PDA

View Full Version : Và Khi Nhạc Sĩ Tự Hát



delta
12-31-2007, 05:48 PM
Và Khi Nhạc Sĩ Tự Hát

Trong bài "Khi ca sĩ viết nhạc", chúng tôi đã ghi nhận hiện tượng ca sĩ tập tành sáng tác đang trở thành mốt thời thượng trong làng ca nhạc. Trong bài này, chúng tôi đề cập đến một xu hướng khác, xu hướng nhạc sĩ "lấn sân" ca sĩ bằng cách tự hát, tự trình diễn, tự thể hiện các ca khúc của mình

Khi nhạc sĩ tự hát

Xu hướng này mở ra một hướng đi mới cho các tài năng có thể vừa sáng tác vừa trình diễn rất thuần thục. Khi bước lên sân khấu, họ có thể tự hào là một nhạc sĩ có các ca khúc được yêu thích. Rồi khi cất tiếng hát, họ lại thêm một lần nữa được tự hào rằng mình có thể biểu diễn chẳng thua bất cứ ca sĩ nào.

Kể ra, khi một nhạc sĩ tự thể hiện tác phẩm của mình, họ cũng có khá nhiều lợi thế. Trước hết, họ có khả năng truyền đạt được tinh thần nhạc phẩm của mình. Cạnh đó, nhiều nhạc sĩ nhờ biết tự phối bài cho mình hát nên họ có thể dùng hoà âm và các thủ pháp phối khí để "nâng" thêm hiệu quả tác phẩm cũng như "khoả lấp" được những chỗ họ hát "chưa tới".


http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/Nhacsi1.jpg
Lương Bằng Quang


Là nhạc sĩ, tác phẩm của họ thường chắc tay hơn các ca sĩ mới tập tành sáng tác về phương diện khúc thức, về thủ pháp phát triển giai điệu, cách tạo màu hoà âm. Họ có thể viết đúng tầm cữ giọng và khai triển đúng phong cách âm nhạc của mình. Khi tự trình bày tác phẩm của mình, nhạc sĩ còn có cơ hội diễn đạt toàn vẹn tinh thần tác phẩm theo đúng cảm xúc thẩm mỹ của mình, không còn hồi hộp lo sợ cho những đứa con tinh thần của mình bị các ca sĩ thích "phá cách" hay "phá phách" thể hiện sai lệch.

Năm 2005, một album Vol 1 Lương Bằng Quang Return ra đời, đánh dấu sự chuyên nghiệp trong sáng tác và ca hát của nhạc sĩ trẻ này. “Điếm” là album mới nhất của Phạm Khánh Hưng cũng toàn bài do anh sáng tác và thể hiện. Trong tháng 5 này, Vũ Quốc Việt vừa ra album “Tình Ca thứ 2” sau một thời gian im hơi lặng tiếng. Đó là những ví dụ minh hoạ cho chuyện các nhạc sĩ đang lấn sân ca sĩ.

Bấy lâu nay, nhạc sĩ luôn phải đứng đằng sau những hào quang của ca sĩ. Một ca khúc hay của họ sẽ giúp cho ca sĩ thành “sao” nhưng có mấy ai nhớ tới họ đâu. Khi chọn phương cách tự thể hiện tác phẩm của mình, dường như họ muốn đứng lên giành lại ánh hào quang cho chính mình.


http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/Nhacsi2.jpg
Vũ Quốc Việt

Tuy nhiên, nhạc sĩ hát thường sẽ không hay bằng ca sĩ. Họ có những ưu thế nhưng cũng có những bất lợi. Kỹ thuật trình diễn tất nhiên có thể trau dồi và phát triển theo thời gian để ngày một tiến bộ hơn nhưng những gì thuộc về bản chất thì rất khó che giấu. Ở trên có đề cập đến chuyện do nắm vững kỹ thuật hoà âm nên các nhạc sĩ có thể khoả lấp được những đoạn mình hát dở, nhưng đó chỉ là chuyện "lấp liếm" khi làm album. Bước ra sân khấu, hay những buổi hát live, nếu nhạc sĩ không có chất giọng đẹp và thiếu bản lĩnh sân khấu tất nhiên họ sẽ dễ phơi bày những nhược điểm của giọng hát và đôi khi làm nhiều người thất vọng vì “sao có thể hát dở đến vậy nhỉ”. Song chuyện này âu cũng là điều dễ hiểu khi một nhạc sĩ thích làm ca sĩ.

Ai làm việc nấy hay làm cả hai

Làm ca sĩ hay nhạc sĩ hoặc kiêm nhiệm cả hai là chuyện riêng của mỗi người. Việc này phụ thuộc vào trình độ, tài năng cũng như khả năng tự nhận thức về mình. Song nếu chỉ làm theo trào lưu thì chỉ tổ thiệt thân vì chẳng mang lại danh tiếng cũng như lợi ích gì. Lúc đó sẽ xảy ra nhiều tình trạng "dở khóc dở cười" cho sinh hoạt nhạc Việt. Nhất là khi ca sĩ nhờ người sáng tác dùm rồi vô tư điền tên mình vào. Đến lúc các ca khúc thành “hit” lại xảy ra tranh chấp. Tạo ra những tranh chấp không đáng có và kém văn minh trong hoạt động nghệ thuật. Ngược lại, không có chất giọng đặc biệt xuất sắc thì cũng không nên tự biểu diễn tác phẩm của mình mà làm gì. Đôi khi chính giọng hát của tác giả là tác nhân dẫn đến những trường hợp "chết non" của nhiều "đứa con tinh thần" một cách đáng tiếc.

Sẽ là chuyện đáng mừng cho nhạc Việt nếu có những người luôn tự học hỏi và phấn đấu không ngừng. Từ góc độ của người thưởng thức thì chỉ mong rằng nhạc Việt sẽ có nhiều ca khúc hay, mới lạ. Tuy nhiên, ôm đồm nhiều thì hệ quả là chẳng có việc gì ra việc gì. Mong rằng các ca sĩ và nhạc sĩ thấu hiểu niềm mong mỏi này của khán giả để thận trọng hơn.

Đỉnh cao luôn dành cho những người biết đầu tư sâu vào lĩnh vực chuyên môn của mình với tất cả sự đam mê. Có lẽ đã đến lúc những ca sĩ - nhạc sĩ thích ôm đồm nên ngồi ngẫm lại câu nói của ông bà ta là "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" hay "quý hồ tinh, bất quý hồ đa"...

Diễm Thư