhận được bản chất thực sự của cuộc sống một cách đúng đắn, gần gũi, thân thiết và trọn vẹn nhất, chứ không còn là một điều khát khao mơ ước nữa. Gia đình chính là ngôi trường đích thực cho con người học sống và học làm người qua những sắc thái của cuộc đời: Sự gần gũi và sự xa lạ, sự tin tưởng và sự sợ hãi, sức khoẽ và bệnh tật, xích mích va chạm và thông cảm tha thứ, yêu thương và hờn giận, sự chăm sóc lo lắng và trách nhiệm bổn phận, v.v… Vâng, chính ở đây, chính trong gia đình, là nơi quyết định: liệu một người đã trang bị cho mình đầy đủ tư cách để chính thức bước vào cuộc đời và có đủ khả năng hòa hợp được với xã hội nhân quần, để qua đó, có được một cuộc sống an bình hạnh phúc hay không!

Nhưng sự trau dồi, học hỏi và rèn luyện đó sẽ hoàn toàn mang tính cách khiếm khuyết, vụn vặt và dở dang, nếu từ trong gia đình một đứa bé không có được điều kiện để học biết đức tin, nghĩa là học biết được nguồn gốc cuộc sống của nó và mục đích sau cùng mà cuộc sống của nó phải nhắm đạt tới: Thiên Chúa Tạo Hóa! Bởi vì đức tin mở ra cho cuộc sống con người một chiều kích mới và qua đó làm cho cuộc sống con người được phong phú và mang đầy đủ ý nghĩa.

Do đó, «thánh cung gia đình» hoàn toàn mang tính cách trần thế và chỉ dừng lại trong phạm vi trần thế của nó, nếu như nó không mở rộng được tầm nhìn của mình để vươn tới chiều kích «thánh thiêng», vươn tới Thiên Chúa và thế giới huyền linh siêu nhiên của Người. Đây là điều khó khăn vất vả mà những bậc cha mẹ ngày nay còn gắn bó với đức tin đang phải đối mặt. Nhưng ở đây người ta cũng gặp phải một sự mâu thuẩn, đó là : một đàng, nhiều cha mẹ mong muốn cho con cái có được sự giáo dục về tôn giáo; nhưng đàng khác, chính họ lại thường cảm thấy mình bất lực trong việc hướng dẫn con cái về vấn đề đức tin. Hay: một đàng, họ muốn nắm giữ quyền quyết định về mức độ và cách thức giáo dục con cái về đức tin phải thế này thế kia; nhưng đàng khác, trách nhiệm giáo dục con cái về đức tin họ lại khoán trắng cho «các người chuyên môn» của Giáo Hội.

Ngày Lễ Thánh Gia Na-da-rét hôm nay giới thiệu cho chúng ta một kinh nghiệm sống cụ thể, đó là: Qua cuộc sống hằng ngày người ta học hỏi để khám phá ra được đức tin và nhờ đức tin người ta học hỏi để biết phải sống thế nào cho đúng đắn. Bởi vậy, gia đình cũng chính là nơi người ta học hỏi được đức tin. Gia đình là ngôi trường đầu tiên đào tạo đức tin của con người.

Chính từ vòng tay của cha mẹ, đứa bé có thể học hỏi và khám phá ra được rằng nó có thể tin tưởng vào cuộc đời. Đứa bé học chấp nhận các tương quan với thế giới ngoại cảnh, học phải đối mặt với những lo âu sợ hãi cũng như các khó khăn của cuộc đời như thế nào và học để có thể chinh phục và làm chủ được cuộc sống của mình. Ai được yêu thương thì mới biết thương yêu. Ai biết mình được chấp nhận và được tiếp đón, người đó mới có thể chấp nhận được chính mình và chấp nhận được người khác. Chính trong những bước học hỏi quan trọng và chính yếu này của đứa trẻ, cha mẹ là những người thầy cô giáo, những người dẫn đường đầu tiên giúp đứa bé tìm gặp được Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa là sự sống và là tình yêu.

Nếu thế, tại sao các bậc cha mẹ lại không tạo cho con cái mình có thêm điều kiện để khám phá và tìm gặp được Thiên Chúa một cách sống động và cụ thể qua các dấu chỉ và lời nói trong các kinh nguyện, trong các giờ cử hành lễ nghi Phụng Vụ, nhất là trong việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể?

Vậy, để «thánh cung gia đình» mang đầy đủ ý nghĩa của nó, thì gia đình cũng phải «thánh», cũng phải là nơi đầu tiên giúp cho con người gặp gỡ được Thiên Chúa qua tình yêu thương chân thành, sự thông cảm tha thứ, sự hy sinh quảng đại và tinh thần trách nhiệm đối với nhau.
Lm Nguyễn Hữu Thy