delta
01-09-2008, 04:37 PM
Chủ nghĩa hiện thực và nhạc Việt
Không biết từ bao giờ, nhiều người có thói quen tìm kiếm những nét tiểu sử của người viết ca khúc qua ca từ, để rồi đinh ninh rằng những gì mà ca khúc gia viết là sự kiện có thực trong đời họ, rằng nếu họ viết về nỗi thất tình có nghĩa là họ đã hoặc đang thất tình, nếu ca từ nồng nàn có nghĩa là họ cũng đã hoặc đang rơi vào một cuộc tình nồng nàn.
Cách nhìn hiện thực chủ nghĩa đơn giản ấy khiến việc tiếp nhận thông điệp thẩm mỹ của tác phẩm âm nhạc bị trói gọn vào các suy diễn kỳ cục, giống như để tả một miếng bíp-tếch cháy xèo xèo trên chảo rán thì nhà văn cũng phải nhảy vào chiếc chảo nóng. Nhạc sĩ cần cảm xúc để viết tác phẩm cũng như cần đời sống thực tế để có cảm xúc, nhưng đời sống thực tế chỉ tạo ra những cảm xúc ban đầu mà nhạc sĩ phải “chế biến” chúng qua lăng kính thế giới nội tâm của mình, rồi từ đó cảm xúc được thăng hoa thành tác phẩm. Thực tế đời sống có ý nghĩa rất hạn hẹp, nó chỉ là những nguyên liệu thô, như những thanh củi dùng để tạo ra ngọn lửa. Dĩ nhiên, có thể nhìn ngọn lửa để biết loại nhiên liệu nào đã được sử dụng để đốt, nhưng đây lại là một nghệ thuật khác - nghệ thuật phê bình. Và không phải ai cũng có khả năng phê bình, có khả năng phác hoạ diện mạo tâm hồn tác giả qua tác phẩm.
Thông thường, thính giả nghe ca khúc và cảm nhận vẻ đẹp của tác phẩm từ giai điệu, hoà âm, tiết tấu … và nhất là từ ca từ. Việc nghe ca từ để rồi bị lệ thuộc vào nội dung ca từ chỉ chứng tỏ rằng chúng ta có tai thẩm âm “nguyên thuỷ”, quen nghe kể chuyện và nương cảm xúc vào nội dung, vào tình tiết câu chuyện. Những ca khúc kiểu “Ngày xưa, có …” là thuộc về thời xa xưa, khi các nghệ nhân dân gian dùng âm nhạc để rao truyền những bài học lịch sử, phổ biến kinh nghiệm sống, tri thức sản xuất canh tác và những ngụ ngôn đạo đức. Khi ấy, ngôn ngữ đóng vai trò chủ đạo chứ không phải âm nhạc. Giai điệu hay nhịp tiết chỉ trợ giúp trí nhớ, miễn là người nghe cảm được và nhất là hiểu được những gì được chuyển tải qua ngôn ngữ.
Lịch sử văn hoá dần dần tách âm nhạc ra khỏi ngôn từ để trở về với chức năng ban đầu của nó là chuyển tải các thông điệp thẩm mỹ bằng âm thanh, không cần phải nương tựa vào ngôn ngữ, cũng như không phải đóng vai trò “trợ lý” cho ngôn ngữ. Khí nhạc là nghệ thuật âm thanh “thuần tuý”, tách khỏi tư duy ngôn ngữ. Nhưng trong đời sống âm nhạc của chúng ta hiện nay, ca khúc vẫn đóng vai trò chủ đạo, nghĩa là tuyệt đại đa số thính giả vẫn thưởng thức âm nhạc cùng với ngôn ngữ, và một phần rất lớn trong đó tiếp tục thưởng thức âm nhạc bằng ngôn ngữ, qua ngôn ngữ.
Tình trạng này, cùng với hệ thẩm mỹ hiện thực chủ nghĩa, khiến các chuyện kể, các tuồng tích, các trạng thái “tâm lý nhân vật” còn thao túng thẩm mỹ âm nhạc và biến ca khúc thành những một kiểu “hát thơ”. Ngay cả thứ thơ để hát lên trong ca khúc cũng phổ biến là loại thơ có tích truyện, có nhân vật hay ít nhất là có “anh anh em em”. Một số ca khúc hiện đại, hoặc ca khúc Trịnh Công Sơn chẳng hạn, là một bước tiến so với tình trạng tích truyện, khi ca từ trong ca khúc chỉ là những tâm trạng “trên trời rơi xuống”, những cảm xúc mơ hồ, những hình ảnh ấn tượng chủ nghĩa … Nhưng công chúng thưởng thức loại ca khúc này lại rơi vào một trói buộc khác. Khi cảm nhận một thông điệp thẩm mỹ mơ hồ, không có tích truyện, người nghe vẫn bị lệ thuộc vào vẻ đẹp ngôn từ. Do đó, bước tiến mới này về thẩm mỹ chỉ là bước tiến của thơ chứ không phải của âm nhạc.
Ngay cả khi tiếp nhận vẻ đẹp mơ hồ của hình ảnh, của ngôn ngữ trong ca từ, nhiều người nghe vẫn bảo lưu thói quen cũ là cố gắng hiểu lời ca, đồng thời cố gắng dàn dựng cho lời ca một nội dung có lớp lang và có nhân vật, cố gắng làm “sáng tỏ” nội dung bằng một câu chuyện nào đó theo suy diễn chủ quan của mình. Cùng với việc “cụ thể hoá” những cảm xúc chật chội thu hoạch được qua ca từ, người nghe còn kết hợp nội dung các bài hát đã được “cụ thể hoá” với những giai thoại về đời tư của nhạc sĩ hay ca sĩ, những chuyện ngồi lê đôi mách, những scandal giật gân mà báo chí và dư luận luôn tận lực khai thác để tạo ra các “huyền thoại”, các thực phẩm văn hoá hạ cấp.
Sa vào bãi lầy của chủ nghĩa hiện thực thô thiển và thói quen “buôn chuyện” của công chúng, ca khúc Việt cứ loay hoay với mớ ca từ hoặc sáo rỗng hoặc trần trụi. Nó tự gánh lấy nhiệm vụ cung ứng những món ăn hàng ngày cho một lớp công chúng ưa “buôn chuyện” và hy vọng nhận lại sự tán thưởng từ lớp công chúng, tiếc thay, khá đông đảo này. Hơn thế, nó còn cảm thấy tự hào là đã phản ánh đời sống một cách trung thực, khách quan, và đang dựng lên những mẫu hình “vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc”. Cứ thế, các chuyện kể “đời mới” được khoác vỏ hoà âm tiết tấu hiện đại nhập cảng từ bên ngoài, tạo ra không ít những “thành tựu” có thể gọi là “rượu đế Gò Đen đóng chai Johnnie Walker”.
Không có những hoạt động lý luận phê bình đúng nghĩa và không có những tri thức mỹ học âm nhạc hiện đại, ca khúc Việt còn sa lầy lâu trong tình trạng trì trệ mà vẫn tưởng là đang … phát triển. Và hy vọng về đời sống khí nhạc Việt - thứ âm nhạc bị gọi là “bác học” - vẫn là một viễn ảnh tương lai xa vời.
Thiên Lang
:idea:
Không biết từ bao giờ, nhiều người có thói quen tìm kiếm những nét tiểu sử của người viết ca khúc qua ca từ, để rồi đinh ninh rằng những gì mà ca khúc gia viết là sự kiện có thực trong đời họ, rằng nếu họ viết về nỗi thất tình có nghĩa là họ đã hoặc đang thất tình, nếu ca từ nồng nàn có nghĩa là họ cũng đã hoặc đang rơi vào một cuộc tình nồng nàn.
Cách nhìn hiện thực chủ nghĩa đơn giản ấy khiến việc tiếp nhận thông điệp thẩm mỹ của tác phẩm âm nhạc bị trói gọn vào các suy diễn kỳ cục, giống như để tả một miếng bíp-tếch cháy xèo xèo trên chảo rán thì nhà văn cũng phải nhảy vào chiếc chảo nóng. Nhạc sĩ cần cảm xúc để viết tác phẩm cũng như cần đời sống thực tế để có cảm xúc, nhưng đời sống thực tế chỉ tạo ra những cảm xúc ban đầu mà nhạc sĩ phải “chế biến” chúng qua lăng kính thế giới nội tâm của mình, rồi từ đó cảm xúc được thăng hoa thành tác phẩm. Thực tế đời sống có ý nghĩa rất hạn hẹp, nó chỉ là những nguyên liệu thô, như những thanh củi dùng để tạo ra ngọn lửa. Dĩ nhiên, có thể nhìn ngọn lửa để biết loại nhiên liệu nào đã được sử dụng để đốt, nhưng đây lại là một nghệ thuật khác - nghệ thuật phê bình. Và không phải ai cũng có khả năng phê bình, có khả năng phác hoạ diện mạo tâm hồn tác giả qua tác phẩm.
Thông thường, thính giả nghe ca khúc và cảm nhận vẻ đẹp của tác phẩm từ giai điệu, hoà âm, tiết tấu … và nhất là từ ca từ. Việc nghe ca từ để rồi bị lệ thuộc vào nội dung ca từ chỉ chứng tỏ rằng chúng ta có tai thẩm âm “nguyên thuỷ”, quen nghe kể chuyện và nương cảm xúc vào nội dung, vào tình tiết câu chuyện. Những ca khúc kiểu “Ngày xưa, có …” là thuộc về thời xa xưa, khi các nghệ nhân dân gian dùng âm nhạc để rao truyền những bài học lịch sử, phổ biến kinh nghiệm sống, tri thức sản xuất canh tác và những ngụ ngôn đạo đức. Khi ấy, ngôn ngữ đóng vai trò chủ đạo chứ không phải âm nhạc. Giai điệu hay nhịp tiết chỉ trợ giúp trí nhớ, miễn là người nghe cảm được và nhất là hiểu được những gì được chuyển tải qua ngôn ngữ.
Lịch sử văn hoá dần dần tách âm nhạc ra khỏi ngôn từ để trở về với chức năng ban đầu của nó là chuyển tải các thông điệp thẩm mỹ bằng âm thanh, không cần phải nương tựa vào ngôn ngữ, cũng như không phải đóng vai trò “trợ lý” cho ngôn ngữ. Khí nhạc là nghệ thuật âm thanh “thuần tuý”, tách khỏi tư duy ngôn ngữ. Nhưng trong đời sống âm nhạc của chúng ta hiện nay, ca khúc vẫn đóng vai trò chủ đạo, nghĩa là tuyệt đại đa số thính giả vẫn thưởng thức âm nhạc cùng với ngôn ngữ, và một phần rất lớn trong đó tiếp tục thưởng thức âm nhạc bằng ngôn ngữ, qua ngôn ngữ.
Tình trạng này, cùng với hệ thẩm mỹ hiện thực chủ nghĩa, khiến các chuyện kể, các tuồng tích, các trạng thái “tâm lý nhân vật” còn thao túng thẩm mỹ âm nhạc và biến ca khúc thành những một kiểu “hát thơ”. Ngay cả thứ thơ để hát lên trong ca khúc cũng phổ biến là loại thơ có tích truyện, có nhân vật hay ít nhất là có “anh anh em em”. Một số ca khúc hiện đại, hoặc ca khúc Trịnh Công Sơn chẳng hạn, là một bước tiến so với tình trạng tích truyện, khi ca từ trong ca khúc chỉ là những tâm trạng “trên trời rơi xuống”, những cảm xúc mơ hồ, những hình ảnh ấn tượng chủ nghĩa … Nhưng công chúng thưởng thức loại ca khúc này lại rơi vào một trói buộc khác. Khi cảm nhận một thông điệp thẩm mỹ mơ hồ, không có tích truyện, người nghe vẫn bị lệ thuộc vào vẻ đẹp ngôn từ. Do đó, bước tiến mới này về thẩm mỹ chỉ là bước tiến của thơ chứ không phải của âm nhạc.
Ngay cả khi tiếp nhận vẻ đẹp mơ hồ của hình ảnh, của ngôn ngữ trong ca từ, nhiều người nghe vẫn bảo lưu thói quen cũ là cố gắng hiểu lời ca, đồng thời cố gắng dàn dựng cho lời ca một nội dung có lớp lang và có nhân vật, cố gắng làm “sáng tỏ” nội dung bằng một câu chuyện nào đó theo suy diễn chủ quan của mình. Cùng với việc “cụ thể hoá” những cảm xúc chật chội thu hoạch được qua ca từ, người nghe còn kết hợp nội dung các bài hát đã được “cụ thể hoá” với những giai thoại về đời tư của nhạc sĩ hay ca sĩ, những chuyện ngồi lê đôi mách, những scandal giật gân mà báo chí và dư luận luôn tận lực khai thác để tạo ra các “huyền thoại”, các thực phẩm văn hoá hạ cấp.
Sa vào bãi lầy của chủ nghĩa hiện thực thô thiển và thói quen “buôn chuyện” của công chúng, ca khúc Việt cứ loay hoay với mớ ca từ hoặc sáo rỗng hoặc trần trụi. Nó tự gánh lấy nhiệm vụ cung ứng những món ăn hàng ngày cho một lớp công chúng ưa “buôn chuyện” và hy vọng nhận lại sự tán thưởng từ lớp công chúng, tiếc thay, khá đông đảo này. Hơn thế, nó còn cảm thấy tự hào là đã phản ánh đời sống một cách trung thực, khách quan, và đang dựng lên những mẫu hình “vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc”. Cứ thế, các chuyện kể “đời mới” được khoác vỏ hoà âm tiết tấu hiện đại nhập cảng từ bên ngoài, tạo ra không ít những “thành tựu” có thể gọi là “rượu đế Gò Đen đóng chai Johnnie Walker”.
Không có những hoạt động lý luận phê bình đúng nghĩa và không có những tri thức mỹ học âm nhạc hiện đại, ca khúc Việt còn sa lầy lâu trong tình trạng trì trệ mà vẫn tưởng là đang … phát triển. Và hy vọng về đời sống khí nhạc Việt - thứ âm nhạc bị gọi là “bác học” - vẫn là một viễn ảnh tương lai xa vời.
Thiên Lang
:idea: