PDA

View Full Version : B - Ba dấu hiệu của thời đại ân sủng



Dan Lee
01-09-2008, 07:23 AM
BA DẤU HIỆU CỦA THỜI ĐẠI ÂN SỦNG


Mt 3,13-17

Ở đời, khi người ta dựng vợ gã chồng cho con cái thường chọn nơi môn đăng hộ đối; khi chọn bạn mà chơi thì cũng chọn người hiền, bình thường ai cũng chọn cái tốt cái hay, không ai lại chọn cái xấu cái dở bao giờ.

Thiên Chúa là Đấng Thánh, nếu Người vào đời mà liên đới với những bậc Thánh Hiền, với những Người Công Chính thì chẳng ai phản đối. Nhưng không, Chúa Giêsu đã gắn bó thân phận mình với loài người tội lỗi.Trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ thật lạ lùng là Người tới bên bờ sông Giođan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa thì chúng ta hiểu được, vì mọi người đều có tội, nên đã phải thú tội để biểu lộ lòng hoán cải và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu, Người là Đấng vô tội, là Đấng Thánh, vì thế Gioan đã thốt lên: “Chính tôi cần phải được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Gioan bối rối khước từ, bởi lẽ Đấng mà ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy, Đấng ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa, thế nhưng Người đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,17).

Gioan đã kêu gọi dân chúng chịu phép rửa “để tỏ lòng sám hối và được ơn tha tội”.Chúa Giêsu là Đấng Thánh, Người không có tội gì để mà sám hối và Người cũng chẳng cần đến ơn tha tội. Vậy nếu Chúa Giêsu chịu phép rửa là chính bởi vì Ngài muốn dấn thân nhập cuộc liên đới với nhân loại, Người muốn đi tới cùng, chấp nhận mang vào thân kiếp người tội lỗi cần được thanh tẩy và đổi mới. Thánh Phêrô đã viết trong thư thứ nhất thật sâu sắc “ tội lỗi của chúng ta, Người đã mang lấy vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24). Chúa Giêsu không chỉ tha tội, xoá tội mà còn gánh lấy tội nhân loại, đem nó vào thân thể Người để biến đổi, gạn lọc, đổi mới thành hương thơm sắc đẹp. Người đã biến đổi ngay chính trong bản thân mình tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở nên thánh đức.

Phép rửa mà hôm nay Chúa Giêsu lãnh nhận bởi tay Gioan Tẩy Giả chỉ là một hình ảnh báo trước phép rửa hoàn hảo và tuyệt đối hơn vì nó có khả năng tái sinh đổi mới con người. Khi chịu phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu đã công khai liên đới thân phận mình là Thiên Chúa, là Đấng Thánh với thân phận con người tội lỗi. Người không bao giờ phạm tội, Người không vướng một vết nhơ tội lỗi nào, nhưng đã không ngần ngại đến sống giữa nhân loại tội lỗi, đồng hành, đồng bàn ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi.

Kẻ tội lỗi là kẻ đáng ghét, không ai thương người đáng ghét, nhưng Chúa Giêsu lại thương người tội lỗi, vì đối với Chúa kẻ tội lỗi đáng ghét nên đáng thương, đáng được chữa lành. Chúa Giêsu ghét tội lỗi nhưng lại thương tội nhân, Người đã hoà mình sống giữa họ, chia sẽ thân phận với họ rồi laị chia sẽ cho họ niềm vui được làm con cái Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người. Những Giakêu, Lêvi, Mađalêna, người phụ nữ Samaria bên giếng Giacop đã được Người hoán cải đổi đời. Đó là một thái độ, một lập trường đi ngược với quan niệm thông thường của tôn giáo cũng như người đời.

Tôn giáo thì luôn tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục. Người ta luôn tôn kính các bậc thánh hiền, ông thánh này bà thánh nọ, ghét bỏ người tội lỗi. Còn Chúa Giêsu thì coi việc đến với người tội lỗi là sứ mạng của Người vì Người quan niệm rằng “người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc, người ốm đau mới cần”. Bởi đó, Người đã nói: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Nhưng Chúa Giêsu không đứng ngoài hay đứng trên để kêu gọi sám hối mà người muốn cùng họ sám hối như thể thực sự Người cũng là một kẻ tội lỗi cần hoán cải. Do đó, Người đã xin chịu phép rửa của Gioan.

Nói theo Lão Tử, người sống 500 năm trước Chúa Giáng Sinh, thì việc làm của Chúa Giêsu khi chấp nhận dìm mình trong dòng nước sông Giođan chính là thực hiện lý tưởng “đồng kỳ trần” ( toả kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hoà kỳ quang, đồng kỳ trần; nghĩa là làm bớt chỗ bén nhọn, bỏ phân chia, hoà ánh sáng, đồng bụi bặm. {Đạo đức kinh IV,2; LVI,2}. Ý nói: nếu muốn hoà giải, hoà hợp với người khác thì phải bỏ óc kỳ thị phân chia, giảm bớt những gì là sắc bén nơi mình có thể gây nguy hại cho người khác, hoà cái sáng của mình với cái sáng của tha nhân, và cũng chia sẽ thân phận ‘bụi bặm” với người ta. Nói tóm lại là đừng nghĩ mình hơn người mà xa cách kỳ thị, nhưng phải thấy được cái sáng của người, đồng thời cũng thấy được cái bụi bặm nơi mình. Trích dẫn theo: Trái chín đầu mùa,trang 133. Lm Thiện Cẩm).

Trước sự hạ mình thẳm sâu của Đức Giêsu, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng việc sai phái Thánh Thần hiện xuống và bằng lời tuyen bố: Đây là con Ta yêu dấu.

Ba dấu hiệu mà Phúc âm nêu lên không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.

- Dấu hiệu 1: Trời mở ra.

Sách Sáng thế đã nói: Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại ( St 3,23-24). Qua biết bao thế kỷ, Dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” ( Is 64,1). Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh kính ngụ ý là con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.

- Dấu hiệu 2: Thánh thần ngự xuống như chim bồ câu.

Sách Sáng Thế có nói: Trước khi tạo dựng trời đất, thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St1,2) như để thông truyền sức sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu thì ngụ ý: Đức Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới. Chính Thánh Phaolô xác định: “ Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tasọ vật mới” (Gal 6,15)

- Dấu hiệu 3: Lời của Chúa Cha: ” Con là con yêu dấu của Ta…”.

Qua lời tuyên bố này chúng ta nhận biết Đức Giêsu là con thật của Thiên Chúa, và sau này Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết: những ai tin vào Ngươì và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tới ân huệ cao trọng mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta nhờ Phép rửa của Người. Phép Rửa tội là cửa đưa chúng ta vào sự sống mới, vào Nước trời. Đó là bí tích đầu tiên của luật mới. Đó cũng là bí tích Chúa đã trao lại cho Giáo hội cùng với Tin mừng khi Người truyền cho các Tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28,19). Vì the, Thánh Tẩy là bí tích của đức tin, làm cho loài người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa và được ơn làm nghĩa tử, khởi đầu cuộc sống mới trong Đức Kiô. Do vậy, trong nghi thức tiếp nhận, Giáo hội luôn hỏi người dự tòng: “Con xin gì cùng Hội Thánh ?”. “Thưa, con xin đức tin”. “Đức tin mang lại điều gì cho con ? ”. “ Thưa, sự sống đời đời”. Và trước khi nhận bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng xác nhận công khai từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin trước mặt cộng đoàn.

Người Kitô hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa, đi vào đời sống hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Ý thức ân huệ cao trọng này để mỗi người chúng ta xây dựng đền thờ tâm hồn mình xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị bằng một đời sống công chính, đạo đức, trong sạch.
LM. Giuse Nguyễn Hữu An