PDA

View Full Version : Hoàng Cầm



delta
01-08-2008, 04:51 PM
Hoàng Cầm: Tôi đã làm đúng thiên chức thi sĩ của mình


Anh vừa trải qua mấy ngày thật hạnh phúc. Lễ mừng anh bước vào tuổi 80 như một dịp để ông Trời chứng tỏ rằng việc kết thúc "có hậu" cũng thường xảy ra cho những bi kịch ở đời. Con cháu thương, bạn bè yêu, người đọc ngưỡng mộ, nếu thiếu thì có lẽ chỉ còn thiếu một nàng "Anna" cụ thể để anh được"ngủ đằm bên gối" giống như ông Dos mà anh có chút ganh tị [1] . Nhưng ngược lại, có thể chính cái thiếu ấy mới cho anh tiếp tục làm thơ, những bài thơ tình mê đắm nhất của anh lại được viết ra ở tuổi 60 – 70. Cuộc đời nhuốm màu huyền thoại của người con sông Ðuống đã được báo chí khai thác nhiều lắm rồi (tuy mới chỉ nặng về những mối tình "chị em" này nọ). Vì vậy tôi chủ bụng: trong cuộc nhìn lại đời thơ của anh vào dịp "bát tuần khánh hạ" này chỉ tập trung vào những vấn đề của thơ anh và thơ Việt Nam mà anh tâm huyết...

Liệu anh có nghĩ là câu chuyện "nửa đêm có ai đọc cho mình những dòng thơ ấy, mình chỉ việc ghi ra" mà anh hay kể sẽ tạo nên một huyền thoại khiến lao động thơ bị thần bí hoá? Thực ra trong lịch sử thơ Việt Nam, hầu như chưa có tập thơ trữ tình nào có tính cách một "cuốn sách thơ" ("un livre de poèmes" chứ không phải "un recueil", tập họp ngẫu nhiên), như "Về Kinh Bắc": nó được thiết kế với 7 nhịp "tuần du", huy động tổng lực ký ức và tưởng tượng về một vùng văn hoá, "nhất khí" về cảm xúc và bút pháp. Nó làm ta nhớ đến tập "Cante Hondo" của F. G. Lorca cảm hứng trên nền dân ca Andalusia Tây Ban Nha. Một tập thơ như vậy phải có "nhiều mùi dầu đèn" lắm chứ?

Hoàng Cầm: "Về Kinh Bắc" ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, tôi như xa lìa thế giới thực tại để chìm đắm rất sâu vào kỷ niệm quê hương, kỷ niệm thời thơ ấu... Tôi viết cả tập thơ trong vòng hơn năm tháng, bắt đầu trước Tết năm Canh Tý tức là cuối 1959 đầu 1960. Vợ tôi rất hiểu nỗi băn khoăn sáng tạo của chồng, trong cảnh nghèo túng khổ sở bà ấy vẫn tạo mọi điều kiện cho tôi hoàn toàn rảnh rang, không có một người vợ như thế chưa chắc tôi đã làm xong tập thơ. Nhiều đêm tôi thức trắng, và trong những lúc ấy, quả thật đôi khi như có giọng người nữ nào đọc lên những câu thơ, đặc biệt là bài "Lá diêu bông". Nhưng đó chẳng qua vì khi mình sống hoàn toàn với những gì đã ăn sâu nhất vào lòng mình, đã biến thành tế bào của mình thì tự nhiên nó bật ra. Nhìn chung thì lao động cả tập "Về Kinh Bắc" khổ lắm chứ, có khi cả đêm loay hoay với một bài, cân nhắc từng chữ từng câu, cân nhắc sự phối hợp ý trước ý sau, câu trước câu sau, cân nhắc hiệu quả của nhịp điệu, âm hưởng. Như bài "Tam cúc", câu kết của nó đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn. Lúc đầu tôi viết: "Một chiếc xe đen đi chân trời". Thời gian sau tôi bỗng nghĩ: câu thơ này sẽ vận vào mình, thế này thì khác gì một cái xe tang đưa xác mình? Thế là tôi suy nghĩ để tìm câu kết khác. "Em đứng nhìn theo em gọi đôi" thì lạc quan hơn, nó có chiều mở ra. Nhưng cho đến nay vẫn có những bạn làm thơ và kể cả sinh viên bảo vệ câu thơ cũ của tôi, cho là hay hơn, ám ảnh hơn. Vì vậy trong một lần xuất bản tôi phải chú thích: Bài này còn một câu kết khác: Một chiếc xe đen... tác giả phân vân, còn tùy độc giả chọn.

Ba bài "Cây, lá, quả" (Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi) có số mệnh thật lạ lùng. Ðược hoặc bị coi là có tư tưởng chính trị này khác, nên nơi thì đày đoạ nơi thì tôn xưng. Sau đó có lần anh công khai cải chính đó chỉ là những bài thơ tình thuần túy không hàm ý gì khác. Bây giờ xã hội đã cởi mở, vào tuổi chẳng còn gì phải "nhìn trước nhìn sau", anh có thể có "một phút nói thật" về những bài này?

Hoàng Cầm: Chân lý chung của thơ là tổng hợp tất cả mọi sinh hoạt của xã hội, của cá nhân, của một chế độ nữa vào người mình rồi thoát ra bằng thơ. Ở nước ta cái gì cũng là chính trị. Không thể nói là trong mấy bài ấy không có đời sống chính trị. Người ta nói những bài thơ ấy là "biểu tượng hai mặt", hay ba mặt cũng đúng, có điều mình không có chủ định, do cảm xúc bị dồn nén mà vọt ra thôi. Bảo là ám chỉ chính trị cũng đúng, bảo là tâm trạng của người bị đè nén đau khổ mất mát cũng đúng, hoặc bảo là một mối tình tuyệt vọng cũng đúng. Khi thơ thật chân thành với chính mình, và làm bằng lao động hết sức nghiêm chỉnh để từng chữ, từng chữ loé ra một cái gì, tất nhiên nó mang rất nhiều ý nghĩa.

"Về Kinh Bắc" có một thi pháp rất riêng, khác hẳn trào lưu chung, mặc dù ai cũng thấy là nó lấy chất liệu từ văn hoá Kinh Bắc. "Bên kia sông Ðuống" cũng là Kinh Bắc, nhưng "Về Kinh Bắc" đã ở một tầng khác. Trong khi làm, anh có quan tâm đến vấn đề thi pháp "mới, cũ"? Anh có ảnh hưởng ở thơ Pháp sau chủ nghĩa lãng mạn? Lúc ấy những người bạn cùng số phận với anh như Trần Dần, Lê Ðạt, Ðặng Ðình Hưng đều có quyết tâm cách tân thi pháp, Trần Dần thường nói "phải chôn tiền chiến", anh có nghĩ như các ông ấy?

Hoàng Cầm: Khi viết "Về Kinh Bắc" tôi không hề có ý định cách tân gì hết, mà chỉ viết trung thực với tâm hồn mình. Tâm hồn tôi lúc bấy giờ khác hẳn thời kỳ "Bên kia sông Ðuống", cũng là kỷ niệm quê hương, nhưng chìm sâu trong ẩn ức. Tôi không thấy mình ảnh hưởng trường phái thơ nào, nhưng từ trước tôi đọc khá nhiều thơ Pháp và thơ các nước dịch qua tiếng Pháp. Sau này ngẫm nghĩ thì thấy mình có ảnh hưởng của Rimbaud, Verlaine, Mallarmé, Bréton, các nhà thơ tượng trưng và siêu thực. Cùng năm 1959, không ai bảo ai, cả Trần Dần, Lê Ðạt, Ðặng Ðình Hưng, đều chìm đắm vào sáng tác, và cũng không ai bảo ai, cùng hướng vào một hướng là phải đổi mới thơ đi, cứ "Tự lực văn đoàn" mãi thì khổ lắm, cứ làm theo những giọng Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, nhất là Nguyễn Bính, kéo dài quá, thế thì giết chết nền thơ mất. Tôi cho là những nỗ lực của các anh ấy trong giai đoạn ấy thực sự có giá trị. Riêng tôi, tôi rất chăm chú về thi pháp, tôi không chịu theo một thi pháp cũ. "Bên kia sông Ðuống" vẫn còn nhiều vương vấn cái cũ, khi làm "Về Kinh Bắc" tôi cố thoát cái cũ đi, ngay cả bài "Lá diêu bông" dù là viết ra một mạch từ đầu đến cuối như có người đọc cho, nhưng sau đó tôi vẫn xem lại xem có vương vấn cái cũ không, nếu có là tôi bỏ.

Trước "Về Kinh Bắc", anh có những tác phẩm nào có thể coi là "sự kiện"?

Hoàng Cầm: Ðầu tiên là vở kịch thơ "Kiều Loan" mình viết lúc 20 tuổi (1941 – 1942) ở Bắc Giang. Ðịnh diễn ở đó, nhưng chánh xứ Pháp Luciani xoá gần hết kịch bản vì cho rằng có hàm ý chống chính phủ bảo hộ, đưa về Hà Nội thì Cousseau chủ nhiệm Phòng Thông tin Tuyên truyền Báo chí của Phủ Thống sứ dùng chì đỏ xoá bốn màn. Mãi đến năm 1946, trong không khí tưng bừng cách mạng, vở kịch mới ra mắt được. Nhưng chỉ diễn đúng một đêm ở Nhà hát Lớn thì giặc Pháp khiêu khích, thế là phải đem về diễn ở mấy làng Phù Lưu, Ðình Bảng, Ðông Hồ bên Bắc Ninh. Trong kháng chiến chống Pháp, hai bài "Bên kia sông Ðuống" và "Giữ lấy tuổi trẻ" rất được chiến sĩ yêu thích. Riêng bài "Giữ lấy tuổi trẻ" có kỷ niệm đặc biệt với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Nguyên bài thơ ấy được in trên tờ báo Quân Ðội Nhân Dân số đặc biệt phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ, do Trần Dần và Từ Bích Hoàng phụ trách, nhưng ký tên là "em Vân", vì bài thơ là lời một cô gái vùng tạm chiếm bị địch làm nhục, gửi thư cho các chiến sĩ xin các anh trả thù. Tướng Giáp đọc rất xúc động, hỏi ông Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lê Quang Ðạo ai là tác giả bài thơ. Ông Ðạo trả lời: đó là thơ quần chúng. Tướng Giáp không chịu, nói chắc chắn phải là nhà thơ chuyên nghiệp, và sẵn sàng đánh cược đó là Hoàng Cầm. Sau việc ấy, tôi được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng 2, những buổi liên hoan có mặt tướng Gíap là ông đòi tôi ngâm bài "Giữ lấy tuổi trẻ".

Anh là một trong số không nhiều nhà thơ thuộc loại rất được lòng quần chúng. Hình như các bạn thơ của anh cũng coi anh là nhà thơ "polulaire" theo ý không cao lắm. Quả thực có những bài của anh như "Ðêm liên hoan", "Giữ lấy tuổi trẻ" rất phổ biến một thời nhưng giá trị không thực sự lâu bền. Trong khi đó, các bạn thơ của anh không may mắn thế. Các lối thơ "cách tân" của họ rất khó vào ngay cả làng thơ chứ đừng nói công chúng. Vậy sự "may mắn" của anh, anh thấy nó có lợi gì thực sự cho thơ mình?

Hoàng Cầm: Tôi thấy khi mình bị dồn nén, chèn ép hoặc thế nào đó khiến mình phải tự lấy hết sức chống chọi thì khi ấy thơ được lợi hơn, còn sự chào đón, ngưỡng mộ thì làm cho mình hạnh phúc, tự hào, thấy đời đáng sống, chứ hầu như không lợi cho thơ. Tất nhiên nhà thơ cũng là con người, chẳng ai muốn bị khổ sở, nhưng nhiều khi những cái làm cho mình thiệt thòi, đau khổ lại làm tốt cho thơ mình.

Phải ba mươi năm sau,"Về Kinh Bắc" và những tập thơ cách tân của nhóm các anh mới được biết đến rộng rãi nhờ "đổi mới". Mười năm đổi mới cũng xuất hiện một thế hệ thơ mới, theo anh thế hệ này có đóng góp được gì cho sự tiến lên của thơ Việt Nam không?

Hoàng Cầm: Thế hệ mà độ tuổi đã chững chạc vào cuối những năm 80 có ghi được một vài cái mới... Thế hệ thực sự của thời đổi mới, sinh ra từ ngày thống nhất đất nước, bắt đầu có những cái mới rất đáng khích lệ, mới thật sự chứ không phải giả tạo, mới trong cách biểu hiện, ngôn ngữ, trong nhịp điệu, hình tượng... Nó là những cái mầm, trắng nõn hoặc xanh non, hoặc hồng hồng, khá là đẹp mắt. Không ít đâu, rất đáng mừng, nhưng chỉ cần một trận mưa to là mất thôi. Rất tiếc là thiếu những "bà đỡ", thiếu người bảo vệ, thật là vô cùng thiệt thòi cho họ. Hồi trước, khi Ðặng Ðình Hưng mới viết được bài thơ "Cửa Ô", chính Trần Dần, người làm thơ đi trước, với tình bạn chân thành đã chỉ ra cho Hưng chỗ hay, chỗ dở, chỗ mới, chỗ cũ. Hưng theo chỉ dẫn ấy mà thành một tác giả rất độc đáo. Tóm lại phê bình phải là người bạn đồng hành với những gì mới manh nha, làm người bạn của tác giả, giúp cho tác giả tự phát hiện mình thêm mà tiếp tục hoàn thiện trên con đường mới. Tiếc rằng đời sống văn học của ta không có được điều ấy.

Nói đến phê bình, người trong nghề dễ nhận ra sự lúng túng của các nhà phê bình trước những hiện tượng thơ mới. Phải chăng lâu nay lý luận về thi pháp thơ đã quá lạc hậu, kiến thức và thói quen cảm nhận thơ của các nhà phê bình quá cũ?

Hoàng Cầm: Có phần đúng. Có một nhà phê bình nổi tiếng thú thật với tôi là ông không đủ điều kiện để đánh giá cái mới trong thơ. Ngay tập "Về Kinh Bắc" viết từ 40 năm trước, sinh viên bây giờ đọc thấy thích lắm nhưng đề nghị thầy phân tích rõ cái hay của nó thì thầy chịu! Một số vị có thiện chí tìm hiểu, cố vượt qua cái ngưỡng "Bielinski" [2] , nhưng họ cũng nhiều tuổi quá rồi, lực bất tòng tâm. Một số nhà phê bình còn trẻ như Ðỗ Minh Tuấn, Phạm Xuân Nguyên, Ðỗ Lai Thúy... rất thành tâm nghiên cứu nhưng họ chưa làm việc được bao nhiêu, mà đã có cái gì đó khiến họ như co lại. Cả một nền thơ đang sôi nổi, vận động mà không có cơ chế thẩm định, hướng dẫn đáng tin cậy, đó là điều phải nói là đau xót chứ không chỉ là đáng buồn nữa. Tờ báo Văn Nghệ thì không nêu lên những vấn đề của thơ, một tờ báo riêng cho thơ thì bàn mãi rồi mà không ra được, thế thì làm sao được kia chứ [3] ?

Nhìn lại một đời thơ của mình ở tuổi 80, anh có thể tóm tắt cái vui cái buồn của nó trong vài câu được không?

Hoàng Cầm: Ðời thơ của tôi, kể từ năm tôi 14 tuổi cho đến nay, nếu nói về thiên chức của một người được trời phú cho làm thi sĩ thì tôi cũng tự hào là mình đã làm đúng. Còn với hoài bão của mình thì tôi chưa thoả mãn. Lúc tôi sung sức thì bị hoàn cảnh hạn chế nhiều thứ. Mươi năm lại đây, đất nước đổi mới, bao nhiêu vấn đề đặt ra cho người làm thơ, tôi cảm thấy mình có những rung động mãnh liệt còn hơn ngày trước. Vậy mà tôi già mất rồi, sức lực không cho phép nữa. Tôi tiếc lắm.

Mới năm năm trước, anh còn có thể ngồi "Suzuki tống ba" chạy một vòng Kinh Bắc "đóng phim". Năm nay có xe hơi rước mà anh cũng phải lỗi hẹn với anh em chuyến về làng quan họ. Nhưng nói đến chuyện thơ thì anh vẫn sang sảng, say sưa như không biết mệt. Vậy chắc chắn anh còn ôm ấp những dự định về thơ.

Hoàng Cầm: Về sáng tác thì mặc dù tự biết đã đuối sức, nhưng khi một ý thơ, một tứ thơ đến, mình vẫn phải cố gắng theo đuổi nó để ra được bài thơ. Mình còn muốn tự đặt cho mình một nhiệm vụ: khi thấy loé lên những tia tốt đẹp trong thơ của anh em trẻ, mình phải viết để bảo vệ, để họ vững lòng đi theo hướng của họ. Mình không biết như thế có tác dụng gì không, nhưng ít ra mình cứ làm theo cái lòng thành của mình. Mình sắp tập họp những bài thơ làm từ 1995 đến nay mà chưa in, để in thành tập, độ 50 bài, trong đó có những bài thể nghiệm về thi pháp, có thể người hoan nghênh người đả đảo, song chuyện đó mình không quan tâm.

Xin chúc anh vẫn đủ sức để còn nghe được tiếng "chị Thơ"sai đi tìm chiếc "lá diêu bông" của vĩnh cửu.

delta
01-08-2008, 04:54 PM
Anh đi và em đi
:love1:
Hoàng Cầm

Anh đi về phía không em
Em đi về phía dài thêm bão bùng
Anh đi sắp đến vô cùng
Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi

Bảy mươi đứng phía ngoẹn cười
Tám mươi đứng khóc nẻo đời chưa khô
Trăm năm nhào quyện hư vô
Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn.

:rose4:

delta
01-08-2008, 04:56 PM
Bao Giờ Nói Hết
:love1:
Hoàng Cầm

Dẫu anh biết diêu bông không thực
Sao diêu bông cứ thức hồn em
Cứ sao băng mãi đường đêm
Cứ trăng lên đậu cành mềm xuân quê
Cứ lơi áo cởi trưa hè
ngực trần vỗ yếm gọi về tuổi hoa
Cứ hương thiên lý đường xa
Cứ lưng chừng đợi ngọc ngà hồ ly
Cứ môi hôn yên chi chụm cánh
dẫn anh về chuốt mảnh chiếu gon
Hương nhu xoải tóc lưng tròn
cái đêm hôm ấy mắt mòn men tê

Diêu bông gọi mãi không về
Cứ ngồi canh một giấc mê mặn nồng
Lá - em tuyệt sắc thành không
Tòa sen tỏa rọi bềnh bông kiếp người
Gọi đôi dế hát đôi hồi
Nhớ con bướm trắng dập vùi mà thương
Chuyện đời ư? - Vạn nẻo đường
Cứ lang thang mãi biết phương nào về
Ùn ùn phố phố xe xe
Cứ trông lốc bụi cứ nghe thét gào
Chợt nhìn hẻm hẹp xi xao
Ai vui đã cất cánh vào hư vô
Ai buồn mà hát líu lo
Chớm say ai tỉnh đúng giờ hóa thân

Diêu bông biệt chẳng cần em tiễn
Cứ chập chờn ẩn hiện tháng năm
Sao - em trằn trọc nỗi nằm
Một pho cẩm thạch ôm chằm trắng đêm
Xuân Hương gọi tên em mờ tỏ
Càng long đong phận nhỏ vành khuyên
Tầm cao thánh giá thánh hiền
Em dang tay đứng lâu bền đợi anh

Khổng phu tử muốn thành em bé
Thả diều bay Kinh Lễ Kinh Thư
Hoãn vần thơ nhé Nguyễn Du!
Nghe hồn rêu đá vọng phu ngút rừng

Diêu bông dẫu tận cùng chuyện kể
Cũng không bằng con trẻ nghêu ngao
Rằng... xưa... ai biết vì sao
Lá gì lại gọi thế nào...
Diêu bông...!
(H.C)


:rose4:

delta
01-08-2008, 04:57 PM
Bên Kia Sông Đuống
:love1:
Hoàng Cầm

Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm đồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu ?

Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng
mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em xột xoạt quần nâu
Bây giờ đi đâu ? Về đâu ?

Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Tràm chỉ người dăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu ? Về đâu ?

Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu ?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu díu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh

Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn

Đêm buông xuống dòng sông Đuống
-- Con là ai ? -- Con ở đâu về ?

Hé một cánh liếp
-- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
"À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù"
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
"Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu..."

Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời


Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

-- Việt Bắc, tháng 4, 1948


:rose4:

delta
01-08-2008, 04:59 PM
Cây Tam Cúc
:love1:
Hoàng Cầm

Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây!
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

Đứa được
chinh truyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em

Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen, nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị
võng mây trôi
Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi.

:rose4:

delta
01-08-2008, 05:00 PM
Chuyện Lâu Rồi
:love1:
Hoàng Cầm

Lần thứ nhất gặp anh, em nói:
-Chỉ xin làm em gái của anh

Lần thứ hai gặp em, anh nói:
-Muốn xin em làm vợ của anh

Lần trước, anh cười chẳng nói
Lần sau, em cười quay đi

Hôm nay
Họ xa nhau từ lâu
Còn lại tiếng mưa ngâu
Gõ nhịp giọt phanh thềm đêm vắng
Và một dòng thơ
trang trải nợ ban đầu

:rose4:

delta
01-08-2008, 05:31 PM
Chuyện Trăm Năm
:love1:
Hoàng Cầm

Tặng Trịnh Công Sơn

Anh đứng đây là đâu
Em cười như lá mỏng
Khép cửa vào chiêm bao
Anh đứng đây là đâu
Em nói như gió nghẹn
Chiều nghiêng mây Thị Mầu

Anh đứng đây là đâu
Em nhìn như mưa trắng
Năm năm bay ngang đầu

Anh đứng đây là Em.

-- Sài Gòn, 1985

:rose4:

delta
01-08-2008, 05:32 PM
Cỏ Bồng Thi
:love1:
Hoàng Cầm

Chị đưa Em đến bến này
Cheo leo mỏm đá

Trước vực
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Tua khăn buông còn buộc búp hoa lan


Ù ù gió thổi
Em vọng ai đâu mà hóa đá


Không trói mà không đi
không canh gà
không thu không
Mắt không mở
đừng khép
Kìa dây muốn dại kín Em rồi


Lắc đầu hoa tím rụng
ngó rừng xanh Em hỏi ngọn nguồn


Biết rồi
Thôi

nghe hoa tím hát

Ngày mười bảy tuổi
Chót chơi đố cỏ Bồng Thi
Cỏ Bồng Thi phải cheo leo mỏm đá
Ù ù gió thổi
Không canh gà
Không thu không

:rose4: